Trang BVB1

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

> Thống đốc hiểu chưa chính xác...

 * Nguyễn Trí Dũng
(Nhóm tư vấn chính sách vĩ mô, Ủy ban Kinh tế Quốc hội)
           Trong buổi trả lời chất vấn ngày 13-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình nắm rất rõ việc mình làm, rất nhớ số liệu nhưng có điểm thống đốc đã hiểu chưa đúng, viện dẫn không chính xác khiến đại biểu Quốc hội không thể hiểu được câu trả lời.

Chẳng hạn, khi nói về “bộ ba bất khả thi”, thống đốc dẫn ra ba yếu tố là tăng trưởng, lạm phát và tỉ giá để cho rằng không thể đồng thời thực hiện ba mục tiêu này. Tuy nhiên, thật ra “bộ ba bất khả thi” đề cập tới ba mục tiêu là ổn định tỉ giá, tự do hóa dòng vốn và chính sách tiền tệ độc lập. Như vậy, thống đốc hoặc chưa hiểu chính xác về lý thuyết “bộ ba bất khả thi”, hoặc cố lấy sự thông cảm để né câu hỏi của đại biểu.
Về tình trạng nợ xấu, để như hiện nay chắc chắn NHNN có trách nhiệm. Trong 10 tháng đầu năm nay, khi thống đốc đã nhậm chức, nợ xấu tăng tới 66%. Thống đốc cũng khẳng định có lợi ích nhóm, cơ quan thanh tra giám sát còn kém, nhưng phải có trách nhiệm cụ thể chứ. Như đại biểu Dương Trung Quốc nói không thể chỉ có xin lỗi. Nếu chỉ xin lỗi là xong thì rất khó cải thiện tình hình. Tiếp theo sau xin lỗi là gì? Nếu làm tốt công tác giám sát nợ xấu thì khả năng nợ xấu có nghiêm trọng như hiện nay không hay chỉ ở mức nào?
Theo trả lời của thống đốc thì có vẻ tỉ giá, lạm phát đã ổn và đó chủ yếu là nhờ các biện pháp quản lý vàng. Tuy nhiên, nếu sòng phẳng thì cần làm rõ vàng đóng góp bao nhiêu phần trong sự ổn định đó. Ai cũng biết năm nay tỉ giá có ổn là do tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn nhiều, nhập khẩu ảm đạm, không gây nhiều sức ép tăng giá USD. Đóng góp từ các biện pháp quản lý vàng, nếu có, theo tôi không hẳn là nhân tố quyết định.
Còn việc cấm huy động vàng trong thời điểm hiện nay, theo tôi, là một biện pháp hành chính, có thể nó không giúp huy động được 15 tỉ USD. Nhu cầu tích lũy tài sản bằng vàng để tránh lạm phát bào mòn tài sản tích lũy là nhu cầu chính đáng của người dân. Trước kia ngân hàng chưa huy động người dân vẫn tích lũy, nếu đồng tiền cứ mất giá thì người dân vẫn phải giữ vàng và sẽ tìm được cách giữ vàng. Chỉ có điều khi NHNN cấm các ngân hàng huy động vàng thì người dân sẽ thiệt, chịu nhiều rủi ro để giữ tài sản của mình hơn.
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 “Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu”, chúng tôi đã có khuyến cáo cần sớm đưa vào hoạt động một thị trường vàng hiện đại cùng với việc cấp chứng chỉ vàng. Nếu các biện pháp này được áp dụng ngay sau khi đóng cửa các sàn vàng thì việc chống vàng hóa đã đi đúng hướng, thay vì xây dựng thương hiệu quốc gia hay độc quyền gì đó.
Khi Thống đốc Nguyễn Văn Bình lên nhậm chức, đã có hi vọng những biện pháp điều hành sẽ bớt hành chính. Nhưng có vẻ những biện pháp hành chính lại nhiều hơn, nghiêm ngặt với người dân hơn, từ chuyện trần lãi suất, chỉ một thương hiệu SJC đến cấm huy động vàng...
Tôi cho rằng công cụ hành chính thì dễ làm nhưng chỉ nên sử dụng trong một số trường hợp rất hãn hữu. Nếu lạm dụng và biến nó thành một công cụ chính sách được ưa thích sử dụng thì vấn đề chỉ bị dồn nén lại mà không thể giải quyết tận gốc rễ. Đến khi “vượt quá sức chịu đựng” thị trường sẽ có câu trả lời riêng và khi đó thường hậu quả rất lớn.
CẦM VĂN KÌNH ghi (TTO)
-----------------
+ Đọc thêm:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét