Trang BVB1

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

CỐT LÕI CỦA NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

 * TÔ VĂN TRƯỜNG
             BVB - Đã hơn 38 năm đất nước thống nhất, non sông liền một dải “cả nước cùng đi lên xã hội chủ nghĩa” như tuyên bố đầy tự hào của những vị lãnh đạo đất nước. Vậy mà đến nay, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách những nước chậm phát triển và ở nông thôn người nông dân Việt Nam vẫn đang phải vật lộn vất vả trong cuộc chiến chống đói nghèo.
Những vất vả thiệt thòi, cay cực của hàng triệu con người trên chính mảnh đất của mình làm chúng ta không chỉ xót xa, than thở mà cần phải chung tay có những hành động cụ thể, quyết liệt và hiệu quả hơn nữa. Ở đây, then chốt là phải đi sâu vào cốt lõi của nông nghiệp, làm rõ các nguyên nhân trì trệ để thay đổi thể chế quản lý trong nông nghiệp.
“Tỷ giá cánh kéo”
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tư bản chủ nghĩa cũng còn là quá trình công nghiệp bóc lột nông  nghiệp, thành thị bóc lột nông thôn. Đấy còn là quá trình thực hiện sự bóc lột nông dân để lấy vốn tích lũy cho quá trình công nghiệp hóa, còn được diễn ra dưới tên gọi là “tỷ giá cánh kéo”.
Đây là một thuật ngữ chỉ mối quan hệ giữa giá của hàng hóa công nghiệp với giá nông sản. Tỷ lệ này càng cao chứng tỏ nông dân càng ở thế bất lợi.
Trong một buổi họp Quốc hội đã lâu, tôi nhớ có đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ về “tỷ giá cánh kéo”. Tường thuật trực tiếp trên truyền hình, thì Bộ trưởng trả lời đó là tất yếu của quá trình công nghiệp hóa nhưng khi báo đăng tường thuật thì cắt bỏ đoạn đó.
Về nguyên tắc, quá trình  công nghiệp hóa, hiện đại hóa XHCN phải có nhiệm vụ khắc phục mâu thuẫn về kinh tế giữa công nghiệp với nông nghiệp. Thực ra, các nước phát triển trước khi công nghiệp hóa cũng phải dựa vào nông nghiệp, nhưng sau đó họ nhanh chóng lấy từ công nghiệp để đầu tư trả lại cho nông nghiệp.  Nghĩa là thành quả của nông nghiệp sẽ chỉ bị “tạm ứng” một thời gian đủ ngắn để nông dân có thể chịu đựng và chấp nhận được, không có tình trạng kéo dài “lê thê” như ở Việt Nam.  
Chủ trương và hiện thực
Tại Hội nghị tổng kết nông nghiệp ở Thái Bình vào năm 1974 có đề ra nhiệm vụ tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn. Lúc đó, các hợp tác xã đang ở trình độ hợp tác giản đơn của các tổ sản xuất.
Theo Gs Nguyễn Lang đánh giá trong lĩnh vực trồng trọt thì vấn đề này được bước đầu thực hiện qua khoán 10 với việc phân chia các khâu do hợp tác xã và hộ gia đình đảm nhiệm, gắn với chuyển phương thức phân phối từ theo công điểm sang phương thức khoán sản phẩm. Quá trình này đã góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nhưng sau đó, có khoán 10, dẫn đến hình thành mô hình phát triển hộ gia đình hoạt động theo phương thức tự sản, tự tiêu. Đồng thời chúng ta cũng coi việc phát triển trang trại là con đường phát triển nông nghiệp tất yếu, nhưng trang trại chỉ là mô hình hộ gia đình mà chiếm hữu một diện tích canh tác quy mô lớn hơn. Tức là thực chất, vẫn chỉ phát triển hộ gia đình về quy mô chứ không phải về chất lượng để tiến lên sản xuất lớn.
Quan điểm của tôi  khác với Gs Nguyễn Lang, vì kinh tế hộ chính là bước đi đáng ghi nhận, đã tạo bước đột phá và làm nên kỳ tích ngoạn mục của nông nghiệp trong thời kỳ đổi mới.  Trong suốt thời kỳ từ 1988 đến gần đây, kinh tế hộ gia đình vẫn là yếu tố chủ chốt đem lại thành tích đáng ngưỡng mộ của nông nghiệp VN. Không có kinh tế  hộ thì lấy đâu ra nông sản dư thừa mà xuất khẩu.
Thành lập hợp tác xã  theo kiểu “cha chung không ai khóc” (không tự nguyện, thiếu dân chủ)  là thất bại tất yếu, nhưng phát triển trang trại lại là con đường rất hiệu quả, nếu các trang trại này được tổ chức lại. Không phải là vào hợp tác xã để làm chung mà chỉ là để có tiếng nói thực sự trong các quan hệ hợp đồng với doanh nghiệp, còn việc sản xuất của họ vẫn ở cấp nông hộ hoặc trang trại (tức là nông hộ lớn). Vì kinh tế nông hộ hay trang trại vẫn là hiệu quả nhất trong nông nghiệp hiện nay.
Nông dân Việt Nam
Người ta đã tổng kết về người nông dân Việt Nam có mười cái nhất:
"Cống hiến nhiều nhất.
 Hy sinh lớn nhất.
 Hưởng thụ ít nhất.
 Được giúp kém nhất.
 Bị đè nén thảm nhất.
 Bị tước đoạt nặng nhất.
 Cam chịu lâu dài nhất.
 Tha thứ cao cả nhất.
 Thích nghi tài giỏi nhất.
 Năng động khôn ngoan nhất". 
Ta có chủ trương  đảm bảo cho nông dân trồng lúa có 30% lợi nhuận. Tỷ lệ có vẻ to nhưng hiện nay, nông nghiệp vẫn là nền sản xuất nhỏ với quy mô hộ gia đình. Trong điều kiện đó, dù có tỷ suất lợi nhuận là 30% nhưng con số tuyệt đối mà hộ gia đình nhận được vẫn nhỏ, không đủ dự phòng khi có thiên tai, khi bị bệnh, cần tiền cho con đi học  nên khả năng tái sản xuất mở rộng bị hạn chế. Đó là chưa kể đến tình trạng nông dân bị ép giá ở cả đầu vào và đầu ra không còn lợi nhuận 30%  như chủ trương của Nhà nước.
Theo điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp thực hiện từ 2006-2012 tại 12 tỉnh, thành cho thấy chi tiêu của các hộ nông thôn tăng mạnh trong khi tỷ lệ hộ nghèo không giảm, thậm chí số hộ tái nghèo lại tăng. Thu nhập từ nông nghiệp đang sa sút do người nông dân phải chịu đựng những cú sốc từ khách quan có thiên tai, dịch bênh, biến động thị trường, chưa kể chủ quan do sức khỏe, mất việc, mất đất khiến nông dân điêu đứng xoay trần ứng phó.
Tình trạng suy thoái kinh tế khiến giá nông sản giảm mạnh đã gây ra những cú sốc khiến nhiều hộ nông càng điêu đứng hơn. Có đến 45% số hộ nông dân cho biết họ đang phải nợ nần. Trong khi đó, hỗ trợ của chính quyền cho các hộ khi gặp các “cú sốc” trong đời sống rất hạn chế. Lẽ ra, khoản tiền bảo hiểm phải là cách ứng phó tốt nhất cho “vận đen” không may của họ, thế nhưng hầu hết nông dân lại chưa mua bảo hiểm, đặc biệt loại hình bảo hiểm nông nghiệp.
Trong điều kiện của VN tại sao hầu hết không ai tham gia bảo hiểm nông nghiệp tự nguyện? Trên thế giới người ta tham gia bảo hiểm với mong muốn sẽ bảo toàn được tài sản của mình nếu rủi ro xảy ra, về phía công ty bảo hiểm họ cũng là doanh nghiệp kinh doanh nên họ sẽ phải đặt ra yêu cầu và hướng dẫn để người mua bảo hiểm giảm thiểu nguy cơ dẫn đến rủi ro, nhưng ở VN không phải như thế. Vì thu nhập của họ từ nông nghiệp có đáng là bao, trong khi các điều khoản bảo hiểm chưa hấp dẫn và thủ tục chi trả bảo hiểm quá phức tạp đối với nông dân.

Cánh đồng mẫu lớn với… nông dân nhỏ?
Chúng ta đừng quên hiện tượng trong ngành thủy sản nông dân cũng có qui mô sản xuất rất lớn. Nhiều người có hàng chục ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Thế nhưng vẫn chết toi hàng loạt cá để rồi phải bán lại ao với giá rẻ cho các doanh nghiệp và các ông chủ lớn.
Vậy thì có phải tích tụ ruộng đất là con đường duy nhất đúng như người ta đang hô hào hay ngược lại, đó là nông dân nhỏ nhưng cánh đồng mẫu lớn?
Nếu “nông dân nhỏ với cánh đồng mẫu lớn” được tổ chức tốt, ta sẽ giải được bài toán việc làm cho hàng triệu nông dân. Và ngược lại nếu “nông dân lớn” hay chính xác là doanh nghiệp nông nghiệp qui mô lớn sẽ có hàng triệu nông dân phải ra đứng đường vì họ đâu có dễ tìm được việc làm phi nông nghiệp?
Tuy nhiên, cần nhắc lại là “nông dân nhỏ và cánh đồng mẫu lớn” phải được tổ chức hợp lý, nghĩa là sao cho nông dân phải có tiếng nói trong mối quan hệ với doanh nghiệp trong khi ký hợp đồng. Giá trị gia tăng của ngành phải được chia sẻ hợp lý với nông dân. Ví dụ điển hình nên học tập là trường hợp công ty cổ phần chè Than Uyên (Lai Châu). Mặc dù trong mấy năm qua ngành chè rất khó khăn, hiện tượng tranh bán tranh mua diễn ra ở khắp nơi, nhưng ở Than Uyên không có đầu nậu nào có thể tranh mua với công ty, vì giá thu mua của công ty luôn luôn bằng hoặc cao hơn giá thị trường.
Ngược lại, người nông dân, mặc dù hầu hết là người dân tộc thiểu số nhưng luôn tin tưởng và sản xuất theo đúng yêu cầu của công ty và chỉ bán nguyên liệu cho công ty. Vấn đề mấu chốt của mối quan hệ hợp đồng là ở sự tin tưởng của người dân vào doanh nghiệp, và sự chia sẻ lợi ích của doanh nghiệp với người nông dân. Công ty chè Than Uyên luôn đặt lợi ích của đối tác lên hàng đầu, cung ứng cho nông dân đầu vào đảm bảo chất lượng với giá rẻ hơn nếu tự mua bên ngoài, hướng dẫn kỹ thuật cho dân và thu mua với giá ngang bằng hoặc cao hơn thị trường.
Hiện tại các doanh nghiệp của VN rất ít nơi làm được như vậy vì thiếu một sự chia sẻ lợi ích hợp lý. Các doanh nghiệp chỉ tìm cách bán đầu vào cho nông dân với giá trên trời và tìm cách thu mua đầu ra của nông dân với giá bèo bọt, cốt để họ phải thua lỗ và bán lại đất cho mình. Họ dùng nhiều cách, trong đó có cả cách sử dụng cán bộ địa phương ngăn chặn không cho thương lái vào mua tranh nguyên liệu.
Mâu thuẫn trong quan điểm tích tụ ruộng đất 
Để đảm bảo quá trình phát triển nông nghiệp bền vững, cần chú ý đến cả khía cạnh kinh tế xã hội và không nhất thiết phải thực hiện tập trung ruộng đất vào tay một số ít người, như con đường phát triển tư bản chủ nghĩa, mà phải tổ chức liên kết các hộ gia đình trong các vùng chuyên canh.
Do đó, chấp nhận duy trì tổ chức hợp tác giản đơn tự nguyện giữa các hộ nông dân nhưng với điều kiện là phải từ bỏ tập quán canh tác tiểu nông, để chuyển sang tập quán canh tác có tổ chức, kỷ luật, khoa học của người sản xuất lớn.
Hiện tại, một số người đang hô hào tích tụ ruộng đất, thực chất là nhằm hợp pháp hóa phần diện tích mà các cá nhân và tổ chức bấy lâu nay đã âm thầm mua lại của nông dân bằng nhiều cách. Trong đó có cả cách cạnh tranh không  lành mạnh, nghĩa là tìm cách làm cho nông dân thua lỗ liên tục 2- 3 vụ sau đó mua lại với giá rẻ. Bên cạnh việc hô hào cho tích tụ ruộng đất còn có ý kiến ủng hộ việc lôi kéo các doanh nghiệp FDI vào để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo qui mô lớn. Những người ủng hộ trường phái này cho rằng hiện nay khó khăn nhất của nông nghiệp Việt Nam là không có thị trường tiêu thụ nông sản, nên cần phải tổ chức sản xuất theo hợp đồng gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm để nâng cao chất lượng và giảm bớt khâu trung gian.
Theo họ chỉ cần vài ông lớn FDI là có sản lượng lớn với chất lượng cao, nông nghiệp hiện đại và giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên giá trị gia tăng cao đó vào túi ai mới là điều quan trọng? Có ý kiến cho rằng đây là cách làm chẳng có lợi lộc gì cho dân, cho nước cả. Làm theo cách đó thì hàng triệu nông dân sẽ đi đâu, làm gì? Đây là bài toán hệ thống  tái cấu trúc nền kinh tế của cả nước phải đi trước tái cấu trúc ngành nông nghiệp.  
Khi sản xuất nông nghiệp nằm trong tay một vài ông lớn FDI lúc đó họ sẽ áp dụng công nghệ hiện đại, cơ giới hóa và thế là nông dân sẽ ra đứng đường. Người tiêu dùng thì phải ăn đắt vì chỉ còn một vài nhà cung ứng thôi, vấn đề xã hội sẽ rất lớn trong khi nhà nước thì thất thu.
Điều này đã thấy nhãn tiền ở ngành chăn nuôi rồi. Hiện nay ngành chăn nuôi chủ yếu nằm trong tay vài doanh nghiệp FDI. Doanh thu và lợi nhuận ròng của các vị này rất lớn. Năm 2010 chỉ riêng công ty CP ở VN đã thu về 01 tỷ USD lợi nhuận ròng, nhưng nghĩa vụ nộp thuế của họ lại rất ít (nếu có) vì họ luôn báo lỗ.  Họ cũng không hề phải trả một đồng phí môi trường nào cả mặc dù họ gây ô nhiễm môi trường rất nhiều. Điều này là vì ngoài phần tự đầu tư thì một phần lớn sản lượng của họ đến từ các hợp đồng gia công với nông dân/ trang trại.
Khi đầu tư, để được ưu đãi thì họ nhận cả phần đầu tư của các trang trại là của họ, nhưng khi địa phương yêu cầu đóng phí môi trường thì họ từ chối với lý do đó là đầu tư của nông dân, mà của nông dân thì ai thu được phí môi trường bao giờ.
Vấn đề chỉ là “tỷ giá cánh kéo” quá bất lợi cho nông dân (do lợi ích nhóm) khiến nông dân khó cạnh tranh, đồng thời diện tích đất của nông dân quá ít nên ngay cả khi họ có lãi tới 100% thì họ cũng chẳng thể sống nhờ vào nông nghiệp được. Đó mới là vấn đề!

Vai trò của Nhà nước
Để đưa nông nghiệp lên sản xuất hàng hóa lớn cần phải đảm bảo sự ổn định tối thiểu về sản lượng, chất lượng và tiến độ giao hàng phù hợp với yêu cầu của người tiêu dùng. Có đạt được sự ổn định đó thì mới xây dựng và bảo vệ thương hiệu của hàng hóa nông sản Việt Nam, giữa phát triển thị phần trên thị trường trong và ngoài nước.
Để đảm bảo sự ổn định của hàng hóa nông sản về các mặt nói trên, nông dân Việt Nam phải đi vào con đường sản xuất có tổ chức, có kỹ thuật, có sự phân công hợp tác vì quyền lợi chung để thực hiện quản lý sản xuất theo các quy chuẩn bắt buộc. Như vậy, phải có sự tự chuyển hóa, khắc phục tâm lý và tập quán của người tiểu nông đang in đậm dấu ấn lên cách sản xuất theo phương thức tự sản, tự tiêu.
Người nông dân phải được đảm bảo các yếu tố đầu vào một cách phù hợp, phải được các nhà khoa học hướng dẫn và chuyển giao công nghệ sản xuất hiện đại theo quy chuẩn bắt buộc, có sự phối hợp giữa nông dân với các cơ sở chế biến và tiêu thụ nông sản. Đặc biệt phải nhấn mạnh đến vai trò của thương nhân vì họ là người tổ chức cung ứng các yếu tố đầu vào và tổ chức tiêu thụ nông sản ở đầu ra.
Để thực hiện được yêu cầu đảm bảo sự thống nhất đó, vai trò quản lý của Nhà nước giữ vị trí rất quan trọng. Tuy nhiên, lâu nay, Nhà nước không thực hiện tốt vai trò của mình, nghĩa là việc của mình thì không  làm (đặt ra luật chơi và kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật) nhưng lại quá sa đà vào việc không  phải của mình như sản xuất, kinh doanh.
Theo tôi hiểu, Nhà nước chỉ cần đặt ra tiêu chuẩn chất lượng và buộc tất cả các nhà sản xuất kể cả nông dân lẫn doanh nghiệp phải tuân theo sao cho sản phẩm làm ra phải đạt mức độ an toàn tối thiểu. Và giám sát, kiểm soát việc họ thực hiện.
Đó mới đúng là chức năng quản lý Nhà nước
Thay cho lời kết
Trong quản lý hoạt động nông nghiệp cũng như trong một dàn nhạc, Nhà nước phải là nhạc trưởng với chiếc đũa trong tay để chỉ huy đồng bộ, dứt khoát, uyển chuyển các nhạc công, chứ không phải làm thay, hoặc giành lấy phần sản xuất kinh doanh của họ. Khi mà đời sống kinh tế xã hội của đất nước còn bị điều hành bởi các quan chức thiếu tầm và còn bị chi phối bởi những nhóm lợi ích thì người nông dân Việt Nam vẫn phải lặn ngụp trong vũng lầy đói nghèo, và như thế một nước Việt Nam “công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020” vẫn chỉ là câu chuyện hoang đường!   
TVT
----------------

4 nhận xét:

  1. Là Một người con của ĐBSCL trong những năm qua Tôi chứng kiến và thấy được những khó khăn vất vả của người nông dân như thế nào. Cuộc sống có khá hơn trước năm 1975 nhưng so với những vùng khác ở VN thì còn quá chậm so với những gì mà Bà Con nông dân chúng tôi bỏ công sức ra. Các Bạn hãy thử thống kê xem một năm ngành Nông, Thủy, hải sản xuất siêu bao nhiêu % ? Như tôi nhớ không lầm năm 2012 là trên 10 tỷ USD, Còn nông dân chúng tôi được gì ? Con gái miền Tây làm công việc nhạy cảm (Bia Ôm, massage, bán dâm) nhiều nhất nước, bán mình lấy chồng nước ngoài nhất nước, học hành kém nhất nước, được mùa và mất giá đứng đầu thế giới,...Cứ như thế này thì Nông dân chúng tôi SX để làm chi nữa ? để được tiếng là XK gạo số một thế giới mà chúng tôi được gì ? Đã đến lúc cần phải suy nghĩ lại....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sao bác Tra Bay, không tự hào, những người con của ĐBSCL ?.

      Một người con, cựu y tá, làm thủ tướng. Rồi người con nữa, làm thường trực BCC, một người con,tiến sỹ kiến trúc xây dựng, ở tận cựu đế quốc USA về, chưa thiết kế xây dựng gì, làm thứ trưởng bộ xây dựng, một người con,vừa tốt nghiệp kỹ sư ngành kỹ thuật hàng không ở cựu đế quốc thực dân PHỚT Ăng lê,làm ban bí thư trung ương doàn.

      Xóa
  2. Toan lu an tan pha hoai dang dieu hanh mot dat nuoc day tiem nang thi lam sao ma kha len duoc

    Trả lờiXóa
  3. Nông dân là lực lượng chính tham gia cách mạng. Họ hy sinh mất mát nhiều nhất. Nhưng hãy xem sau gần 40 năm thông nhất thì nông dân được gì Ngoài sự "lỗ kép"?
    Xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới đâu có Lợi ích và sự tốt đẹp cho nông dân? Hãy nhìn ra khu vực và thế giới để đánh giá đúng và khách quan. Sự chung thủy của nông dân Việt đang bị coi rẻ
    Mong Lãnh đạo Đảng - Nhà nước VN đừng diễn trò "tự sướng nữa".

    Trả lờiXóa