Trang BVB1

Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Vì sao giới trẻ Việt Nam thiếu lửa dân chủ

* NAM NGUYÊN
Phong trào đòi dân chủ của sinh viên học sinh Hong Kong cho thấy ngọn lửa cách mạng hừng hực trong giới trẻ của đặc khu này. Tại sao sinh viên học sinh Việt Nam trong những năm gần đây biểu lộ sự thờ ơ với thời cuộc và đa phần chỉ lo toan cho đời sống riêng?
Thiếu người lãnh đạo ...
Sinh viên học sinh Hong Kong là thành phần tiên phong trong phong trào đòi quyền tự do bầu cử chức vụ Đặc khu trưởng tức lãnh đạo cao nhất ở lãnh thổ này. Bắc Kinh đã từng bước vi phạm nguyên tắc một quốc gia hai chế độ, mà đại lục đã hứa hẹn khi nhận lại nhượng địa Hong Kong từ tay Anh Quốc vào năm 1997.
Người Hong Kong phải mất 20 năm tức đến 2017 mới được phép trực tiếp đi bầu Đặc khu trưởng. Nhưng Bắc Kinh lại áp đặt chế độ đảng cử dân bầu, cử tri Hong Kong chỉ có quyền chọn lựa các ứng cử viên được Bắc Kinh sàng lọc trước.
Ở Việt Nam hình thức Đảng cử dân bầu đã được chế độ toàn trị áp đặt từ trước cả khi Việt Nam thống nhất năm 1976. Thế nhưng giới trẻ Việt Nam đặc biệt là sinh viên học sinh chưa hề có một phong trào nào đòi quyền dân chủ như tự do bầu cử ứng cử, thậm chí chỉ riêng một lĩnh vực trực tiếp chi phối đến họ như quyền được tự trị đại học.
Trước các ý kiến cho rằng sinh viên học sinh ngày nay lãnh đạm với thời cuộc vì không có lãnh tụ, người có đủ dũng khí khởi xướng phong trào và dẫn đắt họ như trường hợp Hoàng Chi Phong của Hong Kong.
TS Nguyễn Quang A một nhà phản biện chính sách hoạt động mạnh trong phong trào đòi thực hiện xã hội dân sự  từ Hà Nội nhận định:
“Có một người đứng đầu, một người lãnh tụ có sức thuyết phục là một điều rất là quan trọng. Nhưng tôi hoàn toàn ngược lại với ý kiến là bởi vì không có lãnh tụ cho nên nó mới như thế này, hoàn toàn không phải như vậy.”
Theo TS Nguyễn Quang A, Đảng và nhà nước Việt Nam đã kiểm soát sinh viên học sinh một cách chặt chẽ, nhờ mạng lưới công an dày dặc và kiểm soát luôn con đường tiến thân của họ. Ông nói:
“Phải nói thực trong suốt hơn 30 năm qua thì việc đàn áp về tinh thần về thể chất đủ mọi thứ, họ đã rất thành công trong việc gọi là biến một lực lượng hết sức là năng nổ thành một lực lượng SVHS rất là ngoan ngoãn. Đấy là một trong những kỹ năng rất kinh khủng của những người cộng sản và phải nói thực là họ rất thành công trong việc đó. Tôi nghĩ rằng chỉ có khi động viên vận động thế nào để cho giới trẻ họ hiểu rằng quyền của họ đã bị vi phạm đến như thế nào. Lúc đầu rất là khó khăn chỉ có số ít nhưng mà số ít đó sẽ tăng dần tăng dần thì đến một lúc nào đó nó cũng có trạng thái gọi là như tất cả mọi nơi trên thế giới.”
Giới trẻ sinh viên học sinh Việt Nam không phải hiếm lần đã tập trung đông đảo hàng vạn người nhưng nó lại ở trên một lĩnh vực hoàn toàn khác với những gì gọi là khát vọng dân chủ. Giới trẻ hò hét tham gia những sự kiện giải trí khi có mặt một ngôi sao Hàn Quốc chẳng hạn hay họ rước cờ chạy xe máy khắp phố phường vì một trận thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam. Còn ngay cả trong cao trào biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng biển đảo, số sinh viên học sinh tham gia không đáng kể. Có chăng là họ tham gia một vài cuộc biểu tình theo sự điều động sắp đặt của thành đoàn, một biểu ngữ phản kháng Trung Quốc sẽ kèm theo một biểu ngữ ca ngợi Đảng và tỏ lòng trung thành với Đảng.
... hay đã mất lửa?
Cũng một câu hỏi sinh viên học sinh Việt Nam ngày nay thờ ơ với thời cuộc và thiếu vắng vai trò của người lãnh đạo hay nhóm lãnh đạo do họ lựa chọn. Nhà báo Nguyễn Quốc Thái từ Saigon phát biểu:
“Ở miền Nam trước năm 1975 cũng như ở Hong Kong có bầu không khí tự do hít thở của nó mà tất cả những lãnh tụ sinh viên ngày xưa mà tôi có dịp thường gặp gần đây đều công nhận rằng, tất cả phong trào sinh viên học sinh ở miền Nam lúc đó thấm được là do bầu khí tự do tương đối nào đó thì họ mới hoạt động được, nếu không có thì không  thể hoạt động được. Hiện nay ở Việt nam sự kiểm soát SVHS ở trong học đường rất chặt chẽ.
Vì thế việc có một lãnh tụ sinh viên lúc này, tôi nghĩ không phải là không có đâu, họ vẫn liên lạc với nhau âm thầm và họ chờ đợi một lúc nào đó. Nếu nhà nước không thể hiện được những lời cam kết với nhân dân về vấn đề dân chủ, tự do về vấn đề tư hữu thì chuyện gì cũng có thể xảy ra được. Cứ hình dung lại Liên Xô, hình dung lại Cộng hòa Dân chủ Đức, lực lượng quân đội và công an chặt chẽ mạnh đến như vậy, nhưng đến lúc cần họ vẫn im lặng để cho những người đòi hỏi dân chủ đòi hỏi tự do phất cờ đứng lên.”
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Nội nhận định về sự nguội lạnh của sinh viên học sinh đối với vận mệnh đất nước và chẳng thể hiện về điều gọi là khát vọng dân chủ của thế hệ tương lai của Việt Nam. Ông nói:
"Nói sinh viên học sinh Việt Nam vô cảm thì cũng có phần đúng mà cũng có phần không đúng. Số học sinh sinh viên trăn trở với tình hình đất nước nhận thức sớm được vấn đề ấy cũng nhiều chứ không phải ít. Thế nhưng cái số đông hơn lại là những học sinh lâu này bị ảnh hưởng nền giáo dục, sách vở hay sự tuyên truyền, nhắc nhở của gia đình, của thầy cô của nhà trường và sự ngăn chặn của chính quyền khiến cho số học sinh ấy không dám xuống đường không dám thể hiện. Ngoài ra một số rất đông lại bận ăn chơi, mải chơi không tham gia vào các hoạt động chính trị xã hội. Có thể nói đó là sự thành công phần nào của một chính sách ngu dân hóa của chính quyền.”
Theo lời nhà giáo Đỗ Việt Khoa chính sách như thế là một thảm họa cho đất nước. Vì ngu dân thì dễ cai trị, đa số nhân dân lảng tránh chuyện chính trị, xem chính trị là chuyện cấm kị không dám thể hiện chính kiến của mình. Ông Đỗ Việt Khoa không tin vào một phong trào dân chủ mạnh mẽ ở Việt Nam có thể trở thành hiện thực, tương tự như các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong. Nhà giáo này cho rằng những thay đổi triệt để ở Việt Nam nếu có là từ trên thượng tầng chính trị xuống, chứ không phải là một cuộc cách mạng từ dưới lên.
Với mong muốn giới trẻ, sinh viên học sinh nhìn nhận thời cuộc cho đúng, góp phần mình vào sự phát triển đất nước, đấu tranh cho đất nước công bằng dân chủ văn minh, nhà giáo Đỗ Việt Khoa cho rằng đây là một cuộc đấu tranh lâu dài mà trách nhiệm nằm trong tay giới trẻ, họ làm được thì đất nước sẽ phát triển, ngược lại thì đất nước cứ dậm chân như thế này mãi.

N.Ng/rfa
--------------

13 nhận xét:

  1. Đúng như một số ngườ trên đây đã nói, thanh niên VN hiện đang bị dẫn dụ theo con đường hưởng lạc, thờ ơ với thời cuộc với vận mệnh đất nước, đảng và nhà nước dẫn dụ bằng các chương trình giải trí rẻ tiền trên TV, bằng các báo lá cải luôn lăng xê những người mẫu,ca sĩ...làm cho thanh niên ta hiện nay thực sự là một thứ hổ lốn,mất hết ý chí

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đảng dạy rồi:chính trị là chuyện của người lớn.Chính trị là mua quan bán chức, là bòn rút công quỹ và viết báo cáo thật hay dù sai sự thật. Đứa nào ngoan,biết nghe lời hoặc con cháu lãnh đạo thì cho vào huyện đoàn, tỉnh đoàn làm cán bộ rồi hết tuổi đoàn sẽ về làm lãnh đạo các ngành.Cho nên tướng Đặng Quốc Bảo từng là bí thư trung ương đoàn đã nói: mấy năm qua đảng đã kết nạp hàng vạn đảng viên là thanh niên cơ hội vào đảng, vào không phải để phấn đấu cho lý tưởng mà để thăng quan tiến chức, vinh thân phì gia.

      Xóa
  2. Ở các nước dân chủ,cuộc đấu tranh dân chủ chỉ là giữ nhịp tăng cường dân chủ bởi với họ dân chủ đã ăn sâu vào cuộc sống.Vậy nên ở các nước này,tầng lợp SVHS chính là lực lượng dân chủ nhạy cảm .

    Ở VN,chúng ta mới có độc lập, dân chủ đang còn trong giai đoạn sơ khai lựa chọn phương thức tập trung hay trực tiếp ,nhất nguyên hay đa nguyên và sự lựa chọn này thuộc vai trò những người từng từng trải ,có kinh nghiệm sống chứ không phải là SVHS như ở Hồng kông .

    Trả lờiXóa
  3. Không phải chỉ thanh niên đâu. Đa số người VN đang bị như vậy! Thực dân Pháp chúng làm ngu dân, rồi dân bị "bọn" sau đó nhồi sọ! Vậy là tan hoang một dân tộc - ngơ ngơ ngáo ngáo...

    Trả lờiXóa
  4. ĐCSVN thiếu kinh nghiệm về kĩ trị ( cho sự phồn vinh) nhưng rất thành công về mặt cai trị, nếu hiểu cai trị chỉ đơn thuần là giữ "ổn định" xã hội. Tiền chi cho phát triển có thể thiếu, nhưng tiền chi cho bộ máy cai trị không hề tiếc. Dàn trải từ TƯ xuống đến thôn, xã, phường. Ngoài bộ máy NN là bộ máy đảng, chân rết, đi sâu, bám sát mọi động tĩnh trong dân, kể cả trường học, bệnh viện, công xưởng...Chỉ để giám sát sự chống đối về cai trị của ĐCS, nho nhe dưới bất kì hình thức nào là xử lý ngay. Kinh nghiệm này có được từ luc đảng còn hoạt đông bí mật, không thể chủ quan với bất kì biểu hiện chống đối nào.
    Sinh viên, học sinh VN cũng bị khống chế, dồn nén đủ điều từ lớp đến trường, nhưng tuổi trẻ đồng nghĩa với nhạy bén, sáng tạo, ai biết được rồi đây họ sẽ có biểu hiện thế nào về thời cuộc. Xuống đường, biểu tình là một cách, thời @ này chắc còn nhiều cach khác.

    Trả lờiXóa
  5. Đây là thành quả của chính sách nhồi sọ+bạo lực+thủ đoạn hèn hạ,độc ác của đảng ta

    Trả lờiXóa
  6. Ai đó nói câu hay lắm (đồn là của Albert Einstein?):
    - Khó mà chống được lũ ngu khi chúng còn quá đông (như quân Nguyên)!

    Trả lờiXóa
  7. Giới trẻ gì chứ? Toàn ông bà cụ non, nhợt nhạt...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thành công lớn nhất của nền GD XHCN đấy ạ
      cần nói lại với tác giả, giới chẻ vn có lửa đâu mà đòi thiếu
      chỉ có thái tử đảng, công chúa nhà nước mới có lửa

      Xóa
    2. Giới trẻ VN chỉ có cái gọi là "Mùa hè (nhưng) xanh" thôi! Thấy bóng áo xanh của "giới trẻ", cũng như bộ đội, sao... dư thừa quá?

      Xóa
  8. Giới trẻ ngày nay chỉ chú ý vào giải trí: xem bóng đá thì hò hét ầm ầm, tìm hiểu phong tục châu phi, châu Mỹ để thi các chương trình truyền hình nhưng khi Trung quốc xâm lấn thì không tham gia biểu tình với những người yêu nước.Thế hệ thanh niên đã bị hội chứng nhũn não, thật đáng thương.

    Trả lờiXóa
  9. Khách quan mà nói, cái sự nhồi sọ nó ghê gớm lắm! Chẳng phải chúng ta mới tỉnh vào lứa tuổi trung niên, gần đây, thôi sao? Chẳng phải chúng ta mới sực nhớ ra nửa thế kỷ nay Hoàng Sa và Trường Sa không hề được vẽ trên bản đồ VN (nhờ có Internet mà hai quần đảo ấy một được tô điểm một cách muộn màng - UBND huyện đảo Hoàng Sa của TP Đà Nẵng có khác nào một chính quyền lưu vong)? Chẳng phải chúng ta mới biết rằng tội ác giết người dân không phải "độc quyền" của Mỹ-Ngụy?
    Sự nhồi sọ giới trẻ vẫn tiếp tục, với những âm nhạc rẻ tiền nhí nhố yêu đương lăng nhăng, thề chung thủy với người yêu của... bọn Sở Khanh! Cải lương thì sao? Tăng cường hát những bài ca ngợi đảng đưa đất nước vươn lên hàng đầu thế giới?!... Tuồng xã hội coi như không có.

    Trả lờiXóa
  10. Thanh niên trong nước VN chửi thề phải nói là đứng đầu thế giới! Đừng phủ nhận!

    Trả lờiXóa