Trang BVB1

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

Nhìn lại Hàn Quốc với Phong trào dân chủ GWANGJU


BVB - Đến nay, khán giả truyên fhình và xem phim mạng trực tuyến không ai còn lạ gì bộ phim “Đồng hồ cát” (6 tập) của Hàn Quốc. Lấy bối cảnh đất nước Hàn Quốc dưới chế độ độc tài, bộ phim xoay quanh hai người bạn thân, những con người vô tình bị cuốn vào vòng xoáy lịch sử. Một người đi theo con đường chính trị nhiều tham vọng, người còn lại, sa chân vào con đường tội lỗi, dù muốn hay không muốn, họ vẫn phải tiêu diệt nhau để tồn tại... Bộ phim là tác phẩm truyền hình kinh điển của thập niên 90, nó là tác phẩm mở đầu cho hàng loạt những phim tương tự mà tất cả đều thành công như "Ông trùm", "Thời đại hoàng kim" hay mới nhất là "Yainsidae" (Thời quê mùa).
Lần giở lại những trang sử từ thời Nhật Bản thống trị Triều Tiên (1910-1945), chấm dứt cùng với Thế chiến II. Năm 1945, Triều Tiên bị chia cắt thành hai miền. Liên bang Xô viết chiếm đóng miền bắc cho đến vĩ tuyến 38 và Hoa Kỳ chiếm đóng từ vĩ tuyến 38 về nam. Hoa Kỳ và Liên bang Xô viết không thể đồng thuận về việc áp dụng Đồng uỷ trị ở Triều Tiên.
Vào tháng 11 năm 1947, Đại Hội đồng Liên hiệp quốc đã đề ra một giải pháp tiến hành tổng bầu cử tại Triều Tiên dưới sự hỗ trợ của một Ủy ban Liên hợp quốc. Tuy nhiên, Liên Xô đã khước từ việc tuân theo giải pháp này và từ chối những ảnh hưởng của Ủy ban Liên Hiệp Quốc đối với nửa phía nam của bán đảo.
Hội đồng Liên Hiệp Quốc sau đó đã đưa ra một giải pháp khác kêu gọi bầu cử tại các địa phương với sự giúp đỡ của Ủy ban Liên Hiệp Quốc. Những cuộc bầu cử đầu tiên được tiến hành vào ngày 10 tháng 5 năm 1948, tại những tỉnh nằm ở phía nam vĩ tuyến 38. Vĩ tuyến này đã trở thành đường chia cắt bán đảo Triều Tiên thành hai miền nam và bắc Triều Tiên.
Điều này dẫn tới việc thành lập các chính phủ riêng biệt ở miền bắc và miền nam, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Bắc Hàn) ở phía bắc và Đại Hàn Dân Quốc ở phía nam, mỗi bên đều tuyên bố mình là chính phủ hợp pháp của toàn bộ lãnh thổ Triều Tiên.
Căng thẳng tăng lên giữa hai chính phủ ở miền bắc và miền nam cuối cùng dẫn tới Chiến tranh Triều Tiên, khi ngày 25 tháng 6 năm 1950, QĐND Triều Tiên vượt vĩ tuyến 38, buộc tội miền nam đã vượt qua trước, và tấn công – Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ. Hoa Kỳ cùng một số nước lớn và Liên hiệp quốc hậu thuẫn Đại Hàn Dân Quốc, còn đứng đằng sau Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là Liên Xô và CHND Trung Hoa. Cuộc chiến kéo dài tới ngày 27 tháng 7 năm 1953, khi lực lượng Liên Hiệp Quốc và Quân đội Nhân dân Triều Tiên cùng Chí nguyện quân Trung Quốc ký kết Thoả thuận đình chiến Chiến tranh Triều Tiên. Vùng phi quân sự Triều Tiên phân chia hai nước, và bán đảo Triều Tiên bị chia cắt cho đến ngày nay.
Gần 3 triệu người thiệt mạng hoặc bị thương và hàng triệu người khác mất nhà cửa hoặc chia lìa những người thân trong gia đình trong cuộc chiến tranh này.
Sau đó Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tiếp tục theo đuổi sự nghiệp thống nhất đất nước trên cơ sở lập luận "một Triều Tiên", không công nhận chính phủ ở miền nam và chọn con đường thống nhất đất nước bằng cách mạng Xã hội chu rnghĩa còn Hàn Quốc coi chính phủ của mình là thực thể hợp pháp trên bán đảo Triều Tiên và sự thống nhất là sự mở rộng chủ quyền quốc gia. Những quan điểm cứng nhắc, không nhân nhượng này khiến cho quá trình hòa giải giữa hai bên không thể thực hiện được cho đến tận thập niên 1960. Đến thập niên 1970, quan hệ hai bên dần được cải thiện. Hai bên Triều Tiên công nhận chính phủ của nhau. Năm 1991 cả hai nước được cả hai phe công nhận để chính thức gia nhập Liên hiệp quốc cùng một lúc. Hàn Quốc đã đầu tư kinh tế và là nước chủ yếu viện trợ lương thực giúp người dân Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vượt qua nạn đói thập niên 1990 làm chết 2 triệu người thông qua chương trình lương thực Thế giới WEP của Liên hiệp quốc.
Sau Chiến tranh Triều Tiên, kinh tế Hàn Quốc phát triển với tốc độ phi thường, đến giữa thập niên 1980 đã trở thành một trong những nước công nghiệp hóa mới (NICs). Năm 2004, GDP của Hàn Quốc là 680 tỉ USD, đứng thứ 12 trên thế giới. Thành công trong phát triển kinh tế của Hàn Quốc được gọi là "Kỳ tích sông Hàn".
Tái thống nhất (Tongil) với Bắc Triều Tiên là một chủ đề chính trị đang được bàn luận ở Hàn Quốc hiện nay, nhưng vẫn chưa có hiệp định hoà bình nào được kí kết. Luật an ninh quốc gia Hàn Quốc hiện vẫn không cho phép người dân tiếp nhận bất cứ thông tin nào từ phía CHDCND Triều Tiên. Tổng thống Roh Moo-hyun đã nghĩ tới việc dỡ bỏ luật này, nhưng hiện tại nó vẫn chưa được thực thi.
Năm 2000, hai chính phủ đã chính thức gặp gỡ với nhau. Cuộc gặp gỡ này được xem như thắng lợi của ‘chính sách ánh dương’ trong việc bình thường hoá quan hệ hai miền Triều Tiên.
Đặc biệt, Nam Triều Tiên ( Nam Hàn , Hàm Quốc) thực sự chuyển mình tiến vọt nhanh theo hướng hiện đại hóa, hội nhập toàn cầu, ‘mở mặt’ vơi sthê sgiới từ sau Phong trào dân chủ Gwangju
Phong trào dân chủ Gwangju (Hangul) là  chỉ cuộc nổi dậy của dân chúng ở thành phố Gwangju (Hàn Quốc) từ 18 đến 27 tháng 5, năm 1980. Trong suốt giai đoạn này, người dân Gwangju đã chống lại sự độc tài của tướng Chun Doo-hwan và nắm quyền kiểm soát thành phố. Tiếp theo đó họ chiến đấu để tự bảo vệ mình và cuối cùng thì bị dẹp tan bởi quân đội Hàn Quốc. Sự kiện trên được người Hàn Quốc gọi một cách ngắn gọn là 18 tháng 5 để tránh đụng chạm đến vấn đề chính trị (những ai lên án thì gọi là “Sự cố 18 tháng 5”, trong khi những người ủng hộ thì gọi là “Cuộc nổi dậy 18 tháng 5”).
Trong suốt thời kỳ Chun Doo-hwan cầm quyền, sự kiện “18 tháng 5” bị gán cho là cuộc phản loạn của những người thân Cộng sản. Chỉ sau khi luật dân sự được tái lập, sự kiện này mới được coi là một nỗ lực phục hồi dân chủ trước quyền lực quân sự. Chính phủ đã chính thức gửi lời xin lỗi và xây dựng một nghĩa trang quốc gia dành cho các nạn nhân.
Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee sau 18 năm giữ chức đã bị ám sát vào ngày 26 tháng 10 năm 1979. Sự việc bất ngờ này chấm dứt chế độ độc tài dưới thời tổng thống Park và đưa tình hình chính trị tại Hàn Quốc vào trạng thái bất ổn định. Ngày 12 tháng 12 cùng năm, tướng Chun Doo-hwan thực hiện đảo chính quân sự, lật đổ chính phủ lâm thời của tổng thống Choi Kyu-ha, lên cầm quyền và ban bố tình trạng thiết quân luật.
Các phong trào dân chủ bị đàn áp dưới thời tổng thống Park nay như lại được đánh thức. Vào tháng 3 năm 1980, khi bắt đầu học kỳ mới, các giáo sư cùng sinh viên đã đề xuất việc đưa sinh hoạt dân chủ trở lại trường đại học. Những liên hiệp sinh viên được thành lập và lãnh đạo các cuộc tuần hành khắp Hàn Quốc, kêu gọi chính phủ dỡ bỏ lệnh thiết quân luật, đồng thời thực hiện dân chủ hoá. Đỉnh điểm của phong trào này là cuộc biểu tình ở ga Seoul ngày 15 tháng 5 năm 1980, với sự tham gia của khoảng 100.000 sinh viên cùng thường dân.
Để đáp trả, ngày 17 tháng 5 năm 1980, nội các của chính phủ tướng Chun Doo-hwan đã ra quyết định thực hiện lệnh thiết quân luật trên cả nước (trước đó Jeju-do được miễn). Lệnh thiết quân luật mở rộng này còn bao hàm việc cấm tụ tập, đình công với mục đích chính trị, gia tăng công tác kiểm duyệt và đóng cửa các trường đại học. Quân đội được cử đến mọi vùng thuộc lãnh thổ Hàn Quốc. Cùng ngày, cảnh sát đã đột kích vào một cuộc họp giữa các thủ lĩnh liên hiệp sinh viên của 55 trường đại học, lúc họ đang lên kế hoạch tiếp theo cho sự kiện ngày 15 tháng 5. 26 chính khách (trong đó có Kim Dae-jung, tổng thống Hàn Quốc giai đoạn 1998-2003) đã bị bắt vì tội chủ mưu biểu tình (từ ngày 18 đến 21 tháng 5).
Sáng ngày 18 tháng 5, sinh viên tập trung tại ĐH Quốc gia Chonnam ở Gwangju để phản đối việc đóng cửa trường này. Họ ném đá vào lính nhảy dù đang đứng chặn trước cổng trường. Quân đội sử dụng dùi cui đáp trả. Sau vụ xô xát, sinh viên di chuyển vào khu vực trung tâm thành phố tiếp tục biểu tình, đòi chính phủ dỡ bỏ lệnh thiết quân luật và phóng thích Kim Dae-jung. Lính nhảy dù lập tức bám theo và đụng độ với người biểu tình thêm một lần nữa.
Những người chứng kiến nói rằng binh lính đã hành hung cả người biểu tình lẫn người theo dõi. Nạn nhân đầu tiên được biết đến là Kim Gyeong-cheol, 29 tuổi, bị đánh đến chết vào ngày 18 tháng 5 trong lúc đang cố gắng vượt qua đám hỗn loạn. Phẫn nộ trước hành vi bạo lực dã man của quân đội, cư dân thành phố Gwangju tham gia biểu tình ngày càng đông và lên tới 100.000 người vào ngày 20 tháng 5.     Thương vong là điều không thể tránh khỏi trong suốt cuộc đụng độ giữa binh lính, cảnh sát với những người phản kháng. Ngày 20 tháng 5, ngay khi nhận thấy xung đột có chiều hướng leo thang, quân đội bất ngờ nã đạn, bắn chết một con số chưa rõ thường dân ở gần ga Gwangju. Cùng ngày hôm ấy, nhiều người biểu tình nổi giận đốt cháy trụ sở của đài MBC đặt tại địa phương – nơi đã đơm đặt dân thành phố Gwangju là những kẻ bạo loạn. 4 cảnh sát bị một chiếc ô tô đâm chết tại chốt chặn gần Tòa thị chính.
Bạo lực lên tới đỉnh điểm vào ngày 21 tháng 5. Khoảng 1 một giờ chiều, quân đội dùng hỏa lực tấn công đám đông biểu tình đang tập hợp trước Văn phòng tỉnh Jeonnam làm nhiều người bị thương vong. Dân chúng bắt đầu dùng súng trường M1, súng trường xung kích lấy được từ kho vũ khí và đồn cảnh sát để tự vệ. Cuối buổi chiều hôm đó, những cuộc đấu súng đẫm máu giữa dân quân với binh lính đã bất thình lình diễn ra tại Quảng trường văn phòng tỉnh. Đến 5 giờ 30, dân quân được trang bị thêm 2 khẩu súng máy hạng nhẹ, buộc quân đội phải rút lui khỏi trung tâm thành phố.
Từ ngày 22 đến 25 tháng 5, Phong tỏa Gwangju và bạo lực gia tăng. Vào lúc này, toàn bộ binh lính đã lùi tới vùng ngoại ô và đợi quân tiếp viện. Trong suốt giai đoạn đó, quân đội phong tỏa mọi con đường và phương tiện liêc lạc dẫn vào trong cũng như đi ra khỏi thành phố. Mặc dù đã có một khoảng thời gian ngừng bắn giữa dân quân với binh lính, nhưng những thương vong vẫn tiếp tục xuất hiện khi quân đội bắn một chiếc xe bus đang chạy ở Jiwon-dong, làm 17 trong số 18 hành khách thiệt mạng vào ngày 23 tháng 5. Tới ngày tiếp theo, họ lại bắn những nam thiếu niên đang bơi trên hồ Wonje, cướp đi sự sống của một cậu bé. Cuối ngày hôm ấy, quân đội đã phải hứng chịu một tổn thất nặng khi họ nhầm lẫn và bắn hại lẫn nhau tại Songam-dong. Tôi đã chứng kiến vụ việc qua chương trình thời sự của Đài truyền hình Việt nam. Buổi sáng có nhiều chiếc xe tải chở dân quân trên thùng xe. Họ bắn súng chỉ thiên chào từ biệt đám đông đưa tiễn. Mọi người đều hò reo rất phấn khích. Buổi chiều, vẫn những chiếc xe tải đó chở vài người bị thương trở về, không khí lúc ấy thật ảm đạm. Tiếp đến là thành lập các Ủy ban hòa giải.
Trong lúc ấy, tại thành phố “đã được tự do” Gwangju, Ủy ban hòa giải của địa phương và sinh viên được hình thành. Những người sáng lập gồm khoảng 20 nhà thuyết giáo, các luật sư và giáo sư ĐH. Họ đàm phán, yêu cầu quân đội phóng thích thường dân đang bị bắt giữ, bồi thường cho các nạn nhân và ngăn cấm hành động trả đũa trong quá trình trao đổi để giải trừ quân bị của lực lượng dân quân.
Trật tự được tái lập trong thành phố, nhưng cuộc đàm phán lại rơi vào thế bế tắc khi quân đội ép buộc dân quân phải giải trừ ngay lập tức. Vấn đề này đã gây chia rẽ trong nội bộ các Ủy ban hòa giải, phe chủ hòa muốn nhượng bộ theo yêu cầu của quân đội, trong khi phe chủ chiến kêu gọi tiếp tục kháng cự cho đến khi đòi hỏi của họ được đáp ứng. Sau các cuộc tranh luận sôi nổi, cuối cùng phe chủ chiến giành được quyền chỉ đạo.
Cũng thời điểm nay xay ra niểu tình ở các vùng khác. Tin tức của vụ tàn sát ở Gwangju được truyền đi, dẫn đến biểu tình chống chính phủ bùng phát ở những vùng phụ cận như Hwasun, Naju, Haenam, Mokpo, Yeongam, Gangjin và Muan. Tới ngày 24 tháng 5, trong khi phần lớn các cuộc xuống đường này tan dần và kết thúc trong hòa bình thì ở Haenam đã xảy ra vụ đấu súng giữa những người phản đối và binh lính, còn biểu tình ở Mokpo thì đến ngày 28 tháng 5 mới chấm dứt.
Ngày 26 tháng 5, Quân đội tái xâm nhập thành phố. Các thành viên của Ủy ban hòa giải địa phương đã cố gắng ngăn binh lính tiến lên bằng cách nằm xuống đường nhưng bất thành. Tin tức về cuộc tấn công lan truyền, dân quân tập trung trong tòa nhà Văn phòng tỉnh và chuẩn bị cho sự kháng cự cuối cùng. Ngày 27 tháng 5, lúc 4 giờ sáng, binh lính từ 5 hướng khác nhau dịch chuyển vào trung tâm thành phố và đánh bại lực lượng dân quân chỉ trong vòng có 90 phút.
 Vè thiệt hại: Chưa có một con số chính xác về số người thiệt mạng trong cuộc nổi dậy ở Gwangju năm 1980. Những con số “chính thức” được công bố bởi Lệnh thiết quân luật sau đó cho biết có 144 thường dân thiệt mạng, 22 lính và 4 cảnh sát bị giết; 127 thường dân, 109 lính và 144 cảnh sát bị thương.
Còn theo Hội gia đình những nạn nhân của vụ 18 tháng 5, có ít nhất 165 thường dân chết trong khoảng 18 đến 27 tháng 5. 65 người khác hiện vẫn còn mất tích và được coi là đã chết. 23 lính và 4 cảnh sát bị giết trong suốt cuộc nổi dậy, bao gồm 13 lính bị đồng đội bắn chết bởi sự cố ở Songam-dong. Những con số về thiệt hại của cảnh sát cao hơn, khi một số cảnh sát đã bị quân đội bắn khi tự động phóng thích cho những người nổi loạn bị bắt giữ.
Năm 2007, bộ phim điện ảnh “Ngày 18 tháng 5” (Hwaryeohan hyuga) của đạo diễn Kim Ji-hun có đoạn “vụ việc dẫn tới 207 người thiệt mạng, 2392 người bị thương và 987 người mất tích, nhưng con số chính xác về những thiệt hại vẫn là chủ đề đang được tranh luận. Các thành viên của chính quyền quân sự đã bị buộc tội phản loạn nhưng thủ phạm đích thực – những kẻ đã ra lệnh bắn dân thường thì vẫn chưa được xác định”.
Hậu quả để lại là Chính quyền Quân sự độc tài lên án cuộc nổi dậy như một vụ phản loạn bị xúi giục bởi Kim Dae-jung và những người ủng hộ ông này. Trong các phiên xét xử sau đó, ông Kim đã bị tuyên án tử hình trước khi được giảm nhẹ bởi sức ép của dư luận quốc tế. 1394 người bị giam giữ do dính líu đến sự cố Gwangju, 427 người bị truy tố, trong đó 7 người phải nhận án tử hình, 12 người tù chung thân.
Tuy nhiên, đánh giá lại nguyên do dẫn tới phong trào dân chủ và tất cả những diễn biến: Từ 1983, hàng năm vào ngày 18 tháng 5, tại nghĩa trang Mangwol-dong ở Gwangju, những người còn sống sót cùng với gia đình các nạn nhân được hỏa táng tại đây đã tổ chức lễ tưởng niệm những con người bất hạnh phải ra đi mãi mãi trong vụ thảm sát. Rất nhiều phong trào cổ vũ dân chủ trong những năm 1980 đã yêu cầu sự thừa nhận chính thức của chính phủ về sự thật vụ thảm sát Gwangju và cần phải trả giá cho những trách nhiệm đó.
Một sự đánh giá lại chỉ chính thức được bắt đầu sau cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp vào năm 1987. Năm 1988, Quốc hội Hàn Quốc tổ chức một cuộc trưng cầu ý kiến công khai về vụ thảm sát Gwangju và đổi tên sự cố này thành Vận động dân chủ Gwangju.
             Năm 1995, trước sức ép của công luận, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua một đạo luật đặc biệt về Phong trào dân chủ 18 tháng 5, theo đó những kẻ chịu trách nhiệm trong cuộc đảo chính 12 tháng 12 và vụ thảm sát Gwangju sẽ bị khởi tố bất chấp những giới hạn của chế độ hiện hành. Tiếp sau đó vào năm 1996, 8 chính khách đã bị truy tố với tội danh phản loạn và tàn sát. Các bản án được thực thi vào năm 1997, trong đó có án chung thân dành cho cựu tổng thống Chun Doo-hwan. Tuy vậy thì tất cả những kẻ bị kết tội đều được ân xá bởi tổng thống Kim Young-sam vào ngày 22 tháng 12 cùng năm.
           Từ năm 1997, 18 tháng 5 được công nhận là một ngày lễ tưởng niệm chính thức ở Hàn Quốc. Năm 2002, nghĩa trang Mangwol-dong được nâng lên thành nghĩa trang quốc gia.
Sau Chiến tranh Triều Tiên, kinh tế Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng, từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành một trong những nước giàu nhất. Cuối thế kỷ 20, Hàn Quốc là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. GDP (PPP) bình quân đầu người của đất nước đã nhẩy vọt từ 100 USD vào năm 1963 lên mức kỉ lục 10.000 USD vào năm 1995 và 25.000 USD vào năm 2007.
Hiện nay, kinh tế Hàn Quốc vẫn giữ đà đi lên của nền kinh tế phát triển đứng thứ ba ở châu Á và đứng thứ 10 trên thế giới. Bất chấp các ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á 1997, nước này đã khôi phục kinh tế rất nhanh chóng và vững chắc. Người ta thường nhắc đến sự phát triển thần kỳ về kinh tế của Hàn quốc như là "Huyền thoại sông Hàn”, đến nay huyền thoại này vẫn tiếp tục. Hàn Quốc cũng là một nước phát triển có sự tăng trưởng kinh tế nhanh nhất, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân là 5% mỗi năm - một phân tích gần đây nhất bởi Goklman Sachs năm 2007 đã chỉ ra Hàn Quốc sẽ trở thành nước giàu thứ 3 trên thế giới vào năm 2025 với GDP bình quân đầu người là 52.000 USD và tiếp 25 năm sau nữa sẽ vượt qua tất cả các nước ngoại trừ Hoa Kỳ để trở thành nước giàu thứ hai trên thế giới, với GDP bình quân đầu người là 81.000 USD.

Năm 1996, Hàn Quốc trở thành thành viên của OECD, một mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của đất nước. Giống như các quốc gia phát triển khác, ngành dịch vụ đã tăng nhanh, chiếm khoảng 70% GDP.[3] Cùng với sự phát triển về kinh tế, đừoi sống của nhân dân được nâng cao rất nhanh trở nên ngang bằng thậm chí cao hơn các quốc gia phát triển khác ở châu Âu và các nước Bắc Mỹ. Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt 0,912 vào năm 2006. Hiện nay, thu nhập và tài sản của Hàn Quốc đang tăng một phần là do sự đầu tư và xuất khẩu công nghệ cao sang các nước đang phát triển như Trung Quốc, Việt NamIndonesia
           Trong nhiều công trình nghiên cứu của phương Tây, nạn tham nhũng được coi là nguyên nhân triệt tiêu tăng trưởng, nhưng tham nhũng không thể ngăn cản sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Hàn Quốc. Kinh tế Hàn Quốc phát triển không ngừng, ngay cả trong thời khủng hoảng kinh tế thế giới. Trong thời kỳ tồi tệ nhất, năm 2009, theo OECD, GDP của Hàn Quốc vẫn tăng trưởng 0,3%. Nước này đã tránh được suy thoái khá thành công. 
          Chỉ số tham nhũng năm 2011 của Hàn Quốc là 5,4 điểm (thang điểm từ 0 đến 10), kém rất xa so với quốc gia đứng đầu là New Zealand đạt 9,5 điểm hay Đức 8 điểm. Chính phủ đã nhận thức được rằng chiến lược sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường nội địa nhằm hạn chế nhập khẩu là không ổn và đã thực hiện chính sách ngược lại - sản xuất để xuất khẩu. Chính sách đó thành công, đem lại nguồn ngoại tệ và đời sống người dân cũng bắt đầu đi lên. Bước ngoặt có tính quyết định tiếp theo diễn ra trong những năm 1970, chính phủ quyết định đẩy mạnh ngành công nghiệp nặng và công nghiệp hóa chất. 
          Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng là một nước có số giờ làm việc cao nhất thế giới. Giáo sư Frank hoàn toàn tin rằng Hàn Quốc sẽ khắc phục được những trở ngại đó. Ông nói “Người Hàn Quốc có tính chuyên nghiệp cao, họ có động lực to lớn, họ biết về những khó khăn, yếu kém của mình và tôi tin rằng họ nhất định sẽ vượt qua”.
BVB

(Theo biên khảo từ ĐSQHQ  và Wikipedia Tiếng Việt)
---------------

6 nhận xét:

  1. Ít nhất là chính phủ lắng nghe buộc phải thừa nhận mong muốn của nhân dân mà sửa đổi. Ở VN thì chính phủ có thái độ như cha mẹ muốn lo cho con cái nhưng lo không nổi nhưng không dám thừa nhận dẫn đến chuyện sai lại càng sai, tương lai con cái càng bất định vì không được đối diện với sự thật càng sớm càng tốt. Và vì có thái độ chỉ "như" chứ không phải là cha mẹ cho nên đến lúc mọi chuyện xấu đi thì thằng con bị bắt buộc phải làm theo mong muốn không phải của bản thân như một kẻ bị trị thuần túy.

    Trả lờiXóa
  2. Tại sao Hàn Quốc lại là một nước phát triển, giàu có, hùng mạnh ? Trong khi đó Bắc Hàn nghèo đói, độc tài ? Tất cả là nhờ vào thể chế chính trị. Việt Nam cứ bám theo Trung Quốc để đổi lấy quyền lực, trong khi đó người dân không thể phát triển được, không có quyền góp phần thay đổi chính trị, không có quyền suy nghĩ độc lập, không có quyền học tập tự do ... Cuối cùng là gì ?

    Trả lờiXóa
  3. Là một công dân VN .Để cho khách quan Tôi muốn nước Việt nam áp dụng một nhà nước 2 chế độ ( miền bắc - miền nam Kiểu như kiểu VN 1 và VN2 cho tự chọn mô hình chính trị) Thời gian sẽ chứng minh miền nào phát triển hơn và ta sẽ biết miền phát triển ấy sẽ dùng mô hình chính trị kiểu gì Lúc ấy hủy hay giữ điều 4 hay không thì biết ngay cần gì phải "Đảng lãnh đạo là tất yếu ,là khách quan lịch sử ,hủy điều 4 .là tự sát v v ..v v..tranh luận nhau mãi không ai giành phần thua về mình Anh nào cũng có lý luận biện chứng (nhất là lý luận CS )Chứ cứ để ĐCSVN Độc quyền .độc trị lãnh đạo như bây giờ thì ớn lắm rồi !! Không biết những người lãnh đạo cao nhất có đồng ý không ????? Hy vọng mong manh quá ???? (cho ông NTD đứng đầu miền Bắc - ông Cù Huy Hà Vũ đứng đầu miền Nam ) Sau 10 năm sẽ rõ ngay thôi mà !!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ý kiến hay. Tạm thời phân ranh lại từ vĩ tuyến 17. Ai thích XHCN thì ra Bắc với đảng cs, ai muốn tự do dân chủ thì vào Nam. Miền Bắc cứ ôm chặt điều 4 Hiến pháp XHCN, miền Nam sẽ bầu cử công khai và minh bạch. Nhớ là không được âm thần chơi bẩn phá rối anh em. Sau đó 2 miền thi đua xây dựng và phát triển. Chỉ cần từ 10 đến 15 năm thôi, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt.

      Xóa
    2. Mấy ông này vui nhỉ, biến nơi đây thành quán nhậu vỉa hè?

      Xóa
  4. mọi người ơi cho mình hỏi chút "tại sao các tầng lớp khác (nhất là g/c công nhân HQ lại không phải là những người đii đầu trong phong trào này mà lại là HS-SV)"

    Trả lờiXóa