Trang BVB1

Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2014

'Tiếng nói E.MAIL - 75



E.Mail   Vũ Trọng Khải khai.hendainhan@gmail.com
From: Anh Tuan Nguyen [mailto:anhtuanb2tlsg@gmail.com]
Subject: Fwd: Về: Fwd: Loanh quanh...tay không bắt giặc!
Cám ơn anh NĐT.
Thế mới biết Bầu Kiên là con người thế nào.
Cũng là "Anh hùng đứng giữa trần ai mới tài".
Mấy ai đã hiểu được hai chữ ":trần ai" là thế nào.
Nếu không, dễ gì mà có được "Hồng nhan tri kỷ".
Cái xã hội chó chết, chuyên thui chột những tài năng.
Nat.

 Mời đọc thêm :
Sau một bữa rượu tối tưng bừng, mấy người bạn cũ ngồi lại, chuyện trên trời dưới biển xong tất nhiên đến chuyện thời sự, và đề tài động chạm đến người quen chung của cả hội, Nguyễn Đức Kiên. Vì tôi có thời gian tiếp xúc với “Béo” nhiều nhất nên có mấy bạn cứ quan tâm đến việc câu chuyện đang xảy ra. Tôi nói rằng đã rượu bia chả thể ngọn ngành được đâu, và xin khất để đến hôm nay có stt này..
“Bầu Kiên” là tên xã hội gán cho sau này, chứ ở phổ thông thì Kiên có tên “Kiên Lung” (kèm tên ông bố kiêm hiệu trưởng-nhà giáo nhân dân), rồi vào lính thì “Kiên lùn”, sau này tóc bạc phơ thì “Kiên đầu bạc”, “Kiên Á Châu” và anh em thân thì gọi là “Béo”. Chúng tôi gặp nhau từ đại đội học dự bị để đi học nước ngoài của trường KTQS. Khác trung đội nhưng rất hay “cọ xát” trong thể thao, K đá chính thức cho đội tuyển đại đội, còn tôi dự bị, ngược lại trong bóng bàn tôi có “thâm niên” ở sân Thủy Tạ nên Kiên hay khéo léo “xung phong” đánh đôi với tôi để có thể “giữ bàn” dài dài, chứ cả đại đội chỉ có 1 bàn, cứ "thua ra được vào", mà cũng thỉnh thoảng lính mới được phép chơi thôi. Sau này mới biết K và tôi đã có cùng “tuổi thơ dữ dội” trên sân bóng trường Chu Văn An, nơi mà gia đình K đã ở ngay trong trường, trước khi bố K chuyển sang Long Biên. Từ thời đó K đã bộc lộ bản thân khá rõ trong thể thao: rất mê bóng đá, K và tôi đều học sớm 1 năm nên lúc đó mới 16, so với các anh lính cũ thì quá trẻ, nhưng K vừa đen vừa lùn béo lại chơi hậu vệ, và đá rắn hết sức trong khuôn khổ luật chơi, thậm chí sẵn sàng “ăn miếng trả miếng” đến cùng-và đã có nhãn quan chiến thuật trong thi đấu, kết quả là trên hết, không rê dắt tủn mủn như anh em hay đá gôn “tôm” đường nhựa. Từ khi đó K đã không bao giờ uống rượu bia, thuốc lá, nguyên nhân thực sự thì chả ai biết vì sao nhưng nó cứ đổ cho vì “thể thao chuyên nghiệp”. Học thì nhàng nhàng, nhưng không phải ai cũng biết từ thời đó mới 16 tuổi K đã có suy nghĩ rất “người lớn” về kinh doanh, và đã biết đánh hàng từ Nam ra Bắc cải thiện thêm, vào cái thời vẫn còn ngăn sông cấm chợ ấy và chúng tôi ở trong doanh trại 2-3 tuần mới ra phố được một ngày đến 17h chiều, còn lại thì mải tăng gia và “học lòi mắt” ra thì bây giờ nghĩ lại mới thấy “chí lớn là đây”! (nhân tiện nói về các “tài năng quân sự” thì hồi đó có bác Tiền “còi” năm trên còn ầm ĩ hơn nhiều, nằm trong doanh trại mà điều hành được cả đường dây buôn hàng Campuchia, chả biết quy mô lớn đến đâu nhưng bị CA tới tận trường, bêu gương toàn cơ sở 2-đúng là con người có tố chất thương mại là đây, sau này quả là đại gia thứ thiệt...).
Rồi mỗi đứa đi một nước khác nhau, lần gặp lại ngẫu nhiên sau 4 năm ở đoàn 871, khi đó tôi về phép lên xin dấu, thấy K đang ngồi nghe các cán bộ giáo huấn. Sau mới biết K phải về trước hạn, “tội” thì vẫn theo sơ đồ trên: K học và ở trong trường quân sự nhưng buôn bán thành thần, giàu nhất khối lưu học sinh Việt ở Hung thời đó, thế rồi bị “đứt”. Về nước, tài sản lớn phải để lại bên kia, rồi cuối cùng cũng rơi rụng cả, K trắng tay! Với “phốt” đó ở ta xin ra quân đội đã chết mệt rồi, chưa nói đến làm gì, thế mà ngạc nhiên chưa, sau bảy tám năm gặp lại bên Tây Âu khi K đi công tác, lúc này anh em bắt đầu gọi là “Béo” vì đã bệ vệ, tóc trắng xóa, “Béo” khoe là cán bộ lãnh đạo Confectimex, ăn lương hàm vụ trưởng, còn tiền thì nhiều lắm rồi! Sau khi kể những vụ đổi hàng, 3C...làm anh em ở nước ngoài ù tai, thì “Béo” cũng kể thật, vất vả ra quân được, “Béo” làm đủ việc kiếm tiền, từ tự đóng bè buôn hàng từ bờ bên này sông Hồng sang bờ bên kia (vâng, ngày xưa 2 bờ là 2 “thế giới” khác nhau, và cứ chở hàng qua cầu thì các “lực lượng” tóm ngay) cho đến một mình lái xe chở tiền vào Nghệ An thu mua vàng, súng tiểu liên lúc nào cũng để trên đùi (cái này thì anh em cũng nghi ngờ tý, trong mỏ thì đúng phải thế thật chứ đi đường cái mà lăm lăm súng ống như thế cũng khó tin!). Có tiền rồi “Béo” vào nhà nước, có duyên với “đánh hàng” nhân lúc Đông Âu sụp đổ, nào là đổi hàng, mua nợ, đánh máy tính, áo gió...”Béo” lên vù vù, và lúc đó đã biết tận dụng mối quan hệ và “cơ chế” tối đa! Và K cũng bộc lộ những cá tính của mình ngay trên thương trường: tuy thuộc vào lớp trẻ nhất, K sẵn sàng “chiến đấu” với tất cả, từ đối thủ hay kể cả partner của mình: Quang A, Bùi Huy Hùng, Trần Việt Trung, 3C, FPT...”chiến” hết!
Rồi đến 1995 về nước mới gặp lại “Béo”-phải nói lúc này K đang trên đỉnh cao của thành đạt, chắc là 1995-2000 là “đỉnh”, mà ngay sau này K cũng không lặp lại được nữa! Từ thời mới bỏ cấm vận, dân tình còn nghèo lắm thì “Béo” đã nổi tiếng giàu rồi, đã có chân chắc trong ACB từ khi ngân hàng thương mại còn là cái gì xa vời lắm, đã có mấy liên doanh với toàn hãng “xịn” của nước ngoài, và quan trọng hơn, có sự ủng hộ của các lãnh đạo cấp cao nhất . Ngoài vài “cụ”, vài “sếp” còn lại K xưng hô “ông, tôi” hết, sau lưng thì “cậu” hay “thằng” tuốt luốt. Rồi đến đám cưới với em L., to nhất Hà Nội lúc đó, anh em uống hết sạch rượu của Queen Bee cả dưới nhà lẫn trên gác tối hôm đó, mặc dù K vẫn không uống rượu bia như mọi khi (Cola 100% thì sẵn sàng ngay!)...
“Béo” giữ quan hệ rất tốt với anh em cùng quân ngũ ngày trước, rất nhiều anh em về làm hoặc làm thêm ở chỗ “Béo”. 1998 khi đang có công ty riêng, tôi có một việc quá sức mình nên lôi về chỗ “Béo” làm, K cũng đề nghị tôi làm chỗ nó luôn, tôi nhận lời với yêu cầu được quyền thích đi đâu làm gì thì đi, tôi không can dự gì vào việc của K và khi nào tôi có việc “hay” thì cùng bàn với K, cũng không ăn lương. Trong công việc tôi mới thấy được nhiều (chắc chưa hết) các khía cạnh của một con người là “Béo”, cả mạnh lẫn yếu. “Béo” giàu là phải thôi, như một cậu quen ở TC2 đã nghiên cứu và đánh giá về “Béo”: nó khác ta ở chỗ khi ta nhìn cái cây, hòn đá, cái chai...ta chỉ thấy đó là các đồ vật có tính năng riêng, nhưng K có “thiên tài” là lúc nào cũng nhìn được các đồ vật đó đều được quy vào một hệ quy chiếu là tiền, cái cây thì giá bao nhiêu hay có thể làm gì ra tiền từ cái cây, hòn đá...hay không-ngay quan hệ xã hội, con người K cũng đưa được về hệ quy chiếu ấy!
Tướng ngũ đoản, nhưng “Béo” có khoa nói rất hùng hồn và “chém gió” cũng chặt chẽ vô cùng, chưa kể trông thì lè phè thế thôi nhưng toát lên sặc mùi tiền và mùi quyền lực. Hồi đó đại gia Việt kiếm tiền chính từ việc dịch vụ giúp cho nước ngoài triển khai dự án tại VN hoặc đấu thầu...(chứ đã có đâu TTCK hay “sốt bất động sản” như sau này) và K là một trong số ít, đếm trên đầu ngón tay lúc đó, những cá nhân thành công nhất trong “tư vấn”. “Béo” có đầu óc phân tích rất sắc sảo, làm việc rất chặt chẽ, muốn bàn bất cứ chuyện gì đều yêu cầu đưa ra copy nghị quyết CP, nghị định, công văn...chứ không nói khơi khơi, nó thuộc lòng câu chữ trong tài liệu và “Béo” cũng là bậc thầy soạn công văn, kiên quyết không dùng máy tính (tuy có cả Cty buôn bán phần cứng, phần mềm) cũng như làm gì cũng phải cần có phiên dịch. Cty Thiên Nam lúc đó có tất cả các chức năng có thể có và xin được trừ những ngành nghề có điều kiện đặc biệt-tự K giao cho anh em ngồi rà soát mấy ngày trời, để không bỏ sót chức năng nào! Vì vậy tôi cũng khó tin rằng sau này có ngày “Béo” lại bị khép tội buôn bán không giấy phép, không đúng chức năng-thể nào “Béo” cũng có những văn bản đồng ý kèm theo để phòng xa! Có thể nói K là một trong những chuyên gia hàng đầu về hệ thống luật pháp Việt Nam, đến mức có lúc bác Sáu Khải đã đề nghị K về làm Phó VPCP (hay Vụ trưởng-lâu ngày không nhớ chính xác), vì quá phục trí nhớ cũng như tài làm công văn của K, làm “Béo” cũng mất cả tuần lễ cân nhắc rồi mới đi đến quyết định từ chối bác: đã làm cán bộ nhà nước rồi, thôi cháu không bao giờ quay lại nữa! “Béo” cũng rất cẩn thận, có bất cứ đối tác nào xuất hiện “Béo” đều qua các kênh thu thập mọi thông tin có thể, “Béo” tự tin “lừa tao khó lắm”-mà đúng là khó thật đối với một kẻ đa nghi thái quá như K!
Làm gì đi nữa, nhất là “tư vấn” thì đều cần quan hệ, “Béo” thì lắm quan hệ lắm, nhất là quan hệ cấp cao và trung cao. Nhưng “Béo” làm việc này không giống bất cứ ai, vì bản tính đã không rượu bia nhậu nhẹt thì ở ta là khó quan hệ rồi, lại thêm cái tính cũng “ky” lắm của K, thôi cứ gọi nhẹ đi là “chặt chẽ”. “Béo” sẵn sàng mời cơm nếu cần, sang hay không tùy đối tác nhưng ai uống thì uống, “Béo” cứ Côla thôi, còn lễ tết “Béo” có thể tặng rượu, hết! “Béo” đừng hòng tặng ai phong bì, quên đi, hoặc có thể có thì chí ít tất cả những người đã từng làm với K đều chưa ai thấy điều đó. Qua câu chuyện, “Béo” kể về “cụ” A, “cụ” nhờ “Béo” giúp “anh” B để làm việc X, và thế là “Béo” phải dẫn đến bảo “chú” C giúp để vỗ vai “thằng” D...và cứ như thế, quan chức dù to dù nhỏ đều ngại và ngán “Béo”, nhưng lại muốn giữ quan hệ tốt với “Kiên Á Châu” để chẳng may nói dại, có lúc nó lại cứu giúp mình...K hay kể về “thượng phương bảo kiếm” để đe người đối diện về quan hệ “khủng” của mình! ”Béo” chẳng có mấy em thư ký chân dài nào để gọi đi uống rượu với đối tác (mà cũng chả có thư ký đúng nghĩa luôn, trừ bà cô vợ thỉnh thoảng pha chè ở văn phòng), cũng chả có thằng em nào chạy đi lo “tươi mát” cho các quan, hay chạy ra trả tiền cho các anh ăn xong đi chơi tiếp...Anh em cứ đùa, cả Cty gần trăm người, nhưng giải tán hết đi thì công việc cũng vẫn vậy, vì chỉ có một mình “Béo” làm việc thôi mà-mà K gọi đó là “đi cày” vì quả thực nó cũng chăm thật! Nói không sai, sau này tôi hỏi thì K bảo Cty chỉ còn có 3 người! Béo “ôm việc” chủ yếu do không thể hoàn toàn tin ai được...Tất nhiên vì thế K không thể (và không có ý định) xây dựng đội ngũ, hay có văn hóa công ty gì đặc biệt cả, K còn cá độ với tôi là “thằng FPT sẽ sập trước Cty tao!”Ở ngân hàng, “Béo” thuyết phục được đàn em Lý Xuân Hải về điều hành bài bản, đấy có thể coi là một trong những điểm sáng hiếm hoi của K trong việc trồng người, xây dựng đội ngũ...
Tính “chặt chẽ” của K thì anh em đều biết rõ lắm, nên cứ đùa K sau này có bị tội gì đi nữa thì cũng không bị tội đưa hối lộ, vì có chịu đưa ai cái gì bao giờ đâu! Câu cửa miệng của K là “động từ Cam-pu-chia là khó nhất thôi” nói về việc nó sẵn sàng san sẻ quyền lợi, nhưng nói là chuyện, làm K lại có cái lý khác, nó kiên quyết không trả thừa ai 1 xu, nếu theo K người đó chỉ đáng trả đến mức giá kia thôi. Nguyên tắc “rắn” đến bệnh hoạn này lại gây họa đến cho K, dù chỉ là cái cớ thôi, nhưng trong đó nếu hiểu theo triết lý nhân quả thì thấy rõ lắm: có anh bạn T.D. cùng ở Hung về, cổ đông nhỏ từ ban đầu của Cty, tuy vậy đòi quyền lợi cá nhân sát ván lắm, cũng vì việc chi trả nhiều ít thế nào đó mà đơn thư kiện K mười mấy năm nay (một phần vì đầu óc bác này lại có vấn đề nữa, chứ người khác chắc bỏ cuộc lâu rồi!). Bình thường thì K coi việc này như cỏ rác, thế nhưng khi “lâm chuyện” thì chính đơn thư này lại là cớ để lập chuyên án, hay hơn “2 bao cao su” nhiều!
Tính “chiến đấu” thì vẫn như trước, “chiến” hết từ Trung Hà, Trần Mộng Hùng, đến các cổ đông nước ngoài trong liên doanh KFC, Caltex...Vì luôn “chiến” như vậy nên K cẩn thận lắm, lúc nào cũng lo nghe trộm, có việc gì cần bàn bạc quan trọng hay tiếp khách tế nhị K đều mời vào cái phòng tròn thường để không ở Cty, đối diện Nhà hát Lớn (mà bây giờ vẫn là chóp của Chứng khoán HN ấy), mở hết cửa sổ ra cho tiếng ồn đường phố ập vào, K bảo “cho chúng nó đỡ nghe! Nếu không thì ra cafe, càng đông người càng vui, ồn ào dễ nói chuyện... ".
Ngoài kiếm tiền là đam mê cháy bỏng, thì “Béo” chỉ có đam mê nữa là bóng đá (bài bạc thì không kể, cái đó chắc quá nhiều anh em ta cũng “đan quạt” suốt ngày, trò này K cũng khá, và chỉ thích kể những trận mình thắng thôi, chứ thua thì im thít!)-và cuối những năm 90 “Béo” lấy lại đội Đường Sắt, bắt đầu dấn thân vào con đường “ông bầu” với bản tính “chi ly” của mình. Lúc này có công ty mới làm ăn khá khẩm là Hòa Phát bắt đầu đến với ACB và K để tìm chỗ dựa tài chính, và chắc vì nể “Béo” nên Hòa Phát sau đó cũng dấn thân vào con đường bóng đá, chứ họ đâu có “đam mê cháy bỏng” như K đâu. Riêng mối quan hệ về sau trở thành thâm tình này người ta còn phải nói đến dài dài...
Công việc giữa tôi và K không tiến triển được (đến bây giờ tôi mới biết nguyên nhân ở chỗ nào), nên tôi tìm kiếm các công việc khác. 2001 tôi đi HCM, trước khi đi còn lục túi “giật” của “Béo” 11 triệu (khoảng 1000$, “Béo” ít khi cho ai vay tiền lắm). Định đi có 1 tuần, hóa ra đi tiếp, cả mấy năm trời, lúc đi chỉ kịp đt báo cho “Béo” và chào nó, thế nào mà nó có thông tin cả, việc mình nó còn biết trước mình!
Mấy năm sau tôi vẫn về Việt Nam đều, thỉnh thoảng vẫn gặp “Béo” nói chuyện chơi thôi. Béo vẫn đang hoành tráng lắm, quan hệ với các “lãnh đạo” vẫn tốt như xưa, tập trung “chiến” mảng ngân hàng, vì “tư vấn” bây giờ không còn là chiến trường “hot” như xưa nữa! Nhưng với con mắt của người ở ngoài nhìn vào, tôi thấy “Béo” đã có biểu hiện hơi xa rời thực tế và có dấu hiệu bảo thủ. Tôi vẫn nhớ mãi có lần tôi hỏi K về thị trường chứng khoán khi VN-Index đã gần 1000, K nói “tao không tham gia vì toàn trò lừa đảo, và bọn làm Cty CK sẽ chết hết”. Rất tin ở “Béo” nên khi nhiều người hỏi tôi nhận định về TTCK, tôi nói lại i xì, và trúng phóc, rất nhiều người tin rằng tôi đã “tiên đoán” được điều là một năm sau nó chỉ còn bằng nửa (mặc dù vậy họ vẫn chơi, vẫn “ôm trứng” và “lời tiên tri” của tôi chả giúp được cho một ai). Một năm sau gặp lại, tôi hỏi “Béo” về dự đoán đúng đó, thì “Béo” trầm ngâm, bà con chơi “trứng” thì chết chứ bọn làm CTCK ít đứa chết lắm, “tay không bắt giặc” ngoạn mục, sắp tới ACB cũng phải đẩy mạnh mảng này. Việc thứ hai thì K hỏi tôi đầu những năm 2000, là “chẳng lẽ ở Đông Âu có những thằng VN có tiền vài ba triệu $ à, buôn bán lằng nhằng lấy đâu ra, tao chẳng tin!”. Tôi cố thuyết phục “Béo” là bọn ấy có, và chúng nó đông lắm, đếm trên đầu ngón tay ngón chân không hết đâu, nhưng “Béo” vẫn bảo thủ. Vài năm sau về tôi đã thấy “Béo” hay gặp gỡ nhiều đứa trong “bọn ấy”, tất nhiên trong cuộc nào thì “Béo” cũng giữ vai trò “lá cờ đầu” còn mấy chú em thì một điều “anh K bạc”. Thế mạnh của K không phải là tiền, mặc dù tiền K vẫn nhiều hơn “chúng nó”, mà là quan hệ với quan chức, thế nhưng đối với không chỉ riêng tôi, K dù rất lọc lõi, ông bạn đã không cảm nhận được thời thế có thay đổi, “Trường Giang sóng sau đè sóng trước”. Những “đại gia” Đông Âu về Việt Nam, đa số trẻ hơn K nhiều, chỉ biết ở khách sạn 5 sao, đường phố không biết hoặc thay đổi nhiều quá quên rồi, luật VN không biết thì thuê luật sư để hỏi, nếu cần thì sẽ “làm luật” theo kiểu Đông Âu, mù tịt vẫn nhầm “quan” nọ với “quan” kia nhưng lúc cần thì có việc gì cũng sẽ giải quyết được, vì ở Đông Âu khởi điểm có ai quen quan nào đâu-chính những người này đã và sẽ làm thay đổi môi trường kinh doanh tại VN. Ít khi quyền lợi của K và của những người này mâu thuẫn nhau, thậm chí có nhiều phi vụ làm chung, nhưng việc K phải “gồng mình” lên để giữ được vị thế “đàn anh” là sức ép quá lớn, đẩy K đến những toan tính làm ăn phải “sát ván” hơn, và từ đó K dù là một người rất chặt chẽ, luôn cẩn trọng phòng ngừa, lại có những quyết sách mà sau này dựa vào đó K bị truy tố.
Một yếu điểm dễ thấy nữa của “Béo” là không có bạn đúng nghĩa-đối tác làm ăn thì nhiều, hết người này thì có người khác, nhưng đó chỉ là công việc, còn bạn thân thì K chỉ còn vài người cùng học quân sự ở Hung, với họ và với bản tính hoài nghi tất cả của K thì chả thể nói chuyện làm ăn ra được, mà đầu óc K thì lúc nào cũng chỉ xoay quanh hai chữ “đi cày”. Tức là nói bô bô suốt ngày thế thôi, nhưng thực chất nghĩ gì trong đầu “Béo” không hề có ai để mà chia sẻ. Với tôi cũng vậy, K chỉ nói được những chuyện vô thưởng vô phạt, vì đối với K tôi biết quá nhiều chuyện quan hệ xã hội hehe. Thế nên dù có khôn ngoan lọc lõi đến đâu, thì rồi cũng có lúc K chủ quan và không tính hết được. Với người nhà “Béo” cũng rất nghiêm khắc, nhất là với em trai, em rể, “Béo” rắn lắm, hầu như không cho tham gia việc gì hết! Ngay đội anh em bên Hòa Phát là những người K hay tiếp xúc nhất, suốt ngày cafe chém gió hay bài bạc, thì đối với họ K là đứa “một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất”-là một thế lực lúc nào cũng muốn xưng hùng xưng bá, nhưng bản chất ra cuối cùng cũng chỉ có một mình. Và sau này chuyện Hòa Phát viết đơn đề nghị làm rõ “Béo” về việc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong vụ cổ phiếu (chắc họ cũng bị ép dữ lắm!), chưa thể nói ngay ai đúng ai sai, nhưng tôi biết chắc đó là một trong những nỗi đau lớn nhất của K!
Sau 2010 tôi hay gặp K ở lobby của ks Hilton hoặc Highland Cafe Nhà hát Lớn, K không bia rượu nên chọn hai chỗ này để tiện “chém gió” với anh em hay đơn giản chỉ là quãng nghỉ giữa hai cuộc gặp ở nơi khác. Vì công việc đã quá khác xa nhau nên tôi bảo “tao về hưu rồi” còn K bảo “tao đang bán hết các thứ, giữ mỗi ACB và chơi bóng đá thôi, 55 tuổi sẽ về hưu hẳn, còn đâu đi du lịch” nhưng chắc vì có nhiều thứ để bán quá nên nó vẫn phải “đi cày”...Bây giờ “Béo” đi đâu cũng thường có Ipad (thói quen theo dõi giá vàng đây mà); lúc này “Béo” nổi hơn nhiều lắm rồi, không biết thế là vô tình hay cố ý, nhưng tên “bầu K” đã dính chặt vào “Béo”. Tôi hay đùa mặc dù là sự thật: “mày gặp tao toàn tình cờ, toàn lúc tao không đủ 11 triệu VNĐ trả cậu, thôi coi như cứ lúc nào gặp mày tao trả tiền cafe nhé!” thì “Béo” tỉnh đòn lắm, nó bảo lúc nào trả thì trả nhưng gì chứ ai nợ thì một đồng nó cũng chả bao giờ quên cả (mà đúng thế thật!). Nhưng nó lại khoe là “chỉ tao mới uống nước ghi sổ nợ được ở Hilton, nên đố mày trả được tiền cho tao đấy”, thế nên nợ vẫn hoàn nợ! (K có một nguyên tắc thế này cũng là lạ cho một tay “nhà băng”: ít khi cho ai vay tiền lắm, tính K vừa “chắc” vừa “kỹ”-nhưng đã cho vay cá nhân thì không bao giờ cho vay lấy lãi! Ngạc nhiên chưa?).
Khi “Béo” nổi rồi thì quanh “Béo” thường rất đông người. Ngoài anh em Hòa Phát ra thì thường thấy “bầu Đức”, “bầu Thắng”, nhất là từ khi có VPF ra đời. Rồi các loại cổ đông nhà băng đi lo lót tăng vốn để “sở hữu chéo” như sau này hay bị nói, rồi đến anh chị em nhà báo, nhà đài...Trong “cuộc” nào “Béo” đều nổi bật nhất, “nói có người nghe, đe có người sợ”! Làm bóng đá mà bỏ ít tiền như “Béo”, lại quyết “không cho trọng tài một xu” thì đúng là “Béo“ tài thật! Riêng chuyện “Béo” “lật đổ” VFF và vụ giành lấy bản quyền truyền hình từ tay An Viên sẽ ghi tên K vào lịch sử thể thao VN như một nhà “cải cách bóng đá”, mà cái đó hoàn toàn có cơ sở (còn việc sau K bóng đá còn kém đi, tệ nạn hơn so với trước thì không phải là công hay tội của K rồi!), chưa nói đến những vụ “vặt vãnh” như giành lại Công Vinh...”Béo” đã thành người của công chúng, đi đâu phải dùng Bentley, Phantom chứ không đèo con xe máy ra Hàng Hành ăn bún như trước kia được nữa! Tôi vẫn nhớ cuộc gặp ngắn của K với Vũ “An Viên” tại cafe ngoài trời của Hilton, mặc dù K đã báo trước kết quả từ ngày hôm trước mà “bầu” Thắng, “bầu” Đức ngồi trong nhà hóng ra, sốt ruột vẫn chưa thể tin là kết cục ngoạn mục đến thế! K đã lên đến đỉnh cao danh vọng...
Nhiều người quen bảo K hãy cẩn thận (mặc dù lắm người chả biết phải cẩn thận cái gì!?) nhưng K rất tin tưởng vào thói quen “chặt chẽ” của mình (chứ không phải K tin mù quáng vào ô dù đâu). Tôi chỉ nhắc khéo K: “đại gia gì mà số đtdđ xấu quá thể thế, đến mày cũng không nhớ được số của mày thì đổi đi chứ” nhưng K bảo thủ lắm, số này nó lấy hú họa trong dánh sách sim đt của Cty dể dùng hơn chục năm rồi-“số ruồi thì sim đt nào cũng vẫn chết”-chính K bảo thế...Và rồi cái “tai nạn” ấy nó vẫn đến, thị trường có 2 lần tụt dốc thê thảm, đó là khi K bị bắt và khi K ra tòa!
Việc “Béo” đúng hay sai là chủ đề của một stt riêng, nhưng quả là từ khi bị bắt tạm giam tên Nguyễn Đức Kiên chưa hề giảm độ hot, có thể nói là người ta biết đến “K tóc bạc” còn nhiều hơn trước! Không tiện viết ra đây nguyên nhân chính đẩy “Béo” vào vòng lao lý, tôi tìm hiểu và thấy ¾ cáo trạng với K là phi lý; nhưng tôi cũng như những người biết K đều hiểu, bây giờ cứu được K chỉ có chính K thôi. Và với bản chất “chiến đấu” có sẵn (ngả theo hướng hiếu thắng luôn) cộng với trí nhớ rất tốt, lý luận sắc bén và cũng có “rất nhiều thứ để mất” thì dù có bị xích chân, cùm tay để hạ nhục và đánh đòn tâm lý thế nào đi nữa, bắt “Béo” thì dễ chứ bỏ tù “Béo” khó hơn nhiều! Đơn giản vì “Béo” rất yêu tiền, mà đi tù, mất tiền thì làm sao “Béo” chấp nhận, thỏa hiệp được...Lúc này đây, quả bóng được đẩy sang phía những người muốn triệt hạ “Béo”-hãy “giở võ” nữa đi, chứ “Béo” là hậu vệ chuyên nghiệp, sẵn sàng chơi “rắn” từ xưa rồi, kể cả “bỏ bóng đá người”! Không hề có ý định tô hồng cho ông bạn “Béo”-nhưng “Béo” có một vũ khí lợi hại, là ngày nào “Béo” còn bị cách ly với xã hội, thì ngày đó xã hội còn lôi vụ việc của “Béo” ra mổ xẻ, mà những người kia thì lại không hề muốn xã hội này phải “động não”-nhưng “án thửa” xem chừng trong vụ này cũng thực sự không dễ choàng vào “Béo” và cộng sự! Cứu cánh của “Béo” nằm ở đó: hãy nhắc đến bản thân bằng chính sự vắng mặt của mình! Không có “duyên” để giúp được K dù nhiều dù ít, bây giờ đây là lúc K đang phải trả nghiệp, trả nghiệt của đời mình đây, nhưng tôi có một linh cảm rằng món nợ mọn mà tôi chưa kịp trả “Béo” chính là điềm báo, chẳng lâu nữa đâu tôi sẽ có dịp trả nó cho K và lúc đó sẽ đến lúc tôi trả tiền cafe cho “Béo”, cũng vẫn ở Hilton thôi...
@ nhặt trên Phây, không rõ tác giả. 
Vào ngày 18:00 Thứ Sáu, 6 tháng 6 2014, Anh Tuan Nguyen <anhtuanb2tlsg@gmail.com> đã viết: 
Cám ơn bạn DVV.
Buộc Bầu Kiên tội kinh doanh trái phép được chăng không phải là một câu hỏi (vì không có dấu chấm hỏi ở cuối câu) mà là một lời khuyên nên xử nhẹ, coi như là một hình thức nhà nước trả học phí cho "người tinh khôn" là ông Bầu Kiên.  
Ông Nguyễn Ngọc Bích là Luật sư, sau giải phóng từng bị đi tập trung cải tạo,tham gia Nhóm Thứ Sáu nổi tiếng từ năm 1993. bài viết của ông tất nhiên là có chất lượng cao.
Giới thiệu về Nhóm Thứ Sáu:
Trách nhiệm và Lòng nhiệt thành đóng góp cho đất nước*
Ngày 01 tháng 11 năm 2001
Thân mến gửi: Anh em trong "Nhóm Thứ Sáu"
Tôi được anh Huỳnh Bửu Sơn chuyển bản thảo tựa đề Ký ức 15 năm Nhóm Chuyên viên Kinh tế "Thứ Sáu" và đề nghị tôi có mấy lời tham gia.
Tôi đã đọc kỹ những bài viết trong bản thảo, có bài đọc không chỉ một lần. Theo như Lời nói đầu, đây là những ghi chép tâm sự có tính nội bộ, để lưu hành trong nội bộ nhóm. Tôi tôn trọng những tâm sự ấy và cũng thấy chia sẻ với nhiều kỷ niệm vui, niềm tự hào và cả một vài "nỗi lòng" của anh em.
Những bài viết trong bản thảo, dù ngắn hay dài, phong cách, hình thức khác nhau nhưng đều thể hiện điều đáng quý nhất của anh em là trách nhiệm và lòng nhiệt thành đóng góp cho đất nước. Không chỉ những tháng năm khó khăn với cơ chế cũ như cuối thập niên 80 mới cần những đóng góp thành tâm, công quả. Chung xây Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp là sự nghiệp chung của tất cả mọi người Việt Nam. Hôm qua, hôm nay, ngày mai và mãi mãi, dân tộc ta, Tổ Quốc ta cần nhiều tấm lòng và bộ óc như thế.
Quả thực, tôi không để ý nhiều đến tên gọi cũng như những gì mà anh em cho là "cơ sở pháp lý" của "Nhóm Thứ Sáu". Nhưng tôi luôn quí trọng tình cảm chân thành, thẳng thắn của anh em. Tôi cũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của anh em về nhiều lĩnh vực trong suốt hơn 15 năm qua, không phải vì tất cả những ý kiến đó đều mới mẻ, đúng đắn, khả thi.
Có ý kiến, xét trên quan điểm tổng thể tầm quốc gia, chưa thực sự phù hợp với điều kiện, tình hình nước ta. Có ý kiến cùng gặp nhau với kết quả nghiên cứu, đề xuất của những cơ quan, cá nhân khác. Nhưng tất cả đều xuất phát từ mong mỏi khát khao đưa đất nước vượt lên. Hơn nữa, đều là kết quả của cả một quá trình lao động trí tuệ, công quả, trong khi cuộc sống và công việc thường nhật của mỗi anh em còn không ít khó khăn.
Chúc anh em mạnh khoẻ, hạnh phúc. Tôi xin thi đua cùng anh em, tiếp tục làm công quả và khuyến khích được nhiều người cùng làm, với tất cả trách nhiệm vì sự nghiệp chung.
Sáu Dân - Võ Văn Kiệt
* Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt
----------------------------------------------
Nhóm nghiên cứu không tên
Đầu tiên anh em gọi là nhóm "Cholimex" vì sinh hoạt tại đó, và sau này dời đi nơi khác thì gọi Nhóm "Thứ Sáu" vì sinh hoạt chiều thứ Sáu hàng tuần, đúng là nhóm không tên.
Anh em trong nhóm nói đây là nhóm có nhiều cái "không", không biên chế, không điều lệ, không vụ lợi, không chủ quản, không kinh phí, v.v... Nhưng với tất cả những cái không đó đã tạo ra nhóm và làm cho nhóm có một không khí sinh hoạt vui tươi khi gặp gỡ, tranh luận sôi nổi có lúc gay cấn, nhưng lại rất khách quan vô tư, hồn nhiên và gần gũi với các đề tài kinh tế - xã hội. Và khi ra về có một niềm vui thoải mái, như đã làm được, nói được điều gì đó có ích một cách thoải mái.
Anh em tuy những nghề nghiệp, kiến thức, hoàn cảnh cuộc sống khác nhau, kể cả những cán bộ lãnh đạo đã đến với nhóm, không bắt đầu từ những cái không mà chính từ một cái có. Đó là cái "Tâm": có của người trí thức, người có trách nhiệm trước hoàn cảnh ngặt nghèo của đất nước, mong tìm một lối thoát cho nền kinh tế đang khó khăn, chính có cái tâm này nên nhưng cái "không" mà anh em nêu trên đã không những không làm cản trở anh em kết lại thành nhóm nghiên cứu kinh tế mà còn làm cho nhóm thoát ra khỏi những ràng buộc hình thức, những lợi ích riêng tư. Từ đó có được một môi trường trong sáng, làm cho anh em đóng góp được nhiều ý kiến, nhiều đề án có giá trị và được áp dụng đạt hiệu quả cho sự phát triển kinh tế chung vừa qua. Với tinh thần đó, cái tâm đó đáng được xem là cái tâm "kẻ sĩ" vậy.
Sự gặp gỡ của anh em có thể là ngẫu nhiên, nhưng sự gắn bó của anh em với nhau hay với cán bộ lãnh đạo trong suốt 15 năm qua quả không phải là ngẫu nhiên. Trước tình hình kinh tế khó khăn lúc bấy giờ, không ai còn so đo về hình thức, lợi ích riêng hay địa vị xã hội gì nữa, mà trước mắt phải tìm ra một lối thoát cho nền kinh tế. Nhưng tranh luận gay gắt, những lời nói có nặng nề nhưng đều xuất phát từ tấm lòng bức xúc đó. Chính vì vậy nên anh em có đủ khoan dung và chấp nhận được.
Tôi còn nhớ một lần anh Lâm Võ Hoàng nói một câu "móc họng": Việt Nam hiện giờ không có chuyện gì là không dám làm, chỉ có một điều không dám thôi. Tôi hỏi đó là việc gì? Anh trả lời gọn hơ: là làm đúng! Tất cả anh em và tôi đều cười xoà. Quả là anh đang tức giận, bức xúc, nhưng hoàn toàn không phải là anh chống lại chính quyền Nhà nước này là là cố làm sao đóng góp cho được.
Những tấm lòng như thế, những bức xúc ở nhiều góc độ khác nhau như thế lại gặp nhau và đã hợp thành một cách tất nhiên.
Mười lăm năm qua, nhóm anh em "Thứ Sáu" đã đóng góp được nhiều ý kiến cho lãnh đạo, cho Nhà nước trong nhiều lĩnh vực kinh tế, góp phần hình thành các chính sách, luật lệ cụ thể trong công cuộc đổi mới vừa qua. Các đề án kinh tế cụ thể đã được thực hiện hiện như khu chế xuất, khu công nghiệp, ngân hàng cổ phần, v.v... Anh em xuất thân từ những người làm kinh tế cụ thể và từ thực tiễn rút ra những kết luận những nhận xét và đề xuất ra những ý kiến cho lãnh đạo, nhiều ý kiến rất có giá trị đã bổ sung cho các cơ quan kinh tế của Nhà nước ta, nhất là trên phạm vi kinh tế vi mô.
Giờ đây tuy đã thoát khỏi thời kỳ hiểm nghèo của 15 năm trước, nhưng bước đường đi lên của nền kinh tế Việt Nam trước bối cảnh của thế giới đầy biến động như hiện nay, không lẽ kinh tế đất nước này không còn gì trắc trở nữa? Và ngay khi có thời cơ, chưa chắc gì chúng ta tận dụng và khai thác hết được.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng kỷ niệm 15 năm đáng ghi nhớ của "Nhóm nghiên cứu không tên gọi" thì những tấm lòng tâm huyết đối với đất nước sẽ tiếp tục hiến dâng, tiếp tục tự nguyện với tinh thần kẻ sĩ trước mọi thời đại lịch sử, chớ không phải là chấm hết.
Ngày 23/10/2001
Võ Trần Chí

Giới thiệu về LS Nguyễn Ngọc Bích
NGUYỄN NGỌC BÍCH (sinh năm 1945 )
- Luật sư Nguyễn Ngọc Bích, tốt nghiệp cử nhân Trường Luật Sài Gòn năm 1972 và thạc sĩ luật Trường Đại học Luật Harvard. Ông làm nghề luật từ 1974 cho đến nay; chuyên về công ty, luật kinh doanh và thương mại. Hiện nay, ông làm việc tại Văn phòng luật D.C Law tại Tp. HCM.
Ông là một luật sư tư vấn cho nhiều công ty tên tuổi và được nhiều doanh nhân trong cũng như ngoài nước nhắc đến với sự kính trọng.
Những trăn trở của ông được viết trong nhiều cuốn sách và bài báo sắc sảo về kinh tế, kinh doanh, giáo dục, triết học... đã thu hút được một số lượng lớn độc giả.
Vài quan điểm cá nhân:
- Chúng ta cần phải thực hiện một cuộc cách mạng văn hóa. Đảng đang đẩy mạnh chủ trương học tập đạo đức Hồ Chí Minh để xây dựng nền tảng đạo đức xã hội; tức là đến giờ, chúng ta đã nhận thức được trong xã hội thiếu nền tảng đạo đức. Tôi còn nhớ một câu nói của ông Mai Chí Thọ: “Chúng ta đã xây dựng con người chính trị trước khi xây dựng con người bình thường”.
- Năm 1994, viết bài đăng trên báo chí tôi nêu vấn đề cơ bản cho sự phát triển kinh tế là đạo đức cá nhân ; bởi trước đó tôi thấy người ta ít tôn trọng lời hứa. Nền kinh tế thị trường kiểu gì thì cũng chỉ hoạt động được trên nền tảng đạo đức cá nhân. Mỗi người tự mình phải biết kiềm chế mình. Nền kinh tế của ta đang phát triển nhưng vấn đề đạo đức cá nhân chưa được coi trọng. Khi xem xét đạo đức cá nhân thì tôi thấy nó bị tác động bởi giáo dục. Do đó, tôi đi vào giáo dục. Tôi nhìn ra nền tảng của việc giáo dục ở ta; nó là thế nào, tại sao như thế. Đi sâu vào giáo dục tôi thấy nó bị ảnh hưởng bởi gia đình. Tôi bèn đi vào vấn đề gia đình. Từ kinh nghiệm cá nhân tôi nhận ra sự quan trọng của các bà mẹ. Cho hạnh phúc của gia đình và cho sự phát triển của xã hội vai trò của các bà mẹ rất quan trọng. Các ông chồng cần phải nhận ra vai trò quan trọng của vợ mình để biết quý vợ. Khi biết mình được quý – ngoài yêu – các bà sẽ hết lòng chăm sóc chồng con và sẽ thấy mình … ở trên bình đẳng!
- Lâu nay xã hội mình chú trọng nhiều đạo đức nghề nghiệp mà ít xây dựng đạo đức cá nhân – tức là cách cư xử giữa con người bình thường với nhau. Muốn thay đổi điều này phải thay đổi cách giáo dục, bắt đầu từ gia đình, cốt tủy là bà mẹ. Xã hội hiện nay là xã hội trọng vật chất; người ta quan tâm đến việc một người có bao nhiêu tiền nhưng không để ý đến cách thức họ kiếm tiền. Trong khi đó, ở các nước phát triển, người ta coi trọng người có tiền nhưng xét nét cách họ kiếm tiền và người ta chú trọng xây dựng đạo đức cá nhân từ khi con cái còn nhỏ.
Nat.

Buộc Bầu Kiên tội kinh doanh trái phép được chăng

Nguyễn Ngọc Bích
Ảnh bên:Ông Nguyễn Đức Kiên đã khai thác sự thô sơ của luật pháp để tạo lợi thế trong kinh doanh. Ảnh: NGUYỄN HUY 
Trong phiên tòa ngày 21-5 và sáng 22-5, hội đồng xét xử hỏi về hoạt động kinh doanh trái phép của ông Nguyễn Đức Kiên. Cơ quan tố tụng buộc tội rằng, lợi dụng giấy phép kinh doanh, ông Kiên đã vận dụng bộ máy của các công ty để kinh doanh tài chính không đúng với giấy phép kinh doanh. Khi được hỏi ý kiến về việc này thì chuyên viên từ các sở và bộ đã cho các câu trả lời khác nhau. Ở đây ta bàn về câu hỏi này.
Nhận định
Kinh doanh tài chính được hiểu theo ba cách.
Một là kinh doanh tài chính của các công ty bình thường.
Đối với các công ty này, đầu tư tài chính là sự tận dụng tiền vốn huy động được để đầu tư vào các lĩnh vực khác hầu nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn, làm sinh lợi vốn, như đầu tư vào thị trường chứng khoán (mua công khai) hay, góp vốn vào công ty khác và cho vay vốn (mua riêng tư).
Nhìn vào nội dung ấy, ta thấy ngay khi một công ty mua bán công khai ở thị trường chứng khoán thì họ giao thương ở một nơi có tổ chức và theo những thể thức nhất định. Sự giao dịch này không cần phải có phép trước, tức là đăng ký kinh doanh.
Đối với việc mua riêng tư thì hai bên tin nhau, thuận mua vừa bán. Nó là hợp đồng, là sự mẫn cán đúng mực (due diligence) của bên mua. Bên nào làm sai thì cứ dựa vào hợp đồng để xử lý. Khi đã có thể quy trách nhiệm theo hợp đồng thì chẳng cần phải đăng ký kinh doanh. Hơn nữa, khi việc mua bán diễn ra thì chính quyền cũng chẳng biết cho đến khi hai bên tranh chấp.
Cách kinh doanh tài chính như trên thì cần thiết cho doanh nghiệp. Vì đó là chuyện mua bán tiền bạc. Mà tiền bạc đối với doanh nghiệp thì cũng quan trọng như không khí đối với con người. Thiếu tiền mặt trả nợ, doanh nghiệp có thể bị thưa phá sản ngay. Họ thường phải đi vay vốn lưu động, vậy nếu có tiền nhàn rỗi thì họ có quyền kinh doanh tài chính. Hơn nữa khi việc mua bán này được làm với một số tiền lớn thì nó trở thành mua bán công ty. Nếu phải đăng ký mới được phép làm thì doanh nghiệp bị... bịt mũi! Trong chuẩn mực kế toán việc đầu tư tài chính không được định nghĩa. Hiện nay, luật cũng không buộc phải đăng ký kinh doanh.
Hai, kinh doanh tài chính theo kiểu của các công ty của ông Kiên.
Các công ty này là công ty cổ phần đầu tư, đầu tư tài chính. Việc làm chủ yếu của họ là phát hành giấy nợ (trái phiếu); cầm tiền người khác đi góp vốn hộ (nhận ủy thác đầu tư) và góp vốn mua cổ phần (đầu tư). Họ không huy động vốn từ công chúng nên không đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Về tính chất, họ là những công ty bình thường nhưng chuyên giao dịch về tiền bạc.
Về các việc làm của các công ty này, riêng từng việc một với một ai khác thì họ không phạm pháp. Họ cũng phải được làm giàu như những công ty nêu ở loại 1. Cái khác của họ so với các công ty bình thường là họ phát hành trái phiếu, rồi được vay nhiều mà không bị xét nét, khiến họ có tiền đi góp vốn ở những doanh nghiệp khác và thu lời. Như thế nghĩa là chỉ với số vốn nhỏ ban đầu, họ đi vay và thành giàu xụ. Gần như là tay không bắt giặc. Đó là lợi thế của các công ty loại này. Lợi thế ấy trái với nguyên tắc kinh doanh mà đã tạo nên sự giàu có cho xã hội. Ấy là ai chịu rủi ro nhiều - thì được hưởng lời cao. Các công ty này được hưởng vế sau mà không phải chịu vế đầu.
Vậy cái gì đã tạo ra lợi thế cho các công ty như loại của ông Kiên? Thưa nhờ vào: (i) có một ông chủ nợ rất giàu - Ngân hàng ACB - không cần chọn mặt khi gửi vàng; (ii) luật lệ thô sơ giúp cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu dễ dàng; (iii) một luật tín dụng lơi lỏng và (iv) có ông Kiên hiện diện ở nhiều nơi. Ta cùng xem các yếu tố trên kết hợp với nhau như thế nào qua sự tường thuật của báo chí.
Cổ phiếu của Ngân hàng ACB đang lên giá. Thí dụ 20.000 đồng/cổ phiếu. Khi cổ phiếu đang ở chiều tăng giá mà bán ra thì sẽ được giá cao hơn, thí dụ 22.000. Vậy là ngồi nhà mát ăn... 2.000! Ngân hàng ACB quyết định bán cổ phiếu. Ông Kiên hiện diện trong ACB. ACBS là một công ty con của ACB chuyên về chứng khoán; nó không thể mua cổ phiếu của ACB được vì như thế là hai mẹ con a tòng với nhau nâng giá để lấy tiền của người khác.
Vậy để cho ACBS mua được cổ phiếu của ACB, nó ký hợp đồng ủy thác đầu tư với các công ty của ông Kiên - tức là nó bảo: “Các anh mua cổ phiếu ACB hộ tôi nhé. Này tiền đây”. Để có tiền ACBS phát hành các tờ giấy nhận nợ (trái phiếu). Hai ngân hàng Kiên Long Bank và VietBank đưa cho nó 1.500 tỉ. Tiền đó đã được vay của ACB, theo quy chế vay liên ngân hàng. Và các công ty của ông Kiên mua cổ phiếu của ACB bằng tiền do ACB bỏ ra!
Trong cơ chế kinh doanh trên, “lợi thế” của tất cả các bên liên can, bắt nguồn từ sự hiện diện của ông Kiên. Ông có mặt ở nhiều nơi: nơi phát hành trái phiếu, nơi xuất tiền cho vay và nơi đi mua cổ phần. Như đã nói, trong từng việc riêng lẻ khi mỗi chủ thể giao dịch với một người khác thì không ai làm sai luật. Nhưng kết nối công việc của họ lại với nhau thì họ được lợi. Nó giống y việc chuyển giá ở thuế. Và khi ấy xã hội bị thiệt. Việc chuyển giá muốn diễn ra phải có các công ty ở vài nước khác nhau, lợi dụng các mức thuế khác nhau của mỗi nước. Còn ở đây, chỉ trong một nước, từng việc tách riêng nhau; nhưng nhờ có ông Kiên nên nó ăn khớp với nhau và tạo ra lời lãi. Chúng ta sẽ bàn thêm về vấn đề này; còn bây giờ phải đi tiếp mục... kinh doanh tài chính.
Ba, các quỹ đầu tư vốn thường gọi là các công ty đầu tư.
Giống như ở các nước khác, các công ty này phải đăng ký kinh doanh với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trước khi hoạt động. Ở nước ngoài các quỹ này huy động vốn công chúng. Ở ta họ đem vốn từ ngoài vào.
Tóm tắt lại, trong ba việc trên, việc thứ nhất không cần đăng ký vì phải cho doanh nghiệp... thở để còn lớn. Việc thứ ba thì đã phải đăng ký rồi. Vậy chỉ còn việc thứ hai là trường hợp của các công ty dạng như của ông Kiên và ta đi tìm giải pháp cho nó.

Giải pháp
Các công ty loại 2 không phạm pháp khi họ kinh doanh tài chính. Đúng như ông Kiên nói tại tòa. Chúng chỉ có một lợi thế - mà xã hội không chấp nhận - nhờ có ông Kiên. Và ông ta biết khai thác sự thô sơ của luật pháp vào lúc đó. Ấy là luật về phát hành trái phiếu của doanh nghiệp và luật cung cấp tín dụng của ngân hàng.
Ở các nước khác, doanh nhân cỡ ông Kiên thường ngần ngại hành động nếu thấy có “xung đột về lợi ích”, nôm na là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Và ở ta, ông Kiên làm tuốt! Vì đã làm nên ông trở thành người tinh khôn.
Đụng người tinh khôn mà phải trả lời các việc làm của các công ty như thế có phải đăng ký kinh doanh không thì các chuyên gia tất nhiên phải... bí xị! Họ chạm trán với một người tinh khôn. Muốn ngăn chặn thì Chính phủ phải sửa hai nghị định quan trọng là doanh nghiệp phát hành trái phiếu và ngân hàng cho vay tiền.
Về luật sau thì Ngân hàng Nhà nước đã ra tay bằng Thông tư số 13/2010. Nó khắt khe quá, đến nỗi đã phải hoãn thực hiện đến hai lần. Nếu có sự khắt khe này vào năm 2008, 2009 thì ACB đã “bó tay” rồi.
Về luật cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu thì đã có hai Nghị định số 52/2006/NĐ-CP và 90/2011/NĐ-CP. Cả hai bản này rất thô sơ. Nó cho doanh nghiệp phát giấy nợ sau khi hội đồng quản trị của họ chấp thuận bản trình bày mục đích đi vay cũng của họ! Nó không quy định rõ ràng các biện pháp bảo đảm trả nợ. Nó “phù hộ” con nợ và do vậy “bỏ bê” chủ nợ. Nó coi doanh nghiêp tư nhân không bao giờ vỡ nợ giống như Chính phủ vậy.
Luật của Mỹ chẳng hạn quy định: tài sản thế chấp, các chủ nợ cử một người ủy nhiệm để trông tài sản thế chấp kia và coi việc con nợ thi hành hợp đồng vay nợ. Ngoài ra, doanh nghiệp phải bỏ tiền hàng năm vào một quỹ bất động (sinking fund) để bảo đảm trả lãi và trả nợ. Nếu các công ty của ông Kiên hay ACBS bị đòi hỏi như thế thì sao có thể phát hành trái phiếu một cách... vô tư như đã làm được!
Đến đây có câu hỏi là ở các nước khác có vụ như vậy thì họ giải quyết thế nào. Thưa họ có luật chặt chẽ và có ít người tinh khôn nên chưa nghe thấy vụ như thế này xảy ra.
Cho những gì đã thấy, chúng ta nghiệm ra rằng trái phiếu, chứng khoán bán cho công chúng là các công cụ tinh vi nhất của kinh tế thị trường mà đã phát triển hàng thế kỷ. Các công cụ tài chính kia khởi đi từ nhu cầu tâm lý của mỗi người sử dụng, sang tập tục của một nhóm người, lên đến tập quán của ngành nghề, rồi mới có luật điều chỉnh khi phải đối đầu với người tinh khôn. Những bước đi như thế tạo nên các điều kiện tinh thần thích ứng nâng đỡ sự phát triển của các công cụ kia. Chúng ta mới mon men bước vào nền kinh tế thị trường mà sử dụng các công cụ kia ngay! Việc ấy giống như một người mới bước chân xuống hồ bơi, thấy ở giữa hồ có nhiều người nhào, lộn, nhảy thật hào hứng, thế là bắt chước theo, không nghĩ là phải biết bơi cừ, phải có phao. Do vậy bị ngã, bị uống nước ngay! Đó là học phí.
Vụ ông Kiên mang ý nghĩa này đối với chúng ta. Bởi thế, thiết nghĩ không nên phạt nặng ông ấy. Ông ấy không thuộc hạng người phải cách ly xã hội. Để ngăn chặn sự tái diễn thì cách làm không phải là bắt ai kinh doanh tài chính cũng phải đăng ký trước vì như thế là không cho doanh nghiệp được tự do thở. Cho họ thở mạnh nhưng không được làm bậy. Sự tinh vi của hai luật nêu ở trên sẽ giúp vào việc này; giống như buộc dây vào thắt lưng của doanh nghiệp. Anh cứ thở, cứ bơi, nhưng không xa hơn chiều dài sợi dây.
-
PGS. TS. Dương văn Viện
Trường CĐ Nông nghiệp Nam Bộ
(Southern Agriculture College) 
Mỹ Tho, Tiền Giang
Tel.    073.3850324
http://www.sac.edu.vn

4 nhận xét:

  1. Tuổi thơ dũ dội, quá khứ nhiều.....vết..........
    dưng không sao.....XH nào sản sinh con người í.................

    Trả lờiXóa
  2. Trong XH mới tập bơi như VN thì phải trả giá , một số người đang và sẽ bị chết đuối kiểu như ông Kiên. Xét trên tổng thế đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội VN thì ô. Kiên vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân.K đã lợi dụng (vận dụng!) kẽ hở của pháp luật để kinh doanh. Nhà nước ( chế độ chính trị), khi không quản được, không cấm hết ( sơ hở) thì bắt tội với hệ thống Pháp luật như rừng tái sinh.

    Trả lờiXóa
  3. Thật xin lỗi quí vị, hiện nay tại TP HCM còn nhiều việc dân bức xúc kiểu như qui hoạch treo hàng chục năm, quận huyện nào cũng có , dân thì kêu khóc thảm thiết, cán bộ nhà nước, hội đồng nhân dân thì thờ ơ, nếu bảo các vị quan của dân từ chức thì lấy ai phục vụ cho dân lấy ai ngồi phòng máy lạnh ký quyết định rồi mặc cho dân nó chết ???

    Trả lờiXóa
  4. Tham thì thâm.

    Vụ án điểm với những hậu quả nặng nề do Kiên gây ra cho xã hội,dù tinh khôn bằng mấy,không thể thoát lưới trời,không trước thì sau,không sớm thì muộn ,không với tòa thì với đời...hễ cứ tham thì thâm,cấm sai chữ nào!

    Trả lờiXóa