Trang BVB1

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

> Đặc xá...vì “các trại giam quá tải” ?


Tại cuộc họp HĐND TP.HCM chiều 6/12, nhiều vấn đề khúc mắc về tình hình an ninh - trật tự tiếp tục được Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM giải đáp. 
Không thể có chuyện giấu trọng án
Trước câu hỏi của các đại biểu về việc có “giấu trọng án hay không”, Thiếu tướng Phan Anh Minh khẳng định: “Không thể có chuyện giấu trọng án”. Có thể do động cơ thăng chức một số nơi đã giấu án, song đó chỉ là các vụ án nhỏ như cướp giật, vụ việc không xác định được nạn nhân, xảy ra ở vùng giáp ranh, hay với người nước ngoài nhưng không thể trao đổi, lấy thông tin bằng tiếng Việt.
Thiếu tướng Minh cũng cho biết một thông tin “không biết nên buồn hay vui”, đó là cách đây mấy năm các trại giam thường xuyên tổ chức đặc xá. Khổ nỗi, điều này không xuất phát từ việc cải tạo tốt của các phạm nhân mà vì “các trại giam quá tải”. Tuy nhiên, 2 năm gần đây tình trạng này đã chấm dứt.

Thiếu tướng Phan Anh Minh trả lời chất vấn tại kỳ họp

Đối với vấn đề phối hợp truy bắt tội phạm, Thiếu tướng Minh cho biết, trong nhiều hội nghị, lãnh đạo công an các tỉnh đã thống nhất sẽ cùng nhau phát động truy quét tội phạm để tránh tình trạng chạy từ nơi này qua nơi khác.
Riêng về công tác đánh giá số người nghiện, tái nghiện trên địa bàn TP.HCM, theo Thiếu tướng Minh có rất nhiều khó khăn bởi khi người nghiện thay đổi địa điểm cư trú thì công an không thể nắm bắt được bởi Luật cư trú mới không bắt buộc phải khai báo nơi chuyển đến.
Lý giải vì sao số vụ án trong tháng 11 tăng mạnh, Thiếu tướng Minh giải thích: Đây là tháng bắt giữ nhiều băng nhóm tội phạm, trong quá trình xét hỏi đã phát hiện những đối tượng này từng gây án trước đó tại nhiều nơi, nhiều địa điểm, số này đều được ghi nhận trong tháng 11, do đó số liệu tăng cao.
Đặc biệt, với các giải pháp trong thời gian tới, Thiếu tướng Minh hứa: "Nếu còn được phân công làm việc thì sẽ nhìn thẳng vào sự thật và cùng động viên anh em cố gắng".
Thiếu tướng Minh cũng cho rằng, tội phạm hiện nay hung hãn là do tình trạng sử dụng, mua sắm vũ khí, thậm chí là chế tạo. Chính vì thế những đối tượng này sẽ không tự giác giao nộp. Trong thời gian tới, Công an TP.HCM sẽ phối hợp với các phòng quản lý triệt tiêu tình trạng nhập lậu vũ khí.

Đặc nhiệm hình sự kế thừa hết ưu điểm của SBC
Trả lời ý kiến đề nghị xem xét lập lại lực lượng “săn bắt cướp” (SBC), Thiếu tướng Minh cho biết, SBC là mô hình hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên SBC có nhiều khiếm khuyết hoặc không phù hợp với hiện tại.
Tình hình tội phạm gia tăng được rất nhiều cử tri quan tâm trong phiên họp lần này
Trong khi đó lực lượng Đặc nhiệm hình sự hiện tại kế thừa hết những ưu điểm của SBC trước đây. Tuy nhiên Thiếu tướng Minh cũng cho rằng lực lượng này cần phải tổ chức lại.
Về ý kiến có nên học tập thành lập lực lượng 141 như Hà Nội hay không, Thiếu tướng Minh cho rằng, ở Hà Nội “có quá nhiều đối tượng đầu gấu, khi vi phạm thì có thái độ thách thức, rồi nói là con ông này ông kia” nên cần thiết phải có lực lượng hỗ trợ, trong khi đó “tại TP.HCM chưa tới mức đó”.

"CSGT là bộ mặt của Công an TP.HCM"
Đó là phát biểu của Thiếu tướng Phan Anh Minh tại phiên trả lời chất vấn ở kỳ họp HĐND TP.HCM lần này. Thiếu tướng Minh cũng cho biết, để ngăn chặn tình trạng tham nhũng trong lực lượng này, Công an TP.HCM đã sử dụng nhiều biện pháp bị cho là vi phạm quyền sở hữu cá nhân như không được đem theo quá 100.000 đồng khi làm nhiệm vụ.
Tuy nhiên, Thiếu tướng Minh cũng thừa nhận, do trong một thời gian dài đã bị mất thiện cảm nên lực lượng này phải tự xây dựng lại hình ảnh, chấn chỉnh lại tư thế. "Công an TP.HCM đang lập đề án trang bị những phương tiện hiện đại, để có thể lập tức kiểm tra lực lượng CSGT đang làm gì, ở đâu, có đúng với lịch công tác, đúng với biên bản mang về hay không. Với những biện pháp trên chắc chắn sẽ có chuyển biến tích cực” – Thiếu tướng Minh nhấn mạnh.

Tập trung vào tội phạm ma túy
Trong phần bổ sung ý kiến, ông Lê Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng “cái được của Công an TP.HCM là đã kéo giảm 7,61% tội phạm hình sự, tỷ lệ khám phá án xấp xỉ 74%, 95% án đặc biệt nghiêm trọng được phá”. Tuy nhiên, ông Trí cũng nhấn mạnh rằng, “cơ cấu tội phạm nguy hiểm còn chiếm 20,6%, đó là vấn đề phải quan tâm”.
Về tội phạm cướp giật, ông Trí cho biết, dù đã giảm nhưng vẫn còn tới 71,4% trong cơ cấu tội phạm. Để giải quyết cần tuyên truyền để người dân có ý thức cảnh giác.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Minh Trí bổ sung ý kiến trong phiên chất vấn
Ông Lê Minh Trí cũng cho biết, trong thời gian tới cần tập trung vào tội phạm ma túy và đối tượng cai nghiện. Hiện số lượng tội phạm liên quan tới ma túy có thể từ 50-70%. Nếu kéo giảm được số người nghiện, số vụ án cũng sẽ giảm đi đáng kể.
Ông cũng cho biết, sắp tới sẽ phải kéo giảm 20% tội phạm nguy hiểm, 71% tội phạm ma túy. Bên cạnh đó cũng cần phải làm tốt công tác cai nghiện, quản lý người nghiện.
Riêng về phần giải pháp, ông Lê Minh Trí cho rằng, cần phải “theo bài học 3 giảm”, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Bên cạnh đó không thể giao hết trách nhiệm cho lực lượng công an mà cần phải tạo ra sức đề kháng tại chỗ, tại cơ sở đó là lực lượng dân quân tự vệ, bảo vệ dân phòng, hội phụ nữ, đoàn thanh niên.
Ông Trí cũng đề nghị trang bị lại công cụ hỗ trợ cho lực lượng dân quân, dân phòng, công an viên làm sao “ít nhất phải để cho anh em tự tin”. Bên cạnh đó cũng phải tổ chức khen thưởng kịp thời, thành lập “Quỹ phòng chống tội phạm”.
Tổng kết lại phần chất vấn, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM đánh giá: "Phần trả lời của Thiếu tướng Phan Anh Minh và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Minh Trí có trọng tâm, thẳng thắn, có trách nhiệm với cử tri. Tuy nhiên, qua câu hỏi của các đại biểu cũng nhận ra được những hạn chế, yếu kém, đây là điều cần phải làm rõ".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét