Trang BVB1

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

Chuyện tình bi tráng của nguyên mẫu cô du kích trong bài “Núi Đôi”

Bài thơ Núi Đôi được nhà thơ Vũ Cao sáng tác từ một chuyện tình có thật, bối cảnh có thật. Theo lời tác giả, trong bài thơ duy nhất chỉ có câu “Bảy năm về trước em mười bảy/Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng” là chi tiết hư cấu.
Người 17 tuổi đã trẻ nhất làng?
Nhà thơ Vũ Cao từng nói, nếu không có chất liệu cuộc sống hàng ngày thì ông không viết được. Ông kể rằng bài thơ được ông viết vào một ngày cuối năm 1956. Hồi đó ông về công tác ở sư đoàn 312, đóng quân ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội), cạnh đó có ngọn núi Đôi.
Một hôm, theo mấy người dân đi chợ, ông nghe họ kể chuyện tình của một cô gái du kích trong làng yêu một anh trai làng, rồi anh đi bộ đội. Khi anh trở về thì cô gái đã hy sinh.
Núi Đôi, Vũ Cao
Liệt sỹ Trần Thị Bắc, hình mẫu của nhân vật cô du kích trong bài thơ Núi Đôi.
Vũ Cao liền tìm đến thăm mộ người nữ liệt sỹ đó ở xóm Chùa, thôn Xuân Đoài (còn gọi là Xuân Dục - Đoài Đông), thuộc xã Phù Linh (còn gọi là Lạc Long). Đến tận nơi và nghe người dân kể lại câu chuyện tình giữa anh bộ đội và cô du kích, cảm hứng xuất hiện khiến ông đã chấp bút viết ra bài thơ Núi Đôi...Cả tên làng, tên chợ, tên người và quang cảnh đều hoàn toàn có thật. Mộ cô gái hiện vẫn còn. Chỉ có anh bộ đội là người yêu của cô du kích thì lúc ấy Vũ Cao không gặp được, không rõ còn sống hay đã mất.
Về lý do tại sao ngay trong hai câu thơ đầu, ông lại cho rằng đôi nam nữ, trong đó cô gái 17 tuổi và chàng trai đôi mươi là “trẻ nhất làng”?. Vũ Cao sau này nói rằng, ngay chính ông cũng... không hiểu vì sao ông lại viết như vậy.
Ông kể: “Quả thật hồi đó trong làng còn có cả trẻ nhỏ và thanh thiếu niên cùng trang lứa với họ. Có lẽ tôi đã quá cảm động trước chuyện tình đẹp như mơ và cũng đầy tình tiết bi kịch của đôi lứa ấy mà “thậm xưng” lên như vậy.
Tuy nhiên, nói trẻ nhất làng thì cũng có khía cạnh không ngoa. Người ta tiếc cho cuộc tình không thành ở lứa tuổi 17, lứa tuổi nhiều sức sống nhất, yêu tha thiết nhất, thế mà giặc Pháp xâm chiếm quê hương, giết cô du kích”.
Sự đồng cảm lạ kỳ giữa nhà thơ – hình mẫuHai ngọn núi Đôi bây giờ vẫn còn, người dân ở khu vực xã Phù Linh đều biết câu chuyện trong bài thơ cùng tên ngọn núi, hỏi ai cũng đều có thể nhận được câu trả lời: “Cô ấy chính là người làng này”.
Nhà thơ Vũ Cao (1922 – 2007) quê tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (cùng quê với nhạc sĩ Văn Cao).
Ông sinh trong một gia đình nho học và hoạt động văn học khá sớm. Vũ Cao được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.
Ông có hai người em trai đều là nhà văn: Vũ Ngọc Bình và Vũ Tú Nam.
Nhân vật nữ trong bài thơ chính là liệt sỹ Trần Thị Bắc, con gái đầu trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Lớn lên trong thời kỳ giặc Pháp xâm lược, năm 15 tuổi Bắc đã tham gia các hoạt động đoàn thể. 17 tuổi cô vào đội du kích với nhiệm vụ làm giao thông liên lạc, tiếp tế cho đội du kích rồi được giao cả ba nhiệm vụ: quân báo, cứu thương và binh vận.
Ngày 21/3/1954, dẫn một đoàn cán bộ đi công tác, khi trở về núi Đôi thì Bắc gặp ổ phục kích của địch. Cô giao liên dù bị địch bịt miệng nhưng vẫn kịp thời la lớn để cảnh báo những người trong đoàn cùng đi phía sau, giúp các cán bộ chạy thoát.
Tức tối, địch tra hỏi nhưng không khai thác được thông tin gì từ cô du kích gan dạ này. Giặc Pháp xử bắn Bắc ngay tại chỗ. Khi đồng đội tìm đến nơi thì Bắc đã tắt thở. Đồng đội đắp mộ cho cô ở khu vực cầu Cốn, Vệ Sơn, xã Tân Minh.
Người ta cũng xác định được nhân vật “Anh đi bộ đội sao trên mũ" ấy cũng là một người có thật: ông Trịnh Khanh, người cùng xã Phù Linh. Theo lời ông Khanh kể lại, ông và cô Bắc quen nhau trong thời gian Bắc đang học y tá, và đơn vị của ông đóng quân gần đó. Là đồng hương nên có nhiều điều quý mến nhau, giữa đôi trai gái này đã hẹn ước với nhau trước khi cô Bắc học xong khoá y tá rồi quay về Phù Linh.
Đầu năm 1953, ông Khanh và cô Bắc gặp lại nhau và hai người quyết định tổ chức đám cưới ngay tại đơn vị của chú rể. Đám cưới tổ chức đơn sơ, đại diện họ nhà trai là đồng đội cùng đơn vị, đại diện họ nhà gái là mẹ của Bắc.
Vợ chồng sống với nhau được hai ngày thì chia tay, ông Khanh theo đơn vị chuyển quân đến địa điểm mới, chị Bắc trở về quê nhà Phù Linh. “Tôi không ngờ đó là cuộc chia ly vĩnh viễn", ông Khanh nhớ lại.
Ba tháng sau ngày cưới, ông Khanh nhận được tin vợ mình đã hi sinh. Đau đớn nhưng không biết làm sao, ông tiếp tục theo đơn vị bước vào những trận đánh mới.
Núi Đôi, Vũ Cao
Xác lô cốt của giặc Pháp trên núi Đôi.
Khi Hiệp định Genève được ký kết, một buổi chiều cuối năm 1954, người ta nhìn thấy một anh bộ đội vai đeo ba lô bước về, nhưng không vào làng ngay mà ngồi thẫn thờ bên ngôi mộ chi Bắc ven gò Cầu Cốn. Ông Khanh nghẹn ngào “Anh ngước nhìn lên hai dốc núi/ Hàng cây, bờ cỏ, con đường quen/ Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói/ Núi vẫn đôi mà anh mất em”. “Không hiểu vì sao nhà thơ Vũ Cao lại có thể đồng cảm, hiểu tâm trạng của người trong cuộc đến như thế”, ông Khanh nói.
Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, ông Khanh đã tới tìm gặp nhà thơ Vũ Cao, nhà thơ lúc đó mới bàng hoàng: "Thế Bắc có chồng rồi à?".
Theo nhà thơ Vũ Cao, khi mới bắt gặp câu chuyện, ông đã dự định sẽ viết một truyện ngắn về đề tài này chứ không phải là một bài thơ. “Không hiểu vì sao, sau khi đi thực tế, tứ thơ dâng lên và bài thơ ra đời”, ông kể lại.
Hàng chục năm sau khi bài thơ ra đời, nhiều bạn đọc còn nhầm tưởng bối cảnh và tình huống trong bài thơ là của chính tác giả. Trong một lần nói chuyện với sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Hà Nội, thậm chí còn có một cô sinh viên nước mắt lưng tròng thầm thì với nhà thơ “Cháu thương bác quá”.
Một nhà thơ từng nói, Vũ Cao là nhà thơ hiền hiếm có. Rằng Vũ Cao nổi tiếng sau kháng chiến chống Pháp với bài thơ Núi Đôi bất tử, Vũ Cao lẽ ra có thể nhân thành công đó để đưa thơ mình lên. Nhưng ông lại cứ như người bộ hành chậm rãi, nhường đường cho người khác, cho các nhà thơ khác. Vũ Cao nói, ông làm thơ, mục đích cũng chỉ là để phục vụ bộ đội mà thôi.
(Theo Xa lộ pháp luật)
Núi đôi - VŨ CAO
Bảy năm về trước em mười bảy 
Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng 
Xuân Dục, Đoài Đông hai nhánh lúa 
Bữa thì anh tới bữa em sang. 
Lối ta đi giữa hai sườn núi 
Đôi ngọn nên làng gọi núi Đôi 
Em vẫn đùa anh sao khéo thế 
Núi chồng, núi vợ đứng song đôi. 
Bỗng cuối mùa chiêm quân giặc tới 
Ngõ chùa cháy đỏ những thân cau 
Mới ngỏ lời thôi đành lỗi hẹn 
Ai ngờ từ đó mất tin nhau. 
Anh vào bộ đội lên Đông Bắc Chiến đấu quên mình năm lại năm 
Mỗi bận dân công về lại hỏi 
Ai người Xuân Dục Núi Đôi chăng. 
Anh nghĩ quê ta giặc chiếm rồi 
Trăm nghìn căm uất bao giờ nguôi 
Mỗi tin súng nổ vùng đai địch 
Sương trắng người đi lại nhớ người. 
Đồng đội có nhau thường nhắc nhở 
Trung du làng nước vẫn chờ trông 
Núi Đôi bốt dựng kề ba xóm 
Em vẫn đi về những bến sông. 
 
Náo nức bao nhiêu ngày trở lại 
Lệnh trên ngừng bắn anh về xuôi 
Hành quân qua tắt đường sang huyện 
Anh nhớ thăm nhà thăm Núi Đôi. 
Mới đến đầu ao tin sét đánh 
Giặc giết em rồi, dưới gốc thông 
Giữa đêm bộ đội vây đồn Thứa 
Em sống trung thành chết thuỷ chung. 
Anh ngước nhìn lên hai dốc núi 
Hàng thông, bờ cỏ, con đường quen 
Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói 
Núi vẫn Đôi mà anh mất em. 
 .
Dân chợ Phù Linh ai cũng bảo 
Em còn trẻ lắm, nhất làng trong 
Mấy năm cô ấy làm du kích 
Không hiểu vì sao chẳng lấy chồng. 
Từ núi qua thôn đường nghẽn lối 
Xuân Dục Đoài Đông cỏ ngút đầy 
Sân biến thành ao nhà đổ chái 
Ngổn ngang bờ bụi cánh dơi bay. 
Cha mẹ dìu nhau về nhận đất 
Tóc bạc thương từ mỗi gốc cau 
Nứa gianh nửa mái lều che tạm 
Sương trắng khuấy dần chuyện xót đau. 
Anh nghe có tiếng người qua chợ 
Ta gắng mùa sau lúa sẽ nhiều 
Ruộng thấm mồ hôi từng nhát cuốc 
Làng ta rồi đẹp biết bao nhiêu. 
Nhưng núi còn kia anh vẫn nhớ 
Oán thù còn đó anh còn đây 
Ở đâu cô gái làng Xuân Dục 
Đã chết vì dân giữa đất này? 
Ai viết tên em thành liệt sĩ 
Bên những hàng bia trắng giữa đồng 
Nhớ nhau anh gọi em, đồng chí 
Một tấm lòng trong vạn tấm lòng. 
 

Anh đi bộ đội sao trên mũ 
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường 
Em sẽ là hoa trên đỉnh núi 
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm.
Bình bài thơ Núi đôi
Bài thơ là nỗi xúc động chân thực của tác giả về một câu chuyện có thật ở vùng Xuân Dục trong kháng chiến chống Pháp. Giọng thơ tự sự đậm đà phong vị dân gian làm đẹp thêm mối tình kháng chiến, đồng thời tạo xúc động trước sự hy sinh của người con gái anh dũng.
Mối tình nên thơ gắn với hoài niệm về thời đẹp nhất của tuổi thanh xuân:
Bảy năm về trước em mười bảy
Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng
Tác giả dẫn dắt vào không gian trong veo hương đồng nội, với những địa danh thân thương gắn kết đôi bạn trẻ: Xuân Dục, Đoài Đông, Núi Đôi…giản dị và tự nhiên tạo thành thương nhớ. Tình người, tình đất, tình quê lồng vào nhau:
Em vẫn đùa anh sao khéo thế
Núi chồng núi vợ đứng song đôi
Câu chuyện tình hết sức riêng tư, chân thật đã được gắn vào với hoàn cảnh quê hương ngày giặc chiếm đã đan cài vào đó bao tâm trạng uất nghẹn căm hờn và lo lắng bồn chồn của người dân núi Đôi. Cảm xúc này từng được diễn tả trong bài Đất Nước (1955) của Nguyễn Đình Thi:
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu
Từ tâm trạng chàng trai trong bài thơ, ta thêm hiểu vẻ đẹp tâm hồn anh bộ đội trong kháng chiến chống Pháp luôn thắm đượm ân tình với quê hương, người thân. Tâm hồn người chiến sĩ luôn tồn tại một không gian hoài niệm, nhung nhớ đến cháy lòng – khơi lên tình cảm yêu thương và căm hờn trong lòng chiến sĩ, làm rõ vẻ đẹp giàu chất nhân văn. Lời dẫn chuyện của Vũ Cao tái hiện nguyên vẹn không khí những ngày kháng chiến, đánh thức bao cảm xúc của một thời bi hùng mà cũng ắp tràn thương nhớ của bao người. Sự hiện diện thường trực của hình tượng núi Đôi xuyên suốt những ngày chiến đấu là cách cắt nghĩa trọn vẹn ân tình với quê hương và thổi bùng ngọn lửa tình yêu mãnh liệt với cô gái Xuân Dục. Bao tâm trạng được diễn tả: khắc khoải ngóng đợi, “trăm nghìn căm uất”, náo nức ngày trở lại. Tự thân những lời thơ đã làm đẹp thêm bao nhiêu bóng hình người yêu trong tâm tưởng người chiến sĩ:
Núi Đôi bốt dựng kề ba xóm
Em vẫn đi về những bến sông?
Chính vì vậy mà nỗi đau xót sẽ làm người đọc càng day dứt, như một sự tích tụ để vỡ oà trước sự mất mát. Hơn bao giờ hết, người đọc nhận ra tội ác của kẻ thù một cách cụ thể đến từng số phận: bắt đầu từ sự xuất hiện của chúng là một dự cảm mơ hồ, tiếc nuối:
Mới ngỏ lời thôi đành lỗi hẹn
Đâu ngờ từ đó mất tin nhau
để rồi trở thành sự ngóng đợi thắc thỏm: sương trắng người đi lại nhớ người. Mong đợi cháy bỏng đến khi thành hiện thực thì lại phải đối mặt với nỗi đau lớn nhất “giặc giết em rồi, dưới gốc thông”.
Nỗi đau vụt đến quặn xé đã được diễn tả xúc động:
A nh ngước nhìn lên hai dốc núi
Hàng thông, bờ cỏ, con đường quen
Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói
Núi vẫn đôi mà anh mất em!
Hình ảnh kỷ niệm yêu thương đã vụt biến thành chứng tích đau thương, nỗi đau rất thật ấy không của riêng ai bởi không chỉ là sự mất mát của anh mà là của cả quê hương, bởi “em sống trung thành, chết thủy chung”. Đó không hề là cảm giác bi lụy mà mang tính chất bi kịch, giúp người đọc ý thức được giá trị của chiến thắng. Nỗi đau càng lớn hơn khi được kể lại, nhưng sự vô tình ấy lại làm ta nhận rõ về người liệt sĩ - người yêu của anh chiến sĩ:
Mấy năm cô ấy vào du kích
Không hiểu vì sao chẳng lấy chồng?
Mỗi lời kể như dao cứa vào tim, nhưng lạ thay lại làm ta thêm yêu mến, trân trọng người con gái sắt son anh dũng. Nỗi đau riêng hoà vào nỗi đau chung, ta hiểu thêm hơn về bản chất của tình yêu trong kháng chiến, với những con người bình thường mà cao cả đã vượt lên tình riêng, sẵn sàng cống hiến tất cả cho quê hương. Hình tượng người con gái Núi Đôi còn để lại suy ngẫm sâu sắc về sự hy sinh. Đó không phải là mất mát bình thường mà có khả năng biến đau thương thành sức mạnh. Bóng hình người con gái hoà vào bóng hình quê hương, thúc giục tâm tư của người còn sống, thành ý chi và quyết tâm vượt lên bất hạnh, hồi sinh sự sống. Với ý nghĩa đó, cô gái núi Đôi đã thành biểu tượng bất tử:
Cha mẹ dìu nhau về nhận đất
Tóc bạc thương từ mỗi gốc cau
Nứa gianh nửa mái lều che tạm
Sương nắng khuây dần chuyện xót đau
Tình yêu bị kẻ thù hủy hoại nhưng không hề suy xuyển, mà hoà thành tình yêu lớn lao với quê hương, xóm làng, cha mẹ…Quê hương hồi sinh, đau xót nguôi ngoai nhưng không đem đến với con người sự quên lãng mà đã nhân lên thành tình cảm cách mạng, thành lời thề thiêng liêng trước Núi Đôi:
Nhưng núi còn kia, anh vẫn nhớ
Oán thù còn đó, anh còn đây
Và: Nhớ nhau anh gọi: em, đồng chí
Một tấm lòng trong vạn tấm lòng
Nhân vật trữ tình trong bài thơ đã hoá thân vào “vạn tấm lòng”, tình cảm nâng tầm thành tình cảm cách mạng. Tác giả không hề mô tả nước mắt trước bi kịch mà hình dung ra cuộc chiến đấu của người chiến sĩ lấp lánh ánh sáng bất tử của người con gái núi Đôi – sao trên mũ là sao sáng dẫn đường, em là hoa trên đỉnh núi thơm mãi bốn mùa. Làn hương ấy, vẻ đẹp ấy còn kết đọng mãi trong lòng người, nhắc mãi vẻ đẹp kết tinh từ những ngày chống thực dân Pháp hào hùng để làm nên sức mạnh chiến đấu chống đế quốc Mỹ, hướng về tương lai toàn thắng của quê hương./.
Trần Hà Nam
From: E.Mai Vũ Trọng Khải - <khai.hendainhan@gmail.com>
và Nguyễn Anh Tiuấn -   <anhtuanb2tlsg@gmail.com>
----------------

6 nhận xét:

  1. Cuộc đời của những anh hùng như chị Trần Thi Bắc,Lê Xuân Trữ ( Lữ đoàn 52 )đã làm nên lịch sử,thi ca,thi ca làm nên cuộc sống,và cuộc sống luôn nhớ ơn các anh hùng dân tộc...
    Chị Bắc luôn đi vào cuộc sống của đất nước,trong đó có bài thơ viết về chị.Vũ Cao luôn được người đời yêu mến,vì viết về 1 nữ anh hùng dân tộc,dù chưa phong.
    Trước giờ phút hòa bình,anh Lê Xuân Trữ vẫn đánh trận then chốt giải phóng Thị Xã Qui Nhơn.Nhân dân Bình Định,đảng bộ Bình Định đã chọn con đường đẹp hạng nhất,đăt tên anh,đường Lê Xuân Trữ,nối dài từ Hoàng Diệu đến Mai Xuân Thưởng,F. Trần Phú,Qui Nhơn.
    Anh hùng dân tộc luôn luôn sống dù cho thế lực nào âm mưu xóa bỏ .
    Chị Bắc,chị Thùy Trâm ...chỉ hô đầu hàng,hay giơ tay lên,đễ quá mà,và dĩ nhiên chị sẽ được sung sướng vạn lần bọn tham nhũng và bọn chống phá hiện nay,nhưng mà chị đã chọn lâu rồi.
    Anh Trữ chỉ cần dừng lại chỉ 1 mét thôi,anh đã sống, và ngày nay sung sướng,quyền cao chức trong,có khi lên Web thóa mạ đồng đội thay cho góp ý,khi mình chỉ biết cái mình thấy,mà chê sĩ quan trợ lý nên dựa cột.Thực tế đi bắn bia,trợ lí bắn 10 phát trật cả 10,thua xa binh nhất.Anh Trữ là sĩ quan tác chiến không chê vào đâu được.
    Xin nghiên mình chào những anh hùng,cảm ơn anh Bồng đăng lại bài thơ để cho lòng người quay lại với trong sáng.
    Công Sơn.

    Trả lờiXóa
  2. Thỉnh thoảng nên có những bài như thế này cho mọi người, già thì nhớ lại thời trẻ hào hùng bi tráng, trẻ thì biết được thời gian đã qua đầy thi vị và oanh liệt của cha anh..

    Trả lờiXóa
  3. Thật là xúc động quá.
    Việt Nam có bao nhiêu anh hùng thầm lặng như thế này (nghe nói chị Bắc không được phong anh hùng). Chị ấy xứng đáng anh hùng quá!
    Những bài như thế này làm cho chúng ta cảm thấy nhẹ lòng hơn nhưng cũng buồn lòng hơn khi nhìn vào cuộc sống hôm nay.

    Bao nhiêu xương máu, oan khuất của bao anh hùng, liệt sĩ, cựu chiến binh, thương binh, gia đình... đã đổ để đồi lấy độc lập cho đất nước.

    Độc lập rồi (1975) mà 38 năm sau, nhân dân Việt Nam vẫn chưa được tự do, hạnh phúc đúng nghĩa. Lại bị một lũ lưu manh, côn đồ đội lốt CS đang ngày đêm đục khoét, ăn cướp hết của cải, vật chất của đất nước, làm hư hỏng cả một thế hệ, làm băng hoại cả một dân tộc và đang có nguy cơ đến sự tồn vong của đất nước! (lời ông TBT)!

    THẬT UỔNG LẮM THAY, BAO GIỜ LẠI ĐƯỢC NHƯ NGÀY XƯA?

    Nói vậy là cũng không thực tế.

    Bao giờ Việt Nam được sánh vai với các cường quốc 5 châu như Bác Hồ và nhân dân Việt Nam mong muốn???

    Câu này phải dành cho 16 bác UV BCT trả lời trước toàn thể nhân dân Việt Nam!!!

    Nhân dân Việt Nam có quyền đòi hỏi này? Có bác nào dám lên VTV nói không?

    Trả lờiXóa
  4. Anh Bồng ơi?

    Tại sao hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ ngày xưa đẹp thế: thuần chất, đôn hậu, rắn rỏi, chịu khó học hành, luôn đi đầu vì dân vì nước.

    Mà sao nay nhìn tướng tá công an, quân đội chán thế?

    Trả lờiXóa
  5. Có chi tiết này thiếu logic: Họ gặp lại nhau vào đầu năm 1953 và làm đám cưới tại đơn vị ông Khanh. Hai ngày sau đám cưới thì họ chia tay, ông Khanh theo đơn vị hành quân còn bà Bắc trở lại quê nhà. Ba tháng sau ông Khanh nhận tin vợ ông hy sinh, nhưng thời điểm bà Bắc bị Pháp bắn chết vào đầu năm 1954?! Kể về các sự kiện trong cùng một khổ văn như thế là không hợp lgic và thiếu chính xác.

    Trả lờiXóa
  6. Bạn ơi, hỏi thế để mà làm gì, hãy im lặng để suy ngẫm, để thưởng thức bài thơ và hãy đau đớn cho sự hy sinh mất mát của cha anh một thời... mà đến hôm nay....đau lòng gấp bội phần.
    Cảm ơn tác giả. Cảm ơn căn nhà Bùi Văn Bồng. chúc mọi người mạnh khỏe, còn vui vẻ thì khó quá!

    Trả lờiXóa