Trang BVB1

Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

Nợ xấu VN: 'Mua rất dễ, xử lý rất khó'

Nhiều ý kiến tỏ ra hoài nghi về độ hiệu quả của VAMC
do số vốn ít ỏi của công ty này
Công ty Quản lý nợ xấu (VAMC) có thể mua lại nợ xấu rất dễ dàng từ các ngân hàng thương mại, nhưng khó có thể xử lý do khuôn khổ pháp lý hiện nay.
Nhận định trên được chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành đưa ra trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 22/1.
Ông cũng cho rằng các vấn đề về pháp lý cũng khiến việc bán nợ xấu trên thị trường mở không thể thực hiện vào lúc này.
BBC: Thưa ông, gần đây, Công ty Quản lý Nợ xấu (VAMC) thông báo đã mua lại được 123 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên lượng nợ xấu xử lý được chỉ vào khoảng 4 nghìn tỷ đồng. Sự khác biệt này cho chúng ta thấy điều gì?
Chuyên gia Tài chính Bùi Kiến Thành
Ông Bùi Kiến Thành: Quy chế hoạt động của VAMC thì không mua nợ xấu bằng tiền tươi, tiền thật mà trả bằng trái phiếu đặc biệt.
Các ngân hàng thương mại bán nợ xấu thì cầm trái phiếu đến Ngân hàng Nhà nước để vay tới mức 70% giá trị các trái phiếu để về có thanh khoản cho vay tiếp.
Các ngân hàng thương mại bán nợ xấu có trách nhiệm trích lập dự vòng 20% mỗi năm, trong 5 năm. Sau 5 năm họ có thể phải lấy lại các nợ xấu, chứ không phải VAMC bắt buộc phải tìm giải pháp thanh lý nợ xấu.
Việc mua bán không phải là dứt đoạn mà là VAMC tạm thời giữ nợ xấu đó, cố gắng thanh lý có thể được. Nếu không được thì sau 5 năm, các ngân hàng thương mại có nợ xấu phải lãnh nợ xấu trở về.
Đó là lý do vì sao mua rất nhiều mà xử lý rất ít.
Lý do khác là hiện giờ không có khung khổ pháp luật nào của Việt Nam để giải quyết vấn đề tài sản thế chấp cho các món vay nợ.
Ví dụ thế chấp bằng bất động sản thì VAMC hay các tổ chức tín dụng khác không bán để thu hồi vốn được do luật pháp về vấn đề đất đai, bất động sản không cho phép người chủ nợ được bán các bất động sản này một cách dễ dàng được do luật sở hữu đất đai ở Việt Nam không như các nước khác.
Trong khi đó, phần lớn các tài sản thế chấp của các khoản nợ lại là bất động sản. Ngoài ra còn có các tài sản thế chấp khác.
Nhưng quy định pháp luật của Việt Nam chưa hẳn đã cho phép chủ nợ chủ động bán được các tài sản thế chấp mà phải qua tòa án xét xử, phải chờ bao nhiêu tháng bao nhiêu năm đó để tòa xử xong mới thi hành án.
Trong thời gian đó thì doanh nghiệp có nợ xấu có còn ở đó hay không, hay đã đóng cửa mất rồi?
BBC: Đề xuất dùng ngân sách xử lý nợ xấu hồi năm ngoái, dù đã được rút lại, nhưng liệu có phải là dấu hiệu cho thấy bản thân Ngân hàng Nhà nước cũng không tin VAMC đang hoạt động hiệu quả, thưa ông?
Ông Bùi Kiến Thành: Dùng ngân sách nhà nước mà xử lý nợ xấu thì làm sao xử lý được.
Nợ xấu là các hợp đồng của ngân hàng cho doanh nghiệp vay và doanh nghiệp không trả nổi. Những hợp đồng đó có các tài sản thế chấp để ngân hàng có thể bán và thu hồi vốn.
Nhưng với khuôn khổ pháp lý hiện nay của Việt Nam không cho phép ngân hàng hay chủ nợ bán một cách đơn giản được. Nếu bất động sản thì luật về đất đai không cho phép bán như một món hàng. Bên cạnh đó các quy chế về vấn đề phá sản không cho phép chủ nợ phát mãi tài sản của người nợ. Vì vậy việc thu hồi vốn rất chậm.
Thế nên VAMC có mua bao nhiêu nợ xấu cũng để chờ đó thôi, chứ xử lý để bán những tài sản thế chấp trong các hợp đồng vay nợ đó rất khó làm.
Thế nên thu hồi được rất là ít.
BBC:Nhiều ý kiến đã tỏ ra hoài nghi về độ hiệu quả của VAMC. Nhưng liệu Việt Nam còn có phương án nào khác, thưa ông?
Ông Bùi Kiến Thành: Hiện giờ mục tiêu của chính phủ, nhà nước là đưa nợ xấu của các ngân hàng qua kho của VAMC tạm thời giữ đó để cho các báo cáo tài chính của ngân hàng nhẹ đi, sạch sẽ hơn để ngân hàng có thể tiếp tục hoạt động đúng với mục đích của tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, nó không có mục đích thực sự để thanh lý nợ xấu của các ngân hàng.
Vì vậy mới nói đến chuyện tạm thời mua bằng các trái phiếu đặc biệt để các ngân hàng dùng trong thời gian 5 năm rồi sau đó lại trả lại cho VAMC và VAMC trả lại cho Ngân hàng Nhà nước. VAMC sau đó trả lại nợ xấu cho các ngân hàng thương mại. Vô cùng luẩn quẩn.
Ngoài VAMC ra thì nhiều ý kiến cũng nói đến việc làm sao bán nợ xấu trên thị trường mở, để ai có tiền cứ việc mua chứ không phải VAMC.
Nhưng bán thì ai mua? Mua thì trả giá nào, vì chưa có phương pháp nào định giá nợ xấu.
Chưa hết, mua rồi thì làm gì. Nếu có tiền mua nợ xấu về nhưng không bán được tài sản thế chấp, thì ai dám mua?
Cũng có những kỳ vọng có các nhà đầu tư nước ngoài vào để mua nợ xấu, thanh lý cho nhanh, nhưng khung pháp lý của Việt Nam không đủ để cho phép người khác mua nợ xấu rồi bán những nợ xấu đó để thu hồi vốn, vì không bán được tài sản thế chấp.(BBC)
 
-------------

5 nhận xét:

  1. Giao cho tôi quản lý mấy em gái xấu là tôi bỏ chạy mất dép! Tôi chỉ khoái gái đẹp thôi.

    Trả lờiXóa
  2. VAMC ra đời trong sự sai lầm của các ngân hàng,doanh nghiệp và cơ quan nhà nước....
    Các nước hiện nay vẫn trong tình trạng khủng hoảng...Ngài OBAMA hùng hồn tuyên bố đã vượt qua trong thông điệp Liên Bang,nhưng chưa thể trên thực tế,vì đồng USD đang mất giá,kéo theo EURO mất giá và cả Việt Nam cũng mất giá.
    Theo xử lí của mình trước đây,thì không nên có VAMC,giải thể sớm,mà Chính Phủ nên làm như các nước MỸ,Nhật,Trung và nay là EU...nhưng khác là theo thực tiễn của Việt Nam.
    Các doanh nghiệp,kể cả DN tư nhân lâm vào nợ xấu và nguy cơ phá sản đều có một phần trách nhiệm của các ngân hàng và Chính Phủ ( Trừ trường hợp chủ DN tham ô và phá hoại ).Do vậy ,trước hết là khoanh nợ,giúp cho công ty chuyển hướng kinh doanh và cấp vốn tiếp....Toàn bộ vốn cho xử lí việc này thì Ngân hàng Nhà nước phải cho ngân hàng đó vay tương ứng và không lãi như FED hay ACB đang làm,nhằm giữ thanh khoản cho ngân hàng TM.Không khôi phục lại sản xuất thì doanh nghiệp chết đã đành ( họ chả mất gì ),nhưng các hộ nông dân đã gắn với công ty trong đầu tư sản xuất cung cấp nguyên liệu phải chết theo,công nhân của nhà máy không chỉ thất nghiệp mà mất cả vốn đã mua cổ phần của công ty....Từ đó sẽ không thể ngăn sự hỗn loạn các mặt.
    Chính phủ các nước phương tây họ lo sợ và tập trung giải quyết đầy khó khăn,còn nước TA thì các vị dương như tỉnh bơ,thậm chí còn cho xuyên tạc mà lẽ ra thì đánh giá để tìm nguyên nhân thất bại để xử lí.
    Ví dụ,như tỉnh AN GIANG hiện nay,lúa sẽ không bán được với mức giá hòa vốn,cá Tra thì càng không bán được...thì sẽ ra sao ???Dân nỗi loạn lên thì trách dân,sao được.
    Thế giới đang dư thừa lúa gạo,ta bán đâu dễ.Vậy số tiền tồn kho đó phải cùng chia xẻ gánh cùng nhau.Khi họ đói ta lại bán.
    Chính phủ mạnh dạng cho các doanh nghiệp bán tài sản,bán cổ phiếu cho các doanh nghiệp nước ngoài,họ có quyền làm chủ công ty...sao lại hạn chế hay nói móc họ,như vụ mua Nguyễn Kim vừa qua.Chúng ta làm thuê trên đất nước chúng ta thì tốt vạn lần ra nước khác chứ.Chúng ta không biết quản trị và chả có tiền vốn thì các công ty nước ngoài họ thay thế chúng ta thì không cái tốt nào hơn.
    Ví dụ,châu Mỹ thích ăn cá TRA của AN GIANG vì chất lượng là cao nhất ( nó đầu nguồn sông Cửu Long ),thì doanh nghiệp Mỹ họ muốn mua các xí ngiệp thủy sản ở đây,họ chế biến theo khẩu vị châu MỸ,đem về Mỹ và xuất khẩu ở châu MỸ,ta cứ cấm là sai và họ chơi lại là nông dân ta đứng bánh,chỉ một khâu là đứng.Trong khi đó cơ quan thẩm quyền chả biết gì cứ cấm,bày ra đủ thứ.
    Sự đầu tư trực tiếp hay gián tiếp từ nước ngoài,kể cả Trung Quốc thì chỉ có lợi.không thể coi là sự " xâm lược " kinh tế được.
    VAMC ra đời từ sự bế tắc,và sự ra đời của nó càng làm bế tắc thêm,nên dẹp.
    Tiền vốn ta ít,chưa bằng của bỏ người ta,nên các ngân hàng không nên cho vay trong lĩnh vực bất động sản,hay đầu tư xây dựng mới tài sản cố định nữa.Các doanh nghiệp hay chủ phải tự bỏ vốn ra đầu tư,không tiếp tục chơi trò bắt ngân hàng và nhân dân làm con tin cho ho như vừa qua.
    Thế giới đang khó vạn lần,bế tắc,nói phét chỉ an thần thôi.Vậy nước TA hãy làm những điều cần và thực tế.
    Người đưa tin rất cảm ơn anh Bùi Kiến Thành đã có nhiều ý đóng góp đúng.

    Trả lờiXóa
  3. Xin lỗi là ECB(NHTW châu Âu ) chứ không phải ACB của Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  4. Chớ hy vọng VAMC cứu nợ xấu. VAMC chẳng qua chỉ là cái kho chứa "phế phẩm" của NH, nhờ nó mà các NH có thể trở lại hoạt động bình thường và tiếp tục kiếm lời để bù lại khoản mất nợ! Đến khi đủ bù lại thì nó sẽ ...mua lại các khoản nợ (xấu) mà nó đã bán.
    Kể ra cũng là cách làm hay, chớ lo chi cho mệt.

    Trả lờiXóa
  5. Thế có nợ đẹp hở các bác? Nhà em thấy nợ là ớn xương sống rồi, sao mà đẹp nổi?! Khối gì ông bà vì nợ mà tìm đến cái chết đấy.
    (Bùi Như Khoai)

    Trả lờiXóa