Trang BVB1

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

> LÒNG NHÂN ĐẠO của người Việt Nam

Bắt sông phi công Mỹ nhảy dù xuống ngoại ô Hà Nội

..."Một ngày hè rất nóng, người gác tù đi ra thành phố. Khi trở về trại, anh ta đem theo một ít chanh và làm nước chanh cho chúng tôi. Chúng tôi nghĩ rằng, đó là một trong những điều vĩ đại nhất trên thế giới. Nó biểu thị cho chúng tôi thấy lòng nhân đạo của người Việt Nam. Đối với chúng tôi, chẳng có thù ghét gì giữa tù nhân với người gác”.
(Phi công Nô-rít Sác)
Trong số hàng trăm phi công Mỹ bị bắn rơi, đưa về nhà giam Hỏa Lò những năm kháng chiến chống Mỹ, có hàng chục người thuộc dòng dõi thượng lưu ở nước Mỹ. Ở trong “khách sạn Hin-tơn” (cách gọi của tù binh Mỹ về trại giam Hỏa Lò), những “thiếu gia” này được đối xử nhân đạo và bình đẳng như những tù binh khác. Sau khi được trao trả, đã có người "đổi giọng", nhưng phần đông tù binh Mỹ đều khẳng định và thừa nhận chính sách nhân đạo của Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Kim Lai
(O du kích nhỏ năm xưa)

Trong số những “thiếu gia” ngày ấy, nổi tiếng nhất có lẽ là phi công Giôn Mắc-kên. Ông nội của Giôn Mắc-kên là đô đốc, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, từng là đại diện cho Hoa Kỳ chứng kiến lễ ký kết việc đầu hàng vô điều kiện của Nhật hoàng với quân đồng minh trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Tiếp sau đó, bố của Giôn Mắc-kên cũng làm tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương.
Tiếp nối sự nghiệp của cha ông, ngày 26-10-1967, thiếu tá, phi công Giôn Mắc-kên lái chiếc máy bay A4-C ném bom miền Bắc Việt Nam. Mục tiêu cụ thể của viên phi công này là ném bom Nhà máy điện Yên Phụ-nguồn cung cấp điện cho Thủ đô Hà Nội. Thật không may cho Giôn Mắc-kên, chiếc máy bay do ông ta điều khiển bị tên lửa của Tiểu đoàn 61 thuộc Trung đoàn 236 bắn hạ, bốc cháy, đâm xuống khu xỉ than của Nhà máy điện Yên Phụ. Giôn Mắc-kên kịp nhảy dù, rơi xuống hồ Trúc Bạch. Ông ta bị chấn thương nặng, chân tay gẫy nát, mê man bất tỉnh. Giôn Mắc-kên được những chiến sĩ tự vệ Hà Nội cứu vớt và kịp thời đưa đến Viện Quân y 108 chữa trị. Tại đây, ông được các bác sĩ Viện Quân y 108 hết lòng cứu chữa. Tuy nhiên, khi tỉnh dậy, ông ta vẫn tỏ ra khá kiêu ngạo. Bỏ qua sự kiêu căng của viên phi công Mỹ, các thầy thuốc Viện Quân y 108 vẫn hết lòng chữa trị, băng bó vết thương và dành khẩu phần ăn tốt nhất để Giôn Mắc-kên nhanh chóng hồi phục sức khỏe. 
Tù binh phi công được Việt Nam 
trao trả cho phía Mỹ năm 1973 tại sân bay Gia Lâm. 
(Ảnh chụp lại từ Bảo tàng Chiến thắng B-52).
Nhà văn Nguyễn Tuân, đến gặp Giôn Mắc-kên khi ông ta đã khỏe mạnh, liền hỏi: “Thế cái nhà máy điện của chúng tôi cũng là mục tiêu quân sự hả ông?”. Giôn Mắc-kên không biết trả lời ra sao. Sau đó, ông ta thừa nhận đã vào ném bom miền Bắc 23 lần và cho biết, phi công Mỹ đã đánh bom Nhà máy điện Yên Phụ nhiều lần nhưng Hà Nội thì vẫn sáng đèn. Được đối xử nhân đạo, ông ta dần thay đổi thái độ, nhiều lần bày tỏ “chỉ mong chiến tranh sớm kết thúc để tôi được tha về. Bố tôi cũng không cứu được tôi. Tổng thống cũng không cứu được tôi”.
Giôn Mắc-kên được trả tự do tháng 3-1973, trở về nước tham gia hoạt động chính trị, trở thành Thượng nghị sĩ của nước Mỹ. Ông đã tham gia thúc đẩy mối quan hệ Việt-Mỹ nhưng đến năm 2008, khi ra tranh cử chức Tổng thống Mỹ, Giôn Mắc-kên vẫn có những đánh giá thiếu chính xác về thời gian "nghỉ dưỡng" ở "khách sạn Hin-tơn". Ông Trần Trọng Duyệt, Trại trưởng Trại giam Hỏa Lò thời kỳ Giôn Mắc-kên làm “khách” ở đây, đã trả lời các tờ báo nước ngoài rằng: “Ông Giôn Mắc-kên đã nói dối khi nói rằng bị đánh đập. Chắc ông ấy làm thế để mong tăng điểm trong mắt cử tri Mỹ. Chúng tôi vẫn tha thứ cho Giôn, vẫn coi ông ấy là bạn, để khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”.
Đại tá Trần Trọng Duyệt (quân phục, đứng giữa),
cựu "giám đốc Khách sạn Hin-tơn"

Bên cạnh Giôn Mắc-kên, “khách sạn Hin-tơn” còn đón nhiều “thiếu gia” khác như: Thiếu tá, phi công Pi-tơ Sốp-phen, lái máy bay A4, bị bắn rơi tại Hải Phòng ngày 4-10-1967, con của trung tướng hải quân Man-côn Phăng-xin Sốp-phen. Phi công Lan-ri Đô-nan Prai-xơ, bị bắn rơi đầu năm 1972, con của thiếu tướng không quân Oan-ran Prai-xơ. Thiếu tá, phi công Ti-ô-đô Oa-lê-xơ Tri-ben, bị bắn rơi tại Ninh Bình tháng 8-1972, con của trung tướng hải quân Ốt-tô Tri-ben... Những vị “thiếu gia” này, khi bị bắt đều “xin” được đi họp báo. Lúc đó, cán bộ trại giam đều tự hỏi: “Vì sao những phi công Mỹ không cảm thấy xấu hổ mà lại thích đi họp báo?”. Qua các “thiếu gia”, phía ta mới biết, họ thích đi họp báo vì như vậy sẽ được các nhà báo quốc tế đang tác nghiệp tại Hà Nội quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn và truyền về nước Mỹ. Chỉ có cách ấy, gia đình mới biết và yên tâm là “công tử” nhà mình còn sống và khi Việt Nam ca khúc khải hoàn thì nhất định con em họ sẽ được trao trả.
Có một “thiếu gia” khá nổi tiếng, về sau đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Mỹ là Pê-tơ-sơn, Đại sứ đầu tiên của nước Mỹ tại Việt Nam sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995. Pê-tơ-sơn là người gốc Thụy Sĩ, lái F4 vào đánh phá cầu Phú Lương và cầu Lai Vu đêm 10-9-1966 nhưng bị bắn rơi, nhảy dù xuống thôn An Đoài, xã An Bình, Nam Sách (Hải Dương). Hồi tưởng về lần bị bắn rơi, Pê-tơ-sơn đã thành thật nói: “Lúc bị người dân Việt Nam bắt, rất có thể tôi đã bị giết chết, rất may đã có người ngăn lại và tôi vô cùng biết ơn điều đó”.
Trong số những phi công Mỹ bị bắn rơi, sau khi vào “khách sạn Hin-tơn” đã thành khẩn nhận ra tội lỗi của mình, có Nô-rít Sác. Anh này bị bắn rơi ngày 30-12-1971 và là một trong 3 phi công được trả tự do ngay từ tháng 9-1972. Về nước, Sác đã nói lên sự thật, viết hồi ký “Những ngày trong trại giam” do nhà báo S.Giê-phơ ghi lại, có đoạn: “Đêm đó, tôi phát hiện một trong những điều quan trọng nhất của đời tù binh: Mỗi năm được 6 bữa ăn thịnh soạn vào những dịp lễ tết của Việt Nam... Không phải thường xuyên nhưng chúng tôi có sách để đọc. Tôi được đọc một lô sách nói về chiến tranh có tác giả Mỹ viết... Một ngày hè rất nóng, người gác tù đi ra thành phố. Khi trở về trại, anh ta đem theo một ít chanh và làm nước chanh cho chúng tôi. Chúng tôi nghĩ rằng, đó là một trong những điều vĩ đại nhất trên thế giới. Nó biểu thị cho chúng tôi thấy lòng nhân đạo của người Việt Nam. Đối với chúng tôi, chẳng có thù ghét gì giữa tù nhân với người gác”. 
Bài và ảnh: HỒNG HẢ
(Báo QĐND)
--------------------------

Bùi Văn Bồng
NÓN TRẮNG VÀ CỰU PHI CÔNG MỸ

     Đội đầu nón trắng quê tôi
Giờ ông còn nhớ một thời chiến tranh?
     Ông thì cao lớn lênh khênh
Nội tôi chìm giữa gập ghềnh đường mưa
      Nội tôi chỉ biết cày bừa
Thấy bầy phản lực như vừa chiêm bao
     Lội đồng ống thấp ống cao
Nội tôi đâu biết bổ nhào trên không

     Ông săn nón trắng giữa đồng
Bom và rốc - két nổ tung đất bùn
     Nội tôi già yếu chân run
Máu loang thấm đất khói hun đỏ trời
      Máy bay ông bị bắn rơi
Nội tôi cũng hả dạ nơi suối vàng
   
     Bây giờ trở lại Việt Nam
''Mục tiêu...nón trắng" có làm ông đau?
     Ngậm ngùi nón trắng đội đầu
Mắt ông ngấn lệ loang màu lúa xanh :
     " Bao dung , nhân hậu đất lành
Nón này kỳ diệu lòng thành Việt Nam  "
   BVB 

2 nhận xét:

  1. Những bài mang tính LỀ TRÁI bao giờ cũng được quan tâm nhiều hơn. Khái niệm DÂN CHỦ biết bao giờ mới thôi bị bỏ vào NGOẶC KÉP.
    THẠCH LÃO GIA

    Trả lờiXóa
  2. Chuyện ngày xưa như thế.Chuyện ngày nay thì khác.Ngay cả dân mình còn không tha.

    Trả lờiXóa