Trang BVB1

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

> HỆ LỤY DO NGƯỢC CÁCH SINH RA NGHỊCH LÝ


* Bùi Văn Bồng
      Sự yếu kém trầm kha lâu nay ở nhiều cấp lãnh đạo dẫn tới nhiều hệ lụy kìm hãm sự phát triển và mờ nhạt vai trò lãnh đạo của Đảng, chức năng quản lý của Nhà nước là việc bông lỏng vị trí lãnh đạo, lơ là chức trách, tùy tiện trong tác phong công tác.
      Đó cũng là một thứ hội chứng nguy hại, việc đáng làm không làm, việc cần làm gấp, hoàn thành sớm thì gác lại, quên luôn hoặc của chuyên môn thì nhảy vào "bao sân". Bỏ việc Nhà nước, việc thuộc quyền hạn, chức trách, đi đối phó những chuyện vặt vãnh. Bỏ việc công, chạy lo việc tư. Bỏ phẩm chất đạo đức, lo việc làm giàu, ăn chơi, vinh thân phì gia bất hợp pháp. Vậy là ngược cách - "buông những cái cần phải nắm, lại đi nắm quá chặt những cái cần phải buông" (!?).Dân gian có câu: “Thả mồi bắt bóng”, có con mồi ngon rồi, nhưng nhìn thấy bóng nó ở dưới nước to hơn, do lòng tham liền nhày xuống nước, băt bóng. Lại có câu: “Nhà đang cháy, lo chạy chum tương”. Cả cái nhà to đang cháy, không lo chữa cháy cứu nhà, chỉ lo chạy chum tương, quả là người“biết lo xa!”. Ông bà còn dạy con cháu: “Làm chọn việc, tiệc chọn đám”. 
               Thế mà có những cán bộ đảng viên, người giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt, có những ban ngành, cơ quan chuyên trách, ngành chức năng lại không nắm được những lời dạy sơ đẳng và dễ hiểu ấy. Việc cần làm, nên làm lại bỏ qua, làm ngơ, đi vơ bèo vạt tép những việc chẳng mấy hệ trọng, chọn cái việc “trầu hôi, quýt rụng” để làm. Thế gọi là không biết cách ”buông” và “nắm”.
    Lãnh đạo là kỳ vọng của mọi người, dù bất cứ ở cấp nào. Cho nên, để người đời nhìn nhận về mình ra sao, chính người lãnh đạo phải biết tự chủ, và nhất là phải có lòng tự trọng. Khi đã ở vị trí lãnh đạo, phải làm gì cho người ta tin yêu, mến phục, và đặc biệt là ấn tượng về những điều tốt đẹp. Về Đảng, ở cương vị lãnh đạo nào thì cũng chỉ một hoặc vài nhiệm kỳ theo đúng quy định. Về chính quyền thì còn tùy nhu cấu, có vị làm cấp phó, làm giám đốc tới trên 20 năm. Thế nên, trong khi thực hiện chức danh, chức trách ở cương vị lãnh đạo, ai cùng cần để lại dấu ấn, những tiếng lành, lời ngợi khen và nhất là hiệu quả đem lại cho công việc cơ quan, địa phương, ngành, đất nước.
Thế nhưng, có những vị lãnh đạo giữ chức trọng quyền cao nghênh ngang đến mấy kỳ Đại hội, nhưng chẳng để lại được được dấu ấn gì có lợi cho quốc kế dân sinh.  Thậm chí, người ta còn nói, trong suốt 20 năm giữ ghế cao ở cương vị từ "thượng đẳng thần" đến vua-chúa, ông ta đã kéo lùi sự phát triển của đất nước và cộng đồng cả mấy chục năm. Như thế là có tội, đâu phải có công, nhưng vẫn “hạ cánh an toàn”. Và như thế là lãnh đạo bị tai tiếng, chứ không thể trở thành danh tiếng. Rồi hết làm lãnh đạo, những nhân vật như thế cũng chẳng để lại cho đời được gì, thậm chí chỉ là những tiếng xấu, những tai ương, những đàm tiếu, những chuyện buồn cười, những trò lố bịch, lối sống kỳ quặc. Họ bị người đời quên luôn, trở thành biệt vô âm tín, chẳng ai thèm nhắc đến. Thế là, coi như họ đã tự mình “lấy nhục làm vinh”.

Cho nên, đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm, tác phong công tác, các mối quan hệ của người làm lãnh đạo là  rất quan trọng. Khi lập kế hoạch, chương trình, nội dung cho công tác lãnh đạo của mình, ta thấy không ít vị do trình độ năng lực, do tùy hứng cá nhân, do cách sống mà làm những việc chẳng đâu vào với đâu. Họ “buông những cái cần phải nắm, nhưng lại đi nắm quá chặt những cái cần phải buông”. Không thiếu các vị lãnh đạo việc cần làm thì bỏ qua, nhưng lại mất quá nhiều thì giờ vào những việc sự vụ, thậm chí vụn vặt. Chọn vấn đề mà chỉ đạo, chọn việc để làm sao cho xứng với cái tầm của mình, đúng với chức danh, chức trachs của mình là rất cần thiết đối với mọi cương vị lãnh đạo. Nhưng họ lại đi lo giải quyết những việc lẽ ra là của nhân viên, của cấp dưới, của chuyên trách, chuyên ngành. Nhiều khi họ quên vả cương vị của mình.
Họ bao biện, làm thay, muốn cái gì cũng toàn quyền, cũng từ đó mà sinh ra 'lo đuổi gà, quên nhà sắp cháy'. Nhưng trái lại, các số liệu tổng kết, các thông số, thông tin cần thiết cho lãnh đạo thì họ lại bỏ qua. Như bài phát biểu, nội dung đi làm việc với đối tác, đối tượng, đối nội, đối ngoại lẽ ra bản thân người lãnh đạo phải biết tự chủ “vận suy”, tự trong đầu óc của mình phải nghĩ ra, sắp xếp thứ tự, nội dung, phương pháp. Nhưng, vì năng lực yếu kém, trình độ thấp, hiểu biết có hạn, vì lười biếng nữa, người lãnh đạo lại giao những việc đó cho trợ lý, thư ký, văn phòng. Là lãnh đạo, nhưng chỉ quen cái lối ăn sẵn, đọc những gì người khác đã viết, nói những gì người khác đã mớm, nói theo thói quen, mỗi câu đó đi đâu cũng nói, nghe phát nhàm chán.
Những vị lãnh đạo không biết làm việc, vô trách nhiệm kiểu ấy còn có cái tật nói theo trình độ trợ lý, ký theo ngón tay văn phòng. Đi làm việc ở địa phương, cơ sở thì đến đâu cùng phát biểu trùng lặp nội dung, không có gì mới, không có gì là thiết thực, cụ thể với từng nơi, từng thời điểm.
Những vẫn đề nổi cộm, những ách tắc, khó khăn và nhu cầu của địa phương, cơ sở chỉ chờ lãnh đạo về chỉ đạo cụ thể, tạo điều kiện và mở ra cách nào đó giúp cho địa phương thì không thấy, chỉ thấy ông ta và các thành viên trong đoàn công tác cười như hoa trong đoàn xe đưa đón dài ngoằng, cưỡi ngựa xem hoa, dự chiêu đãi, rồi về. Thế nên cán bộ và  nhân dân địa phương bị tiu nghỉu, chưng hửng: “Ông ấy thăm và làm việc như thế, nhưng có giải quyết được vấn đề gì đâu”. Do quá ỷ lại, có khi không thuộc bài, cho nên đã thấy có trường hợp khi đi thăm nước ngoài phải mag theo mảnh giấy làm “phao”, có lẽ do trợ lý giúp việc gạch đầu dòng chuẩn bị trước những nội dug cần nói. Ông ta vừa tiếp kiến vừa liếc nhìn vào mảnh giấy bằng bàn tay, khác nào học sinh đi thi nhìn lén “phao cứu sinh”, giấu theo đủ loại "phỏm"?
Có những giấy mời hiểu hỉ, đi những cuộc chẳng cần đến cái chức vụ, chức danh, vị trí mình phải dự, nhưng họ cũng mất cả ngày cả buổi đi dự. Còn việc trọng yếu, những vụ việc cấp bách lại bỏ qua, để cho bê trễ, câu dầm, mặc dân chúng kêu ca phiền toái. Nơi cần lãnh đạo thì chẳng thấy ai đến. Nhưng có những hội nghị mà lãnh đạo cương vị cao làm “quý đại biểu” ở ngồi hàng ghế trước? Thông thường, dễ nhận ra là cuộc nào có phong bì “nặng giá trị”, nơi còn “quan hệ sống còn” thì nhiều lãnh đạo dự. Những cuộc thấy lợi cho dân, cần cho ngành thì ít ai đến dự. Để làm gì? Sao ai thích đi cứ đi? Không có sự phân công cụ thể, có đại diện là được rồi. Họ bị mất nhiều thời gian cũng bởi những việc “đại biểu” ấy. Quỹ thời gian chỉ có vậy, nhưng lại đi nước ngoài, lấy cớ công việc để đi du lịch, rồi đi họp, dự liên hoan, tiếp khách, lại việc gia đình, riêng tư, mối quan hệ này kia ngồn hết thời gian, chẳng làm được gì trong suốt nhiệm kỳ.
               Nhưng, trong các hiện tượng “buông” và “nắm”, có không ít lãnh đạo cũng biết “khôn lõi”, lợi dụng sự trúng phiếu, trúng ghế lãnh đạo như sự trúng mánh đầy mong đợi từ lâu, có những trường hợp mất công, tốn tiền cũng khá là dữ dội mới có được chức quyền. Thế nên, sinh ra “tư duy nhiệm kỳ”, và từ đó chỉ dồn thời gian, công sức cho “tư duy chức danh, quyền lực, thanh thế”, tranh thủ lợi dụng chức vụ quyền hạn lo thật nhiều cho “cái tôi”, buông chức trách, buông nhiệm vụ, nắm lấy mọi cơ hội để vơ vét, vụ lợi cho cá nhân, gia đình, dòng họ, mục đích là trong nhiệm kỳ phải vinh thân, phì gia, kệ cha thiên hạ. Những người lãnh đạo như thế đã buông lý tưởng cộng sản, buông hết những lời Bác Hồ dạy, chạy theo lợi ích cá nhân, chạy theo danh lợi một thời, ôm lấy quyền lực lo cho nhóm lợi ích, che chắn cho phe cánh để tiếp tay và dùng mọi thủ đoạn tham nhũng,  vơ vét trục lợi cho cá nhân, gia đình.
 
 Sự ngược cách sinh ra nhiều nghịch lý, hệ lụy tác hại như việc đáng phải làm, cần làm gấp thì bỏ bê, việc cỏn con không đáng quan tâm thì dồn công sức, tung lực lượng, không cân đối được việc nên, việc không nên. Có cả "một bộ phận lớn cán bộ có chức có quyền" do vô trách nhiệm, do cá nhân chủ nghĩa tham lam trục lợi, ăn cắp của công, khui rỗng ngân khố quốc gia cả mấy trăm nghìn tỉ đồng, chiếm đoat đất của dân, cố tình làm trái luật sinh ra biểu tình rối tung xã hội, nhưng vẫn được che chắn, vẫn coi như yên vị, bình chân như vại. Nhưng nghịch lý thay, có những sinh viên (cứ cho là có bày tỏ chính kiến ngược tai trái mắt một chút)  lập tức bị bắt bớ giam cầm khi mới 20 tuổi, phải bỏ học nửa chừng, mờ đời những nam sinh, nữ sinh còn thấp hơn tuổi con cháu, oan ức, hết hy vọng tương lai!...
Lại có những chuyện to đùng mà vẫn xảy ra được, chẳng khác nào con voi lọt qua lỗ kim, như chuyện các công ty Trung Quốc thuê rừng đầu nguồn tại một số tỉnh biên giới phía Bắc, phạm vào nguyên tắc tối kỵ về an ninh quốc phòng, hay chuyện người Trung Quốc nuôi cá bè ở một vị trí vô cùng nhạy cảm là gần quân cảng Cam Ranh... Khi dư luận, báo chí phát hiện ra thì những chuyện này đều đã xảy ra từ rất lâu, ấy vậy mà cơ quan chủ quản, chính quyền địa phương cho đến trung ương đều... ngớ ra! Họ không biết thực hay họ biết mà vờ như không biết? Ðó là sự dễ dãi, lỏng lẽo do bất lực hay vô trách nhiệm của chính quyền?
                Còn cái cách họ xử lý sự việc mới càng... lạ. Phạt hành chính 4 triệu đồng cho vụ nuôi cá bè trái phép trong vịnh Cam Ranh! Xem ra, nhà nước Việt Nam vô cùng rộng lượng với người, mà chỉ khó khăn, hà khắc với dân mình!
        “Cũng một sự dễ dãi, lỏng lẻo đến kinh ngạc trong việc điều hành quản lý kinh tế vĩ mô, nên nạn tham nhũng, thất thoát, lãng phí ngân sách của nhà nước mà cũng là tiền thuế của nhân dân cứ xảy ra hoài, ở mọi cấp mọi ngành, trở thành một “quốc nạn” không sao chữa nổi.
           Lỏng lẻo khi có thể trao hàng chục ngàn tỷ đồng và tạo mọi điều kiện ưu đãi cho các tập đoàn kinh tế quốc doanh mà không có những cơ chế giám sát hiệu quả, minh bạch, không có những điều kiện, chính sách quản lý thật chặt chẽ, nghiêm khắc... Dẫn đến việc nhiều tập đoàn lớn vỡ nợ, làm ăn thua lỗ hàng triệu đô la Mỹ như Vinashin, Vinalines...”.
           Những cán bộ đảng viên có chức có quyền bị tha hóa, suy thoái, biến chất sẵn sàng buông nguyên tắc Điều lệ Đảng, buông 5 nhiệm vụ đảng viên và 19 điều đảng viên không được làm, buông luôn uy tín và danh dự cũng như lòng tự trọng của chính mình để nhằm mục đích tất cả chỉ vì đồng tiền, “đem  quyền đời bố củng cố đời con”. Đó cùng là hệ lụy do những người trong số “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức có quyền”. Thiên hạ ai cũng thấy ngay trong nhỡn tiền sự cố tình hành động “buông” và “nắm” ấy của những người đã khoác áo, mượn danh cộng sản mà buông đạo đức, chỉ lo nắm tiền, vàng, đô la, nắm giữ quyền cao chức trọng để lo cho bản thân, con cái, dòng họ. Buông như thế, nắm như vậy, họ có còn xứng đáng với cái danh và phẩm chất, đạo đức của người cộng sản?
B.V.B

----------------------------------------------

>>  Bài liên quan:
 
Buông và nắm-Nguyên nhân
còn và mất
                                                                                                            * Vũ Lân
              Đến nay, người ta ngày càng sáng tỏ và rút ra được nhiều nguyên nhân, bài học kinh nghiệm từ sự sụp đổ của Liên Xô, đồng nghĩa với việc đánh mất những thành quả trực tiếp của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. Dưới góc độ công tác xây dựng đảng thì việc nắm chắc hay buông lỏng một số lĩnh vực then chốt là nguyên nhân căn bản của còn hay mất vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng. Một số lĩnh vực then chốt đó là: chính trị, tư tưởng, tổ chức-cán bộ; kinh tế, lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân.

               Thứ nhất, cần nắm chắc nguyên tắc xây dựng Đảng và công tác tổ chức, cán bộ nhưng một thời gian dài Đảng Cộng sản Liên Xô đã và buông lỏng lĩnh vực này. Những sai lầm về đường lối chính trị, xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ và nhất là những sai lầm nghiêm trọng về công tác tổ chức cán bộ, trong đó có cán bộ chủ chốt cấp chiến lược. Nếu thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười với lãnh tụ thiên tài V.I Lênin đã lãnh đạo Đảng Cộng sản, quần chúng nhân dân, đứng lên lật đổ chế độ cũ giành chính quyền về tay nhân dân, thì 74 năm sau, một số phần tử cơ hội trong hàng ngũ lãnh đạo chóp bu của Đảng Cộng sản Liên Xô lại từng bước đánh mất thành quả cách mạng. Nhiều tài liệu cho thấy, ngay từ những năm 80 của thế kỷ XX, đội ngũ những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô đã không tỉnh táo và kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử cơ hội, thực dụng trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Từ năm 1959, lần đầu tiên có 4 cán bộ của Đảng Cộng sản Liên Xô sang Mỹ học, sau này hai trong số 4 người đó đã trở thành “con ngựa thành Tơ-roa” để thực hiện tự diễn biến từ bên trong. Trước khi trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, M. Gooc-ba-chốp trở thành “đối tượng” mà phương Tây “quan tâm” tiếp cận. Đến khi M. Goóc-ba-chốp làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô từ năm 1985 đến năm 1991, ông ta cùng cộng sự đã nhân danh cải tổ để thực hiện sự thay đổi lớn về nhân sự trong đội ngũ cán bộ, dùng mọi thủ đoạn loại bỏ những người cộng sản kiên trung ra khỏi bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và quân đội. Trong báo cáo tại Đại hội XXVIII của ĐCS Liên Xô (7-1990), M.Goóc-ba-chốp công khai bài xích nguyên tắc tập trung dân chủ. Điều lệ Đảng do Đại hội thông qua chính thức xóa bỏ nguyên tắc quan trọng nhất về tổ chức và hoạt động của Đảng và hậu quả là vào ngày 24-8-1991, M.Goóc-ba-chốp tự ý tuyên bố giải tán Ban Chấp hành Trung ương Đảng và từ chức Tổng Bí thư. Vậy, M.Goóc-ba-chốp khi đó là đại diện cao nhất của ĐCS Liên Xô hay chỉ với tư cách cá nhân? Đây là vấn đề cần thấy rõ và lường trước trong sinh hoạt của đảng cầm quyền.
                 Thứ hai, Đảng Cộng sản phải lãnh đạo xây dựng nền kinh tế ổn định và phát triển bền vững, cải thiện đời sống nhân dân, giữ được độc lập tự chủ về kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả. Nhưng ĐCS Liên Xô đã hữu khuynh, buông lỏng sự lãnh đạo lĩnh vực mang tính quyết định này để một số cá nhân thao túng trong hoạch định và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Cuối thập kỷ 80 thế kỷ XX, Liên Xô đã thực hiện chiến lược cải cách kinh tế theo Chương trình kinh tế 500 ngày và chương trình kinh tế mang tên “Cuộc mặc cả vĩ đại” -sản phẩm của sự thỏa hiệp giữa các phần tử cơ hội, thực dụng trong cơ quan tham mưu chiến lược của Liên Xô với Trung tâm Ha-vớt của Mỹ dẫn tới sự phân hóa và xung đột lợi ích xã hội ngày càng sâu sắc, làm gia tăng những khó khăn và sự bức xúc, bất bình, suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Tầng lớp đặc quyền, đặc lợi, các phần tử thoái hóa, biến chất lạm dụng chức vụ mưu lợi riêng, mang nặng tư tưởng cá nhân chủ nghĩa ngày càng lộng hành, làm tổn hại nền kinh tế đất nước kéo theo là sự mất uy tín nghiêm trọng của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Nhân dân không còn tin Đảng. Hiện tượng độc quyền không chỉ thể hiện ở lĩnh vực phân phối mà còn trong hoạch định, thực thi các chính sách, bố trí sử dụng cán bộ, bẻ cong luật pháp mưu lợi riêng cho bản thân, lợi ích nhóm và “tập đoàn lợi ích đặc biệt”, né tránh sự kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, Nhà nước.
                  Thứ ba, đảng cầm quyền và bộ máy chính quyền phải phát huy dân chủ, gắn bó mật thiết với nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, nắm chắc quần chúng, phát huy sức mạnh của nhân dân. Đó cũng là mục tiêu và phương thức mà Cách mạng Tháng Mười đã đề ra. Điều rất hệ trọng là đội ngũ cán bộ phải thực sự tiền phong gương mẫu, gần gũi quần chúng, sâu sát cơ sở, được nhân dân tin yêu và tín nhiệm. Tuy nhiên, tất cả những yêu cầu đó cho đến trước lúc Liên Xô tan rã đều không được Đảng thực hiện hoặc thực hiện một cách hình thức. Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý trong bộ máy của Đảng, Nhà nước Liên Xô bị tha hóa biến chất, ngày càng xa rời nhân dân. Tham nhũng lộng hành, chủ nghĩa cá nhân phát triển thì đương nhiên mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân ngày càng bị rạn vỡ. Khi Đảng lâm nguy, mất quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, chính quyền bị lật đổ thì người dân cũng thờ ơ và không một ai đứng lên bảo vệ thể chế chính trị đó.
                    Thứ tư, đảng cầm quyền phải nắm chắc lực lượng vũ trang, đặc biệt chăm lo xây dựng quân đội nhân dân và công an nhân dân thực sự trung thành và tin cậy về chính trị, có sức mạnh chiến đấu cao, làm nòng cốt trong bảo vệ chế độ, bảo vệ Tổ quốc. Nhưng công cụ vũ trang của Nhà nước đã bị vô hiệu hoá, Đảng cộng sản trên thực tế đã không còn lãnh đạo được lực lượng vũ trang. Ngày 29-8-1991 với tư cách là Tổng thống Liên Xô, M.Goóc-ba-chốp ra lệnh giải thể các cơ quan chính trị và từ 1-9-1991 chấm dứt các hoạt động của Đảng trong quân đội. Chủ trương “phi chính trị hóa” đã vô hiệu hóa lực lượng vũ trang vô cùng hùng mạnh của Liên Xô. Ngày 25-12-1991, M.Goóc-ba-chốp tuyên bố từ chức Tổng thống và bàn giao nút bấm toàn bộ kho vũ khí hạt nhân cho B.En-sin, đánh dấu giờ phút cuối cùng của sự sụp đổ của Liên Xô.
                  Thứ năm, đảng đã buông lỏng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chậm đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý các phương tiện thông tin đại chúng - vũ khí quan trọng đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Thực chất, những đòn tấn công chính trị đầu tiên, có tính thăm dò là tấn công các lĩnh vực chính trị tư tưởng, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: xem xét lại một số vấn đề lịch sử và các lãnh tụ của Đảng qua một số thời kỳ; mở một số cuộc trao đổi, tọa đàm trên một số phương tiện thông tin đại chúng; lôi kéo thế hệ trẻ ra khỏi những hoạt động chính trị nhằm phi chính trị hóa tuổi trẻ; dùng các trường đại học làm diễn đàn, để diễn thuyết về “cải tổ”, “công khai” khoét sâu vào một số sai lầm thiếu sót của Đảng, chính quyền Xô-viết, lôi kéo thanh niên, sinh viên. Khi các cơ quan quản lý về chính trị tư tưởng, báo chí, phát thanh, truyền hình không nhanh nhạy phản ứng, lập tức các thế lực cơ hội lấn tới, tạo thành một trào lưu xét lại nhiều vấn đề về thành quả cách mạng, về Đảng, Nhà nước một cách rầm rộ, không thể kiểm soát. Đảng mất trận địa tư tưởng chính trị cũng như hệ thống thông tin đại chúng. Chức năng định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội của các cơ quan này không còn nữa. Quần chúng, nhân dân mất phương hướng. Đây là bước khởi đầu của việc mất quyền lãnh đạo tư tưởng chính trị của Đảng.
                Rút kinh nghiệm từ sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu, Đảng Cộng sản Việt Namđã lãnh đạo nhân dân ta thực hiện đường lối đổi mới thành công, đạt được những thành tựu quan trọng mang tính lịch sử. Hiện nay, Đảng ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI nhằm chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, vượt qua thách thức đe dọa sự tồn vong của Đảng, chế độ, lãnh đạo nhân dân ta bảo vệ, xây dựng chính quyền nhà nước thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nghị quyết Hội Trung ương 6 vừa qua là một bước tiếp củng cố sự lãnh đạo của Đảng trên những lĩnh vực then chốt của đất nước, xã hội. Việc rút ra bài học từ việc để mất chính quyền và những thành quả Cách mạng Tháng Mười là vô cùng bổ ích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
V.L   (Xây dựng Đảng-Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét