Trang BVB1

Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

> Lên rừng thăm gã…Tiều phu

Hồ Đại Lải

* Phạm Thị Phương Thảo
Mơ ước được thả mình nơi chốn rừng xanh cùng những hồ nước trong veo với một vùng không gian trong lành và lãng đãng sương mù của Đại Lải luôn thôi thúc tôi. Một ngày thứ bảy trong tiết thu nhè nhẹ, dù đang rất bận, tôi vẫn rủ bằng được nhà thơ Chử Thu Hằng cùng đi dã ngoại để lên rừng thăm “Gã Tiều Phu họ Trần”.

Nhà văn Trần Nhương
Nếu các bạn đã đọc cuốn tản văn “Tản mạn MonGô” của Nhà văn Trần Nhương, thì chắc hẳn sẽ đoán ngay được “Gã Tiều phu họ Trần” là ai. Đó chính là “ông anh cả” phong độ, đẹp giai, trẻ tuổi mới u70 và rất vui tính của chúng tôi. Anh là chủ của trang báo mạng nổi tiếng TRANNHUONG.COM mà hầu như giới văn chương ai cũng biết và vẫn đọc hàng ngày.Thời gian qua anh đã khá vất vả để khôi phục lại trang Wesite của mình sau nhiều lần bị đánh sập.Tôi cũng là một trong vô số độc giả trung thành của anh trong nhiều năm qua và vô cùng ngưỡng mộ ông anh tài hoa.Hiện nay chúng tôi đang cùng hoạt động trong Quỹ Hỗ trợ văn chương và cuộc sống. Anh là người lớn tuổi nhất nên chúng tôi rất quý trọng và gọi anh là “ông anh cả vui tính”.
Nghe tin nhà văn Trần Nhương mới trốn khỏi nơi ồn ã phố phường, nơi đầy bụi bậm cùng những thứ âm thanh gắt gỏng pha mùi chua loét để tìm về trú ngụ và “thư thái” nơi núi rừng Đại Lải thơ mộng, chúng tôi dứt khoát phải lên thăm anh xem sao. Nghe nói năm nào anh cũng trốn vợ ít nhất vài ngày lên đây để viết lách và thăm thú các công chúa và nàng thơ vùng sơn nữ. Nghe đâu sau mỗi lần từ Đại Lải về, anh lại cho ra đời nhiều bài vở, nhiều tranh vẽ và cảm xúc lại dạt dào hơn và nghị lực cũng kiên cường hơn. Ông anh đúng là tuổi cao, chí lớn, phóng khoáng, yêu đời và yêu nhiều…thứ lắm, đúng là “Gừng càng già càng cay”, không biết Đại Lải có gì đặc biệt mà cuốn hút ông anh “u70” của chúng tôi thế nhỉ?
Sau khi đọc mấy cuốn tản văn anh tặng, tôi cứ bị ám ảnh bởi câu chuyện “ Gã tiều phu họ Trần” với ước mơ được sống giữa núi rừng mờ sương đầy sự thanh khiết cùng với nàng sơn nữ trong tưởng tượng của anh. Nếu các bạn đã xem tranh vẽ của anh thì sẽ rất thích bởi vì chủ đề về phong cảnh và phụ nữ luôn được anh quan tâm hàng đầu và lựa chọn thường xuyên, mà bức nào của anh cũng xanh tươi, sống động và cô nào trong tranh vẽ của anh nhìn cũng nóng hôi hổi. Tôi nói với chị Chử Thu Hằng rằng:“Phải lên ngay xem sao, ít nhất cũng thăm hỏi, động viên được “ông anh cả” con người kiên cường vẫn đứng vững sau bao sự cố khốc liệt vừa qua, biết đâu ông anh còn nhiều bí quyết hay hơn mà các em chưa biết”. Lần này chúng tôi cũng rất tò mò muốn tìm hiểu tận mắt để xem “Người tình trong mộng” của ông anh ra sao, hic hic...
Anh Trần Nhương đã “bám trụ”kiên cường và đầy nghị lực, đồng thời phải đối mặt với bao thách thức, bao đòi hỏi ngày càng khắt khe của môt trang mạng lớn để mang đến cho hàng triệu bạn đọc trên toàn cầu niềm vui mỗi ngày.Họ yêu mến và say sưa đọc từng trang mạng của anh bởi tính thời sự, tính chuyên nghiệp với hàng loạt các trang văn chương, thi ca, hội hoạ và mỗi trang viết đều thấm đẫm nỗi niềm nhân tình thế thái.Hàng loạt các bài viết của các nhà văn, nhà thơ đã được đăng tải ở đây. Anh đã dành bao tâm huyết, sức lực, thậm chí cả tiền bạc cho trang báo mạng của mình ngày càng chất lượng và được độc giả yêu mến. Anh đam mê với con Wesite của mình và trăn trở đêm ngày vời từng hơi thở phập phồng của nó. Ngay sau khi anh khôi phục lại trang Wesite TRANHUONG.COM của mình sau nhiều lần bị đánh sập trong thời gian gần đây, thì số lượng độc giả truy cập lại càng tăng nhiều hơn trước, ông anh mình thật đáng kính nể !
Trong thời buổi kinh tế suy thoái, xã hội nhiễu nhương, văn chương đích thực ngày càng ít người đọc, thì hình ảnh “Gã Tiều Phu họ Trần” miệt mài đầy tâm huyết lại càng trở nên đáng quý. Anh là người mang niềm vui, niềm tin đến cho độc giả chúng ta mỗi ngày trên từng trang báo mạng của mình và anh cũng phải tghường xuyên đối mặt với không ít thách thức đòi hỏi nhiều ý chí bản lĩnh của một nhà văn chân chính, một nhà báo kiêm vai trò người Tổng Biên tập.
           Nghĩ tới ông anh vui tính, chúng tôi hứng khởi lên đường và dừng lại mua thêm một ít bánh keo và bia lon để đóng góp cho buổi giao lưu cho thêm phần khí thế. Lên đây mới biết, hoá ra nhà văn khả kính của chúng ta đang dự trại viết văn và sáng tác cùng với các anh chị văn nghệ sỹ một số tỉnh miền núi phía bắc về mảng văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số. Anh dự định lên đây còn để tập trung biên tập một cuốn sách tuyển tập văn chương của mình. Chắc hẳn anh cũng muốn được yên tĩnh một mình sau thời gian vất vả vừa qua.
Ông anh của chúng tôi vui lắm và cứ gọi điện thoại liên tục để hỏi xem xe chúng tôi đi đến đâu rồi. Anh còn khoe đã đặt thêm một mâm “cơm trại”cùng món gà nướng cho đoàn chúng tôi thưởng thức. Xe chúng tôi đã chạy qua những con đường quanh co thấp thoáng màu đất đỏ của vùng núi Vĩnh Phúc, tôi rất vui khi nhìn thấy nối tiếp trập trùng những dải rừng xanh tươi cây lá như muôn vàn bàn tay đang hớn hở vẫy gọi trên từng vòm đồi. Miền trung du bình dị với những nếp nhà dân trong một buổi sáng sớm mùa thu trông thật là đẹp. Rừng cây xanh khe khẽ xào xạc và hồ nước Đại Lải thơ mộng hiện ra đây rồi.
Sau gần hai tiếng đồng hồ lòng vòng và hơi bị nhầm đường chút xíu, chúng tôi đã lên đến Trại Sáng tác Đại Lải.Trước mắt chúng tôi là một không gian yên bình và tràn ngập hương thơm cỏ cây hoa lá của một vùng thiên nhiên trong lành và mát mẻ của vùng Hồ Đại Lải. Nhà văn Trần Nhương chạy ra đón và Anh hồ hởi khoe cùng chúng tôi rằng: “ Mình là chỗ thân quen của Trại nên được Nữ Giám Đốc ưu tiên ở vị trí đẹp nhất của tầng hai, nơi này có ban công chính giữa nhìn ra vườn cây thơ mộng ngay phía trước”. Tôi cười trêu ông anh: “Lại được Nữ Giám đốc ưu tiên cho bác chọn vị trí phòng đẹp, còn các nữ văn thơ nhạc hoạ khác có ưu tiên gì không,hic hic…?”.Ông anh cười rất hiền lành và bảo rằng: “ Chỉ có một nữ hoạ sỹ u 60 là hàng xóm gần nhất thôi,còn chẳng có các nữ văn sỹ nào đâu , tý nữa các em sang chơi là biết ngay thôi mà. Anh đã khoe với bạn bè và hàng xóm là có hai cô em nhà thơ từ Hà Nội lên thăm rồi đấy”.
Tôi chạy ngay ra ban công nơi phòng làm việc của ông anh để quan sát và chụp nhanh mấy kiểu ảnh vào điện thoại di động của mình. Khu vườn xinh đẹp trước cửa phòng ông anh tôi có một cây đào đầy lá tốt um và đặc biệt còn lấp loé một nụ đào mới nở trái mùa. Ông anh lại hớn hở khoe rằng: “Nụ đào hiếm hoi này vừa mới nở hôm qua trước khi các em đến đấy, bên dưới cành lá lại còn có một tổ ong to lắm, cẩn thận kẻo ong bay ra đốt đấy”. Tôi trêu luôn:“Có lẽ nụ đào này chỉ vừa mới nở để làm đẹp lòng ông anh u70 của chúng ta khi rời xa thành phố đến đây một mình chăng?Anh là đào hoa lắm đấy, Anh cứ ngắm đi nhưng đừng có đụng vào tổ ong nhé”.Tôi nghĩ ngay đến bài thơ “Quả trái mùa” của mình và tự mỉm cười thích thú.
           Chúng tôi đã được gặp rất nhiều các hàng xóm và bè bạn của anh tại đây. Đó là những anh chị hội viên của các Hội Văn học, Mỹ thuật, nhiếp ảnh và điện ảnh. Người gần nhất ở ngay phòng bên cạnh là nữ hoạ sỹ Chu Thị Thánh- Hội Mỹ thuật Hà Nội và những người xa nhất là những anh chị ở tít tận Hà Giang như anh Thạch Công Thịnh và xa vừa là anh Đỗ Anh Mỹ ở Tuyên Quang. Chúng tôi đã trân trọng ký tặng các anh chị ấy những tập thơ mới sáng tác của mình. Các anh chị ấy hồ hởi đón tiếp chúng tôi và cũng nhìn ngắm chúng tôi hơi chút tò mò.Nhà thơ Chử Thu Hằng duyên dáng trong bộ váy áo diêm dúa màu xanh luôn tươi cười như một “con công hay múa”, chị ngồi cổ vũ cho nữ hoạ sỹ đang vẽ chân dung cho tôi.
           Người tôi vừa nhắc đến là nữ hoạ sỹ Chu Thị Thánh, chị đã vẽ tặng một bức chân dung cho tôi trong lúc tôi đang ký sách tặng mọi người, một bức hoạ thật đẹp và đầy ngẫu hứng làm tôi vô cùng xúc động. Niềm vui của tôi vẫn còn âm ỉ khi mấy ngày sau đó, khi đã về Hà Nội, tôi còn tiếp tục nhận được một bài thơ dài gửi tặng của một anh nhà văn tôi chưa biết mặt ở mãi tận Hà Giang đã rất mến mộ sau khi đọc tác phẩm “Khúc ru nơi lưng núi” của tôi. Đúng là một kỷ niệm ngọt ngào, khó quên trong chuyến đi đặc biệt này.
           Chúng tôi đã giao lưu tưng bừng trong bữa trưa khá ngon miệng với nhiều món “cơm trại”với các anh chị trong khoá học này. Phải công nhận là các món ăn ở đây khá ngon và rẻ. Ông anh mình thật có con mắt tinh đời là thế nên năm nào cũng trốn lên đây để viết lách, ăn uống, ngủ nghỉ, tư duy và rong chơi, hic hic…Chúng em xin có lời ngợi khen cho vị Nữ Giám Đốc giỏi giang- Bạn của ông anh chúng tôi và các chị em phục vụ ở nơi đây về việc tổ chức và phục vụ ăn uống cho giới văn chương thật chu đáo. Sau khi đã được ăn, được nói, thì còn lại món gà nướng mà anh Trần Nhương đặt thêm, tôi xin “được gói mang về” để kiểm nghiệm cho trọn gói, hic hic…

Ngóng mãi mà chả nhìn thấy “nàng thơ”hay bất cứ bóng dáng một “cô gái Sơn cước”nào của ông anh mình xuất hiện, ngay cả khi chúng tôi đi dạo quanh khu rừng nhỏ cùng “Gã Tiều Phu Họ Trần”. Có lẽ chị em chúng tôi vía nặng quá nên chẳng có bóng dáng “Tiên nữ ven Hồ”nào dám xuất hiện chăng?
“Ông anh cả” đã đưa chúng tôi đi thăm Hồ Đại Lải bằng xuồng máy để ra đảo. Hồ Đại Lải như một tấm gương khổng lồ nhưng vô cùng trong trẻo, lặng lẽ in bóng mây trời và những rặng núi bao quanh càng như càng xa mờ đầy vẻ lãng mạn. Một chút bảng lảng khói sương đang tan chảy trong gió chiều. Chúng tôi ngồi trên xuồng máy chạy trong lồng lộng gió hồ và thả hồn giữa mênh mông trời nước. Khu đảo nhỏ xinh xắn chạy quanh vòng tròn vừa hết một vòng đi dạo cũng đủ mỏi chân nhưng đầy thú vị với nhiều cảnh sắc và muôn loài hoa lá rực rỡ. Chúng tôi đã dừng lại một vài nơi để chụp ảnh, đặc biệt là ngắm nghía khu rừng trúc xanh tốt quanh con đường lát đá và những căn biệt thự xinh xinh. Ông anh của chúng tôi trông rất nhanh nhẹn và rất thanh niên với bộ “áo phông quần sooc” và đồng thời cũng là một “phó nháy” có hạng.Tôi rất thích cái phong thái lãng tử với mái tóc bồng bềnh phong sương và cái tính cách “ Chẳng có gì là quan trọng” của anh.
Tạm biệt “Gã Tiều phu họ Trần” trong những cái bắt tay thật chặt khi nắng chiều nhạt dần, chúng tôi chúc anh sáng tác được nhiều tác phẩm hay hơn nữa. Tôi đã hiểu vì sao mà “ông anh cả”của mình lại yêu thích vùng đất Đại Lải này và thích được làm “Gã Tiều Phu” đến thế. Anh thích được một mình lang thang “đốn củi”và “xả hơi” để được thả hồn trong rừng với cỏ cây hoa lá, chim muông và tự do sáng tạo. Anh còn thích được giống như chàng Thạch Sanh ngày nào nhưng chẳng phải vất vả đánh đàn gì lắm mà vẫn tìm được một nàng công chúa người Sán Dìu nào đó đẹp như mộng để thăng hoa thêm cảm xúc trong từng nét vẽ, từng câu thơ, từng trang viết...Mong sao cảm xúc sáng tạo của anh ngày càng tinh tế, đậm đà và cứ trẻ mãi như tâm hồn con người anh.
Chúng em về đây, tạm biệt khu rừng xinh xắn, nơi có “Gã Tiều Phu họ Trần” khả kính đang đứng suy tư bên hồ nước trong vắt giữa mùa thu Đại Lải.

P.T.P.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét