Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Chất lượng công chức và lỗi hệ thống

* Ts. LÊ HỒNG SƠN
Muốn cải thiện chất lượng CB-CC-VC phải là có các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, đừng theo kiểu đánh chuột vỡ bình quý. Như vậy tình hình còn xấu hơn.
         Mới đây, Bộ Nội vụ đã có Thông tư hướng dẫn địa phương xây dựng chế độ công chức-công vụ chuyên nghiệp, hiện đại, nhằm nâng cao chất lượng công chức Việt Nam trong điều kiện cải cách hành chính. 
Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức triển khai việc xây dựng vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc, sau đó đề nghị Bộ Nội vụ phê duyệt. Đến nay, đã có 12 bộ, ngành và 32 tỉnh, thành phố hoàn thành việc xây dựng đề án vị trí việc làm. Bộ Nội vụ đã thành lập Hội đồng để thẩm định Đề án của các Bộ, ngành, địa phương trước khi phê duyệt danh mục vị trí việc làm.
Liệu rằng với việc xây dựng cả một chuyên đề như vậy thì chất lượng cán bộ- công chức- viên chức sẽ được cải thiện?   
Báo Đất Việt xin đăng tải bài viết thể hiện quan điểm riêng của TS Lê Hồng Sơn - Nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra VB-QPPL của Bộ Tư pháp về vấn đề này.
Lỗi hệ thống
Xin được bắt đầu từ vụ việc hàng trăm công nhân công ty MTĐT Đà Nẵng kéo đến Thành ủy Đà Nẵng để phản ánh việc ông Tổng giám đốc công ty đưa người nhà vào các vị trí khác nhau của công ty. Đây là một sự kiện nóng mang tính điển hình tại địa bàn thành phố có nhiều dấu ấn, nhiều sự kiện được cả nước quan tâm. Về phía công nhân, phản ứng là việc cực chẳng đã.
Hành vi của ông Tổng giám đốc như một sự quá lạm quyền mà hàng trăm công nhân không thể chịu đựng, nín nhịn được. Buộc họ phải phản ứng, kiến nghị tập thể. Tuy vậy, sự kiện này cũng chỉ là một trong hàng loạt việc khác liên quan đến việc đưa con ông cháu cha, đưa người nhà vào các cơ quan, đơn vị trong phạm vi cả nước. Mức độ, phạm vi có thể khác nhau nhưng xin khẳng định là hoàn toàn không hiếm. Nhiều việc công luận, báo chí đã chỉ mặt, điểm tên rồi. 
Hiện tượng đang nói chính là tình trạng cài cắm, người thân, con, cháu hay còn gọi “con ông cháu cha”. Là hiện tượng có những người không đủ trình độ tiêu chuẩn vẫn lọt vào làm việc tại một vị trí do ông, cha, người thân trong gia đình đưa vào hoặc chạy tiền để được tuyển, được bổ nhiệm. Hậu quả, làm mất chuẩn trong bộ máy, trong đội ngũ công chức, viên chức và người lao động, nơi người đó có mặt. Người ta dựa thế, ỷ lại, lười biếng, không thực hiện nhiệm vụ công vụ một cách nghiêm túc, tư tưởng cơ hội, thực dụng có cơ để phát triển.
Trình độ, năng lực yếu nên làm việc không được, tham mưu quyết định không bảo đảm yêu cầu. Thậm chí người ta dựa thế để làm càn, thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật như tham nhũng, lãng phí. Đương nhiên, sản phẩm, kết quả công việc của những người này thường là tồi, là kém.
Nhìn tổng thể thì hiện tượng này cũng góp phần không nhỏ vào những hạn chế bất cập, những vết đen, vết mờ trong hệ thống cơ quan, tổ chức hiện hành từ hoạch định, xác lập cơ chế chính sách vĩ mô, hoàn thiện hệ thống pháp luật cho đến việc triển khai, tổ chức thực thi, giải quyết các công việc của tổ chức, công dân. Hiện tượng thiếu kỷ luật, kỷ cương như hiện nay cũng một phần do hiện tượng “con ông cháu cha” mà ra. Thậm chí có người còn ví đây là hành vi “tham nhũng tương lai”, gây hậu quả lâu dài.
Về quy trình tuyển chọn, đánh giá CB-CC hiện nay đúng là có vấn đề. Thậm chí là vấn đề rất lớn. Tuyển chọn nhưng chưa đụng được vào bản chất của yêu cầu tuyển chọn, đánh giá mà mọi người mong muốn. Trớ trêu, việc tuyển chọn, việc đánh giá tất cả dường như đúng quy trình, đúng với quy định hiện hành. Thật khó mà tìm ra được những lỗi cụ thể trong toàn bộ quy trình này. Trình tự, bài bản lớp lang, hệ thống vận hành đều rất suôn chảy, đều đúng quy định. Kết quả đẹp như mơ.
Thế nhưng, tại sao kết quả đầu ra của toàn bộ hệ thống tuyển chọn đánh giá lại rất mờ nhạt, thậm chí đã có những đánh giá tương đối nặng nề? Nơi này, nơi khác mà công luận đã biết. Vậy vấn đề là ở đâu? E rằng, lại một lần nữa phải dùng cụm từ “lỗi hệ thống”.
Và quan trọng hơn là vấn đề con người thực thi các quy định có nghiêm chuẩn trong việc tuyển chọn, bổ nhiệm không? Ví dụ: vấn đề tuyển chọn. Chúng ta đã tìm nhiều cách để nâng chất lượng đầu vào của đội ngũ CB-CC-VC. Việc tổ chức thi tuyển có nơi làm nghiêm, làm chuẩn thì ngược lại cũng phải chịu rất nhiều áp lực từ phía nọ, phía kia. Rất nhiều nơi thực hiện quy trình một cách hình thức, một số cá nhân khi tham gia vào lại cố tình lèo lái đi, cố tình bẻ cong pháp luật, cố tình vi phạm.
*         *        *
Vẫn còn hiện tượng mà người ta thường gọi là tiêu cực ở nhiều khâu của quá tình thi tuyển. Cá biệt, người ta còn nói đến hiện tượng người đứng đầu đã dùng tập thể làm bình phong, quy trình để hợp thức hóa ý định cá nhân trong vấn đề tuyển chọn, bổ nhiệm nhân sự. Thời gian gần đây, tại một số cơ quan, người ta phải nâng tiêu chuẩn đầu vào như một giải pháp ngăn chặn tiêu cực, nâng cao chất lượng tuyển dụng.
Người ta đặt ra tiêu chuẩn nộp hồ sơ bằng giỏi, bằng xuất sắc. Đây cũng là một cách. Tuy nhiên, cách này lại lập tức tác động đến hệ thống đào tạo, đánh giá cấp bằng cho các cử nhân khi ra trường. Cách đây mươi lăm năm có một bằng giỏi rất hiếm, rất cá biệt. Nay thì, ở một số trường, cấp bằng giỏi quá nhiều, có nơi gần như đại trà cho học sinh chỉ ở trình độ học lực khá.
Có người nói, trước đây số đó chỉ được cấp bằng tốt nghiệp loại khá, trung bình khá thì bây giờ đã được nâng lên bằng tốt nghiệp loại giỏi. Thậm chí người ta đầu tư ngay từ lúc vào đại học để cuối cùng khi ra trường có được bằng giỏi bằng mọi cách.
Kể cả cách mua điểm bằng tiền, bằng các lợi ích khác. Sinh viên nói về hiện tượng này một cách rất tự nhiên, như chuyện thường ngày ở trường vậy. Như vậy, nâng tiêu chuẩn bằng cấp nhưng thực chất không nâng được chất lượng, chất xám, trí tuệ như mong muốn. Chủ trương lựa chọn người tài đã bị vô hiệu hóa ngay từ khâu đào tạo, cấp bằng.
Nơi này, nơi khác, thi thoảng chúng ta nghe đến việc có nhà lãnh đạo quyết tâm có giải pháp tuyên chiến với hiện tượng “con ông cháu cha”, chống tiêu cực trong tuyển dụng, bổ nhiệm. Dư luận ghi nhận nhưng cũng rất hoài nghi về kết quả cuối cùng. 
Thậm chí còn có cảm giác một cá nhân đang đánh nhau với cối xay gió. Gian truân lắm. Nhiều khi có cảm giác như họ bất lực, cô đơn. Ở đây, chính là nói lỗi hệ thống và tác động mang tính hệ thống ở tất cả các khâu đoạn, kể cả ở yếu tố con người thực thi, để buộc chúng ta phải tìm ra giải pháp có tính hệ thống ở tất cả các khâu đoạn để chống tiêu cực trong tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức.
Cải cách từ khâu giáo dục
Vì vậy, phải chấn chỉnh ngay trật tự kỷ cương, kỷ luật bảo đảm chất lượng ngay từ khâu giáo dục, đào tạo. Đừng để một người ra trường vào cơ quan làm việc với một nhận thức tiêu cực, quay cóp, gian lận trong học hành, thi cử lại là hành trang mang theo vào cơ quan, nơi làm việc.
Khi tuyển dụng một người vào cơ quan làm việc thì phải xây dựng ngay cho họ về nhận thức, về hành vi theo đúng chuẩn mực, đúng yêu cầu của vị trí công tác. Kể cả những hành vi tưởng như nhỏ nhất như đi muộn về sớm, tùy tiện, thiếu tính chuyên nghiệp trong thời gian thi hành công vụ và không được nói dối, làm dối như việc chấp hành thời gian hành chính, việc làm khống, làm dối chứng từ của một cuộc họp, xin chữ ký khống của đại biểu để lấy tiền chia nhau.
Cũng có người băn khoăn, trăn trở, nhưng nhiều người khác lại coi việc gian dối là việc tự nhiên. Điều này, có cảm giác như không có ai nhìn nhận một cách nghiêm túc để có giải pháp ngăn chặn một cách triệt để trong các cơ quan, tổ chức hiện nay. Rồi tiếp theo là khâu tuyển chọn cho nghiêm chuẩn, thực sự lựa chọn được đúng người có năng lực, trình độ.
Việc đánh giá đúng chất lượng cán bộ, công chức đòi hỏi nhiều yếu tố chi phối. Việc xác định số lượng, nội dung công việc cũng như đánh giá công việc của từng công chức còn thiếu chuẩn, còn tùy tiện. Thường người ta chỉ lập ra một danh mục công việc để báo cáo, còn chất lượng đến đâu thì hầu như bị bỏ ngỏ. Người đánh giá cũng e ngại, hình thức, tùy tiện. Do đó mà không lạ gì số liệu của Bộ Nội vụ về tỷ lệ công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Số liệu đó không ai chấp nhận được, nhưng nhìn lại quy trình đánh giá thì thấy chả có gì sai trái cả.
*        *         *
Có một việc là sắp xếp công chức theo vị trí việc làm, định vị cũng như xác định yêu cầu cụ thể về số lượng, chất lượng công việc của từng vị trí việc làm để từ đó đánh giá đúng công chức là một chủ trương tốt, là một giải pháp hay. Nhưng loay hoay, làm mãi chưa được.
Phải nghiêm túc đánh giá và chấn chỉnh việc này thì mới tạo lập được một cơ chế để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của từng công chức trong bộ máy công quyền. Có như vậy mới có cơ sở để đánh giá cũng như có cơ sở để loại trừ những người yếu kém, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện và ngược lại bổ sung thêm những người có trình độ vào bộ máy. Đây là một sự luân chuyển, thay thế rất tự nhiên.
Việc loại một công chức có sai phạm ra khỏi bộ máy sao khó khăn thế? Đồng ý là có yếu tố xã hội, nhân đạo cần phải tính đến, nhưng một khi đã sai phạm, đặc biệt là sai phạm liên quan đến đạo đức, nhân cách, vi phạm pháp luật, thi hành công vụ một cách tùy tiện, trục lợi. Thậm chí dự luận phản ánh nhiều trường hợp sử dụng bằng giả, vậy mà khi xem xét lại cứ nhùng nhằng, không dứt khoát, quyết liệt để loại trừ những người này ra khỏi bộ máy?
Thiếu điều này thì bộ máy hiện nay như nhiều người nói giống như “ao tù, nước đọng”. Sự bản lĩnh , quyết liệt, dũng cảm cũng là một yếu tố để những người có thẩm quyền xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ, công chức có chất lượng, chứ như hiện nay thì vô phương, chẳng có giải pháp gì để đáp ứng được yêu cầu của tình hình, yêu cầu của nhiệm vụ.
Đả chuột đừng lo vỡ bình quý
Tóm lại, để giải quyết những vấn đề tiêu cực trong việc tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức đòi hỏi bản lĩnh, trình độ của người lãnh đạo, đồng thời phải có giải pháp tốt để làm chuyển biến tình hình chứ như hiện nay thì càng nói tinh gọn, tinh giảm thì lại càng tăng, càng phình bộ máy, biên chế.
Nói giảm tham nhũng, tiêu cực, giảm lãng phí nhưng cảm giác chẳng làm được bao nhiêu. Tham nhũng không còn là cá nhân, trường hợp cụ thể mà cần chú ý đến tham nhũng đại trà, tham nhũng nhóm, tham nhũng được cài vào thể chế, chính sách, tạo đặc quyền đặc lợi mới là đáng lưu ý.
Còn lãng phí cũng là vấn đề lớn, xin nói thật là chưa làm được bao nhiêu. Tiền ngân sách, tiền thuế của dân được chi tiêu một cách dễ dãi quá, tùy tiện quá. Có nhiều việc, nhiều công trình nói ra ai cũng thấy một sự lãng phí ghê gớm, vậy mà việc ngăn chặn hầu như không có hiệu quả. Chi phí cho tổng kết, ngày lễ, ngày kỷ niệm đang tràn lan. Phê duyệt một công trình chi phí nhiều tỷ, nhiều nơi quá dễ dãi. Dư luận nói nhiều mà có ngăn được đâu. Ở đây có vấn đề cơ hội thực dụng, có vấn đề lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân nên rất khó khắc phục nếu không kiên quyết, cứ e dè nể nang.
Chủ trương đã rõ, vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vừa là mục tiêu, động lực của cải cách, đổi mới. Vậy mà thực tế lại chỉ ra rằng cơ hội, thực dụng đang tồn tại ở nhiều khâu, đoạn liên quan đến việc đào tạo đội ngũ lao động chất lượng cao ở Việt Nam.
Từ việc giáo dục phổ thông cho đến đào tạo cử nhân, thậm chí cả đào tạo học vị tiến sỹ, thạc sỹ, việc bổ nhiệm học hàm giáo sư, phó giáo sư thì chất lượng không bảo đảm; về sự tùy tiện, hiện tượng tiêu cực đang tương đối phổ biến. Thậm chí cả hiện tượng “học giả, bằng thật” còn không ít. Vì vậy, vấn đề bây giờ phải là có các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, dũng cảm chứ đừng theo kiểu e dè nể nang, dĩ hòa vi quý, e đánh chuột vỡ bình quý. Nếu cứ như vậy thì chẳng làm được gì cả, tình hình ngày càng xấu hơn.
L.H.S/ĐVO
-----------

25 nhận xét:

  1. Đúng là lỗi hệ thống,
    Muốn có đội ngũ công chức tốt phải có người lãnh đạo tốt.
    Lấy đâu ra người lãnh đạo tốt?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lãnh đạo có tốt mấy đi nữa thì làm gì được với cái thằng "cơ chế" vô hình!

      Xóa
    2. Thì đi thuê người nước ngoài được không bác Lo xa .

      Xóa
    3. "Lấy đâu ra người lãnh đạo tốt?"

      Ngồi vào nghế lãnh đạo, rồi nói: Tôi thuộc "lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội". Theo điều 4 hiến pháp, tôi làm sai, thì sống theo hiến pháp, tôi vẫn lãnh đạo.

      Điều 4 hiến pháp muôn năm!

      Xóa
    4. Một ngày không xa cũng có đó.

      Xóa
    5. Thế kỷ 21 không cần đi tìm lãnh đạo tốt hay một
      minh quân như thời xưa nữa vì đã lỗi thời mà cần
      cai trị theo cách thức được hầu hết các nước trên
      thế giới đã và đang áp dung có hiệu qủa.
      Vấn đề đặt ra là tại sao có "lỗi hệ thống" khổng lồ
      như con voi mà giới thống trị vẫn không chịu sửa ?
      Là bời vì nhân dân không biết rằng sự lao động làm
      ra của cải của họ đang bị giới thống trị bóc lột hòng
      nuôi sống và vổ béo toàn bộ đám quan chức không
      sản xuất gì cả nhưng có tài"đè đầu cỡi cổ" dân.

      Xóa
  2. Borris Yeltsin nói: "Cộng Sản chỉ thay thế chứ không sửa chữa được “.
    Có người đang đề nghị nổ lực cải thiện cho tốt hơn .
    Good luck , bye bye ,
    Cuối thế kỹ sẽ quay lại xem sửa tới đâu rồi nhé .
    Nhưng lúc đó …
    chỉ sợ không thể nào tìm thấy VN trên bản đồ thế giới , may ra tìm được 1 vài tấm bản đồ thật xa xưa trong Viện bảo tàng , hình cái chân gà của nước TQ khi xưa là VN .

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết phản ánh đúng xã hội VN. Nhưng chỉ là bài viết kể lể (narrative) các sự kiện có tính hiện tượng và các giải pháp có tính tình thế và cuối cùng :"vấn đề bây giờ phải là có các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, dũng cảm chứ đừng theo kiểu e dè nể nang, dĩ hòa vi quý, e đánh chuột vỡ bình quý". Xin thưa đó chỉ nói về là thái độ, còn giải pháp cụ thể thế nào thì... không thấy.
    Quản lý đã có quy trình (không phải quy trình chung chung tự mình đặt ra mà phải có mã số, có tên có tuổi), đó là ISO được cả thế giới áp dụng. Đã có dự án (tiền từ các nước châu ÂU giúp VN trong việc quản lý và cải cách hành chính). VN đã biến nó (ISO quản lý) thành bộ tiêu chuẩn riêng (TCVN) . Bộ tiêu chuẩn này cũng đã bắt đầu được áp dụng từ những năm 2006 theo các quyết định của Thủ tướng chính phủ (về việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước). Thật lạ lùng một công chức nhà nước khi nói về "chất lượng công chức và lỗi hệ thống" lại không hề đề cập đến bộ tiêu chuẩn này.
    Phải chăng có tiền dự án thì bày ra (TCVN ISO 9001:2000) cho nó có để giải ngân; còn việc sử dụng nó thì đã vứt vào sọt rác ngay từ khi nó vừa mới ra đời. Công chức VN lúc nào cũng nói rất hăng, cao giọng, hùng hồn... về thái độ quan điểm. Còn các biện pháp cụ thể thì "hũ nút", cái cụ thể sờ sờ, chềnh ềnh ra đó, không được thực hiện thì lại không biết? Chán!

    Trả lờiXóa
  4. Nếu ĐCS định cải cách chính quyền để tiếp tục tồn tại thì mặc kệ ĐCS vì dứt khoát là sẽ thất bại.
    Còn nếu có thay đổi thể chế triệt để thì nhười ta sẽ có cách tổ chức lại từ đầu.

    Trả lờiXóa
  5. Ông Lo xa ơi,người tốt nhiều lắm chứ ! nhưng họ bị ở tù hết rồi,nếu không ở tù thì họ ở ẩn cả rồi ! thời nhiễu nhương ma quỉ lộng hành mà ông !

    Trả lờiXóa
  6. Thành thật xin lỗi và xin phép được nói thật.

    Tui là dân thường mà còn biết: lỗi hệ thống thì phải sửa cả hệ thống, sửa vài bộ phận thì làm sao nó chạy ngon lành được.

    Nếu không sửa được thì phải thay cả hệ thống ấy chứ; và nếu hệ thống ấy chạy mãi mà không ra hiệu quả thì có khi phải vất bỏ nó đi, thay bằng hệ thống mới, phù hợp hơn thì mới mong nó chạy ngon lành, đẻ ra hiệu quả như mong đợi.

    Các PGS, GS, TS, các đỉnh cao trí tuệ ... sao cứ ấm a ấm ứ mãi, chưa thấy ông bà nào nói thẳng là sẽ quyết tâm sửa chữa hệ thống cho nó chạy đồng bộ, hoặc sẽ thay hệ thống cũ lạc hậu bằng hệ thống mới ngon lành hơn, hiệu quả hơn.

    Cảm ơn tác giả đã có bài viết tuy chưa phân tích đến ngọn nguồn nhưng rất hữu ích; cảm ơn bác Bồng cho đăng bài này và đăng còm của độc giả.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phải gắn sức Vận động quần chúng Nhận dân bất tuân. Dẫn sự thời CS SẼ suy sụp thôi. Vì chế độ nào Mạnh mấy mà Nhân Dân Ko cộng Tác ủng hộ thì tự nó tang rả đó là quí luật tự nhiên

      Xóa
  7. Đúng là lỗi hệ thống , vì sao lại như vậy . ? Chỉ vì các chức danh từ cán bộ cấp xã , phường , quận huyện , tỉnh thành phố ....cho đến cấp TW. Nhóm lợi ích họ mang ra đấu giá . Thì bao giờ những người có tâm , có tầm vào được công chức nhà nước để họ mang kiến thức phục nhân dân , đất nước . Bây giờ họ ( nhóm cầm quyền ) lại chạy đua nhau bố chí công tác cán bộ kiểu ( cha chuyền con nối ) . Xã hội VN ứng nghiệm với câu nói rằng : ( Con vua thì lại làm vua , con sãi ở chùa lại quét lá đa )

    Trả lờiXóa
  8. Tôi có ý: Từ nay nên thôi dùng cụm từ "Con ông cháu cha", mà hãy tìm cụm khác thích hợp.
    Cụm từ này là chỉ người sinh ra trong gia đình loạn luân. Chuyện cách đây hơn 60 năm ở làng tôi. Chuyện bố chồng phối giống với con dâu sinh ra đứa bé. Khi cả nhà đông đủ thì đứa bé gọi "người phối giống" kia là ông, và gọi người "chồng hợp pháp" của mẹ mình là cha. Còn khi chỉ có mẹ và người phối giống đó ở nhà thì đứa bé gọi người phối giống đó là cha. Thế là làng tôi mới sản xuất ra cụm từ "con ông cháu cha". Dùng tiếp hay không là "tuỳ ý cụ".

    Trả lờiXóa
  9. Lỗi hệ thống

    Hệ thống vốn chẵng tội tình chi
    Lũ tham quan là tội đồ cần xử
    Quan bé, quan to, như vua triều ngự
    Ăn của dân chẵng chừa tí tì ti

    Tự tác, tự trung tiền của dân trao
    Ngồi vào ghế là giữ ngai, giữ lộng
    Xem muôn dân như cỏ rác, bèo ao
    Buôn quan, bán chức hơn đời Nguyên, Tống

    Con ông, cháu cha kéo bè, kéo cán
    Bộ máy công ty lũng đoạn đến khôn cùng
    Đồng phả hệ ắt sinh ra triệt sản
    Quy luật sinh tồn cùng một mẫu số chung

    Hệ thống vạn năng Tam quyền phân lập,
    Dân chủ, Dân quyền bình đẵng cạnh tranh
    Cơ chế thị trường, so tài cao thấp
    Tuyển chọn công minh, hệ thống tội tình chi !

    Trả lờiXóa
  10. Ngày nay không người Việt nào không biết là "Bộ máy Nhà nước" là bộ máy tiêu tiền của dân vô tội vạ. Ai lọt vào đó như "chuột sa hũ nếp". Mấy chục năm qua số chuột trong hũ (bình) đó càng ngày càng đông. Vì vậy chỉ có các "cán bộ" thuộc "nhà chuột" thì mới "được" thu nạp vào bộ máy đó mà thôi. Cái "hũ nếp" còn thì chuột còn, và chỉ có chuột mới là kẻ "độc quyền" đục khoét!

    Trả lờiXóa
  11. Hệ thống cũ rích lỗi thời,hư tất cả,mục nát hết cả => đốt cháy sạch để xây dựng lại cái mới thôi !

    Trả lờiXóa
  12. Mệnh lệnh của thời đại hôm nay : 1/ dân chủ ,đa nguyên đa đảng thì sống 2/ độc tài đảng trị thì chết,quốc gia suy vong và thậm chí có thể mất nước !

    Trả lờiXóa
  13. Công dân yêu nướclúc 07:57 26 tháng 8, 2015

    LỖI HỆ THỐNG bao trùm khắp mọi lĩnh vực.
    Khi đã được thực thi quyền dân chủ rồi, chúng ta có thể làm lại từ đầu.

    Trả lờiXóa
  14. LÊ TRƯƠNG HẢI HIẾU(con bí thư TW tp HCM)vừa giữ chức Chủ tịch UBND q 12...he ..he... chẳng tài cán éo gì,dựa hơi cha bơm đít ghế cao ngồi tót sỗ sàng...để vì dân vì cha con nó..!!!

    Trả lờiXóa
  15. Bộ máy nhà nước kiểu VN thì ...thôi rồi! Đã công kềnh khổng lồ thì lại ăn bám phá hoại một cách hỗn loạn , trên bảo dưới không nghe tùy tiện một cách vô học . Bộ máy này chứa đựng rất nhiều những đặc tính xấu của tất cả các loại hình XH : những đặc tính xấu nhất của các triều đại phong kiến , của CNTB hoang dã ...nhưng trên nền của đám chức quyền du thủ du thực , văn hóa kém hoặc suy đồi. Tốt nhất là thay thế toàn bộ bằng một bộ máy đơn giản nhưng hiệu quả , được xây dựng trên cơ sở những nguyên lý rất logic và phải là sự tập hợp của các trí thức và những người có văn hóa .

    Trả lờiXóa
  16. Ông bạn Năc danh 08:37 đã nói giùm cho nhiều chục triệu người dân VN đấy,đặc biệt là giới trí thức- xin cảm ơn !

    Trả lờiXóa
  17. Tôi yêu cầu mọi người không được cực đoan lên án thể chế, Việc đó đã làm hại cho nhiều người. Ví dụ: năm ngoái lên án ít, một suất vào trường Trung cấp Biên phòng hoặc Trung cấp Hải quân khoảng hơn Trăm triệu. Năm nay mọi người lên án nhiều quá, " Khó khăn lắm chứ không phải như những năm trước đâu, chú thông cảm", và thế là phải trên 250 triệu mới có hy vọng. Mọi người đã thấy tác hại chưa, thôi nói ít thôi nhé!!!

    Trả lờiXóa
  18. Nặc danh 16:39 nói mỉa chúng mà nghe tức cười quá,hay thật - nhưng bọn khốn nạn này có liêm sĩ gì đâu,chúng có nghe thì vẫn vờ như không nghe ! có tiền cho đày túi là được ! lũ khốn nạn !

    Trả lờiXóa