Trang BVB1

Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

> LẠI VẪN "ĂN CẮP GÀ" !

 
 * Nhà thơ Đỗ Trung Lai
              Thời Đông Chu (770 - 221 tr.CN), khi Mạnh Tử lần đầu yết kiến Lương Huệ Vương, Huệ Vương hỏi: “Ông có điều gì làm lợi cho nước tôi không?”, Mạnh Tử đã bảo: “Nhà vua tất phải nói đến lợi. Chỉ có nhân nghĩa mà thôi”...
Lại khi nghe Đới Doanh Chi nước Tống, xin vua “tạm giảm thuế cho dân rồi năm sau mới bỏ hẳn”, ông mắng thẳng vào mặt: “Có kẻ ăn cắp gà nhà hàng xóm, biết là sai, xin ăn cắp bớt đi, mỗi tháng một con thôi, rồi năm sau sẽ chừa hẳn, thì nghe có được không?”.
*
              Xem thế, đủ biết, Mạnh Tử coi trọng nhân nghĩa hơn là cái lợi trước mắt. Bởi vì nếu dùng nhân nghĩa để trị quốc, thì mới có lợi lâu dài - cho quốc gia, cho chung xã hội, chứ không chỉ cho một nhóm người nào - khác hẳn cái “lợi” mà Lương Huệ Vương và Đới Doanh Chi nghĩ. Và, cũng rõ ràng, ông coi việc bắt dân đóng thuế nhiều, là hành động “ăn cắp gà”, phải dừng ngay, không “dừng từ từ” được.
 
         Ít năm trước, theo lời dặn của Bác Hồ, ta đã thôi thu thuế nông nghiệp và thôi cả thu thuỷ lợi phí cho nông dân. Đó chính là nhân nghĩa, và với một nước mà nông dân vừa đông vừa nghèo như nước ta, lại càng là nhân nghĩa.
                Đùng một cái, Bộ Giao thông vận tải dự báo, doạ thu đủ các loại phí, “đội giá” xe các loại lên cao nhất thế giới! Còn Bộ Tài chính thì chứng minh rằng, các doanh nghiệp xăng dầu “không thể lỗ”, hoặc “lỗ giả lãi thật”, thì giảm thuế nhập khẩu xăng dầu xuống mức 0 và tăng ngay giá bán lẻ xăng dầu (rồi bị phản ứng thì… xuống rất chậm)!
                 Thử tính, con em nông dân bỏ quê, bỏ ruộng, vào tận tít Đồng Nai, Biên Hoà, làm công ăn lương cho các doanh nghiệp (con các nhà “có điều kiện” thì không đi rồi), lương ít, dành dụm mua được cái xe máy, sau khi phải ăn, ở, mặc…, giờ lại phải đóng “phí đường bộ”, lại phải chịu giá xăng dầu cao, thì có phải là lại “đánh” vào “nông dân - nông nghiệp - nông thôn” mà Chính phủ đang khuyến khích ưu đãi không (chưa kể đến đông đảo các đối tượng thu nhập thấp khác)?
              Mới đây nhất, Bộ Tài chính lại vừa ban hành Thông tư về chế độ thu, nộp phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện. Ngoài ô tô các loại, mức thu 50.000 đồng một năm được áp với xe máy dưới 100cc; xe có dung tích trên 100cc được áp khung phí từ 100.000 đến 150.000 đồng. UBND cấp tỉnh, thành sẽ quyết định mức thu phù hợp với địa phương mình. Việt Namhiện có khoảng 35 triệu xe mô tô và 1,5 triệu xe ô tô. Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, mỗi năm số tiền thu từ đầu ôtô trong cả nước đạt hơn 6.800 tỷ đồng; tiền thu được từ 50% số môtô, xe máy đã đăng ký sẽ đạt 2.400 tỷ đồng. So với một vụ tham nhũng thì số tiền này không thấm tháp gì, nhưng đối với người nghèo thì lại phải gánh thêm một khoản “tận thu”…cạn tàu ráo máng. Nhiều vụ tham nhũng và "nợ xấu ngân hàng" biết là số tiền đã bị tư túi mà xử lý nhẹ hều rồi cho qua, không thu lại được. Thất thoát cả trăm nghìn tỉ, chỉ cần "xin lỗi" là xong, không ai đụng đến, coi như tự tại ôm trọn gói. Cả đàn bò thì thả ra rừng nhưng lại đi lùng bắt mấy con gà. Trong khi CPI tăng đến chóng mặt, cứ cái kiểu bày ra đủ thứ để thu tràn thế này thì túi người nghèo đã lép, lại càng bị teo tóp thêm.

              Do vậy, thật khó gọi đó là “nhân nghĩa”. Đã không “nhân nghĩa”, tức là tìm “lợi”. Tìm lợi thì cũng phải tìm lợi trong nhân nghĩa, tức là tìm lợi cho quảng đại xã hội để có được sự “tâm phục, khẩu phục” của đa số nhân dân.
                 Ví như, ít nhất, trước khi tăng phí, tăng giá, phải trả lời được hai câu hỏi sau đây:
               1. Tăng phí, tăng giá thì ai khổ nhất?
               Nếu thấy người khổ nhất là đông đảo đồng bào nghèo của mình, thì đừng làm. Và, có thể, chỉ nên thu phí, tăng giá, đối với những người có “thu nhập cao” thôi.
               2. Từ thời đổi mới, ta đã vay nước ngoài rất nhiều, dân ta sẽ còn phải trả nợ lâu dài. Giờ có nên bắt họ trả thêm cái “nợ nóng”, khi tăng phí, tăng giá không?
              Nếu biết thế nào là nhân nghĩa, thấy người khổ nhất là đông đảo đồng bào nghèo của mình, thì đừng làm. Và, tốt nhất là quay sang cải cách hành chính, giảm chi tiêu công; truy thu những của tham nhũng lớn làm rỗng quốc khố; cải cách quản lý để các doanh nghiệp lớn của nước ta không còn thua lỗ nhiều nghìn tỉ đồng như trước và nay nữa, rồi lấy cái đó mà bù phí, bù giá cho dân.
              Làm thế được, mới là nhân nghĩa, là lợi lâu dài, căn bản cho cả xã hội. Nếu không, chỉ còn là “lợi”, vẫn là cái kiểu “ăn cắp gà” mà Mạnh Tử đã nói mà thôi.
Đ.T.L (vanvn.net)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét