Trang BVB1

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

Làm chủ cái miệng...


LÊ THANH PHONG
Góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại nghị trường hôm 3.6, cụm từ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần là “nhân dân và quyền làm chủ của nhân dân”.
Tại sao cụm từ này được các đại biểu Quốc hội chú trọng thảo luận như vậy? Đơn giản một điều, cái quyền làm chủ đó chưa được thực thi trọn vẹn, mặc dù nó đã được hiến định: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”.
Chưa nói gì đến các quyền to tát, đại biểu Quốc hội Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) nêu những khó khăn của người dân trong các việc khám chữa bệnh, học hành, giải quyết các thủ tục hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng thời hạn. Với những việc bình thường này, rất nhiều trường hợp người dân phải như đi xin, đi nhờ, thậm chí phải phong bì mới được giải quyết.
Như vậy, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân đang bị hạn chế, đang bị một số tổ chức và cá nhân làm ngược lại. Vị đại biểu này đề nghị hiến định “tất cả các hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân phải được xử lý nghiêm minh trước pháp luật”.

Những vấn đề hạn chế quyền làm chủ của nhân dân được nêu trên thì ai cũng biết. Nhưng đưa ra công khai trước nghị trường khi bàn về sửa đổi dự thảo Hiến pháp, để chứng minh cho việc người dân bị hạn chế quyền làm chủ là rất đúng lúc, đúng chỗ. Quyền làm chủ của nhân dân ở đâu khi đến cửa công thì bị hành hạ, bị cán bộ công chức hạch sách, bị đòi phong bì. Ở cái thời này, không thiếu những quan chức như quan lại, tự coi mình là “phụ mẫu” ban phát cho dân chứ không phải là phục vụ dân.
Quyền làm chủ của nhân dân không chỉ những điều vừa liệt kê trên, mà còn thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác của đời sống con người và xã hội. Quyền được nói, phản biện, tranh luận, đóng góp ý kiến là sự thể hiện cụ thể quyền làm chủ. Không ai có quyền tước đoạt cái quyền thiêng liêng đó. Nếu không cho công dân làm chủ “cái miệng” của mình, thì đó là sự hạn chế rõ ràng nhất về quyền làm chủ của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về điều này từ lâu rằng: “Dân chủ là để cho dân được mở mồm ra nói”. Quyền được nói là thể hiện sự tự do rõ ràng nhất của một con người, được phản biện là thể hiện quyền làm chủ của một công dân trong một xã hội dân chủ. Từ thế kỷ 18, triết gia Pháp Voltaire đã nói một câu bất hủ làm kinh điển cho tinh thần dân chủ và quyền làm chủ “cái miệng”: “Tôi có thể không đồng ý những điều anh nói, nhưng tôi có thể chết để bảo vệ quyền anh được nói về điều đó”.
Làm chủ cái miệng là sự tự do rất tự nhiên, cần phải có quy định của pháp luật để bảo vệ cái quyền tự do đó. Cho nên, hiến định về xử phạt nghiêm minh những hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân mà đại biểu Trương Thị Huệ đề nghị rất có ý nghĩa. Đã hiến định về quyền làm chủ của nhân dân thì phải hiến định xử lý mọi hành vi xâm phạm đến quyền đó.

*/ Tác giả gửi  Q.C - NQL  /
-----------------

5 nhận xét:

  1. Thở dài và thở dài...

    Trả lờiXóa
  2. Khi một đàn cừu không thể nói, thậm chí không muốn nói và con sói thì không thèm nói thì mọi chuyện đều xa vời.

    Trả lờiXóa
  3. Vừa mới viết com về dân chủ ở bài trước được 5 phút, sang đây lại húc ngay phải dân chủ. Đấy, ngoài ngõ lại "Ai lông gà lông vịt bán đêêêê..."

    Trả lờiXóa
  4. Nhân dân làm chủ? Nhân dân đang tham gia giao thông không sai phạm gì luôn có thể bị CSGT dùng gậy chỉ vào mặt, thổi cái "hoét!", bắt vào thưa trình với anh ta (nhất là nhân dân lái xe tải)! Sau đó thì không bị lỗi này cũng bị lỗi nọ. Nói cho dễ nghe một chút đi, bậu ơi!

    Trả lờiXóa
  5. “Tham nhũng, tiêu cực nhìn ở đâu cũng thấy, sờ ở đâu cũng có” – như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, thì “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” thật ư bọn lưu manh mị dân?

    Trả lờiXóa