Trang BVB1

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

> GÁNH NẶNG NỢ VỚI MÁU ĐÀO

Máu đổ trên đảo Gạc Ma - Tranh trên các báo
và trưng trước cửa ga Hàng Cỏ - Hà Nội - 1988
* MINH DIỆN
                 Ngày 7-4-1966, trên bến Mễ Sở (Văn Giang-Hưng Yên), trung đoàn công binh 239 bắc cầu phao vượt Sông Hồng. Đêm ấy, tôi cùng  đồng đội gác trên cầu, hứng từng cơn gió lạnh cắt da, nhìn những chiếc xe kéo pháo phủ lá ngụy trang lăn bánh. 
Bỗng chúng tôi nghe tiếng hô vang:
                 - Hồ Chủ tịch muôn năm!
                 - Bác Hồ!
                 Hồ Chủ tịch cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuất hiện đột ngột trước chúng tôi. Cuộc thăm không hề báo trước. 
                 Trung đoàn trưởng Hồ Phê báo cáo kết quả lần đầu tiên bắc cầu phao vượt sông Hồng cho xe ra tiền tuyến.
                 Hồ Chủ tịch nghe xong nói: “Mỗi ngày cố gắng nhanh hơn một phút, hôm sau tiến bộ hơn hôm trước! Giao thông như mạch máu trong cơ thể không thể ngừng chảy!”.
                  Là người lính công binh trong chiến tranh chúng tôi hiểu: Muốn nối liền mạch máu giao thông thì người lính phải có đổ máu! Một tuần sau, dưới  khúc sông ấy, máy bay Mỹ rải bom từ trường. Với quyết tâm thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch, không để mạch máu giao thông ngừng chảy, Lưu Bá Ước, người lính cùng quê, cùng nhập ngũ với tôi, đã xung phong  lái chiếc ca nô 130 mã lực, mở hết tốc độ lướt trên mặt sông, kích nổ những quả bom từ trường để thông dòng bắc cầu phao. Quả bom cuối cùng  hất tung chiếc ca nô và Lưu Bá Ước lên cùng cột nước đỏ ngầu, cảnh tượng chỉ trong nhoáng nhoàng mà thật là thảm khốc. Lưu Bá Ước hy sinh, trước khi  nhịp  cầu phao nối hai bờ, những đoàn xe kéo pháo rùng rùng qua sông đến các trận địa bảo vệ Thủ Đô.
                 Trên đường hành quân vào chiến trường miền Nam, chúng tôi chứng kiến nhiều đồng đội chết vì sốt rét, vì bị bom đạn.  Đồng đội  ngã xuống hết người này đến người khác, giản dị hơn cả một cây rừng bị đốn, chẳng để lại cho gia đình, người thân một dấu tích, một kỷ vật nào. Họa hoằn mới có người nói được vài lời  trước lúc hy sinh, hoặc để lại vài trang nhật ký.
                 Có những cái chết tức tười của đồng đội  đến  giờ vẫn ám ảnh tôi, nhiều đêm tôi không thể nào chợp mắt được.
                 Tết Mậu Thân, đại đội tôi đột nhập vào ngã tư Bảy Hiền đêm 30, đúng giao thừa nổ súng. Sự việc diễn ra bất ngờ, đối phương không kịp trở tay. Ta làm chủ khu phố.
                 Nhưng sau đó đối phương  phản công, xe tăng bít chặt các đầu phố, máy bay trực thăng quần đảo rà sát các nóc nhà, bộ binh mở từng đợt tấn công liên tiếp. Chúng tôi  không thuộc đường, cứ loanh quanh trong các con hẻm ngoắt ngoéo. Từ trên máy bay, lính Mỹ  nhìn xuống, thấy bóng áo xanh là bắn như vãi đạn. Ngày mùng ba, mùng bốn tết, đại đội còn sức chiến đấu, sang ngày mùng năm thương vong gần hết, số còn lại mất liên lạc, từng nhóm sống sót tùy nghi  tác chiến, và tìm cách vượt vây rút về căn cứ địa đạo Củ Chi.
               Tôi, Mịch, Kiên, Đàm,Thực nhập thành một nhóm. Bốn giờ chiều mùng năm, đụng  một toán lính ở ngã ba Tái Thiết, Đàm, Thực hy sinh, Kiên bị thương. Lợi dụng nhấp nhá tối, đối phương rút,  tôi và Mịch dìu Kiên vào con hẻm đường Quảng Hiền. Đây là khu  phố  toàn người Quảng Nam,  đêm giao thừa  bà con vui mừng đón chúng tôi, giờ bỏ đi hết , để lại nhà không, đường trống.
                Tôi, Mịch và Kiên chui rúc trên cái gác la phông, căn nhả số 86 để trốn. Gác la phông sát mái tôn muốn di chuyển phải bò. Ngoài Bắc mùng 6 tết còn rét, ở đây nắng như lửa. Chúng tôi nằm  trên la phông, như bị kẹp giữa hai lớp nồi rang nóng bỏng. Lúc đầu mồ hôi ướt đẫm, sau toàn thân bị vắt khô, quắt lại. Vết thương của Kiên sưng lên từng giờ, rất đau đớn. Mặt Kiên không còn hạt máu nào, trắng bệch như sáp ong, hai hố mắt lõm sâu, miệng vêu vao, đôi môi teo lại.
              Tiếng giày lính rầm rập trên đường, tiếng hô đuổi bắt tù binh, tiếng kêu thét của đồng đội dưới đường dội lên, thỉnh thoảng lại một tràng súng nổ. Mỗi giờ trôi qua với chúng tôi dài như một thế kỷ. Kiên cố gồng người chịu đau, nhét cuộn băng vào miệng để khỏi phát ra tiếng kêu rên.
              Kiên nói với tôi:
             - Anh giúp em chết, đau quá không nổi!
              Tôi nói:
             - Cố gắng!
             - Em tình nguyện chết để anh và thằng Mịch thoát!
             Tôi động viên Kiên, bảo nói chuyện khác cho quên đau. Nghe lời tôi, Mịch cố gợi chuyện với Kiên:
             - Hồi sắp đi bộ đội, tao định hôn con bạn, nhưng khi nó chìa má, tao lại sợ..
              Kiên ứa nước mắt góp chuyện:
             - Tao vừa nhận giấy gọi vào đại học thì nhập ngũ! Tao không sống được mày ạ!
              Mịch bóp chặt hai bản tay run rẩy của Kiên, mếu máo:
             - Mày không chết đâu Kiên ơi! Đừng chết nghe Kiên!
              Mịch và Kiên cùng tuổi mười chín, quê Thanh Hóa, mới vào chiến trường vài tháng, đây là lần đầu xung trận. Số phận  gắn kết chúng tôi với nhau cách đây không lâu.
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
              Chuyện xảy ra khi tôi hành quân vào trạm cuối cùng, không có giấy tờ giao quân vì chính trị viên Nguyễn Thanh Bình đào ngũ (tôi đã kể trong bài "Từ chuyện đào ngũ...", Blog Bùi Văn Bồng > http://www.thuvien-it.net/home/forum/forum_posts.asp?TID=14701), tôi biến thành một anh lính trơn. Chưa biết đi đâu thì bị sốt rét, phải nằm trạm quân y K8, vừa cắt sốt  đơn vị bộ binh đến vét đi chiến dịch, tôi biến thành lính bộ binh bất đắc dĩ. Tôi được biên chế vào tiểu đội của Kiên, Mịch, tiểu đội trưởng chết tôi lên thay, trung đội trưởng chết tôi lên thay, giở rốt cuộc chỉ còn lại ba anh em với nhau, không biết sẽ sống chết thế nào?
              Lúc chuẩn bị vào chiến dịch không khí háo hức lắm. Lính tráng  dỡn nhau không nhanh lon sữa cũng không còn mà lượm! Mỗi người chỉ mặc một bộ quần áo, chiếc võng ni-lon gấp gọn bằng hai bao thuốc lá gài giây lưng, quân trang bỏ lại cứ hết. Cấp trên phổ biến nhiêm vụ đánh nhanh thắng nhanh,  động viên đây là cuộc tổng tấn công nổi dậy đồng loạt toàn miền Nam, giành thắng lợi hoàn toàn. Khí thế sôi sục đến mức nhiều đứa đang sốt rét run cầm cập vùng dậy xin đi. Hành quân ngày đêm không nghỉ, tới đâu cũng thấy khí thế tổng tấn công. Bộ đội đi trước, dân công gánh gạo, vác đạn theo sau. Có khi hành quân công khai trước bốt bảo an, dân vệ mà bọn chúng không dám nổ súng, lính mình càng phấn khởi, càng tin vào trận thắng cuối cùng.
             Rồi cái giờ phút cả Sài Gòn bừng tiếng súng tấn công nổi dậy thay tiếng pháo đón giao thừa, tiếng loa phóng thanh kêu gọi binh lính Sài Gòn ra hàng, nhân dân đổ ra đường, như  trong một giấc mơ. Giấc mơ tan rất nhanh, thay vào cơn ác mộng….
             Khoảng mười giờ đêm mùng 6 tết, thấy yên ắng, tôi và Mịch bò xuống, mở cửa men ra đường quan sát. Trong ánh điện nhợp nhòa  thấy một người đẩy chiếc xe chở rác đi qua đi lại.Tôi liều  gõ nhẹ vào báng súng ra hiệu:
             - Cộc, cộc,cộc!
              Người đầy xe rác dừng lại nghe ngóng. Tim tôi như thắt lại.
              Người đẩy xe rác từ từ thận trọng đi lại phía tôi, nói nhỏ:
             - Biết rồi!
              Tôi nhận ra một gương mặt phụ nữ trong vành nón lá. Chị  nhanh nhẹn lách người vào nhà. Chị nói:
             - Có người của ta trong lực lượng cảnh sát. Bây giờ phải đi ngay.
               - Đi đâu chị?
              - Tôi đưa các chú ra kinh Tham Lương sau đó các chú rút về Củ Chi…
              Chị giao liên chưa nói dứt câu thì nghe tiếng Kiên hô “Hồ Chủ tịch muôn năm” và một tiếng nổ khô khóc vang lên:
              - Đoàng!
               Tôi vội leo lên, bấm đèn pin, thấy Kiên đã chết, máu từ  ngực tuôn xối sả.
              Chị giao liên nói:
             - Chiều qua ở ngã ba Tái Thiết có ba chú rút lựu đạn liều chết! Trước lúc hy sinh cũng hô “Hổ Chủ tịch muôn năm!”.
              Chị mở nắp thùng rác, bảo chúng tôi chui vào, phủ rác lên và lặng lẽ đưa chúng tôi thoát khỏi vòng vây, bất chấp sự nguy hiềm cho bản thân mình...
                Tại sao chị làm như vậy?
                Tại sao Ước cưỡi lên bom từ trường biết chắc chắn hy sinh?
                Tại sao Kiên chọn cái chết để khỏi làm vướng bân đồng đội?
       Hàng ngàn trường hợp bi tráng hơn với câu hỏi tại sao? Và chỉ có một câu trả lời rất  đơn giản, đó là niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, sẽ đưa đất nước đến hòa bình thống nhật, độc lập, tự do,dân chủ người dân có cuộc sống hạnh phúc hơn. Niềm tin hơn cả thôi miên, kết dính  những người lính từ bốn phương lại thành một khối, biến thành ý chí, và hành động phi thường, dám xả thân vì cách mang.
                 Lớp cha, anh đã trải qua  ba ngàn ngày chống Pháp, sáng chói  những tấm gương như Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, làm nên Điên Biên Phủ, truyền cho lớp sau  xẻ dọc Trường Sơn giải phóng miền Nam, rồi tiếp tục dấn thân vào  cuộc chiến tranh biên giới phía Nam, phía Bắc, hơn chín ngàn ngày.
                 Suốt quãng thời gian đằng đãng ấy, những người lính chúng tôi chưa mất niềm tin, nhưng, bấy giờ thì chúng tôi cảm thấy trắng tay, bởi  thực trạng không ai có thể chối cãi. Đó là một đất nước sau hơn hai mươi năm đổi mới, 32% dân số nghèo đói, có người phải đánh mất nhân phẩm  giành giựt một suất xóa đói, giảm nghèo. Một đất nước công dân phải cầm cố nhà cửa lấy tiền đút  lót  đi làm mướn xứ người, rồi trốn, không muốn về Tổ Quốc. Một đất nước người mẹ phải  bán  đứa con gái mười tám đôi mươi cho một ông già, một gã tâm thần người Đài Loan, Hàn Quốc, kiếm một hai ngản đô la, rồi một ngày kia nghe tin con mình bị sát hại! Một đất nước người dân lang thang cầm tập vé số trên tay,  năn nỉ bán cái cầu  may cho người,  kiếm kế sanh nhai  mà vẫn được gọi là một nghề? Một đất nước nhà tài trợ bỏ ra vài triệu bạc bắt người nông dân nhảy lò cò trong cái trò chơi “vượt lên chính mình” được ca ngợi là nhân đạo? Một đất nước tham nhũng kết băng, kết nhóm   thao túng nền tài chính-ngân hàng làm cạn kiệt cả quốc khố, tài nguyên quốc gia.
Ngày xưa, trong "Bản án chế độ thực dân Pháp", đảng viên Quốc tế Cộng sản Nguyễn Ái Quốc viết tố cáo giặc xâm lăng: “Chúng xây nhà tù nhiều hơn trường học”. Nay, đã hơn 67 năm trong chế độ dân chủ XHCN, người ta không gọi nhà tù, mà gọi là “trại cải tạo”. Việt Nam đã đánh dẹp sạch bóng thù rồi. Ngày xưa lo ‘chuyên chính với kẻ thù, dân chủ với nhân dân’, nay vế trước sao không thấy nhẹ đi, mà có những trường hợp cũng bị “xâm lấn quan điểm” sang vế sau, đến mức “chuyên chính với nhân dân”? Mà trong chế độ dân chủ, ưu việt tốt đẹp, sao cứ thấy liên tục nơm nớp lo sợ và nhắc đến các “thế lực thù địch”? Địch của đất nước, của dân tộc là kẻ nào, cần xác định, nhận rõ mặt? Xác định cho chính xác đối tác, đối tượng, đối trọng... Địch ở đâu mà lắm vậy, sao mà nhìn ở đâu cũng thấy địch? Phải khẳng định rằng: Địch là kẻ làm mất uy tín đảng cầm quyền, làm hạ cấp và mất đi những giá trị tốt đẹp của nền dân chủ vốn đã được dân đặt niềm tin, kẻ tham lam vụ lợi lấy của công đút đầy túi riêng làm nghèo đất nước, gây ra những tệ nạn tham nhũng trầm kha, làm mất các giá trị đạo đức, mất bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, có hành động "cõng rắn cắn gà nhà" - đó mới đích xác là "thế lực thù địch" hiện nay đang gân cổ hô hào chống "diễn biến hòa bình" để "tự diễn biến"! 
Hơn 37 năm đất nước thống nhất, hơn 20 năm rút quân từ Campuchia về nước, kẻ thù xâm lược, kẻ chống đảng, chống chế độ đã bị đánh dẹp, kẻ thù mới đang lăm le bờ cõi-biển đảo, nhưng vị thiếu tướng Phó giám đốc Công an thành phố HCM bật mí ra công luận rằng “Đặc xá, ân xá…vì nhà tù quá chật!”. Vậy mà lâu nay ai cũng cứ tưởng đó là chính sách ưu việt của chế độ ta, đâu ngờ ngoài ý nghĩa đó lại còn những "khoản ăn theo" ngược cách lâu nay vẫn  bí mật như vậy?! Nay mới biết thêm thông tin: Một đất nước mà nhà tù quá tải phải mượn danh nghĩa “ân xá” để thả bớt  bọn tội phạm ra ngoài xã hội…Tôi nhớ một câu truyền khẩu của bộ tộc da đỏ ở một xứ rừng phía Nam Canada trước khi Cristoforo Colombo đặt chân đến châu Mỹ: "Kẻ nào ngày càng ít bạn và nhiều thêm thù thì chính kẻ đó phải tự xem lại nhân cách của mình!". 

     Những người lính cầm súng chiến đấu với niềm tin sâu sắc, nghĩ rằng sau đế quốc Mỹ, không kẻ thù nào dám nhòm ngó Việt Nam, lãng thổ của Tổ Quốc toàn vẹn. Chính cố TBT Lê Duẩn cũng phát biểu như vậy tại Lễ kỷ niệm mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất 1975: “Đất nước Việt Namtừ đây vĩnh viễn sạch bóng quân xâm lược!”. Những sai lầm do chủ quan, không đánh giá đúng bạn-thù, không ít bài học mất cảnh giác, nhẹ dạ, cả tin - “trái tim lầm chỗ để trên đầu”, nhưng vẫn nhiều người quên hết bài học lịch sử. Giờ đây phải nhìn lá cờ Trung Quốc “4 sao chầu 1” ngạo nghễ bay trên đỉnh núi Đất, Vị Xuyên mà chúng gọi là Lão Sơn của chúng. Phải nhìn  Hoàng Sa của cha ông ta bị Trung Quốc chiếm đoạt, và cái gọi là thành phố Tam Sa chúng xây thủ phủ  trên  đảo Phú lâm của quần đảo Hoàng Sa, phải gọi là “tàu lạ” khi chính tàu Trung Quốc săn bắt thuyền đánh cá của dân ta. Tại sao báo chí phải dùng từ “làm đứt cáp” thay cho từ “cắt cáp” thăm dò địa chấn của tạu Bình Minh 2 (lần 2) trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam? Đánh tráo khái niệm và che giấu sự thật để làm gì, nếu không phải là cách "lập công ngầm" với Trung Quốc? Và, khi cái đường lưỡi bò chín khúc của Trung Quốc liếm hết cả biển đảo Việt Nam, mà  không cho dân bày tỏ thái độ, lại đủ trò ngăn chặn, bắt bớ,  ngược lại vẫn ca ngợi tình hữu nghị "bên vững, thắm thiết", vẫn cảm ơn chúng?!
         “Ở đâu đau đớn giống nòi, trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền!”
                Ngày xưa ông Tố Hữu khuyên chúng tôi như vậy. Bây giờ chúng tôi trông về đâu? Phải chăng vẫn trông về “Hà Nội niềm tin và hy vọng” nơi có một ‘bộ phận không nhỏ’ đã suy thoái biến chất, như ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, và có cả một bầy sâu, như ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói.

           Có lẽ chúng tôi vẫn trông về đó, nếu như ông Trọng, ông Sang chỉ rõ được một tên trong bộ phận không nhỏ, hay bắt được một con sâu, để vớt vát chút niềm tin còn sót, nhưng, hai ông làm chúng tôi thất vọng nốt.
             Có cái giá nào đắt hơn mà người lính chúng tôi đã phải trả?
            Mùng 6 tết năm nào tôi cũng đến thắp nhang trong cái miếu thờ  đồng đội tôi ở ngã ba đường Tái Thiết, phường 11, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có người lính tôi chưa biết họ, tên Kiên. Đây là cái miếu nhỏ xíu như cái chuồng chim, dân khu phố tự xây từ sau tết Mậu Thân, chính quyến cũ đập đi, dân lại xây cái mới.
             Năm nào tôi cũng gọi: “Đồng đội ơi!” và kể vài mẩu chuyện kỷ niệm xưa với niềm tụ hào… Năm nay tôi không biết phải nói gì với đồng đội? Vào dịp 22-12 sắp tới, kỷ niệm 68 năm thành lập QĐND Việt Nam, con số 68 gợi tôi nhớ về những người đồng đội hy sinh Mậu Thân 1968, trăn trở, thương đau về những hy sinh của những người đồng đội như Lưu Bá Ước ở bến Mễ Sở (Văn Giang), như Đàm, Thực, rồi Kiên ngã ba Tái Thiết và biết bao đồng đội khác đã ngã xuống cho đến 1988 máu đào vẫn nhuộm sóng Trường Sa. Tôi nghĩ, lấy một chút quà của kẻ thù, ăn một đồng tiền tham nhũng là tự mình gom nặng gánh thêm món nợ với máu đào. Và tôi thử rà lại từng con sâu trong “một bộ phận không nhỏ” để nhận diện rõ thêm: “Ai đang nợ với máu đào qua bao cuộc chiến ranh vệ quốc?”.
           MD       
------------------
-Tác giả gửi bản thảo đến BVB

9 nhận xét:

  1. Tôi không bỏ sót bài nào của nhà báo Minh Diện -Bùi Văn Bồng. Các anh viết chững chạc, trung thực, đúng bản chất của sự vật. Tôi cũng từng là một sỹ quan quân đôi, rất thấm thía nõi đau đất nước. Những điều các anh nêu lên là kết quả của một quá trình tha hóa bộ máy đảng.Họ rồi sẽ phải trả lới trước nhân dân, trước lịch sử. Chúc hai anh mạnh khỏe( Nguyễn Trong Sam, Hà Tĩnh)

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn MD - BVB! Mong các anh luôn dồi dào khỏe để tiếp tục đấu tranh vì dân sinh - dân chủ.

    “Ai đang nợ với máu đào qua bao cuộc chiến ranh vệ quốc?” “một bộ phận không nhỏ” đang thách thức nghị quyết TW 4; đang cố tình quên quá khứ. Chúng chỉ lo vơ vét, ăn chơi trác táng, tôn nịnh nhau thôi.

    Đã chẳng lo cho dân VN được gì mà vẫn luôn huyênh hoang - ngạo mạn, với bao nhiêu thủ đoạn trấn áp, cướp bóc, hãm hại dân oan.





    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn MD - BVB! Mong các anh luôn dồi dào khỏe để tiếp tục đấu tranh vì dân sinh - dân chủ.

    “Ai đang nợ với máu đào qua bao cuộc chiến ranh vệ quốc?” “một bộ phận không nhỏ” đang thách thức nghị quyết TW 4; đang cố tình quên quá khứ. Chúng chỉ lo vơ vét, ăn chơi trác táng, tôn nịnh nhau thôi.

    Đã chẳng lo cho dân VN được gì mà vẫn luôn huyênh hoang - ngạo mạn, với bao nhiêu thủ đoạn trấn áp, cướp bóc, hãm hại dân oan.





    Trả lờiXóa
  4. Chiến tranh mới lùi xa, 35 năm hãy còn mới, xương cốt chưa hòa vào đất, mà hậu nhân nỡ vội phủi tay. Thật, có cái giá nào đắt hơn sinh mạng người lính, mỗi mét vuông là cả mạng người. vì cái gì? Nghĩ mà buồn. Lớp trẻ bơ vơ, lớp già hoảng hốt, thù trong, giặc ngoài khuynh đảo cũng chẳng làm chúng bận lòng. Vét cho đầy túi tham rồi hạ cánh, sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi. Âm ty địa ngục tao cóc ngán, chỉ cần sống chán trong kiếp này. Trả lời cổ nhân tao cóc sợ, chết rồi là hết đếch sợ chi.

    Trả lờiXóa
  5. Tôi cũng là một sỹ quan cấp tá nghỉ hưu và cũng từng xông pha trận mạc và gời đây tôi cảm thấy rất hối hận. Xin nhân dân , lịch sử tha thứ cho chung tôi mục đích chung tôi không phải là vậy!

    Trả lờiXóa
  6. MỌT BÀI VIẾT NÓI LÊN TẤT CÀ TÂM TƯ CỦA NGƯỜI LÍNH CHÚNG TA. MINH DIỆN-BÙI VĂN BỒNG CHÍNH LÀ NHỮNG NGƯỜI LÍNH THỤC SỰ.
    MÓN NỢ MÁU CÙA ĐỒNG ĐỘI CHÚNG TA PHẢI ĐÒI, KẺ NÀO VAY PHẢI TRẢ.

    Trả lờiXóa
  7. " Hỡi những Bà Chúa, Ông Vua đầu tư và đầu cơ bất động sản!
    Các người lấy đâu ra những núi tiền trên đất nước lầm than?
    Khi dân đang phải bán đợ lúa non để đưa con đi bệnh viện
    Thì chủ các dự án này đang cưỡng chế dân cướp đất để bỏ hoang!

    Các người “chôn” cả núi tiền vào đây để nợ nước ngoài chồng chất
    Ai sẽ phải trả đống nợ này hay chính xương máu của nhân dân?
    Kẻ đã điều hành các dự án kia sao dám mạo danh Tổ Quốc?
    Để đàn áp những người dân chống tham nhũng bất nhân!"

    Trả lờiXóa
  8. Cám ơn nhà báo Minh Diện - Bùi văn Bổng: Đọc mà thấy thấu ruột gan.

    Trả lờiXóa
  9. Anh đã "nhặt ra"được bao nhiêu con sâu rồi, anh Minh Diện?

    Trả lờiXóa