Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

Đồng bằng sông Cửu Long – 40 NĂM NHÌN LẠI - Kỳ 13

* LÊ PHÚ KHẢI
(tiếp theo)
XI - PHỎNG VẤN
Làm gì để người trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long thoát nghèo – đó là câu hỏi phải được giải đáp sau 40 năm đất nước thống nhất? PGS.TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về kinh tế NN và PTNT đã sẵn lòng trả lời phỏng vấn của chúng tôi:
PV: Làm gì để tăng giá trị hạt gạo và thu nhập của người trồng lúa gạo ở Việt Nam hiện nay?
PGS.TS Vũ Trọng Khải: Tuy Việt Nam đã xuất khẩu gạo liên tục trong 25 năm qua, với khối lượng ngày một tăng, đứng hạng nhất, nhì thế giới, nhưng càng xuất khẩu nhiều, hiệu quả kinh tế và thu nhập của người trồng lúa càng giảm, nhất là người trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa chiếm 90-95% sản lượng gạo xuất khẩu hàng năm của cả nước (theo điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp – nông thôn được công bố ngày 17/10/2013, thu nhập của nông dân trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 535.000 đồng/người/tháng).
Bởi vì, về cơ bản, nền nông nghiệp nói chung và ngành sản xuất lúa gạo nói riêng, vẫn là nền sản xuất hàng hóa nhỏ, manh mún, nông dân làm ăn theo kinh nghiệm cha truyền con nối với kỹ thuật canh tác lạc hậu; thương mại lúa gạo gắn liền với thương lái mua gom, nông dân bán “mão”, theo kiểu buôn chuyến, có gì bán nấy, có khách mua thì đi mua gom “tạp pí lù” đủ các loại gạo. Công nghệ chế biến gạo theo quy trình ngược, xay sát lúa rồi mới sấy khô gạo, nên chất lượng gạo xấu, giá thành chế biến lại cao, do tỉ lệ thu hồi thấp. Sự độc quyền xuất khẩu gạo của Hiệp hội lúa gạo (VFA) mà thực chất là độc quyền xuất khẩu của Tổng Công ty lương thực (Vinafood) đã trầm trọng thêm tình trạng buôn bán theo kiểu ăn xổi, chụp giựt, “đánh quả”. Đặc biệt, cách buôn bán này luôn luôn đặt nông dân trồng lúa ở thế yếu, chịu thiệt thòi, nhất là khi giá gạo trên thị trường thế giới xuống thấp.
Vì vậy, vấn đề được đặt ra là bằng chính sách nhà nước và hệ thống quản lý nào để gia tăng gái trị hạt gạo, bảo vệ và gia tăng lợi ích chính đáng của người trồng lúa?
Gần đây, người ta nói nhiều đến “Tái cơ cấu nông nghiệp”, trong đó có ngành lúa gạo, như là giải pháp căn bản, toàn diện để xử lý vấn đề nêu trên.
Tái cơ cấu (cấu trúc) chỉ là cách sắp xếp lại các yếu tố thành hiện hữu của một hệ thống nào đó (ở đây là ngành hàng lúa gạo) để hy vọng nâng cao hiệu quả hoạt động của nó. Nhưng trong ngành lúa gạo (và cả ngành nông nghiệp) nước ta hiện nay, các yếu tố cấu thành đã không còn “dư địa” để gia tăng hiệu quả, dù được sắp xếp lại theo bất kỳ kiểu cấu trúc nào. Vì các yếu tố cấu thành hiện hữu vẫn là nông dân sản xuất quy mô nhỏ, manh mún, sản xuất với kỹ thuật canh tác lạc hậu, vẫn là thương lái mua gom, buôn chuyến, vẫn là công nghệ chế biến lạc hậu theo quy trình ngược, xuất khẩu tuy nhiều nhưng vẫn không thể có thương hiệu, chất lượng gạo thấp và không ổn định, giá bán thấp. Vì thế, để có lãi, các doanh nghiệp xuất khẩu VFA và thương lái mua gom lúa, các cơ sở sơ chế lúa thành gạo nguyên liệu, chỉ còn cách duy nhất là đồng lòng cùng ép giá mua lúa của nông dân.
Vì vậy, phải xây dựng lại hệ thống ngành hàng sản xuất – kinh doanh lúa gạo. Một ngôi nhà tranh, vách đất, dù được thiết kế kiến trúc đẹp, thi công có chất lượng cao, không bao giờ có thể “tái cấu trúc” thành nhà cao tầng. Muốn có nhà cao tầng, nhất thiết phải phá nhà tranh, vách đất để xây dựng lại bằng thiết kế, thi công lại từ nền móng đến cột, xà, tường bằng xi măng, thép…, gạch tuy-nen và sử dụng vật liệu nội thất mới. Tức là phải tạo ra các yếu tố mới, cấu thành nên chỉnh thể (hệ thống) mới, (ở đây là ngành sản xuất kinh doanh (SXKD) lúa gạo) theo một kiểu cấu trúc hợp lý, được vận hành theo một cơ chế quản lý tương thích, dựa theo quy luật khách quan của kinh tế thị trường, sao cho tạo ra những thuộc tính mới về chất (hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường của ngành SXKD lúa gạo), không thể tìm thấy ở các yếu tố cấu thành và càng không thể tìm thấy ở chỉnh thể (hệ thống) cũ (ngành sản xuất lúa gạo nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu).
PV: Vậy phải làm thế nào để xây dựng lại ngành SX – KD lúa gạo của Việt Nam hiện nay?
TS.Vũ Trọng Khải: Nông dân phải là người chủ trang trại gia đình sản xuất lúa gạo hàng hóa, quy mô lớn, nhờ tích tụ ruộng đất, cơ giới hóa sản xuất, áp dụng công nghệ canh tác tiên tiến, từ khâu giống đến quá trình canh tác, thu hoạch, sơ chế, bảo quản theo tiêu chuẩn và quy trình “GLOBAL GAP”. Nhờ đó, chất lượng lúa gạo được nâng cao và đồng đều, ổn định, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, khối lượng hàng hóa lớn, đáp ứng yêu cầu của công nghiệp chế biến của thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Nông dân sản xuất hàng hóa lớn mới có nhu cầu và khả năng liên kết dọc với các doanh nghiệp chế biến, bảo quản, tiêu thụ lúa gạo, với tư cách là một chủ thể có vị thế bình đẳng với các chủ thể khác trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, từ trang trại đến bàn ăn (hay mạn tàu xuất khẩu gạo).
Nông dân sản xuất hàng hóa lớn phải là nông dân chuyên nghiệp được đào tạo trở thành những chủ trang trại sản xuất hàng hóa lớn. “Thanh nông tri điền” phải thay thế cho “Lão nông tri điền”.
Khi tham gia mối liên kết này, chỉ những nông dân sản xuất lúa gạo hàng hóa lớn mới cần và có thể giữ “chữ tín” trong các hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ở cả “đầu vào” và “đầu ra” của sản xuất.
Nông dân sản xuất hàng hóa lớn mới có nhu cầu và khả năng thực hiện liên kết ngang, tạo lập các HTX đích thực để làm dịch vụ đầu vào – đầu ra cho sản xuất nông nghiệp, liên kết với các doanh nghiệp chế biến, bảo quản, tiêu thụ gạo trên thị trường trong và ngoài nước.
Trong giai đoạn đầu, HTX có vai trò cầu nối liên kết giữa nông dân trồng lúa và doanh nghiệp chế biến tiêu thụ lúa gạo. Trong giai đoạn phát triển cao, HTX sẽ có nhà máy sấy, chế biến, kho chứa, tiêu thụ lúa gạo của nông dân xã viên với tư cách là đối thủ cạnh tranh với doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp chế biến, bảo quản, tiêu thụ lúa gạo phải được trang bị công nghệ tiên tiến, đồng thời phải trở thành “nhạc trưởng” trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, tổ chức lại nền sản xuất của nông dân theo hướng hiện đại.
Các doanh nghiệp chế biến, bảo quản tiêu thụ lúa gạo cũng chỉ có thể và cần liên kết với các nông dân sản xuất hàng hóa lớn, tuân thủ tiêu chuẩn “GLOBAL GAP”.
Các doanh nghiệp này không thể ký hợp đồng với hàng chục vạn hộ dân sản xuất nhỏ để tạo ra các cánh đồng lớn “liền đồng, cùng trà giống, khác chủ”.
Trong hệ thống này, chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo được xác lập với vai trò nhạc trưởng của doanh nghiệp, tổ chức lại sản xuất lúa gạo theo hợp đồng (không phải hợp đồng sản xuất), thể hiện qua các hoạt động sau:
Cung cấp đủ giống xác nhận cho nông dân phù hợp với yêu cầu của thị trường và điều kiện sinh thái của từng tiểu vùng.
Hướng dẫn nông dân sản xuất theo “GLOBAL GAP”, nhờ đội ngũ cán bộ khuyến nông 3 cùng với nông dân (cùng ăn, cùng ở, cùng làm).
Trực tiếp hay gián tiếp (liên kết với các đối tác khác) cung cấp vật tư (giống lúa xác nhận, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) cho nông dân.
Bao tiêu lúa gạo hàng hóa của nông dân với giá cả đảm bảo phân chia lợi ích hợp lý giữ nhà nông và nhà doanh nghiệp.
Có thiết bị và công nghệ hiện đại trong bảo quản, sấy, chế biến, tạo ra các loại sản phẩm gạo chế biến đa dạng theo yêu cầu của khách hàng với nhiều phân khúc thị trường khác nhau.
Liên kết với ngân hàng thương mại để cung ứng tín dụng cho nông dân và HTX của họ thông qua việc ứng trước giống lúa và vật tư nông nghiệp.
Xây dựng được thương hiệu lúa gạo của từng doanh nghiệp, từng loại sản phẩm gạo cho các loại thị trường, tổ chức kênh phân phối rộng khắp, để chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước.
Liên kết với các nhà khoa học ở các viện, trường để giải quyết các vấn đề khoa học – công nghệ sản xuất và quản lý nảy sinh trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị ngành lúa gạo, từ tạo giống, xác định cơ cấu mùa vụ, máy móc và kỹ thuật canh tác, thiết bị và công nghệ bảo quản, chế biến, đến quản lý chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược sản phẩm, tổ chức kênh phân phối, cơ chế phân chia lợi ích giữa các chủ thể tham gia chuỗi, trước hết là giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp…
Trên cơ sở đó, các hệ thống quản lý chuỗi giá trị ngành lúa gạo được hình thành và phát triển trên các vùng sinh thái chuyên sản xuất lúa gạo hàng hóa, phát huy được lợi thế so sánh của mỗi tiểu vùng sinh thái, gia tăng hiệu quả kinh tế của tất cả các chủ thể tham gia, tăng thu nhập của người nông dân trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và chiếm lĩnh thị trường lúa gạo thế giới.
Nhà nước cần tạo lập khung pháp lý minh bạch thuận lợi với các chính sách khuyến khích phát triển các trang trại gia đình sản xuất lúa gạo hàng hóa lớn, các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ lúa gạo và cả hệ thống quản lý chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo trên mỗi vùng sinh thái.
Tạo lập khung pháp lý cho việc phát triển thị trường mua bán quyền sử dụng ruộng đất một cách lành mạnh, minh bạch, thuận tiện, để tạo ra các trang trại gia đình sản xuất lúa gạo hàng hóa lớn.
Có chính sách đào tạo miễn phí cho thanh niên nông dân để tạo ra đội ngũ nông dân chuyên nghiệp “thanh nông tri điền”, có trình độ, kỹ năng quản lý trang trại và HTX của mình, tham gia bình đẳng với các chủ thể khác trong chuỗi ngành lúa gạo.
Đường vào Viện lúa ĐBSCL
Chính sách tài trợ vốn và lãi suất tín dụng, giảm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, tài trợ kinh phí khuyến nông cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, kho bảo quản lúa gạo hiện đại và đứng ra tổ chức chuỗi giá trị lúa gạo, tạo ra cánh đồng liên kết lớn có lượng hàng ổn định ở mỗi tiểu vùng sinh thái.
Tài trợ kinh phí cho các đề tài khoa học nghiên cứu phục vụ cho phát triển chuỗi giá trị sản xuất – kinh doanh lúa gạo.
Xây dựng chiến lược và chính sách tạo dựng các khu đô thị nhỏ, (khu công nghiệp – dịch vụ và dân sinh), phân tán ở các vùng nông nghiệp sinh thái để vừa thu hút sức lao động nông nghiệp dồi dư, vừa tạo ra các sở dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp, hạn chế di dân tự phát vào các khu đô thị lớn như hiện nay đã làm nảy sinh những vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường không thể khắc phục được. Xác định các vùng sinh thái phù hợp nhất với sản xuất lúa gạo được hưởng các chính sách ưu đãi nói trên.
Các chính sách đào tạo nghề cho nông dân chuyển đổi nghề nghiệp, tạo dựng kế sinh nhai mới, ổn định cho họ ở các đô thị mới, nằm rải rác trong các vùng nông nghiệp sinh thái.
Xóa bỏ mọi ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước nói chung và Vinafood nói riêng, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, HTX, trang trại. Chính sách nhà nước không phân biệt đối xử theo chủ thể kinh doanh mà theo ngành hàng và vùng kinh tế sinh thái. Cần xóa bỏ vai trò như là cánh tay nhà nước nối dài của VFA. Trên cơ sở đó, cơ chế xin – cho mới được xóa bỏ.
Trên đây chính là nội dung xây dựng lại ngành hàng lúa gạo Việt Nam, theo quan điểm hệ thống với chuỗi giá trị, từ trang trại đến bàn ăn (hay mạn tàu xuất khẩu), bao gồm các yếu tố mới về chất, để tạo ra một ngành kinh doanh hiện đại, hiệu quả, nâng cao thu nhập, lợi ích của xã hội và các chủ thể tham gia, đồng thời có khả năng cạnh tranh cao trên trên thị trường trong và ngoài nước, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

TƯƠNG LAI NÀO CHO MIỀN ĐẤT CỬU LONG?
Đó là câu hỏi chúng tôi đặt ra với chị Nguyễn Mai Oanh, Cử nhân nông nghiệp, Thạc sĩ chuyên ngành Phát triển (Viện Nghiện cứu Xã hội Hà Lan), hiện đang làm việc tại Viện Chính sách Chiến lược Phát triên Nông nghiệp Nông thôn /Bộ NN – PTNT.
Th.S Nguyễn Mai Oanh:
- Miền đất do phù sa  con sông Mê Kông, con sông lớn thứ 12 thế giới, lớn thứ 7 của châu Á, chảy qua sáu quốc gia bồi đắp nên, là một vùng đất vô cùng đặc biệt quí hiếm mà thế giới ít nơi có đó là vùng đất có tên Đồng bằng Sông Cửu Long. Nó được coi là “quí hiếm” bởi có tới gần một nửa diện tích “được” ngập nước 3-4 tháng, mỗi năm mảnh đất chằng chịt kênh rạch nhận vào lòng nó cỡ 460 tỷ mét khối nước với gần 200 triệu tấn phù sa, mùa khô lại còn nhận thêm hàng tỷ mét khối nước biển mặn xâm nhập tạo nên một hệ sinh thái đa dạng hiếm có trên thế giới. Đồng bằng Cửu Long thực sự là món quà tặng quí giá của Trời Đất ban cho đất nước Việt Nam. Cùng với 5 quốc gia chung một dòng Mê Kong, một cộng đồng xã hội có tên “ dân miệt vườn” đã hình thành với những nét văn hoá ẩn chứa vẻ đẹp khôn tả bao đời nay.
Dấu ấn vùng đất với chín nhánh sông như chín con rồng vươn biển còn không thể phai mờ trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam cuối thế kỷ 20 là bởi đó là miền đất đã cứu đói cho hàng chục triệu người dân Việt Nam những năm tám mươi, cuối thế kỷ 20, vực dậy cả một dân tộc đã kiệt quệ sức lực suốt hàng thập kỷ chiến tranh. Bước vào thời kỷ mở cửa, mảnh đất Chín Rồng này còn được biết đến là vùng kinh tế nông nghiệp tập trung lớn nhất Việt Nam, đưa Việt Nam ngẩng cao đầu hội nhập kinh tế cùng thế giới bởi khu vực này đã xuất khẩu với con số đầy ấn tượng, khoảng 6 triệu tấn gạo hàng năm, chiếm 90% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, thủy sản cũng chiếm tới 60%, chưa kể 70% sản lượng trái cây cả nước đi từ đồng bằng phì nhiêu này.
Đẹp thế, vẻ vang là thế nhưng hôm nay, sau vài chục năm vươn mình phát triển, bức tranh kinh tế, xã hội vùng đất ngọt ngào phù sa này có phần đang hoá mặn, khiến những ai yêu thương nó phải trăn trở.  Một vùng “giàu tiềm năng” nhưng không giàu, chưa giàu, có chăng mới chỉ là đem được cái giàu đó dâng hiến cho quốc gia. Phải chăng tài nguyên đất, nước, mồ hôi của người dân nơi đây …để tạo nên “vựa” lúa, tôm, cá, cây trái… đang bị hút kiệt để quốc gia có được vinh dự nhất nhì với thế giới nhưng quốc gia lại “quên” không bù đắp xứng đáng lại để nó tiếp tục phát triển bền vữg tới mai sau?
PV: Vậy trong tương lai gần nhất, chúng ta phải làm gì để ĐBSCL có thể hồi sức và bật dậy, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước và cho chính mảnh đất ĐBSCL?
Th.S Mai Oanh: Trong một hội thảo mới đây nhìn lại 30 năm sau đổi mới đã kết luận “ĐBSCL luôn khẳng định vị trí đi đầu trong việc đảm bảo an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản hàng hoá, hàng năm đóng góp tới 22% GDP của cả nước” nhưng buồn thay nó lại là vùng có tỷ lệ nghèo đóùi cao  thứ 5 trên 7 vùng kinh tế. Thống kê mới đây nhất (năm 2013) của Bộ LĐTBXH, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo, không nhà cửa vùng ĐBSCL chiếm tới 13,63%, cao gần gấp đôi vùng Đồng bằng Bắc Bộ (7,52%), vượt xa vùng Đông Nam Bộ, nơi tỷ lệ nghèo và cận nghèo chỉ còn 2%.
Học sinh vùng lũ miền Tây Nam bộ đến trường 
Đi kèm với đói nghèo xếp hạng gần cuối là câu chuyện giáo dục, câu chuyện y tế, những chỉ số cơ bản trong đánh giá mức độ phát triển của một vùng. Cả nước thường nhắc đến ĐBSCL với một khái niệm “vùng trũng” về giáo dục và y tế. Con số thống kê tuy đã được “tô hồng” nhưng vẫn không thể phủ nhận giáo dục ở vùng ĐBSCL chỉ cao hơn Tây Nguyên. Ai đó đã nói, để một vùng đất giàu có lên, muốn công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì “ giáo dục phải là quốc sách”, “ phải đi trước một bước”, “ giáo dục là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội”. Đó là những mệnh đề chân lý. Đáng buồn thay, chân lý đó chưa hiển hiện ở mảnh đất này. Giáo dục Việt Nam vốn đã xa lắc với thế giới mà giáo dục vùng đồng bằng này còn nằm xa chuẩn chung của Việt Nam. Con số thống kê mới đây nhất của ngành giáo dục cho biết ĐBSCL mới chỉ đạt 160 sinh viên trên 1 vạn dân, dưới chuẩn chung cả nước 190 sinh viên trên 1 vạn dân, số giáo viên chưa đạt chuẩn chung thì lại cao hơn trung bình cả nước... Đánh giá về y tế, nhìn lại 30 năm phát triển, trừ Cần Thơ và Cà Mau có số đạt chuẩn chung cả nước về số đầu bác sĩ, dược sĩ trên 1 vạn dân, 11 tỉnh còn lại tỉnh nào cũng thiếu hàng trăm bác sĩ, dược sĩ, chưa nói đến cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Nhìn vào phát triển kinh tế, ĐBSCL hôm nay mới chỉ dừng ở khai thác triệt để cả tài nguyên và lao động, khai thác tới mức có thể coi là cạn kiệt, huỷ hoại thiên nhiên, gây nên biết bao vấn đề nan giải cho xã hội, môi trường. Suốt mấy mươi năm qua, từ người “cầm cân nảy mực” nền kinh tế quốc gia cho tới các nhà doanh thương, ai ai cũng chỉ nhìn miền đồng bằng trù phú này với con mắt của kẻ chụp giật, tìm mọi cách moi nhanh, moi hết tài nguyên “trời ban” cho miền đất này bất kể hậu hoạ đã ít nhiều được cảnh báo. Ngôi nhà chung có 13 thành viên nhưng ai ai cũng chiến lược phát triển kinh tế phát huy lợi thế na ná như nhau, cũng cùng dàn quân đầu tư từ A tới Z nên không thể đủ lực để bứt phá là điều dễ hiểu. Lợi thế sở hữu một thương hiệu đẹp “ đồng bằng Châu thổ Cửu Long” gợi lên xúc cảm về một vùng đất phì nhiêu với hàng ngàn loại sản vật nhiệt đới, với những kênh rạch nên thơ, với những vùng đất ngập nước ẩn chứa bao loài sinh vật quí hiếm, những khu rừng ngặp mặn, rừng nguyên sinh úng phèn vô cùng độc đáo… mà thế giới thèm khát hưởng thụ thì gần như chưa được khai thác để có thể đem về nhiều giá trị lớn hơn. Nói cách khác vùng đất Cửu Long chưa trang bị đầy đủ “áo, mũ” để nhập sân chơi toàn cầu, để không bị thua thiệt.
Nội tại đã yếu lại còn muôn vàn yếu tố bên ngoài đang ngày một thêm thách thức. Giới khoa học đã dự báo tới đây không xa, vài chục năm nữa thôi đồng bằng châu thổ Mê Kông này sẽ có thể bị nhấn chìm gần 40% diện tích cuối Thế kỷ 21 này. Điều kinh hoàng đang được các nhà khoa học môi trường nghiên cứu và kết luận: tốc độ dâng nước thực tế ở Đồng bằng sông Cửu Long đang nhanh hơn 2 đến 6 lần so với tốc độ nước biển dâng trung bình trên toàn Biển Đông do vừa bị nước biển dâng vừa bị lún. Và cứ 1m nước biển dâng thì sẽ mất đi 1,5 – 2 triệu hecta đất trồng lúa chưa kể nhiều hậu quả khác do thay đổi môi trường sinh thái. Thêm nữa, “thượng nguồn” lại đang lấy đi mất gần hết nguồn nước ngọt của dòng Mê Kông, đi theo là phù sa), vốn là da là thịt làm nên Châu thổ Cửu Long. Mai này (mà cái ngày mai đó có vẻ không còn xa lắm) cạn nước, cạn đất ngọt mà con người thì nghèo trí tuệ thì sống sao đây?
Tương lai nào cho vùng đất này? Câu trả lời phụ thuộc lớn vào năng lực và quan điểm hành động của chính quyền, có sẵn sàng đi theo qui luật phát triển kinh tế - xã hội chung, qui luật phát triển bền vững. Đó là khái niệm không chỉ đo đếm bằng sự thịnh vượng của nền kinh tế mà còn rất quan trọng đó là sự phát triển kh6ng huỷ hoại tới tương lai, là sự phân phối công bằng thu nhập của các nhóm trong xã hội, là sự tiếp cận của đại đa số người dân với hệ thống chăm sóc sức khỏe và giáo dục, là cơ hội việc làm, là cơ hội được sống trong một môi trường không khí trong lành, có đủ nước sạch cho cuộc sống hàng ngày, là môi trường xã hội có ít hay nhiều tội phạm v.v… Và để có được thành quả đó, kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển đã cho thấy con đường khôn ngoan là phát triển kinh tế ít ảnh hưởng nhất tới môi trường, rút dần tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế, đưa nhanh nông nghiệp theo hướng tập trung, qui mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến để tăng năng suất lao động, phát triển công nghiệp vừa và nhỏ đặc biệt là công nghiệp chế biến sâu, phát triển kinh tế biển, phát triển dịch vụ, du lịch theo con đường phát triển xanh, giữ được nguyên bản, với vùng đất có lợi thế cạnh tranh về nông nghiệp này đó là sự phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái trong đó có 3 loại hình có thể giữ được phát triển kinh tế “xanh” mà thế giới đang hướng tới đó là Du lịch Sinh thái Điểm đến (du lịch miệt vườn), Du lịch Sinh thái Nghỉ dưỡng và Du lịch gắn với thiên nhiên môi trường (Ecolodge), phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng đốt ( biogas hoặc biomass) đi cùng phát triển văn hóa bản địa có dấu ấn riêng biệt… Đó là cứu cánh để miền châu thổ phì nhiêu này bứt phá trước khi nó bị nhấn chìm trong rủi ro do biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, để có những hành động khôn ngoan hay không còn là câu hỏi lớn với những người làm quyết sách quốc gia và của vùng. Thực tế cho thấy nó còn khá xa vời kể cả từ tư duy, nhận thức lẫn tính thực tiễn của các hành động. Chỉ nói riêng câu chuyện nông nghiệp vốn đang là câu chuyện được ưu tiên hàng đầu. Nước Mỹ thế kỷ 19,  nông nghiệp chiếm 90%, bước sang thế kỷ 21 họ còn 1% nhưng vẫn dư thừa thực phẩm. ĐBSCL bước sang thế kỷ 21 vẫn chủ yếu dựa vào khai thác nông nghiệp một cách thô sơ như nước Mỹ cách đây 200 năm (!) Có ai đã nhìn ra mặt trái của chiến lược chỉ ưu tiên phát triển lúa gạo với vấn đề nghèo đói, suy giảm môi trường? Chính niềm tự hào “lợi thế nông nghiệp” lại đang là bẫy chết người của ĐBSCL bởi nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà khi thấy chiến lược chỉ nghiêng về nông nghiệp. Cũng chính bởi điều đó mà nhiều năm qua miền đât Cửu Long không đủ sức hấp dẫn để các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tìm đến. Cơ sở hạ tầng cả hạ tầng cứng như giao thông, cầu cảng… lẫn mềm (nguồn nhân lực, hệ thống dịch  vụ…) yếu kém, cộng thêm chính sách không đồng bộ, lại chỉ ưu tiên cho nông nghiệp phát triển theo chiều rộng sẽ khiến ĐBSCL khó có được sự bứt phá bởi không có nguồn lực để thực hiện nổi mục tiêu cho dù có nhận thức được.
Thêm nữa, một chiến lược khôn ngoan không thể thành công nếu không có những chính sách khôn ngoan phù hợp. Chỉ ví dụ trong nông nghiệp, một số chính sách “mốt” đã ra đời đang được coi như công cụ hữu hiệu để thực thi chiến lược phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn trong đó có nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL  như nghị định 61/CP thúc đẩy doanh nghiệp tăng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 41/CP tăng tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn v.v…,  nhưng để nó trở thành cột đỡ, thành công cụ sử dụng hiệu quả làm chuyển biến kinh tế ĐBSCL (vốn chủ yếu là nông nghiệp)  thì không thể bởi nó không đi đồng bộ với nhiều chính sách mang tính tiên quyết khác  như chính sách đất đai, chính sách phát triển kinh tế trang trại v.v… Một nền kinh tế tư bản, tổ chức qui mô sản xuất lớn, mang tính hàng hoá cao chưa được ra đời thì không thể tích luỹ đủ tiềm lực vật chất tạo nền tảng cho phát triển bền vững xã hội và môi trường vốn là những thành tố làm  nên sự phát triển bền vững của một vùng đất.
Tháng Sáu, 2014, Việt Nam ký hợp tác chiến lược với Hà Lan phát triển ĐBSCL, ứng phó với biến đổi khí hậu trong đó có một nội dung quan trọng là xây dựng chiến lược dài hạn phát triển bền vững cho vùng đất này với điểm chốt đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố “ưu tiên đầu tư cho khu vực ĐBSCL theo hướng tổng hợp và bền vững”. Đó là một hướng đi đúng, một tín hiệu khả quan đảm bảo cho vùng đất Cửu Long tồn tại và phát triển, lại biết chọn đúng Hà Lan là nhà tư vấn trợ giúp bởi hơn bất kỳ một đối tác nào, Hà Lan có điều kiện địa lý gần nhất với ĐBSCL, lại là một quốc gia phát triển hàng đầu thế giới, đã đi trước hàng trăm năm, hiểu rõ cái giá phải trả nếu chỉ thuần tuý phát triển kinh tế bằng khai thác tài nguyên tận diệt.
Tuy nhiên, một chiến lược, một kế hoạch do người nước ngoài làm “ bản chỉ đường” giúp, dù có đúng đường nhưng chỉ có thể đem tới thành công khi nào nó  có được một con đường để đi theo bảng chỉ dẫn đó. Con đường đó cần có cốt nền là thế chể, tổ chức kinh tế - xã hội theo chuẩn chung thế giới để từ đó xây nên con đường cho ĐBSCL phát triển bền vững. Nếu không, vùng đất này sẽ biến mất dần khỏi bản đồ thế giới…
(còn tiếp)
-------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét