Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

Khi ông Sự cáo quan về vườn

 * TRẦN TUẤN
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hội An (Quảng Nam), ông Nguyễn Sự  vừa quyết định “cáo quan hoàn dân” khi còn hơn 2 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu.
Không quá bất ngờ, khi câu chuyện cáo quan của ông từng xảy ra từ 2 năm trước, nhưng giờ mới toại nguyện. “Làm lãnh đạo lâu quá cũng là cái “tội”…”, ông trầm ngâm bộc bạch.
Không chỉ giới nghệ sĩ, mà ngay với chính khách, nhiều người có số nhất cử nhất động thiên hạ đều tò mò muốn biết, muốn hay, hóng cả ngày không chán. Gọi là nhân vật của báo chí cũng được, mà nói kiểu mê tín thì những vị ấy bị sao “truyền thông” bổ/rọi xuống đầu, cách gì cũng nổi nênh đường dư luận. Nhiều quan rất to, nhưng thiếu sức hấp dẫn với truyền thông, nên có vẻ “khuất lấp” đâu đâu ấy. Còn những người “tỉnh lẻ” (từng một thời) như ông Nguyễn Bá Thanh của Đà Nẵng, Nguyễn Sự ở Hội An, thì hắt hơi phát, thiên hạ đều biết.
Nhân nhắc đến hai chữ “tỉnh lẻ”, bây giờ mà gọi Đà Nẵng, Hội An là tỉnh lẻ, chắc sẽ bị hứng đá không ít, không chỉ từ dân ở những nơi trên. Hội An giờ đã là “Ngôi làng toàn cầu”, đến nỗi những đêm giao thừa dương lịch, đứng bên sông Hoài chờ đếm ngược thời gian, thấy cả rừng Tây từng cặp ôm hôn nhau say đắm đúng giây phút bước sang năm mới, mà ngỡ như đang ở quảng trường nào đó giữa châu Âu ! Từ khóa hai chữ “Hội An” trong bản đồ du lịch, văn hóa không kém cạnh bất cứ địa danh nổi tiếng bậc nhất nào trên thế giới. Còn Đà Nẵng riêng mấy ngày nghỉ lễ 30/4 vừa rồi đón gần nửa triệu du khách, bằng nửa dân số thành phố ! 
Ông Sự và ông Bá Thanh giống nhau ở chỗ luôn giàu có về sức nghĩ, sức sáng tạo, khả năng biến ý tưởng thành hiện thực. Và đều đặc biệt hấp dẫn bởi cách nói năng dân dã, thẳng thừng, nhưng ẩn chứa nhiều triết lý, thông điệp khiến người ta giật mình. Như cái cách ông Sự ví von mình không muốn làm cái tàu lá chuối đã già nhưng vẫn đeo bám mãi trên thân cây, phải đợi đến khi người ta lấy dao cắt bỏ đi, trong khi các loại cây khác lá khi già đều tự động buông mình rơi về đất. Quan chức “lá chuối” kiểu ấy giờ ở đâu cũng gặp. Còn ông Bá Thanh nổi tiếng với bài thơ “Sinh ra vốn dĩ là dân…”.  Có điều ông Bá Thanh đã vội ra đi khi chưa kịp một ngày “hoàn dân”, còn ông Sự thì có cơ hội “trả mũ áo  về vườn”.
Nhưng về kỹ trị, thì hai ông Thanh và ông Sự trái ngược nhau hoàn toàn. Hẳn nhiên là do đặc thù Đà Nẵng và Hội An quá khác nhau. Nếu với Đà Nẵng, ông Bá Thanh Khai phá - Xây dựng, thì với Hội An, ông Sự buộc phải Chèn chống – Giữ gìn. Như cách nói của ông, rằng “Hội An đổi thay nhờ… không thay đổi”. Sự “không đổi” trong cốt lõi đời sống văn hóa tinh thần, nếp sống, cung cách ứng xử với thiên nhiên và con người của người Hội An đã khiến đô thị cổ này có một sức hút mãnh liệt. Người Hội An không phá tự nhiên, nhà cửa luôn có khoảng sân vườn, sông ngòi không lấp lấn,…, nhờ thế mà sống chung và vượt qua bão lũ, giữ gìn khu dự trữ sinh quyển thế giới. Điều đó làm cho Hội An phát triển. Người Hội An biến vườn rau, đồng ruộng thành sản phẩm du lịch chứ không hề lấp ruộng, phá bờ. Nên mới có những tour hút khách du lịch về làng Trà Quế trồng rau, tổ chức cho khách Tây cưỡi trâu, trồng lúa, chài lưới ven sông… Ông Sự rất khôn ngoan, sáng suốt để nhận ra rằng “hiện nay, nơi nào thỏa mãn được nhu cầu tinh thần thì nơi đó thu hút, thời buổi hiện đại phải có cách làm hiện đại trên nền truyền thống” 
Ông Sự  tổ chức cho khách ra đảo Cù Lao Chàm đốt lửa hát nhạc…boléro, trong sản phẩm du lịch “Đêm Cù Lao” vừa ra mắt. Nhưng Tây thì cũng rất Tây. Như cái cách cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 7 các trường tiểu học trình diễn đàn piano phục vụ du khách vào các tối thứ Sáu tuần thứ 1 và tuần thứ 3 hàng tháng tại nhà cổ 78 Lê Lợi, trong chương trình mang tên Cung đàn tuổi thơ, với các tác phẩm kinh điển thế giới. 
Ông Sự phát động phong trào Nói không với bao nilon tại Cù Lao Chàm, tháng 5.2009
* 
… Nên cái sự đột nhiên cáo quan của ông Sự, tất chẳng phải chuyện vừa. Nhất là khi cánh báo chí to nhỏ, choai chíp là bạn chí cốt với ông ở xứ này còn “đông hơn quân Nguyên”. Lại nữa, khi khắp nơi đang mùa đại hội, chộn rộn nóng ran chuyện ghế bàn, nhân sự. Ai cũng xuýt xoa tiếc rẻ, khâm phục. Nhưng cũng có người thẳng thừng, vì tính ra ông Sự chỉ còn…29 tháng nữa là đến tuổi hưu, không đủ điều kiện tham gia cấp ủy ! Hỏi chuyện ấy, ông cười, bảo từ đầu năm 2013 ông đã xin nghỉ rồi cơ mà. Nhưng không được. “Hơn 40 năm nay họ quyết định mình rồi. Bây giờ mình phải tự quyết định mình. Nguyễn Sự phải quyết định Nguyễn Sự thôi”.
21 năm làm lãnh đạo Hội An, từ khi còn là cái thị xã quê mùa bé xíu, ông trầm ngâm: “Nghiệm lại, thất bại của mình là làm lãnh đạo lâu quá, âu cũng là một cái “tội”, không đào tạo được kế cận, anh em có phần dựa dẫm…”. Ông muốn Hội An có tư duy mới mẻ, đột phá hơn. Có vẻ như những năm qua ông chờ đợi, tìm kiếm người thay thế mình. Hồi đầu năm 2005, ông Sự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Nghĩ, bây giờ không biết còn có thể phong anh hùng Lao động cho một lãnh đạo đương chức là Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND như ông Sự không ?. Chơi với nhau 20 năm, tôi biết, với Nguyễn Sự, khi nào không có ý tưởng mới là bứt rứt lắm, không chịu được. “Cũng có nhiều anh em tốt kế cận, không lo. Có điều mong muốn anh  em thêm kinh nghiệm, và bản lĩnh hơn nữa. Bản lĩnh chịu đựng mọi áp lực, có dũng khí đấu tranh lại cả với cấp trên nếu có những quyết định không phù hợp với địa phương, và chịu áp lực trước sự phê phán của dân nếu mình làm đúng. Và tất nhiên phải có dũng khí từ chức nếu làm sai”.     
Nên giờ ai cũng hỏi lý do thực khiến ông Sự nghỉ ngang. Thì chỉ vì ông muốn nghỉ, và được nghỉ thôi, chứ có gì đâu. Như có lần ngồi cà phê tán gẫu, ông bảo kiểm điểm lại cuộc đời công tác của mình, “khuyết điểm” lớn nhất là trong nhiều cuộc họp ông… “quát mắng” cấp trên của mình nhiều quá !  
Cách điều hành của ông Sự sát sạt từng việc một, y như ông Bá Thanh ở Đà Nẵng dạo trước, chẳng việc gì qua mắt nổi. Nhưng kiểu cách ông Sự lại có vẻ thong dong. Có lẽ bởi cái vóc dáng cò hương, ông mặc đồ gì cũng khó ra dáng ông quan đứng đầu, mà lại giống anh giáo làng. Giờ về vườn rồi, ngó bộ ông sẽ lại càng thong dong, vì ông bảo khi làm việc đã làm hết mình, thì nay nghỉ cũng sẽ “nghỉ hết mình”.     
Trong ngôi nhà thanh bạch mạn Cẩm Thanh của ông đến giờ vẫn nuôi gà nuôi vịt, chim chóc, trồng rau. Về đọc sách, câu cá, nuôi chim, trồng cây…, toàn là những thú vui từ nhỏ. Ông vẫn đạp xe túc tắc, như hồi còn đương chức đạp xe đi làm, trừ mấy bữa nắng nóng quá. Ông bảo có câu của Lão Tử “Công thành thân thoái, thiên chi đạo” (Công thành nên thoái lui về, đó là đạo trời). Người xưa dạy rồi, cố giữ làm gì, có đầy mãi được đâu. Cứ mài cho bén nhọn, chắc gì đã bền đâu. 
Nhớ ra ông Sự là em con cô cậu ruột với bậc túc nho Vũ Ngọc Liễn xứ Bình Định. Mấy năm trước, nhân báo nhà có đăng bài sai sót (của cộng tác viên) về cụ Liễn lúc sinh thời, tôi vào Quy Nhơn cáo lỗi cụ. Lão ngoan đồng họ Vũ khi ấy tuổi ngót cửu tuần, phẩy tay cười như không có chuyện chi, rót liền mấy chung rượu mời khách. Rồi nhân chuyện nói về xứ Quảng, cụ hỏi ngoài ấy “thằng Sự” làm quan có “được” không. Còn ông Sự, khi nghe tôi hỏi về cụ Liễn, bèn gật gù, nói khâm phục khí khái của ông anh hơn mình hơn ba chục tuổi. Bị oan ức, dèm pha vẫn thản nhiên vô chấp, không hề lấy đó làm điều. “Ổng hơn tau món uống rượu – ông Sự cười khà - Năm kia, trước khi mất ổng về Hội An thăm mộ ông bà, tau cấm rượu ổng ba ngày, ổng bó tay, xin về, rồi sau đó “đi” luôn”.
Hỏi về chuyện được mất, ông Sự nói, “mình nghỉ rồi, có mất chăng là mất tiếng dạ thôi, còn lại chẳng mất gì”. Đúng thật, chẳng mất gì. Còn ba thứ vâng dạ giả dối chốn quan trường ấy, mất đi là may lắm rồi. Nhưng ông vẫn luôn còn những người bạn. Ông kể sáng nay, Trương Duy Nhất điện cho ông. Trò chuyện thế nào Nhất khóc tu tu… 
Rồi ông cười lớn, khoe nhà ông có 3 “cục vàng” chưa kê khai tài sản, đó là 3 thằng cháu nội con của hai cậu con trai. Hai con trai ông Sự sau khi tốt nghiệp đại học ở TP HCM, giờ sống đời làm dân, thuê nhà mở cơ sở kinh doanh, sửa chữa điện tử, máy tính đúng nghề đã học. Thế cho nhẹ lòng…
NS&xedap
Ông quan đi xe đạp
NS-cuulut
Ông Sự thị sát tình hình bão lụt Hội An tháng 11.2007
Ông Sự bảo, thứ Bảy ngày 13/6 tới ông sẽ thôi chức Bí thư Thành ủy, để BCH họp bầu Bí thư mới. Tuy nhiên ông vẫn tham gia công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ Hội An (diễn ra ngày 23/7/2015) với tư cách Thành ủy viên, và sau đại hội sẽ nghỉ hẳn.  
7.6.2015 

Bài và ảnh: Trần Tuấn


6 nhận xét:

  1. Ông làm gương cho đồng chí X.

    Trả lờiXóa
  2. Cóp còm bên bác Tễu:
    "Thực lòng thì người dân Hà Nội chúng tôi rất rất mong có một bí thư thành ủy như anh Sự. Dù anh chỉ là bí thư một thành phố ngang cấp huyện (không biết anh có là ủy viên thường vụ tỉnh ủy không, hay chỉ là tỉnh ủy viên?), còn Hà Nội phải là Ủy viên Bộ chính trị. Nhưng cái tầng cấp trong đảng chưa bao giờ phản ánh đúng cái tâm cái tài. Tôi ví dụ như anh Mạnh, khi còn là TBT, đi đâu anh cũng có cái câu thuộc lòng: "trồng cây gì, nuôi con gì". Nghe mãi, bật TV lên thấy anh Mạnh là tôi chuyển kênh.
    Mong là mong thế thôi, chứ công tác cán bộ của ta nó nhiêu khê, phức tạp và cũng lại rất đơn giản. Thế mới lạ. Anh không trong quy hoạch, thì dù 90% dân Hà Nội ký tên mời anh ra, hoặc giả 80% đảng viên Hà Nội mời anh về làm bí thư thì cũng không được chấp nhận. Mà nếu anh có ra được theo nguyện vọng người dân thì khi vào guồng máy, anh cũng khó phát huy được cái tâm, cái tài của mình. Chức vụ của anh cũng sẽ bị vô hiệu thôi.
    Công sức 20 năm của anh với Hội An đã là quá đủ cho một đất nước nhiễu nhương mà người dân còn ví cán bộ như quan lại, sai nha thời phong kiến, đến mức còn hơn cả "cướp đêm là giặc cướp ngày là quan". Bây giờ người ta cướp bằng văn bản, bằng nghị quyết, bằng "chủ trương đúng đắn". Dân đau lắm. Những người cả một đời phụng sự CM, nay còn sống khấn vái trước vong linh đồng đội rằng mình còn sống mà vô dụng, giặc ngoại xâm đánh được mà giặc nội xâm đành bó tay. Cựu chiến binh xông pha chiến trận không chết, nhưng trong hòa bình động đến bọn giặc nội xâm bị nó phản đòn, mà nó dùng đòn pháp luật để hạ gục hèn hạ nữa chứ.
    Tấm gương hưu trước tuổi của anh sẽ chẳng có kẻ nào học đâu. Những người có tâm có tài thực sự thì họ cũng im ắng ra đi cả rồi. Như anh Tuấn ở đài truyền hinh Trung ương là ví dụ. Còn hàng trăm hàng nghìn người khác nữa cũng âm thầm ra đi, vì họ không có tiếng tăm nên người dân không biết. Những người không bỏ được cơ chế chỉ vì hoàn cảnh, vì miếng cơm manh áo mà phải cắn răng chịu đựng cho đủ ngày đủ tháng để có cái sổ hưu cũng không phải là ít."
    Người như bác Sự thật hiếm quá! 20 năm làm quan đầu chính và đầu đảng Hội An mà bác chẳng đẫy đà như đa số các quan. Bác nghỉ dân tiếc. Nhưng người bác càng ngày càng còm đi theo phong cách sụt ký của các tổng thống Mỹ. Dân thương. Nhưng thôi bác nghỉ để bảo tồn sức khỏe, còn ai "suốt đời cống hiến" cho CM thì cứ cống, họ cứ sống lâu để được cống của cống kim. Tin là người kế nhiệm sẽ nêu gương bác mà làm tốt cho Hội An.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. dân HN muốn ông SỰ ra làm lãnh đạo thủ đô nhưng lại sợ giống ông THANH

      Xóa
  3. Điều này nếu ông làm sớm hơn thì hay hơn ! còn chỉ có 2 năm thôi mà ( 2 năm cũng gần như không có năm nào ! tác dụng chẳng là bao ! Nếu,ông thuyết phục được 2 ông Nguyễn thế Thảo- chủ tịch tp Hà Nội và Phạm quang Nghị bí thư tp Hà Nội cùng về với ông, thì khi ông qua đời,chắc chắn 100% dân Thủ đô sẽ khăc tượng ông để thờ đấy !)

    Trả lờiXóa
  4. Tôi nghĩ ông Sự quá chán ngán chế độ (vì ông ta tốt) nên treo dấu đỏ từ quan.
    Người cộng sản tốt là người cộng sản tự rút lui trước thời hạn!

    Trả lờiXóa
  5. Cuộc chiến giữa xã hội Đen ( giặc nội xâm - đông đảo bộ phận không nhỏ ) với xã hội Đỏ trong ĐH các cấp diễn ra âm thầm nhưng không kém phần sôi động. Ở cấp cơ sở, nhiều nơi, xã hội Đen chiếm ưu thế hơn ...Xã hội Đỏ căm lắm nhưng không biết làm sao! Chỉ vì ít tiền, ít lực mà phải chịu.

    Trả lờiXóa