Trang BVB1

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

MÙA ỐC QUẮN

* CÁT HUY
Có lẽ  đến vài chục năm tôi mới có dịp trở lại vùng cửa biển Liên Hương này vào những ngày cuối tháng 8, ngày vào mùa ốc quắn.  
Mùa ốc quắn có từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm. Vào những tháng ấy, từ 15 giờ chiều trở đi, biển cạn, nước rút tới đâu, bãi rạng lộ ra đến đó, và mọi người cứ  dỡ đá, nhặt ốc.
Đây là thú vui cho những người dạo biển, bắt ốc, thư giãn…  song với những người nghèo thì đây là nguồn thu nhập “ trời cho”.
Kho báu người nghèo
Cửa biển Liên Hương, huyện Tuy Phong, chiều nay gió thật mát dịu, không khí thật trong lành. Sóng biển vẫn liên tục vỗ bờ, như mời gọi con người đến với biển... Tôi vươn vai hít thật sâu không khí mát, mặn của biển, đến căng lồng ngực. Một cảm giác  dễ chịu lan tới, cùng lúc với những hình ảnh xưa cũ tràn về. Đó là ngoại tôi, mẹ tôi và tôi, một chú nhóc, đi bắt ốc trên biển.
Tôi không hề biết  đến sự sắc bén của vỏ hàu, sự lồi lõm của san hô… cứ buớc như chạy  trên bãi rạn, thỉnh thoảng lật vài viên đá bắt ốc, làm mẹ và ngoại cứ phải nhắc chừng.
Cảnh ấy giờ đây đang được lặp lại với nhiều người khác, là những người sống trong vùng biển quê tôi. Từng tốp người: già, trẻ, lớn, bé  cầm thùng, xô, thau, bị ni lông… lom khom, cặm cụi tìm nhặt ốc, cạy hàu,  cạy vú nàng; người thì đào chem chép ở  chỗ  nhiều cát, ít đá… một không gian huyên náo, đông vui… 
Gặp cụ Ba Dân, 75 tuổi, ở khu phố 12, Liên Hương đang đi dạo giữa đám đông người, trông ông còn khỏe mạnh và khá nhanh nhẹn bước chân. Ông nói: “Mùa này, chiều nào tôi cũng đi một vòng bãi rạn này, gặp một vài bạn già nói chuyện thư giãn, khỏe lắm".
Cái “mỏ” ốc quắn này chắc là có lâu rồi, khi tôi còn bé tẹo  đã thấy không ít người đi bắt ốc”. Bãi đá rạn ốc quắn, kéo dài từ bờ biển bên Liên Hương sang bên kia cửa biển Phước Thể. Ngoài ốc quắn là chủ lực còn có nhiều loài ốc khác với nhiều tên gọi lạ lẫm, thậm chí có tên rất ngại gọi cũng có mặt khá phong phú tại đây: ốc mặt trăng, ốc ngựa, ốc gai, ốc vôi… đây thật sự là một kho báu trời cho, đặc biệt là với người nghèo.

Ốc giúp đời
Ốc quắn nhiều kích cỡ nhưng lớn nhất chỉ bằng đầu đũa, đây là loại đúng độ khai thác, nên được người lao động nghèo hoặc những người thích thú tìm bắt, ốc có chiều dài khoảng 2 phân, đầu lớn đuôi nhọn, thân hình xù xì có gai nhỏ trên vỏ, ốc có màu đen hoặc màu trắng mốc pha đen, màu xám tro, phần nhiều là màu rêu mốc… nó nằm rải rác trên bãi đá, có khi phải lật những hòn đá lớn lên để nhặt, có lúc nó nằm trong những khe đá phải thò tay vào lấy ra.
            Ruột ốc chấm mắn gừng  ngon tuyệt. Đây là thú ăn  lấy vui của nhiều nguời những lúc quây quần bên nhau, đặc biệt  hấp dẫn với các cô. Ốc quắn luộc “lể” lấy ruột làm gỏi rất ngon, song do tốn công nên ít người làm.
Bà Nguyễn Thị Hiệp, 54 tuổi, ngụ tại khu phố 14, thị trấn Liên Hương, một tay xách cái xô, bên trong có khoảng 3 ký ốc quắn và một ít ốc khác, tay kia xách bịch chem chép hơn 1 ký, nói với tôi bằng giọng của một người hài lòng với công việc mình đang làm:  “Hơn chục năm nay, năm nào, tới mùa này tôi cũng đi bắt ốc, kiếm vài ba ký trong ngày, giá  mỗi kg bây giờ là 20.000 đồng. “Trúng” kiếm được cả 100.000 đồng, thông thường từ 50.000 - 70.000 đồng trong ngày”.
            Bà Đặng Thị Hương, 56 tuổi, khu phố 13, Liên Hương bắt ốc gần đó, chen vào: “Mùa này không bắt ốc, bọn già chúng tôi biết làm gì chú, coi vậy mà đỡ lắm!
            Ốc quắn luộc trước đây là món ăn chơi của lao động nghèo, nay nó đã đi vào các quán vùng đô thị. Chị Hai Nga, đầu mối mua ốc, cung cấp lại cho các quán, rồi hướng dẫn các quán khi làm nóng lại để bán (vẫn giữ được hương vị ban đầu)  cho hay: “Một đĩa ốc luộc có nước dừa khoảng 15.000 đồng”.
            Còn chem chép hình dạng giống như chan chan biển Phan Thiết, nhưng nhỏ hơn một chút, vỏ cũng mỏng hơn. Chan chan vỏ màu trắng, xám, gạch nhạt, tất cả đều có viền một ít đậm nhạt sọc xám, đen, xanh hoặc đỏ; còn chem chép có nhiều màu gạch tôm, xám, trắng, trắng pha xám…
            Chị Hoàng Thị Lam, 40 tuổi, thôn 2, xã Phước Thể cho biết: “Chem chép bán sống sau khi đong bằng lon sữa bò, tính ra thì giá  15.000 đồng/kg, riêng bắt chem chép mỗi chiều chị cũng kiếm được khoảng năm chục ngàn đồng”.

Điều còn lại
            Chiều dần buông xuống, từ sau 17 giờ 30, người bắt ốc quắn lần lượt ra về. Âm thanh huyên náo lúc này không còn, có chăng chỉ là tiếng gió thổi và tiếng du dương của biển như lời từ biệt của thiên nhiên với những người lao động cần mẫn sau một ngày vất vả mưu sinh.
            Đứng trước biển lúc này tôi thầm cám ơn tạo hóa đã cho người dân nghèo quê tôi một “kho” sản vật phong phú, cứu đói, thoát nghèo cho nhiều hoàn cảnh. Điều quan trọng là chính quyền và người dân  phải biết trân trọng gìn giữ, vun bồi cho “kho” tiếp tục trường sinh như bao đời qua, để rồi nó lại cung cấp những con ốc quắn cho con người.
C.H 
----------------

1 nhận xét:

  1. Ăn ốc đi. Đừng ăn bún do bọn quỷ đội lốt người sản xuất - chúng bỏ đầy các chất độc hại vào. Thảo nào bệnh viện ngày nay đông nghẹt!

    Trả lờiXóa