Trang BVB1

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Xây Đền thờ Liệt sĩ trên đảo Cô Tô

                         
         
               * MAI THỤC
        Hà Nội xuân. Mưa, gió, lạnh đến khó chịu. Vậy mà đầu tháng 3 - 2014, cụ Lê Anh Tuấn, lão thành cách mạng tuổi 90, đi xe máy đến nhà tôi đưa một tập tư liệu dày, nhờ tôi viết báo. Tôi không viết báo. Mình nghỉ hưu ở ẩn, không quen ai ở báo nào. Làm sao bài của mình được đăng báo?
Tôi từ chối. Nhưng cụ Tuấn cứ ngâm nga kể chuyện cụ ra đảo Cô Tô ở Quảng Ninh du lịch cùng con cháu, bỗng phát hiện trên đảo Cô Tô có sáu ngôi mộ liệt sĩ ở chân núi, đường lên đồn cao. Sau này, phòng LĐTB đã đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Vân Đồn.
       Cụ Tuấn nghe dân đảo kể về những liệt sĩ đã hy sinh trong trận đổ bộ đánh quân xâm lược Pháp trên đảo Cô Tô đêm 13 - 11- 1945. Cuộc chiến diễn ra ác liệt. Các chiến sĩ đã hy sinh, anh linh tỏa sáng cùng dân đảo Cô Tô giữ biển đảo thân yêu. Tình thương nỗi nhớ các liệt sĩ dâng trào, ray rứt, cụ Tuấn phát tâm nguyện muốn xây một đền thờ các liệt sĩ trên đảo Cô Tô, để tri ân liệt sĩ và xây tường rào sức mạnh Tâm linh, đời nối đời, con cháu noi gương cha ông, giữ gìn chủ quyền biển đảo Việt Nam.
        Cụ Tuấn về Hà Nội, ăn ngủ không yên, bồn chồn, thao thức. Cụ lại một mình lên xe khách, ra Cẩm Phả - Quảng Ninh, lên tàu thủy ra đảo Cô Tô. Cụ đi lại nhiều lần đến nỗi quen cả anh em lái tàu thủy. Cụ gặp các vị lãnh đạo đảo Cô Tô đề đạt tâm nguyện vận động xây đền thờ liệt sĩ trên đảo. Cụ Tuấn lo quyên góp tiền công đức xây đền. Lãnh đạo đảo đồng tình. Nhưng không có lệnh của cấp huyện, tỉnh Quảng Ninh các vị không dám làm.
        Cụ Tuấn về Hà Nội, lặn lội tìm gặp bằng được cụ Lê Phú, nguyên Đại đội trưởng Đại đội Ký Con - Đơn vị Anh hùng, đã từng chỉ huy trận đổ bộ trên đảo Cô Tô đánh thực dân Pháp đêm 13 - 11- 1945, cách đây 69 năm. Cụ Lê Phú nay tuổi 90, viết hồi ký Đại đội Ký Con sinh động từng chi tiết, hấp dẫn, trí, đức, tâm, như một nhà văn tài năng.
        Cụ Tuấn nhờ cụ Lê Phú viết kể lại trận đánh đêm 13 - 11- 1945 trên đảo Cô Tô, do cụ Lê Phú chỉ huy để lấy tư liệu về các liệt sĩ hy sinh anh dũng trên đảo. Từ tư liệu đó, cụ Lê Anh Tuấn nhờ tôi viết báo để các vị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, huyện đảo Cô Tô, thấu tình ơn nghĩa, cấp phép xây Đền thờ Liệt sĩ đảo Cô Tô.
       Đại đội Ký Con là Đại đội nổi tiếng của Liên khu III mang bí danh Đoàn Trần Nghiệp (1910 - 1930), người tham gia lãnh đạo Khởi nghĩa Yên Bái. Đại đội Ký Con là một trong những đơn vị vũ trang đầu tiên của Chiến khu Trần Hưng Đạo (Chiến khu Đông Triều). Vốn từ tiểu đội Ký Con thành lập ngày 1-7- 1945, sau chiến thắng Chợ Bí (Uông Bí) bắt sống cả đại đội địch, thu hơn 100 súng. Rồi Trung đội Ký Con là đơn vị chủ lực trong trận đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên 20- 7- 1945. Cuối tháng 8- 1945 phát triển thành Đại đội Ký Con với nhiệm vụ bảo vệ Chính quyền Cách mạng ở Hải Phòng và Khu mỏ Hòn Gai (1945- 1946). Trong thời gian này, Đại đội Ký Con đã lập chiến công xuất sắc, đánh hai tàu chiến Pháp Crayssac (7- 9- 1945) L Audacieux (11- 9- 1945), đánh dẹp quân Việt Cách ở Hòn Gai (9- 1945). Cùng các đơn vị đánh hàng chục đợt tiến công của Pháp tại Hải Phòng (11- 1946). Đại đội Ký Con phát triển thành tiểu đoàn, rồi Trung đoàn Ký Con (Trung đoàn 66).
        Cụ Lê Phú gắn bó cùng chia sẻ máu xương với Đại đội Ký Con đầu tiên từ Tiểu đội trưởng lên Trung đội trưởng, Đại đội trưởng với tất cả các trận chiến đấu oanh liệt kể trên. 
      Ngày 10- 3- 2014. Cụ Lê Phú đã viết 9 trang giấy khổ A4 “Nhớ lại đêm 13 tháng 11 năm 1945 đơn vị Ký Con đổ bộ trên đảo Cô Tô đánh quân xâm lược Pháp đã cách đây 69 năm sau ngày Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công”.
         Cụ Lê Phú ghi rõ: “Viết theo yêu cầu của đồng chí Lê Anh Tuấn để đồng chí có tư liệu làm việc với huyện đảo Cô Tô và tỉnh Quảng Ninh”.
          Cụ Lê Phú kể trận chiến vô cùng ác liệt. Quân ta chiến đấu kiên cường, bất khuất. Trận đổ bộ này quân ta hy sinh 17 người và một bác ngư dân làng Minh Châu dẫn đường quân ta lên đồn giặc. Giặc Pháp bắt sống 22 người và bốn anh em lái thuyền.
        Quân địch trên đảo Cô Tô bị cháy nhà kho quân trang, quân dụng, cháy một ngôi nhà cạnh đền Mã Viện, nơi đóng quân của địch và một vài lính bị quân ta bắn chết tại chỗ.
         Chiều 19- 11- 1945. Chiến hạm Pháp đưa anh em bị bắt vào giam ở khám lớn Sài Gòn.
        Ngày 23- 4- 1946 chúng đưa ra tòa án binh xét xử. Lê Phú và Nhâm Ngọc Bình bị kết án tử hình. Hai mươi cán bộ, chiến sĩ khác bị án chung thân, khổ sai.
       Ngày 25- 5- 1946. Nhà tù Côn Đảo được lập lại lần thứ hai, nhận giam 56 tử tù và 400 người kháng chiến chống thực dân Pháp mang án khổ sai, trong đó có 22 cán bộ chiến sĩ Đại đội Ký Con.
      Ngày 22- 7- 1954. Nhân dân Việt Nam chiến thắng giặc Pháp xâm lược. Ngày 1- 10- 1954. Pháp trao đổi tù Côn Đảo tại Sầm Sơn.
       Đơn vị Ký Con 22 người bị cầm tù còn sống sót 15 người. Hai người chết trong xà lim. Sáu người mất khi vượt biển. Từ ngày ấy đến nay, 15 người đã giữ trọn lòng yêu nước, yêu dân đến phút qua đời. Hiện nay còn hai người sống là Lê Phú và Đặng Thừa Hiền.
       Đại đội Ký Con đánh trận Cô Tô đêm 13 - 11- 1945, cho dù còn sống hay đã chết trên biển và đất liền, thì họ không thể quên được ngày 10- 11- 1945. “Lệnh của trên mang một Trung đội ra đánh Pháp trên đảo Cô Tô, biết rất khó có thể thắng được địch, nhưng đã có lệnh phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh” (Lê Phú)
       Cụ Lê Phú ghi rõ tên các chiến sĩ cảm tử đã hy sinh trong trận đổ bộ đánh quân xâm lược Pháp trên đảo Cô Tô đêm 13- 11- 1945.
         Đinh Như Tâm (Trung đội trưởng). Trần Đức Thiện. Lê Văn Tam. Trần Văn Bảo.  Nguyễn Khắc Văn (Thắng). Đỗ Huy Phúc. Đào Duy Hạnh (Cứu thương), Bùi Văn Ngoạn, Nguyễn Kiều.                    
      Các cụ không ghi rõ họ: Phùng, Sự, Tài, Dung, Tấn, Hòa, Tình, Khuê (Tiểu đội trưởng).
        Sáu ngôi mộ đã được an táng ở chân núi đường lên đồn cao. Sáu ngôi mộ này không rõ tên từng danh tính liệt sĩ trong mỗi ngôi mộ. Đó là sáu chiến sĩ Khuê, Đỗ Huy Phúc, Đào Duy Hạnh, Bùi Văn Ngoạn, Nguyễn Kiều và Tình đã hy sinh trên đồn cao đêm 13 - 11- 1945.
         Tôi luôn tin ở tâm linh liệt sĩ và tâm linh Tổ Tiên Việt tỏa hào quan dẫn dắt cháu con. Tôi viết bài này với tâm trạng bồn chồn, xao xuyến và rất sốt ruột. Tôi nghĩ cụ Tuấn không phải đồng đội của Đại đội Ký Con, tình cờ du lịch đảo Cô Tô. Bỗng nhiên thức ngộ ý tưởng xây Đền thờ Liệt sĩ Đảo Cô Tô và nhất tâm tìm mọi phương cách làm bằng được. Cụ Tuấn tuổi cao, cả đời luyện võ Nhất Nam nên khỏe mạnh thông thái, sống hiền hòa, thương yêu. Học nhiều biết rộng tất cả mọi Tôn giáo và Triết học của nhân loại. Cụ không theo một tôn giáo nào. Nhưng thấu Âm - Dương- Trời - Đất. Cụ từng thức ngộ tại Đền Hùng viết bản tụng ca Tâm Thành. Tâm Nhẫn. Tâm Trung. Tâm Trí. Tâm Hiếu. Cụ đăng ký bản quyền xuất bản thành băng đĩa phổ biến cho mọi người.
        Cụ Nguyễn Mạnh Can dẫn cụ Tuấn đến nhà tôi cùng nhóm trẻ võ Nhất Nam đầu năm 2013. Chẳng hiểu sao nay cụ Tuấn lại giao cho tôi việc viết báo để thuyết phục giới lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh xây Đền thờ Liệt sĩ Đảo Cô Tô. Tôi đọc tài liệu mới hiểu nguồn gốc Chiến Khu Đông Triều (Chiến Khu Trần Hưng Đạo) do cụ Lê Phú và các chiến sĩ Đại đội Ký Con đầu tiên lập dựng năm 1945. Năm 1950. Tôi được sinh ra tại Chiến khu Đông Triều- Chiến Khu Trần Hưng Đạo trong Quân y của chiến Khu mà cha tôi phục vụ. Tôi sám hối trước anh linh các liệt sĩ Đại đội Ký Con, bây giờ tôi mới thấu nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Và tôi lại có cả một gia đình tuổi thơ yêu dấu, ấm êm, thương mến, vui học tại Thị xã Uông Bí- Quảng Ninh, thắm máu các chiến sĩ Đại đội Ký Con anh hùng. Cụ Tuấn không hay biết chuyện này.
         Cụ Tuấn bảo tôi cứ viết, cụ sẽ tìm báo để đăng bài tôi viết. Xót xa thương cụ Tuấn tuổi cao, một mình lận đận lo  xây Đền thờ Liệt sĩ Đảo Cô Tô, tôi không muốn cụ phải “chống gậy” đi cầu cạnh các báo để đăng bài của tôi. Thời đại thông tin internet, tôi nhờ Đại tá, Nhà báo, Nhà thơ Bùi Văn Bồng luôn đau đáu ngày đêm trăn trở yêu nước, yêu dân, thấm đẫm tâm linh Liệt Sĩ đăng bài viết của tôi trên BVB BLOG. Tôi tin tâm linh liệt sĩ sẽ truyền ‘năng lượng tâm linh’ tới tất cả những bạn đọc bài này. Cùng nhau gửi thông tin đến các vị lãnh đảo tỉnh Quảng Ninh và huyện đảo Cô Tô, cấp phép xây Đền thờ Liệt sĩ đảo Cô Tô.
        Tâm nguyện xây Đền thờ Liệt sĩ đảo Cô Tô không riêng của cụ Lê Anh Tuấn, cụ Lê Phú và tôi mà là của tất cả mọi người dân Việt hôm nay, tri ân Tổ tiên Việt và tâm linh liệt sĩ, chiến sĩ, người dân anh hùng nhiều thời đại, mấy chục ngàn năm đã đổ máu xương giữ đất, biển - đảo Việt Nam trên vùng biển - đảo Đông –Bắc Tổ quốc.
M.T
        (Địa chỉ liên lạc với cụ Lê Anh Tuấn:
               ĐT: 0166 940 2907
               Số nhà 10- Ngõ Phất Lộc- Hà Nội)
----------------

6 nhận xét:

  1. Tôi cứ băn khoăn tự hỏi: Không biết bọn “mũ cao áo dài” suốt ngày ăn uống cao lương mỹ vị rồi đi “chém gió” ở các hội nghị, hội thảo... chúng nó có đọc những bài thế này không nhỉ? Tiên sư “giống vẹt”, thế mà cứ mở mồm ra là leo lẻo: “Đời đời nhớ ơn các anh hùng - liệt sỹ...”, nào là “uống nước nhớ nguồn”, nào là “đền ơn đáp nghĩa”...
    Dịp ngày Thương binh liệt sỹ (27.7) hoặc tết nhất, tặng các gia đình chính sách được cái phong bì trong có 500.000 đồng, mà chúng nó dẫn một bầy “nhà báo” đi quay phim, chụp ảnh, bài đăng tứ tung... Làm cứ như chính bọn lãnh đạo đem mấy đồng (bằng tiền công) đi tặng đó mới đáng ca ngợi, hành động đó mới là... anh hùng... Nghĩ mà đau lòng, nhức óc!
    Cảm ơn cụ Lê Anh Tuấn, cảm ơn anh Bùi Văn Bồng. Tôi tiếc và cả xấu hổ nữa, vì chả có gì đóng góp với cụ Lê Anh Tuấn. Tôi là anh cán bộ quèn ở tỉnh Thái Bình, nghỉ mất sức đã hơn 20 năm nay, nguồn sống của tôi (và bà ấy nữa) trông chờ vào số tiền trợ cấp mỗi tháng gần 2 triệu đồng. Nhiều khi “cái khó bó cái tâm”, rất mong cụ Lê Anh Tuấn và anh Bùi Văn Bồng thông cảm cho kẻ nghèo hèn đến mức “vô tâm” này. Nhân đây, xin thành kính cúi đầu tưởng nhớ những liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trên đảo Cô Tô!
    Các quý vị lãnh đạo các cấp, các ngành ơi, đền và tượng Bác Hồ có quá nhiều rồi, đừng xây thêm nữa cho lòng dân “ô nhiễm” thêm. Hãy dành nguồn vốn đó xây những cái hữu ích hơn, đáng tiền hơn; chẳng hạn như cầu qua suối cho nhân dân huyện Nậm Pồ (Điện Biên); chẳng hạn như Đền thờ Liệt sĩ đảo Cô Tô (Quảng Ninh)... Đó mới là đạo lý Việt Nam, mới là cách ta sống cho ra con người và nhất là “con người xã hội chủ nghĩa” như các vị vẫn tuyên truyền...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là cái nghèo nhiều lúc đã buộc ta phải vô tâm là có thật , nhưng tấm lòng của Bác với non sông , với người đã khuất , đã là cái tâm rồi đó . Chỉ hận bọn " Mũ cao , áo dài " nườm nượp kia chỉ còn biết suốt ngày lo cho bản thân và sự thăng tiến cá nhân mà quên rằng đất nước còn bao người đói khổ , biết bao người đã ngã xuống vì ngày hôm nay . chúng chỉ mải lo xây cho nhiều nhà thờ họ cho thật cao to , hoành tráng , tốn kém , bất cần ai hết .

      Xóa
  2. Bác ND 06:51 đúng đấy ạ!
    Tôi là cũng là dân Thái Bình, vì ở bộ đội hơn 20 năm, sau đó làm công nhân cũng 20 năm, vì sinh nhai phải đi nhiều nơi thấy dân mình còn lầm than lắm.
    Các ông bà lãnh đạo đừng bốc phét nữa, mỗi lần quý vị há miệng là chuối và gió cứ gọi là tơi tả xơ xác nhưng quý vị có biết người dân cho quý vị "ăn" đủ thứ trên đời nếu thấy mặt các vị trên TV. Hãy đầu tư vào những nơi cần thiết nhất chứ đền và tượng Cụ Hồ nhiều như vậy là đủ rồi.

    Trả lờiXóa
  3. Rất cảm động.
    Xây Đền thờ Liệt sĩ là việc Nghĩa vì Dân, vì Nước. Tiền xây Đền do Dân góp, Dân lo. Công sức do Dân đóng góp. Nhà cầm quyền chỉ có trách nhiệm "gật đầu, ký giấy" cớ sao không làm ? Thật không hiểu nổi ! Dân ghet, Dân oán hận là phải !!!

    Trả lờiXóa
  4. Mai Thục và cụ Tuấn oi!
    Lũ cầm quyền h còn nghĩ được chuyện gì khác khi phải lo thu hồi vốn, lo cắn, véo, xúc, nịnh bợ cấp trên, nham hiểm thủ đoạn với dưới và nhân dân......

    Trả lờiXóa
  5. Những bức tượng vô hồn...

    Trả lờiXóa