Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

Câu thơ Tản Đà như sấm*

* THẠCH GIẢN
Chẳng ai hiểu dân tộc mình bằng các nhà văn nhà thơ, bởi lẽ họ là người chép sử của dân tộc, họ nói lên tiếng nói của dân tộc.
Nhà văn Phùng Tuyết Phong hồi thập niên 30 đến thăm Mao Trạch Đông ở chiến khu Thụy Kim có kể cho Mao nghe: “Một người Nhật nói, cả Trung Quốc chỉ có 2 người rưỡi hiểu được người Trung Quốc. Một là văn hào Lỗ Tấn, hai là Tưởng Giới Thạch, nửa người kia là Mao Trạch Đông”. Nghe xong, Mao cười ngất: Hảo, cái tay Nhật Bản ấy nói đúng lắm!
Hai thập niên sau, Chủ tịch Mao nói: Lỗ Tấn mới là đệ nhất thánh nhân của Trung Quốc, còn tôi (Mao) chỉ là “hiền nhân”.
Ở ta cũng có nhà thơ Tản Đà chỉ dùng hai câu thơ là đủ nói lên tính cách dân tộc mình:
Dân hai nhăm triệu ai người lớn 
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con.
Thằng trẻ ranh này xin múa rìu qua mắt thợ để lạm bàn về tính trẻ con của người Việt ta.
Trẻ con ai chẳng hồn nhiên? Vì thế nếu có lỗi lầm gì thì thiên hạ cũng bỏ qua. Còn nhớ năm xưa Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức đến thăm Trung Quốc. Sau khi Bác Hồ làm cụ Mao đớ người ra vì cái ôm hôn nồng thắm chưa từng có trong lịch sử ngoại giao thế giới, toàn bộ lưu học sinh Việt Nam có mặt ùa tới ôm lấy Bác, có anh sờ cả râu Bác. Cụ Mao đứng như trời trồng; mấy cán bộ bảo vệ Trung Quốc cuống lên không biết làm thế nào để bảo vệ hai lãnh tụ. Nghe nói sau đấy họ bị kiểm điểm gay gắt lắm, còn học sinh ta thì chẳng sao.
            Trẻ con thích gì?
Thích hình thức. (Già được bát canh, trẻ được manh áo mới). Bệnh hình thức của ta có lẽ nặng nhất thế giới. Cứ xem đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội thì đủ rõ. Chẳng thấy thủ đô sạch hoặc văn minh thêm, mà có lẽ ngược lại, trong khi tiền tỷ tiêu cả trăm, nghìn.
Thích được khen, ghét bị chê. Gặp người nước ngoài bao giờ cũng hỏi họ thấy Việt Nam thế nào. Vì phép lịch sự, ai lại chê chủ nhà bao giờ. Nhà đài ta phỏng vấn chính khách, nguyên thủ nước ngoài không bao giờ thiếu câu hỏi ấy (xem phỏng vấn Ban Ki-mun ... mới đây). Được khen thì hý hửng lắm. Sao không hỏi có thấy chúng tôi có khiếm khuyết gì? Một tiến sĩ tâm lý viết sách nói về tính cách người Việt, sách in xong bị thu hồi ngay khi chưa kịp bán.
Thích khoe khoang. Vì còn bé nên chỉ có thể khoe bố mẹ, ông bà, chứ bản thân có gì để khoe. Bệnh ca ngợi, khoe khoang tổ tiên rất thịnh hành (“Ăn mày dĩ vãng”). Thời cách mạng, kháng chiến, cha ông ta vô cùng giỏi. Nhưng chúng ta bây giờ giỏi cái gì? Tham nhũng, lãng phí, giả dối, đạo văn, đạo công trạng người khác thành của mình, chạy chức ... Chẳng hiểu có cái gì xấu của xã hội tư bản mà ta còn thiếu?
Trẻ con làm gì cũng khác người lớn.
Ta có lắm cái khác thiên hạ đến kỳ cục. Một ông Giám đốc Sở tỉnh Hà Tây cũ lái ô tô cán phải hai bố con đi xe máy, không đỗ xe đưa người ta đi cấp cứu (nếu cấp cứu kịp có thể sống) mà vô lương tâm lái xe vù mất. Hai mạng người chết, ông này lĩnh cái án treo! Kỳ cục là Tòa Tối cao cũng bỏ qua. Chuyện này đáng ghi vào Sách Ghi-nét về xử án công bằng.
Bài Tiến hay lùi đúng lúc cũng là yêu nước trên VietnamNet vạch ra: “Từ tháng sáu (2010) đến nay có quá nhiều điều phải bàn, (đó là) những câu chuyện ... an nguy của xã tắc” :
- Cho nước ngoài thuê khoảng 340.000 hec ta đất rừng với giá 1 hec ta bằng 10 bát phở; - Dự án đường sắt cao tốc với dự kiến 56 tỷ USD bị Quốc hội bác;
- Quy hoạch chung Hà Nội với sáng kiến dời đô và tiêu hủy đất nông nghiệp kỷ lục; - Dự án Bô xít ở Tây Nguyên, quả bom nổ chậm bùn đỏ lơ lửng treo trên đầu dân tộc; - (Con tàu) Vinashin với khoảng 86.000-120.000 tỷ đồng tiền ngân sách (thuế dân) đang chìm theo làn nước lạnh.
Tác giả bài báo đưa ra một từ rất hay Tư duy bỗng dưng: - Bỗng dưng phải làm đường sắt cao tốc; - Bỗng dưng phải dời đô lên Ba Vì; - Bỗng dưng phải khai thác bô xít ... Khó mà kể hết những cái bỗng dưng ấy. May mà dân chúng, các nhà trí thức mạnh dạn góp ý (tuy rất dè dặt), nếu không thì còn phí vài trăm tỷ đô vì cái tư duy bỗng dưng cả thế giới không có.
Đúng là tư duy trẻ con. Bỗng dưng nghĩ ra và “quyết” làm ngay, chẳng hề cân nhắc tính toán. Lại thích làm chuyện lớn trong khi chưa biết nó ra sao. Tiền của bố mẹ (tức của dân) cho nên không xót, chậc lưỡi một cái là xong. Bố mẹ xót ruột nhưng thương con nên bỏ qua.
Trẻ con dễ tính và dễ quên. Tính cách này vừa hay vừa dở. Hay ở chỗ không thù dai, sẵn sàng bắt tay kẻ thù cũ khi họ chơi đẹp. Dở ở chỗ hay quên chuyện lớn. Chuyện to đùng là mỗi con dân tự dưng è cổ gánh món nợ cả triệu bạc thì không dành phiên họp riêng để bàn, trong khi chuyện 20 năm nữa may ra mới làm (đường sắt cao tốc) thì bàn tới bàn lui, lại còn bỏ phiếu thông qua nữa, chưa kể trước đó một số vị còn đi nước ngoài tham quan bằng tiền dân!
Báo chí khoe GDP tăng trưởng mấy phần trăm, nhưng ít nói tới giá cả tăng chóng mặt.
Trẻ con hay chối lỗi. Một vị hoa tay tươi cười nói như ra lệnh trong kỳ họp Quốc hội trước: Ta nhất định phải làm đường sắt cao tốc. Kỳ họp này chẳng thấy vị nào ra phân trần về vụ Vinashin. Rồi xem, có ai từ chức vì chuyện “bỗng dưng” mất 4-5 tỷ đô-la này.
... Trẻ con thì lắm chuyện lôi thôi, rông dài kể mãi sao hết. Mong bạn đọc bàn thêm.
Dân tộc Việt Nam không thể mãi mãi trẻ con, mà phải trưởng thành, tiến vào hàng ngũ những dân tộc tiên tiến. Nếu đất nước có bé về diện tích thì cũng là bé hạt tiêu – như Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, chẳng sợ gì nước lớn. Huống chi ta đứng thứ 13 thế giới về số dân.
Muốn vậy phải dựa vào dân, phải cho dân được thật sự tự do nói, sao cho “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, chớ có vì lợi ích của một số người hoặc nhóm. Phải khai thác tối đa trí tuệ của dân. Người Việt không thua kém mặt bằng chung tri thức của nhân loại. Ngô Bảo Châu đã cho thấy Việt Nam là dân tộc thứ hai ở châu Á giành được giải Nobel Toán cao quý.
Dẫu có thế nào thì trẻ con cuối cùng vẫn thành người lớn, vì có sự dạy dỗ của cha mẹ, của xã hội. Nhưng một dân tộc thì ai dạy dỗ? Nếu không phải là chính chúng ta, những người chủ của đất nước này. Cả tôi lẫn bạn hãy suy ngẫm, hãy kiểm điểm thật kỹ bản thân, vì tư duy của chúng ta hãy còn trẻ con lắm, dù đã 4000 năm tuổi.
Lạy cụ Tản Đà, mong cụ linh thiêng chỉ bảo chúng con vài lời.
T.G/Blog Trần Nhương
------------
*) tên bài do Trần Nhương đặt lại. Tên của tác giả là "Nước 4000 năm vẫn trẻ con"
-------------

11 nhận xét:

  1. Bài viết rất hay ! Cảm ơn Thạch Giản !

    Trả lờiXóa
  2. cũng tại bọn dân ngu quá lợn
    nên chúng mới dễ làm quan ( tản đà)

    Trả lờiXóa
  3. cái bỗng dưng nguy hại nhất là rước cái chủ nghĩa thổ tả mác lê làm kim chỉ nam ... mà kể thế giới ko ai thèm ....

    Trả lờiXóa
  4. Nhóm lợi ích là những đứa trẻ đáng sợ .Nhưng vì được coi là "trẻ con " nên chúng rất ít bị trách phạt ,hoặc có thì cũng rất nhẹ nhàng nên càng ngày càng hư thân ,mất nết ..Rất mong cha mẹ chúng (nhân dân ) cần nghiêm khắc dạy dỗ .Có những đứa hư không dạy được cần phải từ bỏ chúng

    Trả lờiXóa
  5. Trịnh Công Sơn cuối đời còn bị ngu hóa mà. Kinh khủng thật!

    Trả lờiXóa
  6. Nhìn đâu cũng thấy toàn trẻ con
    nhiều tuổi bạc đầu, chưa thành câu
    luôn cầm giấy đọc đọc lại lâu
    có khi đọc LỘN NHẦM đối tượng

    Trả lờiXóa
  7. Thạch Gian ơi,ta suy ngẫm,kiểm điểm mà trăn trở cho thêm buồn thôi.Đảng họ tự nhận họ là lãnh đạo Thiên tài,nhờ có họ mới giữ đươc đât nươc mình nghèo nhât ĐÔNG Nam Á đấy,nhờ có họ mà con dân nươc Viêt mới được đi bán sưc lao đông khăp thế giới.

    Trả lờiXóa
  8. Nhìn đâu cũng thấy toàn trẻ con
    Đầu bạc nhuộm đen, nhẵn nhụi râu
    Hoa cờ, đèn lọng, mặt trẻ trâu
    Tung hô, bợ đít cho nhau sướng
    Nướng dân đen trong cuộc chiến hung tàn

    Thế giới thay đổi tận đẩu đâu?
    Riêng lũ trẻ trâu vẫn huyền hoặc
    Văn minh vĩ đại vạn vạn tuế..
    Phè phỡn giầu sang sài thuế dân.

    Than ôi nước Việt khi nào lớn
    Cháu con đỡ khổ hỡi Tản Đà.


    Trả lờiXóa
  9. cứ chửi EVN độc quyền bán điện chửi KTV độc quyền than, vòng vo không dám nói sự thật là độc quyền chính trị, ko cạnh tranh, đó là gốc của mọi vấn đề

    Trả lờiXóa
  10. Tác giả bài viết này có dám chắc là "cả dân tộc ta" là trẻ con không? Trong khi chỉ đưa ra những dẫn chứng thuộc bộ máy công quyền nhà nước. Những sai lầm mang tính cố ý, lại cho rằng là do "tính trẻ con" của các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam này. Những kẻ đang dựa vào cường quyền, nhà tù, súng đạn hiện nay, là ma quỷ chứ trẻ con gì, có ma ranh (ma trẻ con) thì có.
    -Nó thích khoe khoang, vống lên nhằm mục đích khỏa lấp sự mục nát toàn diện của xã hội. Như dạng bắn pháo hoa nghèo nhưng mà vui. Chỉ mấy người ở thành phố đi xem chứ ở nông thôn thì ai đi. Liệu trong vài triệu dân HN, SG có được bao nhiêu phần trăm ra xem.
    -Làm các loại dự án vô ích, có hại, là do muốn tham nhũng, bỏ tiền vào túi chứ ngu gì. Cả dân tộc Việt làm như vậy à, hay chỉ là những kẻ con hoang của dân tộc này làm vậy.
    -Quên là để xí xóa tội lỗi, nhưng làm gì dễ như vậy.
    Văn chương cũng có nhiều loai. Văn là người, người thế nào thì văn cũng thế vậy. Ở đây không xét đến cái hay cái dở của Tản Đà, về mặt con người và văn chương, nhưng cũng cần có một câu hỏi, lúc ấy tất cả người dân Việt có như TĐ không? Tác giả có dám khẳng định từ thời các Vua Hùng, trải qua Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê đến ngày nay, tất cả dân tộc ta có những "đặc điểm" như tác giả viết không? Xưa có câu: "Lập thân tối hạ thị văn chương" = Đẻ lập thân, hạng bét là dựa vào văn chương.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có thể hiểu chữ "thị" là chữ "khoe" thì giải nghĩa câu thơ của Viên Mai sẽ đơn giản hơn nhiều. Trân trọng!

      Xóa