Trang BVB1

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

NÃO TRẠNG LẠC HẬU

Gần đây xảy ra ba vụ việc thoạt nhìn không liên quan gì đến nhau nhưng thực ra cùng xuất phát từ một nguyên nhân, một lối suy nghĩ, một não trạng.
Vụ thứ nhất: phản ứng trước một bài báo của báo Thanh niên về chính sách tạm xuất -tái nhập vàng của Ngân hàng nhà nước, lãnh đạo NHNN đã đề nghị Tổng cục an ninh II, bộ Công an “phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật” việc báo đưa tin mà NHNN cho là sai lệch
. Vụ thứ hai: trả lời kiến nghị của cử tri về việc cần xử lý nghiêm các vụ tiêu cực, tham nhũng, nhất là đối với các vụ việc xảy ra tại các tập đoàn kinh tế lớn hay có liên quan đến hoạt động ngân hàng…, Bộ Công an bên cạnh việc thừa nhận kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân, lại đề xuất sửa đổi điều 7 luật Báo chí để yêu cầu báo chí cung cấp nguồn tin cho chánh án toà án, viện trưởng viện kiểm sát và thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp (Luật báo chí hiện hành chỉ buộc báo chí cung cấp nguồn tin cho chánh án toà án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phố trở lên khi có yêu cầu).
Vụ thứ ba: Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo trong công văn chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH gửi đến chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mới đây đã đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh thành “chỉ đạo các cơ quan truyền thông trao đổi kỹ với cơ quan chức năng trước khi cho đăng tải các thông tin nhạy cảm liên quan đến đề thi như lộ đề, đề thi có sai sót, tiêu cực trong kỳ thi…”
Về vụ thứ nhất, không bàn đến tính chính xác của bài báo nêu trên, giả dụ báo chí đưa tin sai NHNN có nhiều cách để công luận hiểu đúng chính sách của mình, chẳng hạn họp báo chính thức giải thích rõ ràng, cặn kẽ, thuyết phục những thắc mắc mà công luận và ngay cả nhiều chuyên gia đặt ra, đồng thời chỉ ra những chỗ sai của bài báo. Như vậy công luận sẽ nắm được một cách chính thức và chính xác thông điệp mà NHNN muốn chuyển tải đến người dân, và mọi nghi ngờ sẽ được hoá giải. Ngoài ra, nếu tin chắc rằng chính sách của mình ban hành bị cố tình bóp méo, xuyên tạc, NHNN có thể kiện ra toà án. Ngay cả những nguyên thủ quốc gia ở những nước phát triển, khi cho rằng mình bị vu khống, bôi nhọ, cũng dùng con đường kiện ra toà. Toà án sẽ là người phân xử. Đó là một cách hành xử phù hợp với luật pháp, với thông lệ của một xã hội pháp quyền văn minh thay vì tìm cách hình sự hoá vấn đề bằng cách đề nghị cơ quan an ninh “phối hợp xử lý”.
Trong vụ thứ hai, đề nghị của Bộ Công an ngoài việc đi ngược lại một nguyên tắc cơ bản của nghề báo tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, đi ngược lại điều 8 Luật Tố cáo quy định nghiêm cấm tiết lộ danh tính của người tố cáo, còn muốn biến người làm báo thành “cộng tác viên” của cơ quan điều tra thay vì ngược lại chính cơ quan điều tra phải là người cung cấp thông tin cho báo chí, tức cho cả xã hội, về hoạt động phòng chống tội phạm, bảo vệ trị an của mình.
Trong vụ thứ ba, mặc dù bộ GDĐT sau đó đã thanh minh rằng không phải không cho báo chí đưa tin tiêu cực nếu thông tin chính xác và chỉ yêu cầu chủ tịch tỉnh chỉ đạo báo chí thuộc địa phương (làm như báo chí địa phương không đưa thì không ai biết !), nhưng công văn của bộ rõ ràng bộc lộ ý muốn “gói ghém” các tiêu cực, sai sót vì sợ ảnh hưởng đến thành tích mà thường sau mỗi kỳ thi bộ đều họp báo công bố rùm beng. Thay vì tìm cách “gói ghém”, lẽ ra bộ nên cảm ơn công luận, báo chí đã chỉ ra những chỗ tiêu cực, thiếu sót và ra sức khắc phục, như vậy công việc quản lý điều hành sẽ ngày càng tốt hơn.
Nhìn chung, cả ba vụ kể trên đều bộc lộ một não trạng, một lối suy nghĩ cho rằng mọi “tội lỗi”, mọi khó khăn trong điều hành quản lý đều do báo chí gây ra, rằng chỉ cần báo chí bớt “dòm ngó” vào công việc quản lý điều hành của cơ quan công quyền, tức là giảm bớt vai trò thay mặt xã hội để giám sát cơ quan công quyền, hoặc tốt hơn nữa là “hợp tác” với công quyền trong việc đưa tin, nhận định thì tự khắc mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp. Khỏi phải nói đó là lối suy nghĩ không thích hợp trong một xã hội hiện đại, nơi mà mỗi thiết chế xã hội có vai trò riêng của mình.
Các thiết chế xã hội khác nhau cũng không nhất thiết có cái nhìn và tiếng nói giống nhau trước mỗi vấn đề. Và chính nhờ mỗi thiết chế làm tốt vai trò riêng của mình mà xã hội nói chung tránh được những sai lầm phải trả giá, nhờ đó phát triển. Cũng cần phải nói những nhà quản lý tự đặt mình dưới con mắt giám sát của xã hội sẽ buộc phải cẩn trọng, cân nhắc hơn trong việc đề ra các chủ trương chính sách ảnh hưởng tới đông đảo công dân và trong từng hành vi, phát ngôn của mình.
Nhưng Việt Nam có đặc thù riêng – đến đây có thể hình dung sẽ có người phản bác như vậy. Vâng, nhưng vấn đề là đặc thù nào? Bởi có những thứ gọi là đặc thù mà nếu cứ mãi bám lấy thì đó chỉ là sự tự đặt mình ra ngoài dòng chảy chung của xã hội văn minh, và là đầu mối của sự lạc hậu.
Theo Facebook Đoàn  Khắc Xuyền
-------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét