Trang BVB1

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

> NÉN HƯƠNG CHIỀU CUỐI ĐÔNG

MINH DIỆN
         Xuống sân bay Cát Bi ba giờ chiều. Vừa ra khỏi nhà ga đám xế Taxi bu lại. Rút kinh nghiệm lần trước bị chém đau, lần này tôi phải hỏi giá cẩn thận.
                 - Trước mặt tôi một tay lái trẻ, râu cá trê, trong áo len, ngoài áo vec cũ, đầu đội mũ lông. Tôi hỏi:
            - Về Thái Bình bao nhiêu ?
           - Bố về thành phố hay về đâu để tính?
           - Quỳnh Phụ, gần năm chục cây.
           - Biết rồi!Xin bố một triệu!
           - Có năm chục cây mà những một triêu?
            Tôi chê đắt, xách va li đi, tay râu trê kéo áo lôi lại, xoa hai bản tay, rụt đầu  vào cái cổ áo véc:
           - Này bố!Bớt năm chục!
           - Tám trăm?
           - Chín trăm! Đi Thái Bình sợ bỏ mẹ!
           - Đường 10 thênh thang  mà sợ?
           Tay Taxi nhăn mặt :
           - Bố lạc hậu bỏ mẹ!? Quê bố cảnh sát giao thông có mặt trên từng cây số !
           - Mình chạy đúng luật sợ gì?
          - Bố lại lạc hậu! Làm đếch gì có luật! Luật thế này này?
            Tay lái xe vê hai ngón tay như đếm tiền.
            Ở Sài Gòn cánh lái Taxi rất kiệm lời, Hà Nội, bọn này mồn miệng như tép nhảy nhưng hiền, bọn Hải Phòng có tiếng hay sinh sự, thôi  đành gật đầu  đi xe tay râu trê dù biết vẫn bị chặt đẹp. Hắn ấn tôi lên chiếc Vios, lao khỏi sân bay như sợ bị cướp mất khách.
             Trời rét đậm. Con đường 10 thưa thớt xe. Hai bên đường những hàng cây co ro, lá xoăn lại vì rét. Những mảnh ruộng mới cấy, mạ quắt queo, nhìn ảm đạm.  Giữa mùa Đông vẫn chưa thấy nhú tí chồi lộc báo hiệu mùa Xuân, hình như thảo mộc cũng theo vận hạn của đất nước!
                Đi ngang qua Tiên Lãng, tôi hỏi lái xe:
              - Có biết đầm tôm Đoàn Văn Vươn không?
              -Biết ! Tayấy nổi tiếng  ai không biết ! Hắn làm cho Hải Phòng thơm lây ! Chỉ tiếc…
              - Tiếc gì?
              -Súng hoa cải bé quá! Gíá có vài khẩu AK thì trận đánh đẹp hơn…
               Một cái bóng áo vàng  nhô ra từ lùm cây phía trước, cắt ngang câu chuyện huyên thuyên của tay lái xe. Hắn trề môi  “Đ.m! Xui rồi!”
              Viên cảnh sát giao thông  trẻ măng, hỏi:
              - Biết lỗi gì chưa?
                Lái xe xoa xoa hai tay, rụt đầu vào cổ áo véc:
              - Dạ, anh thông cảm ! Đường vắng em chạy hơi nhanh tí!
               -Gì nữa?
               -Dạ, thế thôi ạ!
               Viên cảnh sát giao thông chỉ cái gậy vào tôi:
               - Bác này không cài dây an toàn!
                Taylái xe nhăn nhó cười, xoa xoa hai bàn tay, rụt đầu vào cổ áo véc, năn nỉ:
               - Dạ, em quên! Anh  bỏ qua cho em ạ!
              - Thôi được! Bỏ một lỗi, phạt một lỗi!
                Taylái xe ngoan ngoãn  móc túi lấy tờ một trăm ngàn đưa cho viên cảnh sát. Viên cảnh sát trề môi:
              - Thiếu!
              - Dạ thưa!
              -Dạ thưa con cặc?
              -Dạ vâng!
               Taylái xe móc túi quần lấy thêm trăm ngàn dúi mạnh vào tay viên cảnh sát  giao thông, viên cảnh sát trẻ cầm tiền, thản nhiên  đút vào túi, phẩy gậy:
              - Đi đi!
               Tay lái xe  lên xe, phập cừa đánh rầm:
              - Đấy bô thấy chưa? Mắt nó tinh như mắt cú, bụng nó tham như con thú!Chưa được nửa đường mất mẹ nó hai trăm , còn nửa đường nữa rồi quay về không biết có thoát?
               Mày vừa vặt tao, giờ nó vặt mày, đúng là nhân quả nhãn tiền, tôi nghĩ. Nhìn mặt tay lái xe ấm ức tôi nói:
             - Thôi để tao chịu cho hai trăm vừa rồi! Mày cho tao ghé qua đầm nhà anh Vươn một tí!
               Chiếc xe ngoặt vào ngã ba, theo đường tắt tới  đầm tôm Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang.
               Dấu vết ngôi  nhà đúc một trệt một lầu của Vươn chỉ còn lại mấy mảnh tường nham nhở, vài đống xà bần và những viên gạch vỡ. Trên nền cũ một căn nhà tôn thấp tè mới dụng, nhằng nhịt cành cây, giây nhợ, nhìn nhức mắt.
               Trước sau chẳng có ai, trong  lều  mỗi  con chó  gầy trơ xương, bị xích vào tảng gạch vỡ, ngoe ngẩy cái đuôi chào khách. Ngoài kia cỏ dại ngút ngàn, mênh mông một màu nước lợ vàng sỉn, không một bóng tôm tăm cá.
              Một cơ ngơi tạo dựng hơn hai mươi năm  bằng mồ hôi nước mắt, bằng cả sinh mệnh một đứa con của cựu chiến binh Đoàn Văn Vươn, giờ chì còn là một bãi hoang thế này ư? Tôi tự hỏi, và lủi thủi quay ra, gió lạnh hun hút đuổi theo, lá cờ  trên ngọn cây sào tre rũ rượi như cờ tang.
                Ra khỏi nhà anh Vươn một khúc gặp một người đầu trọc , cầm trên tay cái nơm úp cá, tôi hỏi:
               - Anh là người nhà chị Thương hả?
               - Người làng thôi!
               - Nhà chị Thương hôm nay đi đâu hết?
             -Nó đi thăm chồng, mấy đứa con về bà ngoại! Có việc gì không?
               - Không! Tôi ghé thăm chút thôi! Nhìn cảnh tiêu điều quá!
                Người trọc đầu  nhổ nước bọt :
               - Ai bảo ngu! Phơi của ra trước bọn cướp ngày!
                Người đầu trọc  bỏ đi, tôi  ra xe, câu nói của anh ta  vẫn lùng bùng trong tai: “Ai bảo ngu! Phơi của ra trước bọn cướp ngày!”.
                Thế là vụ án đã trôi qua gần hai năm rồi. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bảo phải làm khẩn trương, nhưng hình như trên càng nói, dưới càng lỳ. Từ khi bắt Nguyễn Công Khanh, mọi thông tin đều bít kín. Vừa qua nghe Đoàn Văn Vươn bệnh nặng, không biết có đúng không? Vùng Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, ngày xưa  có viên quan huyện Hoàng Gia Mô gian ác như  quan  huyện Nguyễn Văn Hiền bây giờ, bị dân giết chết ném xuống sông, sau có câu thơ : “Nam Am nổi tiếng chuông đồng, Gia Mô chím nổi giữa dòng sông sâu!”.              
               Ngày xưa quê tôi xanh bóng tre. Những lũy tre dọc đường làng, những bãi tre bên bờ sông, những bụi tre bên bờ ao đánh võng kẽo kẹt trưa hè. Chiều chiều từng đàn cò bay về đậu trắng tên các bãi tre ven sông, cuộc sống thanh bình, dù còn nghèo khó. Ngày ấy,  chúng tôi làm cù lèo vít ngọn tre bắt tổ chim, và  những con ve sầu gọi bạn da diết  trên ngọn tre cao chót vót. Tôi rất thích những câu thơ của tác giả nào đó:
                                    Yếm trắng riu ra ríu rít
                                    Võng đưa kẽo kẹt bờ tre
                                     Lối nhỏ hoa soan biêng biếc
                                     Gót son chiều tím em về!
             Giờ làng tôi sạch bóng tre rồi. Đường bê tông vào tận ngõ ngách, tường gạch, nhà đúc san sát. Những căn  nhà hộp vuông vức như bao diêm còn ở dạng thô ,màu xám xin xỉn nhức mắt. Từ trên cao nhìn xuống , cứ tưởng làng tôi bây giờ nhà cao cửa rộng khang trang, dân tình giàu có, nhưng thực ra không phải vậy. Có chui vào chăn mới biết chăn lắm rận! Thằng Trí cháu tôi bảo thế. Nó nói vì tránh bão, và bây giờ cấy lúa giống mới,  không có rạ lợp, nên nhà nào cũng cố đúc một tấm để ở, không có tiền làm mầu nên, bên ngoài thì nhem nhuốc, bên trong thì rỗng,  không nhà nào có nổi triệu bạc để dành,  phòng khi đau ốm. Có gia đình xây xong cái nhà trả nợ cả chục năm không dứt.
            Trí  là con ông anh thứ hai tôi, năm nay sút xít năm chục tuổi. Hồi anh tôi hy sinh  nó mới lên ba. Năm 1980, Trí mười bảy, nhập ngũ, lên biên giới đánh nhau với bọn bành trướng Trung Quốc, không bị thương ,nhưng vác đạn bị sụn xương sống, giờ  ốm nhom, đi đứng lòng khòng. Năm kia một mình Trí lặn lội vào Quảng Ngãi tìm kiếm, gói gém chút xương cốt của bố vào ba lô đeo về.
             Tri nói với tôi:
            - Sáng mai cánh nhà Quýnh bên thôn Thượng, rước vong bà Quyền về  chú ạ! Tổ chức rầm rộ lắm!
            - Bà ấy chết rồi à?
            - Vâng, mai là 49 ngày!
            - Chôn ở đâu mà rước vong về quê?
            - Dạ ở Hà Nội, nhưng rước linh về từ đường !
             Bà Quyền là vợ ông Quyền, một người nổi tiếng ở quê tôi. Ông ấy tham gia cách mạng từ phong trào Mặt trận bình dân, bị tù Côn Đảo, sau cách mạng tháng Tám ra tù làm công tác kinh tài cho đảng. Có một câu chuyện kể vể ông ấy nghe như chuyện cổ tích.
             Năm 1946 ông ấy được cử đi mua vũ khí chuần bị cuộc kháng chiến chống Pháp. Trên đường đi rẽ qua nhà, mang theo một ruột tượng vòng vàng, nhẫn vàng. Đêm ấy, ông  dấu vàng trong cót thóc, đi ngủ. Nào ngờ thằng em trai biết, lấy  trộm ba chỉ vàng đi chơi sóc đĩa thua sạch. Sáng hôm sau,  thấy mất dấu, ông Quyền mang vàng kiểm lại, biết mất, liền gọi cả nhà tra xét.
               Thằng em chối quanh mãi rồi phải nhận. Ông Quyền ra bờ tre, chặt cây roi, vào đứng vái trước bàn thờ ba vái, rồi chỉ mặt thằng em :
              - Số vàng này là vàng Cụ Hồ xin dân để mua vũ khí đánh Tây,giữ độc lập. Đấy là mồ hôi, xương máu của dân, không ai được phép tơ hào. Mày trót lấy thì phải trả lại. Trước khi trả, tao phải nghiêm trị mày theo gia pháp và quốc pháp ?
               Ông Quyền bắt em chổng mông, quất ba roi quắn đít, rồi dắt con trâu ra chợ, bán lấy tiền mua ba chỉ vàng mang trả chính phủ. Mấy năm sau, ông Quyền bị Tây bắt ở Thái Bình, chúng tra tấn rất giã man,ép ông khai chỗ cất dấu vàng và tiền bạc của cách mạng, ông không khai, chúng mang ông ra bắn.
               Ông Quyền có hai người con, trai tên Liêm, gái tên Khiết. Ông đặt tên con để tỏ cái tâm cái trí của mình.  Liêm, Khiết đều  được nhà nước cho sang Liên Xô học hành tử tế. Người con gái lấy chồng  cán bộ lãnh đạo ngành văn hóa, người con trai là tiến sỹ triết học Max-Lê,  được phong hàm giáo sư, làm  bí thư đảng ủy một trường đại học lớn.
                Nhưng hình như cả hai người con ông Quyền đều không nối chí  theo ông. Gia đình ông Liêm, bà Khiết giàu có tiếng, nhờ buôn  bán chức quyền.
                 Mới năm kia, báo chí phanh phui vụ mua bán điểm ở trường đại học X, người cầm đầu là vợ ông Liêm.  
               Lễ rước linh bà Quyền tổ chức rất linh đình. Xe to xe bé từ Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng và các nơi đổ về đỗ kín hết đường, cờ lọng rợp trời, hoa tươi bày từ nhà ra tận ngõ, cỗ bàn la liệt, tính số khách khứa phải hơn ngàn người.
             Nghe ông Liêm nói với mọi người, hôm bà Quyền mất, tổ chức đám tang ở Nhà tang lễ chính phủ, vì thởi gian eo hẹp, đường sá xa xôi, không báo tang hết, và  nhiều người khộng kịp đến viếng, ngỏ lời hân hận,trách móc. Nên hôm nay ông Liêm, bà Khiết phải tổ chức rước linh cụ về quê, một công  đôi  việc,  một là để cụ sum họp với tổ tiên, hai là thỏa lòng thân bằng quyến thuôc, bạn hữu gần xa, được tỏ lòng hiếu với cụ!
               Vợ chồng con cháu ông Liêm bà Khiết về đông đủ. Mỗi gia đình kê một dãy bàn nhận tiền phúng điếu riêng. Nam bên tả, nữ bên hữu, ông Liêm kê bàn bên phải, bà Khiết kê bàn bên trái, người nào đứng đầu bàn người ấy, trực tiếp  nhận tiền phúng và đáp lễ. Khách ông Liêm phúng bàn ông Liêm, khách bà Khiết phúng bàn bà Khiết. Những người trong gia tộc, là khách chung của hai người, thì  chia tiền làm hai phúng mỗi bên một phần.
              Sở dĩ phải tách bạch như vậy, vì nghe nói, hôm làm đám tang cụ ở Hà Nội, đã xảy ra chuyện không hay. Hôm ấy phân công bà Oanh vợ ông Liêm phụ trách khâu tài chính, đứng ra nhận tiền phúng điếu. Khi tổng kết, số tiền thu được ba tỷ bảy trăm hai chục triệu đồng. Số tiền ấy không khớp với dự toán, lại  thất lạc hơn chục cái phong bì ghí tên người phúng. Bà Khiết nghi em dâu ăn gian, cứ truy mãi, rồi nói bóng gió, là ăn tiền  bán điểm cho sinh viên chưa chán còn ăn chặn tiền phúng điếu? Bà Oanh vốn đanh đá có tiếng, dẩu mỏ chửi:
               - Nói điêu vừa thôi, kẻo ra đường xe nó cán cụt cẳng!
                Bà Oanh nói kháy bà Khiết đấy, vì chồng bà Khiết cụt chân. Ông này năm 1972, cùng cơ quan đi sơ tán ở Suối Hai, nhảy nhót bị gẫy chân, phải cưa, sau lập hồ sơ giả, nhờ chạy chọt, được công nhân thương binh. Bà Khiết tức quá chửi em dâu:
                 - Cụt cẳng còn đỡ, chột mắt mới khiếp!
                 Bà Khiết móc bố bà Oanh ra chửi đấy! Hai người cùng có học nên chửi nhau có văn hóa, chứ không bỗ bã như bọn hàng tôm hàng cá! Bà Oanh tức quá, vung tay vả vào miệng bà Khiết một nhát.  Không ngờ bà Khiết có hai cái răng cửa vốn đã lung lay, gẫy văng ra.
               Thế là rách việc. Cuối cùng ông Liêm phải làm trọng tài giải quyết, trích tiền phúng bồi thường hai cái răng cho bà Khiết theo giá  thị trường, còn bao nhiêu chia đôi.
               Cuộc rước linh bà Quyền diễn ra gần một ngày. Ông Liêm đọc lời cảm tạ giống hôm lễ tang trên Hà Nội, cảm động lắm. Ông Liêm nói:
              - Cha mẹ chúng tôi mất đi, đã  để lại cho con cháu một tài sản vô cùng quý báu, đó là "tình thương yêu nhau và nếp sống trong sạch, liêm khiết" !
              Lần này nhờ tổ chức khoa học, tách bạch ngay từ đầu, nên chuyện tiền phúng điếu không sảy ra tranh chấp. Bên ông Liêm thu được hơn chín trăm triệu, bà Khiết được bảy trăm hai mươi ba triệu.
              Bà Oanh nói bô bô:
              - Lòi cái mặt ra chưa? Lần trước hưởng một nửa kia đấy!
              Bà Khiết nói:
              - Mắt em kém nên nhìn gà hóa cuốc chị a!
              Người làng tôi nói với nhau: “Mẹ chết chúng nó tổ chức đám ma hai lần để moi tiền, mà nói bố mẹ  để lại tài sản vô giá, quả là "liêm khiết", cái thứ đồ dơ thức dáy!”.
              Vừa rước linh bà Quyền xong, thì đến đám ma bà Mão, ở thôn Trung. Mùa rét các cụ hay rủ nhau đi lắm. Nhiều cụ ra đi vội vàng quá, con cháu ở xa không kịp về nhìn mặt lần cuối, đâm ân hận. Nhưng trường hợp bà Mão thì ai cũng bảo, thôi thế là cụ thoát tội!
              Vợ chồng bà Mão có hai con trai. Người con trai thứ hai nhập ngũ cùng một ngày với tôi, đi chiến trường C, hy sinh năm 1967, chưa có vợ con. Người con  cả lấy vợ cùng làng, có  một con trai. Anh  đang làm công nhân Khu gang thép Thái Nguyên bị động viên vào bộ đội năm 1971, năm 1972 hy sinh ở Quảng Trị.
       Năm trước báo tử đứa con thứ hai, năm sau báo tử đứa con cả, ông Mão đổ bệnh mấy tháng thì chết.  Bà Mão nuôi thằng Tuất, cháu nội, cho mẹ nó đi lấy chổng khác. Tuất lớn lên, lấy vợ, đẻ một lèo ba đứa con gái, tức quá, bỏ quê ra Quảng Ninh làm ăn, và lấy vợ khác. Tuất tưởng kiếm thằng con trai chống gậy, ai ngờ lại tòi ra hai con vịt trời !
              Không may vợ chồng Tuất bị sập lò than  thổ phỉ chết, để lại hai đứa con nheo nhóc cho bà nội nuôi.
              Bà Mão mỗi ngày một già yếu, nhưng nghị lực thật phi thường. Bà mò cua bắt ốc, đi nhặt cỏ thuê, đi lượm đồng nát, gom góp nuôi hai đứa chắt. Người cháu dâu có ba đứa con gái bị chồng bỏ rơi là người tử tế, coi hai đứa con người vợ sau của chồng như con mình, nhờ vậy căn nhà ấm cúng.
       Nhưng con gái như trái trên cây, vừa đỏ hây hây có người nẫng mất! Mấy đứa chắt gái của bà Mão lần lượt đi lấy chồng, để lại một mình bà sống với người cháu dâu.
              Bà Mão trước còn gắng gượng đi ra đi vào, ba năm nay, người bà quắt lại, cong như cái chữ C, lại bị lẫn, ăn rồi nói chưa ăn, có khi bốc ăn cả đồ dơ, khiến người cháu dâu vừa vất vả vừa bị mang tiếng oan. Căn nhà bà vắng tanh, lạnh lẽo như nhà ma! Ban ngày bà Mão im lặng, ngủ li bì, nhưng đêm bà Mão không ngủ, cứ réo tên hai người con mà gọi:
              - Hờ Tùng ơi! Hờ Bách ới! Các con ờ đâu về đón mẹ đi v..ớ..i !
              - Hờ Tùng, hờ Bách ơi….
              Tiếng réo gọi của bà Mão trong đêm khuya khoắt như tiếng gọi hồn, vang rất xa, nghe não nùng và rợn tóc gáy.
               Đám ma bà Mão không có kèn tây trống ếch. Dù bà là Mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng thân cô thế cô, người ta chỉ làm qua quýt cho xong việc! Tiền phúng viếng theo kiểu trả nợ đồng lần với nhau, được tất cả 17 triệu, vừa đủ mua áo quan và 20 mân cỗ theo tục lệ gần như bắt buộc ở quê tôi bây giờ.
             Ông Liêm cũng tới viếng bà Mão. Thấy không có vòng hoa, ông động lòng bảo lái xe:
             - Đồng chí chạy sang bên chỗ rước linh mẹ tôi mang sang đây một vòng hoa!
             Người lái xe nói:
             - Người ta vứt ra đống rác hết rồi sếp ơi!
             - Tiếc nhỉ! Cần phải lên án mạnh cái sự lãng phí ấy!
             Ông Liêm nói vậy rồi bỏ năm chục ngàn vào bì thư phúng viếng bà Mão. Ông chợt nhìn thấy tôi, mỉn cười, gật đầu chào.
              Ông Liêm kém tuổi tôi, học sau tôi mấy lớp, và khi tôi ở chiến trường thì ông ở Liên Xô nên không quen nhau. Mấy năm trước về quê tình cờ gặp ông một lần, hôm nay là lần thứ hai.
              Ông tiến lại bắt tay tôi và nói: 
              - Tôi thỉnh thoảng có đọc những bài báo anh viết! Nói chung là sắc sảo, có tính nhân văn, nhưng  yếu về tính đảng, anh nhìn sự vật theo cảm tính nên bi quan, phải có cách nhìn theo hướng vận động, phải phân tích sự vật bằng ý thức chủ quan có chính kiến…
               Ông Liêm nói liên tục, nói tràn lan như đọc một bài văn viết sẵn,mắt ông không nhìn tôi, hai tay khua khua, đấu lắc lư như lên đồng.
               Cũng may lúc đó Ruỹnh cùng nhóm cựu chiến binh đến.
               Thiếu tá Ruệ thay mặt nhóm đặt vòng hoa trước linh cữu. Đó là vòng hoa duy nhất trong đám tang bà Mão.
               Nhóm cựu chiến binh chúng tôi đứng nghiêm trước anh linh người mẹ đồng đội, im lặng, không ai nói một lời nào, chúng tôi biết giờ này mọi lời nói đều vô nghĩa.
               Bên tai tôi như vẫn văng vẳng tiếng gọi con của Mẹ. Tôi thầm nghĩ: “Mẹ ơi, mẹ không mê lẫn đâu, khi Mẹ cất tiếng hờ con ơi, là lúc Mẹ tỉnh nhất, là lúc lòng mẹ nhói đau nhất, và người ta khi đau nhất là lúc tỉnh nhất Mẹ nhỉ ? Mẹ hãy tin những người lính chúng con nghe rõ lời của Mẹ!”.
                                                     Ngày 2-11, Nhâm Thìn
                                                                    M D              

14 nhận xét:

  1. Cười bể bụng với câu "có tính nhân văn mà yếu tính đảng...". Đời chó đẻ thế bác ạ, thằng ăn không hết, người lần không ra. Mượn câu nói của Hoài Linh trong tuồng Thị Mầu : "thời thế đảo điên, chó mặc váy lĩnh"

    Trả lờiXóa
  2. Thật súc tích,thật nhiều ẩn dụ.Sự căm phẫm tột cùng đối với giả dối,sự chia sẻ đớn đau được thể hiện bằng một thứ ngôn ngữ bình dân trung thực-ngôn ngữ của người lình! Càng dọc Minh Diện -Bùi Văn Bồng càng say, càng có niếm tin hơn về lóng vị tha và lòng tự trọng. Cám ơn hai người lính. Cho tôi thắp một nén nhang cho bà me Mão. ( Lê Văn Hoàng -Hoàn Kiếm-Hà Nội)

    Trả lờiXóa
  3. Tôi hiện sống ở HP. Giờ nghiện đọc Minh Diện-Bùi Văn Bồng. Thực tế phũ phàng nhưng rất hay.Xin cảm ơn 2 anh.

    Trả lờiXóa
  4. Đại tá Nguyễn Thânlúc 08:17 15 tháng 12, 2012

    Tôi đã đọc bài này.Ông MD ạ! Lột tả nỗi đau đời, thâm thúy, sâu sắc. Cần suy ngẫm trong cuộc sống thường nhật, đối nhân xử thế. Có phải là ông viết về quê tôi không?...

    Trả lờiXóa
  5. THẬT KINH KHỦNG ĐOC MÁ DỰNG TÓC GÁY LÊN !TIẾNG HỜI CON CÙA BÀ MẸ NHƯ TIẾNG GỌI HỒN !ĐAU QUÁ ANH DIỆN ANH BONG OI

    Trả lờiXóa
  6. Bac a mien nam con nhieu noi dau hon the nua mong sao

    Trả lờiXóa
  7. Hay quá chú diện. Lúc trước cháu thương nhất những người lính Vnch nay nhờ chú cháu thương luôn Bộ đội.

    Trả lờiXóa
  8. Một bài viết đầy tính nhân văn. Đây cũng là tư tưởng xuyên suốt của mấy chục năm trong nghề cầm bút của nhà báo Minh Diện. Nhiều người từng là cựu chiến binh, cũng đã cầm bút viết những bài đầy tính nhân văn, nhưng sau khi có một tí chức quyền thì thay đổi một cách kinh khủng. Phải chăng chế độ đã sản sinh ra những con người như thế? Phải chăng, chúng ta là nạn nhân của chế độ?

    Trả lờiXóa
  9. Tội của "một bộ phận không nhỏ", không hề nhỏ mà càng ngày càng trắng trợn, nghiêm trọng hơn. Thật khổ và buồn cho dân VN!
    Cảm ơn Minh Diện - Bùi Văn Bồng nhiều nhiều nhé!

    Trả lờiXóa
  10. Đọc những bài viết của Minh Diên -Bùi Văn Bồng phải suy nghĩ mới hiểu các anh muốn nói những gì qua những sự viêc rất thật.Tôi cũng từng là một người lính nên cảm nhận được nỗi dau của các anh, và của dân tộc ta trong mấy chục năm qua. Tôi thấm thía cậu nói của anh nông dân trọc đầu( ý nói người dân): Ai bảo ngu, phơi của ra trước mặt bon cướp! Dân ta phơi hết ruột gan cho bon cướp các anh ạ

    Trả lờiXóa
  11. Em cũng làm báo, đọc và nhớ nhiều tác phẩm của Bác MD nhưng nay mới biết em là đồng hương với Bác, thật tự hào người quê ta...

    Trả lờiXóa
  12. Bác Minh Diên ơi, bác có là truyền nhân hay hậu duệ của Vũ Trọng Phụng, Nam Cao...hoặc con cháu các nhà vănTLVĐ Khái Hưng, Nhất Linh ...không nhỉ? Đọc văn Bác tôi thấy cay cay ở mắt, ngèn ngẹn ở họng, buôn buốt trong lòng...Ngôn ngữ,câu chử thật...tuyệt! Giá tôi là Bộ Trưởng GD tôi sẽ đưa các bài như thế nầy vào sách Văn học phổ thông cho con cháu học...còn có cơ may cứu vãng các linh hồn tội lỗi mai sau..!
    "- Tôi thỉnh thoảng có đọc những bài báo anh viết! Nói chung là sắc sảo, có tính nhân văn, nhưng yếu về tính đảng, anh nhìn sự vật theo cảm tính nên bi quan, phải có cách nhìn theo hướng vận động, phải phân tích sự vật bằng ý thức chủ quan có chính kiến…" Đoạn nầy hình như là Bác Tổng Lú hay phát thanh ..mỗi khi có dịp...bác MD bị nhập tâm rồi..hehe!
    Tôi nghiện MD-BVB rồi...chết... em rồi!

    Trả lờiXóa
  13. Khiếp, đọc truyện của nhà anh Minh Diện này sợ quá! Nếu là thật thì càng sợ!

    Trả lờiXóa