Trang BVB1

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

> Tổng thống Obama: "CẢ NƯỚC MỸ LÀ MỘT GIA ĐÌNH"


           Trong bài diễn văn ngắn gọn, chặt chẽ và sâu sắc   của ông B. Obama đọc trước bàn dân thiên hạ nước Mỹ ngay sau khi tái đắc cử, ai cũng nhận ra cái cốt lõi mà vị Tổng thống của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ muốn đưa thông điệp đến mọi người dân nước Mỹ, không phân biệt chính kiến, đảng phái, màu da, già trẻ, nghèo hèn, khỏe mạnh  hay tàn tật, bình thường hay đồng tính luyến ái.

Thông điệp đó là gì? Chính là tinh thần đoàn kết, hòa hợp các dân tộc. Đó là sức mạnh đem lại vinh quang và vĩ đại cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, mọi công dân nước Mỹ ai cũng cần nỗ lực cao độ, ai cũng phải có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ nước Mỹ (chứ không phải "việc này để Tổng thống lo, bà con chỉ việc giữ cho tốt phận làm dân là được rồi!").
            Trông người lại ngẫm đến ta. Cách nói của ông Obama đầy chân tình, dân dã, có lý giải và đầy sức thuyết phục, trên cơ sở biết tôn trọng mọi người dân; lãnh đạo, nguyên thủ với mọi người dân là bạn, chứ không phải “chúng tôi và nhân dân…”.
Cả nước Mỹ là một gia đình
 
Đâu phải đã làm lãnh đạo đi đâu cũng hô vang, nhấn mạnh trong các diễn thuyết một câu diễn đạt “nửa Ta-nửa Tàu”, thuộc lòng như bé ngoan trả bài: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thanh công đại thành công”. Có từng ấy chữ, ai ngu đến mức quên, mà có vị lãnh đạo đi đến đâu cũng hô vang lên như vậy, còn uốn lưỡi dệch xẹo cái miệng cho thêm...oai, điệu hạnh. Rồi ở dưới cử tọa chưa ai vỗ tay, tự người diễn thuyết dừng lại, vỗ tay vào micro cho to, buộc cử tọa phải vỗ tay theo để "có khí thế". Với cách nói chỉ rặt một khuôn mẫu như vậy, khi đi thăm tỉnh, thành nào cũng nói không khác nhau bao nhiêu,  nghe quen quá, mong người nghe tán thưởng thì khó lắm. Nghe xong, không ai thưởng, mà bàn tán là nhiều.
              Ngày xưa, Cụ Hồ nói ý nghĩa của "đại đoàn kết"  chỉ có vài ba lần, chủ yếu là thể hiện bằng hành động dân chủ, mong đem đến cho người dân được thụ hưởng nền dân chủ chính đáng, nói và làm đi đôi. Còn ngày  nay, có những vị lãnh đạo học được mấy câu của Bác Hồ, đến đâu cũng hô hoán ầm lên, muốn giống Bác Hồ, nhưng lại không quan tâm và không biết cách đi vào lòng dân, không huy động được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc; tác phong làm việc, giao tiếp, cư xử thì lãnh đạo không coi dân như  người trong một gia đình. Người dân hay đảng viên nào mà chịu khó khen lãnh đạo, chịu im re trước những bất công, thiệt thòi thì mới là tôn trọng chính quyền, mới là cán bộ đảng viên tốt, dân tốt; còn nếu như ai chê lãnh đạo thì bị xem chứng, phải đưa vào sổ đen, sổ xám, làm như  thế có thực sự tôn trong dân chủ không? Đó mới là điều đáng suy ngẫm…
              Tổng thống Obama nói: "Đất nước này có nhiều của cải hơn bất kỳ quốc gia nào, nhưng chúng ta không giàu vì điều đó. Chúng ta có quân đội mạnh nhất trong lịch sử, nhưng điều đó không khiến chúng ta hùng mạnh. Những trường đại học, nền văn hóa của chúng ta đều khiến thế giới ghen tỵ nhưng lại không làm thế giới sát lại gần chúng ta.
              Điều giúp nước Mỹ trở nên khác biệt chính là mối liên kết vững vàng trong một quốc gia đa dạng nhất trên trái đất, niềm tin về một sứ mệnh chung. Để có điều đó, chúng ta phải chấp nhận những nghĩa vụ nhất định đối với nhau và các thế hệ tương lai để vì nền tự do của người Mỹ. Đó là điều khiến nước Mỹ trở nên vĩ đại".
           Rõ ràng, ông Obama nói về nước Mỹ, và nhấn mạnh về sức mạnh đoàn kết trong một quốc gia đa dạng, cho dù ông sinh ra (1961) ở quần đảo Hawaii, là người Mỹ gốc Phi , không phải gốc gác từ nước Mỹ, cũng không khởi nguồn từ bọc trăm trứng mà ra (đồng bào). Nước Mỹ là quốc gia tập hợp người cả thế giới "hợp chủng" lại, nhưng rất cần nêu cao sức mạnh đoàn kết toàn dân yêu nước Mỹ. Ông lý giải có lý, dẫu có giàu, quận đội mạnh, hay gì chăng nữa cũng không dễ mà “làm bạn với tất cả các nước”, đâu dễ mà kéo gần các nước lại với Mỹ? Điều chính yếu vẫn là sức mạnh đoàn kết toàn nước Mỹ: “…mối liên kết vững vàng trong một quốc gia đa dạng nhất trên trái đất, niềm tin về một sứ mệnh chung”.  Đã là gia đình thì ai cũng phải biết tôn trọng nhau, "trọng nghĩa khinh tài" đừng coi miếng ăn, đồng tiền là tối thượng. Người cùng gia đình nghèo đói có nhau, khi đã giàu thì phải sang, tức là gia đình văn hóa. Phải sống làm sao tránh được ích kỷ, tham lam, thực dụng chỉ biết đến cá nhân mình, không quan tâm đến người khác, suốt ngày đánh nhau, cãi lộn, ghen ăn ghét ở và tranh chấp với  nhau, ai mà thèm đến. Cái mà ông Obama muốn cả "thế giới sát lại gần chúng ta" là như thế.
             Cũng cần nói cho rõ: Ông Obama nói vậy làm được vậy thì quả nhiên thế giới không ai rời xa nước Mỹ, sẵn sàng hợp tác với Mỹ để đi đến một thế giới thịnh vượng, hòa bình, người với người là bạn. Thực sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc, nhất là các nước láng giềng... Còn nếu như trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay mà Mỹ vẫn cái máu hiếu chiến, đi xâm chiếm cả thế giới, chạy đua vũ trang để bán vũ khí, tranh giành thị phần không lành mạnh, thì coi như một gia đình giàu mà không sang, mạnh mà không nể trọng, và chắc chắn sẽ không ai dám đến nhà. 
    Nước Mỹ đâu có cái thuận "đồng bào" như ở nước ta, vậy mà thành gia đình, từ tổng thống đến mỗi công dân là người  một nhà,  thì đó mới là sức mạnh vô biên. Theo ông Obama, đó chính là tinh thần đã giúp nước Mỹ ngày càng hùng cường và có sức mạnh để chiến  thắng cả chiến tranh và suy thoái, tinh thần đã đưa đất nước khỏi vực sâu thất vọng tới đỉnh cao hy vọng.
    Ông nói về cái chung và cái riêng rất cụ thể, cũng không nằm ngoài “quy luật cái chung và cái riêng” của triết học Mác-xít đã đúc kết, rằng: “Trong khi mỗi chúng ta sẽ theo đuổi một giấc mơ riêng, thì chúng ta vẫn là một gia đình Mỹ và chúng ta đi lên hay thất bại cùng nhau với tư cách một quốc gia, một dân tộc”. Cái từ cả nước Mỹ là  một gia đình (vì nước Mỹ có đất nước, nhưng không có dân tộc). Nước Mỹ là ngôi nhà chung của mọi công dân thuộc Hợp chủng quốc. Ông đứng trên cương vị người dân để nói: “Vì chúng ta không bị chia rẽ như trong chính trị. Chúng ta vĩ đại hơn tất cả những tham vọng của từng con người”.
      Vì coi đất nước là một gia đình, nên ông kêu gọi cả gia đình đều phải có trách nhiệm. Đúng vậy, trong gia đình có ông bố mà gia trưởng, chỉ có “mình là nhất, là đế vương thiên hạ, không ai sánh bằng”, đầu óc nhuốm đầy quyền huynh thế phụ kiểu phong kiến, kiểu độc đoán, chuyên quyền, coi thường mọi người trong nhà, hơi chút là đánh đập, quát nạt, khi ông đã lên tiếng thì mọi người phải im re hết. Thế thì tốt nhất là ngồi một mình hút thuốc lào, từ con cháu cho đén chắt mén trong nhà né sợ hết, hở ra nói cái gì là ông ta đập bàn, bắt phạt tội "chống lại tao"! Riết rồi ai cũng ít gắn bó với gia đình, coi "im lặng là vàng", nhà vắng như chùa Bà Đanh.
Một đất nước dân chủ thì người dân phải thực sự được làm chủ. Nhưng, khi mà quyền dân chủ không được tôn trọng, Đảng-Nhà nước-Chính phủ-Quốc hội lại đứng ra tranh quyền làm chủ với dân, tranh giành quyền lực với nhau thì loạn trị là cái chắc. Tranh với dân quyền được làm chủ đất nước, đến mức dùng quyền lực đã được dân bầu  mà độc đoán, chuyên quyền, để quay trở lại trấn dẹp, đàn áp dân chủ thì đó chính là nguy cơ tất yếu dẫn tới sụp đổ một chế độ chính trị, cho dù đó là loại hình nào. 
 
    Ông Tổng thống “Mã Đáo” không phải gốc gác sinh ra từ nước Mỹ này đã khẳng định sức mạnh đoàn kết kết toàn dân như thế, và ông ghi nhận được trách nhiệm của từng người dân đối với đất nước phải là thường xuyên, thái độ thường trực trong mọi suy nghĩ và hành động, dù là ai, dù đẹp hay xấu, già hay trẻ, bất kỳ nơi nào đến và làm bất cứ việc gì, miễn là yêu nước, yêu lao động, siêng năng, sáng tạo: “Vai trò của công dân trong nền dân chủ của chúng ta không chỉ kết thúc ở lá phiếu bầu”…
     Ở nước ta mấy chục năm qua chưa có vị "nguyen thủ" nào làm được như thế, thế mà lại rất tự hào rằng "dân chủ gấp triệu lần người ta” (?!). Gấp mười lần tính đã hơi bị mệt, gấp triệu lần thì không ai có thể mường tượng được dân ta được hưởng dân chủ đầy tính ưu việt đến cỡ nào? Thực tế đã cho thấy, người dân-công dân chỉ có trách nhiệm đi bầu cử, bỏ phiếu xong cầm cái mảnh giấy có đóng dấu củ khoai “Đã Bầu” là có thể yên tâm là “hoàn thành nghĩa vụ công dân”, còn ai trúng cử, làm kiểu gì, phát biểu với ai, mừng trúng liên hoan ăn nhậu ở đâu, kệ họ. Làm gì có sự đăng quang gây ấn tượng với thần dân thiên hạ? Và suốt nhiệm kỳ họ làm gì cũng kệ họ, nói đụng đến không khéo bị cho là “thế lực thù địch” xúi giục, thậm chí bị nâng quan điểm, bị nâng cấp tầm quan trọng, cho là phản động thì mờ đời.
         Họ không coi dân nước như người cùng gia đình. Thôi, chả việc gì phải đem tiếng nói dân chủ, cử tri góp ý để làm gì, bởi nói có ai thèm nghe đâu?  Không khéo chẳng phải đầu cũng phải tai, bị quy chụp là “lợi dụng quyền dân chủ”, tự nhiên dính vào chuyện dại, chỉ tổ rước họa vào thân!

BVB
-------------------------

1 nhận xét:

  1. Bài viết rất kịp thời, sâu sẵc, nói lên nhiều điều mà VN rất cần tham khảo nền văn minh-văn hóa lãnh đạo, cần tham khảo về quan điểm, tác phong lãnh đạo và dân chủ.

    Trả lờiXóa