Trang BVB1

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

> CHỦ QUYỀN ĐẤT NƯỚC và QUYỀN CÔNG DÂN trong Hiến pháp

Cần nghiên cứu một cách cẩn trọng để đưa tuyên bố chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa vào trong Hiến pháp - ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nói tại phiên thảo luận sáng 16/11 về dự thảo Hiến pháp sửa đổi.
               "Đây là cơ hội chín muồi và hết sức cần thiết để chúng ta thể hiện tuyên bố mạnh mẽ về chủ quyền với những chứng cứ lịch sử rõ ràng và sự ủng hộ của phần đông dư luận thế giới", ông Nhân nói.

ĐB Phạm Trọng Nhân

             Ông Nhân nhấn mạnh: Với ý chí ngoan cường không dễ bị khuất phục của dân tộc Việt Nam, tôi có niềm tin vững chắc rằng các thế hệ tiếp nối sẽ thực hiện lời tuyên bố của chúng ta hôm nay đó là toàn vẹn lãnh thổ, toàn vẹn chủ quyền của Việt Nam là bất tử, là bất khả xâm phạm.
Nhiều quyền công dân chưa được luật hóa
                Các ĐB cũng đóng góp nhiều ý kiến về đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp và vấn đề kiểm soát quyền lực.
               ĐB La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) chỉ ra Hiến pháp phải có cơ chế bảo vệ quyền con người, các quyền cơ bản của công dân.
                "Ngay tại lời nói đầu Hiến pháp năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì soạn thảo đã khẳng định: Việc QH dự thảo Hiến pháp là được quốc dân giao quyền, việc sửa đổi Hiến pháp do 2/3 Nghị viện yêu cầu nhưng việc thay đổi đã được Nghị viện phê chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết", như vậy là toàn dân định ra Hiến pháp, nhà nước không ban hành Hiến pháp cho dân, ông Thoáng nói.
                 Tuy nhiên, thể hiện quyền lực của nhân dân dù tốt đến đâu, việc bảo vệ quyền đó trên thực tế mới mang tính quyết định. "Thực tế trong Hiến pháp 1992 có rất nhiều quyền trực tiếp của dân như quyền được thông tin, tự do hội họp, ngôn luận, biểu tình và các quyền dân chủ gián tiếp như bãi nhiệm, bất tín nhiệm đã không được cụ thể hóa bằng các đạo luật kịp thời", ĐB Cao Bằng nhận định.

ĐB La Ngọc Thoáng: Nhiều quyền dân chủ trực tiếp và gián tiếp của công dân không được cụ thể hóa bằng các đạo luật kịp thời

                Luật sư Trương Trọng Nghĩa (ĐB TP.HCM) thì nói "sửa đổi Hiến pháp 1992 nếu không phát huy được hơn nữa các quyền tự do, dân chủ, chú trọng đổi mới đồng bộ chính trị và kinh tế, nhờ thế tạo động lực mạnh mẽ hơn cho giai đoạn cách mạng mới, thì không nên sửa lặt vặt".
                 Ông Nghĩa đề nghị khẳng định "công dân được quyền trưng cầu ý dân về những vấn đề hệ trọng quốc gia và về thay đổi Hiến pháp" là một quyền cơ bản như trong Hiến pháp 1946.
                    ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) thì đề nghị Hiến pháp khẳng định quyền sở hữu tài sản là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. "Hiến pháp rất nhiều nước đã quy định vấn đề này và đây là tư tưởng xuyên suốt để xác định mối quan hệ giữa nhà nước và công dân, liên quan đến vấn đề sở hữu tài sản", Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp nói. 
               Ông Quyền cũng đề nghị Hiến pháp nâng tầm quyền sử dụng đất từ Bộ luật Dân sự lên hiến định rằng quyền sử dụng đất là quyền về tài sản. "Vấn đề này đã được quy định trong Bộ luật Dân sự, nhưng nếu được quy định trong Hiến pháp thì sẽ là một trong những kênh chỉ đạo xuyên suốt để hoạch định chính sách liên quan đến những vấn đề đất đai".
                  Cũng về đất đai, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo (ĐB Hà Nội) lưu ý việc sửa luật Đất đai đang tiến hành song song sửa Hiến pháp có "vênh nhau về chế định thu hồi đất".
               "Dự thảo Hiến pháp sửa đổi quy định chỉ thu hồi đất trong 3 trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia. Nhưng dự thảo luật Đất đai sửa đổi lại quy định thêm 2 lý do là mục đích phát triển lợi ích công cộng và điều kiện phát triển kinh tế xã hội", ông Thảo chỉ ra.
             "Phải thống nhất vì dù hai văn bản này song hành nhưng luật Đất đai dự kiến thông qua tháng 5 năm sau, trong khi Hiến pháp là đến tháng 11. Nếu luật Đất đai có 5 trường hợp được thu hồi đất, sau đó Hiến pháp lại chỉ có 3, sẽ rất khó xử lý", Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp nhận định.
 
Cụ thể hóa "dùng quyền lực để kiểm soát quyền lực"
                Các ĐB cũng đóng góp nhiều ý kiến để Hiến pháp đảm bảo được tinh thần và yêu cầu "quyền lực nhà nước thống nhất có sự phân công phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp".

                ĐB Trần Đình Nhã (Thừa Thiên - Huế) nhận định: "Nghị quyết ĐH Đảng XI đặc biệt nhấn mạnh nguyên lý quyền lực phải được kiểm soát, dùng quyền lực để kiểm soát quyền lực. Đáng tiếc là trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, nguyên lý trên chưa được triển khai mạnh mẽ".
               ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng phải có cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước "để Nhà nước phải làm đúng, làm đủ những gì mà nhân dân đã ủy quyền".
               Ông Đương đề nghị bổ sung chế định thể hiện sự kiểm soát quyền lực ngay trong mỗi một hệ thống quyền lực. ĐB TP.HCM cũng muốn bổ sung quyền cho QH quyết định cơ cấu số lượng các thành viên CP để tăng số lượng ĐB chuyên trách, để độc lập, khách quan hơn trong việc xét báo cáo, ấn nút biểu quyết các dự án do CP trình, chất vấn và phê bình các thành viên CP.
                 Theo ĐB Đỗ Văn Đương, QH cũng cần có thêm công cụ để kiểm soát việc thực hiện quyền hành pháp, tư pháp, như Ủy ban Lâm thời, để nghiên cứu thẩm tra một dự án hoặc điều tra các vụ việc sai phạm nghiêm trọng ở tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
               ĐB TP.HCM cũng chia sẻ với các ý kiến về thành lập Kiểm toán Nhà nước độc lập như nhiều ĐB đã nêu. Phó Chánh án TANDTC Trần Văn Độ (ĐB An Giang) thì cho rằng Kiểm toán Nhà nước nên trực thuộc QH.
                Ngân hàng Nhà nước cũng nên trở thành Ngân hàng trung ương trực thuộc QH như nhiều nước đã làm, tránh tình trạng nhiều quyết định trong chính sách tiền tệ, tín dụng, các khoản chi rất lớn, đặc biệt lớn nhưng QH không biết.
T.M
---------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét