Trang BVB1

Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

KIỆN TRUNG QUỐC – BIỆN PHÁP CẦN KÍP BẢO VỆ CHỦ QUYỀN - 2

Kỳ 2: Việt Nam bảo vệ chủ quyền 
bằng biện pháp hòa bình
Trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam, đồng thời cho các tàu hộ tống liên tiếp tấn công lực lượng thực thi pháp luật, đâm chìm tàu của Việt Nam, nhiều ý kiến trong và ngoài nước cho rằng Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh, Phó trưởng Khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao, kiện Trung Quốc cũng là một biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền.
- Phóng viên (PV): Năm 2006, Trung Quốc gửi Liên hợp quốc (LHQ) các tuyên bố bảo lưu theo Điều 298 của UNCLOS 1982, chứng tỏ Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ cho ý đồ của họ ở Biển Đông. Vậy nếu chúng ta kiện thì có thể kiện Trung Quốc ở tòa án nào thưa tiến sĩ?
- Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh: Điều 298 của UNCLOS 1982 quy định rằng, một quốc gia có thể loại bỏ một số tranh chấp khỏi phạm vi áp dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp bắt buộc. Đây là quyền của quốc gia thành viên Công ước. Công ước là một công ước đa phương, nhiều nước trên thế giới tham gia, cho nên việc tìm được tiếng nói chung liên quan đến biển giữa các nước không hề đơn giản. Để tạo sự đồng thuận lớn giữa các quốc gia tham gia Công ước, các quốc gia thành viên khi ký kết có thể đưa ra tuyên bố để loại bỏ một số loại tranh chấp, mà sẽ không được đưa ra xét xử theo cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của Công ước.
Trung Quốc đã tận dụng quy định này và đã đưa ra Tuyên bố vào năm 2006. Trung Quốc tính toán rất kỹ, thứ nhất họ không bao giờ chấp nhận bị kiện ở một cơ quan tài phán vì với một quốc gia lớn họ coi đây là biện pháp mang tính mất mặt. Thứ hai, có lẽ Trung Quốc biết điểm yếu về mặt pháp lý của mình, họ không tự tin bởi những lập luận pháp lý, mà chỉ khẳng định họ có chủ quyền trong lịch sử nhưng lại thiếu bằng chứng cụ thể và chưa bao giờ chứng minh bằng chứng đấy là gì. Trung Quốc đưa ra yêu sách về “đường lưỡi bò” nhưng lại chưa bao giờ giải thích cụ thể với thế giới rằng, họ yêu sách cái gì đối với “đường lưỡi bò” và cơ sở pháp lý ở đâu? Cho nên, họ không đủ tự tin để đưa ra yêu sách của mình ở một cơ quan tài phán.
Khi Trung Quốc đưa ra Tuyên bố vào năm 2006 như vậy, hệ quả là những tranh chấp mà các quốc gia liên quan có thể khởi kiện Trung Quốc ra cơ chế giải quyết tranh chấp theo UNCLOS 1982 sẽ bị hạn chế  nhiều. Cụ thể, Tuyên bố của Trung Quốc vào năm 2006 đã loại bỏ 4 loại tranh chấp: Tranh chấp liên quan đến phân định biển; tranh chấp liên quan đến vịnh lịch sử, danh nghĩa lịch sử; tranh chấp liên quan đến sử dụng hoạt động quân sự; tranh chấp mà đang được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xem xét. Những tranh chấp nào liên quan đến 4 lĩnh vực này sẽ không khởi kiện được Trung Quốc.
Theo UNCLOS 1982 có 4 cơ quan có thể giải quyết: Tòa án Công lý Quốc tế, Tòa Luật biển Quốc tế, Tòa Trọng tài theo Phụ lục 7, Tòa Trọng tài theo Phụ lục 8. Với Tòa Công lý Quốc tế và Tòa Luật biển Quốc tế, chỉ khi 2 quốc gia cùng chấp nhận lựa chọn thì các tòa này mới có quyền xét xử, phán quyết. Nếu trong trường hợp các quốc gia không có lựa chọn hoặc sự lựa chọn của các quốc gia khác nhau, cơ quan có thẩm quyền bắt buộc giải quyết sẽ là Tòa Trọng tài theo Phụ lục 7. Vì vậy, trong trường hợp này Việt Nam có thể kiện một số vấn đề nằm ngoài Tuyên bố năm 2006 của Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục 7.
Điểm đáng chú ý là nếu Việt Nam khởi kiện tại Tòa Trọng tài theo Phụ lục 7, trong thời gian tòa thụ lý vụ kiện Việt Nam có thể yêu cầu Tòa Công lý quốc tế hoặc Tòa án Luật biển Quốc tế ra quyết định về biện pháp khẩn cấp tạm thời để buộc Trung Quốc chấm dứt hành vi gây thiệt hại về phương tiện và thương tích cho lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam, đồng thời chấm dứt khoan tại địa điểm hạ đặt trái phép hiện nay cho tới khi có phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng tài.
- PV: Trung Quốc cố tình diễn đạt sai quy định của UNCLOS 1982 để trục lợi, xâm phạm chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hay nói cách khác muốn hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò”. Theo tiến sĩ, nếu ý đồ này không bị quốc tế lên án, ngăn chặn kịp thời thì có tạo ra tiền lệ xấu, thậm chí phá hỏng UNCLOS 1982 hay không?
- Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh: Các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế nếu không được dư luận quốc tế kịp thời đấu tranh và lên án sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu. Về lâu dài, nó có thể đe dọa đến trật tự pháp luật quốc tế mà các quốc gia trên thế giới đã dày công xây dựng, trực tiếp nhất là UNCLOS 1982.
Trong thời gian qua, dư luận quốc tế đã đồng loạt lên án hành vi của Trung Quốc. Họ lên án hành vi của Trung Quốc thực hiện một cách đơn phương, ngang nhiên, trắng trợn xâm phạm đến quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Rõ ràng, đây là hành vi phạm pháp luật quốc tế, vi phạm UNCLOS 1982. Hành vi này còn vi phạm Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc tham gia ký kết.
Như vậy, chứng tỏ rằng dư luận quốc tế không bàng quan trước vụ việc này và dư luận quốc tế đang thể hiện tiếng nói mạnh mẽ kêu gọi Trung Quốc thực hiện nghiêm túc luật pháp quốc tế. Đây là tiếng nói hết sức cần thiết để giúp Trung Quốc nhận ra hành vi sai trái, nguy hiểm của mình, để từ đó điều chỉnh hành vi phù hợp với lợi ích của khu vực và thế giới, đồng thời bảo đảm duy trì hòa bình, ổn định của khu vực này.
- PV: Ngư dân chúng ta-những người thường xuyên bị các tàu Trung Quốc đe dọa, tấn công, thậm chí đâm chìm tàu như ngày 26-5-2014 vừa qua, có thể tìm công lý từ luật pháp quốc tế, mà cụ thể là từ UNCLOS 1982 hay không, thưa tiến sĩ?
- Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh: Có nhiều cơ sở pháp lý khác nhau để phân tích vấn đề này. Thứ nhất, tàu cá là tài sản của ngư dân Việt Nam, việc tàu cá Trung Quốc vào vùng biển Việt Nam trái phép mà lại có hành vi xâm phạm đến tính mạng, tài sản của công dân Việt Nam là một hành vi vi phạm pháp luật. Vì đây là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nên Việt Nam có quyền tài phán, do đó lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam như Cảnh sát biển, Kiểm ngư có thể tiến hành bắt giữ các đối tượng đó và xét xử theo pháp luật tại tòa án của Việt Nam. Điều luật có thể dẫn chiếu để xét xử hành vi này chính là luật biển và các quy định pháp luật dân sự, hình sự để bảo vệ tài sản, tính mạng của công dân Việt Nam. Đây là những quy định pháp luật mà quốc gia nào cũng có. Vì vậy, chúng ta có thể có các chế tài để trừng trị thích đáng theo pháp luật của Việt  Nam.
Giả sử đấy là hành vi tàu cá đội lốt, chịu sự chỉ đạo của chính quyền Trung Quốc thì nó sẽ cấu thành vấn đề trách nhiệm pháp lý quốc gia. Trong trường hợp đó, chúng ta có thể kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục 7 về hành vi Trung Quốc hung hăng tấn công lực lượng thực thi pháp luật và ngư dân Việt Nam, xâm phạm nguyên tắc nhân đạo trong luật pháp quốc tế. Để thực hiện điều này cũng phụ thuộc vào những tình huống, bằng chứng mà chúng ta thu thập được.
- Chắc chắn là có những cơ chế trong nước hoặc quốc tế để đưa những hành vi phạm pháp luật, vô nhân đạo đó ra trước công lý.
- PV: Giả sử trong trường hợp chúng ta kiện Trung Quốc và tòa ra phán quyết có lợi cho Việt Nam, nhưng Trung Quốc vẫn không chấp nhận phán quyết vì hiện hệ thống luật quốc tế không có cơ quan cưỡng chế thi hành thì vấn đề sẽ được giải quyết ra sao, thưa tiến sĩ?
- Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh: Luật quốc tế là hệ thống rất đặc biệt, nó được đặc trưng bởi yếu tố bình đẳng, chủ quyền giữa các quốc gia. Các quốc gia vừa là đối tượng phải thực thi luật pháp quốc tế nhưng cũng đồng thời là đối tượng xây dựng luật pháp quốc tế dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện. Chính bởi nguyên tắc bình đẳng cho nên không có cơ quan luật pháp nào đứng trên các quốc gia như là quốc hội hay nghị viện của các nước để làm nhiệm vụ xây dựng luật quốc tế thay cho các nước cả. Vì không có cơ quan đứng trên các quốc gia để xây dựng luật, cho nên không có cơ quan đứng trên các quốc gia để thi hành pháp luật hay cưỡng chế thi hành.
Trong trường hợp Tòa quốc tế ra phán quyết có lợi cho Việt Nam thì cũng không có cơ chế để bắt buộc Trung Quốc phải thi hành. Thông thường các quốc gia khác mà không thi hành phán quyết, một trong những biện pháp là các quốc gia có thể đưa ra Hội đồng Bảo (HĐBA) LHQ để yêu cầu HĐBA can thiệp. Vì Trung Quốc là thành viên thường trực HĐBA LHQ có lá phiếu phủ quyết nên mọi nỗ lực đưa Trung Quốc ra HĐBA sẽ bị Trung Quốc vô hiệu hóa. Trung Quốc không thi hành phán quyết thì không có cơ quan nào của quốc tế có thể thực hiện việc cưỡng chế thi hành án của tòa.
Tuy nhiên, chúng ta còn các cơ chế, sức mạnh khác, đấy chính là dư luận tiến bộ của các quốc gia trên thế giới. Nếu một quốc gia thách thức luật pháp quốc tế bằng việc không thi hành bản án thì nó sẽ động đến lợi ích chung của dư luận tiến bộ trên thế giới, dư luận quốc tế sẽ lên án hành động đó. Như vậy, Trung Quốc sẽ phải trả giá về uy tín, danh dự, hình ảnh của mình trên trường quốc tế. Trung Quốc sẽ khó có thể trở thành cường quốc lớn, có trách nhiệm nếu họ vi phạm luật pháp quốc tế hoặc không tuân thủ luật pháp quốc tế. Phán quyết của Tòa Trọng tài Phụ lục 7 mặc dù không có tính cưỡng chế thi hành nhưng như ông cha ta thường nói “lạt mềm buộc chặt”. Dư luận quốc tế ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ là “lạt mềm” buộc Trung Quốc thực hiện luật pháp quốc tế trong cách hành xử của mình.
- PV: Có ý kiến cho rằng, Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974 tới nay đã 40 năm, nếu chúng ta không kiện Trung Quốc thì khi chiếm đóng được 50 năm, Hoàng Sa sẽ chính thức là của Trung Quốc. Ý kiến của tiến sĩ về vấn đề này như thế nào?
- Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh: Trước hết, tôi khẳng định đây là ý kiến rất sai lầm. Việc Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Hành vi này diễn ra khi Hiến chương của LHQ đã có hiệu lực và Hiến chương của LHQ cấm sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực. Ngay cả Trung Quốc khi lên án Nhật Bản liên quan đến tranh chấp biên giới lãnh thổ, Trung Quốc cũng cho rằng xâm lược không tạo ra danh nghĩa chủ quyền. Vì thế, việc sử dụng vũ lực của Trung Quốc năm 1974 không tạo ra chủ quyền. Cho dù Trung Quốc duy trì thời gian có chiếm đóng bất hợp pháp Hoàng Sa bao lâu đi chăng nữa thì Hoàng Sa cũng không thể thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Cộng đồng quốc tế không công nhận. Đến bây giờ, cộng đồng quốc tế vẫn cho rằng hành động của Trung Quốc năm 1974 là hành vi sử dụng vũ lực bất hợp pháp, vi phạm Hiến chương của LHQ.
Đã xuất phát từ cơ sở bất hợp pháp thì dù có chiếm đóng Hoàng Sa 40 năm, 50 năm hay lâu hơn nữa cũng không thể tạo ra chủ quyền cho Trung Quốc. Hoàng Sa vẫn thuộc chủ quyền của Việt Nam, điều này đã được minh chứng bằng các chứng cứ lịch sử.
- PV: Xin cảm ơn tiến sĩ!
Nguyễn Kiểm (thực hiện)/QĐND
----------------


10 nhận xét:

  1. "Việt Nam [CS] bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình"? Chắc cũng "hiệu quả" giữ đất như ấy bà lão ở Dương Nội?!
    Trong những ngày này, dân tình đã quá chán ngán những "ngôn từ bún thiu" kiểu này lắm rồi! Tại sao không là "Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm!"

    Trả lờiXóa
  2. Chung ta deu la anh em cong san ca.cai gi cua anh la thuoc ve anh.cai gi cua em thi ta gat lai bat dong cung nhau khai thac.sap toi anh dua 80 cai gian khoan nua vao bien dong.em lo ma sap dep cho cho anh.phai dap tat nhung thanh phan chong doi. Thu dich cho anh.dua nao co y kien khac biet la ke thu cua chung ta.em cho xe boc thep xe tang can nat dau no.
    Giong nhu anh da lam o thien an mon i.
    Trong lu : hao hao.anh cu yen tam.de em lo.

    Trả lờiXóa
  3. Dư luận tiến bộ ở trong và ngoài nước đều khẳng định là phải đấu tranh bằng biện pháp hoà bình là thu thập chứng cứ để kiện 'chị hiền TQ' ra toà án QT ! Nhưng CHỦ TRƯƠNG LỚN CỦA ĐẢNG thì còn đang cân nhắc kiện là không kiện,không kiện là kiện cứ như là thiếu nữ mới lớn đang bói hoa vậy,đến khi giặc nó vào tận nhà rồi ,nó bắt khiêng đi mà mồm vẫn lảm nhảm kiện là không kiện,không kiện là kiện! LÚ đến nước này thì chán quá rồi,nhiều khi không muốn nói nữa! AI CŨNG HIỂU,CHỈ MỘT SỐ THẰNG KHÔNG HIỂU!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn ơi. AI CŨNG HIỂU, CHỈ MỘT SỐ THẰNG "NHỚN" HIỂU NHƯNG VẪN NÓI VÒNG VO TAM QUỐC!
      Nghe "cân nhắc" là biết "gà nuốt dây thun" rồi!

      Xóa
  4. Đã có sự xâm lấn lãnh thổ. Không dùng súng đạn mà dùng "biện pháp hòa bình" chỉ có người... lú!

    Trả lờiXóa
  5. ...nhắc đến thấy buồn' HS TS' vì tình kia chia đôi đường'ý đảng lòng dân'!Thôi chẳng giữ đươc thì nói phét là TAO CHO MÀY ĐẤY đỡ mất thời gian câu giờ thưa kiện, lòng dân đỡ bức xúc ,k càn NỔ k cần đánh bóng lãnh đạo...mà chứng tỏ cho TG thấy VN vì tình hữu hảo môi răng, vì tinh thần QT vô sản sẵn sàng hi sinh cả DT 5 10 năm hoăc lâu hơn nữa? dù có đốt cháy cả dãy TS, nhiều triệu liệt sĩ do mấy cuộc đánh nhau với 'láng giềng' cũng chẳng là các đinh gỉ so với Ý THỨC HỆ, CN QUỐC TẾCS kể cả vụ BỊT MẮT BẮT MÁY BAY MHA370???
    NGLUY

    Trả lờiXóa
  6. Trung Quốc rất thâm độc đang chuẩn bị rất kỹ càng từng bước đi cũa mình, những chứng cứ lịch sử và pháp lý mà VN hay rêu rao không đọ nỗi những thứ mà TQ đang có .TQ đang tỏ vẻ sợ phải kiện ra toà là để gài bẩy VN.Nếu VN kiện TQ sẽ thắng.

    Trả lờiXóa
  7. Nghe từ cân nhắc là hiểu rồi.

    Trả lờiXóa
  8. Tất cả đã an bài rồi,đảng lo từ lâu rồi,đảng sợ dân không chịu nên từ từ bật mí,để dân quen dần,dân không bị sock!

    Trả lờiXóa
  9. Mấy cá thể Lê Đức Em.Đỗ chín,Trần Bất Lương...còn sống sờ sờ đó lôi cổ ra hỏi xem đã bị Tàu nhét gì trong miệng mà ngọng mất rồi.Chỉ được cái gian manh đè dầu cưỡi cổ dân.Nhớ câu "Con chim sắp chết là tiếng kêu thương,con người sắp chết là lời nói phài" mà nói vậy thôi.

    Trả lờiXóa