Trang BVB1

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

> NGHĨA VỤ LẮNG NGHE



Đúng! Từ lâu người ta đã coi cái “nghĩa vụ” này là nghiễm nhiên, như một thứ luật “bất thành văn”. Làm dân chỉ được nghe, cái lại cán bộ là có chuyện…to đấy! Hiến pháp và pháp luật không quy định như vậy. Tự bản thân thể chế quyền lực còn dính cái đuôi phong kiến, độc tài, công quyền đứng trên đầu dân đã đẻ ra cái “nghĩa vụ”ấy.
Bởi người ta mặc nhiên coi đó là một sáng tạo, nhằm thể hiện tuyệt đối quyền uy. Người ta coi đó là sự vận dụng sát thực tế, một dạng thức thủ đoạn chính trị núp trong cái gọi là “phương pháp cách mạng”!
                 Người ta dạy công dân và cán bộ đảng viên tận cơ sở là xem xét, đánh giá, bình phẩm về cái gì cũng phải “khánh quan, khoa học, biện chứng”. Nhưng, họ lại quên đi sự khách quan, khoa học, biện chứng gì chăng nữa vẫn phải từ cái nền, cái gốc là lực lượng cách mạng, “từ nhân dân mà ra”, từ thực tế làm cơ sở. Bởi “thực tiễn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ chủ nghĩa Mác”.
                  Quyền lợi công dân trong Hiến pháp được quy định rất nhiều, nhưng được gì, đến đâu chưa biết. Cái đó còn chờ họp cấp ủy, hỏi ý thường vụ, chờ kế hoạch triển  khai, chờ Nghị định, Chỉ thị, Thông tri và các văn bản hướng dẫn. Nhưng trước hết, công dân, thân phận thảo dân (theo cách gọi của phong kiến Trung Quốc: dân như phận cỏ, hèn kém) cứ  làm tốt nghĩa vụ cái đã, cương vị nào thì được nói giọng đó, khi là dân đừng có lý sự lắm điều! Hãy lắng nghe là chính!
             Điều 8, Hiến pháp 1992 quy định: “Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, viên chức Nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng”. Thế nhưng, trong thực tế mà có được sự tôn trọng, tận tụy, liên hệ chặt chẽ, lắng nghe này quả là rất hiếm. Phần nhiều là bị nhiễm thói cửa quyền, hách dịch, quan cách, cán bộ là đứng trên dân, cần gì phải nghe ai? Ngược lại, dân phải có nghĩa vụ lắng nghe cán bộ nói và làm theo cán bộ chỉ bảo, thậm chí “ra lệnh”. Mặc dù Điều 11 trong Hiến pháp quy định: “Mọi hành động xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân đều bị xử lý theo pháp luật”. Thế mà nhiều quan chức trong bộ phận lớn moi của kho bạc Nhà nước, cuỗm của dân cả mấy trăm nghìn tỉ, đâu có pháp luật nào xử lý, một lời “xin lỗi” nhẹ hều là xong!
         Dân được hưởng quyền lợi thật là ít. Thậm chí còn bị đại gia, chính quyền thẳng tay lấy đi tài sản mồ hôi nước mắt mới có, rõ nhất hơn 2 thập kỷ qua là đất đai. Trong khi đó, ngoài nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ đóng thuế, nghĩa vụ quân sự, dân còn phải biết cách làm tốt nghĩa vụ lắng nghe…
Nghĩa vụ lắng nghe là gì? Trước hết, đó là Đảng, Nhà nước thương dân. Thương chỗ nào? Là giao cho dân cái “quyền tối thượng” cứ việc bỏ hết sức ra mà lo cơm áo, gạo, tiền, thuốc thang bệnh tật, học hành con cái. Bởi điều 55, Hiến pháp, quy định: “Lao động là quyền và nghĩa vụ của công dân. Nhà nước và xã hội có kế hoạch tạo ngày càng nhiều việc làm cho người lao động”. Cho nên, đó là “quyền lợi đi kèm nhĩa vụ, lao động cật lực, làm ra của cải vật chất, tiền bạc cho xã hội. Thé thì dân cứ lo căm cắm mà làm, đừng đụng đến chính trị, đừng bàn chính sự, những vấn đề khó khăn như thế đã có Đảng và Nhà nước lo…!
Khi thấy dân kêu khổ, thì cấp ủy, chính quyền quan tâm: “Để an dân, phải làm cho dân được nhàn hạ. Đừng để dân phải lo, dân chỉ việc làm, việc gì đã có cấp ủy, chính quyền lo hết”. Cho nên, dân muốn được hưởng cái quyền “nhàn hạ” thì đi họp đừng có mắc mớ cái gì mà tỏ thái độ, cần gì phải nghĩ ngợi phát biểu, ý kiến ý cọ,  hãy ngồi im, hãy lắng nghe, mai còn đi cày sớm.
Còn nếu có cơ hội phát biểu thì phải tìm lời lẽ (ba xạo cũng được) khen cấp ủy, chính quyền, ca ngợi  hết lời, nghe lọt lỗ tai và cười béo ngậy. Nhiều lần như thế sẽ được lập danh sách “sổ hồng” đưa vào diện khen thưởng, được cấp mản giấy bằng ba bàn tay “Gia đình Văn hóa”, có dấu của UBND xã (phường) đỏ chót, đem về dán trước của sáng choang.
Nghĩa vụ lắng nghe là gì? Là biết giữ trật tự, biết phận mà “ngoan”! Cấp trên có cái quyền mà trời đã phú cho “miệng nhà quan có gang có thép”, nói cái gì là quyền của họ, cho họ nói thoải mái, khi được dịp thì họ mới phát huy hết tài năng, hung hăng khẩu khí. Cho nên, nghe thì cứ việc ngồi im mà nghe, cãi làm gì, mất công!.
Nghĩa vụ lắng nghe là trên chỉ bảo ra sao phải làm đúng vậy, trên phát biểu kiểu gì thì cũng phải vỗ tay. Khi có chức có quyền là họ nghiễm nhiên chễm chệ cái ghế  “ông” rồi. Nếu kiến nghị thì cứ việc, ông đây vẫn phải tôn trọng quyền dân chủ. Nhưng ông đây đã có quyền, tức là có “khoảng trời riêng”, là “vua một xứ, chữ ký là thần”. Dù cho thứ dân các ngươi muốn kiện đến đâu, có sức cứ việc chạy lòng vòng mọi cửa, đến đau thì cũng chỉ nhận kết quả: kính chuyển”; đơn từ như thả vào cái đèn cù, cuối cùng dù có kiện thẳng mặt ông… rồi, thì, mà, là ha…ha nó lại vào tay ông. Thế đấy, cái quy trình nó tất yếu phải thế! Ông cóc sợ khiếu nại tố cáo! Cho nên, khôn hồn nhất là cứ im re mà nghe, cắn răng chằng mép lại để hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ lắng nghe, thế mới là công dân tốt!
Cãi ư? Phản biện ư? Ý kiến ý cọ đề xuất ư? Cứ việc.  Bởi quyền công dân mà! Nhưng cái nghĩa vụ lắng nghe phải làm cho tốt, mọi lúc mọi nơi, nếu không thì cho mất quyền công dân luôn, lấy gì mà dựa vào mấy chữ trong Hiến pháp để đụng lỗ chân long của ông? Ông để yên, mới có quyền công dân mà nói. Ông tức lên, máu lên, hứng lên thì cho mày mất quyền công dân bất cứ lúc nào, không có gì khó! Chỉ cần hai bao cao su, là thứ ông đã mượn phường chèo hát rêu rao lấp liếm:  ‘Chờ…i… ơi; gờ..ai…gai…ý sắc’, giao cho thằng lính nào đó nhét túi đem đến giắt đâu dó tại hiện trường làm làm bằng chứng lập biên bản phạm pháp là…a lê hấp, mày hết nấp rồi! Là có đủ chứng cứ cho mày đi tù mọt gông. Vì thế, nghĩa vụ lắng nghe nó…rất…là…rất chi là…tự hào, vinh dự! Đã làm cái thân phận công dân, ai cùng phải nhớ nhằm lòng! Chỉ biết cái nghĩa vụ lắng nghe, mọi sự đã có cấp ủy, chính quyền, có Đảng, Nhà nước phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm “vì dân vì nước” tận tụy lo hết rồi!
BVB

1 nhận xét:

  1. Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra! Từ nhân dân mà ra, do dân, vì dân mà bác Bồng!

    Trả lờiXóa