Trang BVB1

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

> CHÂN DUNG HẮN

     
   * MINH DIỆN

             Hắn có khuôn mặt hình tam giác nhọn, trán dô, hai gò lưỡng quyền nhô cao tương phản với cặp mắt sâu hoáy và cái  miệng chu ra như đang  thổi lửa, nhìn  toát lên vẻ cộc cắn và hung dữ.
                 Ngày ấy, Sài Gòn mới giải phóng được mươi ngày, tôi và nhà văn Nguyễn Trọng Oánh tới ở nhả ông Đoàn, trong khu phố đông đúc ngã tư Bảy Hiền, nơi tôi đã tham gia chiến đấu tết Mậu Thân.
                Một hôm, chúng tôi đang ăn sáng trên lầu thì ông Đoàn hốt hoàng chạy vào nói:
             - Thưa hai ông sỹ quan giải phóng! Có một ông giải phóng con tìm hai ông!
              Thiếu tá Nguyễn Trọng Oánh nói với ông chủ nhà:
              - Tôi đã nói với bác rồì! Chúng tôi không thuộc Uỷ ban quân quản nên không tiếp ai cả?
               Ông Đoàn nói:
              -  Ông giải phóng con ra lệnh cho tôi phải mời hai ông xuống!
              Thấy ông chủ nhà lo lắng, lại nghe cái danh từ “ông giải phóng con” hay hay,  anh Óanh bảo tôi xuống xem sao?
                Bỏ miếng bánh mỳ ăn dở, tôi chình đốn lại quân phục, đi xuống tầng trệt. Trước mặt tôi là một thằng bé loắt choắt, mặt nhọn hoắt, mặc bộ quân phục xanh lá cây rộng thùng thình, đầu đội mũ tai bèo, chân đi ép cao su, trên cánh tay đeo một giải băng  đỏ. Tưởng đây là cậu giao liên tôi hỏi:
               - Em ở đơn vị nào, tìm các anh có chuyện gì?
                Thằng bé đứng nghiêm, giơ tay chào như một người lính, giọng nói lanh lảnh:
               - Báo cáo thượng câp, tôi bắt được hai tên sỹ quan  ngụy!
                 Thằng bé quay ngoắt ra cửa dẫn vào hai người đàn ông khoảng gần năm chục tuổi. Cả hai đều bị trói quặt hai tay ra sau lưng bằng sợi dây dù, chân  cũng bị trói như tù binh. Nhìn gương mặt xám ngoét và hai  bàn tay tụ máu sưng vù của hai người đàn ông, tôi biết họ rất đau đớn.
                 Tôi hỏi thằng nhỏ:
                 - Ai trói họ thế kia?
                  Thằng nhỏ hãnh diện đáp:
                 - Trình thượng cấp, chính em bắt trói hai tên này!
                 - Sao lại trói người ta?
                 - Thưa thượng cấp! Hai thằng này là sỹ quan, có nhiều nợ máu với nhân dân, phài bắt chúng đền tội!
                   Một người đàn ông kêu lên:
                   - Năm ơi! Dượng chỉ là cảnh sát giao thông , có nợ máu với ai đâu…
 
                   - Im mồn! -Thằng nhỏ tên Năm quát - Bắng nhắng tao cho một bạt tai bây giờ!
             Người đàn ông co rúm người, ngồi gục mặt xuống hai đấu gối. Người kia quay mặt đi chỗ khác. Ông chủ nhà và mấy người hàng xóm đứng chung quanh nhìn ái ngại.
                  Tôi nói với thằng bé tên Năm:
                  - Em cởi trói cho hai người ta! Không có quyền  trói họ!
                   Thằng Năm lắc đầu:
                  - Báo cáo thượng cấp! Hai tên này là ác ôn, phài trừng trị triệt để!
                   Tôi giải thích :
                 - Ác ôn ác bá tính sau! Tôi ra lệnh cởi trói cho người ta!
                  Thằng nhỏ quắc mắt nhìn tôi, hỏi:
                 - Anh là ai mà ra lệnh cởi trói cho ác ôn?
                 - Là sỹ quan quân giải phóng! Được chưa?
                  Thằng Năm quắc mắt nhìn tôi, rồi giơ chân đá vào lưng người đàn ông vừa xưng dượng với hắn:
                  - Đứng dậy, đi!
                  Nhìn thằng bé vắt mũi chưa sạch, mặc bộ quân phục còn cứng hồ vải, dùng  tiếng thượng cấp theo cách xưng hô của quân đội Sài Gòn, mặt  đằng đằng sát khí, tôi đã ngứa mắt. Bây giờ hắn ngang bướng chống lệnh một thượng úy quân giải phóng đàng hoàng, không trị hắn thì còn ra thể thống gì nữa? Tôi nói với hắn:
                 - Tôi ra lệnh cởi trói cho người ta, có chấp hành không?
                  Thằng Năm vênh mặt lên, cầm hai đầu dây trói kéo hai người đàn ông đi. Tôi quát:
                 - Đứng lại!
                 Tôi rút khẩu súng K54 chĩa thẳng vào tên Năm:
                 - Cởi trói!
                 Trước họng súng của tôi, thằng Năm  phải cởi trói cho hai người đàn ông, rồi hắn hậm hực bỏ đi không ngoái đầu lại.
                 Người đàn ông lúc nãy xưng là dượng với thằng Năm nói với tôi:
                - Cám ơn ông sỹ quan ! Hôm nay không có ông chắc tôi chết vì thằng cháu tôi!
                - Ông với nó quan hệ thế nào? Tôi hỏi.
                - Dạ, thưa! Tôi và bố nó là anh em bạn rề. Năm Mậu thân bố nó bị bom chết ở quê, mẹ nó đi lấy chồng khác, vợ chồng tôi đưa nó vô đây nuôi, lúc đó nó mới có chín tuồi.
                 Người đàn ông thứ hai cũng có họ hàng với Năm, là đại úy hải quân, đã  về hưu ba năm, có hai người anh tập kết ra Bắc. Với vẻ mặt nhẫn nhịn, nhưng không dấu vẻ khinh bỉ, ông nói với tôi:
               - Nói ông bỏ qua! Các ông mới vào thành phố này mà dòi bọ đã nhung nhúc rồi!
                Tôi xin lỗi hai người đàn ông, bảo họ về nhà, đừng chấp với bọn trè con háo thắng như thằng Năm. Ông Đoàn chủ nhà nói với tôi:
               - Dân thành phố chúng tôi bây giờ không sợ quân giải phóng  các ông mà sợ bọn lau nhau  30-4 !
               Câu chuyện dừng lại đó.
                Mấy hôm sau chúng tôi về đơn vị, sau đó anh Nguyễn Trọng Oánh ra Hà Nội công tác, tôi chuyền ra làm phóng viên báo Tiền Phong.

                    *          *          *
Năm 1979 tôi lấy vợ ở khu phố Bảy Hiền.
               Tôi cưới vợ được mấy tuần thì chiến dịch đánh tư sản bắt đầu. Bố mẹ vợ tôi cũng bị đánh,  mặc dù gia đình ông chỉ làm nghề dệt vải, không buôn bán gì. 
 
           Hôm khám xét nhà bố vợ tôi, thằng Năm cũng có mặt. Bây giờ hắn  đã là phó công an phường. Không hiều sao lên nhanh thế? Nghe nói hắn khai man lý lịch là con liệt sỹ, và rất hăng hái trong việc truy lùng sỹ quan chế độ cũ trốn học tập cải tạo, và theo dõi bắt người vượt biên nên lên nhanh. Bây giờ cả phường này ai cũng sợ Năm, với biệt danh  “Năm Lửa” vì  tính hắn nóng như lửa, rất hách dịch, và tàn nhẫn. Hắn tuyên bố, nếu liên quan đến chế độ cũ và bọn tư sản thì bố đẻ hắn, hắn cũng bắn bỏ!
                 Hôm ấy Năm Lửa nhìn thấy tôi quắc mắt lên hỏi:
                - Tại sao anh có mặt tại đây?
                 Tôi nói:
                - Đây là nhà vợ tôi!
              Năm Lửa bĩu môi:
               - Anh mất hết lập trường giai cấp rồi! Là sỹ quan quân đội, là đảng viên mà lấy con tư sản?
                 Một thằng nhãi ranh bốn năm trước, bây giờ lên lớp mình về lập trường tư tưởng? Thôi kệ hắn chấp làm gì! Tôi nghĩ vậy và bỏ đi, không muốn dây vào công việc của cái tổ khám xét, thu gom tài sản vô nhân đạo.
             Ba hôm sau, trung tá nhà văn Thái Vượng ngoài Hà Nội vảo,  bảo tôi đưa về thăm gia đình vợ. Trong bữa cơm thân mạt, vợ tôi cho biết toàn bộ tivi, tủ lạnh, vải vóc quần áo, đều đã bị tich thu hết. Gia đình mua dự trữ ba kg bột giặt, cũng bị tịch thu. Một gia đình làm ăn chân chất, có hai người là liệt sỹ, mà bây giờ trắng tay. Vợ tôi nói hôm kiểm kê thằng Năm Lửa moi móc từ chậu cây cảnh ngoài sân thượng đến đống than củi trong bếp, hắn sắn tay áo lùa vào cầu tiêu xem có dấu vàng không.
              Chiều hôm đó khi về cơ quan, tôi mang theo chiếc va li để mai ra Hà Nội cùng Thái Vượng. Không ngờ từ lúc tôi về, đến lúc đi,  Năm Lửa đều bố trí người theo dõi. Khi tôi chở Thái Vượng ngang  qua trụ sở công an phường, Năm Lửa ra chặn lại.
               Hắn  nói trống không:
               - Đưa kiềm tra cái va li?
               Tôi cũng hỏi trống không:
              - Quyền gì mà kiểm tra va li ?
               Năm Lửa chỉ thằng tay vào mặt tôi:
              - Anh tẩu tán tài sản của tư sản ?
               Thái Vượng chen vào:
              - Đồng chí nhầm rồi, trong cái va li này không có gì cả!
               Năm Lửa chì tay vào mặt Thái Vượng:
               - Tôi không đồng chí với bọn tẩu tán tài sản của tư sản!
              Thái Vượng chỉ vào ve áo mình, dằn giọng:
              - Mày mở mắt ra, nhìn cái quân hàm trung tá trên ve áo tao! Nếu mở  va li ra có tài sản của tư sản, tao sẽ lột cái lon trung tá ném cho chó tha, còn không tao  bắn bể sọ mày!
              Tưởng nói vậy Năm Lửa chờn, không kiểm tra nữa, nào ngờ hắn vẫn thét lính giật chiếc va li trong tay tôi, mở banh ra. Trước năm người mười mắt, chiếc va li trống rỗng. Mặt Năm Lửa từ màu máu sang màu chàm, hắn lùi lũi bước đi.
               - Đoàng! Đoàng !Đoàng!
                 Ba phát súng K59 của trung tá Thái Vượng nổ chói óc, đạn cày trước mặt Năm Lửa. Năm Lửa quỳ mọp xuống, lết bắng đầu gối, ôm lấy chân Thái Vượng. Hắn cứ ôm cứng như vậy,  miệng lắp bắp không thành lời:
                 - Con lạy chú tha cho con!
                 Thái Vượng nói:
                 - Đồ hèn! Phàm những thắng gian ác như mày đều rất hèn!
Thái Vượng nói rồi cho súng vào bao. Vả chúng tôi bỏ đi.      

          Năm Lửa tác oai tác quái thêm hai ba năm, lên tới chức đội trường hình sự công an quận, thì dính vào vụ buôn lậu vàng, đô la qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, lãnh án 8 năm tù giam. Khi hắn đi tù vợ mang con theo chồng khác. Bây giờ Năm Lửa ở một mình với một con chó. Hàng ngày hắn hay dắt chó đi dạo. Nhiều người gặp hắn chào rất to:
             - Chào ông chơi với chó ạ!
              Tình cờ tôi gặp lại người đại úy hải quân bị Năm Lửa trói năm xưa. Tôi nói với ông ấy:
             - Ước gì tôi có một bức chân dung Năm Lửa ngày xưa để so sánh với hắn bây giờ?
             Người đại úy hài quân mỉm cười nói:
              - Nhan nhản ra đấy, thiếu gi?
              - Ông nói sao? Năm Lửa có nhiều ảnh chân dung?
              Người đại úy già vuốt chòm râu thưa bạc trắng:
              - Chân dung hắn nhan nhản trong cuộc cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, Văn Giang, trong  những cuộc đàn áp người biểu tình yêu nước, và ở khắp nơi, anh không nhìn thấy sao?

    M.D

15 nhận xét:

  1. 1975-2012 trên đất nước nầy không biết bao nhiêu "năm lửa" đã sinh ra,chết đi và tồn tại.

    Trả lờiXóa
  2. Câu chuyện của anh Minh Diện
    vẫn còn NÓNG NGUYÊN TÍNH THỜI SỰ.

    Đây là nguy cơ dẫn đến NGUY CƠ MÀ TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG CẢNH BÁO CAO ĐỘ TRONG HỘI NGHỊ TW 6 VỪA QUA.

    Có điều, người ta bận kiếm tiền, chăm lo vinh thân, phì gia nên ĐẤT NƯỚC GIỜ NGUY NGẬP.

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn Anh Bồng và Tác giả - Đọc thấy buồn quá- "hồi xưa" tôi đã gặp một "năm lửa" , chưa "nặng" như trong bài viết còn lời thì y khuôn,nhưng đúng là cái kết thúc thì giống cho đến hôm nay- Còn tôi dù thế nào vẫn sống tử tế. Ương hạt mít không thể hái được quả xoài,và ngược lại...đó là lẽ tự nhiên trong Trời Đất.

    Trả lờiXóa
  4. Tôi kính phục các anh Minh Diện-Bùi Văn Bồng ! Các anh đã vẽ một bức chân dung thật sinh động và chuần xác.

    Trả lờiXóa
  5. Một bức chân dung thật đâm nét. Những kẻ ác rồi sẽ bị trừng phạt. Tôi vô cùng khâm phục các anh!

    Trả lờiXóa
  6. Năm lửa là một dạng hồng vệ binh của cách mạng VH mà TQ đã truyền bá cho VN. Rất cảm ơn bác Minh Diện về sự thật này. Vậy mà báo chí "lề phải" không thấy phản ảnh những chuyện thế này về Sài Gòn sau năm 1975 , làm sao chúng tôi ngoài Bắc biết được? Có lẽ phải gọi cánh báo chí "lề phải" này là "lề trái" mới đúng nghĩa!

    Trả lờiXóa
  7. Một cây bút quá sắc sảo! Cam ơn các anh.

    Trả lờiXóa
  8. Anh Minh Diện nên làm TBT báo Nhân dân thay ông "nghịch tả" đi. Có vậy dân mình may ra đỡ khổ.

    Trả lờiXóa
  9. Chính các vị đã tạo ra Hắn,đã xử dụng Hắn để các vị có đuợc đăc quyền cuởi cổ nhân dân.Các vị còn bao biện gì nữa?

    Trả lờiXóa
  10. Mời các bác vào Kỳ Anh - Hà Tĩnh mà xem, " Năm Lửa" mặc sắc phục cảnh sát giao thông nhiều vô đối.

    Trả lờiXóa
  11. Rồi sử sách sẽ ghi tên các chú. Thân ái.
    các chú tiếp tục đốt lửa nhé

    Trả lờiXóa
  12. Hay quá anh Diện ạ, chuyện của anh rất hay!

    Trả lờiXóa
  13. CÁM ƠN ANH MINH DIỆN! TÔI VẪN THÍCH ĐỌC NHỮNG BÀI VIẾT CỦA ANH TỪ NGÀY ANH LÀ PV BÁO TP. "CHÂN DUNG HẮN" BÂY GIỜ VẪN CÒN NHAN NHẢN Ở CÁC "CỬA CÔNG THỜI NAY", CHÚC ANH DIỆN, ANH BỒNG LUÔN MẠNH KHỎE, BÌNH AN VÀ CÓ NHIỀU BÀI VIẾT SẮC SẢO CỐNG HIẾN CHO BẠN ĐỌC.

    Trả lờiXóa
  14. Ngày xưa ở huế cháu đã từng gặp một tay cách mạng 30 thang 4 như ông mãnh này. Hồi ấy cháu còn nhỏ nhưng vẫn không quên bộ điệu của hắn với cây súng trên vai ngày. Ngày nào hắn cũng ghé qua ngà cháu hăm he, doạ nạt làm mẹ cháu sợ khiếp. Cho đến khi một ngày hắn đung mặt với cháu rễ của mẹ cháu vừa ở ngoài hà nội vào thăm. Anh ấy rút súng doạ bắn làm hắn sợ xanh mặt từ ấy trở đi hắn cút thẳng. Sau này khi một lần đi phép ra huế, cháu biết được hắn bị stroke nằm một chỗ. Nghe những người hàng xóm kể lại thời gian sau khi thấy hắn không còn giá trị lợi dụng hắn đã bị sa thải về làm phó thường dân. Trong một lần đi đào mồ của một công nương triều nguyễn hắn nhặt được một số nữ trang bằng vàng với số lượng lớn và số vàng này
    bị nhà nước tịch thu. Hắn uất ức ngã bệnh cho đến bấy giờ. Âu đó cũng là quả báo. Miền nam có nhiều những tên như vậy chú ạ. Ngay như đại tá dương minh ngọc cũng xuất thân từ cách mạng 30 tháng tư. Trước đây một lần đọc tiểu sử của ông ta cháu cũng đã liên tưởng dương minh ngọc với tên ác ôn gần nhà cháu.

    Trả lờiXóa