Trang BVB1

Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

Việt Nam đang xét lại chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc?

Năm 1989, trước tình trạng Khối cộng sản Đông Âu và Liên Xô khủng hỏang tòan diện, Đảng Cộng sản giao nhiệm vụ tìm hiểu về “Chủ nghĩa xã hội thật sự là gì?“ cho Ủy viên Bộ Chính trị Trần Xuân Bách.
Qua nghiên cứu thực tế ông Bách đã kết luận Việt Nam cần phải tìm một hướng đi riêng và cần nhịp nhàng đổi mới cả kinh tế lẫn chính trị: “Hai lãnh vực này phải nhịp nhàng, không chân trước chân sau, không tấp tểnh đi một chân.”.
Đáng tiếc, Đảng Cộng sản đã không chấp nhận còn trù dập ông, rồi quay sang Trung Quốc vay mượn chủ nghĩa xã hội mang bản sắc nước này.
Thiếu tư tưởng hướng dẫn, Đảng Cộng sản càng ngày càng đưa đất nước vào ngõ cụt…
… đi mà không rõ đi đâu
Ngày 22-12-2014 vừa qua tại cuộc hội thảo do Ngân hàng Thế giới và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thú nhận: “Tôi cứ suy nghĩ mãi một điều, nếu chúng ta đi mà không rõ đi đâu, bằng cách nào, bao giờ đến… thì không bao giờ chúng ta đi nhanh và bền vững được”.
Chắc bạn đọc vẫn nhớ ngày 23-10-2013 trước Quốc hội, Nguyễn Phú Trọng đã cho biết: “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.”
Và vào cuối năm 2013, tại Học viện Chính trị quốc gia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm“.
Mô hình mà ông Vinh nhắc đến là mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là bản sao của mô hình Trung Quốc.
… Việt – Trung đi đúng hướng
Là mô hình đảng trị với bốn trụ cột căn bản là: kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xã hội xã hội chủ nghĩa và văn hóa theo bản sắc Trung Quốc.
Tạp chí Cộng sản Online, ngày 28-11-2014, vừa qua đăng bài “Góp phần tìm hiểu lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc“, giải thích lý do các nhà lý luận Việt Nam quan tâm đến chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc như sau:
“[…] do cả Việt Nam và Trung Quốc đều chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội, đều lấy chủ nghĩa Mác làm nền tảng lý luận. Ngoài ra, thời gian qua do quan hệ hợp tác và giao lưu giữa Việt Nam và Trung Quốc có nhiều thuận lợi nên, lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc được các học giả Việt Nam rất quan tâm và về cơ bản những nội dung quan trọng nhất của hệ thống lý luận này được các học giả Việt Nam nắm bắt kịp thời. Mặt khác, công cuộc cải cách, mở cửa của Trung Quốc và đổi mới, mở cửa của Việt Nam gần 30 năm qua có nhiều điểm giống nhau nên nghiên cứu lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc để rút ra những bài học kinh nghiệm, tham khảo cho xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một việc làm cần thiết”.
Điều lý thú là bài viết lại nhìn ra thực tế:
“… xã hội Trung Quốc hiện nay cũng đang đứng trước vô vàn vấn đề gay gắt với nhiều thách thức và nguy cơ. Đó là sự phân hóa xã hội, sự phân hóa vùng miền, sự ô nhiễm môi trường, sự suy thoái về đạo đức, lối sống, bạo lực xã hội, các hành động cực đoan, chia rẽ, ly khai, sự tham nhũng, cửa quyền, sự bất ổn xã hội, vi phạm dân chủ,… Sự ổn định của kinh tế – xã hội của Trung Quốc hiện nay đang chất chứa trong nó nhiều mâu thuẫn xã hội gay gắt…”.
Từ thực trạng xã hội tại Trung Quốc (và Việt Nam) như trên, bài viết đã biểu lộ nghi ngờ và đặt ra nhiều câu hỏi như: “Lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc có thực sự đưa Trung Quốc lên chủ nghĩa xã hội hay không, hay sẽ dẫn dắt Trung Quốc tới đâu?”.
Bài viết đã được phổ biến trên Cơ quan Lý luận và Chính trị của Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, lại phổ biến trước Hội Nghị 10 để sửa soạn cho Đại hội XII cho thấy quan điểm xét lại chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc đã xuất hiện từ phía bên trên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đến ngày 25-12, Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc Du Chính Thanh sang Việt Nam gặp hầu hết giới cầm quyền bao gồm: Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Lê Hồng Anh và Nguyễn Thiện Nhân.
Tại Đại học Hà Nội, Du Chính Thanh đã chính thức khai trương Viện Khổng Tử với một mục đích truyền bá chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc, để củng cố và phát triển quan hệ Việt – Trung.
Được Tân Hoa xã phỏng vấn Du Chính Thanh cho biết: “Chuyến thăm của tôi, do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản và Tổng bí thư Tập Cận Bình yêu cầu, nhằm mục đích nâng cao hiểu biết song phương, xây dựng đồng thuận và thúc đẩy tiến bộ trong các quan hệ Trung – Việt theo đúng hướng.” 
… đi chệch hướng?
Việt Nam đang muốn ký kết các hiệp định như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các hiệp định này đòi hỏi Việt Nam phải chuyển đổi để thính hợp với các quốc gia cùng ký kết.
Cụ thể Việt Nam phải xây dựng Nhà nước thượng tôn pháp luật với bốn cột trụ chính là: kinh tế thị trường, chính trị tự do, xã hội dân sự và văn hóa nhân bản tôn trọng con người.
Gần đây giới chức và truyền thông Việt Nam có nói đến các điều kiện để Việt Nam hội nhập với các quốc gia dân chủ, nhưng rất mập mờ khi nói đến mô hình dân chủ tự do. Trong một bài khác người viết sẽ trình bày một cách cụ thể và rõ ràng mô hình này.
Nếu năm 1989, ý kiến ông Trần Xuân Bách được Đảng Cộng sản lắng nghe và tôn trọng thì ít nhất Việt Nam cũng đi được một phần của con đường hội nhập. Nhưng vì đi theo Trung Quốc, Việt Nam vẫn chỉ là một bản sao tồi của chủ nghĩa (và mô hình) xã hội mang bản sắc Trung Quốc.
Vì thế hiện nay trong nội bộ Đảng Cộng sản không phải chỉ xảy ra những tranh giành nhân sự, mà còn xảy ra những tranh chấp về tư tưởng và đường lối như vấn đề Biển Đông, Đảng hay Nhà nước nắm quân đội, tiếp tục theo hay từ bỏ chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc…
Kết
Trong guồng máy nhà nước, đến Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mà phải còn buộc miệng than rằng: “… đi mà không rõ đi đâu, bằng cách nào, bao giờ đến…”.
Còn dân vẫn tiếp tục bị bịt miệng. Ba blogger Hồng Lê Thọ, Nguyễn Quang Lập và Nguyễn Ngọc Già vừa bị bắt. Bài cuối cùng ông Nguyễn Quang Lập đăng trên blog Quê Choa là bài: “Vì sao cần cảnh giác với Viện Khổng Tử”.
Không màng đến nguy cơ mất nước, đến thực trạng khủng hoảng toàn diện, đến nguyện vọng của người dân, tương lai Việt Nam vẫn chỉ do một nhóm người quyết định.
30/12/2014.
Nguyễn Quang Duy, Melbourne, Úc Đại Lợi(TTHN)
--------------- 

10 nhận xét:

  1. Bốn cột trụ chính là: kinh tế thị trường, chính trị tự do, xã hội dân sự và văn hóa nhân bản tôn trọng con người. Đó là thành quả tiến bộ của nhân loại; cái đuôi CNXH đã được lịch sử chứng minh - cái đuôi lạc lõng, cản trở sự phát triển xã hội. Thực chất thêm đuôi CNXH là để phục vụ nhóm đặc quyền trong xã hội!

    Trả lờiXóa
  2. Cần hiểu bản chất vấn đề, chỉ có theo ông anh hàng xóm to béo mới giữ được ghế
    kim chỉ nam cho mọi hành động là giữ ghế

    Trả lờiXóa
  3. VN đang đi chệc hướng ! còn đi đúng hướng theo yêu cầu của TẬP là DU CHẤN THANH sang VN phủ dụ mấy con êch dưới giếng bàn giao nhanh,triệt để,sâu rộng,từ biên giới, tài nguyên,biển đảo Hoàng,TRường sa thậm chí Phú Quốc,Côn Đảo để THiên triều còn lo viêc thôn tính sang châu PHI, châu Mĩ.!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. VN không đi chệch hướng!
      Có đi đâu...

      Xóa
  4. Bác Hùng CT quốc hội nói : " Quốc hội là của dân . Dân quyết thì dân chịu , chứ kỉ luật ai !"

    Tôi nói : " Vấn nạn tham nhũng ở nước CHXH chủ ngĩa VN là tại dân , vì dân {ông chủ} không quản lý được quan chức {đầy tớ} , để "đầy tớ" vi phạm .
    Chính vì vậy nên quan tham nhũng, cứ bắt dân đi tù !!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ông Hùng nói đúng mà bác nói cũg đúng ! Vì các ông chủ quá mềm yếu và cả tin nên để cho mấy thằng đầy tớ hư hỏng , chuyên ăn vụng và nói phét . Như ở Đông Âu , mấy thằng đầy tớ hỗn láo bị các ông chủ đá cho mấy phát vào đít , Hốp . . . bay vào thùng rác !

      Xóa
  5. Các nhà lãnh đạo TQ Đang lừa nhân dân TQ . Còn các nhà LĐ TA.....

    Trả lờiXóa
  6. Về bản chất không thể gọi VN là nước XHCN và không hề có thứ CN Mác Leenin nào tồn tại ở đây cả. Một khi đã công nhận cho đảng viên kinh doanh, thuê người hay nói cách khác là chấp nhận " bóc lột " , công nhận kinh tế thị trường, công nhận tư hữu về tư liệu sản xuất thì thứ CNXH chỉ là dối trá.

    Trả lờiXóa
  7. CNXH không hiện thực ở Việt Nam chuẩn bị đến hồi kết . Các quan tham đua nhau vơ vét tiền bạc , đất đai của dân , tài nguyên đất nước , để mua nhà đất ở nước ngoài . Bỏ mặc sự kém phát triển của đất nước , đời sống của số đông người dân khó khăn, lam lũ . Vậy CNXH chỉ đưa đất nước đến đói nghèo , mất dân chủ , người dân chỉ là nô dịch cho quan lại tham nhũng, lợi ích nhóm mà thôi .

    Trả lờiXóa
  8. Tôi không cần chủ nghĩa nào cả. Tôi chỉ cần nước được độc lập, dân có tự do, đồng bào ai cũng có cơm no áo ấm, ai cũng được học hành, quan lại là công bộc của dân nên vì dân mà hành động, không tham ô lãng phí để có được một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Bác Hồ đã nói " Nước được độc lập mà dân không có tự do hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng nghĩa lý gì ". Tôi không cần chủ nghĩa nào cả mà chỉ muốn nước nhà cường thịnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu để không có kẻ nào bắt nạt được. Lợi ích của dân việt và nước Việt phải được đặt lên hàng đầu !

    Trả lờiXóa