Translate

Trang BVB1

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

NHIỀU QUAN CHỨC NGÀY CÀNG MÊ MUỘI

* BÙI ĐỨC TOÀN
Đúng thế! Không chỉ “Phú quý sinh lễ nghĩa” mà bây giờ các quan chức ham cầu cúng, lễ bái để cầu tài, cầu lộc và cầu quan lộ ngày càng rầm rộ đến mức mê muội.
Nếu như ngày trước, việc cầu cúng, lễ bái được coi là mê tín thì bây giờ ngược lại, người ta lại cho là chuyện tín ngưỡng bình thường. Đã một thời ấu trĩ, hành xử thái quá nên các di tích chùa chiền, đền miếu…bất kể là thờ cúng ai, từ vua chúa đến các bậc hiền tài và thành hoàng làng cũng đều bị phá bỏ hoặc trở thành hoang phế. Nhưng rồi bước sang thời kỳ đổi mới và hội nhập, với chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng và thể hiện lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân có công với dân, với nước, tất cả các di tích ấy được khôi phục và tôn tạo. Và rồi “Té nước theo mưa”, khắp nơi lợi dụng xây dựng thêm đền chùa, miếu mạo. Có địa phương xưa nay chẳng thấy thờ cúng ai nhưng rồi tự dưng cũng dựng lên một ngôi chùa rồi gán cho nó một sự tích nào đó để thờ cúng và hàng năm mở lễ hội. Mà đã có lễ hội thì không chỉ hoạt động tín ngưỡng mà còn kèm theo các dịch vụ kinh doanh để dân sở tại và chính quyền địa phương làm kinh tế. Thế nên bây giờ cả nước mới có tới 74.000 lễ hội lớn nhỏ, trung bình mỗi ngày có 27 lễ hội. Thế thì làm gì mà quanh năm, không chỉ có dân thường mà các quan chức cũng bận rộn với lễ hội!
Tỉnh Ninh Bình đã nổi tiếng có đền thờ vua Đinh, vua Lê với khu di tích Cố đô Hoa Lư và đền thờ nhà Lý ở huyện Hoa Lư. Còn chùa Bái Đính cổ thờ vua Đinh nằm ở xã Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình. Nhưng năm 2005, tỉnh Ninh Bình đã ký quyết định xây dựng chùa Bái Đính mới, cách chùa Bái Đính cổ 800m; giao cho công ty xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư và có thời hạn hoạt động 70 năm. Đây là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á và cũng đạt nhiều kỷ lục ở châu Á về quy mô công trình và tượng Phật…Có người cho rằng, nhờ có chùa Bái Đính hoành tráng như thế nên đất Ninh Bình đã phát vua, phát tướng! Và rồi tin vào điều mê tín ấy, từ gần chục năm nay, ngày càng nhiều quan chức kéo về đây hành lễ, cầu cúng để mong được thăng quan, tiến chức. Những ngày này, xe công, xe tư nô nức đổ về, có lúc tắc nghẽn giao thông.
Ở lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) cũng vậy. Đêm 14 rạng ngày 15 tháng Giêng đều dễ dàng nhận ra rất nhiều cán bộ, công chức từ Trung ương đến các tỉnh thành về đây xin ấn. Ô tô, xe máy ùn tắc mấy cây số dọc Quốc lộ 10. Người ta quan niệm xin ấn để năm mới được thăng quan, tiến chức. Thế nhưng dân thường làm sao có chuyện thăng quan mà cũng cứ chen nhau, đánh nhau để vào xin ấn?
Các quan đi lễ thì “tiền hô hậu ủng”, có xe cảnh sát sở tại dẫn đường. Lễ vật mang theo phải có mâm cao cỗ đầy, tiền vàng mã và đồ cúng tế phải có giá trị cao, tính bằng tiền triệu cả. Có quan tế nhị thì đi xe của doanh nghiệp nhưng có quan cứ vô tư dùng xe công cho oai, cho thanh thế. Và đã có quan trên về thì các quan sở tại phải đón tiếp trọng thị kẻo mất lòng. Kinh phí tiếp khách lại bổ vào đầu dân.
Càng lắm lễ hội thì các quan càng phải đi nhiều. Bởi quan cũng muốn đi để “đánh bóng thương hiệu” mà chính quyền sở tại cũng muốn có quan về mới thêm phần long trọng. Thế là việc công nơi nhiệm sở bị bỏ bê bởi hàng năm mỗi quan phải bỏ ra một quỹ thời gian đáng kể cho lễ hội.
Gần đây, hội chứng khai ấn và xin ấn phát triển ở nhiều địa phương. Từ mấy chục năm trước, lễ khai ấn chỉ tiến hành ở đền Trần (Nam Định) vào đêm 14 rạng ngày 15 tháng Giêng âm lịch. Bởi lễ khai ấn xuất phát từ thời nhà Trần, sau khi đánh bại giặc Nguyên Mông, tại phủ Thiên Trường, vua Trần Thái Tông mở tiệc mừng công, phong tước cho quan quân có công đánh giặc, giữ yên bờ cõi. Sau này vào đầu xuân, các vua Trần đều tổ chức nghi lễ khai ấn với mục đích tế trời đất, tổ tiên, mở đầu cho một năm làm việc thuận lợi của bộ máy chính quyền.
Nhưng năm 2010, tỉnh Thái Bình cũng bắt đầu mở lễ khai ấn nhưng vào ngày 13 tháng Giêng. Rồi ở Hà Nội, ngày mồng 8 tết vừa rồi cũng bắt đầu tổ chức lễ khai ấn ở Hoàng thành Thăng Long. Lễ này không làm vào ban đêm mà làm vào buổi sáng. Có điều lạ là từ xưa tới nay, có ai nói đến ấn ở di tích nhà Trần ở Thái Bình và ấn ở Hoàng thành Thăng Long bao giờ. Rồi nhiều đền miếu khác ở một số địa phương cũng khai ấn.
Tại Hoàng Thành, các nghi thức do chủ tế và các vị chức sắc tiến hành riêng lễ khai ấn trong nền điện Kính Thiên. Tiến sĩ Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội cho biết, chiếc ấn dùng hôm nay được làm từ lụa đỏ, mô phỏng ấn thời Trần, tìm thấy trong một đợt khảo cổ. Ấn được đóng lên các lá ấn làm từ giấy dó và phát cho đại biểu dự lễ.
Hoàng thành là quốc đô của đất nước, nơi 52 đời vua trị vì qua các triều đại. Vậy ấn dùng ở Hoàng thành Thăng Long không biết đại diện cho đời vua nào hay chỉ là ước lệ bởi nhà Trần có 12 đời vua?
Còn quả ấn của di tích nhà Trần tại Hưng Hà, Thái Bình cũng là câu chuyện bi hài.
Lễ khai ấn tại đền Trần Hưng Hà được tổ chức khá quy mô, với sự tham dự của hàng vạn người dân. Đồng thời trong dịp khai ấn này, đã có hàng vạn bản ấn được đóng, phát/bán cho nhân dân. Lễ khai ấn ở đây đã “lộ sáng” về hành tung của quả ấn.
Xe quan chức đi lễ hội
Quả ấn ấy vốn được ông Trần Độ - một nghệ nhân gốm ở Bát Tràng cung tiến. Ông Độ được ông Nguyễn Văn Thái - một nhà sưu tầm và nghiên cứu cổ vật ở Hà Nội nhượng lại. Một hôm ông Độ đến nhà ông Thái, thấy quả ấn để dưới gầm tủ. Hỏi thì ông Thái nói rằng, đó là chiếc ấn của vua Trần, mua được của một người ở Hòa Bình cách đó hơn chục năm. Thật nực cười là “ấn của vua Trần” mà ông Thái lại để ở gầm tủ!
Thế mà tết 2010, Thái Bình đã tổ chức lễ hội và khai ấn đền Trần. Thấy nghi ngờ, tôi đã điện về hỏi một quan chức của tỉnh, rằng Thái Bình làm gì có ấn đời nhà Trần. Vị quan chức đó khẳng định: “Có chứ, quả ấn của Thái Bình còn to hơn quả ấn của Nam Định”. Và lễ khai ấn đầu tiên ấy, Thái Bình đã mời Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về tham dự khai ấn. Hàng vạn du khách trong và ngoài tỉnh cũng nườm nượp kéo về. Sau đó, nguồn gốc của quả ấn được tiết lộ, Thái Bình đã để nó rơi vào im lặng. 
Tỉnh Bắc Ninh có đền bà Chúa Kho. Đầu năm cũng có triệu lượt người về đây cúng lễ và “vay tiền” của bà để làm vốn; rồi cuối năm thì mang trả. Có người buôn bán làm ăn phát tài, sửa lễ trị giá đến hàng chục triệu dâng lên trả ơn bà. Nhưng đấy là việc của người buôn bán, kinh doanh chứ có khá nhiều quan chức buôn bán gì đâu cũng đua nhau cùng vợ con “đi vay” rồi cuối năm đi trả. Chưa nói chuyện bà Chúa Kho là người giữ ngân khố của triều đình mà lại đem cho vay lấy lãi đã là chuyện sai trái; còn các quan chức cũng mê tín đi vay và trả là chuyện nhảm nhí. Vay vốn để mua quan, bán tước à?
Không biết rồi tới đây, còn bao nhiêu địa phương sẽ bày ra lễ khai ấn và lập thêm đền chùa nữa nhưng việc cán bộ, công chức nhà nước quá đam mê cầu cúng để hy vọng tiến thân là hành vi đáng phê phán. Dâng nén tâm nhang để tưởng nhớ tổ tiên và các anh hùng dân tộc có công với nước thì được; còn đặt niềm tin vào chuyện lễ bái để hòng thăng quan, tiến chức thì đúng là mê muội!
B.Đ.T (NLM)
------------

21 nhận xét:

  1. Thật ra chuyện mê tín vốn không phải từ dân. Mê tín bắt gặp các loại người có chữ thế là dân ta, từ quan đến dân, ai cũng ái ngại nếu không đi lễ đâu đó. Xưa đi lại tốn kém vất vả lại bận việc nên những nơi hành lễ mê tín vắng bóng dân nghèo (vì đó và không tiền) và quan chức (vì bận). Ngày nay thì chỉ vắng bóng dân nghèo thôi. Quan chức ngày càng tăng và họ coi đó là nơi độ cho họ thăng tiến và giàu lên nhanh chóng. Đó là tư duy mù quáng. Người viết còm này lấy làm tiếc chưa được hầu bàn dân thiên hạ về chuyện đi lễ. Nhưng chắc chắc phúc ít họa nhiều. Ngoài các đền thờ Thánh, thờ các vị có công gìn giữ non sông gấm vóc thì bất kì đâu đề là rước họa về mà ai thấu. Chỉ khi nào 1 chân vào quan tài rồi được cứu ra mới thấm. Vậy thì mấy ai có hoàn cảnh đó để thưa lại với dân chúng đây. Đa số mòn mõi đến phút cuối nhưng đều không biết. Vậy khó diễn quá! Cứ để mặc thiên hạ theo hội chứng bầy đàn cho được mùa hoa vòng!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. TẤT CẢ SỰ MÊ MUỘI CỦA NHỮNG NGƯỜI NÀY ĐỀU LÀ SẢN PHẨM SỰ MÊ MUỘI VỀ CN MÁC LÊ NIN, MÊ MUỘI MỘT THỨ TÔN GIÁO MÙ QUÁNG. ĐỨNG ĐẦU LÀ ÔNG LÚ VÀ 19 ÔNG KHÁC...NGƯỜI DÂN VN BAO ĐỜI VẪN TÍN NGƯỠNG ĐẠO PHẬT HAY THIÊN CHÚA GIÁO BẰNG CÁI TÂM THIỆN CHỨ KHÔNG PHẢI BẰNG TIỀN BẨN NHƯ BỌN MUA QUAN BÁN CHỨC. ÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG ỚI XIN ÔNG TỈNH LẠI

      Xóa
    2. Một người tín ngưỡnglúc 10:38 3 tháng 3, 2016

      MỘT SỐ CHÙA XÂY BẰNG TIỀN BẨN, QUAN CHỨC QUAN CHỨC ĐI CHÙA TRỞ NÊN LÚ LẪN, XIN DÂN ĐỪNG VÀO ĐÓ DỄ MẮC BỆNH LÚ
      Một số chùa chiền lớn ngày nay như chùa Bãi Đính xây để rửa tiền của lãnh đạo. Chùa xây bắng tiền bẩn thì thần thánh nào về đó mà ngự. HÃY TẨY CHAY CÁC CHÙA XÂY BẰNG TIỀN BẨN.
      Một lần tôi đến thăm làng Hoàng Trù, quê hương của ông HCM, tôi định vào thắp hương ở bàn thờ nhưng khi đi vào thấy nhiều khách chen nhau, một tay giơ cao mấy tớ 2000 đ, tay kia xô đấy để chen vào. Nhìn lên bàn thờ, tiền 1000-2000 phủ kín tôi ngao ngán và quay ra. Từ đó tôi không bao giờ về thăm lại Hoàng Trù hay Kim Liên nữa. Nhiều lần du lịch cùng bạn, họ rủ vào tôi đều từ chối. Chỉ có các chùa ở Miền Bắc có dịch vụ đổi tiền lẻ. Dòng tiền lẻ từ bàn đổi tiền, đến khách, vào chùa và ra lại bàn đổi tiền. Họ lừa thần thánh lắm. Nhục nhất là khi viếng đền thờ nhà Trần ở Nam Định. Tôi chỉ một lần đến vào dịp răm tháng giêng 2005, ngán ngẩm cách sỉ nhục vong linh các Vua Trần của Bộ VH và UBND Nam Định, từ đó tôi không bao giờ đến nữa.

      Xóa
    3. Mọi cái đều logic cả, không có gì khó hiểu đâu nha?

      Xóa
    4. Các bác điểm danh còn thiếu ở đền thờ hồ chí minh
      Thị trấn minh Đức huyện thủy nguyên thành phố hải phòng
      Của nhà máy xi măng hải phòng mới xây năm 2010
      Cũng phát ấn vào ngày 14/ giêng được hai năm nay
      Từ lúc 7 giờ tối tới 12 giờ đêm các tai to mặt lớn đã về khong thiếu ai
      Và trồng các loại cây lưu niệm tên của từng ,,,,,,,,,,một

      Xóa
  2. NHững hiện tượng đáng buồn,đáng xấu hổ mà tác giả nêu lên đều là sự thật và vẫn đang tiếp diễn trong xã hội chúng ta. Thật ra còn nhiều điều tệ hại hơn về sự xuống cấp văn hóa, đạo đức của một bộ phận không nhỏ quan chức hiện nay. Nhưng có lẽ không cần thống kê thêm nữa. Hãy cố gắng đi tìm nguyên nhân sâu xa của hiện tượng nêu trên và qui rách nhiệm rõ ràng.Về nguyên nhân,không thể không nói đến tình trạng một lớp người VN bị tha hóa thành nô lệ của quan trường,danh vọng luôn lấy tiến thân trong bộ máy toàn trị làm lẽ sống,bằng mọi giá để thăng quan tiến chức,kể cả hối lộ người và thánh thần.Nếu đi sâu hơn thì đó chính là lỗi hệ thống của thể chế chính trị hiện hành.Một thể chế chính trị tiến bộ văn minh phải luôn mở ra cho mọi người dân những con đường thăng tiến vô cùng phong phú,đa dạng,phù hợp với năng lực và sở thích của họ, không chỉ khuyến khích nhảy vào bộ máy quan lại đồ sộ với những đặc quyền đặc lợi đầy ma ám. Nguyên nhân khác nằm ở chính ở trình độ nhận thức thấp kém của những quan chức tham gia tranh cướp ấn tại các lế hội vừa qua. Về trách nhiệm, chỉ xin nêu một ý: Tình trạng lạm phát lễ hội,sự bùng nổ của mê tín dị đoan,nạn đầu cơ buôn thần bán thánh v.v hoành hành suốt thời gian qua không thể không liên quan đến ngành tư tưởng, văn hóa; trực tiếp là cái Bộ to đùng : Bộ Văn hóa-TTDL!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. [sự bùng nổ của mê tín dị đoan,nạn đầu cơ buôn thần bán thánh v.v ] Đây là do các quan chức và đại gia có tiền không biết tiêu vào đâu thì đi buôn bán thánh thần vậy; còn vì sao lại sinh hội chứng bầy đàn thì đó là do các học giả cổ xuý trên TV và trong các sách báo thời thừa thãi văn phòng phẩm và phát triển công nghệ thông tin đó thôi.

      Xóa
    2. Quan chức đổ xô đi cúng lễ vì họ đang sợ, đang rất sợ. Bản thân họ không còn niềm tin nào hết. Họ không biết dựa vào đâu nên phải dựa vào các thế lực thần bí siêu nhiên với hi vọng tìm được sự che chở và chạy được tội lỗi của họ.

      Xóa
  3. Nguyên nhân gốc rễ của tệ nạn này thì cũng do "quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối" mà ra cả.
    Quan chức ngày nay thừa biết,muốn tiến thân thì phải nhờ "ơn trên","cha ông" chứ tài năng và trình độ thì không có cửa.Những người có tài năng và trình độ thật sự thì khó chấp nhận tệ nạn này nhưng số này ngày càng ít đi hoặc cũng phải chấp nhận "chuyển hoá" nếu không muốn bị gạt ra rìa.
    Những kẻ đã có lộc của "ơn trên" thì muốn duy trì hoặc nhiều hơn nữa,kẻ chưa có thì nhìn kẻ đã có mà "phấn đấu".Vì thế,càng ngày,các lễ hội như vậy càng thu hút "đảng viên nhan nhản" hoặc người nhà đến mua bán là chính.

    Trả lờiXóa
  4. Trước tiên xin lỗi tác giả, xin có một góp ý nhỏ, từ hán-việt chỉ có từ "hoạn lộ"=con đường làm quan, chứ không có từ "quan lộ" như được dùng tràn lan gần đây.
    Đầu tiên ta xét thế nào là tín ngưỡng và thế nào là mê tín, đây là một điều khá khó, vì gianh giới giữa tín ngưỡng và mê tín khá mờ nhạt, đôi khi chỉ là cách nói khác nhau bởi cách nhìn nhận khác nhau. Ngay luật pháp của Việt Nam cũng không có định nghĩa rõ ràng thế nào là tín ngưỡng, thế nào là mê tín. Như việc hầu đồng là tín ngưỡng hay mê tín chẳng hạn.
    Tín ngưỡng thờ cúng Đức Thánh Trần không phải đến ngày nay mới có, ngay khi Thánh Hóa, người ta đã nói đến chuyện linh dị của Ngài. Tại sao nước ta có nhiều anh hùng dân tộc, nhưng chỉ riêng có Đức Thánh Trần là được dân ta qua nhiều thời đại sùng bái? Đó là điều mà người có suy nghĩ nghiêm túc phải xem xét và suy nghĩ về nó.
    Việc khai ấn ở đền Trần Nam Định đã có từ lâu, ở đây tạm chưa bàn về có từ khi nào, trước là do người dân ở làng Tức Mặc tổ chức, những người có lòng tin thì đến tham gia, không ai a dua ai hoặc xúi bẩy ai cả, buổi lễ diễn ra êm ả và thành kính.
    Từ khi chính quyền quản lý và đứng ra tổ chức mới nảy ra chuyện như bây giờ. Đầu tiên là việc tranh chấp giữa quyền lợi giữa Sở Văn Hóa NĐ với UBND xã Lộc Vượng trong việc quản lý, vì mối lợi. Sau đó nảy ra việc xây dựng cung Trùng Hoa, đúc tượng 14 vua Trần. Sau khi xây dựng cung Trùng Hoa xong, có một việc nực cười là, trong khu vực đền Trần, đền Cố Trạch thờ Đức Thánh Trần và đền Thiên Trường thờ vua Trần thì do chính quyền xã quản lý, cung Trùng Hoa do ngành văn hóa quản lý. Sau thành phố đứng ra quản lý cả, lại nảy ra mâu thuẫn giữa dòng họ Trần tại địa phương với chính quyền thành phố trong việc phân bổ người phụ trách trong ban quản lý, việc còn rất dài dòng.
    Về đêm khai ấn, lúc hành lễ người dân được mời ra ngoài cách cổng chính của đền bằng nhiều lớp hàng rào, bên trong đền chỉ toàn quan chức khách mời. Sau khi hành lễ xong, các quan chức ra về mới mở cổng cho dân vào, đấy là điều ai cũng biết. Trước đây dấu ấn được phát hành ngay lúc nửa đêm, sau khi lễ và khai ấn xong. Về sau do sự "trục trặc" của chính quyền địa phương và ngành văn hóa, dẫn tới nhiều thảo luận và việc quyết định phát ấn vào sáng hôm rằm. Từ khi có quyết định phát ấn vào sáng hôm rằm, liền xảy ra việc tranh giành lấy lộc trên bàn thờ, việc này xuất phát từ các cán bộ là khách mời, vì không lấy được con dấu ngay lúc bấy giờ. Việc ném tiền lên kiệu rước con dấu từ đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường, mà quý vị có thể xem qua các video trên mạng, cũng là đều của các cán bộ cả, mà phải là cán bộ cỡ nào mới được mời chứ không đơn giản, lúc ấy làm gì có dân đen nào ở trong đền. Mấy chú công an làm gì có chú nào dám ho he gì, toàn xếp bự cả, nịnh còn chưa xong huống là ngăn cản. Qua đó quý vị có thể hiểu được tệ nạn từ đâu mà ra.
    Các địa phương khác, thấy việc ở Nam Định nổi đình đám, cán bộ địa phương, người của địa phương làm cán bộ trên trung ương, các doanh nghiệp... tất cả tập trung cấu kết với giới học thuật bày trò để mưu trục lợi, nên mới nảy ra nhiều tiết mục như ở Hưng Hà.

    Trả lờiXóa
  5. Các quan ham cầu cúng ,lễ bái , không phải để cầu tài , cầu lộc . Vì đã làm quan là tài lộc khắc có , họ cầu cúng nhiều nhất là vì sợ , nên luôn luôn cầu mong không bị Thánh , Thần trừng trị khi có quá nhiều tội ác .

    Trả lờiXóa
  6. Không hiểu ban văn hóa TT và TG ở đâu trong những vụ này?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đi cúng bái và hầu đồng rồi bác ạ

      Xóa
  7. Toàn bọn quan dốt và tham nên xã hội trở thành rối loạn không phương hướng không mục tiêu ....trở thành Nghèo ..Hèn ..Ác ./.

    Trả lờiXóa
  8. Thời U MÊ này càng có nhiều tiền càng NGU. Người nghèo ngu ít, người giàu và quan chức ngu nhiều. Càng giàu càng ngu vì không biết tiêu tiền như thế nào để thanh thản. Đưa tiền đi "cống" cứ tưởng cách giải ngân như vậy là giải được bớt tội, mà nào hay càng giải càng tồi dày.

    Trả lờiXóa
  9. tất cả không tin vào sự lãnh đạo của đảng nên phải tìm đến đình chùa để đặt niềm tin vào trời phật thánh thần

    Trả lờiXóa
  10. Rất nhiều người né tránh không dám nhìn thẳng vào sự thật. Trong xã hội, nhiều người biết rất rõ việc này, nhưng nói ra liệu có sự ủng hộ không? Điều đó phụ thuộc vào từng cá nhân.

    Trả lờiXóa
  11. Cách đây một năm , tôi đã gửi comment đến blog của đại tá Bùi văn Bồng , nói về những trò lễ hội chùa chiền theo kiểu " ăn mày dĩ vãng " , " ăn mày cửa Phật " , nhất là cái chuyện khai ấn / bán ấn đền Trần Nam định ... ! nay tôi xin được khẳng định lại , tất cả những cái trò này ai là kẻ đầu têu , ai là những kẻ thu tiền , ai là những kẻ " không tin đảng lại đi tin những tượng đất , tượng đá cha căng chú kiết nào đó " ( đảng ta thiên tài thế thì lại không tin , lại đi nhờ cửa Phật chạy chức chạy quyền ...) : đó là các quan chức - đảng viên lãnh đạo các cấp , từ trung ương xuống đến các địa phương , lũ người này chính là những kẻ " đầu nậu , đầu têu " ! Những trò đó được chúng hô hào rằng : tự do tín ngưỡng , nhớ ơn tiền nhân ... uống nước nhớ nguồn ! Giả dối , hết sức giả dối . Không hiểu sao , dưới cái thời lãnh đạo của tập đoàn CSVN , một bộ phận không nhỏ quan lẫn dân lại mê muội , mù quáng , lú lẫn đến như vậy ???

    Trả lờiXóa
  12. Từ lâu nay, phần lớn các đền chùa đã và đang bị biến thành nơi " KINH DOANH, BÁN BUÔN - BÁN LẺ TÍN NGƯỠNG; NƠI TÌM ĐẾN CỦA MỘT SỐ NGƯỜI BẤT HẠNH TRÚT NỖI KHỔ ĐAU VÀ OÁN HẬN ĐỂ TỰ AN ỦI MÌNH; VÀ LÀ NƠI "TRUNG TÂM CHẠY ÁN"; NƠI CẦU CHỨC, MUA QUYỀN... !!! NƠI CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐẾN NGUYỆN ƯỚC LÀM ÍT NHƯNG MUỐN ĐƯỢC HƯỞNG NHIỀU !!!!! THẬT QUÁ BUỒN CHO MỘT ĐẤT NƯỚC LUÔN LUÔN TỰ HÀO CÓ HƠN BỐN NGHÌN NĂM VĂN HIẾN ! MỘT ĐẤT NƯỚC LUÔN MONG MUỐN CÓ NHIỀU CÁI NHẤT KHU VỰC VÀ ĐẠT KỶ LỤC THẾ GIỚI !
    Xin trân trọng cảm ơn Anh Bùi Văn Bồng kính mến !

    Trả lờiXóa