Nguyễn Phi Khanh (Nguyễn Ứng Long) quê làng Chi Ngại, nay thuộc phường Cộng Hòa, TX Chí Linh là thân sinh Anh hùng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.
Ông từng thi đỗ Nhị giáp tiến sĩ năm Long Khánh thứ 2 (1374), đời vua Trần Duệ Tông, nhưng không được triều đình bổ dụng nên về quê dạy học. Đại Việt sử ký toàn thư không ghi rõ ông đỗ thái học sinh năm nào, nhưng có viết về việc ông đỗ thái học sinh trong các sự kiện của năm 1385, sau khi thượng hoàng Trần Nghệ Tông đã tổ chức kỳ thi thái học sinh năm Xương Phù thứ 8 1384. Đến khi Hồ Quý Ly đoạt ngôi nhà Trần, ông đã ra làm quan cho nhà Hồ dưới triều Hồ Hán Thương, được bổ nhiệm giữ chức Hàn lâm học sĩ rồi lần lượt thăng lên Thống chương Đại phu, Đại lý tự khanh kiêm Trung thư Thị lang, Tư nghiệp Quốc tử giám.
Năm 1407, khi giặc Minh xâm lược nước ta, Nguyễn Phi Khanh bị Trương Phụ bắt và giải về Trung Quốc, Nguyễn Trãi khóc chạy theo cha ra đến ải Nam Quan. Phi Khanh quay lại bảo Nguyễn Trãi quay về Thăng Long nuôi chí diệt giặc mới là làm tròn đại hiếu. Quả nhiên sau này Nguyễn Trãi đã theo Lê Lợi đánh bại được quân Minh.
Sách "Nhìn lại lịch sử"dẫn bài của tác giả Đinh Công Vĩ, có nghiên cứu gia phả Phạm Anh Vũ (tức Nguyễn Anh Vũ - con Nguyễn Trãi, cháu Nguyễn Phi Khanh, phải đổi sang họ mẹ khi trốn tránh vì gia đình bị tru di tam tộc) nêu thông tin khác về kết cục của Nguyễn Phi Khanh. Theo đó, Nguyễn Phi Khanh bị quân Minh giải đi Trung Quốc, có cả anh em Nguyễn Trãi và Nguyễn Phi Hùng đi theo. Tới Vạn Sơn Điếm (Hồ Bắc) một thời gian thì quân Minh thả cho Nguyễn Phi Khanh về. Ông sống ở Côn Sơn tới khi mất năm 1428, an táng tại núi Đá Bạc. Người đời sau gọi núi đó là núi Báo Ân hay núi Báo Đức, hoặc còn gọi là núi Báo Vọng, thuộc huyện Chí Linh (Hải Dương) ngày nay. Mộ chí nay vẫn còn.
Sinh thời, ông là người rất mực yêu nước, thương dân, ghét bọn quan lại nhũng, thường dạy con những điều nhân nghĩa.
Tư tưởng đó đã được thể hiện qua những di cảo còn lại của ông, trong đó có bài "Thôn cư cảm sự ký trình Băng Hồ tướng công" dưới đây. Ảnh: Mộ Nguyễn Phi Khanh trên núi Báo Đức, xã Hoàng Hoa Thám, Chí Linh.
(VỀ BÀI THƠ THÔN CƯ CẢM SỰ KÝ TRÌNH BĂNG HỒ TƯỚNG CÔNG của Nguyễn Phi Khanh)
Phiên âm:
THÔN CƯ CẢM SỰ KÝ TRÌNH
BĂNG HỒ TƯỚNG CÔNG
Đạo huề thiên lý xích như thiêu,
Điền dã hưu ta ý bất liêu?
Hậu Thổ sơn hà phương địch địch,
Hoàng Thiên vũ lộ chính thiều thiều!
Lại tư võng cổ hồn đa kiệt,
Dân mệnh cao chi bán dĩ tiêu.
Hảo bả tân thi đương tấu độc,
Chỉ kim ngọa bệnh vị năng triều.
Dịch nghĩa:
Ở QUÊ XÚC ĐỘNG
TRƯỚC SỰ VIỆC XẢY RA,
TRƯỚC SỰ VIỆC XẢY RA,
GỬI TRÌNH TƯỚNG CÔNG BĂNG HỒ
Ruộng nương nghìn dặm đỏ như cháy,
Đồng quê than vãn không biết trông cậy vào đâu.
Non sông của Hậu Thổ đang nứt nẻ,
Mưa móc của Hoàng Thiên hãy còn xa vời!
Lưỡi tham quan lại vơ vét hết kiệt,
Mỡ màng của dân đã cạn hết nửa,
Xin đem bài thơ mới này thay cho tờ tấu,
Hiện nay đang nằm trên giường bệnh chưa thể đến chầu được!
Bản dịch thơ của Vũ Bình Lục:
Ruộng nương khô cháy cả rồi
Đồng quê than vãn hỏi trời nơi đâu?
Non sông nứt toác mặc dầu
Móc mưa thiên đế trên đầu quá xa
Tham quan liếm sạch sơn hà
Mỡ màu dân, chỉ còn ba bốn phần
Xin đem lời mới thay dân
Thân tàn mong được xá phần tôi con!
Đây là bài thơ Nguyễn Ứng Long viết gửi ngài Tướng công Băng Hồ, tức Trần Nguyên Đán, khi Ứng Long đang nằm trên giường bệnh ở nhà mình. Ta từng biết, Ứng Long được quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán gả con gái yêu là Trần Thị Thái, sau sinh ra người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Mặc dù Ứng Long đã thi đỗ tiến sĩ, nhưng không được bổ làm quan, vì vua Trần Nghệ Tông bảo thế là phạm lễ, vì thường dân mà mà dám lấy con gái hoàng thất.
Ứng Long phải ở nhà, dạy học kiếm sống, mãi đến đời nhà Hồ, mới ra làm quan, vào năm 1401. Bài thơ thay cho tờ tấu của người thường dân, gửi vị đại quan thuộc hàng trọng yếu của triều Trần, như một bản báo cáo về hiện tình đất nước, cùng nỗi lo của kẻ sĩ trước vận mệnh của nước nhà. Bốn câu đầu, tác giả tập trung mô tả cảnh đại hạn ở chốn dân quê:
Ứng Long phải ở nhà, dạy học kiếm sống, mãi đến đời nhà Hồ, mới ra làm quan, vào năm 1401. Bài thơ thay cho tờ tấu của người thường dân, gửi vị đại quan thuộc hàng trọng yếu của triều Trần, như một bản báo cáo về hiện tình đất nước, cùng nỗi lo của kẻ sĩ trước vận mệnh của nước nhà. Bốn câu đầu, tác giả tập trung mô tả cảnh đại hạn ở chốn dân quê:
Ruộng nương nghìn dặm đỏ như cháy,
Đồng quê than van không biết trông cậy vào đâu.
(Đạo huề thiên lý xích như thiêu,
Điền dã hưu ta ý bất liêu)
Ruộng nương của dân đang lâm vào cảnh khô hạn, đỏ như cháy (xích như thiêu). Nghĩa là không còn nhìn thấy màu xanh, màu tươi non của sự sống nữa. Không chỉ một nơi, mà cái họa ghê gớm này là ở khắp nơi, những ngàn dặm (thiên lý) kia! Thế thì thiên tai đã thật là khủng khiếp, cấp bách lắm rồi! Nhưng dân đen còn biết làm gì? Biết kêu ai, biết chờ ai cứu giúp đây? Kêu trời ư? Trời cao thăm thẳm, sao nghe thấu! Kêu triều đình ư? Triều đình xa dân lắm, đâu có nghe? Cho nên, Đồng quê than van không biết trông cậy vào đâu…Đó chính là một hiện thực đau xót, được tác giả khái quát trong hai câu thơ đầu.
Hai câu tiếp theo, vẫn là nói cảnh đại hạn, nhưng ở mức cụ thể hơn, sâu sắc hơn:
Non sông của Hậu Thổ đang nứt nẻ,
Mưa móc của Hoàng Thiên hãy còn xa vời.
(Hậu Thổ sơn hà đương địch địch,
Hoàng thiên vũ lộ chính thiều thiều).
Hậu Thổ, tức thần Đất. Vậy, non sông của thần Đất (Hậu Thổ sơn hà) mà còn nứt nẻ như thế, đến như thần linh cũng bất lực, thì dân đen biết làm thế nào? Hoàng Thiên, tức Ngọc Hoàng thượng đế, tức ông trời, cũng chưa chịu ban mưa móc xuống trần gian cứu giúp dân lành. Chữ Mưa móc (vũ lộ), vừa có ý nói là mưa, những cơn mưa từ trên trời, lại vừa có ý chỉ ơn huệ của Hoàng Thiên, cũng có thể ngầm chỉ cái ơn “mưa móc” của triều đình. Vậy mà trông trời, trời cao vời vợi, hy vọng mong manh, xa vời lắm! Cũng là nói về cảnh đại hạn, nhưng ở đây lại đề cập đến những đấng quyền lực, quyền năng siêu nhiên, để gửi chút tâm trạng ấm ức, bất bình của tác giả, cũng là tâm trạng của muôn dân.
Hai câu 5 và 6, tỏ thái độ bất bình, phê phán quyết liệt đối với bọn quan lại tham nhũng:
Lưỡi tham quan lại vơ vét hết kiệt,
Mỡ màng của dân đã cạn mất nửa.
(Lại tư võng cổ hồn đa kiệt,
Dân mệnh cao chi bán dĩ tiêu).
Cái lưỡi dơ bẩn của bọn quan lại tham ô (lại tư võng cổ) đã vơ vét sạch, liếm sạch, liếm đến cạn kiệt (đa kiệt) của dân đen rồi. Thóc lúa, của cải của cùng dân khốn khổ, chúng cũng vơ vét sạch. Thế thì dân đen còn biết sống bằng gì? Đến như Mỡ màng của dân đã cạn mất nửa! Nguyễn Trãi sau này có lẽ cũng tiếp thu tinh thần của hai câu thơ này của cha mình, mà phát triển thành những câu văn tố cáo tội ác của giặc Minh sắc hơn kiếm: “…kẻ há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán”…(Bình Ngô đại cáo). Đương nhiên, đối tượng tố cáo là khác nhau, nhưng tội ác của nội tặc, nào có kém chi tội ác của ngoại xâm? Đơn giản, bởi chúng đều là những kẻ bất nhân bất nghĩa cả!
Hai câu cuối, dường như có vẻ không nằm trong nội dung bài thơ. Nó chỉ có ý nghĩa như một lý do không thể đến trình tấu trực tiếp của người đang nằm bệnh tại nhà, thế thôi! Nhưng mà thế cũng là đủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét