Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

Giữ vững độc lập, chủ quyền trong hội nhập

Mục tiêu tổng quát hội nhập quốc tế đến năm 2030 là nhằm góp phần tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu tổng quát hội nhập quốc tế đến năm 2030 là nhằm góp phần tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia; tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để sớm đưa đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
Mục tiêu cụ thể mà Chiến lược đề ra là mở rộng thị trường, tranh thủ vốn, công nghệ, kiến thức quản lý; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm; thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trong nước, xác lập vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất, cung ứng ở khu vực và toàn cầu; đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tăng cường nội lực, giảm mức độ phụ thuộc vào bên ngoài, thu hẹp khoảng cách phát triển so với các nước ASEAN-6: về mức độ hội nhập quốc tế, phấn đấu đến năm 2020 đuổi kịp các nước ASEAN-6; năm 2025 đuổi kịp ASEAN-4 và đến năm 2030 vươn lên nhóm đầu các nước ASEAN trong những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh và có chiến lược bắt kịp như cải thiện môi trường kinh doanh... Trước mắt là thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã được đề ra.
Doanh nghiệp, người sản xuất phải liên kết thành những hiệp hội
theo đúng nghĩa và có tiếng nói nhiều hơn trong xây dựng chính sách
là hướng đi quan trọng để chuẩn bị cho quá trình hội nhập sâu rộng.
Đồng thời, củng cố và duy trì môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và trong quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác quan trọng đối với quốc phòng, an ninh và phát triển của đất nước; đóng góp hiệu quả hơn vào việc bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân; khai thác hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để xây dựng lực lượng vũ trang từng bước hiện đại, tăng cường khả năng bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước. Đến năm 2030, phấn đấu trở thành một trong những thành viên nòng cốt, giữ vai trò chủ đạo tại các cơ chế hợp tác quốc phòng, an ninh khu vực; gia tăng sự gắn kết an ninh và ổn định của nước ta với an ninh và ổn định của khu vực.
Đóng góp tích cực vào việc xây dựng con người Việt Nam phù hợp với yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tiếp thu những giá trị văn hóa của nhân loại; bảo tồn, phát huy và quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam; nâng cao hình ảnh của đất nước và con người Việt Nam, đến năm 2030 hình ảnh quốc gia Việt Nam được giới thiệu rộng rãi trên toàn thế giới, văn hóa Việt Nam có những đóng góp mới được ghi nhận trong đời sống văn hóa quốc tế; tranh thủ tối đa các nguồn lực quốc tế nhằm thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược về lao động, an sinh và xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ; chú trọng nâng cao nguồn nhân lực và năng lực khoa học-công nghệ; tạo công ăn việc làm, bảo đảm quyền của người lao động và các nhóm yếu thế; thúc đẩy công bằng xã hội, đảm bảo an sinh - xã hội và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Để đạt được những mục tiêu trên, Chiến lược sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hội nhập trong các lĩnh vực. Về hội nhập kinh tế quốc tế, sẽ đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính; không ngừng cải thiện môi trường thu hút đầu tư nước ngoài, gắn thu hút đầu tư với giám sát quá trình thực thi, bảo đảm an ninh kinh tế, hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường; đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu đầu tư công, khuyến khích các hoạt động đầu tư tư nhân và các hoạt động hợp tác công - tư; gia tăng mức độ liên kết giữa các tỉnh, vùng, miền; nâng cao mức độ liên kết giữa các ngành hàng; triển khai các hoạt động hội nhập trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ phù hợp với yêu cầu và trình độ phát triển của đất nước.
Trong hội nhập chính trị, quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển và an ninh của đất nước; đưa các khuôn khổ quan hệ đã xác lập đi vào thực chất, tạo sự đan xen gắn kết lợi ích giữa nước ta với các đối tác; đẩy mạnh, nâng tầm đối ngoại đa phương; chủ động và tích cực tham gia các thể chế đa phương, góp phần định hình luật chơi, xây dựng trật tự chính trị và kinh tế công bằng, dân chủ, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột, củng cố hòa bình, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi; chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng hội nhập quốc tế để xâm phạm an ninh, trật tự của đất nước.
Cùng với đó là thực hiện lồng ghép các hoạt động hội nhập quốc tế trong quá trình xây dựng và triển khai chiến lược phát triển văn hóa, lao động, xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực khác; đẩy mạnh hợp tác song phương về các lĩnh vực trên; thực hiện các cam kết và đóng góp vào việc sửa đổi, hoàn thiện và xây dựng mới các chuẩn mực, sáng kiến của các tổ chức quốc tế mà nước ta là thành viên, trước hết là các tổ chức thuộc hệ thống Liên Hợp Quốc.
Hà Quang/ĐTO
--------------

5 nhận xét:

  1. Dân lương thiệnlúc 07:13 12 tháng 1, 2016

    Chiến lược Hội nhập Quốc tế mà TTCP đưa ra hơi dài và có phần gượng ép trong đó đến năm 2030 có thể đứng đầu các nước ASEAN mà vẫn là nền Kinh tế XHCN thì chắc là không tưởng.
    Tôi thì chỉ hy vọng nền Kinh tế XHCN sẽ chấm dứt trong thời gian ngắn nữa khi ĐCSVN bị giải thể. Ngắn gọn vậy thôi.

    Trả lờiXóa
  2. Nói như rồng thăng...

    Trả lờiXóa
  3. Hứa hẹn thì nhiều. Diễn giải hoa mỹ dài dòng. Nhưng nếu vẫn duy trì độc đảng, dân chủ kiểu "tập trung" như hiện tại, thì dù có thế nào, tham nhũng vẫn tung hoành. Các quan vẫn chỉ do đảng chỉ định thì dân vẫn bị các cán bộ địa phương đè đầu, khiếu kiện của dân oan vẫn bế tắc và chính quyền vẫn mượn cớ "phát hiện sớm các thế lực thù địch" để sử dụng côn đồ đánh đập, cướp hay hủy hoại tài sản của người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền có khi còn ác hơn bây giờ. Càng hứa nhiều khiến dân càng hoang mang hơn.

    Trả lờiXóa
  4. Vào đầu Thế chiến 2, khi quân Đồng Minh đào thoát khỏi Dunkerque (Pháp) bị bao vây bởi quân Phát xít, nhiều người vui mừng. Nhưng TTg Anh Churchill thì quả quyết:
    - Chúng ta không thể chiến thắng bằng việc trốn tránh!

    Trả lờiXóa
  5. Bài này của một tác giả nào đó hay là diễn văn của hội nghị ĐCS ? nói thì ngon nhưng thực tế không phải vậy , nghe chừng có phần viển vông , xa vời và đặc biệt là có mùi ảo ảnh của các nghị quyết .
    ĐỘC LẬP ? ở nhiều nơi hiện nay , lớp trẻ quên mình là người VN , làm tay sai cho bọn Tàu chống lại đồng bào mình chỉ vì tiền ( Mời cả nhà đọc bài Tết của ngừi Hoa ở Hà Tĩnh ). Thằng Tàu nó vào đây không phải để giữ độc lập cho VN , và TC đã có mặt ở khắp nơi thì chứng tỏ là VN không có độc lập . Càng đọc những bài có nội dung thế này càng thấy tê tái , chua xót và . . . hài hước !.
    Vương quốc Anh đang có ý định thoát khỏi EU , các nước thành viên phản đối sự áp đặt của quốc hội EU về chia và nhận người tị nạn . ASEAN đã , đang và sẽ có những vấn đề tương tự , về EU có nhiều chuyện lý thú và ASEAN có khi còn hơn , chỉ nói riêng vấn đề chủ quyền trong các nước ASEAN đã thấy nó là mớ bòng bong khó gỡ . Tài chính Hy Lạp sụp đổ , làm cả khối lao đao , lại còi moi quá khứ của nhau ra để đòi nợ , gây căng thẳng về hữu nghị , chỉ có quan hệ và không liên kết thì mới có độc lập . Nghị quyết và thực tế là 2 phần tách biệt , khác xa nhau , thời gian sẽ trả lời .

    Trả lờiXóa