Trang BVB1

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

TIÊU CHUẨN HAY QUY CHUẨN HÓA NÔNG NGHIỆP

 
* TÔ VĂN TRƯỜNG
   BVB - Người ta đã tổng kết nông sản và thực phẩm phải được sản xuất và kinh doanh theo đúng những chuẩn mực được cho phép về mặt kỹ thuật hay về mặt quản lý. Với việc sản xuất theo những phương thức và công nghệ hiện đại với những tiêu chuẩn rõ ràng và minh bạch sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam giảm thiểu rủi ro trước những sự biến động của thị trường và sự thay đổi của thời tiết và khí hậu.
Tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm tiêu chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này. Tiêu chuẩn do một tổ chức công bố dưới dạng văn bản để tự nguyện áp dụng.
Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý của sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường, bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác. Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản và bắt buộc áp dụng.
Tiêu chuẩn hóa sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn đó là một tất yếu khách quan. Có tiêu chuẩn của quốc tế, cũng có tiêu chuẩn quốc gia và cũng có tiêu chuẩn của doanh nghiệp. Để đạt được tiêu chuẩn đó, phải có nhiều cố gắng để nâng cao chất lượng sản phẩm, phải có quy định ngặt nghèo và nghiêm khắc trong quá trình tổ chức sản xuất để đạt tiêu chuẩn đề ra. Xây dựng được tiêu chuẩn, đấu tranh để được khách hàng chấp nhận và tín nhiệm đối với tiêu chuẩn đó và  để giữ vững , mở rộng  thị phần đối với hàng hóa đã đạt tiêu chuẩn là cuộc đấu tranh gay go, phức tạp.
Vấn đề mấu chốt là làm sao cho nông dân khắc phục được tâm lý, tập quán, tác phong tiểu nông để chuyển sang tâm lý, tập quán, tác phong công nghiệp thì mới có thể tiến hành sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng nhất định để có thương hiệu cụ thể đối với sản phẩm hàng hóa nông sản của mình.
Không chỉ nông dân mà cả những nhà sản xuất cung cấp các yếu tố ở đầu vào của quá trình sản xuất nông nghiệp (giống, phân bón, công nghệ, ...) cũng phải tham gia vào quá trình tiêu chuẩn hóa nông sản để có thương hiệu cụ thể. Ai là người đứng ra yêu cầu các ngành hỗ trợ ở đầu vào cũng phải có sự chuyển dịch theo yêu cầu của nông nghiệp. Kinh nghiệm chung của thế giới là khi chuyển sang một công nghệ mới thì bao giờ giá thành cũng cao. Phải có một thời gian nhát định để cải tiến công nghệ, cải tiến quản lý  thì mới hạ được giá thành để giành được thị phần và mở rộng thị phần trên thị trường.
Cần phải tiếp tục  đi tiếp bước nữa là làm rõ những khó khăn để nông nghiệp đi vào sản xuất nông sản hàng hóa theo các tiêu chuẩn chất lượng cụ thể, nguyên nhân dẫn đến khó khăn đó để  kiến nghị giải pháp có hiệu lực và có hiệu quả.
Trong lĩnh vực này, có vấn đề chủ trương, chính sách cụ thể của Chính phủ lại thiên về nhiệm vụ  công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa nông thôn nên không có đầu tư thỏa đáng vào thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nhiệm vụ phát triển người nông dân vừa là chủ thể của nông nghiệp và nông thôn, vừa là yếu tố cơ bản cấu thành lực lượng sản xuất của nông nghiệp và nông thôn.
Theo nghiên cứu của tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, hiện nay  ở Việt Nam có rất nhiều bộ tiêu chuẩn về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của thế giới được áp dụng cho sản xuất nông nghiệp như ISO, GMP, 5S, HACCP, GlobalGAPs và gần đây là các tiêu chuẩn về môi trường ASC, MSC, FSC,… hay như tiêu chuẩn về an sinh xã hội SA8000. Tuy nhiên, việc áp dụng các tiêu chuẩn này vào sản xuất còn mang tính phong trào và đối phó khi tư tưởng cho rằng các tiêu chuẩn về chất lượng do thị trường các nước đặt ra chỉ là rào cản thương mại còn tồn tại nhiều trong những nhà quản trị và kinh doanh nông sản. Dù rằng ở một số thị trường trên thế giới, các tiêu chuẩn luôn được điều chỉnh theo hướng khắt khe hơn, một phần để hạn chế việc nhập khẩu nông lâm thủy sản từ Việt Nam, nhưng phần lớn thể hiện nhu cầu của người tiêu dùng trên thế giới đang đòi hỏi nhiều hơn một sự đảm bảo chất lượng theo những tiêu chuẩn tối thiểu. Sự đảm bảo tối thiểu này không chỉ giới hạn ở lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm (GMP, HACCP) mà còn mở rộng sang lĩnh vực an toàn sinh học, và kể cả lĩnh vực bảo vệ môi trường (ISO22000, GAP, ASC, MSC, FSC…) và cải thiện an sinh xã hội cho người lao động (SA8000). Trong lĩnh vực kinh doanh nông sản và thực phẩm, các tiêu chuẩn thể hiện ở các qui định về hợp đồng mua bán, qui trình xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan, phương thức giao dịch thanh toán cũng ngày càng chặt chẽ hơn.
Theo tôi hiểu vấn đề nông dân chưa áp dụng và chấp nhận rộng rãi VietGap  không phải do các hệ thống này quá khó không thực hiện được, mà đơn giản chỉ bởi nếu họ có làm theo Vietgap hay GlobalGAP hay Europgap thì họ cũng chẳng được thêm một đồng thu nhập nào cho nên chẳng có lý do gì để họ làm cả.
Một khi Chính phủ còn dùng tiền thuế để hỗ trợ nông dân làm các dự án Vietgap hay GlobalGap hay bất cứ tiêu chuẩn chất lượng nào khác mà không có biện pháp phân biệt tốt xấu, thật giả một cách nghiêm túc thì khả năng nhân rộng của mô hình là không  khả thi vì thật giả, tốt xấu đều được bán với giá như nhau thì tại sao người ta phải làm thật cho tốn sức và tốn tiền ra. Hay nói cách khác, chỉ khi có dự án thì họ làm (vì được hỗ trợ), hết dự án thì cũng hết các loại GAP! 
Vai trò của Nhà nước trong việc đặt ra luật và kiểm tra, giám sát việc tuân thủ luật là hết sức quan trọng. Không làm được điều đó thì chẳng bao giờ có nông sản "chất lượng". 
TVT
--------------
(From: Tác giả; - To: BVB)

3 nhận xét:

  1. K/g bác Bồng,

    Muốn xin bài này về facebook có thể liên hệ với bác Tô Văn Trường như thế nào ah ? Cám ơn nhiều,

    BVM

    Trả lờiXóa
  2. Không chỉ nông dân mà cả những nhà sản xuất cung cấp các yếu tố ở đầu vào của quá trình sản xuất nông nghiệp (giống, phân bón, công nghệ, ...) cũng phải tham gia vào quá trình tiêu chuẩn hóa nông sản để có thương hiệu cụ thể. Ai là người đứng ra yêu cầu các ngành hỗ trợ ở đầu vào cũng phải có sự chuyển dịch theo yêu cầu của nong nghiep

    Trả lờiXóa