Trang BVB1

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

NGUYỄN THỤ "NGHỊCH LỰU ĐẠN" ?

Hố bộc phá trên đồi A1 - "Trở lại Điện Biên"
* MINH DIỆN 
Mấy bữa nay trên trang Blog Bùi Văn Bồng, nhiều bạn đọc sôi nổi trao đổi chung quanh “Chuyện của anh Bủi Viên” do Nghệ sĩ  Kim Chi ghi chép.  Anh Bùi Viên  kể lại câu chuyện mấy chục năm trước, anh bị công an ‘mời công tác’ dịch những lá thư của một số nghệ sỹ trong ngành điện ảnh (đồng nghiệp, đồng môn) bị nghi là phần tử xét lại,trong đó có các anh Huy Vân, Vũ Huy Cương. Trong số ý kiến bạn đọc có một comment nguyên văn  như sau: “Có một người nổi tiếng thời ấy là Nguyễn Thụ cụt chân. Ông này tốt xấu thế nào ít người nhắc  tới.  Nghe nói ông này được lãnh đạo quan tâm và đối xử  rất tệ với anh em. Vậy ai biết chuyện nguyên cục trưởng Nguyễn Thụ nói lại cho mọi người nghe xin cảm ơn”.
Đọc comment đó, tôi bỗng nhớ lần cuối cùng gặp anh Nguyễn Thụ (*).
           Chiều hôm ấy, Nguyễn Minh Quang gọi điện cho tôi : “Chú ơi, có anh Nguyễn Thụ vào chơi. Mời chú sang ăn cơm cho vui!”.
           Nguyễn Minh Quang là em chị Nguyễn Thị Lợi, vợ anh Nguyễn Thụ, và là cháu rể tôi. Nhà Quang cách nhà tôi có một đoạn đường, tôi đi bộ qua khi thành phố sắp lên đèn.
          Anh Nguyễn Thụ đứng ở cửa,mặc chiếc áo vải đũi cài khuy kiểu cổ, tay chống gậy, nghiêng người xuống bắt tay tôi, nhiều sợi tóc trắng xòa xuống cái trán nhiều nếp nhăn,miệng cười,  phong thái toát lên vẻ thanh thản của một người đã rời xa quyền lực .
         Tôi đã nghe Trần Luân Kim , Phạm Lân và một số bạn bè nói nhiều về Nguyễn Thụ , nhưng mới gặp anh loáng thoáng một vài lần.
         Anh khởi nghiệp từ một chiến sỹ quay phim trên chiến trường, từng học đạo diễn ở Liên Xô, và bộ phim tài liệu đầu tay “Trở lại Điện Biên” cùng làm với các anh Tô Lương, Như Ái, Dương Đình Thọ, năm 1959 được trao giải Vàng tại Liên hoan phim Á Phi, Jakarat, Indonesia 1964.
         Nguyễn Thụ ít nổi tiếng về nghệ thuật, nhưng những năm sáu, bảy, tám mươi thế kỷ trước, nói đết điện ảnh Việt Nam không thể không nhắc đến Cục trưởng Nguyễn Thụ.  Anh đã cùng các nghệ sỹ giàu tâm huyết, được đào tạo rất cơ bản ở Liên Xô đặt viên gạch đầu tiên cho nền móng ngôi nhà nghệ thuật thứ bảy của Việt Nam , và đã có những thành công đáng kể. Từ bộ phim truyện đầu tiên “Con chim vành khuyên” , đến “ Chung một dòng sông”, “Vợ chồng A Phủ”, rồi “Đêm hội long trì”, “Vĩ tuyến Mười bảy ngày và đêm” và hàng trăm bộ phim thời sự, tài liệu bám sát cuộc sống lao động , chiến đấu của nhân dân ta, rất giàu chất liệu và cảm xúc , đã đi vảo lòng người.  Cho dù người ta có ý kiến về trường phái này, trường phái kia,hoặc có người nói là dòng phim mang nặng tính tuyên truyền, nhưng có một sự thật là,những bộ phim thời ấy đã được thực hiện công phu, bằng cảm xúc thật, và bằng trách nhiệm cao của những người làm phim, từ đạo diễn, diễn viên, quay phim đến quần chúng. Thành công ấy có phần đóng góp của cục trưởng Nguyễn Thụ.
Nghệ sĩ Điện ảnh Nguyễn Thụ
            Trong suốt thời gian dài trên cương vị ấy, Nguyễn Thụ không “thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả nghiêm trọng” như cái ông cục trưởng làm thất thoát hàng chục tỷ đồng vừa qua, cũng không để xảy ra nhiều bê bối.
            Nhưng có một dạo người ta xâu xúm vào đánh ông,mà cái cớ chỉ  là một chiếc chân giả.
           Nguyễn Thụ kể:
           -Năm 1954, tôi lên Điện Biên Phủ quay cảnh trao trả tù binh Pháp. Đội quay phim phải đi tắt qua mấy quả đồi để tới một bản người Thái , nơi tù binh đang tập kết. Trời mưa, đường lầy lội, cây cối rậm rạp. Những là cờ đuôi nheo đánh dấu vị trí bom mìn bị mưa gió làm gẫy đổ, nhòe nhoẹt trong mưa. Chúng tôi phải mò mẫn đi trong bãi bom mìn trong mưa gió lầy lội như vậy. Bỗng một tiếng nổ dậy đất, khói lửa nhoáng nhoàng,  tôi bị hất nhào xuống vũng bùn. Anh Qúy Lực nó to: “Thằng Thụ bị trúng mìn rồi!” và anh bất chấp nguy hiểm lao tới cõng tôi chạy ra đường.
           Trạm quân y của ta ở xa, đội quay phim phải nhờ một bác sỹ Pháp đang chăm sóc cho tù binh Pháp ở đó cấp cứu cho tôi. Một chân tôi đã bị gãy nát, phải cưa. Không có thuốc tê và dụng cụ phẫu thuật, viên bác sỹ dùng cồn 90  sát trùng và cưa bằng phương pháp thủ công. Đau lắm nhưng tôi cố cắn răng chịu dựng.  Sau đó tôi được chuyển về bệnh viện Phủ Doãn , Hà Nội phẫu thuật lại và điều trị mấy tháng mới khỏi. Đạo diễn điện ảnh Liên Xô , Roman Carmen  vào bệnh viện thăm tôi và chính ông là người đề nghị cho tôi sang Liên Xô học điện ảnh.
Áp phích giới thiêu bộ phim "Bức tranh để lại"
Diễn viên: Trần Phương; Đạo diễn: Nguyễn Thụ
Kịch bản: Dương Linh, dựa theo truyện của 
nhà văn Bùi Đức Ái ( Anh Đức)
Hãng sản xuất: Xưởng phim Hà Nội - 1970
           Suốt thời gian dài Nguyễn Thụ đi nạng. Năm 1972, Jane Fonda , diễn viên điện ảnh, người mẫu và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng Mỹ,  sang thăm Việt Nam. Khi làm việc với  Nguyễn Thụ, Jane Fonda  rất cảm động trước thái độ chân thành và nhiệt tình của người thương binh cụt chân, chị hứa  là sẽ tặng anh một cái chân giả, nhưng bấy giờ đang chiến tranh không thực hiện được.  Mãi sau này, trong một chuyến công tác tại Mỹ, Nguyễn Thụ mới được Jane Fonda đưa tới một cơ sở làm cho chiếc chân giả như chị đã hứa.
           -Tôi không biết cái chân giả trị giá bao nhiêu tiền, anh Nguyễn Thụ nói,và đó là món quà duy nhất chị Jane Fonda cho tôi. Vậy mà khi về nước tôi gặp bao nhiêu chuyện rắc rối. Người ta bảo cái chân giả của tôi trị giá hàng chục ngàn đô la, và trong chuyến đi Mỹ đó , ngoài chiếc chân giả, tôi còn mang về một đống tiền. Có bài báo lúc đó còn viết bóng gió, rằng tôi không bị thương trong khi làm nhiệm vụ mà là nghịch lựu đạn. Buồn lắm!
            Câu chuyện của chúng tôi lam man đến việc này việc khác, người này người khác. Cuối cùng tôi hỏi anh Nguyễn Thụ:
         - Sau tất cà những thành công và thất bại, những vinh quang và cay đắng, bây giờ anh cảm thấy tiếc nhất điều gì?
        Anh Nguyễn Thụ không càn suy nghĩ lâu,  trả lời tôi ngay. Hình như đó là điều anh đã nghiền ngẫm rất sâu sắc rồi, trong những năm tháng rời xa quyền lực, và ngồi thiền để tĩnh tâm. Anh nói:
         - Điều tôi càm thấy tiếc nhất, là tìm đến Đạo Phật quá muộn, anh Minh Diện ạ!
         Tôi hỏi thêm:
         - Khi tìm đến với Đạo Phật, anh ngộ ra điều gì sâu sắc nhất:
         - Đó là lời Đức Phật dạy: “Dừng lại là bờ, buông gươm là Phật”.
         Tôi chia tay Nguyễn Thụ, anh ấy hẹn khi nào ra Hà Nội gặp lại . Nhưng tôi chưa kịp ra Hà Nội thì được tin anh ấy mất, tuổi 72, ra đi thanh thản.
         Một “Thời xa vắng” và ngay cả bây giờ ,do hoàn cành khách quan, có khi người ta đối xử với nhau  quá đáng. Vậy có nên khoét sâu thêm hay hãy “Dừng  lại là bờ, buông gươm là Phật” như lời Đức Phật dạy , xin tùy sự lựa chọn của mỗi người.
M.D
----------------
(*) - Nguyễn Thụ, nguyên là đạo diễn, Cục trưởng Điện ảnh, Tổng giám đốc Liên hiệp điện ảnh và Đại biểu Quốc hội.

22 nhận xét:

  1. ..." Có bài báo lúc đó còn viết bóng gió, rằng tôi không bị thương trong khi làm nhiệm vụ mà là nghịch lựu đạn. Buồn lắm!"
    > Ta cứ buồn với báo chí của ta những chuyện vậy hoài, khó mà khá lên được cho nền báo chí nước nhà

    Trả lờiXóa
  2. Một bài viết rất chân thành đối với một người đã khuất.Cám ơn Minh Diện - Bùi Văn Bồng.

    Trả lờiXóa
  3. Phài nói thời kỳ Nguyễn Thụ làm cục trưởng ngành điện ảnh tử tế hơn bây giờ nhiều.Những bộ phim thời ấy bây giờ xem vẫn thấy ý nghĩa hơn hẳn những bộ phim bát nháo hiện nay. Tôi đồng tình với bài viết này.

    Trả lờiXóa
  4. Nguyễn Thụ đã mất, chuyện xác minh anh bị cụt chân khi đi công tác hay nghịch lựu đạn khong còn quan trọng. Cái đáng suy nghĩ là cái tình đồng nghiệp,đồng chí sao lại tệ đến thế.
    Tự câu truyện đã là lời bình về thói đời, thời cuộc. Không còn gì để bàn thêm nữa.

    Xin kể câu truyện lượm lặt được, đại ý như sau :
    Anh chàng nọ có mọt chiếc xe, suốt ngày cứ buồn rầu kêu khóc. Bụt hiện lên hỏi sao con khóc - con chỉ có một cái xe, trong khi thằng bạn con có đến ba chiếc - chắc con muốn có thêm hai chiếc xe như nó ? - không phải , con muốn Bụt hóa phép cho hai hai chiếc xe của nó bị cháy rụi.

    Trả lờiXóa
  5. - Tôi rất quí anh Nguyễn Thụ và vợ anh là chị Nguyễn Thị Lợi. Cả hai đều là người tử tế.
    Tôi đã có lần đi dự Liên hoan phim Quốc tế cùng anh. Ngày đó khi tôi được Cục điện ảnh mời ra đi dự liên hoan phim, trên máy bay người ta xếp tôi ngồi cạnh anh. Tôi nói: "Cảm ơn các anh đã đưa em đi dự liên hoan phim...". Anh Thụ nói: "Không đâu, cô đừng cảm ơn anh. Chẳng qua là anh chỉ có một động tác cuối cùng làm tràn li nước mà thôi". Tôi thật sự không hiểu việc gì. Anh giải thích rằng phim "Lối rẽ trái trên con đường mòn" của đạo diễn Huy Thành mang đi, nhưng Cục lại chọn Thu Hiền và Phương Thanh đi dự liên hoan. Khi danh sách gửi sang Liên hoan phim thì Ban tổ chức Liên hoan ở Caclovivari Tiệp Khắc lại đánh công văn qua mời đích danh tôi là nữ diễn viên chính đóng vai Thu trong phim. Vậy là buộc lòng ngoài Cục phải báo vào cho Hãng phim Giải Phóng lo thủ tục để cho tôi kịp ra dự liên hoan.
    À, thì ra có chuyện kì cục như vậy. Anh Thụ thành thật xin lỗi tôi rằng anh quan liêu. Anh làm tôi ngạc nhiên và cảm động. Buổi chiều sau khi chiếu phim "Lối rẽ trái trên con đường mòn", anh Thụ và tôi được mời lên ra mắt khán giả. Rất nhiều anh em Việt Nam và một vài đồng nghiệp Quốc tế lên tặng hoa cho tôi và anh Thụ. Một người bạn Đức đến bắt tay anh Thụ và tôi, anh ta nói tiếng Việt rất chuẩn: "Phim các anh rất gần gũi với đời sống. Diễn viên Việt Nam đóng rất chân thật...".
    Chẳng biết người ta có ngoại giao không, nhưng dẫu sao lời khen ấy giúp tôi vui và tự tin hơn. Sau đó anh bạn người Đức đó tỏ ý muốn mời tôi đi ra ngoài cà phê với anh ta. Tôi cảm ơn và lịch sự từ chối. Khi đi ăn chiều, anh Thụ hỏi tôi: " Sao người ta mời mà cô không đi?". Tôi trả lời thành thật: "Người ta lạ hoắc biết thế nào mà đi ăn uống cùng hả anh." Anh cười: "Cái cô này phong kiến gớm nhỉ... Nhưng mà có lẽ không đi là đúng đấy". Anh em chúng tôi nói nhiều về đạo Phật và việc ăn chay. Trong những ngày dự liên hoan phim tôi nhận ra anh Thụ là một người chân thành, thẳng thắn, tâm trong sáng. Nguyễn Thị Lợị vợ anh cũng rất thân thiện dễ gần. Giá như những người lãnh đạo cục sau này được như anh thì hay biết mấy.

    Trả lờiXóa
  6. Lâu rồi, quãng trên dưới chục năm lại đây, mình không xem bộ phim Việt Nam nào... Nghĩ mà buồn cả cho mình, vì chậm "đổi mới" quá...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói thật tình, không nên thưởng thức "văn hóa Việt" của ngày hôm nay. Nó méo mó, kệch cỡm, lố lăng, ngoại lai, đạo đức giả,... Tóm lại, nó làm hại tinh thần của khán thính giả.

      Xóa
  7. Hinh nhu dien anh VN chet roi.Bay gio toan phim TQ thoi. Moi khi mo TV toi cam thay xau ho cho nganh dien anh VN.

    Trả lờiXóa
  8. Cả hơn chục năm nay, mở TV thấy Phim Việt là tôi bấm chuyển kênh ngay. Nếu xem, dễ bị stress hoặc tâm thần, hại thần kinh!

    Trả lờiXóa
  9. Anh Nguyen Thu la mor nguoi tu te va cau chuyen nha bao MD ke rat chan thuc.Qua cau chuyen nay toi van tin lang bao nuoc nha con nhieu ngoi but trung thuc.Cam on MD va blog Bui Van Bong mong cac anh tiep tuc viet va dang nhung bai bao co tinh nguoi.(Hoang Van Dai Ba Dinh Hanoi)

    Trả lờiXóa
  10. Điện ảnh VN bây giờ mở ra thấy hầu hết là "dấu ấn" của hai ả nạ dòng Hồng Ngát và Thu Huệ. Nó nhàm chán, lặp lại, cũ kỹ theo một lối mòn tư duy...
    Hồng Ngát thì già quá rồi, loại khỏi vòng "chiến đấu". Còn em Thu Huệ thì chỉ để vui vẻ là thích thôi, cái mắt của ả lẳng ơi là lẳng...

    Trả lờiXóa
  11. Điện ảnh VN bây giờ "lùn tịt", với những cản nhí nhố, tào lao, gượng ép. Khán giả chứ đâu phải gà vịt gì đâu. Các vị ôm tiền, bỏ ra một ít làm cho đại khái qua loa, phần còn lại bỏ túi. Đâm ra dở toàn diện - kịch bản, đạo diễn, diễn viên, v.v... Phim thì toàn nói về giới nhà giầu: xe hơi, biệt thự, mà không biết "lồm cái chi mòa nhiều tiền rứa hỉ?"
    Xem phim Mỹ, xem phần đầu không đoán được phần hai. Xem phim Liên Xô, chỉ cần xem phần hai (vì đoán ngay được phần đầu). Xem phim Việt Nam (ngày nay) xem mấy phút đầu là biết kết cục.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Diễn viên do thuê người hám danh mà bất tài, thuê rẻ, nên khi nói cứ như sợ quên, như ngậm hột thị, không diễn cảm, thiếu diễn xuất, như kịch làng, như học sinh tiểu học trả bài thuộc lòng, sợ thầy giáo cho ít điểm.

      Xóa
    2. Ghét nhất kiểu cười gượng:
      - Ợ hợ...
      Âm thanh (tiếng) của nhân vật quá nghiệp dư.
      Chỉ lo bị cắt mấy kênh HBO, Cinemax, Discovery...

      Xóa
    3. Ơ hợ...còn đỡ, nhiều tình huống phim không đáng cười, nhưng diễn viên phát huy năng khiếu...vô duyên...cười xoe xóe! Thấy ghê!

      Xóa
  12. “Dừng lại là bờ, buông gươm là Phật”.

    Trả lờiXóa
  13. Anh Nguyễn Thụ là một thương binh, một nghệ sỹ dốc lòng cho ngành điện ảnh Việt Nam. Đúng là có thời người ta xúm vào xâu xé anh như bài báo đã viết, làm anh Thụ rất buồn, anh tìm đến với Đạo Phật từ đó. Không chỉ riêng Nguyễn Thụ mà nhiều bạn bè tôi cũng từng bị oan uổng.
    Nhưng thôi bây giờ chúng ta không nên xoáy sâu vào nỗi đau đó nữa, nhất là đối với người đã khuất.
    Tôi rất tâm đắc khi nhà báo Minh Diện và blog Bùi Văn Bồng đã kịp thời trả lời một comment bằng một thái độ chân thành , đầy trách nhiệm. Tôi nghĩ người viết báo phải nhanh nhạy và có lương tâm như vậy.( Lê Trọng Thức, Hoàng Diệu, Hà Nội)

    Trả lờiXóa
  14. Quay đầu là bờ
    Buông dao đồ tể là thành Phật

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhưng, nó lại dùng dao đồ tể bắt ông Vươn vào tù, còn hắn thì...lên tướng! Nghị quyết Đảng nói là công bằng- dân chủ...Đâu có làm theo Nghị quyết?

      Xóa
    2. Đối với những kẻ mà "bờ" chính là tiền thì chúng cứ hùng hục bơi tới bơi lui loạn xạ dìm chết những người đang bơi từ tốn, không hề biết quay đầu quay đít gì hết.

      Xóa
  15. Cái loại như Đỗ Hữu Ca l2 là quỷ Sa Tăng rồi. Trên đường hành đạo Phật phải có Hộ Pháp diệt bọn quỷ Sa Tăng. Không diệt hết quỷ Sa Tăng không thành Phật được. Bọn quỷ sa tăng Đỗ Hữu Ca bây giờ đang hoành hành,nhưng thế nào cũng có ngày chúng bị tiêu diệt.Nhân dân cũng mong chúng buông gươm quay đầu lại.Nếu không chúng sẽ phải ân hận.

    Trả lờiXóa
  16. Phạm Đình Trọnglúc 17:42 16 tháng 7, 2013

    Thời Nguyễn Thụ là Cục trưởng cục Điện ành thì tôi là biên kịch ở xưởng Phim Quân đội, có nhiều dịp gặp Nguyễn Thụ, đã xem phim của Nguyễn Thụ. Tôi lại có anh bạn là nhà văn, nhà biên kịch điện ảnh Nghiêm Đa Văn, trợ lí của Cục trưởng Nguyễn Thụ nên tôi biết rõ về chuyện nghề và biết nhiều về chuyện đời Cục trưởng Nguyễn Thụ. Nguyễn Thụ có tướng mạo đẹp, lại hoạt khẩu, nói giỏi đến mức hùng biện, rất có sức thu hút và thuyết phục với người đối thoại. Mà những điều anh Minh Diện viết lại đều từ Nguyễn Thụ nói ra thì câu chuyện và vấn đề sẽ như vậy.
    Những người làm phim thời đó đều bước ra từ cuộc kháng chiến chống Pháp, đều biết rõ chuyện Nguyễn Thụ bị thương ở Điện Biên Phủ, không ai nghi ngờ cái chân cụt của Nguyễn Thụ cả. Nhấn nhá sự nghi ngờ này chỉ để bi kịch hóa, để được nhiều thương cảm, chia sẻ mà thôi.
    Trong bài của anh Minh Diện, có một đạo diễn bị viết sai tên, Quý Lục, chứ không phải Quý Lực. Quý Lục, đạo diễn hãng phim Tài liệu Khoa học trung ương, cùng lứa với anh Nguyễn Thụ

    Trả lờiXóa