Trang BVB1

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

TRẦN ĐỘ - Nhật ký Rồng Rắn - Phần Cuối

... Tôi đọc liền mạch Chuyện tướng Độ; cảm nhận nhà văn Võ Bá Cường đã rất hợp lý khi chọn thể loại truyện ký, chọn cách kể thật thà, giản dị như ngầm mách bảo với người đọc rằng: Đấy, chuyện cuộc đời của ông tướng Độ nó như thế đấy. Tôi biết thế nào thì tôi kể cho các bạn như vậy. Bạn nghĩ sao, tùy bạn!
Để viết được cuốn sách, trước hết phải kể cái lợi thế là tác giả cùng quê Thái Bình với tướng Độ. Thứ nữa, tác giả có một đặc điểm trong tính cách là ông sống rất quảng giao. Nhờ quảng giao mà Võ Bá Cường tiếp cận được với tướng Độ ngay từ khi tướng quân còn sống, còn khỏe.
Một lần Võ Bá Cường còn kéo được cùng một lúc ba nhân vật cỡ trung ương quê gốc Thái Bình là tướng Độ, Nguyễn Ngọc Trìu, Nguyễn Đức Tâm về ngôi nhà của ông ở huyện Đông Hưng, trải chiếu giữa sân đàm đạo chuyện đời, chuyện văn chương.
Nhờ quảng giao mà Võ Bá Cường có trong tay cuốn hồi ký của tướng Độ ngay sau khi nó vừa ráo mực. Cuốn hồi ký này là nguồn tư liệu chính để tác giả khai thác. Tiếp nữa, phải kể đến cái máu nghề nghiệp.
Máu nghề nghiệp đã giúp Võ Bá Cường vượt qua rất nhiều định kiến, rào cản để tiếp cận với những nhân vật lớn như Võ Nguyên Giáp, Lê Khả Phiêu, Võ Văn Kiệt… và những nhân vật “không lớn” nhưng có mối quan hệ gần gũi với tướng Độ, như ông Nghiêm Hà, thư ký riêng của tướng Độ từ thuở ở chiến trường miền đông nam bộ cho đến khi tướng quân về hưu...
Năm 1974, sau chín năm chỉ huy chiến đấu ở chiến trường miền Nam, Trần Độ ra Bắc nhận quân hàm trung tướng (sau 16 năm đeo hàm thiếu tướng), việc đầu tiên cần làm là ông đi thăm hỏi nhân dân xem ở cái nôi xã hội chủ nghĩa miền Bắc họ sống ra sao.
Cùng thời điểm ấy ông được sang thăm nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Ông đã nhận ra rất nhiều điều chưa ổn và không ổn trong nguyên lý cũng như thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thế là ông viết một lá thư mà ông gọi là Thư tâm huyết, dài 14 trang, trình bày tất cả những gì ông thấy, ông nghĩ, ông muốn về xây dựng chủ nghĩa xã hội, gửi tới ba lãnh tụ đảng cộng sản: Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ.
Tướng Độ vốn vẫn coi ba người lãnh tụ này như ba người anh lớn của ông nên giọng văn viết thư là cái giọng mềm mại, nhưng ông lại không hề né tránh cả những điều mà ngày ấy nói ra rất khó nghe, thậm chí gặp nguy hiểm.
Chẳng hạn ông nói về những nguy cơ làm suy yếu, làm biến chất đảng; những bất cập trong quản lý của chính quyền nhà nước; sự rỗng không của cái gọi là cơ sở kinh tế chủ nghĩa xã hội; rồi tệ sính thành tích, nói và làm không đi đôi với nhau. Ông còn phát hiện một sự nhầm lẫn khái niệm trong lý luận của Stalin và dự báo những hậu quả của nó. Rồi ông kiến nghị, hiến những giải pháp.
Giải pháp đáng chú ý nhất là ông đề nghị mời những nước có nền kinh tế phát triển vào trong nước hợp tác đầu tư, không kể đó là nước XHCN hay TBCN… bây giờ thì chúng ta đang làm đúng như lời “điều trần” của ông từ năm 1974!
Nhà văn Võ Bá Cường đã công bố nguyên vẹn bức thư ấy ở phần cuối cuốn sách của ông. Chính bức tâm thư của tướng Độ đã giải tỏa bớt cái không khí tương đối tĩnh lặng, bằng phẳng, đều đều trong lối viết cổ điển của Võ Bá Cường.
Bức tâm thư ấy có lửa. Nó làm cho phần cuối cuốn sách sinh động hẳn lên. Nó hé mở cho bạn đọc biết chờ đợi phần tiếp theo của cuốn sách.
Nếu như có tập hai, tôi tin nhà văn Võ Bá Cường sẽ viết về đoạn đời còn lại của tướng Độ, một đoạn đời đầy giông bão. Cái đoạn đời từ lúc ông cởi bỏ quân phục, sang làm trưởng ban Văn hóa – văn nghệ trung ương cho đến phút ông trút hơi thở cuối cùng, trở về với cát bụi.
(Lê Hoài Nam)
---------------------
(tiếp theo và hết Nhật ký)
...  Bộ máy nhà nước phải thực hiện đúng khẩu hiệu đã nêu, và đó cũng là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: nhà nước phải thực sự là đầy tớ của nhân dân, là nhà nước của dân, do dân, và vì dân.

Muốn thế phải có quy chế thể hiện đúng tinh thần đó. Ví dụ:
Cần quy định:
- Mỗi khi một người dân đến hỏi ở cơ quan nhà nước, và yêu cầu Cơ quan nhà nước giải quyết việc gì thì cơ quan nhà nước đó phải giải quyết từ A đến Z và có thời hạn. Nếu việc đó phải nhiều cơ quan và cấp Bộ giải quyết, thì chính cơ quan mà người dân tìm đến phải là đầu mối đứng ra liên hệ với cơ quan khác để giải quyết, và phải giải quyết cho rõ ràng, có xác định “được” hay “không được”. Cấm triệt để thói “kính chuyển” đánh bùn sang ao, chỉ chỏ, rồi mặc cho dân chạy vạy vô tận và tốn kém. Chấm dứt tình trạng người dân cứ phải chờ đợi và chạy vạy. Cơ quan nhà nước có hệ thống thông tin liên lạc thông suốt, phải dùng hệ thống thông tin liên lạc đó phục vụ cho nhân dân,, chứ không được ngồi chỉ tay năm ngón.
Lại ví dụ:
- Người dân yêu cầu giải quyết công việc, cơ quan nhà nước định cho mình thời hạn và báo cho người dân biết. Thời hạn đó phải là tối thiểu, ví dụ 2 ngày, hay 3 ngày. Ngoài thời gian đó mà người dân phải chờ thêm thì cơ quan phải có kinh phí trả cho người dân phải chờ đợi: mỗi ngày phải có tiền ăn và tiền trọ cho người dân. Như thế dân mới yên tâm, nhà nước mới đúng là nhà nước vì dân, của dân v.v…v.v…
- Việc cải cách hệ thống chính trị và cải cách bộ máy nhà nước (thay vì cái gọi là cải cách bộ máy hành chính) là một việc lớn và lâu dài, cần có nghị quyết của Đảng, có nhiều đề thi, nhiều hội thảo, thực hiện từng bước, không thể làm ngay và làm đơn giản được.
2. Mặt khác có những việc cần làm ngay và có thể làm được ngay:
Đó là mấy việc như sau:
A. Sửa đổi ngay Luật báo chí và xuất bản, bảo đảm thực sự cho tự do ngôn luận như điều 69 của Hiến pháp. Nghĩa là quy định rõ: ra báo không phải xin phép, chỉ cần đăng ký, tư nhân có thể ra báo, xuất bản cũng thế.
B. Sửa đổi các Luật bầu cử, bãi bỏ thể chế “hiệp thương”, bảo đảm mọi người đủ điều kiện tự do ứng cử, tự do vận động và tự do lựa chọn trong bầu cử, như điều 54 của Hiến pháp.
C. Nếu có đặt ra sửa Hiến pháp, thì sửa theo tinh thần Dân chủ hoá. Việc bỏ điều 4 có thể trưng cầu dân ý, nhưng cần bỏ hết những cái đuôi “theo luật định” và “theo quy định của pháp luật” ở một số điều, vì khi ra luật thì luật thường lại ngược với tinh thần của Hiến pháp, rõ nhất là điều 69 về tự do báo chí, quyền thông tin và lập hội.

D. Đối với kinh tế thì nên quan niệm lại vai trò kinh tế tư nhân. Tư nhân được tự do kinh doanh và được khuyến khích phát triển thì sự phát triển của đất nước mới nhanh được; mới có điều kiện giải quyết công ăn việc làm, và có điều kiện tốt cho việc xây dựng nông thôn mới (công nghiệp hoá, đô thị hoá).
Không nên sợ tư bản phát triển, mà cần khuyến khích sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân, trong đó có những doanh nhân thông minh và giỏi giang, có như thế thì đất nước mới phát triển nhanh. Việc này cũng chỉ là thực hiện tinh thần "các thành phần kinh tế đều bình đẳng" một cách rõ hơn và công bằng hơn mà thôi. Mặt này Chính phủ đã làm nhiều việc tích cực, cần chính thức thúc đẩy thêm mà thôi. Cần chấn chỉnh công tác văn hoá và tư tưởng. Hiện nay, văn hoá và tư tưởng bộc lộ rõ tính chất chuyên chính độc Đảng, bóp nghẹt và hăm doạ mọi tiếng nói một cách vừa tinh vi vừa trắng trợn.
E. Toàn bộ công tác văn hoá được tiến hành và biểu hiện như là một sự tuyên truyền cổ động khổng lồ, tốn kém công sức và tiền của. Hiện nay toàn bộ hệ thống bộ máy văn hoá của nhà nước, các báo chí, nhà xuất bản, các đoàn nghệ thuật đều chỉ là công cụ của Đảng, chỉ được huy động rầm rộ để đón chào, kỷ niệm và chào mừng. Nghệ thuật đích thực rất khó sống, trừ sự hoạt động của một số ít văn nghệ sỹ có lòng tự trọng và phần nào độc lập. Các nhà lãnh đạo nên tổ chức gặp gỡ ngay những lão thành cách mạng và trí thức có ý kiến khác về đường lối, về chủ nghĩa xã hội. Gặp gỡ một cách bình tĩnh và trung thực, công khai, có báo chí tham gia. Nghe một lần rồi nghe nhiều lần nữa, nghe một nhóm rồi nghe nhiều nhóm nữa. Chắc chắn lãnh đạo sẽ nghe được nhiều ý kiến bổ ích. Chấm dứt hiện tượng mấy chữ “mở rộng dân chủ” chỉ dừng lại ở nói, mà không thấy làm, chỉ nghe được những lời nói theo, những lời ca ngợi. Việc này sẽ có một tác động thật lớn, làm phấn khởi toàn xã hội. Tôi tin chắc như thế.

F. Phải giảm bớt các lễ hội, các lễ kỷ niệm, các cuộc thi và các cuộc đón chào (theo báo Đại Đoàn Kết: trong 6 tháng đầu năm 1998, ngân sách chi kinh phí cho các cuộc đón huân chương là 500 tỉ đồng). Như vậy thì các cuộc kỷ niệm, mít tinh và chào mừng còn tốn kém đến đâu nữa? Trong khi ai cũng thấy nước ta còn nghèo. Sự lãng phí của các cơ quan nhà nước ai cũng trông thấy: các trụ sở tỉnh, huyện, xã, các xe hơi xịn, mà chỉ riêng tiền sửa xe hơi con trong một năm cũng mất 1.500 (một nghìn năm trăm) tỉ đồng. Trong khi tiền đầu tư thì còn thiếu vv…
G. Phải thay đổi tư duy. Hãy từ bỏ lối tư duy chỉ biết ca tụng, khen ngợi, biểu dương, tâng bốc. Hãy khuyến khích lối tư duy khách quan phê phán, luôn xét đoán và phê phán những điều kém cỏi.
H. Phải giao cho Viện ngôn ngữ giám sát và uốn nắn ngôn ngữ của báo chí, vì báo chí hiện nay có tác dụng phát triển ngôn ngữ, nhưng cũng làm hỏng tiếng Việt nhiều lắm. Có thể có một chuyên đề lớn về tình trạng này.
Xin tạm thời nêu mấy việc rất thiết thực như trên, cần sớm làm. Chỉ cần thực hiện mấy việc đó (hoặc chỉ 2 việc A và D) thì có thể xã hội đã có ngay bộ mặt mới và không khí mới. Đó là bộ mặt và không khí dân chủ hoá.
Vấn đề vai trò của Đảng cộng sản:
Lịch sử đã ghi nhận, và trong lòng người dân cũng đã ghi nhận rằng Đảng cộng sản đã từng có một lịch sử oanh liệt và vẻ vang. Đảng cộng sản đã góp phần quan trọng (chỉ góp phần thôi, chứ không phải là tất cả và duy nhất) vào thắng lợi lớn lao của đất nước.
Điều đó hơn 25 năm nay đã được nói đi nói lại đầy đủ và quá đầy đủ, thừa mứa nữa. Nay phải nói cái khác đi, nói mãi thắng lợi và vẻ vang, người nghe và người đọc bắt đầu chán rồi đấy.

Bây giờ phải thấy dân chủ là vấn đề thể chế, vấn đề chế độ. Đảng cộng sản đã tạo ra một chế độ không dân chủ. Đó là chế độ độc đảng (độc tài) và toàn trị, chính đảng đã thấy rõ điều này và toàn dân cũng biết điều này. Tôi đã biết rõ là "Hội đồng lý luận” của Đảng đã đặt ra nghiên cứu một “đề tài khoa học" là "Một đảng lãnh đạo có dân chủ được không”. Riêng tên đề tài đã chứng tỏ tình trạng một đảng nắm quyền là có "vấn đề" về dân chủ. Tôi biết rõ là Hội đồng lý luận đặt ra việc “nghiên cứu khoa học" này chỉ hòng để "chứng minh một điều không thể chứng minh được”, đó là “một đảng lãnh đạo cũng có thể có dân chủ !”
Tôi không biết kết quả nghiên cứu có ra được "công trình" nào không, nhưng tôi được đọc qua bản “báo cáo đề dẫn” để thảo luận, thì tôi đã thấy rõ sự lúng túng và tắc tị. Rõ ràng là không thể chứng minh được. Rõ ràng là một đảng không thể dân chủ, mà chỉ có thể phản dân chủ.

Trong đề dẫn có một đoạn nói về: 6 trở ngại và nguy cơ đối với dân chủ của chế độ một Đảng duy nhất cầm quyền. Chú ý là trở ngạivà nguy cơ. Đó là:
1. Đảng sẽ chủ quan, duy ý chí và quan liêu trong xác định chủ trương, đường lối.
2. Đảng dễ áp đặt ý chí của mình với nhà nước và xã hội, sắp đặt người của Đảng vào các cơ quan nhà nước, và đoàn thể xã hội, tự đặt mình lên trên nhà nước và pháp luật, bao biện làm thay công việc của nhà nước, mà không chịu trách nhiệm pháp lý về những quyết định của mình.
3. Hệ thống các đoàn thể xã hội có thiên hướng về hoạt động phục vụ đường lối của Đảng hơn là làm tròn trách nhiệm đại biểu cho nguyện vọng lợi ích của đoàn viên, hội viên mà mình đại diện. (Tôi ghi chú thêm: các đoàn thể xã hội đã biến thành công cụ tay sai của Đảng. TĐ)
4. Các đảng viên có chức có quyền dễ sa vào đặc quyền đặc lợi, tham nhũng cửa quyền, gây phiền hà cho dân. (Tôi ghi thêm: tệ nạn sùng bái cá nhân được nhấn mạnh và khuyến khích. TĐ).
5. Người dân rất khó kiểm tra giám sát được các cơ quan quyền lực (gồm toàn người của Đảng). (Tôi ghi thêm: Không phải là khó, mà là không kiểm tra được, không giám sát được, vì chế độ của Đảng là bịt mồm tất cả mọi tiếng nói. TĐ)

6. Dân chủ xã hội bị vi phạm quá mức thì sẽ đổ vỡ tất cả (từ chính quyền đến Đảng). (Tôi xin nói thêm: Đúng ra không phải là 6 điều trở ngại và nguy cơ, mà đây là thực trạng xã hội mà chế độ độc Đảng đã gây ra và đang gây ra).
Tôi rất khen bản đề dẫn đã nhận ra được sự thật, và dám nói lên những sự thật này. Tôi chắc là các cơ quan lãnh đạo cấp cao đã được báo cáo, cũng hiểu biết không kém cái sự thật này. Tôi không biết trái tim các vị có còn biết rung động, và đầu óc các vị có thể xét đoán được không ?
*
Thế rồi tháng 11 năm 1999, có một cuộc sơ kết cái đề tài này. Trong bản sơ kết, một “nhà lý luận” nêu ra điều kiện để một đảng duy nhất nắm chính quyền mà vẫn dân chủ được.
1. Phải là một Đảng cách mạng chân chính. (Tôi bình thêm: một Đảng đầy rẫy quan liêu, tham nhũng, phải vận động để chỉnh đốn mà không có kết quả, hoặc kết quả ít, có phải là Đảng chân chính không ? TĐ)
2. Phải đủ trí tuệ, năng lực, bản lĩnh, xứng đáng là đội tiền phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, và của cả dân tộc. (Tôi bình thêm: một Đảng hơn 2 triệu đảng viên, rồi một Ban chấp hành 150 người, rồi một Bộ chính trị và Ban bí thư 20 người. Có một lần, một vị lão thành đặt câu hỏi: Đảng, hơn 2 triệu người, có là nơi tập trung được trí tuệ của 80 triệu dân được không ? Hơn 150 người hiện nay có phải đã là tập trung trí tuệ của toàn Đảng không? Hơn 20 người có phải là tập trung trí tuệ của 150 người không ?
Người đặt câu hỏi ra là đã đặt ngay được câu trả lời: chữ KHÔNG to tướng. Đó là sự thật. TĐ)
3. Coi trọng đề cao và phát huy vai trò của mặt trận dân tộc, các đoàn thể nhân dân.
4. Phải có một tiền đề dân trí cao. Nước ta có nhược điểm là không trải qua chế độ tư bản chủ nghĩa, dân chưa biết, chưa trải qua, chưa cần dân chủ. (Tôi bình thêm: như vậy, người sơ kết thừa nhận xã hội có chế độ tư bản chủ nghĩa có dân chủ hơn. Thế nào là dân chủ, thế nào là không dân chủ ?. TĐ)
5. Đảng phải có phương thức tổ chức và phương thức lãnh đạo đúng đắn. (Tôi bình thêm: hiện nay chưa đúng đắn phải không ? Vậy có cần đổi mới không ? TĐ)
Vậy chỉ cần căn cứ vào mấy điểm đó của đề dẫn và sơ kết thì đã thấy rõ: không thể chứng minh được rằng “một đảng độc quyền lãnh đạo cũng có thể dân chủ !” Thực trạng đã chứng minh một cách rõ rệt là một Đảng mà lại độc tôn và toàn trị thì chỉ có thể phản dân chủ.
Đảng cộng sản muốn xứng đáng với lịch sử và nhân dân, phải đổi mới triệt để. Con đường đổi mới chỉ có thể là con đường dân chủ hoá.
Và Đảng phải tự cải cách triệt để, nếu không nguy cơ không thể lường được. Không nên cứ tập trung cố gắng vào việc đề cao và củng cố vai trò lãnh đạo độc tôn của Đảng, mà phải thực hiện khẩu hiệu “Đảng không có lợi ích nào ngoài lợi ích của nhân dân, tức là sự phát triển nhanh và đất nước trở nên giầu mạnh, dân chủ”. Phải hành động theo khẩu hiệu đó mà chấm dứt tệ nạn nói một đàng, làm một nẻo.
*

Ý kiến của tôi về đại hội IX của Đảng, và lý giải đâu là sức cản, cũng như khi nói về tình hình đất nước, nói về Đảng, thì thường là bất tận ngôn …
Nhưng tôi muốn kết thúc đoạn nhật ký này ở đây. Tôi chỉ biểu thị mong ước của tôi là các nhà lãnh đạo nên có sự đối thoại trực tiếp (đối thoại thực sự, chứ không phải là gặp qua loa lấy tiếng) với các bậc lão thành và các nhà trí thức có ý kiến khác. Đó là những người về tuổi tác, từng trải, kinh nghiệm và học vấn đều hơn rất nhiều so với phần đông những người có trách nhiệm ở bộ máy lãnh đạo và quản lý xã hội hiện nay. Tôi cũng cho rằng, cần phải truất bỏ ngay những thủ đoạn của các cơ quan Công an như:
• Quản chế khi không đủ lý lẽ và chứng cớ để kết tội (Hà Sỹ Phu, Mai Thái Lĩnh)
• Bắt giam người vô tội vạ (Nguyễn Thanh Giang trước đây). Đón bắt dọc đường như bắt cóc (gần đây: Vũ Cao Quận- Hải Phòng)
• Cho công an, những chú nhỏ đáng tuổi cháu nội, cháu ngoại đến nhà hạch sách, đòi gọi các cụ nhiều lần (Lê Hồng Hà, Hoàng Minh Chính).
• Khám nhà lấy tài liệu, cả khi vắng mặt (Vũ Cao Quận), và giữa đêm hôm (Lê Hồng Hà).
• Theo dõi, nghe trộm điện thoại, phá rối điện thoại, ngăn chặn điện thoại một cách tuỳ tiện, xâm phạm quyền thông tin và thư tín. (Hoàng Minh Chính, Trần Độ) ,vv.
Những hành vi đó không chỉ mất dân chủ, phi luật pháp, xâm phạm quyền tự do công dân, mà còn là những hành vi man rợ, vô văn hoá, bất lịch sự, rất đáng lên án và phỉ nhổ.
Tôi biết rất rõ là những ý kiến của tôi chưa thể đầy đủ, và chưa thể hoàn toàn chính xác. Tôi rất mong có dịp được gặp gỡ với những người có khả năng xét đoán để trao đổi ý kiến, và tôi sẽ được tranh luận, bổ sung, đào sâu hơn.

Việc này bộ phận lãnh đạo chủ chốt đứng ra chủ trì thì tốt nhất.
Còn nếu chúng tôi có gặp nhau năm bẩy người thì lập tức lại có sự dò xét, theo dõi, và rồi lại xì xào cho là chúng tôi bàn chuyện chống đối. Còn nếu chúng tôi có định hướng cho rõ ràng theo Hiến pháp thì lại phải xin phép "theo luật định" và xin phép thì chắc chắn không được cho phép.
Rõ ràng là dân chủ hoá là yêu cầu cấp bách quá rồi. Không thể để đất nước quá ngột ngạt như thế này.
Tôi nói đây là nói với tất cả mọi người, nhưng cũng muốn được coi như là
nói riêng với các nhà lãnh đạo chủ chốt.
 Tôi kết thúc tập nhật ký này ở đây.
Ngày 30 tháng 4 và ngày 7 tháng 5 năm 2001
Trần Độ
---------------

13 nhận xét:

  1. Chưa khi nào đọc được những suy nghĩ, trăn trở về Đất nước hay như thế này. Tác phẩm này có thể sánh với tác phẩm Khuyến học của một tác giả người Nhật Bản sống ở thế kỷ 18 viết về nước Nhật Bản.

    Trả lờiXóa
  2. Nhật ký của Tướng Trần Độ kết thúc ngày 7/5 (kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ)/2001, vậy mà đến tận hôm nay (tháng 8/2013), tức là hơn 12 năm, mọi người mới được tiếp cận. Điều đó cho thấy, thông tin đã được "người ta" bưng bít kín như thế nào.
    Tự do báo chí của ta là như thế đấy.
    Tất nhiên "người ta" đã đọc kỹ Nhật ký này và thấy rất rõ ràng mọi chuyện nên họ mới CẤM phát hành nó. Vậy là "người ta" rất sợ sự thật, rất sợ những điều nói thẳng, nói thật, rất sợ thảo luận công khai...
    Tự do ngôn luận, tự do hội họp của ta là như thế đấy.
    12 năm trước, "người ta" đã "giết chết" một con người, một vị Tướng tài (cả văn lẫn võ), một nhà lý luật xuất sắc (có tính tiên tri) chỉ vì người đó giỏi hơn họ, nhìn thấu tâm can và bộ mặt giả dối của họ. Vậy đến nay ai cũng biết con người đó, vị Tướng đó bị "giết" oan, sao chưa thấy những kẻ đã "xuống tay" một cách độc ác, nham hiểm có lời xin lỗi chân thành, đồng thời phục hồi danh dự, chức vị, vật chất... cho vị Tướng hiền nhân quân tử này?
    Văn hóa nhận lỗi của "người ta" ngày nay là như thế đấy.
    Xưa Đại công thần Nguyễn Trãi (1380 - 1442) thời vua Lê Thái Tông, bị hàm oan trong vụ án Lệ Chi Viên, bị tru di tam tộc (19/9/1442) phải đợi đến 22 năm (1464, thời vua Lê Thánh Tông) mới được minh oan, phục hồi danh dự và truy phong chức tước.
    Ngày nay, "Tướng oan" Trần Độ phải đợi bao nhiêu lâu?

    Trả lờiXóa
  3. "...sao chưa thấy những kẻ đã "xuống tay" một cách độc ác, nham hiểm có lời xin lỗi chân thành, đồng thời phục hồi danh dự, chức vị, vật chất... cho vị Tướng hiền nhân quân tử này?..." Hỏi tức là trả lời rồi. Đòi tiểu nhân hối lỗi với người quân tử là chuyện không tưởng

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tiểu nhân mặt tái môi sì
      Mũi vênh trán ngắn miệng phì phì phun
      Gây oan giáng họa không chùn
      Trước khi lăn chết...ỉa đùn khen thơm!

      Xóa
    2. Hàng Trung tướng Cộng sản nắm quyền trong lúc chiến tranh thì không thể nào là hạng xoàng, hạng mua quan tước bằng tiền. Như vậy thứ nặc danh 8:38-14/08/2013 thì chỉ xứng được gọi là "cùng-cực tiểu nhân ". Bày đặt làm thơ "ỉa đùn", đúng là thứ thơ mang vào toilet.

      Dám xuất đầu lộ diện cho bà con xem cái mặt dòi bọ ra sao không? Thân thể dơ dáy, tư tưởng bại hoại, tại sao không phản biện bằng lý luận để người khác biết tài mình mà lại chăm chăm soi dưới thắt lưng, xem tướng...

      Xóa
  4. Trần độ đã về với cát bụi.
    Nhưng tư tưởng Trần Độ vẫn sáng ngời chân lý.
    Nói không quá, đó chính là LƯƠNG TÂM THỜI ĐẠI. Là ý nguyện của nghân dân (nhân dân đâu muốn tiến đến cái chỗ không biết ra sao là CNXH, như lời tbt nói ).Không tin,cứ thăm dò dân ý thì biết,tất nhiên thăm dò phải minh bạch,không làm kiểu nhân danh,ù xọe.
    Vì sao Đảng không chấp nhân TĐ ? Chưa hề có giải thích,phản biện. Chỉ thấy xử lý, khai trừ,bôi bác đến cả đám tang và mộ phần của TĐ.

    Đường lối của Đảng là đúng đắn ư ? Vậy giải thích sao về thảm trạng xã hội hiên nay mà chính Đảng cũng đã thừa nhận và đang tìm cách khắc phục,bao giờ khắc phục xong để lấy lại uy tín và niềm tin của nhân dân. Câu trả lời là phải lâu dài, dài đến bao giờ ? Đến tết Công gô chăng ?

    Cám ơn trang BVB đã trích đăng "Nhật kí rồng rắn", một tài liệu rất đáng đọc, đáng suy nghĩ.
    Mong là lãnh đạo Đảng, nhà nước cũng đã và đang đọc và cũng có những nghĩ suy tích cực. Giải pháp là đây còn tìm đâu nữa. Chỉ cần dẹp đi cái tự ái,cái lợi quyền, cái kiêu hãnh (vô lối) của người lãnh đạo sẽ thấy ngay đường đi ngay trước mặt. Đừng phí thời gian nữa.

    Xin thắp một nén nhang vĩnh biệt Trần Độ, một người cộng sản, một con người chân chính đã đi vào lịch sử. Lịch sử và nhân dân sẽ mãi mãi ghi nhớ ông.

    Trả lờiXóa
  5. toi nguyen rua nhung ke da xuc pham hanh ha bac tran do. troi khong dung dat khong tha toi nguyen cho khi nao ho chet mua that to mua vai ngay lien cho con chau ho thay toi loi cua cha ong ho gay ra

    Trả lờiXóa
  6. Cuộc đời ai cũng chỉ sống khoảng 2*50 năm là nhiều rồi. Đó là qui luật của muôn đời. Nhưng chỉ khác nhau ở chỗ : Người trượng phu từ khi sống đến khi đã chết tiếng thơm để lại mãi mãi, kẻ tiểu nhân thì từ khi đang sông đến khi chết rồi vẫn bị người đời chê cười, khinh bỉ. Người trượng phu thì biết rõ điều đó , còn kẻ tiêu nhân không thể biết điều đó , vả lại có biết về "hậu vận" của mình thì kẻ tiểu nhân cũng chẳng quan tâm, chẳng sợ.

    Trả lờiXóa
  7. Sự Bảo thủ và trì trệ khủng khiếp đã làm thui chột biết bao tư tưởng cải cách làm cho con đường tiến lên của dân tộc bị cản trở và đầy chông gai , tụt lại rất xa so với thế giới văn minh .
    Đọc hồi ký của ông ngoài cảm nhận được nhân cách dung dị , rất đời thường của một vị tướng lừng lẫy , nhưng điều quan trọng hơn cả đó là óc suy luận và tầm tư tưởng rất lớn lao và đi trước thời đại của ông .

    Nhật ký Rồng Rắn của ông không chỉ được thoát thai từ năm 2000- 2001 mà nó đã được ông ưu tư , trăn trở từ những năm 1974 , thời điểm mà sự tung hô chế độ và ĐCS đang ở đỉnh cao , hầu như chưa mấy ai phát hiện ra nhươc điểm mang tính “ Lỗi hệ thống của nó “.Tất cả những đúc kết và suy luận của Ông đã được dồn vào “ Tâm Thư “ như một lời cảnh báo sớm nhất cho chế độ nhưng nó đã hoàn toàn rơi vào quên lãng và không được lắng nghe .Để đến hôm nay xuất hiện nào là : Suy thoái tư tưởng và lối sống , nào là “ Một bộ phận không nhỏ suy thoái , biến chất …….” , “ tham nhũng nhìn đâu cũng thấy , sờ đâu cũng có ……”

    Nhật ký Rồng Rắn chỉ như một lời tâm huyết cuối cùng của một con tim đau đớn với vận mệnh của dân tộc . Đọc hồi ký của Ông để nhận ra rằng :
    Dân tộc Việt Nam chưa thể vươn mình lên được , một phần trong các lý do , đó là chúng ta chưa dung nạp nổi những nhà cải cách lớn , đủ tầm cỡ để xoay chuyển và làm thay đổi lịch sử của mình .điều này có thể tốt khi bảo toàn chế độ hiện hành nhưng đối với tiến trình lịch sử của đất nước nó là một trở ngại làm chậm tiến trình và đôi khi nó là một thảm họa .
    Sự độc đoán và toàn trị cùng với sự du nhập tư tưởng nước ngoài một cách máy móc và áp đặt bằng mọi giá đã “ Dìm chết “ những luồng tư tưởng tiến bộ và cải cách khi bị coi là trái chiều , thậm chí phản động .

    Tệ sùng bái cá nhân nhằm mục đích vụ lợi ở thì hiện tại đã vô tình làm thui chột hoặc lụi tắt , thậm chí vùi dập không thương tiếc những cá nhân mang những tư tưởng khác biệt , những nhà cải cách .mang những luồng sinh khí mới cho đất nước , cho dân tộc .
    Việc tôn thờ những cá nhân đến mức thần thánh , quá mức cả ở chiều sâu tư tưởng và độ dài của thời gian đã và đang làm sói mòn những giá giá trị tư tưởng và nhân sinh khác đang cùng tồn tại song hành .

    Việc huy động cả cộng đồng dân tộc chỉ để học tập và làm theo một cá nhân một cách mặc nhiên mà không được đặt lên “ Bàn cân “ của lý trí hoặc suy xét dưới nhiều góc độ khác nhau có lẽ là một nhược điểm chí tử của chúng ta nếu xét trên góc độ tư tưởng con người .khi chúng ta biết rằng tư tưởng , hay tư duy của con người là luôn vận động và biến đổi không ngừng nhằm hoàn thiện .

    Đọc nhật ký của ông để cúng suy tư và đồng cảm cùng ông . Người đã đi về cõi vĩnh hằng , nhưng giá trị tư tưởng mà ông để lại cho đời là rất to lớn , nó đang góp phần làm thay đổi nhận thức của cộng đồng , nó khởi nên một niềm hy vọng lớn lao cho đất nước trong giai đoạn lịch sử sắp tới khi nhận thức đang được chuyển hóa thành hành động , nó không phải là sự bế tắc mà đang là một lối mở khi thế hệ trẻ đang đón nhận nó một cách trân trọng .

    Nếu như những thế hệ đi trước tự nhận mình như những viên đá lót đường thì thế hệ tiếp nối của đất nước này đang tiếp bước trên con đường đó một cách tự tin và đầy trọng trách , hãy hy vọng dù hôm nay còn nhiều điều bất cập và đau đớn rằng : Dân tộc Việt Nam sẽ biết cách đứng lên và bước tới – Đó.là điều chắc chắn .

    Đôi lời ngỏ như nén hương tưởng nhớ với lòng kính trọng sâu sắc Tướng Trần Độ , vị tướng mãi mãi trong tâm tưởng của nhân dân ,một nhà tư tưởng xuất sắc .

    Xin trân trọng cảm ơn Bác Bùi Văn Bồng đã kỳ công đăng tải cuốn nhật ký này .

    Để gió cuốn đi

    Trả lờiXóa
  8. Trung Tướng Trần Độ là một con người cương trực, ngay thẳng, chân tình. Ông không những được bạn bè cùng trang lứa, những nhà Cách Mạng lão thành trước ông, những thế hệ sau ông kính trọng vì tầm hiểu biết rộng lớn, mang tính bao quát và sâu sắc tới từng vấn đề nhỏ nhất của đất nước. Ông không chỉ vạch ra những cái sai mà còn có những lời khuyên thật chân tình và chí lý cho giới lãnh đạo Việt Nam lúc bấy giờ. Tôi tin là trong số những tướng cấp cao thời bấy giờ cũng có những người có đầu óc, và có tầm nhìn không tồi như Tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ Tướng Võ Văn Kiệt...Nhưng cái gì đã buộc các ông này phải im tiếng? Lá thư tâm huyết dài 14 trang nói lên niềm khát vọng xây dựng nước nhà thực sự Dân chủ, Ấm no, Tự do, Hạnh phúc đáng tiếc đã đến nhầm địa chỉ vào tay những con người mà ngàn đời sau lịch sử sẽ phải hỏi tội đến.
    Tôi biết thời đó, khi ông bị khép tội, và khai trừ khỏi Đảng, đã có rất nhiều Đảng viên lão thành và ưu tú dũng cảm trả lại thẻ Đảng để phản đối, tạo lên một làn sóng chống đối khá rộng rãi trong Đảng. Và.....những kẻ tham quyền, sợ sự đổi thay có lợi cho dân, cho nước sẽ tước đi quyền lực độc tôn, bao trùm của chúng, tước đi những gì chúng đang được ung ung thụ hưởng trên xương máu của cả một Dân tộc đã vì lý tưởng "Dân chủ, Ấm no, Tự do, Hạnh phúc" mà chịu khổ đau mấy thập kỷ. Họ đã nhẫn tâm sử dụng quyền lực có trong tay để "bóp chết" ông. "Giết đi" một nhân tài đang tỏa ánh sáng chói lòa, có thể tạo nên sức mạnh vô song vùi lấp lũ tham tàn xuống bùn đen. Chúng hèn hạ đến độ "hành" ông và cả những người đến viếng ông lần cuối, khi ông đã chết, và Tướng Giáp cũng không ngoại lệ. Thật xót xa và cay đắng, khi bọn tay chân ngu muội chỉ vỉ miếng cơm, manh áo thừa lệnh cấp trên, phản lại đạo đức tối thiểu của truyền thống dân tộc "Nghĩa tử là nghĩa tận" làm những việc thất nhân, bất đức.
    Dù ông đã đi xa, nhưng tư tưởng và nhân cách một Trần Độ còn mãi mãi trong lòng dân tộc. Trong trái tim những người thực sự yêu nước, ông mãi vẫn là ngọn đuốc sáng ngời thắp lên niềm tin vào một ngày mai tươi sáng cho tất cả con dân Việt Nam trong nước, cũng như đang lưu lạc trên toàn thế giới - Một ngày Việt Nam lành lại vết thương chiến tranh trong lòng tất cả mọi người, một ngày tất cả đều thực sự được đối xử bình đẳng như nhau, cùng được hưởng Ấm no, Hạnh phúc và được Tự do phát biểu chính kiến, tự do viết bài để chống các tệ nạn xã hội, chống quan tham nhũng....mà không bị "mượn gió bẻ măng" như "Bao cao su" trong vụ Cù Huy Hà Vũ hay "Trốn thuế" trong vụ án Bloger "Điếu cày" Trần Văn Thành hay Luật sư Nguyễn Quốc Quân. Dân được Tự do hội họp như trong hiến pháp qui định. Tự do bầu cử nên những nhà lãnh đạo đủ Đức, đủ Tài (bất kể người đó là ai, có chính kiến thế nào, có Đảng phái hay không, Tự do làm giầu cạnh tranh đúng luật, mà không phải mất tiền "bôi trơn". Được chăm sóc sức khỏe đúng y đức mà không sợ bị chính thầy thuốc đang "giết mình từ từ". Trẻ em có nghĩa vụ cắp sách tới trường mà không phải tốn bất cứ khoản chi phí nào, ngoài 1/3 số tiền ăn bữa trưa(nhà nước bao cấp số còn lại). Riêng trẻ em nghèo được trợ cấp số tiền này, không phải đóng. Học trò các cấp không phải mất thêm tiền học các bộ môn ngoại khóa ngoài giờ, vì trường nào cũng có lớp dậy, cháu nào thích thì đăng ký. Được tự do lập hội để kiểm tra việc thực thi quyền con người và dân chủ, giám sát chi thu của chính quyền các cấp, phản ánh kịp thời cho dư luận những vụ hoang phí tiền công, góp tay ngăn chặn tham nhũng nảy mầm, và tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các tầng lớp trong xã hội.
    Có lẽ các bạn nghĩ là tôi mơ ước quá cao xa....Nhưng đó là thực tế đang xảy ra trên các nước "Tư bản đang giãy chết" đó ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. một Commen rất sâu sắc và tầm cỡ

      Xóa
  9. cam on bacbong
    nhat ky dung qua xem ma suong hon ca bat duoc vang

    Trả lờiXóa
  10. Những trăn trở của ông và thực tế diễn ra từ 1975 tới nay để làm phép chiêm nghiệm thì mọi sự cũng đã rõ...
    Vô cùng thương tiếc một con người tài năng và đức độ.

    Trả lờiXóa