Trang BVB1

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

BÁC SỸ “KHÙNG”

         
           * MINH DIỆN
Bệnh viện K8 nằm giữa vùng Mỏ Vẹt, Tây Ninh sát biên giới Campuchia. Những căn nhà hầm nửa nổi nửa chìm rải rác khắp cánh rừng khộp, liên kết với nhau bằng những con đường mòn ngoắt ngoéo băng qua trảng, qua suối, qua bãi bom, mỗi ngã ba, ngã tư có những mũi tên đẽo vào thân cấy chỉ hướng.
Thỉnh thoảng trên bầu trởi lại xuất hiện những vệt khói thẳng như dòng kẻ của bản nhạc,rồi tiếng máy bay B52 bay qua như tiếng sấm rền. Nhiều lần bom B52 bỏ rất gần,cả cánh rừng chao đảo như đưa võng. Rồi pháo  bầy từ căn cứ Mỹ ở Trảng Lớn  bắn tới , và những toán biệt kích  thường xuyên đi lùng sục. Bệnh viện ngày đêm thấp thỏm trong không khí báo động . Thương  bệnh binh từ các nơi  ùn ùn đổ về.  Các bác sỹ, y sỹ, y tá ngoài việc chữa trị cho thương bệnh binh  phải làm nhiệm vụ chiến đấu  như mọi người lính ngoài mặt trận.
              Tôi nhập viện vào một buổi chiều giáp tết năm 1970, vì sốt rét. Bác sỹ  khám cho tôi rồi nói như quát:
              - Không được  nằm lì trên võng nghe chưa? Nói không nghe là ra bãi le!
               Nhìn  ông bác sỹ không có chút cảm tình nào. Khuôn mặt dài ngoẵng,trán hói đầy nếp nhăn, mái tóc muối tiêu trùm kín cả gáy. Ông ta đi khỏi, tôi hỏi tay bệnh binh bên cạnh:
              - Lão ấy tên gì mà hắc xì dầu vậy?
              Tay bệnh binh nói:
              - Bác sỹ Lê Mai. Biệt danh “Lão khùng”!
              - Sao lão  đe ném tớ ra bãi le?
              Tay bệnh binh cười:
              - Thằng nào vào lão cũng đe như vậy!  Muốn biết bãi le đi với tớ!
              Tay bệnh binh ấy tên Len, quê  Hưng Yên, khá rôm chuyện.
               Hắn khoe :
              - Hai thằng cùng đơn vào  đây với tớ , một  đang bị tâm thần, một  thằng đã ra bãi  le rồi! Chiều nay tớ ra thăm nó , mai về đơn vị.
              Vừa tò mò , vừa sợ bác sỹ Lê Mai, tôi không dám nằm lì trên võng, theo Len ra bãi le .
              Cuối mùa khô, rừng khộp đỏ rực màu như  nhuộm máu. Những cây khộp to hai người ôm không xuể, cao chót vót, da xù xí như da cá sấu, cành khẳng khưu.  Lá khộp  rụng xuống phủ kín mặt đất, khô dòn, rực lên một màu đỏ  nhức mắt.  Bãi le nằm giữa rừng khộp, cạnh con suối cạn, những  bụi le thấp lúp xúp còn giữ được màu xanh và chút bóng râm, che cho những nấm đất lùm lùm như ụ mối , không  bia mộ, không  một khúc cây, hòn đá làm dấu.
              Len chỉ ngôi mộ  đất còn tươi  bảo:
              - Đây là thằng cùng đơn ví tớ. Nó nằm lỉ trên võng hai ngày  nghẻo luôn!
              Len tỏ ra là một tay có kinh nghiệm. Hắn nói:
              - Nếu  sốt cao 40-41 độ , rồi cắt cơn , đếch sợ. Nhưng cứ âm ỷ 38 độ là coi chừng. Không vận động mà nằm lì trên võng là đi tiêu!
              Đúng như Len nói, tôi chỉ sốt 38,5 độ mà mệt rã rời, Những cơn sốt hâm hâm, li bì dài dẳng . Tôi bước  đi không vững, đầu  cứ ong ong, mắt  cay và cứ híp lại. Tôi chỉ muốn nằm. Cứ  đặt  lưng  xuống võng  là không muốn và không thể đứng dậy được nữa.
               Ba bốn lần tôi đã nằm lì, nhưng  bị bác sỹ Lê Mai dựng dậy. Ông ấy la lối, chửi bới om sòm  và giật võng  cuốn  lại không cho tôi nằm.Tôi cảm thấy căm ghét ông vô cùng.
                Một buổi sáng tôi  vào rừng,  mắc võng giữa một lủm cây, nằm một mình trốn cặp mắt cú vọ  của bác sỹ Lê Mai.
               Tôi thiếp đi lúc nào không hay. Trong cơn mê tôi thấy mình nhẹ như chiếc lá khộp khô,  bay chập chờn trên bầu trời mầu tím thẫm đầy  sao nhấp nhánh, bay qua những con sông  sóng vỗ và những mặt hồ phẳng lặng. Có lúc tôi đang bay thì  bỗng rơi tõm xuống một hố đen ngòm, rồi lại chới với bay lên. Có tiếng gọi mơ hồ ở đâu vẳng lại. Tôi gặp ông bà nội ngoại tôi,  chìa tay ra đón tôi , nhưng tôi không chạm vào được tay họ,  và tôi nói họ không nghe ...
               Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trong lán điểm,  chân  tay   bị  cột chặt xuống  giường , trên  đầu  bình huyết thanh treo lơ lửng.
              Y sỹ Duyệt nói với tôi:
              - Cậu đã hôn mê bảy ngày! Nhờ bác sỹ Lê Mai không thì ra bãi le rồi.
               Duyệt kể, chiểu hôm ấy khám bệnh,bác sỹ Lê Mai không thấy tôi trong lán, ra lệnh mọi người đi tìm. Tìm suốt buổi chiều và suốt đêm , đến sáng mới  thấy tôi ,chỉ còn thoi thóp. Có người thất vọng , định gói tôi  vào  ni lon mang ra gốc le chôn, nhưng bác sỹ Lê Mai nói còn nước còn tát, và ông đã cứu sống tôi.
               Từ hôm đó tôi không dám nằm mà  đi lang thang hết lán này sang lán khác, có khi xuống bếp phụ anh nuôi, hoặc sang phòng phẫu thuật phụ mổ.  Ở  đây có chiếc xe đạp gắn trên bệ gỗ, kê bổng hai bánh xe lên. Một sợi dây điện nối chiếc Dinamo với chiếc đèn pha trên bàn mổ. Mỗi khi mổ, một người ngồi lên xe đạp, đạp thật nhanh , để  quay Dinamo phát điện, làm sáng  bóng đèn  trên bàn mổ.
              Tôi tham gia đạp xe  toát mồ hôi và cảm thấy người nhẹ nhõm hơn, nhưng  điếc cả tai vì nghe  tiếng quát tháo của bác  sỹ Lê Mai. Tay ông cầm dao mổ , miệng ông quát tháo những người phụ mổ vì họ  đưa dao, đưa kéo, đưa panh chậm, sai quy cách.
              Y sỹ Duyệt nói với tôi :
            - Lê Mai là bác sỹ phẫu thuật giỏi nhất  K68, và cả mặt trận miền Đông. Nhiều khi  bệnh viện K71 có những ca mổ phức tạp cũng phải triệu ông qua mổ. Ông  đào tạo ra  ê-kíp phụ mổ từ những chiến sỹ chưa biết gì về y khoa...
            -Sao ông ấy có biệt hiệu khùng?
            -Vì hay la và có lần chửi cả chính trị viên bệnh viện.
            -Sao chửi?
            -Thằng cha ấy  không biết chuyên môn lại hay can thiệp vào công việc chuyên môn. Hắn phê bình bác sỹ Lê Mai hạn chế sử dung Coc- tê- in ,để thương binh đau rên la, mà không biết lạm dụng dùng loại thuốc đó có tác hại lâu dài, thậm chí tử vong...
            Nghe  Duyệt nói , tôi càng cảm thấy kính trọng bác sỹ Lê Mai. Ngày cũng như đêm , có  thương binh trên bàn mổ là tôi lại thấy cái dáng người dong dỏng cao của ông cúi xuống , hai  con mắt  như lòi ra khỏi hai tròng kính và khuôn mặt  đanh rắn gồ ghề như tạc bằng đá. Ông làm việc quên mình vì những người lính như chúng tôi. Bệnh nhân trong bệnh viện rất sợ ông và kính trọng ông. Có bệnh nhân tâm thần leo tít trên ngọn cây khộp,ai kêu cũng không xuống, nhưng bác sỹ Lê Mai ra, nói: “ Xuống đi em!” là từ từ leo xuống .
             Một hôm bác sỹ Lê Mai mổ cho một thương binh còn rất trẻ. Ca mổ kéo dài gần bốn giờ đồng hồ. Tôi nghe ông la hét mà phát hoảng.
             Ca mổ xong, bác sỹ Lê Mai  tử hầm phẫu thuật đi lên, mặt hằm hằm rất  căng thẳng. Rồi bỗng nhiên ông bật khóc.  Tiếng khóc vỡ òa  từ cái miệng rộng có hàm răng vổ quen nóng nảy quát tháo, nghe rất lạ , vừa buồn, vừa  chao chát không thể tả được, như lát dao khứa vào tim.
             Tôi hỏi y sỹ Duyệt  có chuyện gì sảy ra , Duyệt nói:
             - Bác sỹ Lê Mai thường cáu gắt và   khóc vì bất lực và vì thương lính. Mỗi lần không đủ phương tiện để xử lý một ca mổ, hoặc  không cứu được một chiến sỹ chưa đáng chết chỉ vì thiếu thuốc men, ông  đều không nén được xúc động . Hôm nay cậu chiến sỹ bị thương , mảnh bom cắt gần đứt dương vật, vì đưa vào viện  trễ, ông không giữ lại được cho cậu ấy.
             Tôi đến bên cạnh bác sỹ Lê Mai, muốn bảy tỏ lòng mình, ông  nắm tay tôi nói , giọng khản đặc :
              - Nó còn trẻ quá, mới mười chín tuổi đầu,  nó không được làm  một người đàn ông nữa Tôi nhìn bác sỹ Lê Mai, xúc động tận đáy lòng. Tôi nhận ra trái tim nhân hậu và nhạy cảm của người bác sỹ bề ngoài rất nóng nảy cọc cằn.  Chính ông đã cứu sống tôi, và ông đã khóc vì không giữ được chức năng làm chồng để duy trì nòi giống cho một người lính trẻ.  
             Năm ấy bác sỹ Lê Mai  42 tuổi, chưa có vợ con, cấp bậc trung úy.  Quê ông ở phố Hàn Thuyên , Hà Nội, tốt nghiệp Đại học y khoa từ năm 1952, lúc 24 tuổi, và khi ra trường  làm việc ở bệnh viện  Bạch Mai. Sau ngày giải phóng Thủ Đô, vì không có thành tích tham gia kháng chiến, gia đình  thuộc diện tư sản , nên ông không được trọng dụng, phải lên Tây Băc phục vụ những ngưởi miền xuôi lên khai hoang.  Năm 1966, ông được gọi vào bộ đội, phong quân hàm trung úy và đi B2. Hơn ba năm qua  ông ở bệnh viện K8, cứu sống nhiều thương binh, bệnh binh nhưng ông không được thăng cấp, thăng chức , không được kết nạp đảng vì tính ông thẳng thắn, nóng nảy, dám chửi cả chính trị viên bệnh viện, bị ông này gọi là "khùng".
               Sau gần một tháng điều trị , tôi khỏi sốt rét trở về đơn vị. Mấy tháng sau tôi nghe tin bệnh viên K68 bị bom B52 , và bác sỹ Lê Mai đã hy sinh.
               Ngày Sài Gòn giài phóng, tôi gặp  Liên,  nữ y tá  phụ mổ cho bác sỹ Lê Mai. Cô Liên khóc , nói nói với tôi : “ Hôm đó bác sỹ đang mổ cho thương binh anh ạ!”
               Hơn bốn chục năm đã qua rồi. Hôm kia ngồi ôn chuyện cũ với anh Vũ, anh Bồng và mấy cựu chiến binh miền Đông, không ngờ có người cũng đã từng điều trị ở bệnh viện K8 và biết bác sỹ Lê Mai như tôi. Nhớ tới ông, càm phục tấm lòng người thầy thuốc như ông bao nhiêu, lại cảm thấy buồn  bấy nhiêu vì những điều đang diễn ra trước mắt. Bây giờ ngành y xuống cấp quá. Có những bác sỹ giỏi  chỉ quan tâm đến bệnh nhân là quan chức, đại gia, nhiều tiền, khinh bệnh nhân nghèo như rác. Có kẻ trình độ  non kém, thậm chí chỉ là y tá, lại nhân danh bác sỹ mở phòng khám tư để ‘chặt chém’ người bệnh, hốt bạc, coi thường tính mạng con người, mà vẫn nhơn nhơn tồn tại. Đến chuyện  nhân bản máu mà họ cũng không từ...
              Bây giờ thật khó tìm một người như bác sỹ Lê Mai tuy  ông không phài là đảng viên và có người bảo ông khùng. Ứơc gì có nhiều bác sỹ “ khùng” như ông.
     M D
--------------

11 nhận xét:

  1. cam on bac BONG va bac MINH DIEN , chuc suc khoe 2 bac .

    Trả lờiXóa
  2. Thực sự là tấm gương bác sỹ quân y!

    Trả lờiXóa
  3. Không lẽ phải tới khi chiến tranh, những người tốt mới được tỏa sáng sao???

    Trả lờiXóa
  4. "...gia đình thuộc diện tư sản , nên ông không được trọng dụng, phải lên Tây Băc..".

    Tôi nhớ lại,sau hôm lễ tang bố tôi, tôi vá anh ruột, có lên chỗ ban tổ chức TW, cám ơn. Ông Đ.S., phó ban, có nói: "Vì a... (bố tôi) là con quan, .... Đáng lẽ...".

    Bao nhiêu năm, khi viêt lý lich, bao lần tôi đã phải ghi: ông tôi là quan... phủ Đoan Hùng, rồi Thái Ninh. Ông tôi về hưu, rồi mất trước năm 1945.

    Sau 30 năm sau,mới biêt, có sự thể kéo theo là như vậy.

    Trả lờiXóa
  5. Không ai trong xã hội muốn làm người khùng .

    Muốn có nhiều người "khùng" như ông ? Thay đổi thể chế để xoay ngược lại giá trị xã hội, những người như ông sẽ "lại" được xem là bình thường .

    Mà quái đản, nếu những người như ông được/bị coi là khùng, bác Bồng, Minh Diện và tất cả những người khác phải nhìn ra bản chất của chế độ rồi mới phải .

    Trả lờiXóa
  6. Bac si Le Mai o K8 nhieu nguoi biet cam on anh Dien da nhac den ong.Ngay ay linh sot ret ma nam li la de bi ac tinh nen bac sy phai kien quyet khong cho nam la rat dung.Toi cung tung nam o K8 gan mot thang biet bac sy Le Mai ,bac sy Nghi .Noi chung hoi ay cac bac sy tot hon bay gio.Tien bac no lam thay doi luong tam con nguoi bat ke ho la ai.(Tran van Phuc trung ta ccb )

    Trả lờiXóa
  7. Kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn bác sỹ Lê Mai - MỘT CON NGƯỜI CHÂN CHÍNH!
    Cảm ơn anh MInh Diện và anh Bổng đã chia sẻ một "nét đẹp của cuộc sống"!

    Trả lờiXóa
  8. Người sông Tiềnlúc 11:58 20 tháng 8, 2013

    Đọc bài của nhà báo Minh Diện tôi thấy những câu chuyện tương tự như vậy về y đức trong chiến tranh, nhưng nay thì không được như vậy nữa. Tôi đọc bài kễ chuyện quân y sĩ VNCH cũng tương tự như thế về y đức ngời sáng. Trời ơi, ngày nay sao cả quân y lẫn dân y, dưới thời CHXHCN Việt Nam, thậm chí ngày càng trầm trọng thêm và lâm vào cảnh bế tắt, không lối thoát. Mặc dù đảng ra sức học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh và đề cao y đức XHCN dữ lắm. Cuối cùng láo khoét cả lũ hả nhà báo Minh Diện và blog Bùi Văn Bồng. Đã 38 năm rồi, ngay tôi và các anh đều bị lữa cả nút. Bây giờ hãy quay lại trước khi quá trễ.

    Trả lờiXóa
  9. Đau quá Minh Diện và Bùi Văn Bồng ơi! Những câu chuyện rất thật của các anh như sát muối vào lòng người. (Lê Kim Hạnh Hải Dương)

    Trả lờiXóa
  10. Bác sỹ Lê Mai và nói chung các bác sỹ thời đó có những phẩm chất tốt vì được hưởng một nền giáo dục, tuy là của thực dân Pháp, nhưng chủ yếu dựa vào chủ nghĩa nhân đạo.

    Ngày nay, chúng ta chứng kiến sự vô đạo đức không chỉ của các bác sỹ mà của rất nhiều người, trong mọi ngành nghề. Đó chính là hậu quả của chính sách giáo dục phi nhân văn của một chế độ xã hội thối nát.

    Trả lờiXóa