Trang BVB1

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

> CON NUÔI SÁU ĐỤC


    * MINH DIỆN

               Ngôi biệt thự  đỏ chói giữa một rừng cây kiểng xanh ngắt. Những cây sanh, cây si, lộc vừng, mai tứ quý, mai chiếu thủy, tùng la hán, bách diệp, bằng lăng …với những cái tên hổ phục, quy chiếu, thác đổ, rồng bay, quân tử… trồng trong những chiếc chậu khảm sành không đếm xuể.

              Ngày ngày những chiếc xe hơi bóng lọng tấp nập ra vào ngôi biệt thự trong  khuôn viên  kín cổng cao tường như  phủ  chúa ấy đề “mua, bán”những cây kiểng. Đấy là biệt thự của viên quan đầu huyện, là nơi tên quan tham bày trò chơi cây kiểng trá hình để tham nhũng đục khoét dân cả chục năm  rồi.
             - Đù má! Tám Khoét này đéo thèm chơi với bọn đéo có văn hóa! Muốn chơi với Tám Khoét là phải có văn hóa! Muốn có văn hóa  phải biết chơi cây kiểng hiểu chưa?
               Cái triết lý văn hóa cây kiểng của Tám Khoét,  hắn đã công bố trong lúc ngà ngà say là như vậy. Người dân ở cái huyện ngoại thành này, hễ nói đến cây kiểng là nhớ đến Tám Khoét và ngược lại, với cái nghĩa bóng của từ ngữ.
              Thực ra hắn có một cái tên đàng hoàng và hoành tráng lắm, nhưng mọi người gọi hắn là Tám Khoét cho hợp với bản chất của hắn.
              Tám Khoét tuổi Ất Mùi, cầm tinh con dê. Nhưng vì hắn ăn bẩn nên biến thành con heo! Mặt hắn ngắn choằn, nung núc thịt, thây lẩy cái mũi như quả cà chua, tương phản với cặp mắt lươn ti hí. Hắn để bộ râu sâu róm trên cái môi mỏng dính. Đây là một công trình rất phản thẩm mỹ và trái nẻo khoa học, nó làm cho cái mặt quan huyện giống mặt lợn ỉ hơn, và hàng lông rậm rạp trên mép như đống bùi nhùi dính quá nhiều thứ hôi tanh rất khó làm vệ sinh.
                Nhưng thôi kệ, cái mặt cái râu là quyền sở hữu của Tám Khoét, ăn uống vệ sinh là chuyện riêng tư, mặc hắn, ta hãy quay lại cái triết lý văn hóa cây kiểng của Tám Khoét.
               Cách đây khoảng hai chục năm, Tám Khoét là một nhân viên địa chính xã. Dù mới chỉ là một nhân viên quèn như vậy, nhưng hắn cũng hách dịch, hạch sách dân, làm tình làm tội dân ra trò, và nịnh nọt cấp trên như  chó nịnh chủ.
               Một lần Tám Khoét đến xác minh một trường hợp lấn chiếm đất công ở thôn Trung. Thoạt nhìn hắn sôi máu lên. Ai đời giữa thôn, lại xuất hiện một con kinh chình ình chém thẳng từ sông vào mà hắn không hay biết? Thế này thì loạn mất rồi! Nó không coi thằng Tám Khoét này ra gì nữa rồi!
               Con kinh  băng qua vườn cây, ruộng lúa, bất chấp đất công đất tư chảy thẳng vảo trước ngôi biệt thự hoành tráng kín cổng cao tường.  Lão chủ biệt thự này làm bao giờ mà không nghe ai phản ảnh  với mình? Tám Khoét hậm hực nghĩ, và buông ra một câu chửi thề:
               - Đù má ! Thằng cha này dỡn mặt ông nội nó rồi!
                 Hắn hùng hổ bấm chuông ngôi biệt thự.
                Cánh cửa nặng nề hé mở, nửa khuôn mặt người giúp việc hé ra.   
                Tám Khoét quát:
               - Chủ nhà đâu? Ai đào con kình này?
                Có tiếng e hèm, rồi một giọng lè nhè  cất lên:
               - Cái gì hử!
                Tám Khoét đưa mắt nhìn qua vai người giúp việc. Một làn gió lạnh buốt xuyên qua sống lưng hắn, đầu gối hắn run bắn lên và hắn muốn khuỵu xuống. Trước mặt hắn là ông Sáu Đục hắn thường thấy trên TiVi.
                 Ông Sáu Đục nhướng cặp lông mày đốm bạc  lên, hỏi :
                  - La lối gì dzậy?
                  Mặt Tám Khoét bạc phếch như vôi. Hắn khoanh tay trước ngực, quỳ rạp xuống, đáp lí nhí:
                - Dạ thưa, dạ thưa …con la mấy đứa vứt rác làm bẩn kinh thôi  ạ!
                 - Ờ, thế hả? Vô trong này!
                 Sáu  Đục chỉ cái ghế đá :
                 - Ngồi đi!
                  Tám Khoét không dám ngồi, vẫn đứng khoanh tay như trời trồng, mắt lơ láo nhìn những cây cảnh trong sân nhà vị quan lớn.
                  Bỗng lão giúp việc kêu:
                 - Này anh kia, giúp một tay!
                  Lão giúp việc vần chậu cây kiểng không nổi, kêu vị khách không mời mà đến giúp sức. Làm gia nhân nhà quan  lão cũng  có quyền sai bảo y như  quan lớn!
                 Tám Khoét xắn tay áo, mang hết sức bình sinh bê thốc cái chậu kiểng giúp lão giúp việc. Lão giúp việc chỉ tiếp  chậu cây kiểng nữa,  rồi một chậu nữa… Những kẻ tôi tớ của quan tham cũng nhanh trí và láu cá chẳng kém gì quan tham!
                Vừa sai bảo Tám Khoét làm không công cho mình, lão giúp việc vừa nói chuyện. Lão bảo toàn bộ cây kiềng trong sân quan lớn đều là của biếu xén cả đấy! Muốn lên quan tiến chức, muốn làm ăn phát đạt đều phải đút lót cửa quan. Ông Sáu Đục thích cây kiểng nên ngưởi ta biếu kiểng. Việc lớn biếu cây to, việc vừa biếu cây vừa, việc nhỏ biếu cây nhỏ. Có cây vài chục triệu, có cây vài tỉ đồng. Lão nói Tám Khoét thỉnh thoảng lại chơi, nếu biết điều thì lão sẽ giới thiệu với Sáu Đục, may mắn được quan tâm cho  hưởng lộc!!
                  Từ hôm ấy tuần nào Tám Khoét cũng vào nhà Sáu Đục. Sáu Đục quen mặt Tám Khoét và thấy mến hắn, vì  hắn dễ sai khiến hơn con chó Hoàng Yến của ông ta.
                 Ngược lại Tám Khoét đặt quyết tâm bằng mọi giá lấy được lòng Sáu Đục.
                 Nhà Tám Khoét có một cây mai chiếu thủy, không biết  tuổi thọ bao nhiêu năm rồi, chỉ biết nó đã trải qua đời cụ, đời ông, đến đời cha Tám Khoét. Gốc nó to như vế đùi, rễ chìm rễ nổi uốn lượn nhấp nhô, sù sì như phún thạch trong hang động. Cây mai đứng canh tam đại nhà Tám Khoét,  mẹ hắn thường xuyên chăm sóc coi như linh hồn của tổ tiên tụ lại đó.
                 Một buổi chiều chủ nhật, biết chắc ông Sáu Đục ở nhà, Tám Khoét thuê xe chở cây mai chiếu thủy nhà mình tới biếu quan lớn. Hắn quyết định mang hết cả cụ kỵ ông cha hắn đổi lấy quyền lực! Sáu Đục ngắm nghía cây mai chiếu thủy trăm tuổi, khẽ gật đầu, từ đó Tám Khoét trở thành con nuôi Sáu Đục. Không bao lâu, từ một thằng nhân viên địa chính, Tám Khoét nhảy lên Phó chủ tịch rồi Chủ tịch xã Đông Tây.
                Người phụ nữ có cái tên Mai Hoa quê xứ Bắc, đi xuất khẩu lao động sang Đức, có chút vốn liếng, về thành lập công ty kinh doanh, nhưng bóc ngắn cắn dài  chả bao lâu phá sản. Cô ta chỉ còn cái vốn tự có,  là một thân hình bốc lửa với bộ ngực căng mẩy, cái  mông ngúng nguẩy, cặp mắt lúng liếng đa tình.
               Mai Hoa mang cái vốn tự có ấy vào miền Nam, và gái sắc gặp ngay trai tài. Gã cò đất Tư Thành, có khuôn mặt hằn hai vết sẹo dao băm, dấu vết của một quãng đời giang hồ, đã phải trả giá ba năm tù, dang tay đón Mai Hoa, và cái công ty Mai Thành ra đời chớp nhoáng như cuộc tình của họ.
              Sẵn nghề cò đất, Tư Thành  lao vào kinh doanh  bất động sản. Gã mua năm ngàn mét vuông đất ruộng ở xã Đông Tây, nơi Tám Khoét làm chủ tịch, để  phân lô bán nền nhà . Tư Thành mời Tám Khoét đi nhậu với vợ chồng mình, nửa chừng bỏ đi, để Mai Hoa lại cho Tám Khoét. Nhìn càng đắm ngắm càng say, Tám Khoét dìu Mai Hoa vào phòng riêng lúc nào không hay.
             Cuộc truy hoan cùng người đẹp, cộng 500 triệu  tiền mặt, là cái giá công ty Mai Thành trả cho Tám Khoét, để hắn hợp thức hóa việc san lấp mặt bằng phân lô bán nền 5000 mét vuông đất. Trừ đường nội bộ, Công ty Mai Thành chia lô đất thành 40  nền nhà, bán hết veo giá 20  cây vàng một nền. Tư Thành lại quả cho Tám Khoét 20 cây. Tám Khoét bỏ năm lượng vàng bốn số chín, rước một cây lộc vừng bông đỏ biếu  bố nuôi.
                  Lô đất thứ hai, rồi lô đất thứ ba, thứ tư ở xã Đông Tây biến thành nền nhà của Công ty Mai Thành. Trong cơn sốt bất động sản  2003,  Mai Thành phất lên như diều gặp gió. Tiền tình cũng soắn xuýt lấy Tám Khoét.  Mỗi lô đất hợp thức hóa cho Mai Thành san lấp mặt bằng, chia lô bán nền đều có giá trung bình 200 cây vàng bốn số chín trở lên, cùng  với vàng là những cuộc nhậu, cuộc tình sa đọa thâu đêm.
                Mỗi lần kiếm được tiền Tám Khoét đều không quên bố nuôi. Bây giờ hắn ra vào nhà Sáu Đục như cơm bữa. Những bữa tiệc ở nhà Sáu Đục, hắn dự với tư thế con nuôi, vênh vang tự đắc trước nhũng cán bộ dưới quyền Sáu Đục. Sáu Đục ngày càng quý thằng con nuôi, vì bây giờ, hắn không chỉ biếu  bố nuôi cây kiểng, mà biếu cả những cây vàng bốn số chín.
               Sẵn tiền, lại có cái mác con nuôi ông Sáu, Tám Khoét mở rộng mối quan hệ, được trên thương, dưới nể,  báo chí bốc thơm thành một cán bộ năng động đổi mới,và Tám Khoét nhảy vùn vụt, từ Chủ tịch xã  lên Trưởng phòng tài nguyên môi trường huyện, lên Phó chủ tịch, rồi Chủ tịch huyện. Càng lên cao hơn Tám Khoét càng đục khoét mạnh  hơn. Hắn khinh dân như cỏ rác và coi đất đai ở cái huyện ngoại ô này như của riêng hắn, muốn cho ai thì cho, muốn làm gì thì làm.
                  Đất vùng nào, giá cả mua bán ra sao, Tám Khoét thuộc như lòng bàn tay, vì đó là cái mốc để tính tỷ lệ chung chi tương ứng. Với Tám Khoét, muốn mua bán, sang nhượng, phân lô bán nền bất cứ chỗ nào, bao nhiêu tùy thích, miễn là biết luật chung chi, còn không thì chỉ cần che cái nhà xí hắn cũng ra lệnh cưỡng chế ngay tắp lự.
                  Tám Khoét học được bố nuôi Sáu Đục nhiều điều trong đó có chuyện chơi cây kiểng. Và cái gọi là văn hóa cây kiểng của Tám Khoét ra đời để lấp liếm tội đưa, nhận hối lộ.
                  Việc gì ở cái huyện ngoại ô này cũng phải qua tay Tám Khoét. Muốn đầu xuôi đuôi lọt thì đứt khoát phải chung chi. Cái giá chung chi được viết cụ thề vào tấm thẻ treo trên từng cây kiểng. Có cây vài triệu, có cây vài chục, vài trăm  có cây vài tỷ đồng.
                 Khi có công việc, đưa hồ sơ cho tay chân Tám Khoét, sau đó sẽ được một cái hẹn đến nhà Tám Khoét. Khi đi phải chuẩn bị tiền bạc, đến nơi Tám Khoét sẽ dẫn ra thăm vườn cây kiểng, chỉ tay vào cây nào phải mua cây ấy.  Nếu đồng ý thì trả tiền cho vợ Tám Khoét, có hóa đơn mua bán đàng hoàng, hôm sau hồ sơ sẽ được giải quyết; nếu không mua thì thôi, hồ sơ ngâm cho mối ăn hoặc ném  sọt rác.
                  Cái văn hóa cây kiểng của lão quan tham này nó biểu hiện rất cụ thể như thế. Những khách hàng “mua cây kiểng” của Tám Khoét, sau khi trả tiền đều “xin tạm gửi lại anh Tám” khi nào xong công việc tới nhận, nhưng chằng ai tới nhận cả, đó cũng là cái “ luật” Tám Khoét ngầm quy định.
                  Người ta không thống kê hết số người phải “mua” cây  kiểng của Tám Khoét. Có người  “mua” một, hai cây, có người mua cả chục cây. Người “mua” nhiều nhất là vợ chống Thành, Mai chủ Công ty Mai Thành.
                 Mai Thành đã mua gần hết vườn kiềng của Tám Khoét để hắn ký khống cho đôi vợ chồng này  mấy chục héc ta đất của dân, lập dự án ma, rồi  móc ngoặc với nhân viên phòng tín dụng thế chấp cho ngân hàng lấy hơn 6.000 cây vàng, làm cho  bao người dân thấp cổ bé họng lam lũ ở cái huyện ngoại thành này sống dở chất dở.
                   Những là đơn tố cáo quan tham Tám Khoét xếp chật tủ, nhưng khi bố nuôi hắn còn tại chức không ai dám đụng đến hắn, vì đánh chó nể chủ. Tám Khoét lại tưởng hắn khôn ngoan, biết dùng “văn hòa cây kiểng”  làm lá chắn an toàn nên càng chủ quan đục khoét, càng  hống hách coi trời bắng vung. Hắn đâu ngờ dù mây đen tầng tầng lớp lớp  cũng có ngày mặt trời xé toạc. Mặt trời đó là dân. Ngàn vạn con mắt nhân dân chói ngời, có sức xuyên chiếu hơn cả mặt trời! Nhìn hắn đúng trước vành móng ngựa nhận cái án gần ba chục năm tù, tôi tư hỏi: “Đã tương xứng với tội của hắn chưa và tại sao lão Sáu Đục vẫn ung dung tự tại?”.
   M.D

3 nhận xét:

  1. Bố đục,con khoét chúng ăn hết phần dân là đúng rồi! Viết hấp dẫn lám. Chả cần viết rõ tện cũng biết cha con nó là ai .Hoan hô bác Minh Diện và Bác Bùi văn Bồng. Thâm thúy lắm.

    Trả lờiXóa
  2. Một câu chuyện thật hấp dẫn.Chúng nó dùng cả thú chơi tao nhã nhất đề tham nhũng thì thiên tài thật. Hoan hô DCS Việt Nam muôn năm!

    Trả lờiXóa
  3. Ăn cây ăn đất thì cũng mới chỉ là lũ cò con.
    Ăn hạm ăn băng mới đáng là ăn, mỗi phát vài trăm tỷ luôn.

    Trả lờiXóa