Trang BVB1

Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

HẠNH PHÚC HAY CHỈ LÀ 'AN PHẬN' ?!

TẢN MẠN TRƯỚC TẾT NĂM GIÁP NGỌ
 
           * TS. TÔ VĂN TRƯỜNG
Trước đòi hỏi chính đáng của người dân và yêu cầu của cuộc sống “nói phải đi đôi với làm” và chia sẻ với băn khoăn suy nghĩ của nhiều người dân, lãnh đạo nước ta “nói dzạy nhưng không phải dzạy”, tôi mới viết bài “Dân mình tốt quá nên lãnh đạo mình…hư lâu” (Toàn văn bản gốc mời đọc File kèm theo).
Giáo sư Hoàng Tụy phản hồi: “Tôi rất tâm đắc cái nhan đề bài này của anh. Quả vây, trong nhiều lần được tiếp xúc riêng với Thủ Tướng Phạm Văn Đồng, tôi được nghe ông thổ lộ: "dân mình quá tốt, chứ như ở các nước khác thì mình làm thế này dân họ đã lật đổ mình từ lâu rồi." Cũng  đúng như cái câu anh đã trich dẫn”.
TS Phạm Gia Minh bình luận: ”Tuy dân mình quá tốt như Thủ tướng  Phạm Văn Đồng đã nhận định nhưng Nguyễn Trãi vẫn phải đưa ra hình ảnh ví von nước là Dân đẩy thuyền đi và cũng đồng thời lật thuyền. Có lẽ  do chính quyền của ta chưa tồi tới mức như những triều đại phong kiến mục nát trước kia hoặc là cách cai trị của cộng sản không cho phép Dân làm phản loạn mà chỉ có tự cộng sản mới " chấn chỉnh" được lẫn nhau như V. I. Lenin đã nói nên mới nảy ra nhận định “Dân mình tốt quá" đấy thôi !
Ts. Thang Văn Phúc nhận xét “Bài viết trúng lắm rồi, chính sách còn nằm trên giấy, thực tiễn mới được 10/100 thôi. Người nông dân vẫn là người thiệt thòi nhất, rõ ràng cần cơ cấu lại nền nông nghiệp Việt Nam và cơ chế chính sách có động lưc mới như khoán 100 cùng với đưa công nghệ sinh hoc vào mới mong năng suất, hiệu quả, an toàn cho sản phẩm nông nghiệp , lúc đó mới nói đến nền nông nghiệp hiện đại. Cách đây hơn 10 năm tôi có dịp đi Ixraen nghiên cứu về Dân chủ và tổ chức hợp tác xã mới thấy họ tổ chức hợp tác xã đúng với Các Mác và công nghiệp hóa, hiện đại hóa  với phát triển công nghệ sinh hoc từ những năm 50 của thế kỷ trước !?” 
          Lúc này, có thời gian ngẫm suy, tôi nhận thấy trong bài viết :”Dân mình tốt quá nên lãnh đạo hư lâu” còn chưa đề cập đến một điểm không giống ai của Việt Nam mà ta phải quan tâm khi nói đến cải cách ở nông thôn là dân không có quyền tư hữu đất. Dù dưới hình thức cá nhân, gia đình hay hợp tác xã thì người dân nếu rời khỏi công việc làm nghề nông về nguyên tắc sẽ bị mất quyền sở hữu.  Giả dụ chính quyền địa phương làm sai luật (Hiến pháp) vẫn để cho họ giữ quyền, cho thuê lại hoặc không làm gì trong hợp tác xã, mà chỉ hưởng địa tô thì sẽ tạo ra:
1. Một chế độ phi pháp
2. Sự bất bình của những người đóng góp thực sự vào hợp tác xã.
3. Tình trạng đi đêm/hối lộ / xung đột giữa chính quyền, hợp tác xã (những người làm thực sự), và dân lấy địa tô.  
Đây là những vấn đề cần quan tâm để có hình thức thể chế phù hợp khi đưa Thông điệp của Thủ tướng vào cuộc sống của người nông dân.
         Có tờ báo đặt tôi viết bài “Hạnh phúc một con người & hạnh phúc một dân tộc” để đăng vào dịp Tết Giáp Ngọ. Thật khó cho người viết vì mình không phải là nhà nghiên cứu về xã hội, dân tộc học, cũng không phải là dân tuyên giáo, trong khi đất nước ta vẫn còn ngổn ngang trăm bề hay nói đúng hơn đang trong vòng xoáy rơi xuống đáy của cái giếng hẹp.
Có lẽ trong số các khái niệm thì hạnh phúc là khái niệm có nhiều định nghĩa nhất, đa dạng nhất. Trong bộ Tam đa  “Phúc, Lộc, Thọ” thì ông Phúc tay bế đứa trẻ, bởi theo quan niệm xưa thì “đông con là nhà có phúc”. Nhưng đẻ nhiều mà không nuôi được, hoặc có con cái mà chúng hư đốn, gây họa thì bố mẹ bị người ta chê là “vô phúc”!
Ông Các Mác thì cho rằng "Hạnh phúc là đấu tranh" vì ông tìm thấy niềm vui và đam mê trong đấu tranh. Gần đây, trên tivi, một nhà khoa học nổi tiếng, đã nói một cách thẳng thắn và vui vẻ rằng người hạnh phúc nhất theo ông là “sống khỏe, chết nhanh, không của để dành, nhiều người thương nhớ”!. (Nhiều người tất nhiên là có “các em” rồi đấy)!  Như vậy, hạnh phúc được nhìn nhận theo quan điểm sống và góc nhìn của mỗi người. Ngay cả khi gặp bất hạnh, người ta vẫn tìm cách an ủi :”trong cái rủi có cái may”.
Tôi có người bạn giáo sư tiến sĩ cùng trạc tuổi, nổi tiếng là hiền lành, chất phác thế mà bỗng nhiên gần đây mới cho ra mắt “sản phẩm”  rất độc đáo là cậu con trai “ngoài luồng” gần chục tuổi. Bà nội vui mừng đã đành nhưng ngay bà cả “chính chủ” cũng OK vì mình chỉ có 2 cô con gái nên cho nhận con trai về để ra mắt họ hàng có người nỗi dõi tông đường nhưng bà hai chưa chịu vì sợ cô đơn. “Chính chủ” lại cho phép cố  đẻ thêm đứa nữa cho thêm vui cửa, vui nhà. Phải chăng hạnh phúc của anh bạn tôi là “hai vợ đề huề” và để lại “gien trội” cho đời!?
Tết Giáp Ngọ năm nay hàng trăm ngàn lao động không có thưởng Tết, hơn 10 nghìn lao động vẫn còn bị nợ lương. Nhà nước vẫn còn phải hỗ trợ 12.322 tấn gạo cứu đói cho 16 tỉnh trong cả nước. Phải chăng hạnh phúc đối với phần lớn người dân nghèo đơn giản chỉ là câu chuyện muôn thuở “cơm áo, gạo tiền”!?
Chữ HẠNH PHÚC liền theo tiêu đề ĐỘC LẬP - TỰ DO có nghĩa là nước không bị ngoại bang thôn tính và chi phối gây hại, người dân được hưởng tự do (quyền được nói và quyền mưu cầu hạnh phúc) và các quyền dân chủ khác, trong đó quyền con người là tiêu chuẩn sơ đẳng và căn bản. Như vậy, mọi công dân sống dưới chế độ ấy mới thật sự có hạnh phúc (từ cảm nhận chủ quan đến khách quan đánh giá). Độc lập và tự do là 2 khái niệm có giá trị thời đại, có nội hàm và ý nghĩa mà không thể tùy tiện vận dụng riêng cho từng quốc gia mà gọi là "đặc thù" được. Giá trị của hạnh phúc một quốc gia là do dân tộc cảm nhận, nhưng nó phải được quốc tế thừa nhận thì mới có giá trị phổ biến. Tức là nó phải được cộng hưởng cảm xúc. Có thể ví dụ như AQ ở Trung Quốc hạnh phúc thì chỉ có Chí Phèo ở Việt Nam chia sẻ. 
“Ta tìm hạnh phúc ở đâu 
Vầng dương chói sáng hay bầu trời xanh?
Đâu là hạnh  phúc ngọt lành
Vài ba trái chín trên cành vườn trưa
Vài lời kẻ  đẩy người đưa 
Cái danh rất hão, nhưng vừa lòng ta?
Hạnh phúc nằm tận đâu xa
“Bát cơm, tấm áo, hương hoa”…ấm lòng
Sao mà hạnh phúc mênh mông
Quẩn quanh nhặt nhạnh vừa lòng…A ha…”
            Trên công luận mới đưa thông tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói nhà máy điện nguyên tử có thể sẽ phải hoãn đến năm 2020 mới khởi công  thay vì theo kế hoạch là năm 2014. Đây quả là một tin rất đáng mừng vì chúng ta sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng nguồn nhân lực và mọi mặt. Nhớ lại, năm ngoái, GS Nguyễn Huệ Chi không chỉ là người tâm huyết trăn trở về dự án bô xít Tây Nguyên, mà ông đã sốt sắng 3 lần gửi mail thúc dục tôi soạn thảo bản Kiến nghị Thủ tướng Việt Nam tạm dừng khởi công nhà máy điện nguyên tử. Lắng nghe ý kiến trao đổi nội bộ rất xác đáng của Gs Phạm Duy Hiển và chuyên gia điện hạt nhân ở Mỹ, Ts Phùng Liên Đoàn, tôi phúc đáp vì mới có một bản kiến nghị gửi Thủ tướng Nhật Bản, chúng ta làm cách khác, miễn sao những phân tích xác đáng, tâm huyết, rất khách quan, khoa học và yêu cầu (không phải kiến nghị) của các vị chuyên gia được chuyển tải đến những người có trách nhiệm điều hành quản lý đất nước.
Đến nay, thông tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hoãn đến năm 2020 mới khởi công nhà máy điện nguyên tử, đó là hồng phúc của đất nước. Gía như người ta biết lắng nghe lời khuyên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các nhà khoa học về dự án bô xít Tây Nguyên! Tiếc thay, lịch sử lại không có hai từ “giá như”!
Nhìn chung, tình hình khai thác tài nguyên của quốc gia lại càng nhức nhối trước thông tin Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo việc các doanh nghiệp Trung Quốc “đào bới loạn xạ” từ năm 2010 trong tình trạng cán bộ quản lý địa phương thiếu và yếu kém đã diễn ra trong suốt thời gian qua và nếu tiếp tục sẽ là một thảm họa cho tương lai đất nước"! Người dân không thể hiểu nổi cung cách quản lý nhà nước, đây là trách nhiệm của ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi Trường hay là của Thủ tướng?
Hạnh phúc của một người Việt Nam và  dân tộc Việt Nam có lẽ cũng vừa giống dân tộc khác nhưng cũng vừa khác do trình độ  phát triển, lịch sử và văn hóa. Nếu lấy mức độ nhu cầu được đáp ứng làm một thước đo thì có thể lấy tháp nhu cầu của Maslow thì cơ bản người Việt Nam ta vẫn mưu cầu cái cơ bản  nhất mà ta hay gọi là “cơm, áo, gạo, tiền” và vẫn đang bị ám ảnh mạnh nhất bởi những cái này,  một nỗi ám ảnh rất là Jack Lodon.
Chủ đề hạnh phúc rất rộng, nói không bao giờ hết, bàn không bao giờ đủ. Về cá nhân, tự hài lòng với cái mình có, đấy chính là niềm hạnh phúc đơn giản và dễ có nhất.  Nhìn rộng ra, hạnh phúc của dân tộc, đó là một dân tộc được nghĩ điều mình nghĩ, được biết điều muốn biết và được nói điều muốn nói.  Hồ Chí Minh đã giải thích: "Nếu nước được độc lập mà nhân dân không có hạnh phúc, tự do thì độc lập cùng không có nghĩa lý gì". Có thể đảo lại là nếu dân chưa được sống hạnh phúc, tự do thì nước vẫn chưa phải là độc lập hoàn toàn, mà còn bị nội xâm. Cho nên tự do cho con người, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, là hạnh phúc cao nhất.     
          Có thể ta đang vẫn đang đặt nặng việc có “cơm ăn, áo mặc” mà chưa đề cao được những tiêu chuẩn sống cao hơn, văn minh hơn, đại loại như là “sống một cách có nhân phẩm”.  Một trong những lý do khiến đôi khi Việt Nam  được xếp hạng cao ở 1 vài bảng xếp hạng “cảm nhận hạnh phúc” (danh hão) có lẽ do người Việt Nam cũng “biết thân, biết phận” nên không dám đòi hỏi, kỳ vọng nhiều. Viết đến đây, tôi chợt nhớ láng máng trong chuyện “Trại súc vật” có câu: “chúng tớ hạnh phúc vì chúng tớ rất ngu!”.
TVT
(Tác giả gửi bài đến BVB)
---------------      

25 nhận xét:

  1. ..."Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
    Giấc mơ con đè nát cuộc đời con
    Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp
    Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn.

    Trǎm cơn mơ không chống nổi một đêm dày
    Ta lại mặc cho mưa tuôn và gió thổi
    Lòng ta thành con rối
    Cho cuộc đời giật dây"..
    (Chế Lan Viên).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Yên Thanh Hưng!
      Ngày nay những vần thơ trên hay “Thép đã tôi thế đấy” câu nói nổi tiếng của Paven: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí...". hay Mác nói: "Chỉ có súc vật mới quay lưng trước cảnh khốn khổ của đồng lọai"
      đã đi vào dĩ vãng.

      Con người ngày nay không khác gì con vật:: eng éc đòi ăn, rụp mình quì gối chắp tay cầu xin, .......

      Nhiều lúc tôi phải thốt lên tại sao xã hội hiện nay con người hèn hạ, đê tiện đến vậy?

      Xóa
  2. Hạnh phúc là khi ta mệt mỏi
    Được từ thành phố về đồng xanh
    Hạnh phúc khi đánh nhau là tàn phá
    Lúc túng tiền là bỗng được giầu nhanh
    (Bairơn)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Để thực sự hiểu thế nào là hạnh phúc- tìm hiểu nước nào hạnh phúc hơn nước nào, chúng ta hãy quan sát mấy tòa đại sứ. Nếu thấy ở đâu có lượng người xếp hàng xin visa xin định cư nhiều nhất, thì đó là nơi có điều kiện chung hấp dẫn, là vì họ đã nghĩ tại quốc gia đó người dân có hạnh phúc.
      Họ ra đi là để đi tìm hạnh phúc chứ tìm cái gì?
      Chẳng ai dại gì sang một quốc gia kém hạnh phúc hơn để định cư cả.

      Xóa
  3. Bài viết rất hay,câu kết khá''đau'' nhưng quá đúng với nước Việt và người Việt
    ''Chúng tớ hạnh phúc vì chúng tớ rất ngu''

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Theo mác râu: "Hạnh phúc là uýnh lộn"

      Xóa
  4. Bạn tôi, người Anh, nói rằng rất nhiều thứ ở Việt Nam hiện nay còn giống như hồi... TK 19 ở châu Âu! Chẳng hạn phụ nữ ở Quảng Ninh đội thúng than trên đầu để vận chuyển nguyên vật liệu.
    Các bậc "chí tuệ" gọi là "đi tắt đón đầu"? Hê hê!...

    Trả lờiXóa
  5. Chưa đến lúc đó thôi! Đừng tưởng bở! Như vụ bạo loạn ở nhà máy Samsung - công nhân nín nhịn bọn bảo vệ tinh tướng rất lâu, nhưng khi chúng đá vào đồ ăn còm cõi của họ, họ đã nhào vào đập cho chúng một trận tơi bời, đốt sạch xe của chúng. 5 thằng bảo vệ bị đập dập sọ! Đáng kiếp lũ súc vật đòi cai quản con người!

    Trả lờiXóa
  6. Thực ra xã hội VN đang ở tình trạng dền dứ. Người ta rất sợ việc quân đội sẽ đứng hẳn về phía nhân dân, lúng túng lắm. Hai bên đang gằm ghè nhau đấy...

    Trả lờiXóa
  7. Dân oan có phản kháng lại hành vi tàn bạo, cướp bóc của giới lãnh đạo nhưng đều bị qui vào “Thành phần chống phá Cách mạng”, bị đàn áp, bắt bớ … Cuối cùng dân oan chịu cảnh tù tội còn cán bộ được thăng lên cấp cao hơn.

    Tôi, dân oan (tôi đã trình bày trên trang bác Bồng), không an phận để giới lãnh đạo cướp đất, làm đơn khiếu nại. HỌ ngâm miết, mấy năm trời. Trước thái độ quyết liệt của tôi (yêu cầu HỌ phải làm việc), ông Nguyễn Văn Kim (năm 2010, giải quyết đơn khiếu nại của tôi, giữ chức vụ phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương) khen tôi tại buổi làm việc: “Bà này hay quá, nhiều người BỎ rồi mà bà vẫn còn theo”. Lãnh đạo “lãnh cảm” cho qua phà vì lợi ích nhóm dân có lên tiếng cũng “trầy vi tróc vảy". Nhiều người an phận, đấu tranh chỉ rước lấy thiệt thòi ...



    Trả lờiXóa
  8. Ôi độc lập tự do .Ta càng nghĩ càng đau vì cái giá của dân tộc Việt nam ta phải trả để mưu cầu HẠNH PHÚC .Nói như MÁC hạnh phúc là đấu tranh ,chúng ta thử phân tích hai chữ đấu tranh của MÁC mà hãi hùng.Đấu tranh cách mạng là lật đổ,cướp chính quyền tiêu diệt giai cấp là dùng bạo lực cách mạng chém,bắn giết nhuộm đỏ lá cờ tổ quốc và cờ đảng.Hàng triệu chiến sĩ hy sinh ,hàng triệu dân thường bị chết vì chiến tranh cũng là để MƯU CẦU HẠNH PHÚC ư.Dân ta thật hiền hay bị mê hoặc ?...Đất nước ta ra ngõ gặp gặp anh hùng:Dân tộc anh hùng,quân đội anh hùng,tỉnh, huyện nào cũng anh hùng .Trên thế giới có đất nước nào nhiều anh hùng như ở VIỆT NAM .Tôi cựu chiến binh sư đoàn 3 sao vàng anh hùng ,cái giá phải trả cho danh hiệu anh hùng là hơn ba mươi ngàn chiến sĩ của sư đoàn chúng tôi hy sinh vì độc lập tự do cho dân tộc vậy mà đến tôi cũng chưa hiểu thế nào là ĐỘC LẬP TỰ DO .Hai chữ tự do lại càng khó hiểu,như ĐẢNG VIÊN chúng tôi cũng không được tự do bằng người dân việt nam bình thường bởi bị ràng buộc bởi 19 ĐIỀU CẤM .ÔI ĐỘC LẬP ,ÔI TỰ DO, ÔI HẠNH PHÚC của việt nam ta .....

    Trả lờiXóa
  9. Dân mình giờ đồngg tình chấp nhận có khi còn ủng hộ cái xấu rồi . Quan chức cơ cấu con cháu mình vaò co quan nhà nước như là sự đương nhiên , xin đi dạy học thôi mà cũng tốn 70-100triệu vẫn bỏ tiền ra , bọn cơ hội chạy chọt làm lâm tặc vàng tặc giầu lên thì kêu bàng đại gia khen tài giỏi ... Không lẻ hạnh phúc dân mình là chấp nhận sao . Aii nghỉ là tôi bi quan hay là bôi xấu xin tới nơi cao nguyên lâm đồng về 4 xã vùng loan kiểm chứng

    Trả lờiXóa
  10. Mấy vị "Hư Lâu" vẫn rêu rao dân ta đã có "Độc lập, Tự Do, Hạnh phúc". Nhưng
    Đó chỉ là thứ Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc cam chịu. Đã cam chịu thì Hạnh phúc, Tự do, Độc lập chỉ là ngậm bồ hòn mà vẫn phải khen là ngọt. Cái đau của người VN là chỗ đó.
    Dân Việt không thể cam chịu, không thể "ngu lâu" mãi, mà chỉ vì thời cơ để "thay đổi" chưa tới.

    Trả lờiXóa
  11. Dân ta tốt thì có lẽ chưa chính xác mà là nhà nước VN.chưa phải
    là một nhà nước đúng nghĩa với kiến thức tổng quát của nhân loại
    là của dân,do dân và vì dân mà thật ra là của đảng,do đảng,vì đảng.
    Muốn biết thì chỉ nhìn vào 3 quyền Lập pháp,Hành pháp và Tư pháp
    cũng như nghành báo chí truyền thông thì rõ như 1+1=2 thôi !
    Hạnh phúc là đấu tranh nhưng đấu tranh như Mác chủ trương dùng
    bạo lực chuyên chính thì quên đi và vất vào thùng rác của lịch sử !
    Ý kiến cuối cùng xem ra là đúng với nước ta qúa nhỉ ! Nhưng theo
    tôi thì cũng chưa chính xác mà là chúng tớ hạnh phúc vì chúng tớ
    được ăn "kẹo độc bọc đường" mà vẫn vô tư,hồ hỡi,phấn khởi !

    Trả lờiXóa
  12. Thay đổi tư duy của bạn và bạn sẽ thay đổi thế giới của bạn.
    Nhưng........
    Lịch sử cho thấy, tầng lớp lãnh đạo của nền độc tài nào cũng muốn sự ổn định- bưng bít và ru ngủ người dân, vì chúng đang hưởng lợi, chúng đang ăn sung, mặc sướng, ngồi mát ăn bát vàng. Chúng đang hưởng lợi thì ngu gì muốn có sự thay đổi.

    Trả lờiXóa
  13. Tôi rất nghi ngờ câu nói của Giáo sư Hoàng Tụy: Chả lẽ ông Phạm Văn Đồng có thốt ra câu ấy à? Ông ta quan niệm "TỐT" là như vậy sao?

    Trả lờiXóa
  14. Phật Tổ nói đại ý, cõi đời này là giả, đầy rẫy những kẻ gian dối, tởm lợm. Nguy hiểm nhất là khi chúng "một mình một chợ"!
    Chúng vẫn không chịu đa đảng, sau khi đã thú nhận mình "ăn cướp chính quyền"! Đương nhiên, một thằng ăn cướp không bao giờ là người đàng hoàng. Đừng hy vọng nhé! Nếu bạn không giết được nó, vậy thì hãy hy vọng nó bệnh nặng và ngỏm củ tỏi!

    Trả lờiXóa
  15. Sau giải phóng miền nam một thời gian ,cũng có khẩu hiệu độc lập, tự do ,hạnh phúc !!? Cha tôi có nói với những người bạn của ông rằng : Độc lập từng khúc mà hạnh phúc từng chùm ! Mấy chục năm sau câu nói đó cũng vẫn còn y như lời ông nói .

    Trả lờiXóa
  16. Dân mình hiền lành đến nhu nhược. Thành ra dễ bị kích động, thậm chí dễ đến phi lý. Nói nôm na là đám đông hồ đồ.
    Muốn thay đổi điều này cần: thiết lập xây dựng những câu lạc bộ từ sớm trong các trường học. Thể thao, âm nhạc, hội họa, ... tất cả mọi hoạt độn thể thao = để khỏe, mọi hình thức sáng tạo= để thoát khỏi những giới hạn mà tính ỳ xã hội vô tình duy trì. Nói nôm na ra là xây dựng những mô hình trong đó sẵn lòng chứa chấp những mặt đối lập mang tính đối kháng (trong thể thao) tính tranh luận (trong học thuật thi đấu, các hoạt động nghiên cứu sáng tạo).
    Đây chính là khởi đầu để xây dựng một công dân độc lập từ trong rèn luyện thể chất tới độc lập trong suy nghĩ.

    Trả lờiXóa
  17. Đơn kêu oan,đơn khiếu kiện thì vẫn ghi ở đầu lá đơn câu:độc lập,tự do,hạnh phúc.Các nước văn minh,có mức sống cao,người dân thật sự tự do(trực tiếp bầu người lãnh đạo các cấp,được tự do bày tỏ ý kiến mà không bị quy tội như những điều luật của VN.V.V...mà đố thấy có nước nào đề tiêu đề như VN.

    Trả lờiXóa

  18. Tết Giáp Ngọ năm nay hàng trăm ngàn lao động không có thưởng Tết, hơn 10 nghìn lao động vẫn còn bị nợ lương. Nhà nước vẫn còn phải hỗ trợ 12.322 tấn gạo cứu đói cho 16 tỉnh trong cả nước. Phải chăng hạnh phúc đối với phần lớn người dân nghèo đơn giản chỉ là câu chuyện muôn thuở “cơm áo, gạo tiền”!?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người VN mình lạc quan lắm. Bụng đói meo mà vẫn hô khẩu hiệu nhiệt liệt muôn năm, vẫn cảm thấy đời thật hạnh phúc. Thế đấy!

      Xóa
  19. Bác bị ngã ngoài đường, ngay lập tức mọi người chạy tới giúp bác đứng dậy, chỉ đơn giản thế thôi nhưng bác cũng cảm thấy mình là người hạnh phúc ! Có câu ngạn ngữ : Kẻ giàu có cũng khóc!

    Trả lờiXóa
  20. Tại sao CHXHCNVN phát triển, GDP tính ra USD tăng vọt, mà 16 tỉnh gào "Đói! Chúng tao đói lắm!!!" là sao? Chắc tính bằng đô-la âm phủ?!

    Trả lờiXóa
  21. CHÂN THÀNH TRI ÂN cộng đồng Người Việt Tự do HẢI NGOẠI đã tham dự thường trực những cuộc biểu tình vì HOÀNG SA - TRƯỜNG SA

    "Tôi cũng nhân dịp này nghiêng mình trước anh linh của 74 tử sĩ VNCH và tôi xin có lời hỏi thăm tới các gia đình tử sĩ và nhất là các chiến hữu còn ở lại Việt Nam cũng như các chiến hữu ở khắp năm châu đã tham dự hải chiến Hoàng Sa lời hỏi thăm và lời chúc chân thành nhất của tôi,”

    Cựu Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại

    http://www.youtube.com/watch?v=_KxnRNyjKxY

    IHR 2012 Washington DC - Biểu Tình Trước Đại Sứ Quán Trung Cộng



    Người Việt hiện tại hay mai sau nếu còn muốn có một quê hương và muốn giữ mảnh đất mồ mả ông cha mình thì nên sớm thức tỉnh và thấy rõ sự nguy hiểm tột cùng của sự lấn chiếm mỗi ngày một thêm của Trung Cộng"

    Cựu Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại

    http://www.youtube.com/watch?v=gdS1ZQXYGdM#t=110

    Biểu tình ngày Trường Sa Hoàng Sa tại Los Angeles 2014 _ VIETODAY TV

    Trả lờiXóa