Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2015

Thói hư tật xấu người Việt - Kỳ 2

* VƯƠNG TRÍ NHÀN
(tiếp theo)
V -  Sống trong ghen ghét đố kỵ
Mấy năm 1986 – 1989, tôi cùng hàng chục vạn người Việt làm việc ở Nga. Chúng tôi được trả lương bằng đồng rúp. Nhưng không thể mang tiền về tiêu ở Hà Nội.
Để giúp đỡ gia đình, cách duy nhất chúng tôi có thể làm là kéo nhau đi mua hàng. Hàng ngày, những cái đầu đen tỏa ra khắp các cửa hàng Moskva. Các thứ máy khâu, bàn là, bếp điện, vòng bi… trở thành những cái đích tuyệt vời để chúng tôi theo đuổi, chiếm lĩnh.
Mà thời ấy, khốn khổ nước Nga cũng thiếu hàng trầm trọng. Chỗ nào cũng xếp hàng. Vèo một cái hàng đã hết. Có người mua được, người không. May mắn của mình nghĩa là bất hạnh của kẻ khác. Giữa những người Việt cùng đi mua hàng, tự nhiên hình thành một sự thù ghét.
Khi mới sang, bắt gặp một đám người mình đánh hàng, tôi còn lớ ngớ nhờ họ chỉ dẫn. Sau vài lần hỏi mãi mà chỉ nhận được câu trả lời lăng nhăng, tôi hiểu rằng, nếu mình cũng đến mua thì họ hết nguồn. Hẳn họ không thích thú gì trước sự có mặt của kẻ khác. Đối diện với bản thân, tôi nhận ra chính mình cũng đã có cái tâm lý tương tự. Nguyên tắc “không ai bảo ai” được toàn thể mọi người tự nguyện thực hiện. Nhiều khi nhìn nhau ở xa đã thấy ngán ngẩm.
Quay về “ốp” – nơi ở tập thể - nhìn những cộng đồng dân cư khác thấy thèm. Cả người những nước nghèo hơn mình như người Lào, người Triều Tiên… sao họ có thể thương yêu nhau hơn người mình. 
Còn người Việt thì chỉ thấy đồng bào là những kẻ cạnh tranh, là kẻ mua mất thứ hàng mình có thể mua, tóm lại là một đối tượng để ghanh ghét.
Chúng tôi thấy xấu hổ về cách sống, cách nghĩ ấy, nhưng cuộc sinh tồn đòi hỏi, trước sau đâu vẫn đóng đấy, và chỉ đành nhủ thầm đây đã là thứ di truyền trong máu mất rồi, không ai bỏ nổi.
Ở đâu con người cũng nói: “Đời là một cuộc đấu tranh”.
Ngoài đấu tranh với thiên nhiên, cái triết lý đấu tranh nói ở đây thường được hiểu là đấu tranh với những đồng loại và cuộc đấu tranh này được biểu hiện với vô vàn sắc thái kỳ lạ.
Trong con mắt Bá Dương, “bất kể ở chân trời góc bể nào, hễ có người Trung Quốc là có cấu xé lẫn nhau”. Để tồn lại, họ phải thường xuyên tự nhủ lúc nào cũng có người hại mình. Lý Tôn Ngô tổng kết lịch sử cho rằng những người thành công đều là những người mặt dày, tim đen. Mặt dày là hoàn toàn vô lương tâm, tim đen là tuyệt đối tàn nhẫn.
Không hoành tráng lắm, song ở người Việt, cuộc đấu tranh này lại hiện ra với vẻ dai dẳng và rộng khắp. Theo Edmond Nordemann: “Cuộc đấu tranh vì sự sống, mặc dầu đã được vẻ thờ ơ của phương Đông làm dịu bớt, vẫn mang tính chất khốc liệt hơn tất cả mọi nơi khác.” (Quảng tập viêm văn – tài liệu đã dẫn ở một bài trước).
Cho đến thời đương đại, nhận xét này vẫn còn ý nghĩa của nó. Nam Cao viết rằng hạnh phúc là một cái chăn quá hẹp. Nói thế vẫn là quá hiền. Hạnh phúc có nhiều nghĩa mà nghĩa đầu tiên, đơn giản nhất là sự tồn tại. Sống sót mới là động cơ đánh thức nỗi niềm yêu ghét ghê ghớm của con người.
Trong Những bước đường tư tưởng của tôi, Xuân Diệu kể lại một lần khoảng 1942, theo xe lửa dừng lại ở một vùng đói Quảng Bình, ông chứng kiến cái cảnh đứa bé ba tuổi giậm chân bắt đền người mẹ: “Nhả ra! Trả đây!”.
Thì ra, người mẹ lúc cho con ăn, đói quá, không tự chủ được, trót ăn mất của con mấy thìa cơm. Mà đứa trẻ biết, nó la hét như thế hàng mười lăm hai mươi phút.
Lúc bấy giờ, ám ảnh tồn tại đã thắng mọi thứ tình cảm nhân bản khác.
Tạ sao có hiện tượng trên? Từ Darwin đến Freud, các nhà tư tưởng vĩ đại đều đã xác định: Đấu tranh trong loài là khốc liệt nhất.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Hựu từng dẫn lại một nhận xét mà ông cho là cực kỳ thông minh của Hàn Phi Tử: “Người muốn giết vua nhất là hoàng hậu và thái tử”.
Có điều lâu nay trong xã hội Việt, chúng ta quen sống bằng một ảo tưởng ngược lại. Toát lên qua ca dao, tục ngữ, là cái huyền thoại người nghèo thường biết đùm bọc nhau, chỉ có kẻ giàu mới ác, có khi càng nghèo càng ác.
Tại sao? Theo các nhà xã hội học, ở đâu nghèo về vật chất, ở đó cũng có sự nghèo hèn về tinh thần, và đặc điểm chính của người nghèo là dễ bị tổn thương.
Nghèo ở đây còn có nghĩa là không có khả năng thay đổi đời mình. Trong một xã hội tiểu nông, cái mà mọi người đều biết làm thì luôn luôn thừa. Cái mà mọi người cùng cần thì luôn luôn thiếu. Hàng thịt nguýt hàng cá. Hai gái lấy một chồng. Bởi chúng ta quá giống nhau nên xảy ra tình trạng như vậy.

VI - Tốt đấy, xấu đấy
Không ở đâu chất sang trọng cao quý của người Việt được trình ra như trong Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân (1940). Bằng một giọng điệu từ tốn chậm rãi, tác giả như muốn vẽ ra một hình ảnh mỗi cá nhân trong thế ổn định và chất lượng sống thì đã ngưng kết lại trong thời gian. Người ta có một đời sống tinh thần cao cả thâm nghiêm. Người ta biết vượt lên trên cái tầm thường hàng ngày để theo đuổi những giá trị trường tồn. Và người ta có một mỹ cảm tinh tế thanh cao.
Một thiên truyện như Ngôi mả cũ cho thấy, cái chất quý phái kia đồng nghĩa với sự nhẫn nại hi sinh. Trong sự vô cảm của cuộc đời, con người thừa hiểu rằng chỉ mình biết cho giá trị của mình, và vẫn kiên trì cái lý tưởng sống bằng ấp ủ.
Nhưng trong tập sách đậm chất văn hóa này của Nguyễn Tuân, cũng có những truyện như lạc hẳn đi, đúng hơn là ngẫu nhiên chạm phải một cái gì ẩn sâu bên trong đời sống mà văn chương chưa động tới. TrongNhững chiếc ấm đất, nhân vật chính cũng có máu quý tộc. Nhưng cái chất đó phập phù và tạm bợ. Trong hoàn cảnh bình thường thì không sao. Đến khi gặp cảnh ly loạn thì tất cả đổ vỡ. Ông lão lịch lãm chơi những cái ấm tàu hôm qua, trong khi thất cơ lơ vận, rút cuộc hiện ra như một tay lưu manh, láu cá, nói dối không biết ngượng, sẵn sàng bắt chẹt người khác, kiếm mấy hào vặt.
Ít ra, qua đây cũng có thể kết luận những nét tính cách tưởng như đã cố kết ở người Việt hóa ra thiếu bền vững. Nó hời hợt và được sử dụng để trình diễn nhiều hơn là một trạng thái thực. Người ta không tỏ ra chắc chắn trong lòng tốt và ý định hướng thiện của mình. Những cái tốt đẹp mong manh và dễ bị đánh mất tuy không bao giờ mất hẳn.
Theo nhà sử học Nguyễn Văn Kiệm (trong cuốn Góp phần tìm hiểu một số vấn đề lịch sử cận đại Việt Nam, H.2003), khi nhận xét về tính cách người Việt, các giáo sĩ nước ngoài thường lặp lại một khái quát, đó là tính không kiên định (inconstant) và hời hợt (léger). Có thể hiểu điều này rõ hơn, nếu liên hệ với một nhận xét khác: “Bản chất người dân xứ Đàng ngoài khá thật thà mặc dù đôi khi họ cũng phải nói dối một cách khéo léo khi cần phải cảnh giác… Họ cũng hào hiệp, song sự hào hiệp đó thường được hướng về lợi ích cho mình và khi cảm thấy không có gì để hi vọng, họ cũng chẳng sẵn sàng ban phát; trong những trường hợp như vậy, họ thường rất kín đáo về của cải của mình để khỏi bị quấy rầy. Nói chung họ rất dũng cảm, siêng năng, khéo léo, rất hào phóng trong những vụ chi tiêu vì danh vọng như trong các dám cưới, đám ma, các ngày lễ, các đám ăn hỏi”.
Tạm tóm tắt thành ba điểm:
1/ Con người nơi đây có cả cái tốt lẫn cái xấu, vừa cởi mở lịch thiệp, vừa khép kín, vừa ki bo bủn xỉn, vừa thật thà vừa dối trá .
2/ Những nét tính cách này không chắc chắn mà tùy điều kiện mà bộc lộ, và có thể chắc chắn người ta chỉ tốt khi thấy có lợi.
3/ Xét tổng thể, nói chung cái xấu có xu hướng lấn lướt, trở thành ấn tượng cuối cùng từ nhiều người.
Dưới ánh sáng của nhận xét tổng quát này, thì trường hợp như con người trong Những chiếc ấm đất của Nguyễn Tuân trở thành dễ hiểu.
Lâu nay trong các tài liệu nói về người Việt, các nhà quan sát thường khi rơi vào tình thế mâu thuẫn. Người này bảo người Việt chăm chỉ, người khác bảo họ lười biếng; người này khen họ thật thà, người khác ngán ngẩm vì thấy họ tinh ma quỷ quái; người này ghi nhận cái sự hồ hởi, dễ tin ngời lên trên nét mặt đám đông; người khác thấy cái nhìn hoài nghi dường như ăn vào máu bất cứ ai mình đã gặp.
Hóa ra những đặc tính đó đều tồn tại, tất cả chung sống với nhau thành một thứ hỗn độn, tùy từng lúc, tùy từng hoàn cảnh mặt này hay mặt kia nổi lên, và bởi lẽ trong trường kỳ lịch sử hoàn cảnh sống quá khó khăn mà ước ao của con người thì quá lớn, nên cái tốt thường trở thành của xa xỉ dễ bị xếp xó, còn cái xấu như một thứ cỏ dại mọc lan ra và không dễ gì diệt nổi.
Không phải người ta không biết mình xấu đi, song bởi lẽ quá bất lực trong việc chống lại định mệnh, đành chịu đầu hàng. Trong nỗi khao khát tự khẳng định, con người lương tri vẫn tìm mọi cách để tiến bộ. Biện hộ cách nào? Bằng cách nhớ lại rằng mình đã có lúc mơ mộng lắm, tốt đẹp lắm. Người độc ác nhớ lại rằng, lúc nhỏ mình cũng đã nghĩthương người như thể thương thân; người dối trá nghĩ rằng mình vốn được cha mẹ dạy bảo khôn ngoan chẳng lọ thật thà; người đâm đầu vào cuộc kiếm chác mưu cầu danh lợi đinh ninh rằng xưa nay mình vẫn hay bảo là không gì bằng cái tâm. Cứ thế, những cái tốt giương lên như khẩu hiệu, được biến thành nơi nương náu cho sự hư hỏng. Và rút cục là cái cách sống thường trực nói một đằng, nghĩ một nẻo, “nói zậy mà không phải zậy” ngày một lây lan. 
Nói theo tâm lý học hiện đại, trong con người thường xuyên có sự phân thân, một người mà có rất nhiều khuôn mặt cùng lúc tồn tại, mỗi người là một thực thể lung linh mời gọi khám phá.
Thói hư tật xấu người Việt: Manh mún rời rạc, kém cỏi trong kết dính, hòa nhập
Đồng bằng sông Hồng như P.Gourou nói, là một trong những vùng đất có mật độ dân số cao nhất thế giới.
            Nhưng nét đặc biệt của cư dân nơi đây là sống rời rạc. Cũng có những làng có tới ngàn dân, nhưng tuyệt đại đa số là các làng nhỏ. Theo Vũ Quốc Thúc, trước 1945, ở Thái Bình có hai làng chỉ có 13 – 24 cư dân; ở Ninh Bình có những làng không quá 10 cư dân. Diệp Đình Hoa còn cho biêt từ đầu thế kỷ XX vẫn còn không ít làng chỉ có một xuất đinh, tức là một người đàn ông (Người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ, NXB Khoa học Xã hội, H.2000).
Ăn ở rời rạc như thế, người ta lại quá tin ở cái làng của mình, là đẩy nó lên thành một giá trị tuyệt đối. Các làng ở cùng quanh chân một ngọn núi đều đặt tên riêng cho ngọn núi ấy. Như núi Thiên Thai ở Bắc Ninh có đến 7 cái tên. Hoặc nếu có một con sông chảy qua các làng thì đến làng nào con sông được đặt tên theo làng đó. Cũng thờ chung thánh Tản Viên làm thành hoàng, nhưng mỗi làng, mỗi vùng lại nghĩ ra một cách cúng tế riêng, có làng cúng trâu, có làng cúng bò, làng cúng lợn đen, làng cúng gỏi cá…
Xã hội được hình thành theo lối vón cục. Cả nước đâu cũng thấy chùa chiền, nhưng toàn là những chùa nhỏ lụn vụn.
Chùa Một Cột là gì nếu không phải là một chứng tích rõ ràng của sự lỡ làng, ở đó một ý định độc đáo không được hiện thực hóa bằng một hình thức hoành tráng tương xứng.
Chợ quê xưa không phải là một cơ cấu có phân ra các khu vực rõ ràng, sự nối tiếp chặt chẽ, chợ chỉ là một tập hợp của các hàng rong. Trước thời hiện đại, các đô thị của chúng ta cũng được hình thành tùy tiện, bát nháo như vậy.
Trong khi đó thì theo Đặng Thai Mai từ đời Tần, xã hội Trung Quốc đã đạt đến trình độ “Thư đồng văn xa đồng quỹ” (Sách cùng một loại chữ, xe cùng một loại kích cỡ).
Vì thói quen và cũng vì muốn được buông thả rồi sau thì vì ương bướng, tùy tiện không chấp nhận những gì khác mình người ta không muốn sống tập trung, và điều này làm cho trình độ làm ăn thêm trì trệ mà cách nghĩ của con người cũng hèn kém đi.
Manh mún, rời rạc gần như đã trở thành “khí hậu” của xã hội Việt.
Tương truyền là ở nhà Cao Bá Quát có dán đôi câu đối “Nhà trống ba gian, một thầy một cô một chó cái – Học trò dăm đứa nửa người nửa ngợm nửa đười ươi”. Đọc lên người ta thường chỉ nói tới tinh thần khinh bạc mà quên rằng ấn tượng chính toát lên ở đây là cái gì hoang lương, lơ thơ, vắng vẻ, một thứ “tèo teo cảnh” nói theo chữ của Nguyễn Gia Thiều.
Thế thì còn nói chi đến việc truy tầm chân lý, mở mày mở mặt ra với thiên hạ?
Nho gia châm ngôn lục (Sách ghi những châm ngôn của nhà nho), có câu: “Thù thù nhi xứng chi, chí thạch tất mậu; thốn thốn nhi độ chi, chí trượng tất sai”. Đại ý muốn lưu ý rằng kẻ quen suy nghĩ trong một phạm vi chật hẹp (cân từng thù, đo từng tấc) khi phải bao quát những vấn đề rộng lớn (cân từng thạch, đo từng trượng) thế nào cũng làm hỏng việc.
Chuyện này với chúng ta ngày nay là một ám ảnh. Manh mún, rời rạc chi phối chúng ta trong xây dựng một khu đô thị, làm một con đường cho tới tổ chức các hoạt động thông tin, ra một tờ báo. Tầm nhìn của nhiều người khi đứng ra quản lý công việc quốc gia vẫn là tầm nhìn làng xã, từ đây đã để lại bao bi kịch.
Manh mún, rời rạc cũng làm cho người Việt rất khó phối hợp với nhau trong công việc.
Adam Smith viết ngay trong chương I cuốn Của cải của các dân tộc: Một xí nghiệp chỉ có 10 công nhân, với những máy móc đơn sơ của thế kỷ XVIII, có thể làm 48.000 đinh ghim trong một ngày công, trung bình một người làm được 4.800 đinh. Còn nếu họ làm ăn riêng lẻ và không kết hợp được với nhau thì mỗi người không thể làm nổi 20 đinh, thậm chí là một đinh.
Theo Adam Smith, sự phân công lao động không chỉ mang lại cho người ta năng suất, sự khéo léo mà còn óc phán đoán đúng đắn, tức là khả năng cải tiến công việc, để ngày mỗi hoàn thiện nó, ngày mỗi đưa nó đến chỗ tinh xảo.
Nhưng sự phân công và phối hợp lại là yếu tố khó thực hiện nhất trong trường kỳ lịch sử của người Việt. Ở các làng nghề, việc tổ chức sản xuất hình thành theo yếu tố gia tộc. Chỉ có máu mủ ràng buộc. Ngoài ra không ai cộng tác được với ai. Giữa các làng thì lại càng không thể cộng tác nếu không nói xu thế chủ yếu là giấu nghề và bài bác nói xấu nhau.
Tôi nhớ dăm năm trước, có lần đi qua phố Bần. Nơi đây, nổi tiếng với thứ nước tương quen thuộc của Bắc Bộ. Nhưng một đoạn phố nhỏ trên trăm mét mà tới vài chục hàng tương, hàng nào cũng mấy cái chai La vie xúc sạch đổ tương vào, trông đều đặn đến phát ngán. Liệu một ngày sẽ có bao nhiêu người mua không ai cần biết. Lại càng không ai đứng ra tính toán xem chỉ cần một của hàng bao nhiêu người đứng bán là đủ. Người ta chỉ nghĩ chỉ cần hàng bên cạnh còn mở thì mình vẫn mở. Đi làm nghề khác ư, không ai muốn, và đây là cách nghĩ từ xưa chứ không phải hôm nay mới có.

VII - Những cung bậc của cái hèn
Không cần tìm đâu xa, trong các câu truyện cười dân gian, người ta đã bắt gặp vô số chân dung người Việt hèn.
Anh chàng sợ vợ định nói phét thì gặp vợ về. Thầy đồ ăn vụng, thầy đồ liếm mật. Sư mô cũng gian dâm ăn cắp.
Có đến mấy truyện cổ tích, trong đó có vài phú ông tham vàng bỏ ngãi, định gả con gái cho người này rồi thấy người khác giàu hơn lại hèn hạ bội ước. Cho đến cả chàng Thúc Sinh trong Truyện Kiều, trước cảnh Kiều bị vợ cả là Hoạn Thư hành hạ, cũng chỉ đành đóng vai giả câm giả điếc không dám đứng ra bênh vực con người mà từng thề non hẹn biển.
Dân nghèo nên hèn đâu cũng gặp, kẻ giàu hèn rất nhiều, cho đến cả mấy triều vua cũng tiếp nhau hèn một cách thê thảm.
Đó là vào giai đoạn từ đầu thế kỷ 17 trở đi khi Đàng ngoài rơi vào tình cảnh “vua Lê chúa Trịnh”. Vua bị tước quyền, chỉ ngồi làm bù nhìn, mọi công việc do phủ Chúa quyết định. Đến khi có người hỏi sao lại làm thế thì trả lời đại ý như vậy việc nặng nhọc dồn cả sang vai Chúa, mình được chân nhàn nhã, cũng chẳng là may hay sao(!).
Cũng là một thứ lý sự của kẻ hèn.
Ở phương Đông cũng như phương Tây, thật ra người xưa đã khôn ngoan bảo nhau “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, biết sợ kẻ đáng sợ không phải là xấu.
Điều đáng nói ở đây là cái cách chịu thua và biết sợ của người xứ mình. Trong sự hèn ở đây, có thái quá biến thành khiếp nhược; lại có niềm tin rằng không bao giờ bằng người. Trước một việc lẽ ra phải lấy cái chết để tự khẳng định thì người ta vứt bỏ đạo nghĩa, hi sinh danh dự, miễn sao bảo toàn tính mệnh; từ đây sinh ra cả một cách sống lẩn khuất chui nhủi.
Theo Nguyễn Tất Thịnh (Bàn về văn hóa ứng xử của người Việt - 2006), và một số bạn khác, dân mình có một nhu cầu giấu giếm rất lạ. Đánh nhau kiểu hội đồng sau lưng mà không đối mặt đấu trường. Trên diễn đàn thì ngậm miệng, nhưng bàn nát chuyện ngoài quán. Bao nhiêu tinh lực dành cho sự lẩn lách để tồn tại, bởi vậy, ưa những hình thức phi chính thống. Nói năng cởi mở, nhưng phong cách khép kín. Khi nói chuyện không dám nhìn thẳng. Hay nói nước đôi lập lờ. Giữa đám đông hay thì thào liếc ngang, liếc dọc. Nói chung là tâm lý không ổn định, hay thay đổi thất thường. 
Tất cả những thói quen tương tự không chỉ cho thấy nhiều người chúng ta là những kẻ yếu, mà lại tố cáo một điều quan trọng khác sự kèn yếu ở đây tước đi ở con người lòng tự trọng, ý chí ngoan cường vượt lên trên tình thế bi đát trước mắt.
Trong nhiều truyện ngắn Tô Hoài viết trước năm 1945,  người ta bắt gặp những đôi trai gái yêu nhau, đã thề không lấy được nhau thì chỉ có chết. Kết cục vài tháng sau, trai đi lấy vợ, gái đi lấy chồng bình thản như không, chả ai chịu chết cho thiệt thân.
Nguyễn Công Hoan vốn nổi tiếng với những truyện ngắn gây cười. Song đến Tôi cũng không hiểu tại làm sao (I và II, 1937) giọng ông trầm tĩnh hẳn đi. Truyện thứ nhất kể về một công chức ăn sáng trong giờ làm việc, bị sếp người Pháp bắt quả tang. Anh này lúc đầu cãi cứng, đến khi bị sếp bảo há mồm ra cho xem thì cũng há, để phô ra cả cái vẻ lố bịch khá thương tâm.
Trong truyện thứ hai, một công chức khác (đồng sự của anh trên), đi làm muộn, đặt một con tính cũng sai, chữa mãi không được, xoay ra cáo ốm và xin nghỉ không lương. Chủ thấy thế dọa cho anh thôi việc luôn. Rốt cuộc cái anh công chức hay bướng đó đành xin lỗi chủ, để rồi ra ngoài tâm sự với bạn, không hiểu tại sao mình có những phút đê tiện như thế.
Các nhân vật trong truyện dân gian hèn một cách bẩm sinh. Đến các công chức ở đây, cái hèn của họ vẫn tự nhiên, song bước đầu con người đã nhận thức được tình thế, ít ra đã tự mình đặt câu hỏi tại sao mình lại hèn vậy. Đây là sự vận động trong tâm lý mà chỉ con người hiện đại mới có, nó là cơ sở để người ta trưởng thành dần dần.
Song, ở con người hiện đại, cái hèn còn có một hướng phát triển khác. Nên biết là trong các từ điển Tiếng Việt được soạn nghiêm túc, chẳng hạn từ điển Hoàng Phê, hèn không chỉ có nghĩa là sự nhát yếu, thấp kém, mà còn có nghĩa là cách làm kém bản lĩnh, đến mức đáng khinh, ví dụ cái hèn của một kẻ đánh trộm, cái hèn của một kẻ dùng những mưu kế ít người ngờ đến để đánh bại kẻ mạnh hơn mình. Hèn ở đây là từ phản nghĩa của dũng cảm, đàng hoàng khí phách. Trong tâm lý học, người ta còn nói đến những quá trình tâm lý kỳ lạ khi hai mặt đối lập của cùng một quá trình tâm lý tự nhiên hoán vị cho nhau, ví dụ kẻ tự ti nhút nhát bỗng có lúc tự tin quá đáng, kẻ hèn nhát đến bước đường cùng vụt trở nên liều lĩnh, làm được những việc mà bình thường chỉ người dũng cảm mới làm nổi. Đây là những khía cạnh tâm lý cũng đã thấy ở người Việt hiện đại, có điều còn ít được mưu tả và nghiên cứu.

VIII - Khéo tay mà trí không khôn, thiếu tinh thần cầu học
Học vấn một đẳng, công nghệ một nẻo (Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, năm 1915).
Tính người mình không biết quý trọng công nghệ, người làm nghề tựa hồ như bất đắc dĩ không học được làm quan chẳng lẽ ngồi khoanh tay chịu chết mới phải xoay ra làm nghề thôi. Mà làm nghề thì không cần gì tinh xảo chỉ cốt bán rẻ tiền được nhiều người mua là hơn. Công nghệ suy nhược lại còn là vì người có học thức không chịu làm, người chịu làm thì lại là người không có học thức, chẳng qua chỉ theo lối cũ nghìn năm xưa chớ không nghĩ được cách thức nào mới.
Ít năm nay, có trường bách công dạy dỗ, có lắm lời tân học cổ động thì cũng đã tỉnh ngộ ra ít nhiều và cũng đã có người sinh được nghề khéo, học được nghề mới tranh được lợi buôn bán. Song cái tính khinh đường công nghệ thì vẫn chưa bỏ được. Có người nhờ công nghệ mà nên giàu có song vẫn tự coi mình là đê tiện, phải mượn cái phấn ông hàn ông bá mới là vẻ vang.
Khéo tay mà trí không khôn (Phạm Quỳnh, Pháp du hành trình nhật ký, năm 1922). Xét ra ở nước Nam ta mới có các nghề mỹ nghệ là thịnh, phàm nghề khéo toàn là các nghề trang sức cả, còn mỹ thuật thì chưa có gì sánh được với các nước, nhưng ngay trong mỹ nghệ cũng chưa có kỷ luật, chưa có thể thống gì, chưa phân rõ các kiểu cách, các thời đại, các lề lối, các phương pháp, thợ thuyền phần nhiều là những người vô học, phi quen tay phóng lại lối cũ, thời bắt chước chép của người ngoài, thành ra tay có khéo mà trí không khôn, không biết biến báo mà vẫn giữ được tinh thần cốt cách cũ , tồn cổ mà khéo ứng dụng về đường sinh hoạt mời, nói tóm lại là không có trí sáng khởi(1) khôn ngoan, gây ra trong mỗi nghề một cái thể thức trang nghiêm mà đặc biệt. Cho nên các nhà nghề ta không thể bằng cả ở cái tay khéo được, cũng phải tập cho có cái trí khôn nữa.
Nay muốn gây lấy cái trí khôn ngoan trong mỹ nghệ, khiến cho có tinh thần có thể thức, thời không gì bằng lập ra một nhà bảo tàng mỹ nghệ, sưu tập lấy những đồ đẹp trong nước, chia ra từng thời đại, bày cho có thống hệ(2), để cho những nhà nghề đến đấy mà xem, mà học cho biết nghề mình duyên cách(3) thế nào, thể cách làm sao, rồi hoặc trông đấy mà giữ lấy cái cốt cách tinh thần cũ, hoặc nhân đấy mà biển đổi dần.
(1)bắt đầu dựng lên, ngây nay hay viết là sáng tạo.
(2)quen hệ của những cái liên tiếp. Cũng nghĩa như hệ thống.
(3)duyên (có khi đọc diên) ở đây lá thủ cựu, cách là đổi mới. Duyên cách:
Tình hình trong một khu vực nào đó cái cũ thế nào, cái mới ra sao.
Thiếu tinh thần cầu học (Nguyễn Văn Tố, theo Lê Thanh, Cuộc phỏng vấn các nhà văn, năm 1943). Phải nhận rằng người mình không ham học mấy. Thí dụ như người đỗ bằng tốt nghiệp, có công ăn việc làm thì thôi , không chịu học thêm. Tôi cho thế là nhầm lắm. Người ta dạy cho bấy nhiêu là để cho mình tạm đủ sức mà học lấy, khi ở trường ra mắt là chỗ khởi hành, mình lại tưởng đến nơi rồi. Nếu tôi được phép, tôi sẽ khuyên anh em thanh niên học rõ nhiều, vừa đọc văn Tây, vừa học lại tiếng ta, vì phần đông người ta mà viết văn ta còn sai nhiều.

Mô phỏng đã thành thói quen (Hoa Bằng, Phải có cái gì để làm
đặc tính của người mình chứ. Tri tân, năm 1941). Hết thảy mọi phương diện, chẳng hạn, từ văn học tới nghệ thuật - chúng ta đều ăn của người, nhưng đã biết hóa để làm của riêng của mình chưa?
Bình tĩnh mà xét, từ hình thức đến tinh thần ta nay cũng có một đôi phần tiến. Nhưng cái óc mô phỏng hay còn rõ sờ sờ trung hết thảy mọi mặt.
"Chúng ta phải làm con cháu cửa cổ nhân chữ không nên làm nô lệ của cổ nhân". Đối với cổ nhân ta nay còn phải dè dặt thay, huống chi đối với gió bốn phương, há lại nên bạ chiều nào che chiều ấy?!(hết)
Vương Trí Nhàn
--------------

6 nhận xét:

  1. Cảm ơn bác BVB đăng bài viết của nhà nghiên cứu về văn hóa Vương Trí Nhàn .
    bài viết nói lên tính cách người VN .Dân tộc ta hiện nay nghèo hèn lạc hậu so với khu vực ASEAN là do lãnh đạo tài tình sáng suốt Đảng cs quang vinh lãnh đạo ,khởi nguồn từ 3 ông Tây râu xồm phe ta ,do ai du nhập đưa vào thì mọi người đều biết rùi đó .

    Trả lờiXóa
  2. Nhan dan VN da bi co che cai tri cua bon cs lam cho xau di. Nhung ho con tot hon cai bon tao ra co che ay van lan

    Trả lờiXóa
  3. Hoàn toàn đúng , chính xác 100% .

    Trả lờiXóa
  4. Anh Nhàn viết đúng quá, tôi đọc gần thuộc lòng. Tôi kể 1 chuyện "vạch áo" thế này: hơn 40 năm trước Mẹ tôi chết. 3 anh em trai tôi anh lớn 8 tuổi, tôi 5 và em trai 2 tuổi. Nhà đói khổ, cha lấy mẹ kế. Chúng tôi hay cõng nhau ra đường cái với hy vọng mẹ tôi không chết mà đi chợ xa mới về. Nhiều người thương cho chiếc bánh lá ( loại bánh làm bằng gạo xay) Anh cả tôi khi ai cho bánh đều bóc ra nhè chỗ có miếng tóp mỡ cắn một miếng to, sau đó mới chia bánh ra 3 phần. Bây giờ anh em đều đã già nhưng tính anh tôi vẫn như xưa. Hôm giỗ mẹ, tôi kể lại chuyện này, em út tôi ( đã là cán bộ to) ôm mặt khóc an ủi thế nào cũng không nín. Ôi tai sao anh tôi lại như thế, tại sao tôi lại nhớ dai như thế !?

    Trả lờiXóa
  5. Con người là tổng hoà các mối quan hệ hay nói nôm na
    là con người là sản phẩm của xã hội,được un đúc nên
    do hoản cảnh và môi trường họ sống.
    Thói xấu tạo thành mỗi thời kỳ mỗi khác nhưng thay đổi
    dần theo thời gian,tùy thuộc yếu tố nào chính,vượt trội
    hay sau cùng nhất thì sẽ có tính quyết định nhiều nhất
    lên thói xấu đó.
    Có điều câu chuyện Xuân Diệu kể,tôi ngờ là không hợp
    lý lắm khi một đứa trẻ 3 tuổi mà đã biết phản kháng với
    câu nói "nhã ra,trả đây" thì nghe khiên cưỡng qúa !
    Công bình mà nói,dân ta có thói đố kỵ hơn hẳn nhiều
    dân tộc khác,có lẽ do Nho giáo.Từ đó mà sinh ra thói
    kỳ thị và phân biệt địa vị,giới tính,vùng miền.kể cả tôn
    giáo v.v. Chính đó là lý do tại sao dân ta không mấy
    đoàn kết và chỉ đoàn kết khi ở đường cùng !
    Trường hợp "đi buôn" của ông Vương T Nhàn thì có
    thể giải thích về tâm lý người đời trong câu minh triết
    này "những người CÙNG THÍCH một việc thì thường
    ghen ghét lẫn nhau,những người CÙNG LO một việc
    thì thân thiêt lẫn nhau" !

    Trả lờiXóa
  6. Con người vốn dĩ luôn có tính Thiện và Ác bên trong.
    Đáng buồn thay, chế độ này đang cổ vũ cho tính Ác nổi lên!

    Trả lờiXóa