Trang BVB1

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

NHỮNG DỰ ÁN TRÊN MÂY


             Hiện nay có tình trạng khoán trắng đầu tư công, địa phương nào cũng làm sân bay, bến cảng, trường ĐH nhưng cả nước chưa có cảng nước sâu, mà một số cảng lại đặt ở những nơi có lợi thế kinh doanh bất động sản…, rồi nhiều dự án khối lượng đầu tư lớn, nhưng hiệu quả trong tương lại thấy trước là rất thấp, khó thu hồi vốn…
Tức là dự án ăn xổi giữa đại gia, chính quyền, nhà đầu tư, không phải vì mục đích đem lợi cho quốc kế dân sinh.  Có ý kiến cho rằng có tình trạng đó là do Trung ương, do cơ chế xin-cho, do cái “lệ lại quả”, ký duyệt chi, xuất tiền ra thì phải có “hoa hồng ngọc”, dự án càng lớn, hoa hồng càng to. Mục đích đẻ ra nhiều dự án như vậy có cả lợi ích nhóm, đầu tư dàn trải, chạy vốn, chạy dự án giữa các địa phương. Vậy hạn chế này do đâu, giải pháp là gì?
           Trong một lần trả lời nội dung chất vấn này của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh ấp úng một lúc rồi mới lý giải rất chi là chủ quan: “Nói bất cập đầu tư công do phân cấp mạnh hoặc do trung ương đều đúng. Trách nhiệm của Bộ là phải ngăn chặn tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí. Có tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán vì quy định giao cho địa phương phải làm kinh tế, tăng GDP. Vì vậy, các địa phương đều phải làm. Hiện đã có chỉ thị để khắc phục việc chạy dự án, theo đó các địa phương phải lựa chọn danh mục đầu tư, tự chịu trách nhiệm cân đối vốn mới ký quyết định. Thậm chí, giao luôn vốn trong 3-5 năm tới để tự chọn hạng mục để làm. Khi giao một cục như thế thì cũng không chạy được nữa”.
              Thấy cái lối trả lời qua quýt như vậy, đại biểu Trần Ngọc Vinh hầu như không kìm được sự bức xúc, vặn thẳng: “Lâu nay dư luận râm ran có tình trạng chạy dự án với muôn vàn nẻo đường nhưng chưa bắt được tận tay. Không có lửa làm sao có khói, nhất là những dự án chỉ định thầu của Bộ KH&ĐT? Xin bộ trưởng làm rõ có chuyện chạy dự án như dư luận hay không?”. Rồi tiếp đến đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) muốn truy nguyên: “Có tình trạng DN nào chịu “quan hệ ngoài luật” sẽ nhận được nhiều dự án, nhiều ưu đãi. Vì thế, các DN phải tìm mọi cách để đầu tư cho quan hệ. Nhưng điều này ảnh hưởng xấu môi trường đầu tư, làm tăng chi phí đầu tư. Bộ trưởng có giải pháp gì khắc phục?”.
               Trước những phát đạn bắn thẳng như vậy, Bộ trưởng Vinh cũng dám bộc lộ nội tâm được một câu, rằng: “Pháp luật của chúng ta dù chưa hoàn thiện nhưng về cơ bản đã có hết. Những tiêu cực, sai phạm vừa rồi đều là liên quan đến con người, đều do con người cố tình làm. “Vì thế ngoài việc hoàn thiện thể chế thì phải quan tâm đến phẩm chất của cán bộ - những người trực tiếp làm, nếu họ cố tình thì pháp luật phải xử lý nghiêm”. Thế nhưng, ngay sau đó, để đưa ra “bài đỡ” vừa an toàn, vừa như để trấn an, lại tránh mất lòng những “ai đó”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh có sự gia tăng khẩu khí: “Phải tìm lý do chạy dự án. Còn có hay không, nếu tôi bắt được, tôi đã kỷ luật nhưng nếu bảo không có chạy dự án, tôi cũng không tin. 
           Cách chống tham nhũng quan trọng nhất là tìm giải pháp để ngăn chặn, để không có cơ hội chạy. Việc này Bộ KH&ĐT đã có chủ trương để tham mưu cho Chính phủ”. Việc chềnh ềnh Xin-Cho, chạy Dự án gây thất thoát quá lớn, tạo kẻ hở cho tham những như vậy, mà cho đến nay Bộ trưởng Quang lại nói là “mới có chủ trương để tham mưu cho Chính phủ”. Với cái lối trả lời lấp ửng, ù xòa, quấy quá khỏa lấp như vậy, chắc cái “chủ trương” mà ông Quang hứa nêu trên chưa ra khỏi cánh cửa hội trường QH đã bay biến tận đâu rồi. Và, những DỰ ÁN TRÊN MÂY vẫn sinh sôi nảy nở với nhiều nẻo khuất kín võ và “cáo già "“ hơn.
Vậy, có thơ minh họa rằng:
       Bày ra dự án trên mây
Trong lòng thầm ước phen này giàu to
     Cửa sau cửa trước vòng vo
Chạy đua dự án đủ trò mánh mung
     Chỗ này đô thị mở bung
Chỗ kia cầu mới, ven sông bờ kè
     Nơi kia khách sạn hết chê
Còn nơi kia nữa cho thuê mặt bằng…

     Suốt ngày ông cứ lăng xăng
Đánh xe khảo sát gia tăng công trình
     Những nơi phục vụ dân sinh
Thi công cắt khúc chình ình dở dang
     Bồi hoàn, giải tỏa trái ngang
Dân nghèo kiện cáo xếp hàng kêu oan…

      Mặc cho thế sự bẽ bàng
Ông lo dự án lên hàng triệu Đô
     Vẽ ra bát quái trận đồ
Có thêm dự án tiền vô thêm nhiều
     Chẳng cần lợi hại bao nhiêu
Cứ liều thiết kế, cứ liều thi công
     Kê khai kết toán lòng vòng
Có thêm dự án túi ông càng đầy.
        BVB
------------------

6 nhận xét:

  1. Phải công nhận các nhà làm kinh tế VN đa năng,thông minh và tháo vát!Với 1 dự án nhưng lại có nhiều phương án,chẳng hạn:Xây dựng chợ nhưng lại để nuôi bò,nhà máy cấp nước sạch để nuôi gà,Vinashin mua tàu thủy về để giúp ngành ve chai trong nước vượt qua thời khủng hoảng kinh tế.Những dự án không thể chết như vậy làm sao mà cấp trên không duyệt!

    Trả lờiXóa
  2. trích "Vì thế ngoài việc hoàn thiện thể chế thì phải quan tâm đến phẩm chất của cán bộ - những người trực tiếp làm, nếu họ cố tình thì pháp luật phải xử lý nghiêm”"

    Toàn cán bộ, lừ lò trường đảng ra, với đầy đủ kiến thức "chuyên chính vô sản" và "đấu tranh giai cấp", của "lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội" (theo điều 4 hiến pháp)-Sống theo hiến pháp nhé!, thì nó là thế thôi!

    Trả lờiXóa
  3. Nói tóm lại là: cả nước chỗ nào cũng dự án, tỉnh huyện nào cũng có dự án, hội nghị, hội thảo, liên hoan ở đâu cũng thấy các quan bàn đến dự án to, dự án nhỏ. Đấy là các dự án chí công vô tư thực là: CÓ CHÍ LẤY CỦA CÔNG LÀM CỦA TƯ dân làng ạ. Tình người thì ác độc, tham lam thì vô độ, nói phát biểu thì dối trá đạo đức giả thành thói quen của "môt bộ phận không nhỏ" của Cụ Trọng đấy các bác ợ.

    Trả lờiXóa
  4. "...rồi nhiều dự án khối lượng đầu tư lớn, nhưng hiệu quả trong tương lại thấy trước là rất thấp, khó thu hồi vốn…"
    Biết vậy nên người ta lo thu hồi cho cá nhân họ ngay. Sau đó quả bóng trách nhiệm được dân chuyền đá lòng vòng mất tích !

    Trả lờiXóa
  5. Bác Bồng viết rất chính xác muốn có tiền phải có dự án. Các nhóm lợi ích đua nhau vẽ ra các dự án bất chấp dự án đó hiệu quả thế nào, có kinh phí để thực hiện hay không? Mặc kệ họ cứ chạy dự án, khi dự án được phê duyệt thì thu hồi đất của dân, thế chấp dự án rút tiền ngân hàng rồi bùng mặc kệ dự án có tiêp tục được thực hiện hay không. Một tỉnh ở phía nam hiện có khu tỉnh ủy, ủy ban khá rộng rãi, các sở ngành đều ở mặt tiền trên những con đường lớn ở trung tâm thành phố nhưng vẫn lập quy hoạch trung tâm hành chính của tỉnh với quy mô hơn 30 ha ở một nơi bờ xôi, ruộng mật, không có đường giao thông, chỉ vì lý do khu này nhìn ra hai mặt sông, bán các khu cũ đi thừa tiền để làm các con đường vào khu hành chính và khu mới sẽ khang trang hơn vị trí cũ, lý thuyết là thế, còn thực tiễn thế nào chưa biết. Chỉ biết rằng tỉnh đã thành lập ban quản lý dự án chuẩn bị thực hiện thu hồi đất, nào ngờ thị trường bất động sản đóng băng dự án này cũng là một dự án trên mây mà thôi

    Trả lờiXóa
  6. Bác BVB chỉ được cái nói đúng: Có dự án thì em mới có tiền. Có tiền thì em mới thu hồi được vốn. Em có tí quyền thế các bác tưởng mất ít tiền đấy à. Đơn vị tính tiền là tỷ cả đấy. Nếu không khẩn trương thì hết mẹ nó nhiệm kỳ đến nơi rồi. Mặt khác , nếu cái ô của em đột ngột bị rách, " zây zợ " của em bị đứt thì đúng là bỏ cha.
    Cho nên phải khẩn trương vơ vét qua dự án. Kinh nghiệm " Tư duy nhiệm kỳ" của các đại nhân tiên sinh đã mách bảo em như vậy đấy, thưa bác Bồng.
    Em thì được cái nói thật , nếu không bác lại bảo em là kẻ dối trá, là kẻ độc quyền cả nói dối.
    Một Trung Sâu

    Trả lờiXóa