Trang BVB1

Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

> CÔNG KHAI ĐỘC ĐOÁN, CHUYÊN QUYỀN

Hai nông dân bị kết án 
chỉ vì to tiếng với lãnh đạo xã (!?)
Qua vụ án ở xã Bình Định, huyện Lương Tài, Bắc Ninh:
CHÍNH QUYỀN CÔNG KHAI 
ĐỘC ĐOÁN, CHUYÊN QUYỀN
* Bùi Văn Bồng
              BVB  - “Tôi từng có nhiều năm làm ở VKSND tỉnh Hải Dương, đã từng chứng kiến nhiều vụ xét xử, nhưng đây là một trong những bản án thiếu căn cứ và thiếu lý lẽ thuyết phục nhất mà tôi từng biết. Một vụ việc chỉ đáng xử lý hành chính đã bị hình sự hóa”. 


Đó là ý kiến đầy thất vọng của Luật sư Nguyễn Thanh Bình sau khi nghe tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh y án sơ thẩm của tòa án nhân dân huyện Lương Tài, tuyên xử án bà Trần Thị Hà bị 12 tháng tù giam, Phạm Văn Quy 9 tháng tù giam, cùng về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Vụ án này đã cố tình xử ép người dân, đầy oan khốc, khiến dư lụa bất bình. Cả bị cáo Hà và bị cáo Quy đều khẳng định giữa họ và ông Mạc cùng có lời qua tiếng lại, xúc phạm nhau sao chỉ xem xét, xử lý họ mà bỏ qua ông Mạc. Nếu như theo diễn biến vụ việc, người đáng phải nhận khuyết điểm trước dân là ông Nguyễn Văn Mạc - Phó chủ tịch UBND xã Bình Định chứ không phải ông Quy, bà Hà phải lĩnh án đi tù một cách oan sai như thế.

Việc người dân khiếu kiện đất đai là thực hiện quyền dân chủ chính đáng. Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm tiếp dân, giải thích, giải quyết cho dân, tôn trọng quyền dân chủ của người dân. Ông Mạc không nhưng né tránh trách nhiệm, còn gây khó dễ, căng thẳng cho người dân, xét về tư cách và phương pháp công tác, có xứng làm Phó Chủ tịch UBND xã hay không? Ông Quy và bà Hà đi khiếu nại các quyết định thu hồi đất sai quy định của các cấp chính quyền địa phương. Ruồng ép, phủi tay để chiếm dụng đất của dân trai sphép hay sao mà hành xử như vậy?

Sự vô trách nhiệm và thái độ xử sự của ông Mạc đã làm cho ông Quy và bà Hà thất vọng bất bình, là nguyên nhân gây tranh cãi. Vậy mà quy chụp người dân tội “gây rối trật tự công cộng”, làm hồ sơ thụ lý vụ án thiếu khách quan, không trung thực, bản cáo trạng cũng áp đặt, cố tình khép tội người dân lương thiện.

Tại phiên tòa phúc thẩm, cả bị cáo Hà và bị cáo Quy đều một mực khẳng định giữa họ và ông Mạc cùng có lời qua tiếng lại sao chỉ xem xét, xử lý họ mà bỏ qua ông Mạc. Hai bị cáo khẳng định không xúc phạm ông Mạc, ông Bình và ban công an xã với những lời lẽ nặng nề như cáo trạng đã truy tố. Trong vụ này, bản thân ông Mạc cũng rất to tiếng, tỏ thái độ không đúng mực khi ứng xử với công dân, đặc biệt ở trụ sở làm việc, thế nhưng ông này chỉ bị kiểm điểm.

Bào chữa cho hai bị cáo, luật sư Nguyễn Thanh Bình (Đoàn luật sư Hải Dương) cho biết: Trong số 100 lời khai được VKSND huyện Lương Tài dùng làm căn cứ để kết tội hai công dân, có tới 23 lời khai không có dấu đỏ của CQĐT, tức là không có cơ sở pháp lý. Ngoài ra trong biên bản điều tra, một số file ghi âm, ghi hình thể hiện khá rõ thái độ, lời nói của lãnh đạo xã Bình Định khi cãi nhau với bà Hà đã không được cả tòa sơ thẩm lẫn phúc thẩm đưa ra xem xét, đánh giá. Nhiều nhân chứng quan trọng không được tòa sơ thẩm và phúc thẩm triệu tập.

Đây là một trong nhiều vụ chính quyền địa phương vi phạm”Quy chế đan chủ cơ sở”, lộng quyền, ức hiếp người dân, thể hiện rõ sự xuống cấp, mất chất đã khá nặng nề của hệ thống hcính trị từ cơ sở trở lên.

Cùng ngày 31-1-2013, khi Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh tuyên xử oan sai đối với ông Quy và bà Hà, tại Hà Nội diẽn ra Hội thảo “Đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị ở nước ta”. 

Một trong những vấn đề được xem là “cốt tử” được bàn tại hội thảo là câu chuyện đổi mới, nâng cao phương thức lãnh đạo của Đảng.

Nói như PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, hiện Đảng cũng đang gặp khó khăn, thách thức không nhỏ ảnh hưởng đến uy tín chính trị, vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn tại của chế độ. Đó là tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên dễ lộng quyền, lạm quyền, coi thường pháp luật. Đảng cũng đã coi trọng và tích cực khắc phục để loại trừ tình trạng này bằng nhiều biện pháp kiểm tra, giám sát.

Theo PGS.TS Trần Khắc Việt: Càng xuống dưới cơ sở thì tình trạng cấp ủy bao biện, làm thay việc của chính quyền càng thể hiện rõ, sự lộng hành, có nhiều nơi sự ức hiếp dân của chính quyền đáng báo động. Cũng theo ông Việt, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm còn diễn ra ở nhiều nơi. Còn nhiều trường hợp cấp ủy can thiệp sâu vào hoạt động của cơ quan điều tra, tố tụng, xét xử.

Tham luận của GS Nguyễn Văn Huyên (nguyên Viện trưởng Viện Chính trị học) cảnh báo, Đảng cần xem lại cả về tâm lẫn tầm để xem liệu Đảng có đạo đức, văn minh, là trí tuệ, thiên tài.

Ông Huyên phân tích, một nguy cơ của đảng cầm quyền là dễ đi đến chuyên quyền, độc đoán. Khi có quyền, cá nhân đảng viên, người lãnh đạo dễ dàng tự thỏa mãn, dùng quyền lực thay cho chân lý, cho pháp luật trong chỉ đạo. Đặc biệt, việc ít chịu học tập, rèn luyện làm không ít người có chức quyền bị tụt hậu, trì trệ.

Nhân dân phải được giám sát quyền lực thông qua các hình thức phổ biến nhất như bầu người đại diện, bãi miễn người đại diện trong các cơ quan quyền lực. Người dân cũng phải có quyền phản biện với Hiến pháp, pháp luật cũng như các chủ trương lớn của nhà nước và phải được quyền bày tỏ chính kiến về những vấn đề quốc kế dân sinh”.

Hội thảo đã khẳng định thực trạng hành động độc đoán, chuyên quyền, làm mất dân chủ trong xã hội và không bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, không bảo đảm và phát huy vai trò quản lý của Nhà nước. Nhiều tham luận nêu rõ: Hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng với cơ quan nhà nước chưa thường xuyên, hiệu quả còn thấp. Việc xử lý các sai phạm của cán bộ, công chức chưa thật kiên quyết, nghiêm minh. “Phương thức lãnh đạo của Đảng với công tác cán bộ chậm đổi mới, quy trình phức tạp nhưng vẫn để lọt cán bộ không thật sự xứng đáng tham gia vào bộ máy lãnh đạo, quản lý của cơ quan nhà nước”.

Mặc dù Đảng đã “đứng chân” tịa Điều 4 Hiến pháp 1992, nhưng 20 năm nay Đảng không chỉ đạo được chính quyền, chính quyền không thực hiện được vai tro quản lý xã hội, thực thi dân chủ. Nhân cơ hội đang sửa đổi Hiến pháp 1992, một số đại biểu đề xuất xúc tiến xây dựng luật về Đảng để đảm bảo tổ chức Đảng hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.

TS Mạch Quang Thắng đã nói đúng về thực trạng độc đoán chuyên quyền: "Khi có quyền, cá nhân đảng viên, người lãnh đạo dễ dàng tự thỏa mãn, dùng quyền lực thay cho chân lý, cho pháp luật trong chỉ đạo".
         Dư luận bức xúc về vụ này và các vụ tương tự, nếu Đảng còn là của dân, chính quyền còn vì dân, Nhà nước pháp quyền, công bằng, dân chủ như khẩu hiệu ầm vang,  thì cần khẩn trương điều tra, xét xử lại vụ này một cách công minh, công bằng pháp luật, tôn trọng dan chủ, xử lý nghiêm minh những cán bộ cố tình lợi dụng chức vụ, quyền hạn ức hiếp dân, gây oan khốc, bất công trong xã hội.
BVB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét