Translate

Trang BVB1

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

MỘT THOÁNG NGHĨ VỀ ÔNG SÁU DÂN

Nhân sinh nhật ông 23/11/2016 
Các anh chị Nhóm 23 thâm mến,
Năm 1991, tôi được điều động đi phục vụ Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm việc với một số địa phương. Dù lúc đó còn ít tuổi, nhưng tôi cũng đã có 20 năm lăn lộn ở hầu khắp các địa phương và cơ sở trong cả nước nên đó là một công việc tôi rất tự tin, dù giúp việc Thủ tướng. 
Chỉ gần 1 năm theo giúp việc ông cùng với anh Vũ Quốc Tuấn và các anh ở bộ phận giúp việc của Thủ tướng, tôi nhanh chóng làm quen với công việc bên Chính phủ và ít nhiều được ông Sáu Dân quý mến. Bởi vì điều này, khi tôi chính thức chuyển sang công tác ở VPCP, trực tiếp giúp việc Phó Thủ tướng Phan Văn Khải, thì hình như theo thói quen, ông Sáu Dân vẫn cứ thi thoảng gọi tôi giao việc. Đa phần thì thôi lẳng lặng thực thi, nhưng có việc tôi phải “trình bày” và ông chỉ cười với tấm lòng bao dung khi biết vì những ràng buộc của thủ tục hành chính mà cấp dưới không thể chiều theo ý của mình được. Chỉ một năm thôi nhưng nhiều, rất nhiều những sự việc làm tôi không thể nào quên, dù đã lâu lắm rồi, tôi không tham gia gì vào các công việc liên quan tới ông Sáu Dân do một số các anh cựu thành viên trong nhóm tư  vấn cho ông Sáu Dân tiến hành. Từ khi ông Sáu Dân mất, nhiều các anh đã từng giúp việc ông Sáu hoặc tham gia “Tổ tư vấn” của Thủ tướng đã viết và đã xuất bản ít nhất 2 cuốn sách về ông. Tôi cũng đã đọc những cuốn sách ấy và có lẽ nhiều người đã đọc, trong đó có ông bạn thân của tôi rất ngưỡng mộ ông Sáu Dân.
Bỗng nhiên hôm nay anh ấy đến, không hẹn trước nên tôi hơi ngạc nhiên. Anh ấy bảo tôi, mình không ở chơi được đâu vì có việc đang trên đường đi. Nhưng mai là ngày 23 tháng 11, ngày sinh của anh Sáu Dân, cậu viết một cái gì về anh ấy đi chứ, sao cứ viết khắp lượt nhiều cái rất tốt mà đối với anh Sáu lớn lại chẳng viết gì. Tôi cười trừ rồi nói: “Còn để dành”! Khi đang làm việc, cũng như nhiều anh em tuổi còn trẻ khác, tôi vẫn thường quen gọi anh Sáu Dân mà không xưng hô chú cháu theo thói quen của các anh chị ở trong Nam. Tôi lại càng ngạc nhiên hơn khi chính ông bạn chưa từng làm việc với ông Sáu Dân ngày nào lại nhắc tôi về sinh nhật của ông ấy. Bởi thế mà tôi xin có đôi lời tâm huyết, coi như một nén tâm nhang dâng lên hương hồn ông, tạ lỗi về cái sự quên này.
Khoảng tháng 5 năm 1991, khi tôi đi cùng Thủ tướng dự cuộc họp làm việc với các tỉnh Tây Nguyên tại Đắc Lắc. Vào sáng ngày làm việc thứ 2, chú cận vệ đến nói nhỏ với tôi: Tý nữa giải lao, anh vào phòng khách phía trong gặp “ông già”. Giải lao, tôi vào phòng khách phía sau hội trường, không thấy Thủ tướng đâu mà lại thấy ông Đàm Quang Trung, Bí thư Trung ương, nằm trên một cái giường Y tế để “dự họp”, ngồi nói chuyện với ông Đàm Quang Trung là chị Thu Ba. (Ông Đàm Quang Trung lúc đó mới bị tai biến, nhưng cứ một mực đi họp. Đã thế, đến chiều, khi phát biểu ý kiến thì ông chiếm luôn diễn đàn cả tiếng đồng hồ, Thủ tướng phải “cầu viện” chị Thu Ba, với tư cách Ban Bảo vệ sức khỏe lúc đó lên ngay bục nói với ông ấy không nên nói nữa, nguy hiểm cho sức khỏe thì ông ấy mới dừng).
Tôi ngồi chờ một lát thì Thủ tướng vào. Ông nói ngay: Ban Bí thư điện vào, đề nghị tôi thay mặt BCT chỉ đạo Đại hội Đảng bộ Minh Hải. Nguyên có biết Minh Hải không? Tôi thưa, tôi đã ở 4 năm, lội khắp cả 9 tỉnh (lúc đó) của ĐBCL. Thủ tướng hỏi tiếp Nguyên có biết cậu A, B… (lãnh đạo và cựu lãnh đạo chủ chốt Minh Hải lúc đó), tôi trả lời rất tự tin em biết hết mấy anh này anh Sáu, nhưng… Ông không cần nghe tiếp câu “nhưng” của tôi như thể ông đã biết rõ tôi muốn nói gì rồi. Ông tỏ ra phấn khởi và nói luôn, vậy thì ngay chiều tối hôm nay, Nguyên đi trước xuống Minh Hải để nắm tình hình giúp tôi. Cậu không cần chuẩn bị nội dung phát biểu của tôi về kinh tế xã hội gì cả mà chỉ đi sâu nắm chắc cho tôi tình hình nội bộ, rồi ông dặn tôi gặp những ai, kể cả cách gặp người đã bỏ đi nuôi tôm ngoài mấy Vuông tôm gần biển. Thủa ấy thông tin liên lạc chưa phát triển, cái gì cũng phải trực tiếp hết. Tôi tìm được người “chí cốt” và họ đèo xe máy đưa tôi ra tận ngoài vùng nuôi tôm lúc đó để hỏi chuyện người mà ông Sáu dặn. Dù đã trải qua không ít thăng trầm, kể cả những bầm dập của bản thân mình từ các đồng chí cùng làm việc, hay của cơ quan cấp ủy không ít các địa phương, nhưng nghe chuyện nội bộ Minh Hải lúc đó mà nản lắm các anh chị ơi. Khi ông Sáu Dân xuống Minh Hải, ông phải dành cả buổi tối để nghe tôi báo cáo không sót chi tiết nào và ông rất chăm chú nghe rồi ghi chép những chi tiết cần thiết. Hôm sau ông dành một ngày để làm việc với Thường vụ trước khi bắt đầu Đại hội.
Khoảng 5 giờ chiều, cậu cảnh vệ của Tỉnh ủy Minh Hải vào tận hội trường nói với tôi có 4 cụ già đến để xin gặp Thủ tướng. Tôi kinh ngạc về chuyện chưa từng gặp. Tôi thấy 4 ông lão như các lão nông, ăn mặc có phần lôi thôi, nhưng rất vui vẻ. Một ông hỏi tôi: Mầy giúp việc “thằng Tám” hả con? Tôi chưa kịp định thần xem ông cụ này đang nói về ai thì một cụ khác nói, mầy báo cho “thằng Tám” biết để tụi tao vô thăm nó chút xíu. Tôi hỏi lại: Cháu xin lỗi, cháu giúp việc Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chứ cháu không biết ông Tám nào thưa các bác. “Đúng rồi đấy, nó là Tám Dũng ấy mà”. Thì ra ở vùng này, Thủ tướng còn có biệt danh là Tám Dũng chứ họ không gọi là Sáu Dân. Tôi liền xin tên của 4 ông lão này rồi nói với anh em bảo vệ của tỉnh mời các cụ vào phòng khách chờ. Tất nhiên tôi chỉ viết tên của 4 ông cụ này xin gặp Thủ tướng rồi đưa cho ông Sáu đang họp với tỉnh. Ông đi ra hành lang và tôi theo ra, ông nói: mấy ông này đâu rồi, đều là bạn chiến đấu cũ, có một ông còn làm xếp của tớ nữa đấy. Cậu nói với các ông ấy là bây giờ mình còn bận họp, tối nay, 7 giờ tối, mời các ông ấy đến cùng ăn cơm tối với tớ. Nhớ nói anh em Văn phòng lo cơn nước chu đáo. Tôi ra cổng thường trực nói lại lời mời của Thủ tướng, cả 4 ông vui vẻ nói thế thì để tụi tao đi chơi chút xíu quay lại.
Văn phòng đã làm sẵn cơm, chỉ có 5 người, có nghĩa là không bố trí vị lãnh đạo nào của tỉnh tiếp khách cùng Thủ tướng. Nhưng chuyện kỳ quặc đã xẩy ra, tôi ra cổng ngồi chờ trước 7 giờ tối, chờ mãi đến gần 8 giờ không thấy các cụ lúc chiều đâu cả mà cũng không biết hỏi ai. Tôi có chút lo lắng vào báo cáo với Thủ tướng là các cụ ấy hẹn nhưng đến giờ không thấy các cụ đến. Ông Sáu không tỏ ra bực mình mà còn cười bảo thôi, cậu ngồi đây ăn cơm cùng tớ luôn, ăn một mình chán lắm. Thế là hai thầy trò ngồi vào một mâm cơm cho 5 người khá sang trọng, lại có cả rượu và bia. Tôi thấy ông Sáu ăn không ngon và ăn ít, có lẽ do hậu quả của ngày làm việc căng thẳng với Thường vụ tỉnh ủy hơn là chuyện lỡ bữa phải ăn muộn vì mấy người bạn già.
Sáng hôm sau, mới 5 giờ sáng, một cậu cảnh vệ của tỉnh lại gõ cửa phòng tôi và bảo 4 cụ hôm qua lại đến và xin gặp Thủ tướng. Hết biết mấy ông già này hẹn hò với Thủ tướng kiểu gì, Thủ tướng mời cơm mà cứ vô tư tùy tiện như là đâu ngoài đường ngoài quán vậy thôi. Tôi chưa kịp đánh răng rửa mặt, mặc vội quần áo rồi đi ra cổng. Rất may, phía sân trong, tôi thấy Thủ tướng cùng vài người đang tập thể dục hay khởi động gì đó để chơi ten-nít. Tôi phải giả vờ làm căng với 4 cụ vì chuyện hẹn giờ gặp Thủ tướng mà không đến. Chắc mấy cụ nghĩ “thằng nhỏ” này bị Thủ tướng rầy la gì đó nên cười xòa: “Buổi ấy tụi tao đến nhà người bạn, tưởng là ngồi uống nước chờ, biết đâu trúng bữa, nhậu lai rai rồi xỉn luôn, đến đêm mới tỉnh con ơi. Thông cảm đi”. Vì biết các cụ này là ai rồi nên tôi mời các cụ vào phòng khách chờ để tôi vào bẩm với Thủ tướng đã. Ông Sáu chỉ cười rồi bảo nói với các ông ấy chờ tạm, 6 giờ đưa các ông vào ăn sáng cùng tớ luôn, để tớ còn tắm đã. Vậy là ông bỏ chơi thể thao. Một cuộc “ăn sáng” kéo dài từ 6 giờ sáng cho tới 7 giờ 15 phút, dù còn rất vui, nhưng tôi chủ động vào xin phép các cụ để Thủ tướng chuẩn bị lên Hội trường. Các cụ cũng vui vẻ ra về lại còn bảo tôi hai bữa nữa tụi tao đến, mày không phải cự lại tụi tao nữa đâu. Cả Thủ tướng và 4 ông khách đều cười cứ như không có chuyện gì đã xẩy ra tối qua cả.
Với cương vị Thủ tướng, ông Sáu Dân luôn là một người rất nghiêm khắc, dứt khoát trong các kết luận và ý kiến chỉ đạo của mình, nhưng trong cuộc sống, ông không cần dùng đến cái ngôi vị Thủ tướng để làm gì mà rất đời như thế.
Viết đến đây, tôi nhớ đến bài thơ của một vị lão thành tôi không nhớ tên, đã được anh Việt Phương đọc cho nghe hồi năm 1979 khi cùng được làm việc lần đầu với các cao nhân như Nguyễn Văn Trân, Việt Phương, Hà Nghiệp… ở K5 Hồ Tây để hiểu thêm cái đáng quý và cũng thường là “của hiếm” về tình nghĩa bạn bè của của những người khi đã là lãnh đạo cao.
Bài thơ có tựa đề là Thân và Sơ, viết theo thể đường luật khá chuẩn mà thấp thoáng  chút chơi chữ nhẹ nhàng nhưng  thâm thúy.
Nói rằng thân thì quả là thân
Mà sơ sơ tính đã vô ngần
Thân trong hoạn nạn cùng sinh tử
Sơ chốn giàu sang sống cách phân
Đài các quen thân đời nhung lụa
Tuyết sương quên hết bạn phong trần
Nghĩ đời mà ngán cho đời nhỉ
Qua khỏi ba đào hết cố nhân.
(Dịp nào có hứng lại xin hầu chuyện tiếp các anh chị về riêng chủ đề này).
 Nguyễn Thái Nguyên (Tác giả gửi BVB)
--------------

3 nhận xét:

  1. Bài thơ Đường luật này không thể gọi là "khá chuẩn" được khi nó sai luật. Thể thơ nà quy định rất nghiêm ngặt về luật bằng trắc. Các tiếng nhất - tam - ngũ bất luận còn các tiếng: nhị - tứ - lục phân minh.
    Vây nên xin sửa chút như sau:
    Nói rằng thân, quả thật là thân.....

    Và: Đài các quen thân đời bọc luạ....
    Đúng luật mà vẫn giữ ý tứ của tác giả.

    Trả lờiXóa
  2. Ông Sáu Dân là của hiếm trong hàng ngũ lãnh đạo cộng sản vì ông có tấm lòng thực sự với dân, với nước. Lúc sinh thời ông cũng bị đì ngay cả bài báo nói về "ngày thống nhất triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn" phải ba chìm bảy nỏi mãi mới ra mắt được đến bạn đọc. Cám ơn tác gỉa có bài viết hay, tưởng nhớ ông Sáu Dân.

    Trả lờiXóa
  3. Tôi lại cho rằng, chúng ta đừng ảo tưởng về bất cứ người cs nào...

    Trả lờiXóa