Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2016

Được như Miến Điện, cần bản lĩnh, chí quyết, có tâm, có tầm


Cải cách thể chế chính trị tại Việt Nam
Có thể giống Miến Điện về phương pháp nhưng khác về lộ trình

Qua một thời gian theo dõi diễn biến các hoạt động chính trị tại Việt Nam. Tôi có nhận định trong tương lai cải cách thể chế chính trị tại Việt Nam có thể giống với Miến Điện về phương pháp nhưng sẽ khác nhau về lộ trình đạt tới đích. Sau đây là những phân tích và lý giải của tôi về vấn đề này.
Sự thay đổi từ một chính quyền này sang một chính quyền khác có hai phương pháp cơ bản.
            Cách mạng và chính quyền tự thay đổi dưới áp lực và đòi hỏi của người dân. Đổi với Việt Nam thì phương pháp tự thay đổi phù hợp hơn phương pháp cách mạng vì một số lý do.
Lý do thứ nhất là Việt Nam đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh khác nhau. Người dân có nhu cầu sống một cuộc sống hòa bình và ổn định. Nếu một cuộc cách mạng xảy ra mà dân chúng chưa biết rõ một cách chắc chắn liệu tương lai một chính quyền mới có thực sự tốt đẹp hơn hay đất nước rơi vào bất ổn định thì tất cả những kêu gọi người dân tham gia một cuộc cách mạng lật đổ chính quyền hiện tại giường như khó thuyết phục.
Lý do thứ hai là trong các tổ chức và hoạt động đối lập tại Việt Nam thì xu hướng tạo áp lực để chính quyền tự cải cách, tự thay đổi thu hút nhiều người quan tâm và tham gia hơn là xu hướng kêu gọi một cuộc cách mạng lật đổ xảy ra tại Việt Nam.
Lý do thứ ba: là trong giới lãnh đạo tại Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể về mặt nhận thức. Không ai còn bị ràng buộc bởi lý thuyết cộng sản lỗi thời. Và họ cũng thoải mái hơn khi phát biểu hay đề cập tới việc cải cách thế chế chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền. Vấn đề thực hiện được hay không giờ chỉ còn là làm sao giải quyết được yếu tố lợi ích cá nhân và dung hòa với lợi ích xã hội.
Như vậy về phương pháp để thay đổi cải cách thể chế ở Việt Nam thì cũng có thể giống như ở Miến Điện tức là chính quyền tự thay đổi. Tuy nhiên, về lộ trình sẽ có sự khác biệt vì hiện tại ở Việt Nam không có cả hai yếu tố là : Bà Suu Kyi và ông Thein Sein.
Yếu tố ông Thein Sein : Khác với Miến Điện tại Việt Nam không có ai là người có quyền lực tuyệt đối. Quyền quyết định cao nhất vẫn là một tập thể những con người thuộc bộ chính trị. Do vậy, muốn thay đổi thế chế cần cả một tập thể nhất trí điều này cũng là một khó khăn. Nhưng điều quan trọng hơn vẫn là quyết tâm của người đứng đầu thực tâm muốn thay đổi. Bởi tổng thống Miến Điện tuy có quyền lực khá lớn nhưng muốn cải cách thì ông cũng phải có những hành động thanh trừng các đổi thủ cản đường cải cách và đưa những người có tư tưởng đổi mới, ủng hộ vào thay thế. Do vậy, ông vừa phải là người có quyết tâm muốn thay đổi và phải là người khôn ngoan để vẫn giữ vững được vị trí lãnh đạo của mình.
Yếu tố Suu Kyi: Bà là người hội đủ cả tâm và tầm. Nên mới là con người thu hút được đông đảo quần chúng đi theo.
Về cái tâm: Bà thực tâm đấu tranh vì một đất nước Miến Điện tốt đẹp hơn. Do vậy, tất cả những hành động, tất cả các tổ chức làm lợi cho nhân dân cho đất nước bà đều ủng hộ và sẵn sàng bắt tay kể cả với chính quyền nếu họ có những thay đổi có lợi cho nhân dân. Tất cả những hành động và tổ chức làm hại tới nhân dân và đất nước đều bị phản đối, không nhất thiết đó là chính quyền hay một tổ chức nào khác. Chính vị vậy người dân Miến Điện hiểu rằng bà đấu tranh cho quyền lợi của họ chứ không phải là người muốn đấu tranh để dành quyền lực cho bản thân. Bà sẵn sàng trao quyền lãnh đạo đất nước cho người khác cùng với lý tưởng của mình và chỉ là người thủ lĩnh trong đấu tranh cho nhân dân.
Về cái tầm: Đã là người lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo đối lập với một chính quyền độc tài phải có rất nhiều yếu tố. Trong đó, trước hết là khả năng diễn thuyết và thuyết phục người khác theo mình. Có kiến thức rộng lớn từ chính trị, pháp luật, kinh tế, ngoại giao… để có thể lắng nghe mọi tầng lớp nhân dân và chọn ra những phương pháp, con đường đấu tranh phù hợp thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân đi theo. Ở bà Suu Kyi có hội tụ đủ những yếu tố của người lãnh đạo đối lập nêu trên.
Tóm lại, để cải cách thể chế chính trị như tại Miến Điện xảy ra phải có cả yếu tố thay đổi từ phía chính quyền và sự đấu tranh đủ mạnh của phía đối lập. Để từ đó hai bên sẽ có những bắt tay và cùng đi theo một con đường chung, có lộ trình phù hợp có lợi cho sự phát triển của đất nước.
Tiếp theo tôi muốn phân tích hai yếu tố này tại Việt Nam để có thể thấy một lộ trình cải cách ở Việt Nam sẽ có sự khác biệt với Miến Điện.
Về yếu tố người lãnh đạo chính quyền: Cá nhân tôi cho rằng Việt Nam cũng đã từng có một thế hệ lãnh đạo thực tâm muốn tốt đẹp cho nhân dân đất nước, nhưng do họ đã bị mê hoặc bởi chủ thuyết cộng sản sai lầm nên đã đưa đất nước đi theo con đường này. Chủ thuyết này không chỉ làm say đắm nhân dân và lãnh đạo của Việt Nam, mà còn rất nhiều đất nước trên thế giới và bản thân ông Max người sáng tạo ra nó cũng với ước mơ tốt đẹp cho nhân loại. Chỉ có điều mô hình ông ta đưa ra là không tưởng và về sau đã bị lợi dụng để biến thành một mô hình quản lý cho một số nước độc tài. Do vậy, nhiều người khi chê bai chế độ cộng sản lại thường ví ông Max như “ quỷ dữ”. Sau cải cách năm 1986 và sự sụp đổ của một loạt các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới thì phần lớn giới lãnh đạo Việt Nam đã nhận biết mô hình cộng sản là không tưởng. Sau đó Việt Nam áp dụng mô hình kinh tế chính trị giống Trung quốc. Thời kỳ sau này người ta ví là thời đại kim tiền. Tức là có tiền mới có quyền lực và có quyền lực là sẽ có tiền. Do vậy, thế hệ lãnh đạo sau này cũng bị cuốn vào vòng xoáy kim tiền này. Tất nhiên trong số ít những người lãnh đạo vẫn xuất hiện một số gương mặt vừa biết lo cho mình và vừa có tâm muốn tốt đẹp cho đất nước như ông Võ Văn Kiệt và Nguyễn Bá Thanh… Tuy Việt Nam chưa xuất hiện người lãnh đạo vừa có quyền lực, vừa thực tâm muốn cải cách triệt để, và vừa khôn ngoan để có thể thực hiện cải cách. Nhưng đã xuất nhiều người lãnh đạo Việt Nam muốn có những cải cách một cách từ từ và có lộ trình. Do vậy, những chủ đề liên quan tới cách cách thể chế được trao đổi và phát biểu thoải mái và công khai hơn trên mạng, báo chí, thâm chí trong các phát biểu của giới lãnh đạo.
Về yếu tố đấu tranh đối lập: Không thể phủ nhận vài năm gần đây đã xuất hiện rất nhiều các tổ chức và cá nhân đấu tranh chính trị đối lập. Đây cũng là xu thế tất yếu của phát triển xã hội. Chúng ta thử điểm qua một số nhóm đối lập và phương pháp đấu tranh khác nhau.
Một số tổ chức đối lập chống cộng “quyết liệt”: Với các tổ chức này thì cho rằng cộng sản là không bao giờ thay đổi, bất kể ai là cộng sản đều xấu và họ đều chống. Phần lớn thành viên là những anh, chị sống ở nước ngoài từng tham gia vào chế độ VNCH và có những nỗi đau mất mát từ quá khứ nên họ không thể đội trời chung với cộng sản. Do vậy, nên mới có những cuộc biểu tình chống báo đất Việt vì đã từng phát hành sách “ bên thắng cuộc” của Huy Đức, hoặc ngay cả ông Bùi Tín sang Mỹ diễn thuyết cũng bị “ đấu tố” vì cả hai người này cũng đã từng phục vụ trong lực lượng quân đội của Việt cộng. Hoặc Đàm Vĩnh Hưng sang hát tại Mỹ cũng bị xịt hơi cay vào mặt vì là đảng viên mặc dù không biết anh ta có hát bài nào ca ngợi đảng cộng sản tại Mỹ hay không. Với phương pháp chống cộng như vậy khó lòng thu hút được sự quan tâm của người dân trong nước đặc biệt là giới trẻ. Vì cái mà thế hệ trẻ quan tâm là hiện tại và tương lai chứ không còn quan tâm nhiều những thắng thua trong quá khứ. Hơn nữa, đảng cộng sản là một tổ chức có nhiều người tham gia, có người tốt, có người xấu, có người cấp tiến, có người bào thủ. Trong số vài triệu đảng viên lại còn có rất nhiều những người thân và họ hàng của họ không phải đảng viên. Nên việc chống cộng cực đoan không thuyết phục được đông đảo người dân tham gia.
Một số tổ chức không chống cộng cực đoan nhưng mục tiêu đấu tranh là giải thể chế độ cộng sản. Với các tổ chức này, cũng phần lớn là ở hải ngoại thì ủng hộ tất cả những người đấu tranh dân chủ, miễn là họ có lợi cho công cuộc đấu tranh giải thể chế độ cộng sản. Tuy nhiên, khi mục tiêu chính là giải thể chế độ cộng sản thì họ lại khó thuyết phục được người dân đi theo vì cái mà phần lớn người dân quan tâm là những vấn đề cuộc sống hàng ngày của họ. Những khái niệm như dân chủ, công bằng là những khái niệm rất trừu tượng, chưa cụ thể với họ. Nên mục đích cũng như con đường để thuyết phục người dân đi theo là không rõ ràng vì chưa tác động trực tiếp tới lợi ích cụ thể hàng ngày của người dân.
Một số nhóm, tổ chức hoạt động với mục tiêu tác động tới chính quyền để họ thay đổi theo hướng tốt đẹp cho đất nước và xã hội. Họ đưa ra nhưng kiến nghị tích cực gửi tới chính quyền, phản đối các việc làm sai trái tổn hại tới đất nước. Đây là những nhóm tri thức, các vị lão lãnh cách mạng, những quan chức về hưu. Hoạt động của họ được đông đảo người dân trong nước quan tâm và hướng ứng hơn. Cá nhân tôi cũng luôn giành sự tôn trọng cho những hoạt động này. Vì tôi biết họ thực tâm đấu tranh cho đất nước tốt đẹp hơn chứ không phải vì muốn giành quyền lực chính trị. Bởi trước đây họ cũng đã từng là những người làm những việc quan trọng cho chính quyền hoặc đang là những người có vị thế đáng nể trong xã hội hoặc trên thế giới. Tất nhiên, cũng chỉ mấy năm gần đây mới xuất hiện hoạt động của những nhóm nhân sỹ trí thức này. Do vậy, hoạt động chủ yếu tập trung vào những vấn đề lớn, hệ trọng của đất nước và liên quan chủ yếu tới vấn đề chính trị.
Hình thành một số tổ chức xã hội dân sự: Trong vài năm gần đây đã xuất hiện các tổ chức này. Mục tiêu hoạt động là tập trung vào những vấn đề thiết thực và sát sườn của đời sống nhân dân mà không chỉ gói gọn vào mục tiêu chính trị. Chúng ta biết rằng trong một xã hội có rất nhiều vấn đề quản lý xã hội mà chính quyền chưa thể làm được hoặc làm chưa tốt. Các tổ chức xã hội dân sự này cùng tham gia vào việc bù đắp những khoảng trống nêu trên. Ví dụ tôi đã từng nghe nói các hoạt động đưa thư viện sách tự quản về cho các trường học tại các vùng nông thôn, khi mà khả năng tiếp cận sách của các em là hạn chế. Hoặc một số nhóm luật sư có thể tư vấn miến phí cho những người dân không có điều kiện và hiểu biết về pháp luật trong những sự việc liên quan tới tranh chấp đất đai… Tôi có đọc một bài viết của anh Hà Huy Sơn về kêu gọi thành lập một mạng lưới các tổ chức xã hội dân sự. Do bài viết tương đối ngắn nên tôi cũng chưa rõ được phương hướng liên kết và phát triển các tổ chức này ra sao. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng đây là một hoạt động hay và thiết thực. Có khả năng thu hút được đông đảo người dân tham gia.
Như vậy, gộp lại tất cả những tổ chức, nhóm hoạt động đối lập thì phương pháp đấu tranh để gây áp lực lên chính quyền để họ thay đổi là phương pháp chủ yếu diễn ra ở Việt Nam. Cùng với sự thay đổi nhận thức và xuất nhiều ngày càng nhiều người lãnh đạo có mong muốn thay đổi sẽ là điều kiện để Việt nam thay đổi theo phương pháp của Miến Điện nhưng với một lộ trình khác biệt.
Đổi với những người lãnh đạo chính quyền có lẽ họ muốn sự thay đổi một cách từ từ và trước mắt vẫn phải giữ sự ổn định trong lãnh đạo của Đảng. Tăng dần tính dân chủ, tính cạnh tranh trong đảng, và nới rộng dần các yếu tố ngoài đảng. Vừa đáp ứng được yếu tố ổn định lãnh đạo lại vừa đảm bảo cải cách quản lý sao cho có lợi cho xã hội, gần dân và hợp lòng dân hơn. Tôi đã từng có một số đề xuất trong bài viết Cải cách thế chế chính trị tại Việt Nam cần diễn ra như thế nào. Những đề xuất về lộ trình ban đầu vẫn cần phù hợp với nguyên tắc nêu trên.
Về phía đấu tranh đối lập, theo tôi ngoài việc tập trung chủ yếu tới các vấn đề chính trị cần tập trung cả vấn đề dân sự và dân sinh. Ví dụ: Nếu có một bản kiến nghị của 72 nhân sỹ trí thức gửi lãnh đạo đất nước đề nghị cắt chức một bộ trưởng nào đó vì đã không quản lý nổi ngành này gây cho người dân hoang mang khi trẻ em phải đi tiêm vác xin, khám chữa bệnh có thể bị chết, hoặc không công bố dịch cho dân chúng để phòng tránh thì chắc có hàng ngàn, hàng vạn người tham gia cùng ký tên. Và nó dễ được chấp nhận hơn rất nhiều so với kiến nghị thay đổi cả một thế chế. Và khi một người bộ trưởng bị cắt chức sẽ buộc những người khác làm việc phải có trách nhiệm hơn. Nếu không bị cắt chức thì người thủ tướng trực tiếp lãnh đạo sẽ mất uy tín chính trị vì đã bao che và làm ngơ. Do đó gián tiếp tác động tới hành vi của thủ tướng để ông phải quản lý chặt chẽ hơn các vị bộ trưởng. Hiện tại có rất nhiều vấn đề về dân sự, và dân sinh liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân nhưng chưa có những áp lực đủ mạnh để những người quản lý phải thay đổi. Ví dụ như việc người dân Việt Nam buộc phải ăn những thực phẩm độc hại hàng ngày, tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của người dân còn lớn hơn những cuộc chiến tranh trên thế giới… tất cả những vấn đề này cần được quan tâm và đấu tranh thậm chí còn mạnh mẽ hơn những vấn đề liên quan tới chính trị.
Trên đây, chỉ là những ý kiến cá nhân của riêng tôi. Tôi vẫn hy vọng một sự thay đổi theo hướng từ từ, có lộ trình và có mục đích diễn ra ở Việt Nam. Có sự thay đổi cả từ phía chính quyền và từ phía đối lập để cùng đi tới một con đường chung có lợi cho Việt Nam.
Nguyễn Hồng Hải/ (Dân Luận)
-----------

5 nhận xét:

  1. Học thì học Nhật Bản,ai lại học Miến Điện.

    Trả lờiXóa
  2. Trương Minh Tịnhlúc 21:43 5 tháng 2, 2016

    Không hiểu sao tôi cứ "duy tâm" trong vấn đề Việt-Nam. Tôi tin ở cái "duyên" của nhà Phật:
    Bắt phong trần phải phong trần
    Cho thanh cao mới dự phần thanh cao.
    Làm như người Việt mình làm sao đi ấy. Bao năm qua cứ hết bị cái nầy lại cái khác.
    Tại sao "Chủ Nghĩa Mác-Lênin" là cái vô lý ông to ông nhỏ nào cũng biết mà cứ bám là sao?-Chẳng lẽ người mình gian dối đến thế sao?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Là do VN cứ bị loại này nắm cổ:
      "Bề ngoài thơn thớt nói cười
      Mà trong nham hiểm giết người không dao!"

      Xóa
  3. Bên Ba Sàm, tựa đề là cùng phương pháp nhưng khác lộ trình

    Có nghĩa đi cùng loại xe, nhưng 2 bản đồ (road maps, có nghĩa 2 hướng) khác nhau . Miến Điện dùng bản đồ khác, tới được như bây giờ . Well, ta biết hướng đi của VN khác Miến Điện . Hướng đi khác có dẫn tới cùng địa điểm không, mọi người có thể tự trả lời .

    Trả lờiXóa
  4. "Được như Miến Điện, cần có bản lĩnh", từ bỏ điều 4 hiến pháp, để không ngồi xổm trên luật pháp!

    Trả lờiXóa