Trang BVB1

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

TRẦN ĐỘ - Nhật ký Rồng Rắn - Phần 5

(tiếp theo) - ... Ngày nay Đảng này muốn bước ra khỏi con đường phản bội cách mạng thì phải:
1. Xác định cho đúng vị trí khiêm tốn của mình là một bộ phận của dân tộc, thực hiện lãnh đạo đất nước bằng cách tôn trọng tất cả mọi người, nhất là những người trí thức, những người tài năng có chính kiến độc lập.
2. Phải thực hiện đúng Hiến pháp, thực thi đầy đủ các quyền dân chủ, đặc biệt là dân chủ về tự do ngôn luận và tự do bầu cử, nhân dân được tự do làm ăn.
3. Phải để cho mọi tổ chức, từ Chính phủ, Quốc hội, Toà án, cho đến các tổ chức xã hội như Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức của nó có quyền độc lập quyết định những vấn đề và hoạt động của mình. Phải để cho công dân, nhất là thanh niên, được suy nghĩ độc lập, có tư cách độc lập. Muốn thế phải xoá bỏ quyền lực của cơ quan tư tưởng và văn hoá của Đảng, thu hẹp quy mô, ảnh hưởng và định chức năng rõ rệt của các lực lượng Công an.
               >>  Video - Phỏng vấn Trần Độ  
Nhà nước phải được chỉnh huấn về tư tưởng và tác phong “đầy tớ của nhân dân”
Đảng phải tách khỏi nhà nước, không làm những việc thay cho nhà nước, thay Chính phủ, Quốc hội phải được thành lập bởi những người thực sự có đức, có tài và do dân thực sự lựa chọn vô tư, không có bất cứ sự “sắp xếp” và “hiệp thương” nào.
4. Cụ thể là phải sửa ngay Luật báo chí, xuất bản, công nhận quyền có báo và xuất bản tư nhân. Các báo chí có quyền độc lập của mình, không chịu sự “chỉ đạo” và kiểm soát của bất cứ cơ quan nào.
21.2.2001
Đúng như anh nói, tôi có một quãng đời tươi đẹp, sống với những lý tưởng cao thượng, tốt đẹp và ở trong một Đảng cũng rất cao đẹp.
Và tôi mong muốn cho những cao đẹp đó cứ tiếp tục mãi mãi và ngày càng cao lên.
Nhưng thực tiễn cuộc sống lại diễn ra ngược lại.
Đảng cộng sản từ một Đảng người-giải-phóng đã trở thành một Đảng cai trị, thực hiện một nền thống trị không dân chủ và phản dân chủ. Đảng thực hiện độc tài và toàn trị. Đảng thực hiện đúng cái mà Đảng đã từng phê phán, đó là chế độ Đảng trị. Có người không thích chữ Đảng trị, nhưng chữ đó chỉ là phản ảnh và diễn tả đúng cái thực trạng mà Đảng đã tạo ra, không hơn không kém.
Đảng đang thực hiện một nền thống trị khe khắt, kiểm tra từng người trong toàn xã hội, kiểm soát và can thiệp mọi chi tiết trong cuộc sống của xã hội, và điều dã man và tàn bạo nhất là độc tài về ý thức hệ. Bất cứ một khác biệt nào đều bị quy vào là chống đối, là phản động, là tội phạm. Hệ quả của chế độ này là trong xã hội không ai dám nói khác, không ai dám có ý nghĩ khác, hoặc ít nhất thì dù có nghĩ một đàng cũng phải nói một nẻo. Như vậy, xã hội bao trùm một sự giả dối, lừa bịp, bao trùm một sự sợ hãi, bao trùm một sự tê liệt, về tư duy và cả về tình cảm. Đã có một xã hội và một chế độ, mà tôi biết có người đã khái quát (chưa thật đúng nhưng cũng không sai).
Lưu manh hoá xã hội
Bần cùng hoá nhân dân
Nô lệ hoá con người
Bình quân hoá cá tính.
Như vậy, văn hoá chỉ còn ngày càng tàn tạ và hư hỏng. Buồn thay! Điều đó không chỉ có tai hại trước mắt, mà còn có tác hại làm suy thoái đời sống tinh thần của cả một dân tộc, một giống nòi.
Thực ra, chắc chắn giống nòi sẽ không để cho có sự sa sút và suy thoái ấy. Nhưng cái chế độ thống trị của Đảng cộng sản đẻ ra hậu quả như thế. Đảng không nhận ra điều này mà tự đổi mới, tự cách mạng, tôn trọng chế độ dân chủ và sinh hoạt dân chủ thì Đảng sẽ bị giống nòi và dân tộc loại trừ, Đảng không thể cứ ngoan cố và đi sâu vào vũng lầy tội ác được. Đảng đã từng coi quyền lợi dân tộc và đất nước cao hơn sinh mệnh của mình, chính vì vậy mà Đảng làm cho dân tộc thắng lợi. Thế mà ngày nay, Đảng lại coi sinh mệnh và vai trò của mình quan trọng hơn cả sự phát triển của đất nước, hơn cả cuộc sống của nhân dân, hơn cả sự nghèo khổ và tụt hậu của đất nước. Chắc chắn là Đảng sẽ đi vào ngõ cụt của sự tàn lụi.
Tôi nhìn thấy rõ điều này, tôi lo và buồn cho Đảng nhiều. Đảng đã phản lại cả nguyên lý của Mác và của Lênin. Lênin chuẩn bị cho nhà nước đi đến chỗ tiêu vong, để nhân dân tự tổ chức quản lý. Còn Đảng cộng sản Việt Nam thì ngày càng tăng cường mở rộng quyền lực của nhà nước và bó khuôn tất cả nhân dân vào khuôn phép và ý nghĩ của mình, làm cái việc triệt tiêu mọi sức sống tinh thần của xã hội.
Anh có chia sẻ với tôi nỗi buồn và lo ấy không ???

13.3.2001
Có người nói: Đảng là một dòng nước chảy, cái dòng nước Cách mạng Tháng 8 và kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã chảy ra biển Đông mất rồi. Giữa hai bờ của Đảng hiện nay là dòng nước khác, những người lớn tuổi chúng ta chỉ có thể trung thành với cái dòng nước “ngày xưa” ấy. Tôi thấy hình ảnh ấy khá đúng.
Tôi vẫn không ân hận gì về tuổi trẻ và lý tưởng của tuổi trẻ, tôi vẫn tự hào với lý tưởng đó và tôi thấy tôi vẫn trung thành với lý tưởng đó, cũng như tôi tự hào và trung thành với cái Đảng của thời xưa mà có người gọi là Đảng của Hồ Chí Minh. Tôi không phân vân chút nào với cái lòng trung thành và tự hào ấy. Tôi cho rằng bất kể sau này ai viết lịch sử Việt Nam thế nào cũng không thể không có những trang đẹp nói về quãng 30 năm và 70 năm ấy.
Còn ngày nay thì cứ phải trăn trở day dứt với hiện tình, không thể nào yên được.
Cũng có người trách tôi là sao không đưa ra được một đường hướng gì, có những biện pháp gì để khắc phục tình hình ngày nay mà đưa đất nước phát triển mạnh mẽ lên. Còn nói về những mất dân chủ và những tệ nạn khác thì mọi người biết cả rồi, mọi người đều “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Ai đó mà cứ mong có người nào đó đưa ra được một đường hướng và những biện pháp nào có hiệu lực ngay để tác động vào tình hình đất nướcthì đó cũng là một điều ảo tưởng.
Tôi cũng đã được nghe và đọc nhiều những ý kiến đề nghị với Đại hội IX. Tôi thấy rất nhiều ý kiến hay, nhưng ngay như riêng tôi muốn chấp nhận một ý kiến nào cũng khó lắm. Mỗi ý kiến đều có những điều phải trao đổi lại.
Tôi vẫn mơ ước có một sinh hoạt dân chủ thực sự, gạt bỏ mọi cấm kỵ, mọi khuôn phép, bỏ qua những gì gọi là “vấn đề nguyên tắc” mà tổ chức nhiều cuộc hội thảo nghe hết những ý kiến ngược nhau rồi tổ chức tranh luận. Cuộc phát biểu và tranh luận phải được tổ chức trên các báo, phải cho xuất hiện những tờ báo độc lập có những cây bút độc lập đề xuất và tranh luận. Có những cuộc tranh luận công khai và độc lập trên truyền hình.
Làm như vậy để cả nước nghe, cả nước bộc lộ ý kiến của mình.
Tôi thấy rõ như bản thân tôi, tôi có nhiều nhận xét về tình hình, nhưng tôi thấy có những người có những nhận xét hay hơn tôi và tôi cũng thấy rõ có nhiều nhận xét khác nhau thì thế nào cũng tìm ra được một đường lối, một chiến lược cho đất nước đi lên, và chắc chắn nó sẽ hay hơn nhiều cái văn kiện Đại hội IX mà báo chí đang làm rùm beng.
Tôi tin là như thế, anh Lữ Phương ạ!

IV. Nhân Đại Hội Đảng Lần IX, Bàn Về Đường Lối
20.4.2001
I. Đại Hội Và Đổi Mới:
Nhiệm vụ của Đại hội là quyết định các vấn đề “đường lối”.
“Đường lối” của Đảng cầm quyền hiện tại và cũng là đường lối của đất nước. Vì vậy mỗi người dân đều có quyền và trách nhiệm góp phần về đường lối, vì đường lối có tác động đến số phận từng người dân, mà đa số không phải là đảng viên.
Thông thường, từ trước các Đại hội đều diễn ra như sau (tôi là người đã từng là đại biểu dự 5 Đại hội III, IV, V, VI, VII):
Tài liệu về đường lối đều là do một nhóm người chỉ đạo và một nhóm người biên tập. Khi đã hình thành rồi mới công bố lấy ý kiến mọi người, kể cả đảng viên và không đảng viên. Ý kiến góp có đến hàng triệu, được tập hợp lại, do một nhóm người biên tập tổng hợp và xử lý, mà sự tổng hợp này thường được gói gọn trong công thức “căn bản, nhất trí, đa số tán thành”. Đến ngày họp Đại hội thì việc quan trọng là bầu cử cơ quan lãnh đạo, còn việc quyết định đường lối thì chỉ là việc "biểu diễn" để tài liệu được long trọng và chính thức thông qua mà thôi.
Khi chuẩn bị Đại hội IX, sự góp ý kiến có hai phần, một phần (đúng là phần quan trọng nhất) là những ý kiến góp về đường lối, và một phần là những phân tích dẫn chứng rất dài và những ý kiến thêm bớt câu chữ trong các lĩnh vực khác nhau. Theo những thông tin công bố thì có bản ý kiến góp đến mấy nghìn trang. Những ý kiến góp về xây dựng và sửa đổi đường lối thì thường nhiều nhất là mấy chục trang. Riêng tôi được thấy có bản dài đến 50 trang, nhưng đó lại là những ý kiến góp nhiều nhất vào vấn đề đường lối. Đó là:
• “Định hướng xã hội chủ nghĩa”, đúng hay không đúng ?
• “Kinh tế quốc doanh là chủ đạo”, phải hay không phải ?
Tên nước là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa đúng, vì ta có phải là nước xã hội chủ nghĩa đâu. Có nên lấy lại tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ?
• Có mâu thuẫn lớn trong đường lối là: cần “đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng đất nước”, nhưng lại nêu “đấu tranh giai cấp”. Mà đấu tranh giai cấp thì trong dân tộc đấu tranh làm gì có đoàn kết.’
• Hô hào dân chủ và phê phán tình trạng mất dân chủ nhưng lại kiên trì “Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện”, đã kiên trì cái thứ ấy là phản dân chủ rồi…. vân và vân vân.
Tiếc rằng những người nêu lên các ý kiến lớn và quan trọng về đường lối thông thường là các bậc lão thành cách mạng và các nhà trí thức lớn. Các vị này đều là những người trăn trở về con đường phát triển của đất nước, đều mong muốn cho đất nước được phát triển nhanh hơn, tốt hơn và đều nhận thấy con đường hiện nay (định hướng, chủ đạo) làm cho sự phát triển đất nước chậm chạp, trục trặc, nhiều tệ nạn xã hội trầm trọng mà không giảm được, đạo đức xã hội sa sút nguy hiểm. Trong khi không ít nước quanh ta trong thời gian 20-30 năm thì có thể từ một nước lạc hậu trở thành nước giàu có tiên tiến. Thế mà ta đã hoà bình thống nhất hơn 25 năm rồi vẫn chưa thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, mà lại còn tụt hậu ngày càng xa so với thế giới và cả so với khu vực.
Nhưng những vị nào có ý kiến muốn chia sẻ với mọi người thì đều không có phương tiện nào để phát biểu: gửi đăng báo thì báo không đăng, không có một tờ báo nào độc lập để có thể gửi đăng, gửi ý kiến cho các cơ quan thì các cơ quan giấu biệt, giữ bí mật. Có lúc cơ quan làm việc gọi là “trả lời” thì lại gọi “người có ý kiến” đến rồi nhơn nhơn thông báo rằng ý kiến đã bị bác bỏ, mà không cần biện ra bất cứ lý lẽ nào, cứ như thế rồi tuyên truyền rằng dân chủ đã được thực hiện tuyệt vời. Có hàng triệu ý kiến góp, nhưng bản Dự thảo khi được công bố thế nào thì khi chính thức thông qua ở Đại hội cũng vẫn gần như thế.
Ai muốn phát biểu gì thì phát biểu, nhưng có ý kiến nào khác đường lối đã định sẵn thì đều bị quy là chống đối, là phản động. Tất cả đều bắt buộc phải kiên trì và kiên định đường lối đã định sẵn. Như vậy là không hề có thảo luận về đường lối.
Hiện nay, thời đại và tình hình thế giới, tình hình xã hội đã thay đổi rất lớn, thay đổi về cơ bản. Mọi lĩnh vực, mọi tổ chức, mọi người đều có nhu cầu phải đổi mới. Đó là vấn đề không có không được, các Đảng cộng sản đều phải tự đổi mới. Có Đảng phải đổi tên, đổi mục tiêu đấu tranh, có Đảng phải đổi mới học thuyết, đổi mới tư tưởng, có Đảng phải đổi mới mục tiêu nhiệm vụ và đổi mới phương thức đấu tranh, phương thức lãnh đạo.
Đảng cộng sản cũng tuyên bố phải đổi mới, nhưng trong thực tế thì vũ như cẫn (vẫn như cũ), không có một dấu hiệu nhỏ nào về đổi mới cả. Với những thông tin ít ỏi mà tôi có được, tôi suy nghĩ nhiều về sự đổi mới của Đảng cộng sản Pháp. Đảng đó công khai tuyên bố không độc tôn chủ nghĩa Mác nữa, từ bỏ học thuyết chuyên chính vô sản và nguyên tắc tập trung dân chủ. Đổi mới to lớn cả tổ chức Đảng và cách tiến hành Đại hội. Đảng không có ban chấp hành Trung ương, có quyền chỉ huy tối cao và duy nhất nữa, mà chỉ có Hội đồng toàn quốc, không có tổng bí thư mà chỉ có Thư ký toàn quốc. Đặc biệt là không tổ chức Đại hội có hệ thống từ cơ sở đến toàn quốc mà chỉ có một Đại hội được tiến hành như một loạt các hoạt động nghiên cứu khoa học về trí thức và phương hướng hoạt động (cũng tức là đường lối). Cụ thể là đến kỳ Đại hội lần thứ 30 họ phân ra 7 nhóm vấn đề. Tất cả các đảng viên đều được huy động vào 7 nhóm nghiên cứu và đều phải chuẩn bị ý kiến để phát biểu vào nhóm vấn đề mà mình tham gia. Mỗi nhóm vấn đề đều có nhiều đề án. Đến Đại hội các đề án được trình bày và Đại hội biểu quyết từng đề án, từng vấn đề. Toàn Đảng sẽ nhất trí vào những vấn đề mà Đại hội biểu quyết như vậy. Quá trình tiến hành Đại hội là quá trình hoạt động khoa học, hoạt động trí tuệ, mỗi đảng viên thực sự phát huy vai trò trí tuệ của mình và tham gia lãnh đạo đất nước bằng những ý kiến lý thuyết của mình. Tôi thấy đó mới thực xứng với câu “Đại hội trí tuệ” còn ở ta chữ trí tuệ chỉ là một lời nói suông rỗng cho sang trọng mà thôi, vì sự gạt bỏ những ý kiến trái ngược thì còn đâu là dân chủ, còn đâu là trí tuệ và còn đâu là đoàn kết. Đoàn kết là đoàn kết với những người khác nhau, thậm chí ngược nhau thì mới là đoàn kết, chứ chỉ đoàn kết những người giống nhau thì chẳng qua chỉ là sự “Đoàn kết của đàn cừu” (đàn cừu của Panurge) và chỉ đáng gọi là "ăn theo nói leo"….

(còn tiếp)
----------------

7 nhận xét:

  1. co nen chang huy dong ,quyen gop de lam moi ngoi Nha cua Bac TRAN DO. Nhin noi yen nghi cua Bac toi chot nho den bai tho cua NT NG T V ANH khi tham Mo TU XUONG:
    Chieu nay vieng Mo TU XUONG, Hang cay dung lang ben duong buon sao! loi mon mot doan di vao, thap te nam Mo, coc dam ba. nguoc nhin quanh quat gan xa, thua nguoi ngam canh chieu ta mo suong, lon lao su nhgiep van chuong, nho nhoi de lai nam xuong ben Ho. sau do cq tinh ND da cho xay moi lai.De to long kinh yeu va biet on Bac TRAN DO chung nen lam viec nay, tuy nhien phai su dong y cua BAC va gia dinh

    Trả lờiXóa
  2. Lời vàng, ý ngọc!

    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét của ông Trần Độ đã có cách nay hàng chục năm. Đến giờ vẫn nguyên tính thời sự. Đảng lãnh đạo thì vẫn bổn cũ soạn lại,vẫn kiểu nghĩ, kiểu làm như xưa không thay đổi gì. Thế là bảo thủ là trì trệ chứ còn gì nữa. Hậu quả là bức tranh xã hội Vn bây giờ thật ảm đạm, bế tắc,xuống cấp trầm trọng. Tiếc thay Đảng vẫn chưa nhận ra cái bảo thủ, cái trì trệ của mình,vẫn vỗ ngực tự hào, tự sướng, tự cho mình là đạo đức là văn minh. Sự thật đã phơi bày rõ mồn một, sao vẫn làm ngơ ?
    Trần Độ sai chỗ nào,sao phải phê phán,chống đối, đối sử tàn độc với TĐ đến như vậy ?
    Báo mạng nhắc đến TĐ với tâm ý suy tôn quan điểm TĐ.
    Báo Đảng thì im re.Nếu bảo TĐ sai sao không "tuyên giáo" để mọi người được rõ, không "dân vận" để dân hiểu đúng về TĐ theo quan điểm chính thống ?
    Tuyên giao gì nữa, dân vận gì nữa khi đảng thừa biết TĐ đúng, đảng sai. Thôi thì im lặng là thượng kế.
    Dư luận đang tìm hiểu, đang thảo luận về hiện tượng TĐ. Các GS_TS của đảng cứ phớt lờ,phải chăng một lần nữa phải hiểu : "sự thật hình như nằm ỏ dư luận" ?
    Đảng đừng bỏ lỡ cơ hội thanh minh, thanh nga cho mình. Thay vì lí lẽ, không lẽ lại dùng tới 258 ? 88 ?

    Trả lờiXóa
  4. toi rat tan thanh phat dong xay nha bac tran do to chuc dang huong.mot ngan lan con lai bac . bac that xung dang la hoc tro cua bac ho bac giap. con nguyen rua cam thu cai bon phan nuoc hai dan. khong nghe loi gop y gan ruot cua bac de xa hoi nhu ngay hom nay chung con mat mui nao ma nhin thay bac ho nua.

    Trả lờiXóa
  5. Thật buồn, rất buồn khi quyển nhật kí này không tới đến tay mọi người Sớm hơn. Một người như Bác Độ với nhưng trang viết thế này mà cuối đời lại không được thương tiếc sao? Tôi thấy mất niềm tin quá và buồn cho chế độ này quá. Rõ ràng, như Bác Độ nói: Sự giả dối, bịp bợp đã lên ngôi. Chúng ta tôi và các bạn hãy phấn đầu xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn cho cộng đồng VN.Hãy nói KHÔNG với các cuộc bầu cử bịp bợm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dạo đó công an rình, theo dõi, ai chuyền tay nhau đọc nhật ký này là bị bắt...! Ôi, chán mớ đời!

      Xóa
  6. Gia đình tôi, Ba, và cô bác tôi đều là lính. Khi tôi còn nhỏ, tôi đã nghe họ nhắc đến ông Trần Độ ! sau 30/4/75 lớn lên trong thời bình, được học hành và qua các trường lớp, nhất là môn học chính và các NQ của đảng, những đảng viên lớn tuổi, thường nhắc tên Trần Độ.
    Qua đọc và tìm hiểu, tôi k1inh trọng bác Trần Độ, phải nói rằng, xem tài - đức của bác Trần Độ, trí - dũng - đức hy sinh của ông hơn cả Hồ Chí Minh !!!

    Trả lờiXóa