Trang BVB1

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

> ĐỪNG NGHĨ LÀ 'DÂN KHÔNG BIẾT GÌ' !

* Nguyễn Khắc Phê
                Trên diễn đàn Quốc hội vừa qua, người dân được nghe không ít đại biểu nói đến hai từ “Kiểm soát quyền lực”“độc lập” - hai từ không mới, đã có sẵn trong ngôn ngữ dân tộc ta từ lâu, nhưng tại diễn đàn Quốc hội, trong thời điểm hiện nay, điều đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
                  Nói như thế, vì cơ quan quyền lực cao nhất nước lại đặt vấn đề “kiểm soát quyền lực”, chứng tỏ sự lạm quyền, độc quyền trong nhiều lĩnh vực thời gian qua là rất nghiêm trọng và cơ chế giám sát quyền lực chúng ta đang áp dụng không hiệu quả. Không cần phải chứng minh dài dòng, chỉ riêng tình trạng tham nhũng với bao nhiêu là tuyên bố và nghị quyết mạnh mẽ vẫn như là bệnh ung thư di căn, đã là bằng chứng hiển nhiên. Việc đòi hỏi sự “độc lập” của một số tổ chức (như cơ quan chống tham nhũng, thanh tra, kiểm toán…) cũng chứng tỏ sự minh bạch, công bằng, tránh mọi sức ép của mọi thế lực và “lợi ích phe nhóm” của những cơ quan làm nhiệm vụ “cán cân công lý” đã bị vi phạm nghiêm trọng. Những con số “khủng” thua lỗ của các tập đoàn, việc khiếu kiện đất đai kéo dài và vượt cấp là sự thật chứng minh cơ chế - cần nói rõ hơn là cách thức tổ chức, bố trí con người làm nhiệm vụ kiểm soát quyền lực - mà chúng ta thực hiện lâu nay không thích hợp.

            Như vậy, vấn đề đặt ra đã rõ như ban ngày: Phải thay đổi cơ chế “kiểm soát quyền lực”. Chúng ta đều biết, ở bất cứ chế độ nào, quyền lực nếu không được kiểm soát, ắt sẽ dẫn đến lạm quyền và tha hóa. Nhân loại, qua đấu tranh và đúc rút kinh nghiệm hàng ngàn năm, đã xây dựng “cơ chế” kiểm soát quyền lực, có thể chưa hẳn là tối ưu, nhưng đã góp phần quan trọng hạn chế, ngăn chặn sự lạm quyền. Còn chúng ta thì chắc là đang đi tìm một “cơ chế” ưu việt hơn và đang thử nghiệm, những tiếc rằng chưa thành công!

                     Hẳn là đã nhận thức được điều đó, đại biểu Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội, trong ý kiến phát biểu khi thảo luận về nội dung bản Hiến pháp sửa đổi, đã nói: “Đảng ta đã đặc biệt nhấn mạnh nguyên lý quyền lực phải được kiểm soát, phải dùng quyền lực để kiểm soát quyền lực. Đáng tiếc là trong dự thảo sửa đổi Híến pháp 1992 nguyên lý trên chưa được triển khai mạnh mẽ.”… Ông đề nghị "Hiến pháp cần bổ sung công cụ, thiết chế độc lập giúp Quốc hội thực hiện chức năng giám sát mà thực chất là kiểm soát quyền lực.” (Theo “Tuổi trẻ” ngày 17-11).

                   Tiếc rằng, những ý kiến nêu trên mới chỉ đặt vấn đề, mà chưa ai mạnh dạn đề xuất cách thay đổi “cơ chế” kiểm soát quyền lực hiện tại một cách cụ thể, mặc dù nó đã tỏ ra không hữu hiệu. Vì sao vậy? “Đừng nghĩ là dân không biết gì!” Trong phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng ngày 13-11, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã nói một câu rất đáng suy ngẫm như thế. Dân còn như thế, huống chi các vị đại biểu là tai mắt của dân...

             Có phải vì thế mới có sự trùng hợp ngẫu nhiên, trước ý kiến làm nóng nghị trường của đại biểu Dương Trung Quốc, trong đó nhắc đến việc cụ Bùi Bằng Đoàn được Hồ Chủ tịch cử làm Trưởng Ban Thanh tra Chính phủ, thì trên báo “Văn nghệ” số 10 ngày 10-3, trong bài viết văn nghệ sĩ hưởng ứng Nghị quyết TW 4, nhà văn Ma Văn Kháng cũng đã nhắc lại sự kiện vị quan thanh liêm Triều Nguyễn họ Bùi đã được Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh số 80 ngày 31-12-1946 cử làm 'Trưởng Ban Thanh tra đặc biệt'… Có thể hai ông không tiện diễn đạt tận cùng ý tưởng của mình, nhưng nói như đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, “Đừng nghĩ là dân không biết gì!”…

             Nhân đây, xin nhắc câu chuyện xảy ra từ năm 1948, mà nhà thơ quê hương Xô - Viết Thạch Quỳ đã viết trên báo “Văn nghệ” số ra ngày 3-11 vừa qua. Bài có nhan đề: “Lời Bác đến hôm nay vẫn chưa hề cũ”, nhắc chuyện khi Bác Hồ nhận Báo cáo do ông Nguyễn Xiển viết, nêu ra những nhược điểm, khuyết điểm của một số cán bộ Mặt trận Việt Minh, cán bộ lãnh đạo của Đảng rất gay gắt; vậy nhưng Bác Hồ không trách cứ lời lẽ gay gắt, thái độ phê bình quyết liệt của tác giả, mà ngược lại, đã chỉ thị cho các ông Hoàng Quốc Việt và Lê Đức Thọ: “Phải bàn và thực hành cách sửa chữa ngay”.

                   Chúng ta tin rằng, nếu các nhà lãnh đạo đất nước hôm nay, có thái độ thực sự cầu thị, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân – trong đó có ý kiến tâm huyết của trí thức - như Hồ Chủ tịch 64 năm trước đây, khi đó sẽ không còn tâm lý sợ bị quy chụp và trù dập, không e ngại những vấn đề gọi là “nhạy cảm”, thì nhất định sẽ có nhiều người thẳng thắn hiến kế hay để có một cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu, một trong những bảo đảm cho Việt Nam hạn chế được “quốc nạn” tham nhũng và vượt qua những thử thách gay gắt hiện nay…
N.K.P  (Vanvn.net)

3 nhận xét:

  1. Quan, cán bộ VN tham lam - quan liêu - hách dịch - mua quyền bán chức, lộng hành như hiện nay thì chỉ khổ dân mà thôi. Tung hô "phát triển bền vững" chỉ là trò hề. "Một bộ phận không nhỏ" suy thoái, hư hỏng thế mà cứ tham quyền cố vị - đòi độc tôn lãnh đạo toàn diện xã hội VN thì quá vô lý? VN sẽ đi đâu về đâu?

    Trả lờiXóa
  2. Quan, cán bộ VN tham lam - quan liêu - hách dịch - mua quyền bán chức, lộng hành như hiện nay thì chỉ khổ dân mà thôi. Tung hô "phát triển bền vững" chỉ là trò hề. "Một bộ phận không nhỏ" suy thoái, hư hỏng thế mà cứ tham quyền cố vị - đòi độc tôn lãnh đạo toàn diện xã hội VN thì quá vô lý? VN sẽ đi đâu về đâu?

    Trả lờiXóa
  3. Đạiđa số nhân dân lo chuyện cơm áo hằng ngày bở hơi tai..có thời gian đâu mà xem các vỡ tuồng của đoàn tuồng đang diễn ở sân khấu Đinh Bà Sơn...Cả 150 diễn viên thương hạng...500 diễn diễn đóng vai quần chúng...tất cả đều diễn tới diễn lui các màn tấu bi hài cười,khóc, mếu , nịnh nọt, khoe khoang, kể công..,vút đuôi,..chạy làng..cả đám!
    Tất cả đám khỉ nầy..vẫn cứ diễn trò tiếp tục lừa dân đen, thọc lét chọc cười đám "trí ngủ"...Bọn chúng mặt càng dày..và tài sản cang tắng..dân dên càng khổ..đất nước tan hoang..nợ nần chồng chất!

    Trả lờiXóa