Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2016

Biển Đông diễn biến bất lợi, Việt Nam tăng cường phòng thủ Trường Sa

Ảnh vệ tinh ngày 07/11/2016 cho thấy hai nhà chứa máy bay lớn
trên đảo Trường Sa Lớn, có khả năng chứa phi cơ giám sát biển PZL M28B
hay vận tải cơ CASA C-295 của Không Quân Việt Nam.@csis/amti
Một loạt những diễn biến gần đây trong và ngoài khu vực có phần không có lợi cho Việt Nam trong quyết tâm chống lại sức ép của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Có lẽ vì đã dự phòng khả năng xấu đó mà Việt Nam đã kín đáo tăng cường phòng thủ các thực thể mình đang kiểm soát ở vùng quần đảo Trường Sa, để tránh bị bất ngờ nếu Trung Quốc làm càn.
Vấn đề nói trên đã được nêu bật với báo cáo ngày 15/11/2016 của trung tâm thông tin Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải AMTI thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS của Mỹ, tiết lộ những hoạt động xây dựng mới của Việt Nam trong vùng đang bị tranh chấp. Đã có nhiều giả thuyết được đưa ra, nhưng có một điều chắc chắn : Đó là vào lúc này, Việt Nam là nước duy nhất tại Đông Nam Á vẫn kháng lại sức ép của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, trái với Philippines và Malaysia đã tỏ dấu hiệu khuất phục Bắc Kinh.
Gọng kềm từ hai phía của Bắc Kinh
Từ một nước đi đầu trong việc chống lại Trung Quốc, với tân tổng thống Duterte, Philippines đã rời xa Mỹ và ngả vào vòng tay Trung Quốc để tranh thủ những khoản đầu tư, tín dụng và lợi ích kinh tế hậu hĩnh. Theo chân ông Duterte, thủ tướng Malaysia cũng chạy theo Trung Quốc, để được tài trợ với những khoản đầu tư to lớn. Biển Đông đối với hai nước này đã trở thành thứ yếu.
Trung Quốc cũng đã chiêu dụ được Lào, chủ tịch ASEAN năm nay, và vung tiền nắm chắc Cam Bốt với kết quả là tránh được việc Hiệp Hội Đông Nam Á ASEAN nhắc đến phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng Tài La Haye cho dù đó là một văn kiện được cho là tối quan trọng cho an ninh Đông Nam Á.
Một cái nhìn bi quan sẽ phát hiện ra là Việt Nam như đã bị lọt vào trong gọng kềm của Trung Quốc, trên biển thì khó dựa vào Philippines hay Malaysia khi cần, trên bộ thì phải thận trọng, nhất là với Cam Bốt.
Trên trường quốc tế, sự kiện ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ cũng có thể ảnh hưởng đến chính sách Biển Đông của Việt Nam, nhất là khi nhân vật này đã dọa dẹp bỏ ngay lập tức hiệp định TPP, một thành tố quan trọng trong chính sách xoay trục qua châu Á-Thái Bình Dương của người tiền nhiệm Barack Obama, vốn rất có lợi cho Việt Nam cho đến nay. Mối quan ngại hiện nay là với tâm lý " con buôn ", liệu ông Trump có sẽ chiều ý Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông nêu được Trung Quốc « đền bù » xứng đáng hay không ?
Từ phi đạo đến pháo phản lực
Chính trong toàn cảnh đó mà thông tin về việc Việt Nam kéo dài phi đạo trên đảo Trường Sa Lớn và cho xây dựng một số nhà chứa máy bay tại chỗ được tiết lộ vào trung tuần tháng 11 vừa qua, kèm theo là một số ảnh vệ tinh chỉ rõ những gì mới được xây dựng.
Thông tin trên nối tiếp theo một thông tin khác không được kiểm chứng do hãng tin Anh Reuters đưa ra vào tháng 08/2016, theo đó Việt Nam đã kín đáo chuyển pháo phản lực EXTRA có độ chính xác cao - mua của Israel – ra 5 căn cứ ở Trường Sa, bố trí ở những nơi có thể tấn công các phi đạo và căn cứ quân sự của Trung Quốc trong khu vực.
Trước các động thái của Việt Nam, một số nhà quan sát đã vội vàng cho rằng Việt Nam đang thách thức Trung Quốc ở Biển Đông, thậm chí còn tự hỏi là phải chăng Việt Nam đang châm lại mồi lửa ở Biển Đông.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long : Đề phòng Trung Quốc là chính
Đối với giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia về Biển Đông và Trung Quốc tại trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ), thì các động thái của Việt Nam mới đây của Việt Nam tại Trường Sa chỉ nhằm mục tiêu phòng thủ. Trả lời Ban Việt Ngữ, giáo sư Long nhận định :
Ngô Vĩnh Long :Về việc Việt Nam kéo dài phi đạo và đang xây hai nhà chứa máy bay trên thực thể gọi là “đảo Trường Sa” thì tôi không nghĩ việc này có nghĩa là Việt Nam đang chuẩn bị đánh nhau với Trung Quốc.
Nếu báo cáo hôm 15 tháng 11 vừa qua của Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược CSIS tại Mỹ là đúng, thì Việt Nam đã nối dài đường bay từ khoảng dưới 750 mét đến khoảng 990 mét.
Báo cáo trên nói thêm là Việt Nam có thể sẽ xây đường bay này dài đến khoảng 1200 mét trong tương lai, nhưng đến lúc đó thì các máy bay phản lực của Việt Nam vẫn khó có thể sử dụng đường bay này vì vẫn chưa đủ dài và vẫn chật hẹp.
Ngược lại thì hiện nay tại 3 cái đảo nhân tạo lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực Trường Sa có những phi đạo dài hơn cái phi đạo mà Việt Nam đang xây rất nhiều và có nhà chứa đủ cho khoảng 24 máy bay phản lực trên mỗi đảo nhân tạo đó.
Tôi cũng xin nói thêm về việc anh đã đề cập đến là Việt Nam đưa hỏa tiễn ra Trường Sa : Tháng 8/2016, tôi đã hỏi một số nhân vật rất cao cấp trong chính phủ Việt Nam, thì được trả lời rằng đó chỉ là vấn đề tập luyện, tức là đưa ra đưa vào, chứ Việt Nam không có ý định đưa hẳn các hỏa tiễn ra đảo, vì như vậy rất nguy hiểm. Nếu mà Trung Quốc biết được thì Trung Quốc có thể bắn phá. Cho nên vấn đề là tập luyện và đề phòng.
Theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, động thái của Việt Nam không phải là thách thức Trung Quốc mà chính là để tạo thêm điều kiện tự vệ, qua đó cảnh báo các nước khác về khả năng Trung Quốc có thể làm càn tại Biển Đông nếu chính sách xoay trục của Mỹ gặp khó khăn do chính quyền mới của ông Donald Trump.
Ngô Vĩnh Long : Tôi nghĩ rằng Việt Nam không có ý định thách thức Trung Quốc. Theo báo cáo của AMTI, đối với phi đạo, sau khi hoàn thành thì Việt Nam sẽ có thể sử dụng đường bay và hai nhà chứa máy bay mới cho việc tuần tra khu vực Trường Sa.
Đây là một hành động để phòng vệ và để cảnh giác các nước khác là trước khả năng chính sách “tái cân bằng” về Châu Á của Obama sẽ bị hạn chế, nếu không nói là bị phá vỡ, thì an ninh trong khu vực Biển Đông có thể sẽ bị Trung Quốc đe doạ trầm trọng.
Xin nhắc sơ qua ở đây là chính sách “tái cân bằng” được đặt trên nền tảng xây dựng các hệ thống đa phương, trong đó có ASEAN và hiệp định tự do mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP không chỉ là một hiệp định thương mại giữa 12 nước mà đồng thời cũng là một hệ thống an ninh đa phương với ý định củng cố ASEAN và các hiệp định an ninh giữa Mỹ và các nước khác trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Chính quyền Obama nghĩ rằng Mỹ không có thể đơn thương độc mã bảo vệ an ninh trong khu vực mà phải dựa vào sự ủng hộ của các nước khác.
Nhưng trong cuộc tranh cử tổng thống ở Mỹ vừa qua một số ứng cử viên đã chống TPP kịch liệt (như Donald Trump và Bernie Sanders) hoặc đòi phải đàm phán lại để cho Mỹ có lợi hơn (như Hillary Clinton). Với việc TPP không được phê chuẩn bởi Quốc Hội Mỹ, một số nước ASEAN (như Philippines, Malaysia và Indonesia) đã có thái độ mập mờ, nếu không nói là đã cho thấy đang nghiêng về phía Trung Quốc.
Nếu không muốn ASEAN bị lung lay hay bị tê liệt, và qua đó tạo cơ hội cho Trung Quốc càng leo thang ở Biển Đông, thì Việt Nam không thể hững hờ trước sự đe doạ an ninh của Trung Quốc. Việt Nam không còn có cơ hội đu dây nữa nên phải có thái độ dứt khoát hầu có thể vận động các nước khác trong việc bảo vệ an ninh và lợi ích chung.
Chấp nhận căng thẳng để đánh động quốc tế
Riêng về khả năng động thái của Việt Nam làm dấy lên căng thẳng, đặc biệt là với Trung Quốc, giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng điều đó sẽ có tác dụng thức tỉnh đối với chính quyền Donald Trump về hiểm họa Trung Quốc, để đề phòng việc ông Trump" đi đêm " với Trung Quốc, điều không thể loại trừ.
Ngô Vĩnh Long :Nếu có bùng lên căng thẳng thì việc này có thể sẽ làm cho thế giới rõ thêm về hiểm hoạ của Trung Quốc. Hiện nay chưa rõ chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, nói riêng, và Châu Á Thái Bình Dương, nói chung, là như thế nào trong tương lai gần hay xa.
Trong khi tranh cử tổng thống Trump đã doạ là sẽ tăng thuế quan trên các mặt hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ đến khoảng 45% để đem công ăn việc làm về cho lao động Mỹ. Trump cũng nói là sẽ đóng thêm mấy trăm chiến thuyền cho hải quân Mỹ. Nhưng có thể đây chỉ là một cách mị dân để lấy phiếu hay để đàm phán với Trung Quốc.
Trong trường hợp Trump chơi tay đôi với Trung Quốc theo chiến lược “cân bằng quyền lực” (balance of power) thì Trump sẽ sẵn sàng hi sinh lợi ích của các nước nhỏ. Thêm vào đó thì ê-kíp về an ninh và quốc phòng mà Trump đã chọn cho đến nay đều là các vị tướng bộ binh đã chỉ huy các chiến trường vùng Trung Đông và đã chống chính sách của Obama về việc rút quân ra khỏi vùng này để “xoay trục” về Châu Á Thái Bình Dương. Do đó sẽ có việc tranh giành ảnh hưởng giữa các binh chủng mà giới quân đội gọi là “turf wars” (chiến tranh dành sân chơi). Vậy chưa chắc gì những chiến thuyền mới, nếu có được đóng đi nữa, sẽ được điều động sang Tây Thái Bình Dương.
Nếu có nguy cơ bùng lên căng thẳng thì tôi nghĩ việc này có thể giúp nhắc nhở Trump và các vị tướng xung quanh ông rằng Biển Đông, nơi mà hơn 50% các hàng mậu dịch di chuyển trên biển của toàn cầu phải xuyên qua, thì không phải là nơi họ có thể bỏ rơi cho Trung Quốc được.
Các cử chỉ và hành động của Trump cho đến nay chứng tỏ là ông ta cần được nhắc nhở và cần được tự chứng tỏ.
Tóm lại, theo giáo sư Ngô Vĩnh Long việc củng cố cơ sở tại Trường Sa cho phép Việt Nam chủ động tự bảo vệ, đồng thời cảnh báo các nước khác.
Ngô Vĩnh Long : Việt Nam phải năng động, và phải có những hành động nhắc nhở các nước ASEAN, nhắc nhở các nước lớn là nếu mà họ đi đêm với nhau về Biển Đông, thì Việt Nam cũng có phương cách để bảo vệ mình, cũng như bảo vệ an ninh trong khu vực, và nếu mà có rối ren trong khu vực Biển Đông, thì các nước nhỏ trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng trước nhất.
Trọng Nghĩa/(RFI)
----------

3 nhận xét:

  1. Trump có những phát biểu văng mạng từ trước và sau khi trúng cử tổng thống Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nói là một chuyện, làm lại là chuyện khác. Khi Trump chính thưc ngồi vào ghế tổng thống Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ thì ônng ta sẽ lơ đi một số phát biểu trước đó. Là một siêu cường bậc nhất thế giới, Mỹ không thể tách ra mà phải liên kết với các đồng minh và các đối tác mới. Nước mỹ sẽ không thể là siêu cường số 1 nếu "bế quan tỏa cảng", hay chỉ tìm kiếm sự hợp tác song phương mà không có sự hợp tác đa phương.
    Khi nhậm chức, nếu Trump đưa ra những chính sách mà theo đó làm tổn hại đến kinh tế, chính trị của nước Mỹ thì người Mỹ đâu có để yên cho Trump làm. Trump có tư tưởng gia trưởng mang hơi hướng độc tài, phân biệt chủng tộc. Nhưng dân Mỹ không để cho Trump đưa tư tưởng đó ra thành hành động. Chắc chắn là chính sách xoay trục sẽ không thể thay đổi, TPP có thể không được thực hiện ngay, nhưng Trump sẽ không có gan xóa bỏ ngay nó. TPP không phải do Mỹ khởi xướng, nhưng Mỹ là thành tố quan trọng nhất. Và Mỹ muốn ở thế thượng phong về kinh tế, chính trị và quốc phòng so với Trung Quốc thì TPP là cái ghế vưng chãi nhất để Mỹ nắm quyền lãnh đạo thế giới.

    Trả lờiXóa
  2. Một khi Ô. TRUMP đảo ngược quan hệ với Trung quốc thì Trung quốc hết tiền nuôi quân. Trung quốc lấy gì mà đánh.
    Trung quốc mạnh như ngày nay chính là lấy tiền từ MỸ,kỹ thuật từ MỸ.
    Bảo vệ biển Đông chính là Việt Nam và ANH quốc,mất biển Đông là Anh mất ÚC.
    Ngoài Việt Nam và ANH quốc ra thì không nước nào địch lại Trung quốc.
    Mỹ thì chả dại mà đánh TÀU vì đơn giản nó cướp sạch vốn nằm tại TÀU.
    Công Sơn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đầu đất thỉnh thoảng lại lên cơn thần kinh.

      Xóa