Trang BVB1

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

> KHUYẾN ĐỨC


·     Inhaxiô Đặng Phúc Minh

          … Trong xã hội được coi là đang vươn tới sánh vai nền văn minh hiện đại của nhân loại, nhưng vẫn đầy rẫy thói kiêu ngạo, dối trá và tội lỗi. Tình trạng suy thoái về đạo đức trong xã hội ngày một tràn ngập mà cụ thể là thói gian dối. Đã có đề thi môn Văn của Bộ GD-ĐT dành cho cả triệu thí sinh tự luận là: “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái đạo đức trong lối sống xã hội”. Đó là thể hiện sự kết hợp Khuyến đức với Khuyến học và Khuyến tài.

           Hơn 6 tháng trước, vào ngày 09/05/2012, tôi có dự  Hội nghị Khuyến học cấp quốc gia với gần 200 đại biểu từ 23 tỉnh và thành phố về tham dự, 21 tỉnh và thành phố ở miền Đông và miền Tây Nam bộ, cùng với hai tỉnh phía Bắc là Quảng Ninh và Bắc Giang. Hội nghị đặc biệt chỉ trình bày những hoạt động khuyến học ở những cộng đồng các Tôn giáo trong những năm vừa qua.
           Sau khi nghe 23 tham luận của 23 tỉnh và thành phố (15 của Phật giáo, 5 của Công giáo, 1của Cao Đài, 1của Phật giáo Hòa Hảo, 1của Tin Lành), PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, hiện là Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, trong phần phát biểu tổng kết đã đưa ra nhận định: “Thời gian qua, các cơ sở Tôn giáo trong cả nước nói chung, khu vực phía Đông và Tây Nam nói riêng đã đóng góp hết sức tích cực, sáng tạo, nhiệt tình, đem hết cái tâm của mình ra để tham gia vào phong trào Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Có thể nói những đóng góp này như mười phân vẹn mười”. Ông Nhĩ còn nói: lẽ ra Hội nghị này phải được tổ chức từ nhiều năm trước đây để ghi nhận công sức của các Tôn giáo sớm hơn mới đúng.
          Tôi được thay mặt Hội khuyến học huyện Vĩnh Thạnh trình bày tham luận về hoạt động khuyến học nổi bật của TP Cần Thơ nơi 34 xứ đạo thuộc hai hạt Vĩnh Thạnh và Vĩnh An của Giáo phận Long Xuyên. Trong phần kiến nghị tôi đã đề nghị TW Hội khuyến học Việt Nambổ sung hai chữ: KHUYẾN ĐỨC vào 10 chữ: Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thành 12 chữ: Khuyến đức, Khuyến học Khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Khuyến đức là một chủ trương mà Hội khuyến học huyện Vĩnh Thạnh thuộc TP Cần Thơ đã theo đuổi gần mười năm qua. Bởi lẽ, ông cha ta đã dạy: “Tiên học lễ hậu học văn”. Các đại biểu của 23 tỉnh và TP đều đồng tình ủng hộ. Đặc biệt là chính hai PGS. TS Trần Xuân Nhĩ và Lương Đình Toản cùng là Phó Chủ tịch Hội khuyến học TW thay mặt Hội khuyến học Việt Nam hứa hẹn sẽ thực hiện đề nghị đó.
       Tại phiên thảo luận về tham nhũng hồi đầu tháng 6,  ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng Quốc hội, nói rằng, chúng tôi đang hy vọng chờ đợi bổ sung “Khuyến đức” vào hoạt động khuyến học Việt Nam. Dù biết rằng từ chủ truơng đến thực tế còn một khoảng cách thật xa. Lại nữa, hiện “Quốc nạn” đang có nguy cơ hạ đo ván “Quốc sách” (Báo Dân trí ngày 28/06/2012).
             Tham luận của Thượng tọa Thích Thiện Xuân tỉnh Đồng Tháp thì nêu: “Khuyến học khuyến tài không chỉ là trao qùa phát thưởng, mà cần thể hiện tinh thần chất lượng khuyến học. Muốn đạt chất lượng khuyến học cần có sự phối hợp bốn nhà: nhà trường, nhà nước, gia đình và các nhà lãnh đạo Tôn giáo”.
                  Cùng ý tưởng với Thượng tọa Thích Thiện Xuân, Hội khuyến học huyện Vĩnh Thạnh luôn suy nghĩ rằng: Ngoài việc giúp học sinh và sinh viên nghèo được tiếp tục cắp sách tới trường; thưởng cho các học sinh và sinh viện ưu tú, Hội khuyến học các cấp còn có nhiệm vụ góp ý với ngành Giáo dục, với Hội khuyến học TW và nhà nước về những điều chưa đúng, chưa tốt trong chương trình Giáo dục, Khuyến học. Đây cũng là trách nhiệm đòi buộc các Hội khuyến học phải thực hiện nhiệm vụ tư vấn của mình (Khoản 4 điều 4, Điều lệ Hội khuyến học Việt Nam). Để làm được nhiệm vụ tư vấn một cách đúng đắn, Thường trực Hội khuyến học huyện Vĩnh Thạnh đã lắng nghe và trao đổi với các nhà Giáo dục, các vị lãnh đạo Tôn giáo trong và ngoài huyện.
                Sau nhiều lần gặp gỡ và trao đổi với các vị đó, cũng như qua thông tin của báo đài, chúng tôi nhận ra: Hầu hết những người còn tâm huyết với Giáo dục với tiền đồ của đất nước đều lên tiếng: Đạo đức trong xã hội hôm nay đang ngày một suy thoái trầm trọng; Giáo dục còn nhiều bất cập; đụng đến bất cứ nơi nào, việc gì cũng đều thấy gian dối, tham nhũng. Ngay chương trình hai không của Bộ Giáo dục (Không bệnh thành tích; không tiêu cực trong thi cử) cũng bị phá sản. Chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thừa nhận: “Hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, hư hỏng, đúng là lắm lúc nghĩ hết sức sốt ruột, nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có…” (Báo Thanh Niên ngày 30/06/2012).
                  Tình trạng suy thoái về đạo đức trong xã hội ngày một tràn ngập mà cụ thể là thói gian dối. Có lẽ cũng chính vì lý do đó mà Bộ Giáo dục đã có đề thi môn Văn cho học sinh phổ thông ngày 03/06/2012 đã được xã hội quan tâm bàn tán trong cả tháng qua. Đề thi dành cho cả triệu thí sinh tự luận là: “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái đạo đức trong lối sống xã hội”.
                 Thực trạng xã hội là như thế. Song chúng ta không thể chỉ đứng đó mà oán trách, mà nguyền rủa. Chúng ta bắt tay vào từ những việc tốt được coi là nhỏ nhất khi có thể, ngay trong ý tưởng, lời nói. Một con én không tạo ra mùa xuân, nhưng ngàn vạn con én cùng bay lượn, mùa xuân sẽ đến. Cũng chính vì có suy nghĩ như thế mà chúng tôi mới mạnh dạn đề nghị với TW Hội khuyến học Việt Nambổ xung hai từ Khuyến đức vào Chương trình hành động của Hội.
                  Ngoài ra, chúng ta còn thấy rằng: từ Đông sang Tây, từ ngàn xưa đến nay, ông cha ta đều lên án người thiếu đạo đức, và trân trọng người có đủ tài và đức. Albert Camus thì cho rằng: “Người không có đạo đức giống như con thú hoang bị thả rông vào thế giới”. Khổng Tử thì nói: “Trị dân mà dùng đức thì như sao Bắc Đẩu ở một nơi mà ngôi sao khác hướng về cả”. Albert Einstein thì cho rằng: “Quyền lực luôn thu hút những kẻ không có đạo đức”.
                 Như thế thì người có tài mà không có đức không những vô dụng mà sẽ trở thành kẻ phá hoại xã hội, phá hoại quê hương, phá hoại xóm làng và hủy hoại ngay chính bản thân mình, vợ con và gia đình mình nữa. Họ đang chết về mặt tinh thần trong một thân xác béo tốt. Lúc bình tâm, chắc hẳn không ai muốn hủy diệt mình và phá hoại quê hương cả. Tôi vẫn tin như thế. Lại nữa: “Làm chi để tiếng về sau, ngàn năm ai có khen đâu Hoàng Sào” (Nguyễn Du). Mong và cầu nguyện cho chính mình và mọi người được bình tâm, và trở lại bình tâm “Thiện căn ở tại lòng ta, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Nguyễn Du).
                 Là người Công giáo, từ Thánh Kinh, Thánh truyền và Giáo huấn của Giáo hội qua lời dạy bảo của các vị chủ chăn chúng ta biết rằng: nguồn gốc thẳm sâu của tội lỗi là từ “sự kiêu ngạo” muốn bằng Thiên Chúa của một nhóm Thiên Thần, sau này Chúa phạt thành quỉ dữ Satan. Từ sự kiêu ngạo sinh ra gian dối (Satan lừa gạt Eva) và từ đó, tội lỗi tràn ngập vào thế gian . Con người vốn yếu đuối, dễ vấp ngã. Ta biết là tốt, là đúng, là hay, là thiện… ta lại không làm, mà lại làm những điều xấu, điều sai, điêu dở, điều ác…Đúng như thư của Thánh Phaolô cảnh báo tín hữu Roma: “Sự thiện tôi muốn thì tôi lại không làm, nhưng sự ác tôi không muốn tôi lại cứ làm” (Roma 7-19).
                  Vậy, muốn tránh được tội lỗi, Không phải chúng ta chỉ khuyến mà được, mà cần phải cầu nguyện. Chúa đã dạy chúng ta: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện” (Luca 21-36). Muốn chuộc lại những lỗi lầm, những tội lỗi chúng ta đã xúc phạm đến Chúa và anh em ta, Chúa đã dạy chúng ta phải cầu nguyện, thống hối ăn năn, phải đền tôi. Mệnh lệnh thứ nhất của Đức Mẹ với nhân loại khi hiện ra ở Fatimalà: “Ăn năn đền tội, cải thiện đời sống”. Lịch sử từ Cựu ước, Tân ước đến ngày nay đã cho ta biết: Chúa luôn rộng lòng tha thứ cho bất cứ ai dù tội lỗi đến đâu, mà thực lòng ăn năn thống hối. Vua Đavit, tội lỗi tầy trời, Phêrô đã chối chúa ba lần, Phaolô đã bắt bớ chém giết biết bao người có đạo, Augustinô ăn chơi đàng điếm… tất cả đã được Chúa tha thứ và trọng dụng khi các Ngài biết hối cải. Đó là những cá nhân tiêu biểu trong dòng lịch sử cứu độ đã được Chúa thương cứu vớt. Lịch sử cũng còn cho ta biết Chúa đã ban ơn cứu giúp cho biết bao tập thể, khi họ biết cầu nguyện. Nhờ lời cầu nguyện Môsen đã đưa dân riêng của Chúa ra khỏi Ai Cập; nhờ lời cầu nguyện Chúa đã biến sáu lu nước thành rượu trong tiệc cưới Cana; nhờ lời cầu nguyện của các Tôn giáo tại Assisi nước Ý năm 1986 do sáng kiến của Đức Chân phước Gioan Phaolô đệ II, mà ít năm sau thế giới không còn chiến tranh lạnh…Như thế, việc cầu nguyện với người Công giáo cần thiết như hơi thở.
                    Quê hương ta đang tràn ngập kiêu ngạo, dối trá và tội lỗi. Điều đó thì ai cũng biết. Câu Chuyện ông Áp-ra-ham xin với Chúa cho thành Xơ-đôm khỏi bị phá hủy trong sách Sáng Thế chương 18 từ câu 20 đến câu 32 là một bài học đáng làm ta suy nghĩ. Để cứu thành Xơ-đôm khỏi bị hủy diệt, Chúa cần 50 người công chính. Ông Áp-ra-ham đã nài xin Chúa bớt xuống 45 rồi 40, 30. Sau cùng là 10 người công chính. Chúa cũng tha thứ. Chúa phán: “Vì mười người đó, Ta sẽ không phá hủy thành Xơ-dôm”. Thế mà 10 người công chính cũng không tìm được, thành Xơ-đôm bị phá hủy.
                Lạy Chúa, chúng con là kẻ có tội, xin Ngài thứ tha bao lỗi lầm, tội lỗi chúng con đã xúc phạm đến Ngài, đến anh em con. Xin Chúa Thánh Thần đổ tràn đầy ơn khôn ngoan và mạnh mẽ trên chúng con để chúng con đủ can đảm thực hiện lời thánh Phaolô dạy: “Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2Tm 4-2). Xin Ngài đoái thương đến quê hương chúng con, xin cho bao người chưa nhận biết Chúa sẽ mau nhận biết và tôn thờ Ngài, để nước Chúa ngày một mở rộng khắp nơi.
                                                  Vĩnh Thạnh ngày 05/07/2012
                                                                       I. ĐPM

 

1 nhận xét:

  1. Ha ha....
    Albert Camus thì cho rằng:
    “Làm chi để tiếng về sau,
    ngàn năm ai có khen đâu Hoàng Sào”

    Trả lờiXóa