Trang BVB1

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

SỰ BẤT TỬ CỦA HỒN THIÊNG NGƯỜI LÍNH


* TÔ VĂN TRƯỜNG
Đối với cuộc chiến tranh vừa qua, mất mát không thể tính từ một phía. Lúc sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng có cái nhìn rất đau xót và nhân văn về sự “nồi da xáo thịt” này, khi ông, thay vì gọi từ “Giải phóng" bằng từ "Thống nhất ". 
Không có một trái tim nhân hậu, một cách nhìn bao dung thì không thể nào có được cách nghĩ: "Ngày vui chiến thắng có triệu người vui nhưng cũng có cả triệu người buồn”. Sự mất mát của bất cứ phía nào của những người Việt máu đỏ da vàng, cũng cần phải được coi là sự mất mát chung của dân tộc đau thương này.
Không có một bà mẹ nào trên thế giới lại không tan nát trái tim trước sự mất mát quá lớn - sự ra đi vĩnh viễn những người con “dứt ruột” của mình trong chiến tranh!
Nhiều người dân vẫn nhớ những ca từ thấm đẫm nước mắt của Trịnh Công Sơn trong "Ca khúc da vàng" khi ông viết về chiến tranh. Sự hy sinh và mất mát vô bờ của những người mẹ, đến thành “Huyền thoại Mẹ” vẫn còn rưng rưng trong lòng biết bao người dân Việt.
Nhạc sĩ Trần Tiến cũng để lại ca khúc "Đóa hoa xanh" trên mộ người lính rung động lòng người.  Phạm Tiến Duật, nhà thơ lính, với bài  “Vòng trắng" đã từng khốn khổ một thời khi viết về sự hy sinh mất mát trong chiến tranh :
   "Khói bom bay lên trời thành những vòng đen
   Dưới mặt đất sinh ra bao vòng trắng,
   Tôi và anh bước trong im lặng,
   Khăn tang trên đầu như một số không ...".
Khi nói về khía cạnh đau thương mất mát trong chiến tranh, nhà thơ Bảo Sinh viết:
"Tết xưa theo mẹ sang bà,
Tết nay theo Đảng con ra chiến trường,
Bàn thờ thêm một bát hương,
Mẹ tôi thêm tấm huy chương anh hùng ".
            Huy chương nào cũng có hai mặt của nó. Trong bi thương, mất mát vẫn thấy được sự bất tử của hồn thiêng người lính.
Tôi đã nhiều lần nghe bài hát "Cỏ non Thành Cổ" của nhạc sĩ Tân Huyền (Nhã Phương, Lệ Thu, Ngọc Anh thường hát). Nhũng lời ca nói về cỏ xanh nơi chiến địa, nơi các chiến sỹ của chúng ta đã chiến đấu và hy sinh. Nay tôi lại được đọc và nghiền ngẫm một bài thơ cũng bắt nguồn từ cảm hứng bởi màu cỏ xanh. Đó là bài thơ “Lời ru ngọn cỏ” của nhà thơ, nhà báo,  Đại tá Bùi Văn Bồng.
Từ trải nghiệm của người lính, bài thơ mượt mà chất ca dao, thấm đậm tình nghĩa đồng đội - thứ tình thiêng liêng sâu nặng mà phải khi cầm súng cùng chung chiến hào, trước cái chết mong manh ẩn hiện đâu đó, những người lính mới có thể cảm nhận rõ rệt nhất - cái tình ấy.  
Hình ảnh cỏ xanh đã được khai thác sâu sắc, và thương đến nao lòng, vì nó nói lên nhiều điều. Đó là sự trẻ trung trận mạc, nhưng cũng là sự già dặn bất tử. Đó là thật, nhưng cũng là ảo. Đó là sự úa tàn mất mát, nhưng cüng là sự nảy nở hồi sinh.
Trên những ngọn cỏ ấy là giọt sương mai. Và đây chính là điều tác giả muốn sẻ chia, tâm sự: "Giọt sương mai vẫn đọng nguyên nỗi niềm".  Bao nhiêu nỗi niềm được gửi gắm vào đây? Tùy trạng thái tâm lý và tình cảm của mỗi người. Cỏ vẫn xanh như hồn người. 
“Đọng ngưng từng hạt sương rơi
Là khi lá cỏ gọi đời lên xanh
Người hy sinh, đất hồi sinh
Trái tim hoá ngọc lung linh đất trời.
Lời ru ấm nắng.  Người ơi!
Dù là ngọn cỏ tận nơi cuối trời
Thương đau ru đến muôn đời
Và xanh, xanh mãi để lời ru êm”
            Bài thơ “Lời ru ngọn cỏ” của  Bùi Văn Bồng thật là cảm động và chứa chan cảm xúc đa chiều và giàu chất thơ. Lời thơ thật tinh tế khi viết về đề tài chiến tranh. Mặc dù các cuộc chiến tranh vệ quốc đã đi qua. Nỗi  đau rỉ máu -  hậu quả chiến tranh vẫn âm ỉ? 
Nếu không có cái nhìn khách quan, sự rung động sâu sắc, không có vốn sống, vốn ngôn từ phong phú thì người viết rất dễ rơi vào than phiền, lên án, kể lể, sa vào bi lụy hay sự lên gân, hô hào, bài thơ sẽ thiếu tính tư tưởng và thẩm mỹ. Nhà thơ biết chắt lọc những chi tiết đặc sắc nhất, độc đáo nhất của cuộc sống để đưa vào từng câu thơ làm cho bài thơ “nổi gió".
Lối tiểu đối bằng từ đồng âm và so sánh: “nhiều cỏ/ ít hoa”, “nắng xiên xiên/gió xiêu xiêu”, “người hy sinh/ đất hồi sinh”… một lần nữa khẳng định sự bất tử của hồn thiêng người lính. Sự hy sinh của các anh là một sự bồi đắp, hồi sinh cho dân tộc. Chất ngọc đáng quý được kết tinh từ máu của người chiến sĩ như ánh sáng mặt trời, như trăng sao không bao giờ tắt. 
Sắp đến ngày kỷ niệm Thương binh liệt sĩ 27/7 bài thơ của Bùi Văn Bồng như nén hương lòng tưởng nhớ những người con ưu tú của đất nước đã hy sinh để vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho các thế hệ mai sau.
Với góc nhìn giản dị của một độc giả yêu hoà bình, ghét chiến tranh, đây đúng là món quà "tình nghĩa". Chúng ta hãy tưởng niệm hương hồn các liệt sĩ đã cảm tử cho Dân tộc Lạc Việt trường tồn, nhân ngày kỷ niệm thiêng liêng 27/7.  
Và người sống chúng ta, sẽ phải sống thế nào, để không hổ thẹn với những ngọn cỏ xanh - hồn thiêng bất tử này? Để không phụ lòng:
" Người hy sinh, đất hồi sinh
Trái tim hoá ngọc lung linh đất trời.".
            Đọc đến câu thơ này, tôi chợt liên tưởng: Mỗi liệt sĩ hy sinh trong các cuộc chiến tranh vệ quốc là một trái tim ĐanKô, sẽ rực sáng, soi đường cho các thế hệ hôm nay và mai sau đừng lầm đường lạc lối mà lặp lại, tái diễn sự mất cảnh giác và thực dụng để lại mối nguy và sự bất an cho dân tộc.
TVT
---------------

16 nhận xét:

  1. Ngày 27/07 là ngày "Thương binh-liệt sỹ" theo sắc lệnh của Hồ Chủ tịch ký năm 1947 tại Thái nguyên. Phải chăng chúng ta cũng công nhận những người đã ngã xuống trong việc bảo vệ quần đảo Hoàng sa năm 1974 cũng là liệt sỹ (dù họ hay thân nhân của họ cũng không cần điều này) để phần nào chứng tỏ thiện chí hòa hợp dân tộc chăng?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác đặt câu hỏi thế là thừa ! Bởi vì họ ngã xuống để bảo vệ tổ quốc
      chung,chứ không phải bảo vệ chế độ nào cả.Đó là mục đích mà quân đội
      bất cứ nước nào cũng phải đặt lên hàng đầu,trừ chế dộ độc tài độc đảng kiểu Hitler coi quân đội là lực lượng của đảng mình v.v.!
      Chỉ "chứng tỏ thiện chí hoà hợp dân tộc" mà thôi chăng ? Như thế
      là thiếu,qúa thiếu.Có lẽ nên nói là phải bắt tay vào hành động hầu
      đạt cho được sự hoà hợp dân tộc,chứ dừng ở chổ thiện chí là rách
      việc,thưa bác !

      Xóa
    2. Chuyện cô du kích xóm Lai Vu
      Rắn quấn bên chân vẫn bắn thù
      Mỹ hại trăm nhà lo diệt trước
      Rắn mình em chịu có sao đâu!
      Tố Hữu

      Xóa
  2. Tôi tán thành cảm nghĩ của Anh. Em ruột tôi hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô khi mới 15 tuổi và không tìm được cốt. Dó là nỗi đau của riêng gia đình tôi.
    Có chính sách thương binh, liệt sỹ và tổ chức ngày 27/7 là đúng đắn.
    Thế nhưng tưởng nhớ đến các thương binh, liệt sỹ thì ĐIỀU QUAN TRỌNG HƠN CẢ LÀ PHẢI BẢO VỆ THÀNH QUẢ CÁCH MẠNG DO BIẾT BAO NHIÊU XƯƠNG MÁU, MỒ HÔI, NƯỚC MẮT CỦA NHÂN DÂN TẠO NÊN. Chỉ dừng lại như ở các chính sách hiện nay cũng như tổ chức ngày 27/7 là không đủ. 22/7/2013

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dear All
      Trên mảnh đất hình chữ S thân thương của chúng ta hầu như gia đình nào cũng có người thân mất mát, hy sinh trong chiến tranh, đó là nỗi đau chung của cả dân tộc. Ông bà nội của tôi có 5 người con, được 3 cháu trai thì 2 người đã hy sinh ở chiến trường miền Nam và Lào khi đầu xanh, tuổi trẻ chưa kịp lập gia đình.
      Nhân sắp đến kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27/7, xin gửi đến anh chị và các bạn bài viết “Sự bất tử của hồn thiêng người lính” để chia sẻ và tưởng nhớ về những người đã khuất.
      Tô Văn Trường

      Xóa
  3. Bài viết "Sự bất tử của hồn thiêng người lính" quá chuẩn ! Thanks !

    Trả lờiXóa
  4. Phùng Thị Hươnglúc 11:01 22 tháng 7, 2013

    Kính thưa các Anh Chị Em,
    Nối tiếp bài viết của Anh Tô Văn Trường, cùng "hồn" bài thơ của Đại tá Bùi Văn Bồng và đồng thời đã được chứng kiến nhiều gia đình mất mát người thân trong chiến tranh ở cả hai miền và nỗi đau day dứt khi chưa tìm được mộ, nhân kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7 tôi xin thắp một nén hương gửi tới tất cả các Anh, Chị đã hi sinh tuổi xanh vì tổ quốc và chia sẻ nỗi lòng với các gia đình quân nhân mà nỗi nhớ thương vẫn không nguôi khi đất nước hòa bình đã gần 40 năm: Đời ghi công, Đất nở hoa,
    Cúi xin nhớ mãi, tạc lòng công anh.
    Anh hi sinh để đời xanh,
    Đất nước thống nhất thêm cành thêm bông.
    Hòa bình cả nước cùng chung,
    Còn bao góa phụ vẫn mong anh về,
    Trở về với Mẹ với quê
    Trở về bến nước cây đề bên thôn
    Dù đi đầu xóm cuối buôn,
    Hình Anh vẫn mãi trường tồn trong Em
    Nhớ Anh mãi mãi ngày đêm
    Trở về Anh nhé, Con, Em ngóng chờ.
    Regards
    Phùng Thị Hương

    Trả lờiXóa
  5. Kính gửi Dr. Tô Văn Trường.
    Cảm ơn Bác Trường về bài viết nhân ngày 27/7.
    Em Lợi

    Trả lờiXóa
  6. TS. Tô Văn Trường là nhà khoa học Thủy lợi nổi tiếng mà phân tích về thơ rất hay. Tôi được biết, ông sống trung thực, thẳng thắn rất vui tính. Cảm ơn anh TVT, cảm ơn trang BVB đã cho bạn đọc nhiều bài viết hay, sâu sắc!

    Trả lờiXóa
  7. Người lao dộng, giới trí thức, bộ đội đều thấy ý nghĩa của 7/7, tri ân các liệt sĩ. Còn bọn tham nhũng "Bộ phận không nhỏ trong đảng" thì như giun dế, chẳng biết ơn ai. Họ còn làm mất giá trị truyền thống, ăn cả vào tiêu chuẩn gia đình TB-LS, mẹ VNAH. Đúng như bài thơ đã viết, cái tầm của họ thấp hơn ngọn cỏ dại.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái giống "ăn tạp" nó chẳng tha gì cả!

      Xóa
  8. Bác Trường luận giải rất chí lý:
    "Mỗi liệt sĩ hy sinh trong các cuộc chiến tranh vệ quốc là một trái tim ĐanKô, sẽ rực sáng, soi đường cho các thế hệ hôm nay và mai sau đừng lầm đường lạc lối mà lặp lại, tái diễn sự mất cảnh giác và thực dụng để lại mối nguy và sự bất an cho dân tộc.""

    Trả lờiXóa
  9. Hôm nay , thử hỏi có mấy ai là người Việt của hai miền Nam Bắc có thể cưỡng lại cuộc chiến của ba mươi tám năm về trước ? Chính vì vậy ông Kiệt mới muốn gọi là thống nhất thay cho giải phóng .

    Đa số học sinh và sinh viên miền Nam đã sớm nhận thức được bản chất thực sự của cuộc chiến 54-75 . Họ trở thành người lính miền Nam trong điều kiện không còn con đường lựa chọn . Họ nhận rõ MN không Cần giải phóng , không Cần là tiền đồn chốn Cộng cho khối tự do .

    Họ yêu thích nhạc Trịnh , họ chán ghét chiến tranh , nhưng họ không thích chủ nghĩa CS . Đối với cái chết của người lính của cả hai miền Nam Bắc là một điều vô ích . Hiệp định Paris 73 như một con đường giải thoát cho thân phận làm người dân của một nước nhược tiểu , Nội chiến , tương tàn huynh đệ , tiếc thay ...!!!

    Nếu người Bộ đội miền Bắc được mang cảm giác này , có lẽ cũng thấy xót xa cho hồn thiêng của người Bộ đội sinh Bắc , tử Nam . Cái giá của sự hy sinh vì chệch hướng , chính là hậu quả của xã hội VN ngày hôm nay .

    Nhưng dầu sao đi nữa , hồn thiêng của người Bộ dội vẫn còn may mắn hơn hồn ma của người lính MN ...!!!




    Trả lờiXóa
  10. Từ lâu lắm tôi đã nghe một nhận xét "phổ quát": Thêm một ngôi sao trên quân hàm của viên tướng được "bồi đắp" bởi rất nhiều xác lính!

    Trả lờiXóa
  11. Tôi có người cậu,Ông có một đứa con tham gia MTDTGPMN đã hy sinh năm 1963.Đến năm 1974 một đứa con khác đi lính VNCH tử trận.Như vậy mỗi năm Ông làm đám giổ cho 1 đứa "bên này",1 đứa ở phía "bên kia"!.Tuy nhiên ngày giổ đứa con nào Ông cũng ...khóc! .Tôi tin rằng hiện nay tại Miền Nam đã có nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh đau lòng như Cậu tôi ....

    Trả lờiXóa
  12. Nhân mang ,liêt si re rung qua nhât la nhung liêt si chông tau sau 1979...

    Trả lờiXóa