Trang BVB1

Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

> GHI CHÉP TRÊN ĐỈNH NÚI THIÊN TÁNG


Cảnh sắc Tây Tạng
 
            * Minh Diện

                Đã sáu, bảy giờ tối mà bầu trời vẫn sáng trưng như ban ngày. Đêm Tây Tạng mùa này, y như những đêm trắng ở Xanh Peterbua, nước Nga. Và những con bò jack, trâu lùn cứ  miệt mài gặm cỏ trên những quả đồi trọc, những vách núi đá gan gà.
                Tôi chưa từng thấy con vật nào hiền lành, và cần cù như con bò jack và con trâu lùn Tây Tạng. Mặc gió hut hút, rét căm căm, suốt ngày đêm chúng phơi mình trên những quả đồi trọc, những  sườn núi đá gan gà lạnh cóng, cả năm không có một hạt mưa. Trên những quả đồi và sườn núi đó toàn những bụi gai sắc nhọn, thỉnh thoảng mới nhú lên một bụi cỏ đuôi chồn.  Trâu lùn và bò jack  phải lật từng hòn đá, cào từng bụi gai, mòn răng  kiếm miếng ăn trong buốt giá, hanh hao, để duy trì sự sống cho bản thân chúng, để có sữa cho người Tạng uống, có phân cho người Tạng nhóm lửa nướng bánh.
             Nhưng, Đức Lạt Ma Wingszangchinh nói với tôi:   “Con bò Jack và con trâu lùn còn sung sướng hơn người Tạng, vì nó là con vật vô tri! Người Tạng  chúng tôi phải chịu  nhục mất nước, mất bản sắc dân tộc mấy ngàn năm, sự vò xé tâm hồn không gì sánh được”.
              Lạt Ma Wingszangchinh, đã ba lần  hành hương lên đình Ngân Sơn chót vót giữa trời xanh tuyết trắng, không dính một hạt bụi trần, nơi linh thiêng bậc nhất Tây Tạng. Người Tạng ước ao, dù chỉ  một lần tới đó, cho tâm hồn  được chứng thực, cho  đôi mắt  sáng long lanh nhìn xứ sở của Thần Thánh và đối diện với cái vô cùng là mãn nguyện lắm rồi.
              Đức Lạt Ma nói với tôi:
              - Ngày xưa các dân tộc Tạng có hơn tám triệu người. Hơn nửa thế kỷ Trung Quốc chiếm đóng, bây giờ người Tạng chỉ còn  hơn năm triêu. Vào những năm 1960-1980, Trung Quốc đưa hơn một triệu tù nhân Harrywu, và hàng nghìn người bị trừng phạt trong cuộc cách mạng văn hóa đến cải tạo ở Amdo, Anggar, Lhasa. Khi hết hạn cải tạo họ ở lại, chiếm đất, đồng hóa người Tạng. Từ những năm 1982,  những cuộc di dân người Hán vào Tây Tạng tăng nhanh hơn. Nhất là từ khi Trung Quốc xây dựng tuyến đường sắt Tây Ninh –Tây Tạng, thì làn sóng  người Hán  theo chân  sĩ quan,  binh lính quân đội Trung Quốc tràn vào Tây Tạng càng ào ạt. Chính phủ Trung Quốc có chính sách  ưu tiên cho người Hán nhập cư vào Tây Tạng, phát triển văn hóa Trung Quốc, làm mất bản sắc văn hóa Tạng. Họ đã vi phạm Hiệp định Geneva  năm  1946, ngăn cấm định cư của các lực lượng chiếm đóng…
                                   
        Lạt Ma Wingszangchinh đã từng sang Việt Nam dự lễ Phật Đản ở chùa Hoằng Pháp thành phố Hồ Chí Minh, khi biết tôi là nhà báo Việt  Nam và là một Phật tử, ngài rất vui và dẫn tôi đi dự lễ Thiên táng một tín đồ đạo phái Mật tông Tây Tạng.
                Đức Lạt Ma nói, ở Tây Tạng có ba hình thức táng, một là Thiên táng hay còn gọi là Điểu táng, hai là Thủy táng,  ba là Bình táng. Bình táng dành cho những đứa trẻ vừa chào đời, chúng chưa mắc tội lỗi, sẽ nhanh chóng quay lại kiếp người. Trên đỉnh núi thiêng của mỗi tộc làng có những chiếc bình bằng đá xếp quanh một chồng đá  khắc kinh Phật, khi đứa trẻ chết,  người ta tắm dầu thơm, đốt hương cầu nguyện , rồi đặt vào trong bình. Cái bình  đá tròn tròn như bụng người mẹ, ấp ủ cho đứa trẻ, để rồi một ngày không xa, nó lại thành người.
              Thủy táng dành cho những người  không được may mắn lắm. Trên dòng sông Yarbo có một vũng xoáy lõm sâu vào chân mỏn núi, nhìn  hun hút,  thăm thẳm, nước xanh ngăn ngắt dội vào bờ đá,phát lên tiếng kêu ùng oàng vang rất xa. Tôi đứng trên bờ đá toàn thân nổi gai ốc. Đức Lạt Ma nói, sau khi làm lễ, người chết được thả xuống vũng xoáy này, phần xác phàm loài cá đem xuống địa ngục, còn linh hồn theo những bậc thang mà lên thiên đàng. Nghe Lạt Ma nói tôi mới hiểu ý nghĩa của những chiếc thang màu trắng vẽ bằng vôi từ bờ sông leo lên sườn núi, rải rác khắp nơi ở Tây Tạng.
              Bình táng và Thủy táng tôi chỉ được nghe kể, nhưng Thiên Táng thì tôi được chứng kiến tận mắt, và thú thật, khi viết lại chuyện đó tôi vẫn kinh sợ.
              Buổi tối hôm đó Đức Lạt Ma Wingszangchinh đưa tôi đến nhả người quà cố là Wenhmeyi, một người đàn ông đáng kính trong bộ tộc Lhoba. Ngôi nhà ông ở chân núi , cách đường quốc lộ khoảng ba cây số, vuông vức như cái bao diêm, tường lèn  đất sét, mái ngói, có hai tầng, trên ngưởi ở, tầng dưới dành cho súc vật. Chung quanh nhà,  tường cao hơn đầu người, dán chi chít những cục  phân trâu bò,  như những miếng than bùn ở làng gạch Bát Tràng.
              Trong nhà người chết không hề phảng phất  chút bi thương nào, dù ông Wenhmeyi mới chết cách đó hai ngảy, là chủ gia đình, có hai con  nhỏ . Trái lại, một không khí rất vui vẻ.
                Ông Wenhmeyi được mặc bộ đồ trắng,trùm kín đầu, chỉ để hở khuôn mặt, ngồi dựa lưng vào tường, đầu  gục xuống, tỳ cắm vào hai  mu bàn tay đặt trên đầu gối. Mặt ông đánh phấn  hồng, đôi môi đỏ chót như đang cười.  Ánh nến  bập bùng,  hương trầm  ngát thơm và, khói đuốc dâu tằm nghi ngút. Hàng chục người Tạng mặc  áo choàng Khata đẹp nhất, đọc kinh, nhảy múa theo tiếng kèn sừng.
               Tôi hỏi Đức Lạt Ma:
               - Sao không ai buồn thưa thầy?
                Đức Lạt Ma Wingszangchinh nói:
               - Người Tạng khi mới sinh  ra, phải tắm nước lạnh, hoặc phơi sương gió một ngày, sống thì nuôi chết thì thôi, không tiếc. Bởi khí hậu khắc nghiệt, nơi đây không dành cho những kẻ yếu ớt. Lớn lên, người Tạng quan niệm cuộc sống là tạm. Do đó  cái chết không đáng sợ, chỉ là một phần của bánh xe luân hổi, đi đến kiếp sau!
              - Sao  đốt cây dâu nhiều vậy thầy?
              - Dâu là cây vũ trụ!
               Đức Lạt Ma nói với tôi, khi  ngọn khói dâu tằm cuộn bay, người Tạng nhìn thấy con đường ngũ sắc đưa họ lên thiên đàng. Cây dâu còn là cầu nối giữa người âm và người dương, là cây mà Phật Tổ Như Lai làm gậy chống khi ngài đi hành hương, nên ma quỷ rất sợ cây dâu. Vì vậy đốt đuốc dâu còn để xua ma quỷ…

               Con chó ngao của chủ nhà thấy tôi là người lạ, lừ lừ bước tới. Tôi co rúm người lại vì khiếp sợ. Con chó to như con bò, đầu sư tử, mũi to miệng rộng và hai con mắt cọp. Người chủ nhà chạy ra nói một câu gì đó, con chó ngao vẫy đuôi quay vào.
               Đức Lạt Ma nhìn đồng hồ đeo tay rồi nói với mọi người:
                - Đến giờ rồi!
              Một hồi kèn sừng cất lên. Dứt tiếng kèn mọi người đồng thanh đọc câu thần trú: 
              - Um-ma-nu-dat-me-ni-ta-me!
                Những chiếc vòng pháp luân  xoay tít. Đức Lạt Ma niệm chú:
                - Nam -mô –hắc-ra-dát-na-dạ-ra…
                Dứt bài Chú Đại Bi , hai người đàn ông bế ông Wenhmeyi đưa qua cửa sổ . Người bên ngoài đỡ lấy ông , rồi  thay nhau cõng cái xác đã cứng  vì giá rét lên đỉnh núi thiêng. Đi theo sau là đoàn người cầm  đuốc dâu và thổi kèn sừng.
                Từ nhà ông Wenhmeyi lên đỉnh núi thiêng đi mất ba tiếng đồng hồ. Khi mọi người tới nơi thì ánh mặt trời cũng vừa ló dạng ở đỉnh núi tuyết phía xa. Đức Lạt Ma nói đây là ngày tốt nhất và thời khắc tốt nhất để làm lễ Thiên táng cho ôngWenhmeyi.
                Một  pháp sư chuyên làm lễ Thiên táng đã có mặt ở đây rồi. Theo phong tục người Tạng, pháp sư làm lễ Thiên táng phải có dòng dõi cha truyền con nối, bởi đòi hỏi  hết sức chính xác từng động tác, chì cần một sơ suất ma quỷ sẽ tranh dành, quấy phá làm cho linh hồn người chết không lên được Thiên đàng.
                 Pháp sư này khoảng ngoài bốn mươi tuổi, Đức Lạt Ma cho tôi biết, thầy là đời thứ năm làm pháp sư Thiên táng.
                 Một cây cọc cao chót vót cắm giữa đống đá lớn, xếp chồng lên nhau, mỗi viên đá tượng trưng cho một linh hồn đã được lên Thiên đàng từ đỉnh núi thiêng này. Trên mặt viên đá,tôi thấy khắc tên người và những bài kinh Phật bằng chữ Thổ Phồn tuyệt đẹp.Từ chân  cột tới đỉnh cao chót vót, người ta buộc túm những bó lông cừu, lông bò Jack, trâu lùn xòe ra chung quanh, và căng những dây cờ phướn , như hình kim tự tháp . Mỗi là cờ là một điều cầu nguyện, một lời nhắn gừi người chết lên Thiên đàng. Ánh bình minh rực rỡ, chan hòa trên đỉnh núi, cờ phướn  ngũ sắc bay phấp phới gây cảm giác cái chết nhẹ như bông  và hân hoan ở chốn này.
                                          Bầy kền kền trên núi Thiên Táng
 
                Thầy pháp sư  đốt nhang quỳ lạy trước khối đá linh hồn, rồi bảo hai người giúp việc khiêng xác chết đặt lên một phiến đá phẳng lì, vuông vức, có năm hàng  lkim, mộc, thổ, hỏa, thủy  thông xuống  một cái chậu lớn bằng đá. Người ta nói phiến đá này  ngàn năm tuổi, rất linh thiêng. Trong cuộc cách mạng văn hóa của Trung Quốc, một nhóm Hồng vệ binh đã lên đây, toan đập nát phiến đá, để dẹp bỏ tục lệ Thiên táng của người Tạng, nhưng hai thằng bị trúng gió chết quay lơ,  nên vội vã rút quân.
                 Xác ông Wenhmeyi đã nằm ngay ngắn trên phiến đá, quần áo được cởi ra. Thầy pháp sư thắp ba nén nhang lẩm  bẩm khấn rồi nói to:
               - Ơi các Thần linh! Ơi các Thần linh! Tín đồ Wenhmeyi, đã qua kiếp gửi, nay xin dâng thân xác mình, xin các Thần linh cử sứ giả đến đón về trời!
               Những người tham dự đứng chung quanh đồng thanh hô;
               - Ơi các Thần Linh! Và đốt hương trầm, tung tiền vàng mã lên trời.
               Hai bàn tay pháp sư thoăn thoát mổ bụng moi ruột gan tim phồi và lóc thịt người chết ra từng mảnh, máu chảy theo những hàng lỗ xuống chậu đá ,đã để sẵn bột lúa mạch. Pháp sư  chia thành 365 miếng đều nhau, tượng trưng cho 365 ngày. Ruột gan trộn với bột lúa mạch, chia ra 365  viên tròn trịa như quả trứng. Xương nghiền nát trộn với mạch nha, bơ và bột lúa mạch và cũng chia ra 365 phần. Ba trăm sáu mươi lăm phần xương, thịt con người, tượng trưng cho ba trăm sáu mười lăm ngày trong một năm, một năm ngày nào con người cũng có tội, nên khi chết, con người chia thân xác mình ra bố thí! Riêng cái đầu thì lấy đá đập bể một lỗ cho bộ não chìa ra nguyên vẹn, vì đó là cốt của linh hồn. Những  người thân của ông Wenhmeyi  chăm chú quan sát pháp sư xả thịt người thân của mình, họ rất sợ pháp sư để xảy ra sai sót nào.
                     Trong Thiên táng, điều đáng sợ nhất, là phạm dao vào đầu người chết. Người pháp sư  hôm nay thực hiện  chuẩn xác và nhanh nhẹn,  ba chục phút là hoàn thành.
                  Ông cất tiếng hô:
                 - Om-ma-ni-pad-me-um! Om-ma-ni-pad-me-nm!
                  Đồng loạt tiếng hô cất lên. Hàng chục cây đuốc dâu bung ra làn khói trắng ngút trời .
 
            Dường như  bầy kên kền đã trực sẵn trong những đám mây lưng chừng kia, ngóng chờ tín hiệu, nên khi khói dâu vừa cuộn lên là chúng xuất hiện. Đầu tiên chúng lượn mấy vòng, rồi đáp xuống một mỏn đá gần phiến đá thiêng. Con kên kên đầu đàn dương cặp cánh dài khoàng hơn hai mét lên, phô cặp đùi lớn như đùi bò, cất cái cổ dài ngoãng, phía trên có cái đầu trọc lốc. Nó đi mấy bước oai vệ, lấy móng sắc quệt cái mỏ nhọn hoắt ra oai, rồi cất tiếng gào: Khruc- khruc- kh..ru..c..!
                   Dứt tiếng kêu như ra lệnh, con kền kền đầu đàn đĩnh  đạc bước tới phiến đá thiêng. Nó không hung hăng, vồ vập mà đĩnh đạc như một ông tướng. Vị Pháp sư bưng hai tay dâng cái đầu thi hài lên cao, con kên kên vươn cái đầu trọc lốc về phía trước, há mỏ gắp gọn cái đầu người, vay vút lên.  Bấy giờ cả bầy kên kên  mới lao tới ăn phấn còn lại. Trong vòng mười phút toàn bộ thịt xương người chết đã được bầy kền kền dọn dẹp sạch sẽ.
 
       Gia đình  ông Wenhmeyi và dân làng vô cùng hà hê vì người thân của họ đã được thần điểu  đưa đi trọn vẹn. Vậy là xương thịt con người trần tục đã được nương theo gió về trời! Vậy là ông Wenhmeyi đã thoát kiếp bụi trần nặng nhọc sang cõi sáng láng siêu nhiên. Cái bánh xe luân hồi lại quay, quay mãi!
                 Đức Lạt Ma Wuangszngchinh  buộc vào cổ tay tôi một sợi chì hồng làm phước, bảo rằng, tôi là người may mắn  được dự một lễ Thiên táng của người Tạng. Tôi cảm ơn  Đức Lạt Ma và đứng giữa đỉnh núi thiêng vái bốn phương trời đất. Lần đầu tiên trong đời tôi đặt chân tới Tây Tạng, mảnh đất  thiêng  với cung điện Poltala tráng lệ,  Đại Chiêu Tự cổ kính,  hồ Namsto, như hòn ngọc xanh biếc trên đỉnh  núi cao 5200 mét giữa tuyết trắng mênh mông.
                Tây Tạng, một vẻ đẹp kỳ bí, một đất nước hiền hòa và biết bao điều bí ẩn. Đến Tây Tạng để được dãi bày, được gột rửa tâm can mình, đó là suy nghĩ của nhiều người, trong đó có tôi.
M.D                                                                     

1 nhận xét:

  1. Tôi cùng đi chuyến hành hương Tây Tạng với vợ chồng ông Minh Diện, đàn có 15 người do Đại đức Thích Giac Thiên dẫn đầu. Trong chuyến đi ông Minh Diên không nói cho ai biết mình là nhà báo,nhưng trong chuyến đi ấy ông Diện rất chăm chú ghi,ông ấy còn giúp chúng tôi ghi tên cúng dường bằng chữ Hán, tôi còn nhớ khi ông Diện chụp ảnh mấy người lính TQ trên đường phố Lhasa bị họ gây khó dễ. Hôm nay đọc bài báo của ông làm tôi nhó lại những ngày trên đất Phật Tây Tạng, quả thật là một chuyến đi hãi hùng nhưng rất nhiều ý nghĩa. Rất mong có một chuyến đi hành hương nữa với ông. Nguyễn Trọng Khánh SG

    Trả lờiXóa