Trang BVB1

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

> Một góc Tổng lực Hệ lụy CHẾT CHÌM


Câu chuyện phạt “xe không chính chủ“ theo Nghị định 71 có hiệu lực từ ngày 10/11 vẫn đang gây bức xúc trong dư luận suốt tuần qua. Nó không chỉ phản ánh sự quản lý qúa yếu kém của chính quyền (cụ thể Bộ GTVT) mà nó còn chứng tỏ lối hành xử tùy tiện của các cả nơi ban hành lẫn cơ quan thi hành luật.
Nếu như ở các nước phát triển (như nước Đức là ví dụ), việc sang tên đổi chủ một chiếc xe ô tô (bất luận giá trị là bao nhiêu) chỉ cần mang thẻ căn cước, bằng lái và giấy tờ xe (gồm 3 trang rưỡi gấp gọn lại chỉ to bằng nửa tờ A.4 mà không cần mang xe) tới một văn phòng đăng ký của Sở giao thông (rất sẵn) ở gần nhà làm thủ tục. Với lệ phí chỉ mất chừng ngót 40€ (tương đường ngót một ngày lương của người phụ bếp quán Tàu). Tổng thời gian đăng ký (kể cả lấy số thứ tự ngồi chờ và làm biển số mới) chỉ mất chừng từ 30 phút là cùng. Ngược lại ở xứ ta, để làm thủ tục sang tên đổi chủ một chiếc xe ô tô có khi phải mất từ 2 đến 3 tuần, với rất nhiều thủ tục nhiêu khê. Cùng số tiền thuế và lệ phí trước bạ tốn hàng chục triệu (từ 10-12%) giá trị của xe.
Chính vì sự bất cập này mà đa số người dân mua bán xe (cả ô tô và xe máy) cho nhau đều tìm cách “né phí“. Hệ quả là nhà nước không thu được tiền lệ phí đăng ký chuyển nhượng và sử dụng. Mà việc quản lý phương tiện ô tô xe máy đang lưu hành nảy sinh nhiều hệ luỵ vô cùng phức tạp. Nhất là trường hợp các xe “không chính chủ“ gây tai nạn hoặc gây án khi người điều khiển phương tiện chạy trốn mà không thể tìm được cả “chính chủ“ của chiếc xe, vì họ đã chết hoặc đã chuyển ra nước ngoài định cư…
Ban hành và thực thi luật tùy tiện là nguyên nhân dẫn gây ra tham nhũng tiêu cực
Đúng ra thay vì ra Nghị định 71 (phạt xe “không chính chủ“), Bộ GTVT do ông Thăng đứng đầu phải thay đổi cả lề lối quản lý cũng như cải tiến mức thuế, lệ phí cho hợp lý để người dân không còn phải tìm mọi cách “né phí“ mỗi khi sang tên đổi chủ ô tô, xe máy. Bởi, tâm lý chung của người dân, không ai là không muốn xe mang tên mình?
Hiện trên cả nước ta có 37 triệu phương tiện/ 90 triệu dân, trong đó có 2 triệu ô tô, 35 triệu xe máy *. Kể cũng là nhiều. Nhưng so với nước Đức thì chả thấm tháp gì. Bởi Đức có dân số ít hơn (ngót 82 triệu người – con số 2011), không kể số xe máy, riêng ô tô đã là 55 triệu rưỡi (trong đó xe dưới 12 chỗ là ngót 46,6 triệu chiếc) **
Để kích cầu thị trường ô tô, cách đây chưa lâu, ở Đức nhà nước còn trợ giá 2.500 € cho mỗi đầu xe cũ (loại xe vứt bãi rác) mà người dân đang sở hữu (tối thiểu được 1 năm) để khuyến khích những ai có công ăn việc làm mua xe mới vừa hạn chế khí thải độc hại do xe cũ thải ra vừa kích thích ngành công nghiệp mũi nhọn này.
Một góc chợ mua bán xe ô tô cũ ở nơi GCM cư ngụ -Winsen/Luhe 22/8/2910
Trở lại chuyện sang tên đổi chủ phương tiên giao thông, nói dại nếu nước họ có cách quản lý phương tiện nhiêu khê như bên xứ ta thì… thay vì chỉ mất 30 phút, có lẽ họ sẽ phải tốn mất gần 2 năm để làm thủ tục đăng ký cho mỗi chiếc xe. Như thế đồng nghiã với sự phá sản của toàn bộ thị trường và nền công nghiệp sản xuất xe hơi hùng mạnh vào bậc nhất thế giới của họ. Đó chính là lý do bọn “tư bổn giẫy chết“ thà mang tiếng xấu, đành chịu thua chị kém em chứ quyết không thể học đòi thứ “dân chủ gấp triệu lần“ như ở xứ của ta chăng?
Mấy hôm nay thấy các đại “đầy tớ nhân dân“ đăng đàn trả lời chất vấn ở QH liên quan đến nợ xấu ngân hàng và một khối lượng bất động sản khổng lồ tồn đọng bởi cả rừng luật và lệ do các đầy tớ to nhỏ từ trên xuống dưới đặt ra. Nhưng khi thực thi lại hành xử theo kiểu “luật rừng“. Đã và đang kìm hãm sự phát triển của đất nước cũng như đè nặng lên đời sống cơ cực trăm bề của người dân. Lấy ví dụ như một nghị định cách đây hơn 2 năm do chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký - Nghị định 71/2010/NĐ-CP. Có hiệu lực thi hành từ ngày 8/8/2010. Như ở điều 66 thì ngay cả Việt Kiều không còn giữ quốc tịch và không còn mang hộ chiếu Việt Nam mà “chỉ cần kèm theo giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp để chứng minh có gốc Việt Nam.“ Là đủ điều kiện để “có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam.“ ***
Cơ ngơi của một người Việt trị giá khoảng 300.000 € ở L.K Harburg – CHLB Đức (Ảnh: GCM-29/8/2010)
Nhưng cho đến nay, hầu như chưa có “khúc ruột ngàn dặm“ (Việt Kiều) kể cả những Việt Kiều chưa mất quốc tịch Việt Nam nào lại có thể chạm tay được vào nghị định “mỡ treo“ này, nếu không chịu “bôi trơn“ (cái thứ mà đa số Việt Kiều sống ở các xứ văn minh khó chấp nhận). Đây thiết nghĩ cũng là một trong những nguyên nhân làm thị trường bất động sản ở quốc nội chưa thể “tan băng“. Tội nghiệp cho nguồn ngoại tệ từ nước ngoài chảy về. Hàng chục tỷ Mỹ kim hàng năm, đâu có ít. Thay vì được đổi ra nội tệ làm khởi sắc thị trường bất động sản trong nước. Khi vấp thủ tục đứng tên quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nhiêu khê trắc trở (bởi quan tham sách nhiễu), nguồn vốn qúi giá đó đành nằm chết ở ngoại tệ hay dạng vàng cất giữ ở trong dân. Sau đó lại chảy ngược ra nước ngoài để đầu tư vào chính thị trường bất động sản mà họ đã không thực hiện được tại cố hương. Quả thật “tham thì thâm“ là vậy!
Trường hợp nhiều người Việt ở nơi tôi sống là ví dụ! Lúc trước, họ chưa có giấy tờ cư trú thì cặm cụi đi cày để gửi tiền về quê hương mua đất cát nhờ người nhà trong nước đứng tên. Nay có giấy tờ, nhà đất ở quê lại không thuận cho việc đứng tên (“chính chủ“). Họ đành cắn răng đắt rẻ bán sạch đổi ra ngoại tệ và chuyển tiền quay lại Đức mua đất làm nhà.
Mấy năm trước, để kích cầu cho thị trường bất động sản tụi Đức còn có chính sách hỗ trợ cho những ai đông con (kể cả người nước ngoài tới Đức định cư) các khoản ưu đãi như cho vay lãi xuất thấp hay hỗ trợ mỗi đầu trẻ con tới gần chục ngàn Euro nếu họ có công ăn việc làm ổn định mà đầu tư mua đất làm nhà hay mua nhà cũ đại tu mới. Bọn giẫy chết sao khôn thế không biết. Trong khi đó thị trường bất động sản non trẻ của Việt Nam xem ra không biết học những bài học hay của các thị trường giầu kinh nghiệm (như các nước phát triển đi trước) mà đã để một lực lượng tiềm năng (Việt Kiều) không mấy mặn mà với cách cư sử “hành là chính“ bởi những cái đầu tăm tối “ăn xổi ở thì – tham bát bỏ mâm“ của cả “bầy sâu – ăn hết phần của dân“ nhung nhúc sinh sôi trong cơ chế hiện hành.
Như vậy, trong vòng hơn 2 năm, cả hai nghị định mang tên 71 cũng như hàng ngàn văn bản luật pháp kém hiệu qủa, kém chất lượng về mặt pháp lý cùng được vị thủ tướng đáng kính có 51 năm theo đảng ký, ban hành và thực thi sai gây hậu qủa không biết đến bao giờ mới gỡ được.
Mặc dù vậy thay vì từ chức để giữ tiết tháo (lòng tự trọng), ngài vẫn kiên quyết: “Cả cuộc đời tôi theo Đảng, hoạt động cách mạng, tôi sẽ không thoái thác, từ chối bất cứ nhiệm vụ nào được Đảng giao phó. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện và nghiêm túc thực hiện như những gì tôi đã làm suốt 51 năm qua”. Đó chính là câu trả lời đanh thép cho câu hỏi: Tại sao “xe không chính chủ“ lại nhiều; nợ xấu lại cao; thị trường bất động sản lại chết và dân (thì thâm) vẫn cứ muốn găm hàng trăm tấn vàng (như nhời Thống đốc Bình) mà bỏ mặc cho những đầu tàu “định hướng…“ (cơ đồ) mang tên Vina.. đã, đang và sẽ theo nhau chết chìm xuống đáy biển sâu!
Gocomay
* http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/65189/-bi-thu-phi–dan-se-buoc-phai-chon-phuong-tien-.html
** http://www.autokiste.de/psg/archiv/a.htm?id=5980
*** http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/2010/06/29/4926/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét