Translate

Trang BVB1

Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015

Đồng bằng sông Cửu Long – 40 NĂM NHÌN LẠI - Kỳ 11

* LÊ PHÚ KHẢI
( tiếp theo)
HÀNH TRÌNH 40 NĂM CON TÔM
       Người đầu tiên “phát minh” ra nghề nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long là anh Tư Mưa ở xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Cũng như đa số dân Viên An Đông, Tư Mưa sống trong rừng ngập mặn, ngày ngày đi bắt cua, bắt ốc làm rẫy, đóng đáy sông rạch… 
Năm 1980, Tư Mưa đắp bờ bao 22 hecta đất rẫy và dẫn nước vào nuôi tôm. Sau 22 ngày, anh sổ nước lần đầu và bắt được 8 tấn tôm. Nghề nuôi tôm trong rừng ngập mặn ở Viên An Đông ra đời từ đấy. Nhưng nghề này chỉ dừng lại ở trạng thái tự phát manh mún, mà phải đợi đến khi chi nhánh Liên doanh Thủy sản huyện Ngọc Hiển đóng tại xã đầu tư vốn, vật tư, kĩ thuật… rồi gom những mái nhà heo hút tối tăm phân tán trong rừng đước về tập trung thành những làng cá… thì nghề nuôi tôm ở  Đồng bằng sông Cửu Long mới phát đạt từ đó…
Nhưng không “hiền” như cây lúa, con tôm từ khi xuất hiện ở Đồng bằng sông Cửu Long đã gây bao sóng gió. Điều này không mấy khó giải thích. Đó là vì giá trị của nó. Trong lúc bán 1 kg lúa giá 2.000đ người trồng lúa đã thấy mừng, thì con tôm đã có lúc giá lên đến đỉnh cao chót vót như vào năm 2000 ở huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng với 160.000 đồng/kg! Đã không biết bao nhiêu lần Đồng bằng sông Cửu Long lên “cơn sốt” giá tôm. Và cũng có năm tôm chết hàng loạt, chết vào lúc 40 ngày tuổi sắp được thu hoạch, chết trên diện rộng gây thiệt hại lớn như vào năm 1994.
Nhận thấy rõ những tác hại của mặn là hủy diệt cây trồng nông nghiệp, gây trở ngại cho cuộc sống con người và tính chất khó khăn, phức tạp của nghề nuôi tôm nên Nhà nước chỉ cho phép nông dân được nuôi tôm ở ngoài vùng đã được quy hoạch ngọt hóa, ngoài đê bao giữ ngọt, ngăn mặn.
Nhưng do sức hút của con tôm quá lớn nên một số nơi, nông dân tự động phá đê bao vùng được quy hoạch ngọt lấy nước mặn vào nuôi tôm. Thậm chí có nơi còn đi 30-40 cây số chở nước mặn về vùng đã ngọt hóa để nuôi tôm. Thế là thôn ấp náo loạn, mất đoàn kết nghiêm trọng giữa người trồng lúa và nuôi tôm. Thể theo nguyện vọng của nông dân, rà soát lại việc quy hoạch vùng ngọt, nhất là vùng giáp ranh mặn ngọt từ sản xuất tôm phải chuyển sang lúa, Chính phủ đã điều chỉnh, mở rộng diện tích nuôi tôm cho một số vùng như ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Đến năm 2000, tức sau hơn 10 năm đổi mới, sản xuất nông nghiệp ở nước ta có bước phát triển tốt, đặc biệt sản xuất lúa. Nhưng khối lượng sản xuất lúa gạo ngày càng gia tăng mà giá gạo thị trường thế giới có khuynh hướng giảm dần nên đời sống người trồng lúa bị ảnh hưởng. Nhằm tăng lợi nhuận trên một đơn vị đất chuyên lúa thấp hơn nhiều so với cây trồng vật nuôi khác, Chính phủ đã ban hành nghị quyết 09/CP ngày 15-6-2000 đề ra một số chủ trương, chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Nghị quyết 09 chỉ rõ: “Phải khai thác được lợi thế của cả nước và từng vùng, bám sát nhu cầu thị trường trong nước và thế giới, phải có khả năng tiêu thụ được hàng hóa, có hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và sinh thái”.
Trên tinh thần đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được Bộ Nông nghiệp đề xuất hẳn đất lúa năng suất thấp sang nuôi tôm nước mặn khoảng 40.000 hecta chủ yếu của hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. Cũng chính trong thời điểm triển khai nghị quyết 09, vào đầu năm 2001 mô hình lúa mùa sớm – tôm nước lợ đang bộc phát mạnh ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đặc biệt ở tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu với diện tích 100.000 hecta khi hệ thống kinh mương, con giống, kỹ thuật nuôi trồng… chưa đủ điều kiện cho nuôi tôm. Hiện tượng này đã được các nhà quản lý và khoa học cảnh báo trong Hội nghị sơ kết vụ Đông Xuân 2000-2001, do Bô Nông nghiệp triệu tập tại Tiền Giang tháng 4-2001.
Sau ba năm đầu (2001-2002-2003) thực hiện Nghị quyết 09, vùng chuyển đổi từ lúa sang nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long đã thu được kết quả đáng mừng, đời sống nhiều hộ dân được nâng lên, mức tăng trưởng kinh tế như ở Bạc Liêu đạt đến 18-20%/ năm; ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, thu nhập về nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện bình quân trong 2 năm là khoảng 25 triệu đồng/ha/năm, tăng 2 lần so với trồng lúa. Phải thừa nhận rằng, nhờ chuyển đổi nuôi tôm trên đất lúa mà rất nhiều nông dân đã đổi đời. Đi trên rạch Đầm Chim, một vùng sâu của huyện Đầm Dơi (Cà Mau), người ta thấy những ngôi nhà tường sáng choang mọc lên nhờ trúng mùa tôm. Cán bộ ngành thủy sản địa phương còn giải thích cho chúng tôi loại nhà tường này là được xây dựng trong vụ tôm X, loại nhà tường kiểu kia là xây trong vụ tôm năm Y…
Nhưng cũng từ năm 2003, đặc biệt 2004 và bước sang 2005… tình hình vùng tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long đã trở nên nghiêm trọng. Bên cạnh những hộ chuyển đổi thành công, một số không ít hộ trắng tay, sạt nghiệp, nợ nần không trả được! Ở Bạc Liêu, dư nợ “khó đòi” lên đến 5% trong số vốn ngân hàng Nhà nước đầu tư cho nuôi trồng thủy sản 3.600 tỷ đồng. Huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) đã làm một việc bắt buộc là khởi kiện 29 khách hàng ra tòa vì thiếu nợ (!); huyện Mỹ Xuân (Sóc Trăng) tổng dư nợ cho vay nuôi tôm lên đến 247 tỉ đồng; ở Cà Mau, đến hết tháng 4 -2005, tổng số tiền cho vay để chuyển dịch cơ cấu kinh tế là 2.750 tỷ, còn cho nợ 1.357 tỷ đồng, trong đó không ít nợ khó đòi…
Nhiều nông dân trong vùng được quy hoạch nuôi tôm, qua nhiều vụ tôm chết hoài, đâm ra chán nản. Nhiều hộ dân muốn trở lại làm lúa?! Tỉnh Bạc Liêu có 2000 hecta ao tôm bỏ hoang.
Nhưng đã nuôi tôm trở lại làm lúa đâu có dễ. Vì sao có tình cảnh bất ổn nghiêm trọng kể trên và phải làm gì trong thời gian tới để tiếp tục duy trì nghề nuôi tôm bền vững đã được xem là một mũi nhọn có tính chiến lược ở Đồng bằng sông Cửu Long?
Trước tình hình bất ổn của vùng tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long mà các phương tiện thông tin đại chúng đã đồng thanh lên tiếng từ Nam chí Bắc, Bộ Thủy sản đã cử một đoàn cán bộ đứng đầu là Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng gồm đại diện lãnh đạo Vụ nuôi trồng thủy sản, Viện nuôi trồng thủy sản II đóng tại TPHCM, kết hợp với cán bộ thủy sản và chính quyền các địa phương có diện tích nuôi tôm lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long như Bạc Liêu, Cà Mau để tổ chức các cuộc hội thảo ngay tại xã.
Qua thực tế nghe tận tai người nuôi tôm nói, nhìn tận mắt ruộng tôm khô cạn, không khó mấy để người ta đi đến những kết luận về sự bất ổn của vùng tôm Đồng Bằng Sông Cửu Long lúc đó:
Bảy tháng đầu năm 2005, sản lượng nuôi trồng thủy sản ở Cà Mau là 71.000 tấn, đạt 55,5% kế hoạch, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2004, trong đó có 51.000 tấn tôm. Ở huyện Đầm Dơi (Cà Mau) có 384 hecta nuôi tôm theo phương thức công nghiệp, năng suất 4-5 tấn/ha/vụ, trên 95% hộ nuôi tôm công nghiệp có lãi. Như vậy nhìn tổng thể, bức tranh con tôm ở vùng mặn Đồng bằng sông Cửu Long không đến nỗi quá thê lương như khi chỉ nhìn nó ở từng góc hẹp.
Những điều kiện chưa đủ dẫn đến thất bại bao gồm 4 yếu tố sau đây:
- Trước nhất là cơ sở hạ tầng nhằm vào thủy lợi. Từ trước đến nay hạ tầng thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và vùng nhiễm mặn nói riêng đều nhằm phục vụ sản xuất lúa. Khi các công trình thủy lợi cấp nước và thoát nước phục vụ nuôi trồng thủy sản chưa hoàn chỉnh mà vội vã chuyển đổi cơ cấu sản xuất thì thất bại là cầm chắc.
- Thứ hai là công tác giống, hầu hết những ý kiến trong các cuộc hội thảo, nông dân đều ta thán về tình trạng thiếu con giống và dù là giống đã kiểm dịch hay bị bệnh, nếu đã được đưa từ miền Trung vô thì sớm muộn cũng sẽ được bán sạch cho người nuôi tôm. Đây là trách nhiệm hoàn toàn thuộc về ngành thủy sản trong việc quản lý ngành đã được nêu lên từ nhiều năm nay. Toàn tỉnh Cà Mau hiện có 905 trại sản xuất tôm sú giống, bảy tháng đầu năm đã sản xuất được 2,5 tỷ con giống nhưng vẫn phải nhập từ miền Trung 2,7 tỷ con!
- Thứ ba là trình độ tay nghề của người sản xuất. Khác hẳn với nghề trồng lúa đã có kinh nghiệm lâu đời trong dân gian, nghề nuôi tôm hoàn toàn mới mẻ, đòi hỏi người nông dân có hiểu biết khoa học, phải được chuyển giao kỹ thuật. Mặc dù các địa phương đã rất cố gắng trong công tác khuyến ngư nhưng còn xa mới đáp ứng được yêu cầu của sản xuất.
- Thứ tư là vốn và thị trường. Nhu cầu vốn cho một hecta chuyển đổi cần tối thiểu là 30 triệu đồng… Ngân hàng chưa đáp ứng được yêu cầu cho vay với mức vốn như thế với nông dân. Một điều hết sức mới mẻ là tại tất cả các địa điểm hội thảo nông dân đều có yêu cầu phải hình thành các tổ chức như tập đoàn, hợp tác xã… cho người sản xuất tôm. Sản xuất có tính tập thể đang là yêu cầu bức xúc của nông dân vùng nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì vậy mà các ngành chức năng trong thời gian tới sẽ phải cử mỗi cấp ít nhất một cán bộ chuyên trách lo hình thành các tổ chức này ở vùng tôm.
Đồng bằng sông Cửu Long có 1,4 triệu hecta đất chịu ảnh hưởng của mặn, đã có hơn 600.000 hecta nuôi trồng thủy sản, trong đó có 450.000 hecta nuôi tôm sú, nhiều nhất là ở Cà Mau và Bạc Liêu, Sóc Trăng… Đó là vùng một vùng kinh tế quan trọng ở đồng bằng. Nếu những bất ổn xảy ra ở vùng này không kịp thời khắc phục sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long những năm sau.
Kể từ nghị quyết 9 (09/CP) được thực thi và có chỉ đạo sát sao của Bộ Thủy sản, tình hình con tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long đi vào ổn định những năm sau đó… Để con tôm nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, những việc cần làm tốt hơn là phải quy hoạch thủy lợi cho vùng nuôi tôm một cách đồng bộ, đầu tư lớn cho các trại sản xuất con giống, cung cấp thức ăn, thú y thủy sản cho con tôm nuôi. Công tác khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cần được làm tốt hơn nữa, vì nuôi tôm thực chất là một ngành công nghiệp sinh học hiện đại, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long xưa nay chỉ có kinh nghiệm trồng lúa, nhiều người “nhảy” vô nuôi tôm mà không có kiến thức và kỹ năng là thất bại nặng nề!
Phá rào cản thương mại trong những năm tới là một khâu rất quan trọng để phát triển nuôi tôm bền vững. Cuối cùng là phải mở rộng diện tích nuôi tôm theo mô hình công nghiệp và bán công nghiệp.
Cho đến khi tôi viết những dòng chữ này (tháng 9-2014) – tức gần 35 năm sau, năm anh Tư Mưa ở xã Viên An Đông huyện Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau “phát hiện” ra nghề nuôi tôm – theo một cuộc khảo sát nhỏ của tôi thì, diện tích nuôi tôm nước lợ (tôm sú) ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là 600.000 hecta. Tôm thẻ chân trắng (60 con một ký) có giá là 116.000 đồng một ký. Tôm thẻ 70 con một ký có giá 112.000 đồng một ký; 90 con một ký có giá  là 100.000 đồng. Tăng 20.000 đồng một ký so với đầu năm 2014. Sáu tháng đầu năm 2014 đã xuất khẩu tôm sú  trị  giá 1,4 tỷ USD, chiếm 49% giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước.


CON CÁ TRA KHÔNG TIN VÀO… NƯỚC MẮT!
Thời Xô Viết, bên Liên xô có bộ phim truyện mang tựa đề “Matxcơva không tin vào nước mắt” nổi tiếng, gây ấn tượng mạnh với khán giả Việt Nam một thời. Con cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long có đủ dữ liệu và kịch tính để xây dựng một kịch bản phim truyện như thế: “Con cá tra không tin vào… nước mắt!” nếu các nhà văn Việt Nam đủ tài!
Hồi năm 1977, mới thống nhất đất nước, lúc đó tôi đang công tác ở Đài Truyền hình TW (nay là THVN) có làm một phim tài liệu khoa giáo mang tên “Nghề nuôi cá ở nước ta”. Trước  đó đã từng làm những phim nuôi cá ở miền Bắc, nay đất nước thống nhất, được làm phim về nghề  nuôi cá trên phạm vi cả nước nên phấn khởi lắm. Đoàn làm phim chỉ có hai người, tôi là tác giả kịch bản, anh Minh Đại là đạo diễn kiêm quay phim. Chúng tôi đi máy bay vô TP.HCM rồi đón xe đò về An Giang – Châu Đốc. Quay được cảnh cá nhảy nhao nhao khi cho cá ăn ở các bè nuôi cá tại Châu Đốc trên sông Hậu, quay phim Minh Đại phấn khởi quá, cậu ta cũng nhảy lên như con cá basa dưới bè!!! Chúng tôi còn vô các xã ấp ở An Giang để quay các ao nuôi cá tra. Khi về Hà Nội rồi, làm hậu kỳ phim xong, được duyệt và phát sóng vào giờ “vàng” là cuối chương trình thời sự lúc 19 giờ tối. Nhưng hỡi ôi! Chiều hôm đó, bỗng điện thoại phòng tôi làm việc reo lên! Tổng giám đốc Đài Lý Văn Sáu yêu cầu tôi lên gặp ông. Khi tôi đẩy cửa bước vô Tổng giám đốc nói: Cá tra viết “ch” hay “tr”? Tôi choáng váng! Quả thực là lúc đi làm phim tôi không để ý chi tiết này. Thấy tôi lúng túng, ông liền nói: Nếu trong hai tiếng đồng hồ nữa cậu không trả lời được câu hỏi này tôi sẽ thay phim của cậu bằng phim khác. Ông còn nói tiếp: Đài truyền hình quốc gia, phát thanh viên phải phát âm cho chuẩn để làm gương cho các đài địa phương…
Giám đốc Sáu nói chí lý quá. Tôi quên cả chào ông, vội chạy tắt qua một ruộng rau muống sang Bộ Thuỷ sản ở gần đó để hỏi cá tra phát âm thế nào? “ch” hay “tr”!
Con cá tra là như thế, ngày mới thống nhất đất nước, cả miền Bắc và miền Trung nước ta ít ai biết con cá tra như thế nào. Ông Lý Văn Sáu quê ở miền Trung cũng không biết nốt, nên mới làm tôi một vố… toát mồ hôi (!) nhớ đến bây giờ. Còn bây giờ ư? Con cá tra của Đồng bằng sông Cửu Long đã được tiêu thụ ở 130 nước và vùng lãnh thổ trong đó có: Urcraina, Nga, Hà Lan, Mỹ, Ba Lan, Singapore, Ả Rập Xê út, Mêhicô, Hồng Kông, Nhật Bản v.v…
Hai chữ “cá tra” luôn xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cá tra là sản phẩm độc đáo và giá trị của Đồng bằng sông Cửu Long. Phù sa nước ngọt, khí hậu ôn hoà… đã sinh ra nó. Và còn hơn cả con tôm nuôi, con cá tra đã gây biết bao sóng gió trên thị trường thuỷ sản Việt Nam. Có thời gian, nhiều người giàu tấy lên vì nuôi cá tra, ít lâu sau có người khuynh gia bại sản vì con cá tra. Người nuôi cá da trơn ở Mỹ từng kiện chính phủ Mỹ vì không công bằng với họ, lý do là, Việt Nam chưa phải là kinh tế thị trường, người nuôi cá tra ở Việt Nam được chính phủ hỗ trợ để họ bán phá giá! Gây thiệt hại cho người nuôi cá da trơn ở Mỹ. Việt Nam thì phản đối kịch liệt. Có lúc còn kiện tụng nhau về vụ cá tra! Nghe đâu tỉnh An Giang có xây cả một cái tượng đài về con cá tra!
Người viết đã từng về thăm hai ao nuôi cá tra của ông Bảy Nhị ở An Giang, mỗi ao 1 hecta. Ông Bảy Nhị (Nguyễn Minh Nhị) sau khi rời chức chủ tịch tỉnh An Giang, nghỉ hưu cũng về nuôi cá tra. Hai cái hồ nuôi cá tra của ông Bảy ở đất cồn giữa sông Hậu. Nước ngọt vào ra thật thuận lợi. Đi quanh hai cái hồ nuôi cá tra, chỉ nhìn những cây đu đủ mọc quanh hồ mang trái cũng thấy sướng con mắt. Bầy chó cả chục con chạy quanh hồ, con nào cũng béo tròn béo trục vì chúng được ăn cơm trắng với cá quanh năm! Con cá tra lớn lên ở môi trường như thế nên nó là đặc sản của vùng đất này. Nhiều lúc nó bùng phát nên đã từng rơi vào khủng hoảng thiếu thừa.
Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phải xây dựng kế hoạch sản xuất và tiêu thụ cá tra cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020. Đề án đó rất cụ thể về kế hoạch sản xuất và tiêu thụ, kể cả dự báo cạnh tranh quốc tế của mặt hàng cá tra Việt Nam với một số nước có điều kiện sản xuất tương tự như Việt Nam là Trung Quốc, Thái Lan, Bangladesh và Mỹ…
Hội nghị triển khai đề án trên của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn được tiến hành tại Cần Thơ cuối năm 2009 do Bộ Trưởng Cao Đức Phát chủ trì có đầy đủ các chủ trang trại nuôi cá, chủ doanh nghiệp, chế biến và xuất khẩu hội nghề cá Việt Nam dự.
Theo số liệu của bộ Nông nghiệp và phát triển n ông thôn thì sản lượng cá tra của Đồng bằng sông Cửu Long chiếm trên 95% sản lượng cá da trơn của cả nước. Tuy chỉ với 6.160 ha nuôi ở 9 tỉnh, thành phố trong vùng những giá trị xuất khẩu cá tra giai đoạn 2000-2008 đã gần đuổi kịp tôm nuôi nước lợ. Năm 2008 sản lượng cá tra nuôi đạt trên 1,2 triệu tấn, sản lượng xuất khẩu đạt 640.829 tấn (tăng 65,6% so với năm 2007) và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,453 tỷ USD, chiếm 32,2% tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản của cả nước (tăng 48,4% so với năm 2007) và đóng góp khoảng 2,0% GDP của cả nước. Thị trường tiêu thụ cá tra ngày càng mở rộng.
Vấn đề đặt ra hiện nay là phải nắm giá cả con cá tra ngay từ đầu vụ để thông báo cho người nuôi cá. Giá cá tra hiện tại (2014) là từ 15.000 đến 25.000 đồng/1ký.
Theo chi cục thuỷ sản các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đến tháng 8-2014, luỹ kế diện tích nuôi mới cá tra là 2.323 ha và diện tích thu hoạch là 2.146 ha, sản lượng 586.413 tấn, năng suất đạt trung bình khoảng 273 tấn/ha. Các tỉnh có diện tích nuôi và đạt sản lượng cao như An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ (chiếm khoảng 87% tổng diện tích và sản lượng của Đồng bằng sông Cửu Long).
Số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra đến nửa đầu tháng 7 năm 2014 đạt trên 890 triệu USD, giảm 2,12% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó EU chiếm 21,23% trở thành thị trường nhập khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam, tương đương với 189,57 triệu USD. Thị trường Mỹ chiếm 18,27% tương đương 163,12 triệu USD, giảm 31,86% so với cùng kỳ năm 2013. Hiện tại, cá tra Việt Nam xuất khẩu đến 137 quốc gia và vùng lãnh thổ…
(còn tiếp)
-------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét